Nguyên tác: The Mill On The Floss
Số lần đọc/download: 1990 / 33
Cập nhật: 2015-10-05 18:59:31 +0700
Chương 27
N
GƯỜI TA CÓ THỂ ĐOÁN KHÔNG LẦM VỀ SỰ thành công của Tom, tánh cương trực, tham vọng cá nhân, lòng tự kiêu và sự suy sụp của gia đình đã kết hợp thành một mãnh lực giúp người thanh niên đó vượt qua tất cả mọi trở ngại.
Dượng Deane sau một thời gian quan sát, theo dõi tường tận đã bắt đầu nuôi hy vọng vào đứa cháu trai của mình và lấy làm hãnh diện vì đã đem được vào cơ sở của mình một đứa cháu có nhiều khả năng thương mại.
Dần dần, Tom hiểu được lòng tốt của dượng Deane khi đưa mình vào làm ở kho hàng trước tiên. Áp dụng đứng đắn những lời chỉ bảo của ông Deane, sau một thời gian ngắn, Tom đuoc phó thác phần vụ mua sắm những vật liệu thuộc loại thuờng. Song năm thứ hai, Tom được tăng lương, tất cả - trừ tiền ăn trưa và mua sắm quần áo - đều được mang về cất vào trong hộp thiếc. Chàng né tránh việc giao du vì sợ đưa đẩy tới những việc tiêu pha vô ích. Không phải là người thích cô độc, nhưng trong thời gian này Tom có nhiều trở ngại phải vượt qua và chướng ngại đầu tiên là món nợ của gia đình.
Không giống như cha, càng lớn, Tom càng được các dì dượng cảm mến. Những chi tiết kèm theo ý kiến của hai ông Deane và Glegg đều được họ ghi nhận một cách hoan hỉ. Theo họ, chàng có thể sẽ là người cũng có uy tín dòng họ mà không gặp phải một rắc rối hay tốn kém nào. Bà Pullet cũng phải nhìn nhận rằng Tom sẽ làm cho gia đình có danh vọng hơn, bà nghĩ những tật xấu ngày xưa của Tom như rượt bắt con công để bứt lông, hay coi thường các dì có lẽ những thứ không đáng kể của dòng họ Tulliver và sẽ tàn lụn dần đi theo năm tháng. Riêng bà Glegg thì tuyên bố chỉ tin tưởng những gì bà chứng kiến tận mắt và bà không phải là người chủ quan như mọi người khác.
Trong khi đó, Tom chẳng có dấu hiệu gì cho thấy là sẽ trông cậy vào một người nào khác ngoài chàng, tuy nhiên chàng cũng rất sung sướng nếu được dượng Glegg thỉnh thoảng tới thăm trong giờ làm việc hay được mời tới nhà ông dùng bữa trưa. Cách đây một năm, đã có vài chuyện khiến Tom đâm ra mến phục dượng Glegg nhiều.
Một chiều, lúc trở về nhà Tom đã gặp Bob Jakin trên cầu và hai người đã đàm luận với nhau một lúc rất lâu. Bob rụt rè hỏi cậu Tom có muốn hùn hạp với y để buôn bán chút ít kiếm lời không?
Buôn bán? Mà buôn bán như thế nào? Tom muốn hiểu rõ hơn.
Như thế này, Bob có một người bạn ở Laceham sẵn lòng nhường cho y một ít xa xí phẩm để đem đi bán tại các thương cảng lạ, và y rất hân hoan dành cho Tom một phần trong dịch vụ này. Đề nghị của Bob khiến Tom chú ý ngay, chàng tự hỏi tại sao mình không sớm nghĩ ra kế hoạch này.
Quá nôn nóng trước viễn ảnh sẽ thu lợi gấp bội, chiều hôm đó Tom về nhà đề nghị ngay với cha trích ngay một số tiền đã dành dụm được trong hộp thiếc để mua một chiếc thuyền tải hàng nho nhỏ. Tiền để dành vẫn còn nguyên đó nhưng ông Tulliver không muốn xuất ra để đầu tư vì sợ lỗ lã nặng, ông không còn yên lòng khi ông bỏ tiền để buôn bán và bị lỗ nặng, ông không còn yên lòng khi để tiền rơi xa tầm mắt của mình. Tuy nhiên, ông cũng mở rương lấy hộp tiền ra và đếm lại - một trăm sáu mươi bảng, vừa tiền giấy bẩn thiểu, vừa tiền vàng rực rỡ - hai năm trời dành dụm chỉ được bao nhiêu đó.
Ông thở mạnh:
- Con cần dùng bao nhiêu?
- Khoảng ba mươi sáu bảng được không ba?
