Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Chương 24
T
ôi cố gắng đào cho mau xong khúc mương mà hợp tác xã giao khoán để kịp về chùa giúp mọi người chuẩn bị việc cúng bái làm giỗ sư tổ. Nhưng vừa sắp xong việc thì anh giao thông xã đi tới:
- May quá! Sư thầy vẫn còn ở đây. Có việc khẩn, ủy ban ra lệnh triệu tập gấp thầy đến trụ sở sáng nay. Có mặt đúng tám rưỡi. Thôi! Việc đào mương chưa xong cứ để đấy. Rửa tay chân cho sạch. Đi ngay bây giờ là vừa.
Tôi đến ủy ban, chờ một lát, thì bà Thêu, Chủ nhiệm hợp tác thôn kiêm Phó bí thư Đảng ủy xã xuất hiện. Bà mời tôi vào phòng làm việc. Bà đặt chiếc túi dết bằng vải xanh lên mặt bàn rất ngay ngắn, rồi tươi cười với tôi:
- Xin có lời chúc mừng anh An. Xin lỗi nhé. Từ nay không gọi là sư thầy nữa. Mọi người sẽ xưng hô với anh là anh An. Thế nào? Anh nghe thấy thế nào? Sư thầy An! Nghe xa cách quá! Còn anh An! Nghe thân tình hơn chứ nhỉ? Xin chúc mừng anh được trở về gần gũi với mọi người.
Mới gặp tôi, khi tôi chưa nói một lời bà Thêu đã nói một thôi một hồi như vậy. Nói xong, còn bắt tay tôi rất chặt, rất nồng nhiệt. Tôi ngớ ra, ngạc nhiên không hiểu bà chủ nhiệm kiêm phó bí thư chúc mừng tôi về chuyện gì. Lúc ấy, bà mới giải thích:
- Anh An ạ, Đảng ủy xã đã họp, đã phân tích cặn kẽ. Sở dĩ phải như vậy, vì anh đang là thanh niên, cũng là một công dân. Dù là sư, cũng vẫn là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mà đã là công dân thì ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Quyền lợi tức là có quyền bình đẳng trước pháp luật, có quyền làm người, có quyền bầu cử v.v... còn nghĩa vụ công dân, đã là người công dân, ai ai cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Thế nào anh An, công dân An, anh có đồng ý với lời tôi nói không?
- Thưa bà chủ nhiệm, tôi đồng ý. - An rụt rè trả lời.
- Thế là tốt. Bây giờ ta nói chuyện cụ thể. Khi nãy, tôi nói về nguyên tắc, về quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Còn bây giờ cụ thể như thế này: Đợt này, xã đã duyệt xong danh sách nghĩa vụ quân sự. Trong danh sách có tên đồng chí Nguyễn Văn An, hai tư tuổi, hiện thường trú tại chùa Sọ, nghề nghiệp tôn giáo. Ngày lên đường nhập ngũ - mồng 5 tháng Tư năm...
Nghe xong, tôi như bàng hoàng. Bởi vì, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Trong những ngôi chùa quanh vùng mà tôi được biết, tôi chưa thấy một nhà sư nào đi bộ đội. Ừ nhỉ! Bây giờ tôi mới chợt nhớ ra. Ở các chùa trong huyện hầu hết chỉ có sư già, sư trung niên và các chú tiểu nhỏ xíu. Có lẽ ở độ tuổi trai tráng, tôi là người duy nhất. Cùng lứa tuổi với tôi, hồi xưa, khi đánh Pháp, chẳng mấy người đi tu. Ở thời loạn, người ta dễ dàng gặp cái chết. Người ta lánh chết, tìm sống. Ngôi chùa, khi ấy không che chở được cho người tu hành. Có khi quân Pháp còn chú ý tới chùa, bởi vì chùa thường rộng rãi, hẻo lánh, còn sư sãi thì giống hệt mọi người dân quê, sẵn sàng giúp đỡ cách mạng. Cho nên, ngôi chùa thường là nơi ẩn nấp lý tưởng của Việt Minh, cũng do đó ngôi chùa hay bị Tầy đốt phá. Hơn nữa, chính quyền cách mạng lại không khuyến khích đi tu. Cho nên, có thể nói vào thời kỳ ấy, Phật giáo ở thôn quê lâm vào cảnh suy tàn.
Tôi suy nghĩ miên man như vậy nên hầu như không nghe thấy những lời của bà Thêu Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Chắc bà nhận ra sự lơ đãng của tôi, nên đột nhiên bà cao giọng làm tôi chợt tỉnh ngay khỏi dòng nghĩ miên man.
- Đồng chí An có biết không, đồng chí thuộc thành phần nào? Nghề nghiệp tôn giáo ư? Cách mạng nói tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân. Giai cấp bóc lột đã lợi dụng tôn giáo. Đồng chí An có biết hạnh phúc là gì không? Là đấu tranh dứt đứt mọi xích xiềng. Sở dĩ chúng tôi phải bàn cãi cân nhắc chính là vì điểm này. Đồng chí là thầy tu nhưng gốc rễ là thành phần bần cố. Bố mẹ lại bị Tầy giết. Xuất thân căn bản như vậy nên chúng tôi đặt niềm tin vào đồng chí. Hãy tỉnh ngộ, hãy nhớ lại nỗi đau khổ. Hãy sục sôi lòng căm thù giặc. Cách mạng kiên quyết kéo đồng chí trở về với giai cấp của mình...
Bà Thêu, bà Chủ nhiệm, bà Phó Bí thư càng nói càng cao giọng, hùng hồn, khiến đầu óc tôi tê dại đi. Trong đó chứa chất bao nỗi niềm riêng mà bà đâu có biết.
Khi ăn giỗ xong, Huệ, Hiếu và Trắm rủ tôi đến nhà Trắm chơi. Hai vợ chồng Trắm Hiếu bế con ríu rít đi trước. Tôi và Huệ cùng nhau theo sau. Lạ thật, thuở xưa, lúc học thầy giáo Hải, ngày nào tôi chả đến nhà Huệ, lúc đầu đi học ngày nào Huệ chả kèm cặp tôi học để đuổi kịp các bạn. Lúc ấy, hai đứa luôn bên nhau, có làm sao đâu. Ấy thế mà hôm nay đi bên Huệ, tôi cứ thấy ngường ngượng. Có lẽ xa nhau lâu quá nên sinh ra thế. Hay là tại bây giờ tôi đã lớn, đã trở thành một nhà sư thực sự. Cũng chẳng phải nữa. Bởi vì, kể từ hôm nay, kể từ lúc bà Thêu chủ nhiệm tuyên bố tôi phải lên đường nhập ngũ tôi đâu còn có thể là nhà sư được nữa. Tôi sẽ là người thường hay tôi sắp sửa là một người thường. Huệ cứ mỉm cười mãi và nhìn vào mặt tôi. Cô ấy bảo:
- An sợ phải không?
- Huệ nói gì cơ?
- Anh sợ... - Rồi cô giải thích thêm cho rõ - Không phải em nói lúc này đi bên cạnh em anh sợ. Mà là việc... anh sợ từ lúc lên ủy ban, sợ từ khi bà Thêu tuyên bố anh nằm trong danh sách những người nhập ngũ.
- Tức là tôi sợ ra trận?
- Không phải cái sợ ấy... Mà là sợ khác cơ...
Lời nói của Huệ làm tôi nghĩ ngợi. Từ ngày xưa Huệ vẫn thế. Nhìn vào mắt tôi, cô ấy có thể biết được những cảm xúc của tôi. Lại nhớ ban sáng. Lúc bà Thêu giảng giải và thuyết phục tôi, chắc chắn bà ấy chẳng biết gì về những cảm xúc những nỗi niềm của tôi lúc ấy. Mà lòng tôi mang nhiều nỗi niềm thật. Tôi nghĩ đến chị tôi. Tôi ra đi thì chị Nguyệt ra sao?
