Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương III - Tuổi Hai Mươi - Phần 3
B
a người ra khỏi ngõ hẻm, Út Huệ nói với cha:
– Xem chợ Tết, đừng để anh Ba đi bộ, cha ạ.
– Ừ. Tao cũng đã nghĩ cái việc đó. Con gọi xe tay đến, mau đi!
Anh Ba vẻ băn khoăn:
– Đừng gọi xe nữa, cô Út ạ. Ta đi bộ lên phố, đâu có xa là bao.
– Hừ, – ông già Huệ giục con gái – cứ gọi xe, Út! Lội bộ lên tới phố Sặc-nè, phố Mặc-má-hồng bở hơi tai rồi còn sức đâu mà đi coi kiểng Tết?
– Mình là dân thợ mà ngồi xe cho người khác kéo, coi bộ kỳ quá, chú Út ạ!
– Dêề – ông già phát bàn tay lên vai anh Ba. – Gì mà câu nệ vậy Ba? Cả tháng, cả năm chúng mình đã làm tôi tớ. Lúc năm cùng, tháng tận này chúng mình lên ngôi ông chủ, bà chủ ngồi xe, dạo ta phố mới vui chớ! – ông già hạ giọng: – Có kẻ còn dám chơi “nhứt dạ đế vương” cơ mà.
Anh Ba đành cười trừ. Ba người cùng bước lên xe ngồi: ông già và anh Ba ngồi trong thùng xe, cô Út Huệ ngồi dưới sà, nơi để chân của hai người ngồi trên. Lần đầu tiên ngồi trên xe kéo, anh Ba cảm thấy ngượng ngập. Ông già dặn:
– Lên tới chợ Bến Thành, Út đi sắm đồ rồi về trước. Còn cha với anh Ba mầy đi dạo xem bông (hoa), xem cây kiểng ở Sặc-nè (89), Mặc-má-hồng (90) đó nghe.
Út Huệ trước lúc nhập vào dòng người bên chợ Bến Thành còn dặn với cha:
– Đưa anh Ba đi coi bông Tết, ba nhớ về sớm kẻo ảnh mệt và con đợi cơm đó, nghe ba…
Anh rất đỗi ngạc nhiên giữa ngày giáp Tết mà nóng nực, mồ hôi như mỡ rán. Mắt anh ngợp trước những “núi” trái cây dọc chợ Bến Thành. Anh không ngờ về mùa đông, ngày Tết mà lại có nhiều dưa hấu như mùa hạ ngoài Bắc. Anh Ba tấm tắc:
– Chà… chà… trái cây cứ như củi lụt ấy. Vào đây cháu mới thấy được sự giàu có cửa đất Lục tỉnh, chú Út ạ.
– Sản vật của Lục tỉnh đưa về đây mới chỉ một phần thôi. Có dịp chú đưa cháu đi thăm miền châu thổ của Cửu Long Giang, cháu sẽ sướng cái mắt, mát cái bụng về một vùng đất đai giàu có của Tổ quốc mình. Tiếc là… tiếc là – ông già giọng bồi hồi – ở trên đời nầy hổng có được sự công bằng, nên chi giữa nơi của cải như núi vẫn có nhiều người phải chạy ăn từng bữa, cháu ạ.
– Dạ, – anh Ba giọng hồi tưởng – cha cháu thường nói cái điều chú vừa nói với các ông quan to mà cháu nghe lỏm hồi nhỏ: “Công bằng viễn lộ hà xứ thị”.
– Quan Phó bảng thân sanh của cháu nói vậy là cháu còn tin ở trên đời còn có công bằng, nhưng đến đó đường quá xa không biết nơi nào mà tìm.
– Cháu cũng nghĩ thế. Dù có xa mấy, chúng ta cũng phải tìm, phải xây dựng nên một xã hội công bằng, chú Út ạ.
