Nguyên tác: Nguyên Bản Tiếng Anh : Arch Of Triumph 'arc De Triomphe' (1945)
Số lần đọc/download: 3045 / 116
Cập nhật: 2017-04-13 11:09:38 +0700
Chương 26
X
e dừng lại ở góc đường Vaugirard.
- Có chuyện gì thế? - Ravic hỏi.
- Biểu tình - Người lái xe nói, không ngoảnh lại -Lần này thì của phe cộng sản.
Ravic nhìn Kate Hegstroem. Cô nhỏ bé và mong manh trong bộ trang phục ngự tiền phu nhân triều đình Louis XIV. Khuôn mặt đánh phấn nhiều trông như hơi xanh. Lưỡng quyền và thái dương nhô lên.
- Khá lắm - Ravic nói - Tháng Bảy 1939, một cuộc biểu tình phát-xít của bọn Thập tự Lửa cách đây năm phút, rồi bây giờ đến lượt phe cộng sản... và chúng ta đây lại mặc y phục của thế kỷ XVII lẫy lùng. Quả là không tồi, Kate ạ.
- Có can hệ gì đâu? - Kate nói.
Ravic ngắm đôi giày escarpins. Giây phút này quả đầy ý mỉa mai. Chưa kể là bất cứ viên cảnh binh nào cũng có thể bắt anh ngay.
- Hai vị có muốn tôi thử chạy vòng qua phố khác không? - Người lái xe của Kate hỏi.
- Bây giờ anh không quay xe được đâu. - Ravic nói - Phía sau chúng ta có nhiều xe quá rồi.
Đoàn người biểu tình diễu qua một cách điềm đạm, bình tĩnh, giương cao những tấm biểu ngữ và những lá cờ. Không có ai hò hát gì. Nhiều người cảnh binh đi kèm hai bên đoàn người. Ở góc phố Vaugirard có một tốp cảnh binh khác mà hình như không có ai để ý đến. Họ đều đi xe đạp. Một người trong tốp làm nhiệm vụ tuần tra. Hắn dòm vào xe Kate, rồi lại đi tiếp, vẻ mặt không hề thay đổi.
Kate bắt gặp khóe nhìn của Ravic.
- Hắn ta không ngạc nhiên - Cô nói - Hắn biết rồi. Cảnh sát đã được báo trước. Vả lại vũ hội ở nhà Montfort là sự kiện nổi bật của mùa này. Chắc chắn là tòa nhà và khu vườn sẽ có một đội cảnh sát bảo vệ.
- Chị làm cho tôi hoàn toàn yên tâm.
Kate Hegstroem mỉm cười. Cô tuyệt nhiên không biết gì về tình cảnh của Ravic.
- Chẳng có mấy khi ở Paris lại có thể thấy bây nhiêu đồ nữ trang vô giá được tập trung dưới một mái nhà như vậy. - Kate Hegstroem nói - Cảnh sát không muốn bỏ sót một khả năng nào có cơ xảy ra một vụ trộm cướp. Thậm chí sẽ có cả những thám tử trà trộn vào đám tân khách.
- Cũng hóa trang chứ?
- Có thể. Sao anh hỏi thế?
- Tôi muốn biết. Tôi có ý định chiếm đoạt bộ ngọc bích của Rothschild.
Kate hạ cửa kính xuống.
- Anh thấy chán, tôi biết. Nhưng lần này anh không trót lọt được đâu.
- Tôi không chán, Kate ạ. Trái lại. Tôi có việc gì khác để làm đâu. Họ có thết rượu không?
- Dĩ nhiên. Tôi lại có thể ra hiệu cho người quản thiện. Tôi quen anh ta khá lâu.
Có thể nghe rõ tiếng chân đoàn người bước trên mặt đường lát đá. Họ không diễu hành. Họ đi lộn xộn. Người ta có cảm giác như một đàn gia súc mệt mỏi đang kéo qua.
- Giá được chọn, anh sẽ sống vào thế kỷ nào, Ravic?
- Thế kỷ của chúng ta. Nếu không, giờ này tôi đã chết rồi, và sẽ có một thằng ngốc mặc y phục của tôi đi dự dạ hội.
- Tôi không muốn hỏi thế. Tôi muốn biết là nếu cho anh chọn thì anh sẽ chọn thế kỷ nào để làm lại cuộc sống.
- Cũng thế thôi. - Anh vừa nói vừa ngắm ông tay áo.
- Thế kỷ của chúng ta, thế kỷ bỉ ổi nhất, đẫm máu nhất, thối nát nhất, vô nhị nhất và hèn nhát nhất, nhưng như thế cũng chẳng sao cả.