Thật là trớ trêu. Chị tôi muốn cắt tóc xuất gia, thì sư cụ thầy tôi lại không cho. Còn tôi, tôi đã làm lễ thí phát, thì bây giờ lại phải rời chùa. Tôi còn nghĩ nhiều, nhất là, tới thầy tôi. Người đã ngoài bảy mươi. Người đã mất bao công phu dạy dỗ tôi. Rồi lại cùng tôi chia sẻ bao ngày khổ sở, bi thương. Không biết lên đường kỳ này, tôi có còn gặp lại được người nữa không? Nghĩ như vậy, tôi bảo Huệ:
- Có lẽ Huệ nhầm rồi. Từ sáng, khi nhận được tin nhập ngũ, mình lo và thương nhiều hơn là sợ. Lo cho chị Nguyệt, lo cho sư bác Khoan Độ. Và thầy thì... thương nhiều...
Huệ cười.
- Lo và thương thì ai chả biết. Kẻ nào xa nhà mà không biết lo lắng, thương xót người thân... thì có họa là... là ngợm. Đằng này sợ cơ.
Tôi lặng lẽ không đáp, lơ đãng đưa mắt nhìn cánh đồng xanh mởn mênh mông. Làng Sọ cong cong như lưỡi liềm. Chùa làng nằm ở chuôi liềm. Nhà Trắm nằm ở mũi liềm. Nếu đi đường chính giữa làng sẽ phải đi vòng cung. Chúng tôi chọn đường tắt, thẳng từ chuôi đến mũi liềm. Đường này do Huệ chọn. Thứ nhất là gần, thứ nhì là để hít thứ hương quê từ thuở ấu thơ, mà đã lâu sống ở nơi đô hội Huệ không được hưởng. Con đường nhỏ được lúa xanh hai bên nhô lên che tới bụng. Giữa đồng xanh, trên con đường nhỏ, bao nhiêu kỷ niệm xưa bỗng ùa trở về. Vì nhớ, sao có thể quên được, ở chính con đường này xưa kia có hai đứa trẻ vẫn tay trong tay đi bắt cào cào châu chấu... Chắc không chỉ riêng tôi mới nhận được ân huệ của những kỷ niệm rất xưa ào ạt trở về. Có lẽ Huệ cũng vậy bởi vì cô đã nắm lấy tay tôi từ lúc nào không biết. Tôi nhìn cô, thấy mặt cô bỗng ửng lên rồi nhìn xuống bàn tay mình, và mủm mỉm cười ranh mãnh. Cô nói như riêng cho tôi:
- Không sao chứ nhỉ. Giá như hôm qua nắm tay An thế này là có tội. Còn bây giờ... thì không. Có phải không nhỉ.
Tôi không trả lời, mà quay trở lại câu hỏi cũ:
- Huệ cứ bảo tôi sợ. Thế là sao? Tôi nghĩ mãi và vẫn chưa hiểu.
- Vì anh mới bước vào. - Còn em thì đã trải.
- Vẫn chưa rõ.
- Anh có biết cái đêm em bị chìm dưới dòng sông Hồng cuồn cuộn sóng nó như thế nào không? Em hoảng hốt... Em hét lên gọi mẹ. Mẹ ơi! Mẹ ơi! Em chẳng nghe thấy tiếng trả lời. Chỉ nghe tiếng ào ào hung dữ của sóng nước. Rồi em mê man đi. Tỉnh dậy, thế là em mất mẹ... Từ đấy, em như con chim non bị đẩy ra khỏi cái tổ ấm êm. Con chim non phải tự bay một mình. Phải tự mình vỗ cánh nếu không muốn rơi xuống đất.
- Tôi cũng đã trải qua chuyện đó rồi chứ. Mấy ngày đêm lang thang khi cha mẹ bị giết. May mắn mới gặp được chùa Sọ.
- Cái khác là ở chỗ ấy. Từ khi mẹ em chết, em tìm đến bố. Nhưng bố em liên miên xa nhà, gửi em vào một trại thiếu nhi quân đội. Mỗi năm cha con chỉ gặp nhau vài lần. Còn anh của em ư? Anh em ở một trại khác và nhập ngũ khi mới mười bốn tuổi. Còn trường hợp An hoàn toàn khác chứ. Anh An gặp được sư cụ Vô úy. Cụ khác nào cha anh, khác nào mẹ anh. Lại có chị Nguyệt luôn ở cùng chùa. Ngôi chùa làng ta chính là gia đình là tổ ấm của anh. Anh bị mất tổ ấm thứ nhất, nhưng lại tìm được tổ ấm thứ hai. Anh đã quen với sự an bình, sự che chở của ngôi chùa... Quen quá nên không nhận ra hết giá trị của nó... Lần này, anh mới thực sự vào đời. Cũng như tôi thôi. Cũng như con chim non bị đẩy ra khỏi tổ, mới lần đầu tập bay mà không có mẹ bên cạnh. Bay một mình, sợ lắm chứ. Người như anh, ra chiến trận, em nghĩ chắc anh không sợ phải đối diện với hòn tên mũi đạn. Tôi không bảo anh có nỗi sợ ấy. Cái sợ mà tôi nói chính là cái sợ kể trên cơ.
Tôi biết ơn Huệ. Tôi cám ơn Huệ nhưng tôi không nói ra lời. Tôi chỉ xiết chặt bàn tay nhỏ nhắn của Huệ. Huệ còn muốn nói thêm nữa nhưng cô vẫn lặng im. Hai bàn tay nắm lấy nhau cũng đủ nói nhiều quá rồi.
Khi ở nhà Trắm ra, chúng tôi đến nhà bà Thêu để thắp cho Rêu một nén nhang. Bà Thêu đã đi thêm bước nữa cùng với anh đội Khoát. Hai người đã có với nhau một đứa con, đó là thằng Bình, một đứa bé khôi ngô, giống hệt người chị đã quá cố. Trông bé Bình, sự thương nhớ Rêu cồn cào trong lòng chúng tôi. Thoáng một cái đã mười năm rồi. Những chuyện xưa như những vết tử thương đã liền da. Mặt Huệ buồn trông thấy. Có lẽ cô nghĩ tới những ngày trốn chạy khỏi làng, nghĩ tới người mẹ đã mất. Còn tôi, những ngày kỳ dị quái đản trong trại cải tạo cũng hiện về nhưng tôi cố đuổi chúng đi. Con người cần chôn chặt quá khứ cho nó ngủ yên. Hiện tại mới là quan trọng. Phật đã dạy như vậy. Sự hận thù là những vấy bẩn chỉ làm cho gương mặt con người xấu xí. Tôi liếc nhìn Huệ. May thay! Gương mặt người bạn gái thời thơ ấu của tôi lúc này rất đẹp. Đôi mắt ngây thơ to dài lúc nào cũng buồn thăm thẳm, lúc này sao long lanh. Chỉ có những tâm hồn cao thượng mới có ánh mắt sáng trong như thế. Tôi tin ở sự cao thượng.
Chúng tôi còn ra nghĩa địa chùa thắp hương cho thầy Hải, cho bà cụ Thầm. Huệ cứ nấn ná mãi đến gần tối mới lên được xe. Trước lúc xe chạy còn dặn tôi câu cuối cùng.
