Never get tired of doing little things for others. Sometimes those little things occupy the biggest part of their hearts.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Mark Winegardner
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Godfather’S Returns
Dịch giả: Phan Quang Định
Biên tập: Bùi Thanh
Upload bìa: Bùi Thanh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3191 / 132
Cập nhật: 2016-05-03 19:52:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
m biết tên anh là Billy,” Mary nói. “Em gọi anh là Bee -Boy chỉ vì chị họ Kathy - rất giống chị Francie, chỉ khác là không có em bé trong bụng -cũng gọi anh như thế, mặc dầu em nghĩ ra trước tiên, trở lại lúc em còn là em bé. Nhưng em đã ra đời, tất nhiên rồi.”
“Anh thích điều đó,” Billy nói, vừa chỉ mọi người bên trong của căn hộ, “đến từ em.”
Francesca đã dậy từ bốn giờ, mở các hộp đồ nhà bếp, đi đến tiệm bách hóa, và nấu bữa ăn sáng. Nàng rất mệt mỏi nhưng đã quen. Đứa bé quậy đạp nhiều đến nỗi dầu làm cách nào nàng cũng không ngủ được nhiều.
“Mọi thứ sắp sẵn sàng rồi,” nàng nói. “Xin lỗi vì nhà cửa còn bề bộn quá. Chúng cháu mới dọn về đây có hai ngày. Billy, sao anh không dẫn các em đi xem nhà một vòng và sau đó chúng ta sẽ ăn sáng. Này, Sonny! Qua đây, ngay lập tức! Nhà có khách!”
Cậu con nàng đứng lên từ phía trước Tivi, chạy và đụng vào Tony. Sonny cảm thấy xấu hổ vì mới lên ba. Trong khi Tony đã lên chín. Tony biết xử sự rất chững chạc. Chú Mike ghi nhận lòng kiên nhẫn của con trai mình với sự tán đồng lộ rõ. Francesca chưa từng lưu ý nét giống nhau giữa chú Mike và ông nội Vito, nhưng bỗng nhiên nét đó lộ rõ nơi đôi mắt vừa có vẻ mệt mỏi của Michael, lại vừa có “cái thần” khiến người ta sợ.
“A, Sonny cháu đây,” Michael nói, vừa nhấc bổng cậu bé lên. “Ông là Ông trẻ Mike của cháu đây. Cháu khá nặng cân đấy chứ?”
Francesca đảo tròn mắt. “Sonny sẽ không bao giờ bỏ cái mũ bảo hiểm ấy ra. Nhiều khi ngủ cháu cũng vẫn đội mũ đấy. Đó là lỗi của Frankie. Dịp lễ Giáng sinh cậu ta chỉ lo dạy cho Sonny chơi bóng đá.”
Billy, chẳng có lí do rõ ràng nào, lại liếc mắt nhìn chú Mike như thể chàng ta nghĩ rằng chú có thể để rơi Sonny.
“Một thầy giáo giỏi, chú chắc thế,” Michael nói. Frankie Corleone, khi là sinh viên năm dự bị, đã bắt đầu chơi cho đội bóng của Đại học Notre Dame.
“Em có thích chơi bóng, chơi thể thao?” Billy hỏi Tony. Tony nhún vai.
“Anh cũng như thế,” Billy nói, vò tóc chú bé.
“Anh ấy ghét chuyện đó,” Mary nói.
“Tôi chẳng quan tâm đâu,” Tony nói.
Nghe anh nói thế, cô bé cũng vói tay lên định vò đầu ông anh, ai ngờ bị anh gạt tay ra. Michael đặt Sonny xuống, xốc Mary lên bằng một cánh tay và lấy tay kia cặp tay Tony.
“Xin lỗi,” Michael nói. Hai vợ chồng lập tức thở phào nhẹ nhõm, hết căng thẳng. Mike là một ông bố vui tính.