Ông Tulliver gạt ba mươi sáu bảng qua một bên và chận tay lên đó:
- Bao nhiêu đây cũng hơn số tiền ba dành dụm được một năm.
- Thưa, ba nói phải, nhưng để dành tiền qua số lương của mình thì biết tới bao nhiêu mới đủ.
Tay ông Tulliver vẫn đặt trên đống tiền:
- Nhưng con có thể mất đi số tiền này – còn có thể hủy đi một năm trong đời sống của ba – và ba thì không đào đâu ra tiền được nữa.
Tom im lặng!
- Ba không muốn trả trước cho họ một trăm bảng trong số tiền này, vì ba muốn trông thấy số tiền chồng chất cho đủ số – chỉ khi nào thấy được ba mới yên lòng. Vận may không bao giờ tới với ba, nếu ba bị mất đi một năm, ba lại gần với cái chết thêm một năm vì làm sao ba có thể kéo lại năm đó được?
Suy nghĩ một lúc lâu, Tom đành buông xuôi:
- Thôi được, mình bỏ qua dịch vụ này.
Nhưng Tom không đành bỏ qua một cách làm ăn có nhiều lợi như vậy, chàng quyết định gặp dượng Glegg liều hỏi vay hai mươi bảng với năm phân lời.
Hai mươi bảng đối với ông Glegg chỉ là con số không đáng kể. Vì vậy khi Bob trở lại kho hàng vào hôm sau để lấy quyết định, thì Tom đề nghị hai người cùng đi gặp ông Glegg để thương lượng vì chàng tin rằng miệng lưỡi của Bob sẽ giúp chàng bạo dạn hơn.
Ông Glegg đang làm công việc kiểm kê mỗi ngày về số hoa quả trong vườn. Ông rất ngạc nhiên khi thấy Tom đi vào với một người lạ mặt: một người có mang túi trên lưng – vì Bob đang chuẩn bị cho một chuyến buôn mới – với một con chó săn khổng lồ. Con chó có vẻ đáng ngại lắm!
- Ê, để con chó ở ngoài cửa đi!
Ông Glegg vừa la vừa nhổ một chiếc cộc cầm lăm le thủ thế.
Bob cho con chó một đá:
- Đi ra ngoài kia, Mumps! Nó hiền lắm, thưa Ngài!
Con Mumps ngừ lên một tiếng nho nhỏ rồi núp phía sau lưng chủ.
Ông Glegg hỏi:
- Sao, cháu tính chuyện gì đây, Tom?
- Thưa, cháu tới gặp dượng để bàn một chuyện làm ăn nho nhỏ.
Ông chủ vườn yên lòng:
- Nhưng con chó này có dính dáng tới chuyện làm ăn đó không?
Bob đáp ngay:
- Thưa Ngài, đó là con chó của tôi. Vì chính tôi là người đề nghị làm ăn với cậu Tom – cậu Tom là bạn thân với tôi từ thuở nhỏ. Công việc đầu tiên của tôi là đuổi chim cho ba cậu Tom. Sau đó, tôi được gặp khá nhiều may mắn và tôi nghĩ nên chia xẻ đôi chút với cậu Tom. Cậu có thể kiếm chút ít tiền bằng cách bỏ mối cho các nhà buôn ở các vùng xa – sau khi thanh toán xong chi phí, chúng tôi có thể lời được từ mười hai phần trăm trên giá vốn. Đây chỉ là một chuyện làm ăn tầm thường, nhưng tôi hy vọng nó sẽ giúp cậu Tom phần nào trong lúc này. Hàng hóa là những xa xí phẩm của Laceham – rất nhẹ nhang và tiện chuyên chở trên những tàu nhỏ, vì không choán nhiều chỗ. Ngài có thể gói mười kí hàng vào một gói thật nhỏ, và toàn là những thứ mà ai cũng ưa thích. Tôi sẽ đi Laceham mua hàng cho cậu Tom và tôi nữa, sau đó tôi sẽ dùng một tàu nhỏ để chở đi vùng khác và bán lại. Người làm ăn với tôi tại Laceham tên là Salt – ông ta có gia đình đàng hoàng – và cũng rất tốt, nếu Ngài không tin, tôi có thể đưa ông ta tới đây gặp Ngài.
Ông Glegg ngẩn người nhìn Bob. Đầu tiên, ông nhìn Bob từ trên cặp mắt kiếng rồi sau đó nhìn anh ta qua cặp tròng kiếng. Tom bắt đầu chột dạ thì ông Glegg nói:
- Anh có vẻ hiểu biết lắm, anh bạn!