– Hì hì… – ông già cười và phát lên vai anh Ba âu yếm. – Những đầu óc nhiều chữ thường tưởng tượng ra các thứ thiên đàng mê hoặc lòng người, cháu ạ. Chú cứ gẫm cái điều càn cạn đã thấy là: Nước lớn nuốt nước bé. Kẻ mạnh ức hiếp người yếu. Giống như bầy cá dưới sông dưới biển, như bầy thú trên rừng trên núi ấy…
Anh Ba định trao đổi thêm với ông già Đờn, nhưng không khí đường phố ngày Tết đã choán lấy anh. Những chậu cảnh với hàng trăm loại cây có dáng điệu dị kỳ và các thứ hoa Tết hút tầm mắt anh không rời nổi chúng…
Ông già Đờn chưa rõ anh Ba thích chơi hoa gì trong dịp Tết. Ông ướm hỏi:
– Cháu có ưa cắm cành mai ở bàn thờ Tết không?
– Tết năm nào nhà cháu cũng có một cành đào phớt cắm lọ để trên bàn thờ và một cành mai để ở án thư, nơi cha cháu khai bút đầu năm, chú ạ.
– Trong nầy hổng có cành đào. Chú cháu mình rước một cành mai về cho vui nhà ngày Tết, nghe cháu.
– Cháu cũng đang cố tìm một cành mai mà đâu thấy, chú?
– Trời… đất… ơi! – ông già kéo dài giọng nói, chỉ tay về phía hàng hoa ngay trước mặt anh Ba. – Bông mai đây nè, kia kìa, vàng ngợp mắt mà cháu biểu hổng có.
– Cháu muốn tìm thứ mai khác, loại hoa mai vàng này cháu đâu còn lạ, thưa chú?
– Chứ từ nãy giờ cháu nói về loại bông mai nào?
– Dạ.. mai trắng. Ngoài quê cháu, hoa mai trắng chứ thứ mai vàng này thì ở Huế rất nhiều, chú ạ.
– Hóa ra chú cháu mình có lúc trò chuyện với nhau mà cứ như Tây nói với Tàu ấy hề. Hì… hì…
Cả hai người cùng cười. Ông già Đờn mua một cành mai chi chít những nụ chúm chím sắc vàng. Anh Ba đón cành mai từ trên tay ông già và nâng niu đưa về xóm thợ lúc thời gian chao đưa gấp gáp của ngày cuối năm…
Ba ngày Tết, những nỗi buồn về cuộc sống xóm thợ cứ đọng mãi trong tâm trí anh Ba: quanh năm họ ăn đói mặc rách, làm đầu tắt mặt tối dành dụm được đồng tiền, bát gạo thì dồn cả vào mâm cỗ ngày Tết. Làm mâm cỗ cốt để thi thố, còn ăn thì ít mà thiu thối đổ đi không thương tiếc. Thậm chí họ đi vay nợ, nhận khoán việc lĩnh tiền trước để có nhiều tiền chuốc rượu uống như uống nước. Và suốt ngày đêm họ đắm đuối vào canh bạc đỏ đen.
Sáu Đen, Chín Mập chỉ ăn cỗ tối ba mươi ở nhà ông già Đờn, còn suốt mấy ngày Tết, cả hai người vùi đầu trong sòng bạc. Anh Tư Lê thì ăn ít miếng, cùng anh Ba giúp Út Huệ dọn dẹp rồi ra cảng làm bốn tiếng, tiền công được gấp ba lần ngày thường, món tiền anh Tư Lê sẽ gửi thêm về Huế giúp mẹ chống đói giêng hai. Ông già Đờn ghét cái tệ cờ bạc, ông vùi đầu vào ngón đàn để quên mọi đắng cay. Ông chỉ kiêng đàn đêm giao thừa và sáng mồng một. Ông đi mừng tuổi, chúc Tết những người thân buổi chiều mồng một, còn nữa là vừa uống rượu vừa đàn. Ngón đàn say bao nhiêu, ông uống rượu vào nhiều bấy nhiêu và nước mắt lại đổ dài thấm ướt ngực ông.
Cô Út Huệ suốt mấy ngày trong bếp. Mặc dầu cha và các anh thợ “không gia đình” nương náu trong nhà mình ăn chẳng là bao, cô vẫn phải làm cỗ ngày hai lượt cúng mẹ và gia tiên. Những lúc ông già vừa đàn vừa uống rượu vừa khóc, Út Huệ nước mắt hoen trên má, giọng khẩn khoản:
– Năm mới xin ba đừng đờn những buồn, ba đừng khóc mà xui cả năm, ba ơi!