“Ồ, có gì đâu chú,” Francesca nói. “Trẻ con mà. Cháu dám cá là hồi nhỏ chú còn đánh nhau với các anh chú và với cô Connie còn hơn thế nữa. Cháu may mắn là chưa bao giờ cấu xé dữ dội với người chị em sinh đôi của mình.”
“Căn hộ xinh xắn ghê,” Michael nói.
Tòa nhà này đã hơn trăm năm tuổi. Xưa kia nó là một dinh thự và sau đó được chia thành bốn căn hộ lớn. Căn hộ của họ ở tầng trệt và gồm phần lớn chỗ xưa kia là một phòng khiêu vũ và hiện nay được cải tạo thành phòng khách, phòng ăn và phòng bếp. Các sàn bằng gỗ có độ nghiêng và cong đủ cho các đồ chơi và các hòn bi của Sonny chạy vòng vòng quanh phòng hoài. Francesca thích điều đó. Nàng chưa bao giờ sống một nơi chốn nào có tuổi xây dựng trên hai mươi năm, và chắc chắn là chưa có nơi nào trông lịch sự đến thế, mặc dầu đã mang nhiều dấu vết phôi pha. Nhiều lần trong ngày nàng đi đến chỗ ngày xưa dùng làm nơi buộc ngựa chỉ để nhìn vào đó và ngạc nhiên thích thú rằng nơi đây hiện nay là chỗ ở của gia đình mình.
Nghĩ về điều này, nàng nhìn ra chỗ buộc ngựa và thấy Al Neri vẫn còn ngồi trong xe.
“Sao chú không kêu người tài xế cùng vào ăn sáng luôn?” nàng nói khi mọi người ngồi xuống. “Cháu chắc là ông ta cũng đói đấy.”
“Anh ta ăn rồi,” Michael nói. “Anh ta dậy sớm lắm.”
Francesca không thực sự lo lắng lắm về bữa điểm tâm và nàng cũng chưa rành chỗ mua sắm, cũng không khéo lắm về chuyện bếp núc nhưng nói chung thì mọi thứ cũng... không đến nỗi nào và nàng cũng tạo ra được một bữa ăn sáng gia đình tươm tất.
Nỗi băn khoăn trong lòng cho nàng có đề tài để nói về hơn là phải nhắc đến thím Kay.
Nàng không thể hình dung làm thế nào để nêu vấn đề đó ra. Nhà Corleones theo Công giáo - tức là vợ chồng không được li dị nhau - vậy mà trong vòng mấy năm qua cả cô Connie (đã tái hôn với Ed Federici và sống với nhau chưa đến một năm lại rã đám) và chú Mike đã li dị thím Kay. Và hẳn là phải có vài lí do khiến mẹ nàng và Stan Người bán rượu không bao giờ kết hôn nhau. Bao nhiêu điều đó, cộng thêm chuyện Billy hiện nay khiến Francesca phải ưu tư. Nàng không thể nghĩ ra điều gì khủng khiếp hơn là sống cách xa con mình cả một lục địa.
“Cháu thật áy náy khi nghe tin về chú và thím Kay,” Billy buột miệng nói ra như thế.
Francesca phân vân không biết nên ngưỡng mộ chàng vì cái tính thẳng ruột ngựa kia hay nên... cho chàng một cái tát vì bất lịch sự!
Michael trả lời với một cái gật đầu hối tiếc.
Francesca nghiêng người qua mặt bàn và bóp cánh tay chú để tỏ cảm tình.
“Cháu đã dành trọn tuổi thơ của mình nhiệt tình ủng hộ bố mẹ cháu li dị,” Billy nói. “Nhưng chú và Kay không.”
Francesca đá vào chân chồng dưới bàn.
“Chú không bao giờ biết đâu, cháu đoán thế,” Billy nói. “Chú có đi thăm Tony và Mary thường không?”
Ăn nói thế mà thấy được sao? Ngay trước mặt bọn trẻ. Tát cho anh chàng này một bạt tai cho hắn tỉnh người ra có lẽ lại hay đấy.
“Không thường xuyên lắm như chú mong muốn,” chú Mike nói. “Chú đang cố thu xếp lại một số trách nhiệm của mình với công việc để có thể dành nhiều thời gian hơn cho chuyện ấy.”