- Huệ lo cho anh An, bởi vì ngôi chùa cái tổ ấm cưu mang An gần hết thời thơ ấu là một chốn đặc biệt khác hẳn đời thường. Quân đội và nhà chùa khác nhau như lửa và nước. Không biết rồi An chịu đựng ra sao? Dù sao thì cũng phải cố gắng. Huệ tin ở An. Viết thư ngay cho Huệ nhé.
Sự chu đáo lo lắng của Huệ làm tôi cảm động. Tôi không ngờ Huệ nghĩ sâu xa như thế. Cô bạn gái của tôi thật nhạy cảm. Sự việc xảy ra đột ngột quá, nó mới xảy ra ban sáng. Tôi là người trong cuộc vẫn chưa kịp suy nghĩ được gì, trong khi đó Huệ đã tiên cảm được bao nhiêu điều. Câu nói của Huệ bỗng làm dấy lên trong lòng tôi bao suy nghĩ. Tôi bỗng nhớ lại cái phút mà bà Thêu chủ nhiệm báo cho tôi quyết định phải đi nhập ngũ, tôi không hề có phản ứng đột ngột gì. Chỉ ngạc nhiên thôi, cảm giác của tôi lúc ấy đúng là ngạc nhiên. Sở dĩ thế, vì trước tôi chưa có tiền lệ. Tôi chưa thấy một ông sư nào đi bộ đội, hay là ở địa phương nào đó, có chuyện ấy mà tôi không biết. Ngay khi tôi nói chuyện với bà chủ nhiệm thì những chiếc máy bay Thần sấm đang ù ù bay trên bầu trời làng tôi. Người quê tôi quen rồi. Người ta bảo Mỹ thả bom Hà Nội, và làng tôi chỉ nằm trong vòng lượn của máy bay phản lực thôi. Cái làng nhỏ của tôi chưa phải là mục tiêu của Mỹ. Dù sao thì hàng ngày thần chết vẫn lơ lửng bay trên đầu chúng tôi. Hàng ngày Đài truyền thanh của xã vẫn thông báo những trận đánh lớn ở miền Nam. Nghĩa là từng phút từng giây vẫn có những người con ngã xuống vì đất mẹ. Tôi là người tu hành, nhưng vẫn là một người con, trong hàng triệu người con ấy. Vậy thì, liệu tôi có quyền được miễn trừ tham dự không?
Huống chi, chiến tranh với tôi đâu có gì xa lạ. Tôi sinh ra trong chiến tranh. Cha mẹ tôi lại chết vì chiến tranh. Chỉ có điều khác, tôi có duyên được ngôi chùa che chở. Tôi có duyên được tiếp xúc, tiếp nhận sự từ bi bao la của đức Phật giữa lúc thế gian đầy cảnh tang thương giết chóc. Vậy tôi sẽ hành xử ra sao khi lúc này đây thế gian yêu cầu tôi rời bỏ ngôi chùa yên ấm. Có một đạo hữu nào đã bảo tôi rằng: “Hãy để cho mọi việc tự nhiên xảy ra. Cái chính là ở tâm ta”. Phải chăng là thế? Các vị Bồ tát xưa nay đã chẳng sống như thế sao? Phải, còn rất xa tôi mới hiểu được và làm được theo lý tưởng Bồ tát. Nhưng ít nhất tôi cũng có đủ can đảm và nghị lực tuổi trẻ để hòa vào thế gian để cùng gánh chịu những vui buồn, đau khổ của thế gian này. Muốn hưởng ngoại lệ, đó là điều tôi không muốn.
Tôi không hề nói ra miệng những điều thầm kín ấy. Nhưng nhìn vẻ mặt của tôi, bà Thêu chủ nhiệm rất hài lòng. Bà bảo:
- Cô cứ tưởng nghe quyết định, cháu sẽ phản ứng. Chính vì vậy mới phải mời cháu lên ủy ban. Bây giờ thì cô yên tâm rồi.
Bà Thêu xưng cô cháu với tôi. Điều ấy làm tôi cảm động. Nghĩa là bà ấy vẫn nghĩ tới Rêu, người bạn trong trắng như pha lê của tôi. Nghĩa là có thể ông Khoát chồng bà, một người rắn như thép, cũng nghĩ như thế. Đã là người ai chẳng biết sám hối, ít nhất là biết day dứt trước sự bất hạnh mà mình có góp phần tạo ra. Những người sắt đá như họ mà trong lòng vẫn có lúc ám ảnh sự thương xót. Vậy thì, còn ngại ngần gì nữa. Thế gian mênh mông đau khổ, trái ngang, song cũng là mênh mông tình thương...
Trước lúc lên đường, có cả một tuần chuẩn bị. Tôi là người tu hành, có gì đâu mà phải chuẩn bị. Tuy vậy, chị Nguyệt của tôi cũng phải bận rộn may cho tôi một bộ quần áo nâu mới. Tôi bảo:
- Quân đội sẽ phát quần áo đầy đủ. Việc gì phải may thêm.
- Không được. Cụ bảo phải may cho em một bộ quần áo nhà chùa. Em hiểu chứ. Dù là người lính, em cũng từ nhà chùa mà nên người, xếp ở đáy ba lô. Lúc nào cũng cõng nó ở trên lưng em nhớ đừng quên.
Chị Nguyệt nói với tôi, rơm rớm nước mắt. Tôi chẳng biết an ủi chị thế nào. Tôi dặn chị:
- Sư cụ yếu lắm rồi. Không biết đến khi quay trở về chùa em có còn gặp lại thầy được nữa không. Chị nhớ chăm nom hầu hạ thầy chu đáo.
- Em chẳng cần dặn chị cũng biết. Trên đời, chỉ còn cụ là người thân nhất của chị em mình.
Còn cách ba hôm trước ngày lên đường, một hôm, cậu Trắm lên chùa gặp tôi:
- Trên xã muốn tiễn cậu lên đường thật trọng thể.
- Sư cụ không cho bày vẽ đâu.
- Chả là thế này: Khi cậu làm sư, nhà chùa làm lễ xuất gia cho cậu. Bây giờ cậu vào quân đội, cũng phải làm lễ xuất tam bảo cho cậu chứ.
Tôi cười, chối từ:
- Rõ nhiều khê vớ vẩn. Nhà nước bảo tôi đi bộ đội. Tôi chấp hành lệnh. Nào có kêu ca gì đâu. Sao các vị cứ thích làm rùm beng lên thế... Tôi hiểu rồi. Cứ như thể tôi bằng lòng đi bộ đội, và điều đó là một thắng lợi của xã.
Trắm nghe vậy cười to hô hố:
- Thế đấy... Cứ tưởng sư thầy An ngù ngờ. Hóa ra tinh quái đáo để.
Cười xong, Trắm ra về và cũng không thấy ủy ban xã nhắc lại chuyện đó nữa.
Tôi đem chuyện ấy thưa lại với sư cụ Vô úy. Thầy tôi bảo:
- Con từ chối hay không tùy ở tâm con. Người chân tu không câu nệ, chấp trước. Đức Trần Nhân Tông thời xưa, lúc nhỏ đã là một phật tử thuần thành, nhưng người vẫn làm vua, vẫn hai lần đánh thắng quân Nguyên, vẫn có gia đình có con cái. Chỉ khi đánh giặc xong, đất nước đã thanh bình người mới lên núi đi tu.