– Cuộc đời này có gì vui mà con ngăn ba đờn bài buồn, đừng khóc, hả con gái cưng của ba?
– Thưa ba, đời đã nhiều khổ đau thì nên “bán buồn mua vui” như lời anh Ba nói hôm mới tới nhà mình ấy ba.
– Ừ ừ Con muốn vậy thì cha đờn và ca cho con nghe câu ví von của anh Ba mầy nói.
Ông vặn lại dây đàn. Lời ca và tiếng đàn dìu nhau theo gió sớm trong ngõ hẻm:Măng…. dang… nấu… cá… ngạnh… nguồn… Đến… đây ta… phải… bán… buồn… mua… vui…
Lời ca, táy đan dứt, ông già nâng ly rượu nhắp từng hớp nhỏ, mắt đẫm lệ nhìn ra ngõ hẻm tối thui. Út Huệ tay nhào bột làm bánh, mắt đăm chiêu, má lúm đồng tiền như dấu chấm phẩy ẩn hiện, gợi dậy trên làn môi hồng một nụ bâng khuâng về câu ca dao của anh Ba mà cha mình đã thuộc làu và ca theo điệu hò Đồng Tháp.
Anh Ba ngồi bên cành mai sắc vàng rục rỡ. Anh xốn xang lòng về ngón đàn của ông già Đờn. Tay anh vẫn lục tìm trong chồng báo cũ, báo mới của Diệp Văn Kỳ đưa anh đọc dịp Tết. Anh hớn hở, mắt lấp lánh niềm vui đọc đi đọc lại mục quảng cáo trong báo: “Hãng tàu Nhà Rồng không chạy đường Sài Gòn – Ma-ni nữa mà chạy đường Sài Gòn – Tua-ran – Hải Phòng – Xanh-ga- po – Cô-lông-bô – Gi-bu-ti – Po Xa-ít – Mác-xây – Boóc- đô – Lơ Ha-vơ-rơ – Đoong-kéc”. Anh cuộn trang báo, cầm trong tay, mắt nhìn xa xăm. Ông già lại lên dây đàn ca tiếp:
Rồng chầu ngoài Huế… Ngựa tế Đồng Nai… Nước sông trong sao lại chảy hoài… Thương người nho sĩ... lạc loài… đến đây…
Anh Ba sững sờ về câu ca của ông già Đờn. Anh chạnh lòng bỗng nhớ về cố hương, nhớ ông già Xẩm mù hai mắt đã ca bài vè Đức ông trước mặt Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý lúc tiễn cha của anh vào Huế học thi đại khoa. Lời bài vè ấy lúc này cứ văng vẳng trong tâm trí anh cùng với lời ca của ông già Đờn.
o0o
Tiết xuân mà nắng như dội lửa khắp mặt đất. Bến cảng Nhà Rồng bụi bay la đà như làn khói mỏng. Hơi nóng bốc hầm hập. Người, hàng, xe cộ tấp nập trên bến, dưới tàu. Nhiều dòng người khuân vác hàng từ kho xuống tàu, dài như đàn kiến dời tổ chạy lụt.
Sáu Đen và Chín Mập tiếp tục vác món hàng bốc dở của ngày hôm trước ở sân kho Hai. Ở sân kho Bốn, ông già Đờn lưng trần, đầu quấn khăn rằn, đứng thế chân chèo, một tay nắm đai, một tay đỡ giữa thân bao bì, ông nhún người về trước, lấy đà nâng gọn cả khối hàng nặng lên ngang tầm vai mình. Anh Tư Lê ghé vai đón lấy bao hàng nặng trĩu trên tay ông già, cõng đi xếp lên xe bò. Út Huệ ghé lưng tiếp vào đón lấy bao hàng ở tay cha. Anh Ba như bị tối mặt lại trước cái bao hàng quá lớn đè lên lưng Út Huệ mảnh mai! Anh rất mến phục Út Huệ; từ một cô bé con nhà giàu được cha mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, vì gia đình sa sút, thân phận Út Huệ đã trượt theo với số phận của mẹ cha, nhưng Út Huệ đã cùng cha đứng vững dáng Con Người giữa cuộc đời khổ ải.