“Bố có thêm máy bay mới này!” Mary nói. “Bây giờ bố sẽ bay và đến thăm chúng ta mọi lúc mọi nơi.” Tony lấy thêm chiếc bánh rán có thạch khác, dầu cậu vẫn chưa ăn chiếc đã có sẵn trên đĩa của mình.
“Chú vẫn còn giữ một căn hộ nhỏ ở New York để khi nào đến đó vì công việc thì có chỗ riêng để nghỉ chân,” Michael nói. “Chú có thể kiếm một căn hộ lớn hơn để hai em nó cũng có thể ở lại đó, bất cứ khi nào chú đông tiến.”
“Cháu cứ nghĩ như thể mọi người trong gia đình mình hiện vẫn còn sống ở New York,” Francesca nói. “Như thể là gia đình chú chỉ vừa mới dọn về Nevada.”
“Sáu năm rồi đấy,” Michael nói. “Hầu như là bốn năm ở Tahoe. Chú vẫn giữ hai căn nhà, ở Vegas và ở Tahoe. Cả hai căn đều lớn hơn là chú cần dùng, nhưng đối với Mary và Tony những nơi đó đã là nhà của mình.”
“Ngày nay quả khác xưa nhiều,” Billy nói. “Người ta dời chỗ nơi này nơi khác nhiều hơn. Cưng nhìn chúng ta nè. Ba năm kết hôn, ba địa chỉ khác nhau.”
“Nghĩ cũng buồn cười thật,” nàng nói, “những năm tháng đó ở Florida, và em vẫn nghĩ New York như
là quê nhà. Lẽ ra em nên đi học đại học ở đó, như Kathy.”
“Nhưng nếu thế thì chúng ta đã chẳng bao giờ gặp nhau,” Billy nói.
Francesca ngước đầu lên. Chàng hoàn toàn thành thật, vẻ mặt tiu nghỉu, như thể chàng thực sự đang tưởng tượng đã không bao giờ gặp nàng. Một cảnh tượng dễ gây thương tâm quá khiến nàng xúc động.
“Ôi tình yêu của đời em,” nàng nói, cũng hoàn toàn thành thật, vươn người tới để tát... yêu vào má chàng.
“Francie and Bee -Boy sittin’in a tree,” Mary nói. “Nào, Tony. Hát bài ấy với em đi.” “Bố,” Tony nói. “Bảo em đừng có làm rộn nữa.”
Michael Corleone nâng cốc cà phê lên. “Cho tình yêu,” anh nói. Một điều tuyệt vời được phát biểu đúng lúc, hợp tình hợp cảnh.
Mấy đứa bé ngưng cãi vã chí chóe và mọi người đều nâng ly lên, và không ai, Francesca nghĩ, có thể cảm nhận bất kỳ điều gì khác ngoài tình yêu.
Ngoại trừ Billy, mà sự tham gia vào cuộc nâng cốc chúc mừng này không thể nào miễn cưỡng hơn. Khi họ rời bàn, Francesca gửi một đĩa thức ăn cho người vệ sĩ.
Họ đứng trên những bậc thềm đá cẩm thạch trắng, vẫy tay khi chiếc xe đi xa. “Anh luôn luôn nói anh yêu gia đình em,” nàng nói với Billy. Sonny chạy lòng vòng, hai cánh tay khuỳnh ra ôm lấy con gấu bông giống như quả banh. “Vậy tại sao anh không thích chú em?”
Họ đã hục hặc với nhau vì chuyện này nhiều rồi. Vậy tại sao không thoát ra khỏi chuyện cấm kỵ này?
Nhưng Billy không nói gì. Chàng dặn Sonny đứng cách xa đường phố. Sonny thực ra cũng không đứng sát đường phố quá, nhưng Billy bế cậu lên và đi vào trong.
Tối hôm đó, sau khi Sonny đi ngủ, Francesca vào giường, mệt lử, để thấy Billy che phủ phía nàng với những tập hồ sơ. Chàng chống người một bên, đọc hồ sơ.