Mấy ngày trước khi lên đường, tôi xin phép được ngủ cùng phòng với thầy tôi. Cũng như cái hồi thầy bị bệnh nặng, tôi trải chiếu xuống đất nằm bên giường. Tôi muốn luôn luôn được kề bên để nâng giấc cho thầy. Thầy trò tôi, bao nhiêu năm rồi, lúc nào cũng luôn ở bên nhau. Kỷ niệm cái lần tôi đẩy xe bò đưa thầy tôi từ nhà giam ‘‘Đơ Bê” phố huyện về chùa chẳng khi nào tôi quên được. Rồi kỷ niệm những ngày tù ở trại giam cải cách... Những ngày mười chết một sống ấy đã gắn bó thầy trò tôi với nhau bằng mối tình thâm sinh tử. Tôi biết ơn công sinh thành của cha mẹ đẻ mình. Nhưng thú thật, những ngày thơ ấu của tôi đã quá xa rồi. Thú thật, những kỷ niệm thời bé ấy tôi chẳng nhớ được là bao. Thời gian đã làm phai nhạt. Ôi! Thời gian! Thật bạc bẽo xiết bao. Nhưng những kỷ niệm với thầy tôi thì thật khó quên. Tôi may mắn được lớn lên với thầy. Lúc nào cái bóng từ bi của thầy cũng bao bọc che chở cho tôi. Người là người cha thứ hai, người mẹ thứ hai của tôi. Còn hơn cả thế. Sự cộng sinh cộng tử trong lúc nguy nan là một chất keo kết dính. Hơn nữa thầy còn là người cha tinh thần, dẫn dắt tôi đi trên con đường cao thượng. Sự cao thượng của đức Phật từ bao đời nay đã thấm đẫm tâm hồn làng quê. Thiếu nó tâm hồn người ta sẽ bị què quặt...
Lần này thì khác, thầy chẳng bằng lòng để tôi nằm dưới đất. Chỉ còn ba ngày thầy trò ở bên nhau thôi. Thầy muốn tôi ngủ trên giường. Thầy muốn trong ba đêm này thân xác tôi cũng gần gụi bên thầy. Ôi chao! Chỉ việc nhỏ thế thôi mà lòng tôi xiết bao xúc động. Cứ như thể đây là lần cuối cùng thầy trò tôi ở bên nhau vậy. Cả thầy tôi, cả tôi nữa, đều không nói ra điều ấy, nhưng hình như cả hai người đều cảm nhận như thế. Mà có lẽ thế thật, bởi vì ai có thể đoán biết được ngày mai sẽ ra sao. Thời chiến tranh, tôi lại sắp là người lính. Mà điều chắc chắn là tôi sẽ vào chiến trường... Còn thầy tôi? Năm nay người đã bảy lăm tuổi...
Trong ba đêm ấy, thầy trò tôi chẳng nói chuyện với nhau nhiều lắm đâu. Hình như thầy tôi thức nhiều hơn là ngủ. Hình như, những điều gì cần nói thầy đã nói với tôi cả rồi. Cũng có thể, sự nằm kề bên, rồi nghe thầy thở, cảm nhận hơi thở của thầy cũng là một cách nói... Thầy muốn tôi ở kế bên để trao tặng cho tôi nguồn từ lực của người, lòng từ bi khoan dung của người. Thầy muốn tôi không quên lòng đại từ, đại bi của đức Phật, muốn nó thấm thật sâu vào từng tế bào, da thịt tôi. Bởi ví tôi sắp đi đến những nơi mà ở đấy cái chết, sự không khoan dung luôn cận kề từng phút từng giây...
Đêm cuối cùng, thầy mới nói với tôi mấy câu. Thầy bảo rằng:
- Thầy nghe nói con từ chối buổi lễ liên hoan xuất tam bảo?
- Thưa thầy, vâng. Bà Thêu bảo con: “Làm lễ xuất tam bảo tức là chúng tôi giải phóng cho anh đó”.
- Con trả lời ra sao?
- Bạch thầy, con trả lời: Tôi vào chùa là tự nguyện. Có bị ai cưỡng bức đâu mà phải giải phóng.
- Ừ, thế cũng phải. Thầy dặn con điều này. Phật giáo là một lối sống. Mà đã là lối sống thì tu ở chùa cũng được, tu ở ngoài cũng được.
- Thưa thầy, vậy là con có thể tu ngay giữa chiến trường.
- Được con ạ. Đã là người thì phải biết ta sinh ra từ đâu và đời sống tinh thần ta ra sao. Con sinh ra là người Việt thì phải có bổn phận với đất Việt. Con lại là phật tử, vậy phải có trách nhiệm phật tử.
Nói xong, thầy tôi im lặng rất lâu. Trong phút im lặng gần như tuyệt đối ấy, lòng tôi bao phân vân. Tôi nghe rõ mồn một tiếng tặc lưỡi của con mối trên cây xà ngang trần nhà. Còn thầy tôi thì như tìm lời nói... Cuối cùng, thầy tôi mới lên tiếng. Hình như thầy biết tôi đang phân vân điều gì. Thầy bảo:
- Không phải chỉ có con suy ngẫm thôi đâu. Thời xưa, người mình cũng đã suy ngẫm. Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, một bậc đại Bồ tát ngày xưa cũng đã hai lần đánh quân Nguyên. Đánh giặc ư? Chắc chắn là bao nhiêu máu đã chảy. Nhưng cuối cùng người lên núi đi tu. Và có ai dám bảo người không phải Bồ tát. Và người dạy chúng ta: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”, “Cư trần” ta hãy ở giữa cõi trần này mà vui đạo. “ Tùy duyên”! Hãy tùy duyên mà hành đạo. Con vẫn thức đấy chứ. Hãy nhớ lấy hai chữ tùy - duyên con ạ.
Tôi trả lời:
- Bạch thầy, con còn thức.
* * *
Hôm tiễn tôi lên đường, chị Nguyệt không đi, bởi vì nếu đi chắc chắn chị tôi sẽ khóc như mưa như gió, điều ấy chẳng ích lợi gì. Thầy tôi cũng không đi, bởi vì những điều cần dặn dò thầy tôi đã nói cả rồi. Chỉ có sư bác Khoan Độ đưa tôi ra đến tận sân đình. Như đã biết, sư bác là thầy dạy võ của tôi. Sư bác bảo: “Hóa ra tôi dạy chú học võ cũng có ích. Tôi xuất thân giang hồ. Từ võ biền thành người xuất gia. Còn chú, xuất thân tu hành, nay thành một chiến binh. Thế mới biết lẽ đời vô thường. Không thể đoán trước nổi điều gì”. Trước ngày lên đường mươi hôm, sư bác cứ khăng khăng bắt tôi học một bài võ bí truyền, bài ngọc trản, tức là cái chén ngọc. Đó là bài võ gồm toàn những chiêu chết người như móc mắt, xọc ngón tay vào yết hầu, chặt gáy... Sư bác rủ rỉ: “Mình là kẻ tu hành, lấy từ bi làm gốc, không bao giờ dùng những thế võ này. Nhưng biết đâu đấy, đời người lính luôn ở chốn sa trường, nhỡ một phút nào đó ta lâm vào tình thế nguy nan, bị hãm vào tử địa... thì biết tính làm sao... Tôi dạy chú chỉ để phòng xa mà thôi...”. Sư bác Khoan Độ là người cứng rắn, ít khi biểu lộ tình cảm nhưng nhìn con mắt bác, nghe giọng nói của bác hôm ấy, tôi biết người buồn lắm. Hơn một chục năm rồi còn gì. Chúng tôi ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, lại cùng chung bao phút buồn vui... Lúc tôi lên xe ôtô, sư bác đứng dưới gốc cây phi lao già. Người đi tiễn chạy theo xe tản ra hết, nhưng bác cứ lặng lẽ đứng đấy cho tới lúc xe của chúng tôi ngoặt sang con đường rẽ.