- Tôi thì không - Kate vừa nói vừa xiết hai tay lại như bị lạnh. Chất gấm bóng mịn lấp loáng quanh, cổ tay cô - Tôi sẽ chọn thế kỷ thứ mười bảy, hay một thế kỷ trước nữa. Nhưng tôi sẽ không chọn thế kỷ chúng ta. Mãi đến mấy tháng gần đây tôi mới nhận ra điều này. Trước kia tôi chưa bao giờ buồn nghĩ tới. - Cô hạ hẳn tấm kính xuống - Trời nóng quá nhỉ! Mà lại ẩm nữa! Đoàn biểu tình đã đi hết chưa?
- Hết rồi. Đây là những người đi sau cùng.
Một tiếng súng nổ. Nó xuất phát từ miệt phố Cambronne. Trong nháy mắt, tốp cảnh sát ở góc đường đã nhảy lên xe đạp. Một người đàn bà hét lên. Một tiếng rì rầm lan qua đám đông như thể để đáp lại. Nhiều người cắm cổ chạy, cảnh binh xông vào đám đông, dùi cui giơ cao.
- Có chuyện gì xảy ra thế? - Kate hoảng hốt hỏi.
- Chẳng có gì đâu. Hình như có xe nào nổ bánh.
Người lái xe ngoảnh lại, mặt biến sắc đi:
- Đó là... - Anh bắt đầu.
- Bây giờ đi được rồi đây. - Ravic ngắt lời anh ta.
Tưởng chừng như một cơn gió lốc đã quét sạch ngã tư đường.
- Tới đi! - Ravic nhắc lại.
Từ phía đường Cambronne có những tiếng la ó vang lên. Lại một tiếng súng nổ. Người lái xe cho xe đi tiếp.
Họ ngồi trên khoảng sân hiên trông xuống khu vườn. Đâu đâu cũng thấy những người đeo mặt nạ. Trong bóng tối của các lùm cây, mấy khóm hoa hồng đang nở rộ. Những cây đèn nến có chao tỏa ra một ánh sáng rung rinh. Trong một gian nhà bát giác, một giàn nhạc nhỏ đang chơi một bài menuet, cảnh dạ hội giống như một bức tranh của Watteau sống dậy.
- Đẹp nhỉ? - Kate Hegstroem nói.
- Đẹp.
- Thật không?
- Thật. Kate ạ. Ít nhất là nếu nhìn từ xa.
- Đi đi. Ta ra vườn đi.
Dưới những rặng cây cành lá xum xuê, một cảnh tượng huyền ảo hiện ra. Ánh sáng lung linh của những cây đèn nến óng ánh trên những tà áo gấm điểm kim tuyến và ngân tuyến, những lớp nhung hồng, xanh màu nước, hay màu lam nhạt. Những tia sáng chập chờn run rẩy soi vào những bộ tóc giả to tướng và trên những đôi vai trần thoa phấn mà tiếng vĩ cầm dường như đang vuốt ve mơn trớn. Những đôi nam nữ lần lượt đi khuất từ từ ở những chỗ rẽ ngoặt trên các lối đi. Nơi này một vòi nước tung lên một ngọn thác pha lê, nơi nọ, những dãy rào xén tinh vi làm thành một cái nền cách điệu hóa.
Ravic nhận thấy những người phục vụ cũng được hóa trang. Vậy thì các thám tử ắt cũng thế. Cũng khá thú vị nếu bị Molière hay Racine bắt giam. Hay bị một anh hề trong triều đình khóa tay lại.
Anh ngước mắt nhìn lên trời. Một giọt nước to và ấm vừa rơi trúng tay anh. Bầu trời mau đỏ đã sẫm lại.
- Trời sắp mưa rồi, Kate ạ.
- Ồ, không đâu. Vô lý. Vườn này...
- Rõ ràng là mưa đến nơi rồi. Nhanh lên!
Ravic cầm lấy tay Kate, và hai người chạy vội về phía sân hiên. Họ đến nơi đúng vào lúc cơn mưa rào đổ ập xuống. Mưa rơi xối xả, làm tắt hết các ngọn nến. Chỉ trong vài giây, những dải trang hoàng trên các bàn đều rũ ra như những miếng giẻ bẩn. Thế là một cảnh hốt hoảng diễn ra. Các hầu tước phu nhân, công tước phu nhân và ngự tiền phu nhân đều ùa vào sân hiên, tay nâng tà áo gấm. Các vị công hầu, nguyên soái và đại thần cố che cho mấy bộ tóc giả khỏi ướt và xô nhau chạy như một lũ gà vịt đủ các màu sắc bị con gì đuổi theo. Nước chảy vào các tấm áo hở ngực, hở vai, hòa tan son phấn. Một tia chớp nhợt nhạt trùm lên khu vườn một áng sáng hư ảo, trong khi bầu trời rung lên trong một tiếng sấm dữ dội.
Trên khoảng sân hiên có mái che, Kate co ro nép người vào Ravic.
