Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Chương 4
T
ừ thị trấn Hoàng Liên phía đông dãy Phan Xi Păng vượt dốc lên chừng mười lăm cây số là tới một con đèo. Từ đỉnh đèo nọ, đường đổ dốc ngoằn ngoèo sang phía tây hơn hai chục cây số nữa thì uốn lại thành một nét thẳng như kẻ chỉ, đâm vào giữa một thung lũng rộng hút tầm con mắt. Ngựa chạy nước kiệu không xóc, con cuối đàn nhìn thấy con đầu đàn. cỏ hai bên đường xanh rì mỡ màng. Ruộng nối ruộng phẳng lì tít tắp. Đồng bằng đã để quên ở đây một phần đất đai của mình.
Trấn Phong Sa nằm giữa thung lũng hình tròn vây quanh là các rặng núi hình răng cưa nọ. Thị trấn nhỏ nhoi, chi có hơn ba chục nóc nhà đa phần là lợp tôn tường gạch không nung, xưa nó là nơi nghỉ độ đường của các đoàn vận tải quân sự Pháp đi miền tây, sang Lào, nơi dừng chân của các đoàn lái buôn vải vóc, muối mắm, cá khô từ dưới xuôi lên để đổi lấy thuốc phiện, thảo quả của người Dao, người Mông, người Hà Nhì.
Nhưng giờ thì Phong Sa đã chẳng còn là nó nữa rồi. Chiến cuộc đã vào những ngày quyết liệt. Mùa đông năm 1951 này, thoạt đầu nó chỉ là nơi tụ hội của đám tàn quân thua trận từ phía đông dãy Phan Xi Păng chạy sang. Đầu tiên là hơn hai trăm tên lính Pháp dưới sự chỉ huy của đại uý De Bernard, chỉ huy trưởng phân khu Lào Cai, tiếp đó là bọn lính lê dương, pác ti dăng[123] đóng ở các đồn binh lẻ tẻ từ các châu lị phía Hà Giang, thất trận, ốm o, đói khát, luồn rừng lê lết đi tới.
Thị trấn nhỏ và mấy thôn lân cận bỗng dưng như bị trời giáng họa. Đám quân ô hợp tứ chiếng chẳng còn biết kiêng nể gì. Con lợn bằng cái ống vầu còn thả rông cũng chẳng thoát khỏi tay chúng. Thóc giống cũng không còn một hạt. Cánh đồng sang xuân phải bỏ hoá, cảnh ấy rõ là đã ở nhỡn tiền. Cả một vùng đất đai của cải trù phú chả mấy lúc đã tan hoang. Vắng bặt cả tiếng gà gáy báo sáng và tiếng chó sủa đêm đêm.
Phong Sa đang biến đổi từng ngày. Địch đang rắp tâm xây dựng vùng đất này thành một cứ điểm quân sự lớn với nhiều âm mưu mới, trước mắt là ngăn chặn bước tiến của quân ta. Công cuộc xây dựng quy mô kéo về đây nườm nượp lính tráng. Dân trong tám xã bất kể ông già, bà lão cho đến đứa trẻ mười ba tuổi, tất cả đều bị lính gí súng vào lưng lùa tới, ấn cuốc xẻng, quang gánh vào tay.
Nhà ở cho lính, cho quan. Kho vật tư. Hầm nổi. Lô cốt ngầm. Tháp canh. Vọng gác. Hàng rào kẽm gai. Hàng rào điện tử. Và sân bay dã chiến với đường băng được cấp tốc san bằng dài hơn năm trăm mét. Cả một vùng đồng ruộng bị xới trộn, bộn bề, ngổn ngang, lở loét, đổi hình đổi dạng từng ngày.
Phong Sa phình ra với tốc độ của cái u ung thư. Một tháng sau ngày sân bay hoàn thành, mỗi ngày hai chiếc Dakota[124] từ Hà Nội lên, đổ xuống đầy cơ man là súng ống, đạn dược, xe pháo, dây thép gai, tôn tấm, thép lá và rất nhiều kẻ lạ mặt.
Hôm Kim từ huyện ủy Hoàng Liên nhận chỉ thị của Tố về tới Phong Sa thì ngay chiều ấy một chiếc Dakota sơn màu trắng đục hạ cánh, đưa đến căn cứ này hai nhân vật đặc biệt nữa: Một gã Tây trẻ và một tên Việt gian già.