** *
Chúng tôi được huấn luyện ở Bắc Giang. Chúng tôi đóng quân gần một khu rừng dẻ. Lúc ấy vừa mới gặt xong. Rơm phơi đầy ngõ xóm. Chúng tôi đi trên những con đường làng phủ kín rơm. Rơm phơi cả trên đầu những bức tường đất thậm chí cả trên những mái nhà. Một thế giới rơm vàng thơm nức. Nắng hanh sấy khô làm cọng lúa phơi càng bốc hương mạnh. Hương rơm vừa ngọt vừa thơm ngào ngạt. Ở sân kho hợp tác vang tiếng cười của những cô gái phơi thóc. Ở sân đình, những ông bà già cùng lũ trẻ tết mũ rơm. Trông lũ trẻ đi học, đội mũ rơm mới vàng hoe, cười toe toét chào các anh bộ đội thấy ấm áp trong lòng.
Hết mùa lúa thì đến mùa hoa dẻ. Rừng dẻ phủ kín những quả đồi thấp bên kia cánh đồng. Chúng tôi tập luyện trên bãi đất trống ở bìa rừng. Lăn, lê bò toài, xạ kích, kỹ thuật, chiến thuật... Tất cả đều được học dưới khu rừng. Đúng vào mùa hoa dẻ. Hoa dẻ rừng trắng ngà. Màu trắng phớt vàng. Giống như hoa nhãn trên cái giếng ở vườn chùa. Nếu như chỉ có một cây, ta khó có thể nhận ra hương hoa dẻ. Nhưng đằng này là cả một khu rừng toàn dẻ. Cho nên vô vàn những bông hoa li ti đã tỏa ra một thứ hương ngan ngát kỳ lạ mà tôi chưa từng được biết. Ngồi tháo lắp súng, nghe gió đùa trên những tán lá dẻ, tôi cứ tưởng những bông hoa dẻ cũng biết thì thầm.
Khi đầu, chúng tôi đóng quân trong nhà dân. Chúng tôi đã được học tập đầy đủ về công tác dân vận cho nên đã thực hiện được đúng câu “đi dân nhớ, ở dân thương”. Thực ra, đơn vị chúng tôi hầu hết đều là nông dân nên việc làm đó chẳng có gì là khó. Học tập bận rộn đến thế, chiến trường miền Nam đòi hỏi khẩn trương là thế, mà chúng tôi cũng dành ra được hai ngày đi gặt cho dân.
Trắm có nhiều điều kiện thuận lợi hơn tôi. Vì đã là đảng viên và xã đội phó nên dù mới vào lính, nhưng Trắm đã được đề bạt làm B phó, giúp việc cho các cán bộ khung. Còn tôi, dù sao tôi cũng đã nhiều năm ở chùa, cho nên tôi phải biết thân phận của tôi.
Hầu hết tân binh đều thuộc thành phần bần cố nông. Họ hồn nhiên và tếu táo. Sự có mặt của tôi trong đơn vị luôn là một đề tài đùa bỡn chọc ghẹo của họ. Riêng cái đầu trọc của tôi đã thành vấn đề. Mọi người đều để tóc. Riêng tôi, cái đầu nhẵn thín. Cái đầu trọc ấy như một sự đánh dấu. Nó làm tôi khác hẳn mọi người. Anh em gọi tôi là “sư cụ”, là “sư hổ mang”. Đến lúc này tôi mới hiểu hết sự lo ngại mà Huệ đã nói với tôi hôm xưa. Huệ có nói với tôi: “Phải làm sao để cho giống tất cả mọi người. Phải hòa đồng với mọi người”. Bây giờ thì tôi hiểu thấm thìa rồi. Hãy cứ nhìn một đàn chó con mà xem. Nếu ta thả vào đó một con chó lạ cùng lứa tuổi, dù con chó lạ ấy có giống hệt những con chó kia, thì nó cũng lập tức bị đàn chó xua đuổi, những con chó cùng đàn sẽ cắn xé con lạc đàn, và con chó mẹ sẽ khêng cho bú, số phận kẻ lạc loài chắc chắn sẽ thảm thương. Trắm thấy tôi bị trêu trọc, phải đứng ra bênh vực và gắt gỏng với tôi:
- Sao trước hôm nhập ngũ chú còn bảo sư bác cạo đầu cho?
- Thì có biết đâu. Sư bác bảo muốn cho tôi khi vào bộ đội trông phải bảnh bao.
- Ngu ơi là ngu. Thôi nhé. Từ nay phải để tóc. Phải làm sao cho tóc mọc thật nhanh.
Đại đội trưởng đã trên ba mươi tuổi là người từng trải. Anh chấn chỉnh, nói mọi người phải biết giữ đoàn kết. Xa nhà rồi, xa cha mẹ anh em rồi, nên phải coi đơn vị như gia đình của mình, coi đồng đội như anh em của mình. Còn với tôi, anh đến tỉ tê:
- Tớ biết cha mẹ cậu bị giặc Pháp giết. Cậu có thù với đế quốc. Nhưng cậu cũng đã ở chùa hơn mười năm. Đã bị tiêm nhiễm nhiều tư tưởng lạc hậu. Bọn đế quốc phong kiến rất là thâm độc. Chúng dùng tôn giáo làm thứ thuốc phiện ru ngủ dân chúng, làm cho họ quên mất rằng kẻ thù chính của chúng ta là giai cấp bóc lột. Họ làm cho quần chúng mê muội đi tìm thiên đường, đi tìm niết bàn mà quên mất chuyện đấu tranh giai cấp. May mà cậu mới qua tuổi chú tiểu. Sự tiêm nhiễm chưa sâu sắc. Cậu tin đi. Đời sống bộ đội sẽ rèn luyện cậu, giúp đỡ cậu gột rửa những tư tưởng lạc hậu. Cậu sẽ tiến bộ. Cậu phải cám ơn cách mạng đã giải phóng cho cậu, đem cậu trở lại cuộc đời bình thường.
Tôi còn biết trả lời anh cán bộ đại đội ra sao nữa. Tôi chỉ còn biết ngồi im lặng.
Có lẽ chỉ có hai người trong đơn vị thương tôi, cảm thông với tôi. Họ chẳng bao giờ lấy việc ở chùa của tôi làm trò đùa hay cho là vấn đề cần phải dạy dỗ. Đó là Cường và Tiến trong tổ ba người. Các cụ xưa bảo có ăn nhạt mới thương đến mèo. Phải chăng vì hai người ấy cũng có hoàn cảnh tương tự như tôi. Nghĩa là họ cũng có những vướng mắc về thành phần, lý lịch. Cường thành phần tư sản. Bố anh là thợ sửa chữa ôtô. Ông cụ là thợ giỏi, lại là người cần kiệm chắt bóp. Cho nên sau hai chục năm làm việc, ông tậu được một mảnh đất nằm ở một cửa ô Hà Nội. Có đất làm xưởng, có nghề giỏi trong tay, lại có chút lưng vốn, ông liền mở xưởng sửa chữa, sau đó mua hai chiếc ôtô cũ không chạy nổi nữa. Song vào tay ông, như có tay tiên sờ vào, chúng lại chạy bon bon trên con đường Hà Nội - Hải Phòng. Rồi từ hai chiếc ôtô cà tàng ấy, ông sắm dần tới năm chiếc. Nước chảy chỗ trũng. Năm năm sau, ông đã tậu được ba căn nhà ở Hà Nội. Tuy giàu có, nhưng ông bố Cường là người thức thời. Năm 1954 giải phóng Thủ đô, được người em trai từ Việt Bắc trở về giải thích, ông hiểu ngay mình cần phải làm gì. Ông đem hai ngôi nhà hiến cho Chính phủ. Rồi lại đem cả cái xưởng sửa chữa ôtô hái ra tiền của mình đưa vào nhà nước. Cũng nhờ thế Cường được vào đại học. Nhưng dưới Cường còn tới năm đứa em lộc ngộc. Ông bố Cường, thứ nhất vì tiếc của, thứ hai vì lo cho tương lai của lũ con, nên gầy rộc hẳn đi, suốt ngày thở ngắn than dài. Đứa em đốt dưới của Cường xin đi bộ đội cũng không đắt vì thành phần tư sản. Cho nên khi trường đại học có đợt tuyển quân anh xung phong ngay. Ông bố bảo:
- Anh học năm thứ ba. Leo cây gần đến lúc hái quả. Anh vào bộ đội liệu có phí đi không?