“Muốn em ngủ trên ghế xô-pha?”
Chàng nhìn lên, sững sờ, rồi ngay lập tức dồn mấy tập hồ sơ lại và lùa chúng xuống sàn. Nàng vào trong giường, chàng tắt đèn và bắt đầu xoa bóp cho nàng: thong thả, thận trọng, nấn ná trên hai chân đã sưng lên của nàng và phần dưới lưng nhức mỏi của nàng.
Nàng đã vào giường với chỉ vừa đủ năng lượng để nhắm mắt lại, thế nhưng khi cuối cùng chàng lột hết áo ngủ nàng ra, nàng quay về phía chàng, và khi lưỡi chàng chọc vào giữa đôi môi nàng, nàng để thoát ra một tiếng thở hổn hển, đầy thèm khát.
“Cái gì thế?” Chàng hỏi.
“Im đi và yêu em,” nàng lệnh.
Trong những giây phút ấy, vào thời khắc ấy, nàng quên đi mọi chuyện đã khiến nàng băn khoăn lo lắng để chỉ... đơn thuần là hiện hữu.
Sau đó mệt đứt hơi và mướt mồ hôi, nàng cảm thấy nặng nề trở lại. Billy vẫn gát cánh tay rám nắng trên cái bụng đồ sộ trắng như bụng cá của vợ. Họ nằm như thế một hồi lâu.
Thai nhi bắt đầu quậy đạp, mạnh hơn bao giờ hết.
“Em muốn biết tại sao anh lại không thích chú của em hở?” Billy mở lời.
“Quên chuyện đó đi,” nàng nói. Dầu sao nàng biết, hay nghĩ là nàng biết. “Lẽ ra em không nên nói gì cả.”
Nàng cảm nhận luồng đau đớn cháy bỏng của một cơn co thắt. “Ô, anh cảm thấy điều đó,” Billy nói. “Đạp mạnh ghê!”
Nàng nghiến chặt hàm để gồng mình chịu cơn đau. Rồi cơn đau cũng dịu dần. “Em có nhớ khi anh bị gãy chân vì nhảy dù?” Billy nói.
“Tất nhiên là em nhớ,” nàng nói, hơi thở chậm lại lần.
“Anh nói dối. Cả đời mình anh chưa bao giờ chơi trò nhảy dù cả.”
“Vậy thì, tại...” Nàng bỏ dở câu nói vì một cơn co thắt, dữ dội hơn, ập đến. Một hồi lâu cơn đau mới dịu xuống. “Em nghĩ đến lúc rồi,” Francesca nói. “Chắc em sắp sinh bé.”
Đêm đó, Francesca trở thành nạn nhân của tiền sử bệnh án gia đình nàng. Bà nội nàng luôn từ chối nói về chuyện đó, nhưng bà đã trải qua ít nhất là bốn lần sẩy thai. Bà ngoại nàng đi lễ trọng vào ngày 22 tháng bảy hàng năm để tưởng niệm lần sẩy thai của mình. Mẹ nàng và hai dì của nàng cũng từng chịu những lần sẩy thai.
Thai nhi của Francesca ra đời sớm cả ba tháng, đã chống chọi khá kiên cường. Bé sống được gần một ngày, và được đặt tên là Carmela, theo tên bà cố. Francesca muốn chôn cất bé gần mộ bà cố, trên phần
đất nghĩa trang gia đình ở Long Island. Billy không đồng ý. Anh nghĩ đứa bé nên được chôn cất ở Florida, nơi quê nội. Nhiều tình huống - nỗi kinh sợ khi mất đứa bé và lòng hối hận của Billy ngay cả trước khi sự việc này xảy ra - đã khiến cho ý kiến của anh chỉ là biểu lộ sự bất đồng chứ không phải là một luận chứng, và Fracesca vẫn có quyền quyết định.