Vừa đến căn cứ được một ngày, tên Việt gian già đã xông ngay vào công việc. Hắn xộc đến chỗ này, hắn sục vào kia. Tay chống cây gậy song, hắn nhảy tành tạch qua các hố dọc hố ngang, quát tháo la thét chửi mắng ỏm tôi. Người nào cãi lại, hắn đá đít, giơ gậy phang liền.
Chỉ có mấy ngày, tên Việt gian già đã trở thành một hung thần đối với những người phu ở đây. Có người đã tọc mạch biết được cả lai lịch tổ tông nhà hắn. Có người còn quả quyết rằng hắn đã một lần bị Việt Minh bắt và nhờ mưu mẹo mà đã thoát chết. Ây dà! Slíp cần tồng nả. Hả cần tồng tên. Mười người giống mặt. Năm người trùng tên. Nhưng, cái mặt phèn phẹt như cái tráp, hai con mắt thô lố, cái cằm không râu, xề xệ những mỡ là mỡ, cái điệu bộ hùng hổ kia có lẫn đi đằng nào được! Hắn, hắn chính là tổng đoàn Nông Văn Ngao, tên lí dịch tay sai đắc lực của bọn thực dân ở đất Cam Đồng xưa chứ còn ai vào đây nữa!
- Anh Kim, thế nào mà thằng khốn này nó lại còn có thể có mặt ở đây được nhỉ. Chính nó bị thằng Tiển phát hiện đang chui vào đống rơm, bắt và điệu về đêm Cam Đồng nồi dậy võ trang rồi kia mà?
- Mấy ông dân quân dẫn nó về huyện, đến ngòi Bo, nó xin đi ị. Mất cảnh giác, cởi trói cho nó, thế là nó đánh bài chuồn. Bắn theo trúng chân mà nó vẫn lê được vào rừng rồi tìm về được với quan thầy của nó. Cẩn thận, khéo nó nhận được mặt, Lẳng ạ.
Lẳng kéo chiếc nón rách xuống che mặt. Cả vóc người gầy sắt, nhỏ nhoi chợt rung lên bần bật. Bóng hình Ngao nhắc nhở cuộc đời đau khổ cũ của anh. Anh đã phải làm cần khỏi cho bọn chúng nó. Bao nhiêu năm trời anh đã mụ mị, đần độn đi vì những công việc khổ sai. Trời rét, độc cái áo khố tải. Vợ chết vì tủi cực. Anh đã trở thành một kẻ liều lĩnh, vì quá cực khổ, vì quẫn trí. Bị chúng bắt, rồi bị chính tri châu Vi Văn Dẻn em trai lí Tăm khảo tra, giam giữ. Anh đã phá ngục mà ra. May mà anh gặp cách mạng. Giờ lại gặp nó ở đây. Tay anh đang có lưỡi xẻng.
- Làm sao thế, Lẳng! - Kim lom khom bước tới, kéo tay Lẳng. - Ra đằng kia làm đi. Mà này...
- Anh bảo gì?
- Khoan đã. Nó đang tới kia kìa.
Kim ngoảnh đầu lại, liếc nhanh. Ngao đang tập tễnh trên miệng hào.
“Chà chà... Đúng là quả đất thì tròn nên cuối cùng chúng mình thế là lại gặp nhau rồi, Ngao à!” Kim le lé mắt, hóm hỉnh. Thì đoạn đời đã qua của Kim đúng là thế còn gì. Về Cam Đồng năm ấy, đã giáp mặt chúng, Kim còn lạ gì bọn tổng đoàn, lí trưởng phản động, hung hăng, thâm hiểm. Dạo ấy Kim là một chiến sĩ trẻ. Kim nghênh ngang trêu trọc bọn chúng. Bị chúng đánh úp, uất tức, Kim xông vào nhà lí Tăm, đe loi[125] nó, bắt nó viết giấy thú tội và cam đoan. Kim bị kiểm điểm về việc này. Ha ha... Như vậy là về riêng tư thì bọn này còn chịu Kim một món nợ chưa được thanh khoản. Bọn này còn nợ Kim. Kim đây, một chàng trai Hà Thành hoa lệ, đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu, ngang tàng, hào hoa lãng tử, rất khoái quăng mình vào những cuộc phiêu lưu không ai bằng đây. Ha ha... Ngao ơi! Chính mỗ là Kim đây!