- Con nghĩ kỹ rồi bố ạ. Đối với cách mạng, nhà mình coi như chưa đóng góp cái gì. Phải có người tham gia. Hoặc làm cán bộ. Hoặc đi bộ đội... Con có năm đứa em. Phải cứu lấy chúng bố ạ. Nếu không, với cái thành phần tư sản, gia đình mình không biết còn rơi xuống vực thẳm nào.
Ông già thở dài:
- Anh muốn cứu gia đình. Thầy xin biết ơn con. Thầy già rồi. Sức tàn lực kiệt rồi. Chỉ còn biết trông cậy vào con dìu dắt lũ em.
Tâm tư Cường như thế đấy. Anh còn trẻ nhưng tâm hồn đã già dặn. Còn đâu lòng dạ hồn nhiên để cười trên số phận của tôi.
Còn Tiến, thân phận anh cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Bố anh là địa chủ, mẹ anh cũng thuộc thành phần địa chủ. Đám cưới của họ là một chuyện ly kỳ. Ông cụ ăn hỏi một cô gái nhà giàu xinh đẹp. Đám cưới được tổ chức linh đình. Song, đêm tân hôn, chàng trai mới ngã ngửa ra. Bên nhà gái đã đánh tráo cô dâu. Đem cô chị thế vào cô em. Thực ra cô chị cũng không xấu xí. Chỉ phải tội đã cứng tuổi. Sợ rằng cô con gái lớn ế chồng nên ông bố vợ mới làm như thế. Hơn nữa, trước khi cưới, ông còn xem số cho cô chị với chàng rể. Gái hơn hai, trai hơn một. Tiêu chuẩn đã biến thành câu tục ngữ lưu truyền ngàn đời, như thế là phải lẽ. Vả lại, khi xem số giữa cô em và chàng rể lại không thấy hợp. Cho nên ông mới quyết định đánh tráo.
Chàng rể cay hơn ăn ớt, song vì ông bố vợ có quyền thế, và ông lại đền bù cho chàng rể hơn mẫu ruộng hồi môn, nên chàng đành phải chịu ngậm bồ hòn làm ngọt. Chàng rể cũng là tay thâm nho. Chàng không ghét gì vợ, nhưng cay cú, chàng trả thù bố vợ bằng cách bỏ lửng. Có vợ cũng như không. Chàng không mắng chửi, không hành hạ, nhưng việc chung đụng ăn nằm với vợ thì tuyệt nhiên không. Người đàn bà cắn răng cam chịu cô đơn lạnh lẽo...
Thế rồi một chuyện tày đình xảy ra. Bỗng dưng bụng bà vợ cứ dần dần to lên. Vì là nhà danh giá nên câu chuyện bắt buộc phải giấu nhẹm. Người chồng đắng cay trói vợ lại, lấy roi dâu quất vào mông lúc đêm khuya:
- Mày chửa với ai?
Đánh thì đánh, người đàn bà vẫn cắn răng không khai. Ôi! Thật tức chết đi được! Cái nhà này bao nhiêu là đàn ông. Năm tay thợ cày lực lưỡng. Ba ông chú người nào cũng hàng đàn thê thiếp nhưng trông thấy lũ đàn bà phây phây ông nào cũng nuốt nước bọt. Lại còn ông cụ cố nữa chứ. Bố ông, lão địa chủ già tám mươi tuổi, thế mà năm ngoái còn đè cô thợ cấy ra ở chuồng trâu mà hiếp... Biết ai là thủ phạm bây giờ. Mà con vợ ta thì phây phây ra thế. L. tù, cu hãm mà. Chuyện này phần nào cũng do tại ta. Ta cứ đánh nó mãi. Ngộ nhỡ nó chết thì sao? Ngộ nhỡ đứa con trong bụng nó lại thuộc về của một ông chú nào, hoặc có thể của cha ta thì sao? Nghĩ đến thế; anh chồng rùng mình và cởi trói cho vợ.
Nhờ có sự nghĩ ngợi ấy, đứa trẻ tức là Tiến được cất tiếng chào đời. Sau cuộc sinh nở ấy, một chàng trai tá điền bỏ ông chủ, theo Việt Minh lên chiến khu. Vậy thì đứa trẻ ấy là con ai? Liệu có thể là con nguời chiến sĩ cách mạng, hay là một giọt máu của gia đình nhà ông. Người đàn bà ấy bị hậu sản chết năm 1947. Ông địa chủ giao Tiến cho người vợ lẽ thứ tư của ông. Bà này vô sinh, nên thương yêu Tiến như con đẻ. Anh cũng được đi học như những đứa trẻ cùng lứa. Hồi cải cách ruộng đất, người ta bàn luận về thành phần của Tiến. Mẹ Tiến rõ ràng xuất thân địa chủ, nhưng suốt đời bị đối đãi còn kém hơn cả cố nông. Vậy bà ta thành phần gì? Ông địa chủ thì rõ ràng không phải bố Tiến. Nếu Tiến là con của một trong các ông chú, hay của ông cố tức lão địa chủ dê già thì đi một nhẽ. Thế ngộ nhỡ chính là con của anh Việt Minh lên chiến khu thì sao? Anh ta là liệt sĩ. Nếu thằng Tiến là con liệt sĩ mà ta lại quy cho nó là địa chủ thì tức là ta mang tội với cách mạng. Nhưng tìm ra sự thật ở đâu bây giờ. Mẹ Tiến đã chết. Lão cố địa chủ dê già cùng bốn ông chú đều ở suối vàng cả rồi. Cuối cùng người ta đành ghi lý lịch của Tiến: Thành phần chưa xác định.
- Thế là chết rồi - Cường lắc đầu - Chưa xác định tức là không rõ ràng. Lý lịch không rõ ràng ư? Mày có phấn đấu cả đời cũng chẳng ngóc đầu lên được đâu con ạ.
- Tao không tin. Mấy lại, tao điều tra rồi. Người làng bảo ông Việt Minh trước khi bỏ làng lên chiến khu đã vào thăm mẹ tao lúc đó đang ốm nặng. Ông ấy bón cháo cho mẹ tao ăn và ông ấy khóc. Mẹ tao cũng khóc. Chúng mày thấy chưa? Tại sao hai người cùng khóc. Cả làng ai cũng bảo tao là con ông liệt sĩ.
Chúng tôi im lặng. Tiến nói thêm:
- Mấy lại, cả làng bảo tao không giống người họ Lý (tức là ông địa chủ).
- Thế tại sao cả làng không chứng nhận vào lý lịch?
- Cũng không biết tại sao.
- Thế mày có thù ghét họ Lý không?
- Không. Họ Lý vẫn cho tao đi học. Còn u tao, mẹ nuôi tao ấy, thì rất thương tao. Cho nên có người làng xui tao nộp đơn lên tỉnh xin cắt đứt với họ Lý... nhưng tao không làm... Dù sao đi nữa, tao cũng cảm thấy, và tin chắc rằng tao là con ông Việt Minh liệt sĩ. Tao nghĩ như vậy có đúng không?
- Mình chẳng biết nói sao. Nhưng nghĩ kỹ thấy hoàn cảnh cậu khổ thật, phức tạp thật - Cường trả lời rồi quay sang tôi - Còn cậu ý kiến thế nào?
