Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Một Đôi Chân Một Trái Tim
Đ
ầu tuần, bạn bè kêu đến hỏi thăm. “Sao, đi show về có khỏe không?”... “Cô có khỏe không cô, nghe nói vui lắm phải không cô, nghe bảo cô bán hết băng phải không cô?”... Đại để là những câu thăm hỏi thân tình. Tất cả vừa vượt qua đoạn đường chiến binh, thở ra khói, chân đi hai hàng, tay kéo va-li rã rời, khiêng những thùng băng thiếu điều hộc máu mồm, máu mũi, làm sao khỏe cho nổi. Trẻ tuổi còn ngắc ngơ huống chi tôi. Ngáp như cá mắc cạn. Bởi vậy, những lời thăm hỏi là những lời an ủi, sớt chia cần thiết. Vui đến không còn biết rằng ngoài kia trời đêm đã rất lạnh. Buồn cho những ai một đời chờ đợi những lời thăm hỏi. Điều giản dị, nhỏ nhoi đủ cho lòng ấm lại mà không có.
Đói lắm, sau những tuần quay video, sau những dãy show, tôi thèm ăn như một người sắp chết đói. Cả bọn ngồi với nhau cười nói râm ran, đồ ăn thức uống phải nói là không thiếu gì nhưng được tán gẫu với bạn bè cộng với sự thành công chung của một chương trình do sự thương mến, biết điều, nhường nhịn giữa chúng tôi. Do đó, tôi chẳng còn lòng dạ nào để thưởng thức. Nhai cứ như nhai giấy miễn sao cho đầy cái bao tử trống rỗng cả tuần của tôi. Ăn uống xong thì đã 3 giờ sáng, về phòng tắm gội, sắp xếp quần áo các thứ rồi chong mắt chờ sáng để rồi cả bọn lại kéo nhau ra phi trường, mỗi đứa đi một ngã. Đi nữa, như ông Trịnh Công Sơn đã viết... “Người ta sinh ra có đôi chân để đi...”
Những tuần lễ lớn, bà con được nghỉ bắc cầu ngày thứ Hai, chúng tôi thường có 3 show qua 3 tiểu bang. Va-li băng nhạc, đồ đạc linh tinh như máy sấy tóc, bàn ủi cứ phóng sinh cho máy bay nó chở. Quần áo cùng các đồ phụ tùng để leo lên sân khấu thì anh nào cũng kè kè bên mình bởi những chuyến bay phải đổi tàu, hành lý dễ thất lạc. Đàn ông dễ hơn là có thể xin lỗi bà con - có lý do chính đáng - để mặc quần jean, áo thun lên hát hoặc có thể mượn bất cứ ai, nhưng đàn bà con gái chúng tôi thì... thua. Tìm đâu ra một người có cùng size với mình từ giầy đến áo, đến quần, lại còn những của nợ để bó, để cột. Chẳng lẽ lại bụi đời quần jean, áo thun mang bốt lên hát...
Vì vậy, các bố già, bố trẻ khỏe re như con bò kéo xe, trong lúc chúng tôi thập phần cực khổ, tay xách, tay mang. Tôi được cái may mắn là nhiều người thương - vì cái mồm lúc nào cũng toe toét cười - nên có lúc được Johny Dũng phụ cho cái túi, Quốc Việt kéo giúp cái va-li băng, Hoàng Tâm nhắc chừng cái bóp còn mắc trên ghế, Đức Phương chia cho nửa ly café nóng hổi giữa đêm lạnh lẽo. Có lần một mình Tommy Ngô tự động xách giùm va-li cho tất cả mọi người qua mấy tầng cầu thang - ở Âu châu phòng make-up của ca sĩ thường ở dưới hầm, không có máy sưởi nên lắm hôm chúng tôi lạnh cóng người, tưởng như đang ngồi trong nhà xác - Tuấn Anh thường góp ý với tôi, lúc thì mầu mắt này không đẹp hay môi hơi khô. Tuấn Anh thoa lên cho tôi lớp son bóng. Hương Lan sửa lại mắt tôi cho lớn hơn. Mai Linh cài giúp cho bác mấy cái khuy áo. Thanh Tuyền sửa lại cái vòng đeo cổ cho ngay ngắn. Tôi vốn rất dở trong công việc làm đẹp cho mình, phần tôi nghĩ là mình vốn... xấu sẵn, có tô có trét cách nào cũng không thể đẹp. Hai bàn tay 10 ngón của tôi, chỉ có một cái hoa tay. May nhờ các bạn thương.