- Trước đây chưa có lần nào như thế này - Cô nói, vẻ bối rối - Tôi đến đây đã nhiều lần mà chưa bao giờ trời lại mưa như thế này. Chưa bao giờ.
Mấy người đầy tớ mặc áo mưa cầm ô chạy ra vườn. Những đôi tất xa tanh tương phản một cách kỳ dị với những chiếc áo mưa hiện đại... Họ đưa về sân hiên nhưng ngự tiền phu nhân cuối cùng ướt như chuột lột rồi lại chạy đi tìm những chiếc khăn choàng, những đôi găng và những cái quạt đánh rơi ngoài vườn. Một người trong bọn họ cầm một đôi giày thiếp vàng. Hắn cầm đôi giày một cách hết sức thận trọng trong hai bàn tay to tướng. Nước chảy ròng ròng trên các bàn không.
- Ta vào thôi. - Kate nói.
Trong nhà, các gian phòng quá nhỏ đối với số tân khách. Rõ ràng là không có ai dự kiến trời có thể đổ mưa. Các phòng hãy còn đầy cái không khí ngột ngạt của ngày vừa qua, và đám khách đông nghịt lại làm cho nó càng nặng nề hơn nữa. Những bộ áo dài cồng kềnh của các bà đều nhàu nhò. Những mảng đuôi áo lụa dài lê thê của họ đều bị rách trong khi chạy. Trong phòng chật chội đến nỗi gần như không cựa vào đâu được.
Ravic đứng cạnh của với Kate Hegstroem. Trước mặt anh là một hầu tước phu nhân de Montespan đẫy đà, mái tóc ướt sũng dán hết vào sọ, đang thở hổn hển. Quanh cái cổ mập mạp, bà ta đeo một chuỗi kim cương. Bà ta trông như một bà chủ hiệu gia vị bị ướt đứng giữa một đám rước hóa trang. Bên cạnh bà ta, một người đàn ông hói và không có cằm đang ho sù sụ. Ravic nhận ra ông ta. Đó là blancher ở Quai d’Orsay, rất đẹp, mặt trông nghiêng giống như mặt chó săn nói lévrier đứng trước mặt ông ta; một ông nam tước người Do Thái, béo phị, dáng dấp hạ lưu, đầu đội cái mũ có giát ngọc, xoa vai hai người đàn bà ra vẻ tán thưởng. Mấy người Nam Mỹ cải trang thành tiểu đồng ngạc nhiên nhìn ông ta xoa vuốt. Cách đấy một quãng, Ravic trông thấy bá tước phu nhân Bellin cải trang thành La Vallière, với gương mặt thiên thần sa đọa, và một dòng thác hồng ngọc. Ravic còn nhớ là mình đã cắt bỏ hai buồng trứng của phu nhân cách đây hai năm, sau khi Durant chẩn bệnh cho bà. Nhìn chung các nhân vật này đều là khách hàng của Durant.
Mùi nước mưa, không khí nóng nực, nặng nề và ngột ngạt, pha với mùi nước hoa, mùi da thịt và tóc ướt. Những khuôn mặt giàn giụa nước mưa, trơ trụi dưới những bộ tóc giả. Ravic đưa mắt nhìn xung quanh. Anh thấy có những người đẹp, những gương mặt có trí tuệ, có sự tinh tế đượm hoài nghi. Nhưng mắt anh đã quen ghi nhận những dấu hiệu bệnh tật nhỏ nhặt nhất. Và một bề mặt hoàn mỹ không bao giờ lừa được anh. Anh biết rằng một tầng lớp nào đó trong xã hội bao giờ cũng y nguyên qua các thế kỷ; anh cũng biết cái gì là triệu chứng của bệnh sốt và của sự thối nát. Thói chung chạ suồng sã, thói dung túng những nhược điểm, thói giễu cợt bất lực, có trí tuệ mà thiếu sự kinh tế, dòng máu kiệt sức vì đã bị phung phí vào những câu nói mỉa, những cuộc dan díu vụn vặt, những sự ganh tị ti tiện và tình trạng buồn chán liên tục. Thế giới sẽ không được những con người này cứu thoát. Nhưng vậy thì ai sẽ cứu nó?
Anh nhìn Kate Hegstroem. Cô nói:
- Anh sẽ không có gì mà uống đâu. Mấy người hầu không có cách gì đi lại được.
- Không sao.
Những sự chuyển động của đám đông dần dần đưa hai người sang phòng khách kế bên, nơi mấy dãy bàn, bày đầy những chai champagne, đã được xếp vội dọc ba bức tường.