Tôi gật đầu:
- Con người sinh ra là thế. Ai cũng khổ. Cậu cũng thế. Tớ cũng vậy. Lẽ dĩ nhiên Tiến khổ hơn chúng mình.
Cường cười:
- Cậu trả lời chán bỏ mẹ đi được. Chả trách chúng nó gọi cậu là “sư cụ”.
Thì ra tổ ba người chúng tôi là tổ đặc biệt. Toàn những anh lý lịch có vấn đề. Chắc người ta ghép lại một chỗ cho tiện giáo dục. Điều đặc biệt đáng nói là tổ chúng tôi lại là tổ xuất sắc của đơn vị. Trên thao trường luôn được biểu dương. Học tập chính trị, Cường là cây lý luận của đại đội. Trong sinh hoạt, đó là tổ đoàn kết nhất. Bắn đạn thật, cả ba đều đạt loại giỏi.
Nói đến chuyện tích cực, có một chuyện mà mãi mãi sau này tôi vẫn không quên. Trong ba người chúng tôi, Tiến là người tích cực hơn cả. Có người bảo: Cậu ta muốn chứng tỏ mình là con liệt sĩ, muốn phấn đấu cho xứng với dòng máu cách mạng luôn sục sôi trong huyết quản của mình. Cũng có thể chẳng phải vậy. Chỉ hoàn toàn tự nhiên thôi. Tôi cũng giống cậu ta. Chúng tôi là những con người lương thiện. Khi đã làm việc gì đều muốn làm cho tốt công việc của mình. Thầy dạy tôi như vậy. Phật dạy tôi như vậy. Cả những sách ngoài đời cũng dạy con người như vậy. Anh chàng Tiến béo phệ của chúng tôi là loại người như vậy.
Tôi nhớ bữa ấy là một ngày lễ lớn. Chúng tôi chuẩn bị một cuộc liên hoan lửa trại. Khắp làng rộn lên tập hát, tập múa, tập kịch. Đi đâu cũng nghe thấy tiếng ghita, tiếng sáo, tiếng nhị. Đoàn thanh niên xã cũng góp vui. Các em thiếu nhi cũng góp vui. Thật tưng bừng náo nhiệt. Trung đội chúng tôi chuẩn bị một vở kịch. Kịch cương thôi. Trung đội trưởng bịa ra một cốt truyện, cốt truyện được đại đội thông qua về mặt nội dung. Sau đó đội kịch họp lại thêm râu, thêm ria, quy định lời thoại.
Những cây củi gộc chỉ dùng để nấu bánh chưng được dân làng ủng hộ. Những cành cây, thần cây, gộc cây được dựng chụm đầu vào nhau ở giữa sân kho. Rồi tưới một can dầu hỏa vào đống củi. Lửa xua tan cái giá lạnh của đợt gió mùa đông bắc cuối xuân. Ấm áp quá nên những gương mặt tươi hơn hớn, những tiếng cười ròn hơn, những giọng hát lảnh lót hơn, những điệu múa dẻo hơn.
Cô bí thư chi đoàn xinh xắn dẫn chương trình. Cô giới thiệu tiết mục kịch của trung đội tôi. Đã lâu rồi, nên tôi chẳng còn nhớ chi tiết vở kịch. Nhưng đại loại đó là câu chuyện ôn nghèo kể khổ. Tấn tuồng diễn lại chuyện ngày xưa nông dân nghèo bị địa chủ bóc lột đến tận xương tủy ra sao. Giá như trung đội trưởng là một người trẻ thì anh ta có thể nghĩ ra một cốt truyện khác: Chuyện về hợp tác xã tếu táo chẳng hạn, hoặc là diễn lại một đoạn trò Lưu Bình - Dương Lễ chẳng hạn. Đằng này, Trung đội trưởng của chúng tôi lại là cố nông, anh chính là Trắm. Trắm đã là xã đội, đã được học tập, chỉnh huấn trên tỉnh. Cho nên anh mới muốn kịch phải có lập trường chính trị. Và lập trường cao nhất là đấu tranh giai cấp, vì thế nội dung câu chuyện mới là mâu thuẫn địa chủ nông dân.
Anh chàng Tiến béo phệ hiền hòa của chúng tôi sắm vai địa chủ. Bởi vì địa chủ ăn uống thỏa thuê nên phải to béo; mà người to béo nhất trung đội lại chính là Tiến.
Tiến cầm cái roi tre, mặc áo the đen, đội khăn xếp, hai bên mép vẽ bộ ria vểnh, chắp tay sau đít, đi lại bên đống lửa rất oai vệ. Chắc là anh đã được chứng kiến nhiều những dáng điệu của các ông chú, ông bác, ông cụ cố ở những ngôi nhà thôn quê khang trang lợp ngói... cho nên anh đóng trò rất đạt. Ngồi vắt chân chữ ngũ cũng oai. Ăn nói thì đĩnh đạc, cử chỉ thì đàng hoàng sang trọng. Có thể nói, Tiến không dùng lối diễn biếm họa, thậm xưng, mà dùng cách tả chân, cách điệu. Còn người đóng vai cố nông cũng khéo. Anh ta gầy nhom, rách rưới, quỵ lụy. Vai địa chủ không đánh mà chỉ nói, chỉ quát. Giọng nói sang cả, oai vệ. Còn người cố nông thì không nói, hoặc là sợ quá mất tiếng nói, nên chỉ làm điệu bộ. Những điệu bộ thảm hại, rúm ró, khúm núm.
Theo tôi nghĩ, đứng về mặt kịch, cặp diễn ấy khá thành công. Bởi vì họ mới chỉ diễn năm phút thôi, mà khán giả đã bị hút hồn. Quanh đống lửa, người xem im phăng phắc... Nhưng bỗng dưng một tiếng thét vang:
- Hỏng! Hỏng bét rồi! Chúng mày là lũ phản động.
Chủng tôi nhìn bóng người nhảy ra, đứng bên đống lửa.
Đó là Trung đội trưởng. Anh ta đuổi hai diễn viên ra, rồi dõng dạc, hùng hồn diễn thuyết một tràng dài. Trắm nói:
- Chúng tôi xin lỗi tất cả các đồng chí và đồng bào. Tôi xin lỗi vì cách đóng không có lập trường. Có thể nói cách đóng vô chính trị đã đem lại một phản tác dụng. Bản chất địa chủ là gì? Là độc ác, tàn bạo, thâm hiểm... hút máu người không tanh... Làm sao một địa chủ cầm roi mà không đánh. Làm sao một nông dân dưới cảnh áp bức của địa chủ mà chỉ thều thào van lơn như một thây ma. Làm sao một tên địa chủ đê hèn lại được đóng như một con người đàng hoàng sang trọng. Các đồng chí diễn viên ơi. Tôi nói thật với các anh như thế là hỏng, là mất lập trường, là không hiểu thế nào là hỏng, nói tóm lại là vô chính trị. Thưa đồng bào, đồng chí. Tôi thật lòng xin lỗi.
Cuộc liên hoan mới được nửa chừng nhưng bài diễn văn của Trung đội trưởng như một gáo nước lạnh. Tất cả bỗng nhiên chùng xuống, xẹp xuống. Người ta chỉ hát thêm hai bài hát nữa rồi giải tán.
Chúng tôi trở về nhà như chó cụp đuôi. Tiến bảo tôi: “Sao thế nhỉ? Mình đã cố gắng hết sức. Chỉ muốn đóng cho thật đạt. Sao thiếu úy lại bảo mình là vô chính trị, mất lập trường?”.