Có những buổi hát ngoài trời giữa mùa Đông tháng giá, tôi trân mình thách đố với thời tiết khắc nghiệt, phong phanh một chiếc áo dài - tôi rất thích mặc áo dài, đặc biệt áo lụa Việt Nam. Mọi người sẽ không thích nếu tôi thay đổi... cho nên ở tuổi này, tôi vẫn để tóc thề như một cô học trò... già - rồi còn đi xin tiền cứu lụt, gây quỹ cho Nhà Thờ, cho Chùa. Nhà Thờ, Nhà Chùa xây dựng chưa xong. Tiền quyên góp chưa về đến tay bà con mình giữa làn nước mênh mông, tôi lăn đùng ra ốm. Ngày xưa tôi chạy xuống bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, bây giờ tôi cầu cứu ông bác sĩ Nguyễn Văn Thế gốc Thủy quân lục chiến mà hiền như Bụt, hoặc ông bác sĩ chuyên ăn cơm nhà vác chuyện xã hội Nguyễn Ngọc Kỳ. Đến riết tôi phải xấu hổ vì gần như ngày nào cũng xin được chích thứ thuốc mạnh nhất, mà cứ thế liên tiếp cả mấy tháng trời. Xấu hổ vì không ông nào chịu lấy tiền. Tôi phải gởi biếu băng nhạc và... cà pháo cho nhẹ bớt nợ. Gì chứ nợ ân tình khó trả lắm.
Trước đó tôi không kể cái màn cảm cúm của tôi bởi vì tôi cảm cúm triền miên, hết đợt này đến đợt khác, đến nỗi bác sĩ thấy mặt tôi lấp ló là biết ngay - tôi cũng chỉ xuống Bolsa để xin chích thuốc, có nghĩa là nếu thấy tôi thì xin hiểu cho rằng tôi đang bịnh, chứ không phải đi chơi ăn uống gì - mà ngộ cái là dù đang cảm cúm, khi leo lên sân khấu, tôi vẫn cứ hát được, không ai biết là tôi vừa hát vừa cầu nguyện, cũng như trước khi ra sân khấu, bao giờ tôi cũng đọc kinh, trước khi rời nhà đến phi trường, Đoan cũng nhắc tôi đọc kinh trước đài Đức Mẹ. Ai chỉ thuốc gì tôi cũng uống, trụ sinh dường như không thèm để ý đến tôi nữa. Cái gì đã giúp tôi còn có được ngày hôm nay nếu không phải Chúa Mẹ đã che chở giữ gìn tôi. Sức người không làm nổi nhất là người như tôi, trong máu không hề có một ly thuốc bổ, chỉ có trụ sinh, thuốc diet và thuốc ngủ.
Tôi không chấm gót cô Thái Thanh. Không có kỹ thuật như Lệ Thu, Khánh Hà. Không biết diễn tả dịu dàng say đắm như Ý Lan. Không có một thân hình, một đôi chân của Linda Trang Đài, không có làn hơi phong phú ngọt ngào của Hương Lan. Không có tuổi trẻ và nhan sắc của Như Quỳnh. Thế thì tôi có cái gì? Tôi chỉ có một nỗi niềm mà mỗi khi cất tiếng, tôi tìm được sự chia sẻ trong những ánh mắt. Tôi chỉ có cảm giác mình còn sống khi được hát dù cho mấy ngàn người hay cho một người. Tôi lại biết rằng rồi đây có lúc tôi sẽ không hát được nữa. Tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ này... “Em cây non mới đến, tôi đứng đó trầm ngâm... Cây non là em đó, còn tôi như cây già... Tuổi thơ xanh mãi với trái tim vui. Rừng ơi! xanh hoài mái tóc giùm tôi...” (Trịnh Công Sơn). Tuổi thơ của tôi không có, dẫu có cũng đã qua. Rừng thì bao giờ cũng mênh mông thăm thẳm và thản nhiên trước mọi biến cố của Đất Trời. Rừng không bao giờ lên tiếng.