Đến lượt anh Ba, khoác ngoài tấm bao bì cũ, anh ghé lưng dưới tầm tay của ông già Đờn. Tư Lê mỉm cười khích lệ nhưng không giấu hết vẻ ái ngại cho anh Ba. Ông già Đờn vác bao bì lên vai mình lại đặt xuống đất vỗ vỗ bàn tay lên lưng anh Ba:
– Thiệt tình chú… chú cám cảnh cho cái lưng học trò của cháu?
– Dẫu sao – anh Ba nói – cháu vẫn là con trai, sức dài vai rộng mà chú. Cháu làm tới tới rồi cũng quen “ăn no vác nặng” như anh Tư Lê, anh Sáu Đen, anh Chín Mập, chú Út ạ.
Ông già Đờn lại vác bao tải đầy đặt lên lưng anh Ba, nói:
– Thầy cháu tự làm khổ mình. Thà như cánh nầy, đứa bị cướp ruộng, đứa bị thất cơ lỡ bước phải bỏ quê nhà ra đây chịu cảnh đầu lem đít lọ nầy.
Anh Ba đi hơi liêu xiêu những bước ban đầu. Út Huệ toan chạy lại đỡ giúp anh một tay. Nhưng anh Ba đã giữ được thăng bằng và bước đi vững chãi. Ông già nhìn theo anh Ba, mỉm cười tin tưởng. Tư Lê thở phào nhẹ nhõm. Út Huệ lưng na một khối hàng to hơn sức vóc của mình, đi bên cạnh anh Ba. Mắt cô ánh lên niềm xao xuyến, nhìn thấy những vệt mồ hôi đẫm ướt trán, tràn qua mặt, qua cổ và thấm ra lưng áo anh Ba. Cô càng xót xa thấy từng giọt mồ hôi trên trán nhỏ xuống mu bàn chân anh đang bị rộp lên vì đôi dép “cu-li”.
Trời về chiều, mặt sông Sài Gòn loang loáng vàng. Bụi khói quánh quện nắng chiều màu tro. Đám người như bầy cá quẫy trong dòng nước đục lờ. Cha con ông già Đờn và Tư Lê nhoai người đun chiếc xe bò chất ngất hàng do anh Ba đang tập cầm càng lê lết trước cửa sông hướng ra đại dương mù mịt…
Đêm cuối xuân trôi nhanh qua cảng Nhà Rồng.
Nắng lại xối nóng xuống khắp mọi nơi. Con sông Sài Gòn khác nào giống quái vật đang trườn dưới nắng, mà cửa cảng là mồm của nó đang há hốc đợi nuốt mồi đưa tới.
Một nhóm thợ lực lưỡng, có cả Sáu Đen, Chín Mập đang ken tay vào quay tời trước bến. Mặt họ đanh lạnh và những bắp thịt cánh tay nổi lên như sóng cuộn.
Anh Ba người ướt mồ hôi, lưng cõng kiện hàng cao. Mỗi bước anh đi, bàn chân chòe các ngón ra ngoài đế dép cao su. Đằng sau anh là ông già Đờn, Tư Lê. Đi trước anh là Út Huệ. Nhưng mắt anh vẫn hướng về những con tàu sắp rời bến ra đại dương… Chẳng may cái quai dép móc vào ngón chân trỏ bị tuột, mũi dép gập trái xuống đường, anh bị ngã. Hú vía! Cái thùng hàng trên lưng anh văng ra một bên. Anh nằm sóng soài trên mặt đất. Ông già Đờn hốt hoảng:
– Trời đất! Ba… Ba…!
Tư Lê, út Huệ đặt vội kiện hàng xuống, chạy đến anh Ba. Tư Lê lại vấp ngã… Tóc Út Huệ sổ xuống, bay loả xoả ra đằng sau. Hai mắt như hai chiếc lá đào non sương đậu long lanh. Cô gọi líu cả lưỡi:
– Anh B… a sao vậy…. Anh Ba!
Ông già giọng bình tĩnh:
– Đừng rối lên Út.