Cường, chàng sinh viên mỉm cười, giải thích:
- Chỉ tại cậu thực sự có năng khiếu diễn viên. Cậu phải biết ở nơi khỉ ho cò gáy này, có ai cần đến sự tinh tế. Nếu cậu biết hò hét, biết quát tháo, biết đánh đập, biết đùng đùng nổi giận, thì dù cách ấy rất thô thiển, ngô nghê... cậu cũng sẽ được khen.
Còn Trung đội trưởng lại nói khác. Anh, nửa như giải thích, nửa như giáo dục:
- Cách diễn của cậu không phải cách diễn của công nông binh. Hình như cậu đã học xong cấp ba. Có đọc tí chút sách vở phải không. Nói chung là vứt... Hãy ném cái mớ sách ấy vào sọt rác. Diễn như cậu chỉ để phục vụ bọn tiểu tư sản, bọn tư sản địa chủ. Cậu định cãi hả... Cậu cho rằng cậu thành tâm và không cố ý hả... Đúng như vậy đó. Tôi biết cậu không cố ý. Nhưng cậu có hiểu tại sao ý muốn một đằng mà kết quả lại một nẻo không? Không hiểu à?... Thế này nhé... Nói thế nào cho cậu hiểu nhỉ... Ừ... Chẳng có cách gì khác... Phải nói rằng... thực chất... bản chất của cậu đã bi tiêm nhiễm bản chất của giai cấp địa chủ... Có lần... cậu đã nói với tôi về hoàn cảnh riêng... Đúng vậy... Có thể người cha là bần cố nông. Song nếu người con không sống như bần cố nông... mà lại sống theo hoàn cảnh địa chủ... anh ta sẽ bị tiêm nhiễm lề thói của giai cấp bóc lột... Cậu hiểu tôi nói rồi chứ... Có nghĩa là những lề thói bóc lột ấy, khi được giáo dục, chúng sẽ lặn sâu xuống, chìm xuống đáy lòng. Nó chìm xuống chứ không bị tiêu diệt. Và gặp dịp nó sẽ trỗi dậy, bùng phát bộc lộ ra mà ta không biết... Cậu đã hiểu tại sao khi diễn kịch cậu lại mất lập trường không?... Rất đơn giản! Chỉ tại cái bản chất tầng lớp trên của cậu, từ lâu nay nó vẫn ngủ im trong đáy sọ não cậu. Nay gặp dịp nó bừng thức dậy. Bây giờ, cậu hiểu rõ chưa? - Chính vì thế nên Đảng mới nói những thành phần lớp trên phải tự cải tạo nhiều hơn tầng lớp dưới... bởi vì lập trường, sự trung kiên của thành phần lớp dưới là máu thịt của anh ta. Người nghèo... dù chưa được giáo dục đến nơi đến chốn... bản chất của anh ta đã cách mạng, đã tốt đẹp rồi... Cậu đừng nản... Tôi biết cậu thực tâm phấn đấu... Chỉ có điều phải phấn đấu nhiều hơn thôi. Thế nhé. Tôi tin ở cậu.
Tôi và Cường ngồi cạnh Tiến, khi Trung đội trưởng tâm sự và giáo dục. Tôi hiểu anh thiếu úy không chỉ riêng nói với Tiến mà nói với cả chúng tôi.
Khi vào quân đội, mỗi người chúng tôi đều có ao ước riêng. Tôi ao ước được đi học y tá. Đối với một người thuộc nhà chùa như tôi, việc y tế là công việc thích hợp nhất. Cường thì muốn được vào tên lửa, ra đa, còn Tiến thì ba phải, vào binh chủng nào anh ta cũng chấp nhận. Tiến cho rằng anh ta là một người tích cực. Anh lại tin tưởng rằng với sự tích cực của mình, vào bất cứ môi trường nào, anh cũng có thể tiến bộ. Phải nói rằng động cơ cho sự năng nổ của tổ ba người trong những ngày đầu vào quân đội của chúng tôi một phần nào cũng bắt nguồn từ những ao ước riêng. Nhất là tôi và Cường, chúng tôi chỉ muốn được tuyển chọn vào những đơn vị mình thích.
Xong phần huấn luyện cơ bản, các đơn vị lục tục đến nhận tân binh. Điều đáng buồn là những nguyện vọng của tôi và Cường đều không được thỏa mãn. Mặc dù Cường rất giỏi toán lý cũng không được vào đơn vị tên lửa ra đa. Còn tôi, mặc dù tay chân mềm mại, tính nết dịu dàng cũng không được vào y tế. Tiến cười bảo:
- Các cậu không biết thân biết phận. Làm sao chúng ta có thể được chiều theo ý muốn. Hãy cứ để cho số phận đưa chúng ta đi.
Tôi cứ tưởng Tiến suy nghĩ đơn giản. Hóa ra không phải như vậy. Con người lúc nào cũng nhiệt tâm như lửa cháy kia lại là con người thâm thuý hơn chúng tôi nhiều. Cuối cùng, cũng như đa số trong đơn vị, chúng tôi được biên chế vào bộ binh. Cũng phải thôi. Cả ba chúng tôi, điểm xạ kích đều được xếp vào loại khá - giỏi.
Thời gian sau đó, chúng tôi tập luyện để chuẩn bị vào chiến trường. Những cuộc hành quân dã ngoại liên miên. Tập đeo nặng. Ngủ rừng. Ba giờ đêm báo động. Leo đèo lội suối. Hành quân đêm. Đào hầm cấp tốc. Chiến đấu trong rừng. Tao ngộ chiến...
Lúc nào tôi cũng buồn ngủ. Tôi vốn gầy gò. Anh em bảo:
- Chú sư thầy trông loẻo khoẻo lắm. Chắc chỉ một tháng thì đổ gục thôi.
Thế mà tôi không gục mới lạ. Chắc anh em không biết, suốt thời gian ở chùa, tôi chỉ ăn cơm hẩm với tương cà. Họ cũng không biết người nhà chùa chúng tôi “bất tác bất thực” không làm thì không ăn. Lao động cần cù và nếp sinh hoạt đạm bạc trong hơn mười năm qua không ngờ đã tạo cho tôi một sức mạnh dẻo dai không thể ai ngờ tới. Tôi nhớ có bận chúng tôi tập hành quân đường dài ba trăm năm mươi kilômét ở Hòa Bình. Ba lô, súng trường, bao gạo, lương khô, tất cả chừng ba nhăm cân. Đường dốc dựng đứng. Có đoạn toàn đá tai mèo. Hành quân đêm vừa đi vừa ngủ. Có lúc bì bõm trong mưa. Có lúc phải bơi qua suối. Ròng rã gần nửa tháng. Tiến khỏe như vâm, nhưng chủ quan, đã trượt chân suýt lăn xuống vực, may được bụi cây cản lại. Tiến không chết nhưng bị trẹo chân không đi được nữa. Tôi và Cường phải cõng nó đi. Tổ tôi vẫn hành quân theo kịp đơn vị. Sau đợt hành quân đường dài ấy, đại đội tôi có năm người ốm to. Riêng tôi, người như sắt lại, song sức khỏe chẳng hề gì.
Sau ba tháng tập luyện, tôi xếp vào hạng sức khỏe loại A.
Trước ngày lên đường đi B, tôi nhận được thư của thầy. Sư cụ viết rằng:
“... Mong cho con chân cứng đá mềm, ra mặt trận tránh được hòn tên mũi đạn. Hàng ngày lúc sáng, lúc tối, con nhớ niệm hồng danh đức Phật. Ánh sáng từ bi của đức Thế Tôn luôn hộ trì cho con và các bạn đồng ngũ. Hẹn ngày thầy trò ta tái ngộ...”