Bob gật đầu:
- Ngài nói đúng lắm. Lúc nào tôi cũng tưởng chừng bộ óc tôi nó cựa quậy trong đầu. Đầu tôi luôn luôn chứa đầy những kế hoạch làm ăn, cái này nó thúc cái kia. Tôi chắc tại vì ngày xưa tôi không được học hành nhiều.
Ông Glegg người tự coi mình như một kẻ ngạo đời từ ngày về hưu, bắt đầu thấy Bob là một người khả ái. Nhưng ông vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị:
- À, tôi nghĩ chắc anh làm ăn cũng được lắm nên mới nuôi nổi con chó khổng lồ này. Nó ăn bằng hai người thợ. Mà thôi, chúng ta nên đi sâu vào vấn đề làm ăn này. Tom, dượng chắc cháu đang cần có một món tiền nho nhỏ để phiêu lưu, phải không?
Tôm đỏ mặt:
- Thưa phải. Nhưng ba cháu không muốn liều lĩnh và cháu cũng không muốn nài ép Người. Phải chi cháu có được hai hoặc ba mươi bảng khởi đầu, cháu có thể trả năm phân lời cho số tiền đó.
Ông Glegg có vẻ thán phục:
- À... à... đề nghị không phải dỡ. Nhưng phải để tôi gặp ông Salt nào như anh bạn vừa nói. Tôi nghĩ anh bạn đây phải có người bảo lãnh chớ?
Tom xen vào:
- Thưa dượng, cháu nghĩ điều đó không cần thiết. Cháu muốn nói là cháu rất tin cậy Bob. Tuy nhiên, nếu anh ấy có người bảo đảm cũng chính đáng hơn.
Ông Glegg nhìn Bob trên tròng kiến:
- Anh sẽ chia ít phần lời trong số tiền của Tom hả?
Bob phật ý:
- Thưa Ngài, không. Tôi không bao giờ trao cho cậu Tom một trái táo đã có vết cắn của tôi. Nếu muốn lường gạt thì tôi còn thiếu gì người khác.
- Tốt. Nhưng dầu sao cũng phải chia cho chút ít phần trong số lời của Tom. Đó là một việc hợp lý trong vấn đề làm ăn. Tôi không muốn ai bị thiệt thòi khi họ có thiện chí phục vụ cả.
- Ông có thể tin cậy nơi tôi.
Có tiếng gọi qua cửa sổ phòng khách:
- Ông Glegg vào dùng trà đi chớ. Hay là muốn đứng nói chuyện ở ngoài để bị hạ sát giữa ban ngày ban mặt?
- Hạ sát? Bà nói gì lạ vậy? Cháu của bà tới bàn chuyện làm ăn với tôi mà.
- Tôi nói phải chớ không sao – cách nay không lâu có xảy ra chuyện một tên bán dạo giết một thiếu phụ ở chỗ vắng để đoạt nữ trang, rồi liệng xác xuống mương.
Ông Glegg trấn an:
- Không, không phải đâu. Bộ bà tưởng tôi không còn tay chân chắc?
- Cũng tương tự như vậy đó ông Glegg – ông chỉ ham cãi lý với tôi không. Nếu cháu ông muốn bàn chuyện làm ăn thì tại sao không vào nhà mà bàn, lại đứng thì thầm trong xó xỉnh như vậy?
- Được rồi, được rồi. Chúng ta đi vào thôi.
Bà Glegg lớn tiếng bảo anh Bob:
- Anh còn ở đó làm chi. Chúng tôi không cần mua gì cả. Tôi không mua bán với người bán dạo. Nhớ đống cổng lại cho tôi.
Ông Glegg can thiệp:
- Khoan đã, đừng vội chớ. Tôi chưa bàn xong việc với anh bạn trẻ này. Vào đi Tom.
Bà Glegg cằn nhằn:
- Ông Glegg, nếu ông muốn cho người này và con chó của y đặt chân lên thềm nhà tôi thì ít nhứt ông cũng phải báo cho tôi biết chớ.
Bob nhẹ chạm tay vào nón, anh ta nghĩ ngay tới chuyện đùa với người đàn bà này một chút chơi:
- Thưa bà, xin bà đừng ngại. Chúng tôi có thể ở ngoài này được rồi. Chúng tôi rất hiểu biết, thưa bà! Chúa ơi! Thật là xấu hổ khi một mệnh phụ như bà lại đi mua bán với tôi, một tên bán dạo, thay vì mua sắm trong những cửa hàng lớn sang trọng, lộng lẫy dầu phải trả giá mắc gấp ba lần. Nhưng tôi tin bà phải am hiểu hơn tôi nhiều.