Ngao đã nhảy sang bờ hào bên. Thấy một tốp dõng ngồi hút thuốc lào, hắn dừng lại, dứ dứ cái gậy:
- Chia nhau các nơi mà ốp phu đi chứ! Ông quay lại mà còn thấy chúng bay túm năm tụm ba ở đây thì chớ có trách ông đấy.
Đám dõng chống súng uể oải đứng dậy. Ngao đi qua một đám phu khác, rồi ì ạch leo lên con đường đất còn đang đắp dở. Đứng lại, đưa cặp mắt đảo quanh một vòng, Ngao giật thót mình và hí hởn mừng thầm. Căn cứ quân sự này có một quy mô thật lớn và sự bố phòng quả thật là vô cùng kiên cố. Chưa cần nói đến những lô cốt, tháp canh, hầm ngầm chi chít bố trí hỗ trợ cho nhau một cách rất khoa học ở bên trong. Riêng sự bảo vệ từ vòng ngoài cũng đấng để mọi kẻ địch phải khiếp sợ rồi. Vì ngoài cùng là ba lượt dây kẽm gai lùng nhùng trông đã thấy ngại. Tiếp đó là hai lớp hàng rào điện tử. Và, nào đã hết. Hệ thống hào sâu bên dưới tua tủa chông sắt kế ngay sau đó cùng bãi mìn dày đặc những là mìn cóc, mìn chuối sẵn sàng đem lại cái chết bất đắc ki tử cho bất cứ kẻ nào dám liều lĩnh đặt chân vào! Hứ, thế này thì họa chăng Việt Minh có tài thánh cũng mới có thể lọt vào được. Hà!
Vui vui trong lòng, Ngao đi thẳng vào đồn. Liếc mắt qua tên lính gác bồng súng chào, hắn bỏ cái mũ chào mào dạ phẩy nhè nhẹ vào mặt cho đỡ nóng.
- Ông Ngao! Mọi người đang chờ ông.
Một cái đầu hói bóng vừa ló ra ở cửa phòng lớn. Ôi chao, tiếng đại úy De Bernard sao mà thân thiết thế. Hai con mát kính của ngài nheo nheo âu yếm quá chừng.
- Bẩm quan lớn...
- Ông Ngao, ông mới đến, vậy ông có thể và nên nghỉ ngơi vài ngày đã.
Ngao chắp hai tay, khom lưng, ngồi vào bàn:
- Bẩm, con nằm bệnh viện chữa chân, lại đi học liền sáu tháng trời ở Vũng Tàu, quả thật lòng nóng như cái chảo rang, chỉ muốn về làm việc ngay với quan lớn. Bẩm... Đám phu làm ăn tốt lắm ạ.
- Tôi có thấy.
- Bẩm... Theo con, nếu không có sự đốc thúc gắt gao thì đám dân phu vốn tính lười biếng sẽ trễ nải công việc ngay đấy ạ.
- Cảm ơn ông, quân đội Pháp không quên ơn ông.
- Dạ... Đó cũng là nhờ oai quyền của quan lớn ạ.
- Xin có lời chúc mừng ông.
- Bẩm...
- Ổ! Ông Ngao! Ông hãy cạn cốc whiskey này đi. Vả hãy nhìn xem ông đang ở trong cuộc hội ngộ với những ai đây?
Đưa ống tay áo dạ chùi mép, đặt cốc rượu xuống mặt bàn, Ngao đưa mắt nhìn quanh. Ôi. Đông quá! Gần một chục tên. Trước mặt mỗi tên là một cốc rượu mạnh. Nhưng, ngoài ngài De Bernard không lẫn vào đâu được với cái đầu hói như quả dưa, còn lại là những ai nữa đây? Tất nhiên, ngồi ở đầu bàn phía đối diện với Ngao là một người Ngao đâu còn lạ. Thiếu úy Brusex mắt xanh, râu đỏ, cổ gà chọi, đang bĩu môi vẻ khó chịu và khinh thị. Ông này làm đồn trưởng ở Cam Đồng, bị trung đội Trần Hòa Việt Minh tấn công, cũng bỏ chạy như Ngao.