Những chùm đèn pha lê đã được thắp lên. Làn ánh sáng dịu từ các chùm đèn này tỏa xuống chốc chốc lại bị xé toang ra bởi những ánh chớp từ bên ngoài hắt vào, in lên các gương mặt một thần sắc ma quái và khiến cho các nét mặt ngưng đọng lại như trên mặt xác chết. Những tiếng sấm rền át những câu trò chuyện, cho đến khi cái ánh sáng dịu của các chùm đèn nến trở lại, và cùng với nó là sự sống và hơi nóng hầm hập.
Ravic chỉ mấy cái bàn đầy champagne.
- Một ly nhé?
- Thôi. Nóng quá.
Kate ngước mắt lên nhìn anh.
- Đấy, đám hội của tôi là như thế đây.
- Chắc không còn mưa lâu nữa.
- Có lẽ thế. Nhưng cũng chẳng hơn gì... mọi thứ đều bị hư hại cả rồi. Anh có biết tôi muốn gì không? Ra khỏi chỗ này.
- Tôi cũng vậy. Bây giờ rất giống thời kỳ trước Cách mạng. Người ta lúc nào cũng chờ xem những đoàn sans-culotte [1] xuất hiện.
Họ phải mất khá nhiều thời gian mới ra được đến cửa. Kate Hegstroem trông như đã mặc nguyên bộ trang phục mà ngủ. Bên ngoài, trời vẫn mưa nặng hạt. Những dãy nhà bên kia đường trông như lượn sóng, tựa hồ được nhìn qua một tấm kính ướt đẫm.
Chiếc xe của họ tiến ra đón.
- Chị muốn đi đâu? - Ravic hỏi - Về khách sạn của chị nhé?
- Tôi chưa muốn về ngay. Nhưng ta chẳng đi đâu được với cách trang phục này. Nếu anh muốn, ta cứ ngồi xe đi loanh quanh một lúc.
- Rất hay.
Chiếc xe lăn chầm chậm trong đêm Paris. Tiếng mưa gõ lộp bộp trên mui xe dường như át hết những tiếng động khác. Khải Hoàn Môn hiện ra, một khối màu xám giữa dòng thác bạc của mấy ngọn đèn chiếu, rồi biến đi. Đại lộ Champs-Elysées diễu qua với hai dãy quầy kính sáng trưng. Khuôn viên Rond-Point vẫn đầy những khóm hoa tươi mắt, như một ốc đảo giữa cảnh ồn ào của trận mưa. Rồi quảng trường la Concorde, rộng như một đại dương, với những thủy thần và những quái vật ở biển của nó. Đường Rivoli với những vòm cổng ngập ánh đèn, như một hình ảnh của thành Venise thoáng hiện. Viện bảo tàng le Louvre, xám và vĩnh cửu với cái sân mênh mông và những hàng cửa sổ tối om. Rồi những bờ xây, những nhịp cầu lướt qua, huyền ảo dưới làn mưa. Mấy chiếc xà lan, một chiếc tàu kéo thắp ngọn đèn sáng dịu, ánh sáng ấm áp như một bếp lửa gia đình. Sông Seine, các đại lộ với những chuyến xe buýt, tiếng ồn ào của đám đông, các cửa hiệu tạp hóa. Những dãy rào chấn song sắt và phía sau là khu vườn Luxembourg, giống như một bài thơ của Rilke. Nghĩa trang Montpamasse, vắng lặng và hoang vu. Những dãy phố cũ chật hẹp đan vào nhau chi chít, những dãy nhà, những quảng trường ngái ngủ trên đó người ta chợt nhận ra những cây cổ thụ, những mặt nhà xiêu vẹo, những ngôi nhà thờ, những đài kỷ niệm in dấu vết của thời gian. Mấy ngọn đèn đường nhấp nháy dưới mưa, mấy cái buồng đi giải từ mặt đất trồi lên như những ụ súng, những dãy khách sạn có buồng cho thuê giờ, và giữa các dãy phố cũ, xây theo phong cách rococo và baroccơ, những mặt nhà ấy trông như mỉm cười, rồi những khung cửa tối om như trong tiểu thuyết của Proust...
Kate Hegstroem im lặng. Ravic hút thuốc. Anh trông thấy đốm lửa đỏ ở đầu điếu thuốc lá, nhưng không thấy vị khói thuốc. Cứ như thể trong bóng tối của chiếc xe, anh đang hút một điếu thuốc hư ảo. Vả chăng, mọi vật dường như đã biến thành ý niệm... cuộc dạo chơi này, chiếc xe im lặng dưới làn mưa, những dãy phố lướt qua, và trong góc xe, người đàn bà câm lặng trong bộ y phục của một thế kỷ đã qua thấp thoáng phản chiếu ánh đèn đường, với đôi tay đã mang dấu ấn của thần chết đặt trên tà áo gấm như thể sẽ không bao giờ còn cử động nữa... Đây dường như là một chuyến dạo chơi của những bóng ma trong một thành Paris của những bóng ma, phảng phất những ý nghĩ dở dang, những lời vĩnh biệt không bao giờ được nói lên thành lời và không còn có thể có nghĩa lý gì.