Michael Corleone chịu mọi chi phí cho việc chôn cất em bé. Francesca biết rằng Billy phản đối trong lòng, nhưng nàng hài lòng thấy chồng mình cũng đủ lương thức để không xúc phạm chú mình bằng cách từ chối sự giúp đỡ của ông. Lễ tang được tổ chức nhỏ thôi và tiến hành ở nghĩa trang, trong cơn bão tuyết mù mịt.
Bố mẹ của Billy không đến. Người chị em song sinh của nàng cũng không đến, chỉ gửi một điện tín từ London nói rằng nàng rất buồn khi nghe tin chẳng lành. Cậu em Frankie của nàng bỏ lỡ trận bóng giao hữu mùa xuân vì chuyện này mà không hề phàn nàn. Cậu em út Chip cũng bỏ lỡ buổi tiệc sinh nhật thứ mười sáu mà không nghĩ ngợi gì. Tình gia đình mà.
Đó là một nghĩa trang theo truyền thống Ý với hình ảnh người quá cố đặt trong các khung đá chạm để trên các bệ cẩm thạch. Trước khi rời nghĩa trang Francesca cúi xuống hôn những khuôn hình lạnh buốt trong bão tuyết. Bà nội Carmela. Ông nội Vito. Bà cố Zia Angelina. Chú Carlo. Bố nàng, Santino Corleone. Nàng nhìn vào đôi mắt tươi cười của bố và nghĩ, Gặp lại lần tới nhé, Bố yêu.
Chú Fredo mất tích và được cho là đã chết, nhưng không có hình ảnh nào của chú ở đây. Cũng không có hình ảnh của bé Carmela. Vì chưa ai kịp nghĩ chụp ảnh cho bé. Bé đã sống quá mong manh như đóa phù dung sớm nở tối tàn. Chưa vướng tội lỗi nào, chắc là hồn bé sẽ đi thẳng lên thiên đường.
Chú Mike, dầu bận rộn như chắc chắn chú phải là thế, vẫn đến sớm và ở lại trễ, và là một niềm an ủi rất lớn cho nàng. Ngay cả mẹ nàng cũng không có thể nói với Francesca một cách cởi mở về cơn ác mộng mất một đứa con như chú Mike chia sẻ tâm tình với nàng. Và khi thấy Sonny chơi đùa với Tony và Mary ở buổi họp mặt sau đó, nhìn thấy chúng thân thiết với nhau, tinh thần chúng mau hồi phục và vui vẻ sôi nổi như thế, đã đem lại cho Francesca niềm hy vọng rằng nàng sẽ cố vui lên mà sống.
Billy đang đấu tranh với nỗi đau về cái chết của con mình và, quả là khó hiểu, anh ta lại đang nói liên miên về chuyện đó.
Nàng đang có một khoảng thời gian nặng nề để không trách mắng chàng. Nàng biết, như thế là phi lí. Nhưng dường như có một thứ công lí đang báo phục họ về chuyện chàng đã muốn nàng phá thai khi nàng mang bầu Sonny. Và, trời đất, cái gì đã ám ảnh chàng để chàng nghĩ, nếu nói thật với nàng rằng lúc đầu chàng đã rất không muốn lấy nàng và chàng chỉ chịu cưới nàng sau khi ông chú “ma đạo sát tinh” của nàng sai người đến bẻ cẳng chàng, lại sẽ làm cho chàng trông có vẻ như một người tốt trong câu chuyện này?
Trên hết mọi chuyện, mỗi lần nàng nhìn chàng, nàng tưởng tượng rằng chàng lo ngại về chuyện bị chụp hình bởi cảnh sát hay FBI trong khi tham dự một tang lễ Mafia chính hiệu. Có lẽ nghĩ thế là không công bằng. Nàng không có ý tưởng nào về chuyện chàng đang nghĩ gì. Nhưng họ đã bị chụp hình.
Nhưng đứa con hoang xấu xa, không có chút từ tâm. Nàng bắt đầu hiểu áp lực mà chú nàng phải đối mặt hàng ngày và bố nàng xưa kia cũng phải đối mặt hàng ngày.