Nhưng ngoài hai quan lớn người Tây này ra, sao còn nhiều gương mặt khác thế. Hơn nữa sao lại có thể nhiều đến thế! Mà toàn là những kẻ Ngao chưa từng giáp mặt bao giờ? Những kẻ khác ấy mới tới đây từ trước hay hốm qua hôm kia, chúng là những tên nào vậy? Và chúng có vai trò gì trong cuộc chiến sắp tới mà kẻ nào kẻ nấy mặt mũi nếu không lầm lì thì cũng hằm hè rất khó hiểu.
Cạnh Brusex là một tên gầy như cây tre đực, răng vổ, một mắt lép, mặc bộ áo quần đen như con quạ đói. Y là người ở xã nào, làm đến cái chức gì mà mặt mày sưng sỉa ra cái điều ta đây. Ngao làm gì y mà y gườm gườm nhìn Ngao như định gây sự với Ngao. Hai tên người Dao ngồi ở phía bên này đen sì như cây gỗ đốt nương, sao giống nhau thế, từ hai cặp mắt ngưỡng thiên[126], nghênh nghênh ngáo ngáo, cậy thế gì mà bĩu môi khi nhìn Ngao, coi Ngao như kẻ tôi đòi. Tuy vậy, với Ngao, kẻ đáng quan tâm nhất lại là kẻ ngồi ở đầu hàng ghế bên kia cơ. Hai con mắt xếch chéo, sắc như hai mũi dao. Phía trước đầu cạo trọc lốc. Từ đỉnh đầu kéo ra sau gáy, tóc kết lại thành một cái đuôi vàng cháy. Gian ác, hung bạo, ngạo mạn hiện lên từ mỗi chi tiết trên cái dung mạo dị ngợm ấy, nhất là hàm răng nhỏ nhọn như đinh cắm của hắn. Trông bộ quần áo may bằng vải lanh nhuộm chàm thì biết chắc hắn là người Mông. Nhưng hắn tên là gì? Từ đâu đến? Ngao nào có biết!
Mặc các tên khác lầm lầm như các pho tượng không nói không rằng, từ lúc Ngao vào, hắn cứ một mình một cái bi đông rượu tu ừng ực hết ngụm này đến ngụm khác. Càng uống mặt hắn càng tái nhợt. Và khi ngài đại úy De Bernard vừa đứng dậy xoa xoa hai bàn tay định khai mào mấy câu để mở đầu cuộc họp thì tên người Mông này liền đứng phắt dậy, rút đánh phựt con dao nhọn đeo bên sườn, giơ lên. Xoẹt, lưỡi dao khứa mạnh vào đầu ngón út. Và khi tia máu từ đầu ngón tay hắn phụt ra mấy giọt rồi loang loang trong cốc rượu đã đặt trước mặt thì hắn nhấc cốc rượu lên:
- Thưa các quan Tây. Có cốc rượu máu này làm chứng đây. Thào A Đủa này không giết hết Việt Minh, chiếm lại Ngài Thầu, thì Đủa tôi không phải là con của các quan Tây nữa.
Hai con mắt xếch đỏ ngấu ngầu. Cổ phình to. Đầu Đủa ngật mạnh ra sau. Ực! Cốc rượu đỏ máu cạn đến đáy ngay lập tức được Đủa giơ lên cốt cho mọi người thấy và liền đó được y quật mạnh xuống đất, vỡ tan tành.
Ngao thấy gai gai cả người. Hắn thấy thẹn vì không có được cái cử chỉ quyết liệt và tợn tạo như tên người Mông nọ. Chao! Phải thế, phải thế thì người Tây mới tin chứ. Nhưng may thay, tiếng vỗ tay của viên đại úy đã khỏa lấp trạng thái cảm xúc căng thẳng của Ngao và các cử tọa trước cử chỉ tợn tạo của gã nọ.
- Ông Đủa thân mến. - De Bernard cầm cốc rượu đi đến cạnh Thào A Đủa, ghé xuống thân mật và trịnh trọng. - Cảm ơn ông. Chứng kiến cử chỉ cao cả của ông, tôi lại nhớ tới lời triết gia Émerson[127]: “Bất kì người nào tôi gặp, cũng có chỗ hơn tôi, đáng cho tôi học tập.”