Ông già bế anh Ba vào chỗ bóng mát. Mắt anh hoa đom đóm. Ông già và Tư Lê vội mở khuy áo anh, rồi xoa ngực, nắn bóp tay chân anh. Út Huệ dốc cả chai nước nguội vào tấm khăn rằn đắp lên trán anh Ba. Mái tóc dài từ đầu Út Huệ như dòng suối đổ xuống mặt anh Ba. Ông già cau mày rầy con gái:
– Mày vô ý quá vậy Út. Con gái phải gọn cái tóc cái khăn chớ.
Út Huệ bối rối, phân trần:
– Dà, con đâu còn khăn cột tóc nữa ba?
Anh Ba mở choàng mắt. Bất chợt anh có cảm giác gương mặt Út Huệ như một búp sen từ đầm sen quê nhà hiện đến.
Ông già bảo Huệ:
– Anh Ba mày đỡ đỡ rồi đó, con về trước lo cơm nước, còn mươi thùng hàng tụi tao ở lại hót gọn rồi về sau…
o0o
Sương chiều buông xuống từ bên Thủ Thiêm trắng đục mái rừng. Tiếng còi tàu rung rinh sông nước. Đứng lên, chưa hết choáng váng, anh Ba đi còn phải vịn vai Tư Lê trên đường về xóm thợ. Mắt anh vẫn ngoái nhìn đăm đăm về phía những con tàu viễn dương với bao hy vọng xa xăm…
Đêm xóm thợ ngột ngạt. Anh Ba đau người ê ẩm và nóng bức không ngủ được, trằn trọc…Tiếng trẻ con khóc thét khóc như khóc mớ… Tiếng người già ho khù khụ kéo dài từng hơi. Tiếng quạt muỗi phành phạch và giọng chửi đổng về cái nóng bức trời không gió phố không điện: “Nóng thấy mồ mà trời giữ gió để rồi làm bão tố hại người. Còn cái thằng chủ sở điện nó giữ điện để cung phụng cho bọn quan to, cho bọn đầu hói bụng bự rực mỡ ở trên các phố lớn chứ nó đâu có động lòng về cái cảnh sống của đám người ở cái xồm như ổ chuột này!…”.
Anh Ba cảm nhận lời chửi độc ấy không quá đáng. Cái bọn ở biệt thự có vườn cây râm mát, có sân cỏ rộng, không bụi bặm, không tiếng ồn lại còn quạt trần, quạt bàn… Còn đám dân nghèo thì chui rúc, nhận đủ các thứ bẩn thỉu tối tăm…
Anh Ba dậy sớm. Anh uống với ông già Đờn hết ấm trà. Anh Tư Lê, Sáu Đen và Chín Mập không thích uống trà – cả ngày làm ngoài cảng, tối về họ uống một chầu rượu say li bì, ngủ sớm. Những hôm lĩnh lương thì Sáu Đen, Chín Mập lại rủ nhau lăn vào sòng bạc.
Sáng nay, ông già Đờn, Tư Lê, Sáu Đen, Chín Mập tiếp tục ra cảng. Út Huệ nhận tiền của anh em thợ vừa lĩnh lương, cô ở nhà đong gạo và mua sắm một bữa ngon hơn thường ngày.
Anh Ba tranh thủ lúc trong người còn mệt, đi vào phố, tìm đến các ki-ốt (91) báo để đọc những quảng cáo, mục rao vặt và đến những ngã ba, ngã tư, thường gọi là bùng binh, cũng để xem các quảng cáo… Anh sốt ruột, tìm cách đi ra nước ngoài càng sớm càng tốt.
Anh đi phố mà lòng rưng rưng về câu nói với cha của Út Huệ “Con đâu còn khăn cột tóc nữa ba?”. Anh nhẩm lại món tiền dành dụm để lúc đi xa sẽ phải cần đến. Anh ghé vào cửa hiệu tạp hóa, mua một khăn rằn, một cặp khăn mùi soa. Anh thấy lòng mình hé lên một niềm vui nho nhỏ: Út Huệ sẽ có hai vuông khăn để thay đổi buộc tóc và tấm khăn rằn trùm đầu che nắng.