Bỗng nhiên, vào cái ngày chôn đứa con gái mới sinh đã mất chỉ trong một ngày của mình, một “tia chớp trực quan” vụt sáng trong đầu óc nàng. Chàng đã sử dụng tiền bạc của bố mẹ và những nỗ lực của bản thân trong cuộc vận động tranh cử của Shea để có được công việc nơi văn phòng Tổng chưởng lí nhằm có thể phá hủy gia tộc nàng.
Ý nghĩ đó thật lố bịch, nàng lập tức nhận ra. Nàng đã không bình thản để suy nghĩ cho rõ ràng. Nàng đã quá xúc động và quẫn trí, với những hormones điên rồ chạy loạn xạ từ đầu đến chân. Đây là Billy. Dầu chàng có phạm lỗi lầm gì đi nữa - và ai mà chẳng có lỗi lầm - chàng vẫn là tình yêu chân thật của đời nàng.
Tuy thế.
Khi, lần nọ, nàng kết tội Billy, về chuyện có một tội ác đàng sau khối tài sản khổng lồ của gia đình chàng, chàng đã - tỉnh như ruồi - bảo rằng chàng tin chắc là không chỉ có một mà còn rất nhiều nữa cơ đấy. Những tên ranh ma quỉ quyệt đó dám làm bất cứ điều gì, chàng đã bảo thế - khi nói về chính bố và ông nội mình - và chàng đã đùa, theo một thứ hài hước đen cho ai thích cười thì cười còn mình thì mặt vẫn tỉnh bơ, ai có chọc nhột cũng nhất định không cười! Vậy tại sao chàng lại phải bận tâm về bất kỳ chuyện gì mà gia tộc nàng có thể đã làm hay không làm? Nàng biết điều mà người chị em song sinh của nàng sẽ nói: Bởi vì chúng ta là người Ý. Chính Kathy đã phát hiện rằng bố của vị Tổng thống đương nhiệm xưa kia từng làm ăn mật thiết với ông nội Vito. Buôn rượu lậu. Một tội ác không còn hiện hữu. Một tội ác lẽ ra chẳng bao giờ là tội ác nhưng dẫu sao cũng là tội ác. Một thế hệ sau, James K. Shea đang ngự trong Nhà Trắng và Michael Corleone đã tự ý tách rời khỏi hoạt động tội ác và tuy vậy vẫn còn bị theo dõi bởi những kẻ không ra gì, không chút từ tâm, từ bộ máy thi hành pháp luật tại một tang lễ chỉ có tính gia đình của đứa cháu sơ sinh của ông. Tại sao? Bởi vì chúng ta là người Ý.
Mấy tuần sau đó, qua một cuộc gọi xuyên đại dương Francesca đánh thức Kathy dậy từ một giấc ngủ sâu và bảo với cô ta là nàng cảm thấy bị tổn thương biết bao khi Kathy không trở về dự lễ tang con nàng.
“Em có một đám tang?” Kathy nói. “Chị đã nghĩ chỉ là một vụ sẩy thai.” “Chỉ là một vụ sẩy thai? Và dẫu sao, bé đã sống trong?”
“Em có biết lúc này ở đây là mấy giờ không?”
“Làm thế nào mà chị lại có thể không biết chúng tôi có một lễ tang? Khi tôi mất bé Carmela.” “Em đặt tên nó rồi à? Ồ, cưng. Cưng đã đặt tên nó theo bà nội?”
Nó.
Francesca gác máy.