Mũi nhấp nhỉnh như mũi ngựa, Đủa nhe răng:
- Bẩm quan lớn... Con là con ngựa tồi chạy đất chẳng rung ạ.
- Không! Tôi rất hài lòng về ông. Biết ông từ ngày ông còn là lí trưởng xã Ngài Thầu, tôi cứ nghĩ, đất miền tây này mà thiếu ông thì là một sự thiệt thòi rất lớn. Ông Đủa! Những lúc quốc gia hữu sự như thế này, những tay anh hùng hảo hớn như ông thật là cần thiết và hữu ích vô cùng.
- Dạ, con là con trâu đực phải đi cày ruộng đầm ạ.
- Đúng thế! - De Bernard gật đầu, quay một vòng cung rộng, nhìn tất cả mọi người, giọng cao lên một bậc. - Các bạn! Lời ông Đủa thật là lời vàng ngọc. Chúng ta hãy lên ngựa, rút thanh bảo kiếm. Giờ hành động đã tới. Cuộc chiến đã đổi thay. Chúng ta phải là những anh hùng tiên phong xông xáo trên hậu phương của kẻ thù. Chúng ta hãy tổ chức dân chúng, lấy nòng cốt là các kì hào kì mục trung thành với nước Đại Pháp, nghiền nát bọn Việt Minh cộng sản ra làm nghìn mảnh.
Ngao đứng đực mặt. Làm gì bây giờ để thể hiện rằng mình đâu có kém cỏi cái gã người Mông tên Đủa kia. May thay, thời cơ đã có!
Nghe thấy một tiếng động ở cạnh căn phòng, Ngao liền đứng vụt dậy, bỏ cuộc họp, sùng sục bước ra cửa:
- Thằng nào kia! Chỗ mày dọn dẹp là đây, hả? Ai cho phép mày mà dám táo gan thế. Định do thám chúng ông hẳn. Biết điều thì cút ngay, không là ông cho xơi kẹo đồng bây giờ. A lê cút!
Ngao đã lập công. Quả là cạnh căn phòng đang có cuộc họp mặt các thủ túc tin cậy của cuộc chiến mới, có bóng một tên phu đội chiếc nón rách đang cắm cúi xúc đất ở đoạn rãnh mà rất có thể đó là một tên do thám thật. Ngao cảnh giác cũng không thừa. Tên phu nghe tiếng Ngao quát liền giật bắn mình, rồi sợ hãi cúi gập mình vái Ngao một vái và quay lưng, đi như chạy.
Tên phu đó chính là Kim. Kim đã lân la đến đây để dò la tin tức. Chạy đến chỗ Lẳng đang cuốc đất, anh kéo Lẳng ra một chỗ, thì thầm:
- Lẳng à. Đúng như ông Tố dự đoán. Bọn lõ đang tập họp bọn tay sai. Tất cả đều cùng một loại như tổng Ngao. Nghĩa là bọn lí dịch ở các xã mới được quân ta giải phóng. Bị thua đau, quan thầy của chúng cay cú, giờ bắt đầu giở trò kích động máu trả hận của bọn này. Hừ! Thì ra Phong Sa còn là nơi bọn Pháp tập kết nuôi dưỡng bọn này để nay mai tung chúng vào hậu phương của ta, nhằm gây bạo loạn chống phá ta đây.
Ngưng một lát, Kim tiếp:
- Chỉ tiếc là vừa rồi, ngoài tên Ngao, mình mới chỉ biết được thêm một tên đầu sỏ hung hãn là tên Thào A Đủa, nguyên lí trưởng xã Ngài Thầu. Mà ở cuộc họp này có đến bảy tám tên cơ. Chắc chắn đều là những tên sừng sỏ khét tiếng gian ác ở mấy xã Y Tý, Dào San, Ngài Thầu mới giải phóng đấy. Bây giờ, ta cần tiếp tục theo dõi bọn này. Cần phải nắm được tên tuổi, âm mưu, lịch trình hoạt động của chúng ngay. Mặt khác, Lẳng tìm cách nhắn ngay mấy thông tin vừa rồi về cho anh Tố được không?
Lẳng gật đầu:
- Được thôi. Tôi đã có nhân mối rồi. Hai ngày một lần, người này dong ngựa thồ đi chợ bên Hoàng Liên!