Anh nghĩ đến Haake. Anh thử quyết định xem mình sẽ làm gì. Anh nghĩ đến người thiếu phụ có bộ tóc bằng vàng hung mà anh đã mổ, đến cái đêm mưa ở Rothenberg ob der Tauber với một người đàn bà mà anh đã quên, đến khách sạn Eisenbut có tiếng vĩ cầm vẳng đến từ một khung cửa sổ vô danh. Anh nhớ đến Romberg, bị bắn chết năm 1917 trong một cơn giông, trên một cánh đồng trồng hoa mào gà ở vùng Flandres... một cơn giông huyền bí dường như đã mượn họng súng máy thay cho sấm sét, như thể Thượng đế, chán ngây nhân loại, đã bắn đạn liên thanh xuống cõi trần. Anh mường tượng nghe thấy tiếng đàn xếp rè rè lạc cung bậc, chứa chất một nỗi nhớ nhà da diết, của một người pháo thủ ở Houthulst. Anh thấy thoáng hiện lên trong ký ức cảnh thành Roma dưới làn mưa, cảnh một con đường ướt át ở vùng Rouen. Những con mua tháng một tầm tã trên các mái lán ở trại tập trung; những người dân cày Tây Ban Nha chết giữa cánh đồng, nước mưa tràn vào đầy mấy cái miệng há hốc; khuôn mặt ướt của Claire khi cô sắp chết; con đường Đại học viện Heidelburg với mùi hoa xoan nặng... tất cả dĩ vãng trong một cây đèn kéo quân, một chuỗi hình ảnh đã tan biến từ lâu nay lại diễu qua như một chất độc dược đầy sức an ủi.
Anh dụi tắt điếu thuốc lá và ngồi thẳng dậy. Thôi đủ rồi. Kẻ nào nhìn quá nhiều về phía sau có nguy cơ vấp phải một chướng ngại hay rơi xuống vực thẳm.
Bây giờ xe đang lăn bánh trên các phố Montmarire. Mưa đã tạnh hẳn. Những đám mây giát bạc bay vội vã qua bầu trời như đang phải nhường chỗ thật nhanh cho ánh trăng. Kate Hegstroem cho dừng xe lại. Họ xuống xe và đi bộ một lát.
Paris chợt hiện ra dưới chân họ. Mênh mông, lấp lánh, ướt át. Paris, Paris với những đường phố, những quảng trường của nó, với buổi ban đêm của nó, những đám mây của nó và vầng trăng của nó. Những đại lộ, những ngọn tháp, những mái nhà, ánh sáng tưng bừng của Paris, có sức xua đuổi bóng tối. Paris với ngọn gió thổi từ chân trời, cánh đồng bằng tràn ngập ánh nắng, những nhịp cầu làm bằng ánh sáng và bóng tối, và cơn mưa rào vừa qua, dường như đang trốn đi dọc dòng sông Seine. Được giành giật từ trong tay đêm tối, cái tổ ong khổng lồ trong đó sự sống đang vo ve, được xây dựng trên hàng ngàn đường cống ngầm hôi hám, đóa hoa xán lạn che khuất mùi xú uế của cống rãnh, bệnh ung thư và Mona Lisa, - Paris.
- Đợi một chút, Kate nhé - Ravic nói - Tôi đi kiếm cái này.
Anh vào quán rượu gần nhất. Một mùi thơm ấm của dồi lợn mới ra lò và của pa-tê chào đón anh. Không ai để ý đến trang phục của anh. Anh mua một chai cognac và hai cái ly. Ông chủ quán mở nút chai rồi trao cả cho anh.
Anh thấy Kate vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, một bóng dáng mảnh mai nổi bật lên trên một nền trời xao xuyến, như thể đã bị một thế kỷ nào bỏ quên lại đấy, chứ không phải là một người đàn bà của thành phố Boston, một người Mỹ gốc Thụy Điển.
- Đây, Kate. Cách tốt nhất để chống lạnh và mưa, và chống lại cả một cõi im lặng quá sâu. Ta hãy uống vì cái thành phố đang trải ra trước mắt ta.
Kate cầm lầy ly.
- Chúng ta đến đây mà hay đấy, Ravic ạ. Hơn hẳn mọi thứ hội hè trên đời.
Cô uống cạn ly rượu. Ánh trăng sáng rực trên đôi vai cô, trên tà áo dài và trên gương mặt cô.
- Rượu cognac phải không? Mà là loại ngon.
- Đúng. Chừng nào chị còn nhận ra được cognac ngon, thì mọi sự đều tốt lành.