Mặc dầu Jimmy Shea đã nói là có lẽ ông ta sẽ không thể đi đến Las Vegas cho đến sau một trăm ngày cầm quyền đầu tiên, kể từ lúc Johnny Fontane trở về từ Washington, chàng ta vẫn dành thời gian trích ra từ lịch làm việc rất bận rộn của mình để nhìn qua những chuẩn bị tại cơ ngơi mới được mở rộng của anh ta làm như thể cuộc thăm viếng đầu tiên của Tổng thống sẽ diễn ra ngày mai. Johnny bổ sung thêm mười người vào bộ tham mưu của mình, kể cả một nhân viên đã nghỉ hưu của Sở Mật vụ mà công việc là giữ liên lạc thường trực với cơ quan cũ của mình, sẵn sàng thông báo ngay là Tổng thống có cần về Miền Tây để nghỉ xả hơi dăm bữa nửa tháng hay không. Hiện có một phòng khách có thể đi tới thông qua một tấm panel thụt vào trong hốc tường một cách khéo léo từ nơi sẽ là văn phòng của Tổng thống cũng như từ cầu thang gác nơi sàn nhà vệ sinh, sẽ cho phép Sở Mật vụ đưa các em vào và ra thông qua một garage ngầm mới xây. Louie Russo đã cho Rita Duvall dãy phòng riêng ở Kasbah, nhưng để dự phòng, Fontane có ít nhất là ba nữ thần sắc dục (sex goddesses) đang ngự trị của Hollywood đặt trong tình trạng sẵn sàng phục vụ bất cứ khi nào được “nhá máy”. Danny Shea đã bắt đầu “nhắp lại tình xưa” với Annie McGowan vốn trước đây là đào ruột của chàng trước khi thành hôn với Johnny, và Johnny đã ngỏ ý rõ ràng cho cả hai rằng họ sẽ được tiếp rước nồng hậu ở đây bất kỳ khi nào, cùng nhau hoặc riêng rẽ. Chàng ta cũng đã “phóng tài hóa thu nhân tâm” đối với một số đầu bếp tài giỏi nhất ở L.A., mỗi người được chàng nhét vào miệng năm mươi ngàn đô, chỉ với điều kiện là đồng ý buông bỏ mọi chuyện tức thì, bất kể là chuyện quan trọng đến đâu, để đến trình diện và chờ lệnh anh Johnny ngay khi được gọi. Bản thân Johnny không cần đến bất kỳ “thần phương diệu dược” nào, nhưng Bobby Chadwick và ngài Tổng thống cả hai đều khoái nàng tiên trắng cocaine; loại đặc sản mà Gussie Cicero tìm cho chàng được bảo đảm là nguyên chất trăm phần trăm.
Sự nghiệp của Johnny đang lên đến đỉnh về phương diện thương mại. Nhãn hiệu thu âm mà chàng sở hữu có thể hoặc không cần được tài trơ ở mức độ nào đó bởi Louie Russo và Jackie Ping-Pong. Johnny cố gắng ở bên ngoài chuyện đó và để cho đội ngũ luật sư và kế toán đảm đương việc xử lí. Cũng như thế đối với công ty sản xuất điện ảnh của chàng và việc đầu tư của nhà Corleones. Điều anh biết rõ là cả hai công ty đều đang ăn nên làm ra, đều đang phất lên vùn vụt như diều gặp gió, chẳng khác nào một nhà máy in đô-la.! Những đĩa thu âm của anh bán chạy như điên mà với chúng chàng nhận được phần tỉ lệ tác quyền ba lần nhiều hơn so với khi chàng làm cho National Records. Chàng đã thuê Philly Orstein rời khỏi National để về quản lí công ty thu âm của chàng và những hợp đồng Philly đã kí đang chất cao những đĩa vàng. Ngay cả những phim rất ẹ mà công ty chàng tung ra cũng bao trọn gói các rạp chiếu (có lẽ đặc biệt là những phim dở tệ; phim duy nhất mà công ty tung ra từ 1959 đến 1962 mà lỗ vốn trong đợt chiếu đầu tiên là phim Fried Neck Bones -Xương cổ chiên dòn? - với Oliver Smith -Christmas đóng vai một luật sư miền Nam trí trá và J.J. White, Jr. đóng vai một ca sĩ Da đen hát trong một quán rượu ven đường bị kết tội một cách oan ức là hiếp dâm một cô gái da trắng; ngày nay phim đó lại được coi là một phim kinh điển). Nếu Johnny Fontane mua cổ phần chứng khoán thì loại chứng khoán đó lên giá. Nếu anh mua đất thì đất chó ỉa cũng thành đất tiền đất bạc. Còn casino mà anh ta sở hữu hai mươi phần trăm ở Hồ Tahoe - Lâu ĐàiTrên Mây? Quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng đầy những con thiêu thân đến để ném tiền vào... két sắt của chủ chứa! Là nơi nóng nhất của thành phố! Hẳn rồi, được làm bạn thân của ngài Tổng thống thì tốt quá. Nhưng được làm bạn chí cốt của Johnny Fontane lại càng đã hơn!