- Đúng, tôi cũng nghĩ vậy, và tôi cũng rất am hiểu dân bán dạo nữa.
Bà Glegg trả đũa Bob trong khi chồng bà đứng sau lưng, hai tay cho vào túi áo, chân dang rộng và nheo mắt mỉm cười với người đã dám đương đầu với vợ ông.
Bob nói:
- Đúng lắm rồi. Ngày xưa, khi còn trẻ bà vẫn hay mua bán với dân bán dạo chúng tôi mà – thời mà trước khi Ngài đây để mắt tới bà. Tôi biết nơi gia đình bà ở – tôi đi qua đó nhiều lần – địa chỉ Darleigh – ngôi nhà đó có nhiều bực thềm.
- À, phải rồi. Vậy là chú có biết sơ về gia đình tôi, có phải chú là bà con với người bán dạo mắt lé, hay bán hàng Ái Nhĩ Lan không?
Tom bảo:
- Thưa dì, đây là Bob Jakin. Chúng cháu quen nhau từ nhỏ. Anh ấy tốt lắm lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ cháu. Anh ấy có chút kinh nghiệm về ngành buôn bán - một tàu hàng nho nhỏ để chở hàng bán tại các xứ lạ, và anh ấy có nhã ý dành cho cháu một chỗ trong công việc làm ăn này, cháu có thể hùn vào đôi chút. Việc làm này có lời nhiều lắm.
Bà Glegg hỏi ngay:
- Lời nhiều? Lời nhiều là bao nhiêu?
- Mười hai phần trăm, Bob nói vậy, sau khi trang trải hết chi phí.
- Kìa sao lại không cho tôi biết trước những chuyện như vậy, ông Glegg? Sao ông cứ nói với tôi là chẳng có việc nào có thể lấy lời được quá năm phần trăm.
Ông Glegg càu nhàu:
- Thôi, thôi bà đi! Bà có đứng ra buôn bán được không? Năm phần trăm là mức lời bảo đảm nhứt đối với bà rồi.
Bob xen vào:
- Nhưng tôi có thể sẽ đem lại cho bà một số lời nho nhỏ, nếu bà muốn liều bỏ tiền ra – mà thật ra chẳng có gì đáng gọi là liều cả – bà chỉ cần cho cậu Tom vay ít tiền, cậu ấy sẽ trả cho bà sáu hay bảy phân, và riêng cậu ấy cũng còn được khá lời. Tôi nghĩ một mệnh phụ nhân ái như bà chắc không nở nào từ chối giúp đỡ cho cháu mình.
Ông Glegg bảo:
- Bà Glegg, sau khi hỏi han chi tiết xong, tôi sẽ cho Tom mượn tiền, nếu muốn bà có thể xuất ra hai mươi bảng, còn phần tôi là năm mươi bảng. Được chớ, Tom?
- Ông đừng nên trông đợi tôi, ông Glegg à!
- Được lắm. Như vậy chúng tôi tính toán với nhau cũng được rồi. Này, Bob, tôi sẽ đi với anh để gặp cái ông Salt đó.
- Kìa, ông Glegg, sao lúc nào ông cũng muốn làm ngược với tôi hết, ông lại còn muốn loại tôi khỏi chuyện làm ăn của cháu tôi. Tôi có nói là sẽ không cho Tom mượn tiền đâu - nhưng cháu tôi phải để cho dì nó thấy rõ những gì có thể làm cho dì nó yên lòng mà xuất tiền dành dụm của mình ra chớ!
- Thì bà cứ coi đây như là một cuộc phiêu lưu hào hứng vậy.
Ông Glegg kín đáo nháy mắt với Tom. Không còn dằn được nữa, Tom cười khoan khoái.
Ông Glegg gặp ông Salt - người làm ăn «đàng hoàng» tại Anchor Tavern, và sau đó ông Glegg thấy không có gì trở ngại, trong việc cùng với vợ xuất tiền cho Tom mượn lấy lời.
Từ số vốn khiêm nhường đó, Tom đã gặt hái nhiều kết quả không ngờ mà phần lớn đều nhờ vào tài tháo vát và ý chí cương quyết của chàng. Vào lúc Maggie gặp bà Philip lần đầu tiên, Tom đã có một số vốn riêng lên tới một trăm năm mươi bảng và chức vụ đại diện thương mãi cho công ty Guest. Chàng hy vọng vào cuối năm tới, sẽ có đủ tiền để giúp cha thanh toán tất cả nợ nần, và có lẽ - vào năm hai mươi mốt tuổi - chàng sẽ bắt đầu cho sự nghiệp chính mình với một địa vị cao hơn trong công ty. Tom rất tự tin về con đường tiến thân trôi chảy của mình.