- Rót thêm cho tôi với. Ta sẽ về thay áo quần rồi đến Schéhérazade. Tôi muốn làm một cuộc truy hoan đa cảm, khỏe cho bản thân tôi, và giã từ tất cả những thú vui hời hợt mà tuyệt vời của cuộc sống. Kể từ ngày mai, tôi sẽ đọc các triết gia, viết chúc thư, và xử sự cho thích hợp với tình trạng của mình.
Ravic gặp bà chủ trên cầu thang khách sạn. Bà chặn anh lại.
- Ông có rỗi được một phút không?
- Có chứ.
Bà đưa Ravic lên lầu hai và dùng chìa khóa chung mở cửa một phòng. Ravic thầy rõ phòng này còn có người ở.
- Bà đưa tôi đến phòng này có việc gì?
- Rosenfeld ở đây - Bà chủ đáp - Ông ta đang muốn dọn đi.
- Tôi không muốn đổi phòng đâu.
- Ông ta muốn đi, mà lại không trả tiền phòng từ ba tháng nay.
- Bà cứ việc giữ đồ đạc ông ta lại. Còn cả đây.
Bà khinh bỉ lấy chân chạm vào một chiếc va-li tồi tàn, nắp mở hờ, bên cạnh giường ngủ.
- Chẳng có giá trị gì. Bằng da giả. Mấy cái sơ-mi sờn hết chỉ. Com-lê thì ông cũng biết thừa là đáng bao nhiêu rồi. Mà ông ta chỉ có hai bộ. Tất cả bán đi không được một trăm quan.
Ravic nhún vai.
- Ông ta có nói là ông ta muốn đi nơi khác không?
- Không. Nhưng có thể thấy rõ như thế. Tôi đã nói thẳng vào mặt ông ta. Và ông ta đã nhận. Tôi có bảo ông ta là phải trả tiền thuê phòng nội nhật ngày mai. Dù sao tôi cũng không thể cho thuê chịu mãi được.
- Thế bà muốn tôi làm thế nào bây giờ?
- Có mấy bức tranh kia. Của ông ta đây. Ông ta bảo là nó có giá trị. Thừa sức trả số tiền còn thiếu. Nhưng ông thử nhìn mà xem!
Nãy giờ Ravic không nhìn lên tường. Bây giờ anh ngước mắt lên. Trước mặt anh, treo ở phía trên giường là một bức phong cảnh thành Arles, một bức Van Gogh thuộc thời kỳ ưu việt nhất của họa sĩ này. Anh đứng gần lại. Không còn có thể nghi ngờ gì nữa. Bức tranh đúng là một nguyên tác của Van Gogh.
- Trông mà phát ốm lên được! - Bà chủ nói - Đấy ông xem, mấy cái gì cong queo kia mà gọi là cây cối được sao? Lại cái kia nữa!
Bà chỉ một bức Gauguin móc trên chậu rửa mặt. Một cô gái thổ dân ở đảo, khỏa thân đứng trước một phong cảnh nhiệt đới.
- Ông thử nhìn hai cái chân mà xem! - Bà chủ nói.
- Đúng là cổ chân voi. Mặt thì bẹt dí. Xem cái kiểu đứng kìa! Lại còn một bức thậm chí vẽ chưa xong nữa.
Bức vẽ chưa xong là một chân dung của bà Cézanne do Cézanne vẽ.
- Cái miệng kìa! Mếu xệch. Má thì chưa kịp tô màu. Những cái của khỉ ấy mà ông ta định gán nợ cho tôi đấy. Ông đã xem mấy bức tranh của tôi rồi đấy. Ít ra cũng phải như thế mới gọi là tranh chứ! Trông như thật ấy, tranh ra tranh! Cái bức phong cảnh tuyết có con nai trong phòng ăn ấy nhỉ! Đâu có như mấy thứ của nợ này... không khéo chính ông ta tự vẽ lấy cũng nên. Có phải không?
- Cũng gần gần như thế.
- Đấy là điều tôi muốn biết. Ông là người có học thức, ông biết những chuyện này. Với lại tranh gì mà chẳng có khung khiếc gì cả!
Ba bức tranh quả không có khung. Nó chói lọi lên trên nền giấy bẩn, như những khung cửa sổ mở ra một thế giới khác.
- Giá nó có khung thiếp vàng thì có lẽ tôi cũng lấy vậy. Chứ thế này thì...! Rõ ràng là tôi lại bị quịt chuyến nữa. Người ta hễ có lòng tốt một chút là y như rằng phải chịu thiệt.
- Tôi nghĩ là bà không cần lấy tranh đâu. - Ravic nói.
- Thế ông bảo tôi làm thế nào bây giờ?
- Rosenfeld thừa sức có tiền trả cho bà.