Anh còn mua thêm một bộ dây nhị và cái vĩ. Anh thương ông già Đờn mỗi lần lên dây nhị phải lừa lựa đoạn dây tơ không có nút nối và cái cần rung đã nứt dọc, ông phải lấy sợi đồng thau mảnh bó nén lại. Anh tự nhủ: Mình có quà cho cha con chú già Đờn mà chẳng có chút gì cho số anh em thợ ăn cùng mâm, ngủ cùng giường không đành lòng chút nào. Anh bước khoan thai đến quầy bán rượu mua hai chai Cô-nhắc. Anh cười thầm: Nói như chú Út Đờn cũng có lý: “Cả tháng, cả năm đã làm cu li, vậy thì chúng mình cũng có lúc xài sang như ông chủ, được lắm chứ”.
Trên đường về, anh Ba đi qua nhà sở cảng. Nhiều công nhân đến lĩnh lương đứng rải rác dọc vỉa hè, trong các quán nước. Cha con ông già kéo xe bị rơi bao gạo mà anh gặp hôm mới đến đây cũng đang đứng thẫn thờ ở một góc đường. Người con gái hỏi cha, vẻ thất vọng:
– Họ cúp lương, ta sống bằng gì, hả cha?
Ông già lắc đầu:
– Mẹ chúng nó. Chúng nó cúp lương chứ chẳng cúp được cái đầu này đâu mà sợ. Ta còn đầu, còn tay thì ta không thể chết đói ở trên mảnh đất này đâu, con ạ.
Anh Ba bước đến bên ông già, đặt vào bàn tay ông món tiền:
– Bác cầm tiêu tạm trong lúc gặp khốn khó. Gọi là của ít lòng nhiều, bác ạ.
Ông già cầm lấy tay anh Ba. Người con gái của ông mắt rưng rưng lệ nhìn anh. Ông già bị xúc động mạnh, giọng hơi lạc đi:
– Cậu là ai? Tên gọi…? Ở miền nào đến đây mà tốt bụng vậy?
– Dạ, thưa bác, là dân thợ với nhau thì phải biết thương nhau…
– Ồ! – ông già gật đầu – Là… là dân thợ với nhau… Ồ! Cảm ơn cháu. Cháu đúng là người trẻ mặt mà không non dạ.
Anh cúi chào hai cha con ông già, bước đi vội vã. Cha con ông già đứng tần ngần nhìn theo anh.
Anh Ba đi vào đầu ngõ thì Sáu Đen đi làm về chạy tới ôm choàng lấy anh:
– Trời đất ơi! Anh Ba sắm lễ để tết ai mà sang quá ta?
– Đâu có chuyện đó. Mình mua chút quà biếu cha con chú Út gọi là cái tình bấy lâu nay mình ăn ở trong nhà. Còn đây, – anh giơ hai chai Cô-nhắc lên – chúng mình sẽ nhậu với nhau tối nay, được chứ?
Sáu Đen nét mặt trở nên nghiêm trang, giọng chân thành:
– Anh Ba nè… (anh Ba hơi nghiêng đầu, đón nghe) Thiệt tình từ từ cái ngày anh đến ở với cánh này, kể cả cha con chú Út Đờn đến tên đầu bò là tui đều… đều nể anh như nể ông nội vậy đó.
Anh Ba khoát tay:
– Ấy chết! Đâu có gì mà đẹp lời cho nhau quá. Chúng mình sống với nhau chưa được là bao, nhưng anh em đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong buổi đầu vào đời thợ…
Hai người đi khuất dần vào xóm.
Đêm yên tĩnh. Con đường ngõ hẻm mờ mờ ánh sáng từ ngoài cảng hắt vào. Bóng một vài người đi chậm rãi cất lên mấy tiếng rao rời rạc, nghe xa vắng: Lục… lục… tào… xaá… đêê.
Tẩm…tẩm… quất… tờ… rần… tẩm… quất… tờ rần…
Trong nhà, ông già Đờn đang vừa uống rượu, vừa thay dây đàn. Ngồi quây quần bên ông già là đám thợ trẻ, mỗi người có một kiểu ngồi không ai giống ai. Nhưng mặt người nào cũng có một nét vui giống nhau. Họ uống rượu của anh Ba mua về và nhắm với món thịt bò khô, cá lóc (cá quả) nướng trui quấn rau sống do bàn tay khéo léo của Út Huệ chăm chút.