Tháng 5-1975 đặt chân đến trại tạm cư Forl Chaffee, tôi cảm nhận một sự hãi hùng mới. Không còn cơ hội cho mình hát. Tôi không thể so sánh được nỗi buồn rời xa xứ sở và không được hát. Cả hai đều khiến tôi đau lòng đến muốn chết. Ở đảo Wake, ở Forl Chaffee tôi hát mỗi đêm cho mọi người với tiếng đàn ghi-ta của bác sĩ Ngô Thanh Trung, với nỗi buồn đau chung có xen lẫn nỗi sợ hãi không còn dịp nào để hát nữa... không thể gặp lại nhau nữa. Mọi người rất thương nhau. Nghĩ đến những ngày cũ, lòng tôi ấm lại như khi nghe một câu thăm hỏi sau một chuyến đi dẫu không dài nhưng vất vả, vẫn tràn ngập trong lòng tôi những niềm vui.
Nằm dài trên cái giường nhỏ của mình. Cơn mệt mỏi ập đến. Một nửa vai và cánh tay phải của tôi vẫn tiếp tục hành hạ bất kể ngày đêm. Phải nghỉ ngơi... tôi không có thì giờ. Tôi không muốn, cứ để vậy, lâu ngày chầy tháng tự nhiên nó sẽ hết. Tôi nghĩ thế bởi mỗi ngày qua, vẫn là những khoảng thời gian còn lại không nhiều, đủ để cho tôi đi đến tận cùng của hạnh phúc. Người ta có đôi chân để đi... Tôi chỉ kể cho các con tôi những chuyện vui. Bao giờ cũng vui. Tôi sung sướng khi chúng lắng nghe mẹ kể, rồi gật gù cười mãn nguyện. Mới hôm nào... “Mẹ bồng, mẹ bồng”... Mới hôm nào tôi còn ngắm nhìn những bước đi chập chững đầu tiên. Phải, mới hôm nào đây thôi, chứ có lâu gì. Vậy mà cái đứa... mẹ bồng nay đã rất tỉnh táo đưa mẹ ra phi trường lúc 5 giờ sáng, đón mẹ về dẫu đã nửa đêm. Cái đứa mới ngày nào còn chập chững, đã đi làm part-time ngoài giờ học, còn biết mua cho mẹ đôi giầy, bộ quần áo tập thể dục.
Con trẻ dẫu có lớn mà không có khôn. Chúng vô tội. Những muộn phiền đời sống là của mình, do mình. Những cay đắng, gian nan vất vả là bổn phận của riêng mẹ. Phải giấu kín, phải nuốt sâu trong lòng, phải cười thật tươi ngay cả khi biết rằng đã đến lúc không thể không chết. Tôi chỉ muốn thấy các con tôi sống bình an hạnh phúc. Tôi muốn các con tôi mãi trong vòng tay dù vòng tay đã đến lúc mệt mỏi và tôi nhận ra rằng các con tôi đã lớn và chúng cũng có một đôi chân để đi, những bước đi vững vàng tới những nơi chúng muốn, cõi riêng của chúng. Dẫu cho có gắn bó với ánh đèn với ước muốn được hát lúc nào cũng rừng rực cháy, thúc đôi chân tôi đi tới, đi mãi. Nhưng đôi chân ấy cũng có lúc cảm thấy cần phải tìm đến một chỗ nào đó, để ngồi xuống nghỉ ngơi. Sẽ có một lúc tôi sẽ ngồi xuống hoặc nằm xuống và tôi yên tâm biết bao khi biết chắc rằng các con tôi có một đời sống tử tế, tốt lành.
Kể ra thì bây giờ hay bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể yên tâm được rồi, thanh thản bước vào cái cõi đi về của mỗi con người. Chưa, thì đợi vậy và trong khi chờ đợi, lòng tôi vẫn rộn ràng khi nghe tiếng đàn trỗi lên, ánh đèn rực rỡ bừng sáng. Tôi lại như một con thiêu thân lao vào ánh sáng, không phải để huỷ diệt mà để van xin... “Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...” Điều chúng ta phải nhớ là ngoài một đôi chân để đi, chúng ta còn một trái tim.