- Sao? - Bà chủ nhìn Ravic, sắc mặt khác hẳn - Ông cho là mấy cái này có giá? - Ravic có thể thấy những ý nghĩ dồn dập hiện ra sau cái trán vàng vọt - Tôi có thể lấy một bức coi như bù tiền tháng trước cũng được! Theo ông nên lấy bức nào? Bức to nhất ở trên giường kia nhé?
- Không. Bà đừng lấy bức nào hết. Bà cứ đợi ông Rosenfeld về. Tôi tin chắc là ông ấy sẽ về và sẽ có tiền đem về.
- Tôi thì tôi không tin. Tôi làm chủ khách sạn, ông ạ!
- Thế thì sao bà lại đợi lâu như vậy? Bà thường có thế đâu?
- Hứa hẹn! Ông cũng biết nó là thế nào.
Rosenfeld bỗng hiện ra trên khung cửa. Im lặng và điềm tĩnh. Bà chủ chưa kịp nói lấy một tiếng thì ông ta đã rút trong túi ra một tập giấy bạc.
- Đây, xin bà nhận cho số tiền bà đã ghi trong hóa đơn. Bà làm ơn ghi vào đây “đã thanh toán”.
Bà chủ nhìn xấp giấy bạc, không giấu diếm vẻ ngạc nhiên. Rồi bà nhìn sang mấy bức tranh. Rồi lại nhìn xấp giấy bạc. Từng mớ lời lẽ chen chúc nhau trong cổ họng bà, nhưng bà không sao nói ra được một tiếng.
- Còn thừa tiền lẻ. - Cuối cùng bà nói.
- Tôi biết. Bà có thể cho tôi xin lại ngay bây giờ không?
- Có. Nhưng tôi không giữ trong người. Quỹ ở dưới kia.
Bà đi ra với cái vẻ như vừa bị xúc phạm nặng nề. Rosenfeld nhìn Ravic.
- Tôi rất phiền lòng - Ravic nói - Bà ta gần như đã bắt buộc tôi phải vào đây. Lúc ấy tôi không hề biết bà ta muốn gì. Bà ta muốn biết mấy bức tranh của ông có giá trị gì không.
- Ông có nói cho bà ấy biết không?
- Không.
- Càng tốt.
Rosenfeld nhìn Ravic đăm đăm, môi nở một nụ cười kỳ dị, Ravic hỏi:
- Làm sao ông lại để những bức tranh như vậy ở đây? Ông có bảo hiểm cho nó không?
- Không. Nhưng người ta không lấy cắp tranh. Cứ vài chục năm mới có một vụ xảy ra, trong một viện bảo tàng.
- Nhưng nếu cháy nhà thì sao?
Rosenfeld so vai.
- Đành phải chấp nhận cái khả năng đó. Bảo hiểm thì quá đắt.
Ravic nhìn kỹ bức Van Gogh. Nó trị giá ít nhất một triệu quan. Rosenfeld nhìn theo hướng mắt Ravic.
- Tôi biết ông nghĩ gì rồi. Một người đã có những bức như thế thì phải có phương tiện để bảo hiểm cho nó. Thế thì tôi, tôi lại không có. Tôi sống bằng những bức tranh tôi có được. Tôi cứ bán từng bức một. Và xin ông tin cho rằng phải bán nó đi tôi chẳng thích thú gì đâu.
Trên cái bàn ở phía dưới bức tranh của Cénanne có một cái bếp cồn. Bên cạnh là một cái hộp đựng cà-phê, một ổ bánh mì, một hũ bơ và mấy cái túi giấy. Căn phòng chật chội và tồi tàn. Nhưng trên mấy bức tường thì lại có những gì làm thành cái đẹp lộng lẫy nhất mà con người có thể tạo nên.
- Tôi hiểu. - Ravic nói.
- Tôi đã tưởng có thể giữ lại được - Rosenfeld nói tiếp - Tôi đã trả được hết các khoản, tiền xe lửa, tiền tàu thủy, đủ hết. Nhưng ba tháng thuê nhà thì lại không có. Giấy nhập cảnh mãi không thấy gửi sang đây. Vùa rồi tôi phải bán một bức Monet. Một phong cảnh Vertheuil. Trước kia tôi vẫn hy vọng đem nó đi theo.
- Nhưng rồi trước sau gì ông cũng phải bán đi kia mà?
- Vâng. Nhưng lấy dollar kia. Tôi sẽ có được giá gấp đôi.
- Ông sẽ đi Mỹ à?
Rosenfeld gật đầu, rồi nói thêm:
- Đã đến lúc phải đi khỏi nơi này.
Ravic nhìn ông.
- Con chim Tử thần sắp đi rồi. - Rosenfeld nói thêm.
- Con chim Tử thần ư?
- Phải, Markus Meyer. Chúng tôi đặt cho ông ta cái biệt hiệu Chim Tử thần là vì bao giờ ông ta cũng đánh hơi được lúc nào cần phải chạy trốn.