Ông già Đờn thấm hương men ngà ngà say, ông sửa lại tư thế ngồi, cầm đàn so dây… Giọng ông ấm, trầm:
– Được. Thầy cháu đã lựa được bộ dây và bộ vĩ đàn vừa ý chú lắm. Được. Thầy cháu được đủ điều. – ông nâng ly rượu lên, mái tóc rung rung: – Nào, các bạn thợ trẻ, tụi mình cùng cạn ly rượu “lộc” của một người thợ mà ai cũng coi là bậc “hiền nhân ẩn sĩ”.
– Xin chú Út và anh em đừng bao giờ coi tôi là người ngoài giới thợ thuyền.
– Chúc mừng anh Ba. – Đám thợ trẻ và ông già Đờn cầm ly rượu cùng nói rộn ràng. – Chúc anh Ba của chúng ta vai vác nổi cả sơn hà, chân đi vững giữa đời không vấp ngã… Hề… Hề…
Không khí vui như ngày Tết.
Út Huệ ở trong buồng, ngồi trước ánh đèn, lật qua lật lại những vuông khăn, ngắm từng đường sọc, mép viền. Cô cột gọn tóc sau gáy, trùm tấm khăn rằn lên đầu ngắm vào gương, cười. Cô như bẽn lẽn với người trong gương, gí ngón tay trỏ vào lúm đồng tiền trên má mình nheo mắt tự “chê” mình. Phút chốc cô ấp cả tấm khăn lên ngực, mắt thẫn thờ lắng nghe tiếng tim mình hòa cùng tiếng đàn của cha: … Kéo neo… kéo… neo… tàu chạy… Gạt… nước… mắt… tiễn… đưa…Thương người… người… đi muôn… trùng… sóng… vỗ…
Tối hôm sau. Cơn mưa đầu mùa dữ dội mà mau tạnh. Con đường hẻm nước lênh láng. Bầu trời trong như gương lau bóng loáng khảm đầy ngọc, kim cương.
Ông già Đờn ngậm cái tẩu thuốc, khói ri rĩ nhả ra từng sợi trắng mỏng mảnh. Ông đang vót đũa bằng những thanh tre già.
Anh Ba ngồi đọc sách giọng đều đều cho Tư Lê nghe. Út Huệ ở trong bếp, dọn dẹp luôn tay, tai vẫn lắng đọng từng tiếng mới lạ từ anh Ba truyền đến. Thỉnh thoảng Út Huệ chau mày, khó chịu về cái âm thanh những đồng tiền va vào nhau trong bộ bát đĩa của nhóm đánh bạc ở góc nhà. Sáu Đen và Chín Mập ngồi chen chúc vào đám con bạc. Họ ngồi xổm như cò đậu lúc bị mưa. Mặt người nào cũng chằm chằm hướng vào cái bát úp lên cái đĩa, trong đó có bốn đồng tiền được sơn một mặt trắng bằng vôi. Cứ mỗi lần người “cầm cái” của sòng bạc bưng đĩa bát xóc một chặp, đặt xuống chiếu thì mắt mọi người đều ánh lên sự tính toán, ăn thua, tay không yên: bứt tóc, sờ tai, gãi gáy. Họ móc tiền trong túi ra đặt xuống chiếu. Rồi những tiếng “chẵn”, “lẻ” được xướng lên ỏm tỏi.
Anh Ba ngừng đọc, đang giảng cho Tư Lê nghe một câu trong sách. Bỗng một tiếng “choàng”, bát đĩa bị ném xuống nền nhà vỡ tan làm nhiều mảnh, cả bốn đồng tiền văng đi đâu mất. Lão “cầm cái” văng tục: “Đù… mẹ vào chơi nữa. Đồ con heo! Đồ con heo ráo…”.
Ông già Đờn ngừng tay vót, đảo mắt về phía chiếu bạc. Út Huệ dưới bếp chạy lên, vẻ mặt ngao ngán, quay trở vào. Đám con bạc nắm tay trợn mắt, sừng sộ đứng lên chực ẩu đả. Anh Tư Lê chạy đến giữ lấy tay Chín Mập. Sáu Đen chửi tục:
– Đồ chó! Đồ ăn gian! Đồ mặt nạc đóm dày!…
Ông già Đờn nặng giọng:
– Tụi bây hổng còn ra trò lối chi nữa. Đứng là cờ gian bạc lận, táng tận lương tâm…
Nghe tiếng ông già nói, đám con bạc đã khựng lại nhưng mắt họ còn như bốc lửa. Anh Ba đến ngồi vào giữa đám thợ, nói từ tốn:
– Chúng mình cùng cảnh người đói khát với nhau. – Bàn tay anh Ba vỗ vỗ trên vai áo vá Chín Mập. Mặt mọi người dịu xuống, có người gục đầu xuống vòng tay bó gối. Anh Ba vẫn giọng buồn buồn: – Còn có kiếp người nào khổ hơn kiếp đời thợ chúng mình? Ông chủ người Tây, ông chủ người Nam và các thầy đốc, thầy cai đè nén, hành hạ chúng mình. Chúng mình làm việc gò xương sống, vẹo xương sườn, mà còn bị đòn roi, đá đít bạt tai chẳng khác gì thân trâu ngựa. Vậy mà miếng ăn, cái mặc, nơi ở của chúng mình thử hỏi có hơn kiếp con vật là bao nhiêu!
– Hơn con vật được đôi đũa lúc ăn. – Sáu Đen nói chen vào.
Anh Ba nhấn giọng rõ từng tiếng:
– Chúng mình khổ cực vậy đó. Sao lại không thương nhau, đùm bọc lấy nhau mà còn làm khổ lẫn nhau, lao vào nạn cờ bạc, cướp giật nốt của nhau đồng lương khốn nạn?
Một anh thợ đã đứng tuổi, mặt lầm lì:
– Không đánh bạc thì làm cóc gì cho hết những cái buổi tối nầy?
Mọi người quắc mắt giận dữ nhìn anh chàng văng tục. Sáu Đen đứng phắt dậy, giơ nắm đấm, nhưng anh Ba đã kéo tay anh ta ngồi xuống. Sáu Đen chưa hết nóng:
– Tống cổ cái đồ con heo ra khỏi nhà này.
– Sao các cậu cứ ưa nói cục súc với nhau như vậy. – Tư Lê gắt.
Út Huệ từ dưới bếp nhìn lên phía anh Ba, vẻ ngượng ngập. Ông già Đờn giọng khoan thai:
– Từ nãy tao hổng buồn nói với tụi bây vì tao nể anh Ba Nghệ đang ngồi ở đây. Mà tao có nói cũng bằng thừa. Một lời nói của anh Ba là một gói vàng mà tụi bây hổng hiểu chi trọi. Thiệt là “Cầm đờn mà gảy tai trâu. Gảy bao nhiêu lại thêm đau tiếng đờn”.
Anh Ba ôn tồn:
– Tôi nghe anh em nói: không có việc gì làm cho hết những buổi tối, ngày chủ nhật rảnh rỗi, do đó sinh ra đánh bạc, vùi đầu vào nhậu nhẹt. – Anh nhìn từng gương mặt nặng trĩu, lầm lì, nói: – Nếu anh em muốn những cái giờ vô vị ấy trở thành có ý nghĩa, tôi vui lòng dạy chữ cho anh em học.
– Thiệt vậy, anh Ba?.- Sáu Đen vui sướng đứng bật dậy.
Mọi người nhìn anh Ba với những cặp mắt lấp lánh niềm hy vọng, giọng xuýt xoa:
– Chà chà! Được anh Ba chia chữ cho bọn này thì còn gì quý hơn!…
Ông già Đờn cười:
– Phải vậy mới có ý nghĩa là được ở gần với người hiền sĩ chớ! “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà.
Út Huệ ngấp ngó trước cửa bếp, hai mắt ánh lên niềm vui thầm kín và hai lúm đồng tiền hiện rõ làm rạng rỡ thêm gương mặt búp sen…
————
Chú thích:
(89) Phố Nguyễn Huệ bây giờ
(90) Đường trước nhà thờ Đức Bà
(91) Quán (bán sách báo)