- Meyer? - Ravic nói - Có phải cái ông người thấp bé, đầu hói, thỉnh thoảng có đánh piano ở Hầm Mộ không?
- Phải rồi. Kể từ vụ Prague, ông ta đã có biệt hiệu Chim Tử thần.
- Biệt hiệu ấy khéo chọn đây.
- Ông ta đánh hơi được mùi tử thần không sai lần nào. Hai tháng trước khi Hitler lên cầm quyền, ông ta đã rời khỏi nước Đức. Ông ta bỏ Vienne ra đi ba tháng trước khi quân Quốc xã vào. Ông ta rời Pragne sáu tháng trước khi nó bị quân Đức chiếm. Lần nào cũng vậy. Ông ta ngửi thấy mùi chúng sắp tới. Nhờ noi theo ông ta mà tôi đã cứu được mấy bức tranh này. Lúc bấy giờ không còn được đưa tiền ra khỏi Đức. Đồng mark đã bị cấm vận rồi. Tôi có những tài khoản tổng số một triệu rưỡi. Tôi đã cố thanh toán hết. Nhưng muộn quá rồi: bọn quốc xã đã đến. Meyer tinh hơn. Ông ta đã cứu được một phần tài sản. Còn tôi, tôi đã thiếu quả quyết. Bây giờ, ông ta chuẩn bị đi Mỹ. Tôi sẽ cùng đi với ông ta. Dù sao cũng tiếc bức Monet quá.
- Nhưng ông có thể đem theo tất cả phần còn lại của số tiền bán tranh. Đồng franc có bị cấm vận đâu.
- Vâng, tôi biết. Nhưng nếu bán bên kia thì tôi có thể sống được một thời gian dài gấp đôi. Bây giờ thì chỉ ít lâu nữa tôi lại đành phải cho đi bức Gauguin.
Rosenfeld loay hoay bên cái bếp cồn.
- Đây là những bức cuối cùng - Ông ta nói - Chỉ còn ba bức này thôi. Tôi chỉ có ngần ấy để sống. Còn kiếm việc làm thì tôi không dám trông mong gì vào đây. Kiếm được thì thật là một phép mầu. Tôi chỉ có mấy bức tranh thôi. Thế thì ông cũng hiểu đấy: bớt một bức là bớt một quãng đời.
Ông ta đứng trước chiếc va-li, vẻ mặt buồn bã và cam phận.
- Ở Vienne... năm năm... đời sống hồi ấy chưa đắt đỏ. Nhưng vẫn tốn mất của tôi hai bức Renoir và một bức phấn màu của Degas. Ở Prague, tôi đã sống được bằng năm tấm hình họa và một bức của Sisley. Mấy tấm hình họa chẳng bán được bao nhiêu. Có hai tấm của Degas, một tấm vẽ bút chì của Renoir và hai bức mực tàu của Delacroix. Giá ở Mỹ mấy bức ấy cũng phải cho tôi sống ít nhất là thêm một năm. Ông thấy không, bây giờ tôi chỉ còn ba bức này. Hôm qua hãy còn bốn bức. Cái giấy nhập cảnh tốn mất của tôi ít nhất là hai năm sống. Có lẽ ba năm nữa là khác.
- Thế mà có biết bao nhiêu người cũng không có cả tranh để mà sống nữa.
Rosenfeld nhún vai.
- Đấy không phải là một cách an ủi.
- Không. Đúng đấy.
- Cốt sao những bức tranh này cho tôi sống được qua hết cuộc chiến tranh. Mà chiến tranh lần này sẽ lâu đấy.
Ravic không đáp.
- Chim Tử thần nói với tôi như vậy đây. Ông ta cũng không dám chắc rằng nước Mỹ sẽ thoát được ra ngoài cuộc thảm sát.
- Nếu thế thì còn biết đi đâu? - Ravic hỏi - Chẳng còn được mấy nơi mà chọn nữa.
- Ông ta chưa rõ lắm. Ông ta chỉ nghĩ đến Haiti.
Ông ta cho rằng một nước cộng hòa da đen sẽ không tham chiến.
Rosenfeld nói một cách hoàn toàn nghiêm chỉnh. Ông nói tiếp:
- Hay là xứ Honduras. Một nước cộng hòa nhỏ ở Nam Mỹ. Sau Salvador. Hay có lẽ là Tân Tây Lan.
- Tân Tây Lan ư? Cũng hơi xa đây nhỉ?
- Xa ư? - Rosenfeld nói với một nụ cười buồn bã - Xa nơi nào?
Chú thích:
[1] Lực lượng chủ chốt của Cách mạng Pháp (1789) là những người dân lao động, vốn không mặc quần bó (culotie) mà mặc quần ống rộng (pantalon).