Johnny chưa nói năng gì với chàng Shea nào kể từ ngày Shea anh chính thức nhậm chức. Chàng hiểu chuyện mà, tất nhiên rồi, nhưng chỉ còn mấy ngày trước khi đánh dấu một trăm ngày cầm quyền của vị Tổng thống mới, Johnny cuối cùng cầm lòng chẳng đặng và móc dế ra gọi đến số riêng mà chàng đã được Tổng thống ưu ái ban cho. Cô thư kí riêng của ngài Tổng thống lại từ chối kết nối đường dây cho chàng.
Hơi ngỡ ngàng. Hơi bẽ bàng!
Nhưng chàng kịp trấn tĩnh, không để tiếng chửi thề vọt ra khỏi miệng (mà chỉ nhảy múa lung tung trong đầu!). Nghĩ mình phương diện quốc gia - Quan trên ngó xuống người ta trông vào. Chửi thề bậy bạ coi sao được! Nên chàng cố giữ bình thản và vẫn với giọng ngọt nhạt.
“Cô có thể nhận một tin nhắn chứ?” “Tất nhiên rồi, thưa ông Fontane.”
“Thế này nhé: Đem con chim của anh ra khỏi đây trước khi nó rơi xuống. Thân mến, JF. Cứ viết đúng những từ đó nhé.”
Sau một khoảng thời gian, cũng chính trong ngày đó, khi tin tức bắt đầu loan truyền rằng cuộc đổ bộ nhằm tái chiếm Cuba không phải là việc làm điên rồ của một nhóm người vong quốc thù hận chính quyền mới mà thực ra là đã được tiến hành với sự hậu thuẫn của chính quyền Mỹ, Johnny cảm thấy nhột nhạt về chuyện gửi một tin nhắn lông bông nhảm nhí như thế cho vị nguyên thủ trong khi ngài bận rộn lo toan bao chuyện đại sự của quốc gia. Nhưng anh chàng nhân viên Mật vụ về hưu nói với anh rằng chẳng ích gì khi gọi cho cô thư kí và bảo cô ta ném cái tin nhắn kia vào sọt rác. Nếu như nó đã được ghi vào nhật kí công tác thì nó sẽ còn ở đó mãi và phải đợi khoảng năm mươi năm sau mới được tiêu hủy!
Tuy vậy, chẳng bao lâu sau phần tệ hại nhất của cuộc tranh cãi về vụ đổ bộ Cuba cũng qua đi - dầu sao thì toàn bộ chiến dịch đã được vị tiền nhiệm của Jimmy duyệt y rồi, một chuyện mà ông phải kế thừa và đã được đẩy đi quá xa để còn có thể dừng lại - và Corbett Shea gửi lời rằng Tổng thống đang dự tính làm chuyến kinh lí đầu tiên về Miền Tây. Ông đã kí một sắc lệnh xây dựng một công viên quốc gia mới không xa Las Vegas cho lắm và ông muốn đọc một diễn văn tại địa điểm đó. Ông còn có một vài nơi dừng chân khác - những khoảng thời gian thoải mái vui tươi để nghỉ ngơi xả hơi, tìm thư giãn cho đầu óc sau cuộc chiến tranh cân não căng thẳng với “con gấu Bắc cực”về vụ Cuba.
“Xứng đáng lắm, tôi được phép nói thêm,” Johnny nói, và đúng thế. Ngay cả những đối thủ chính trị của Jimmy cũng phải thừa nhận rằng, để qua vụ hành động táo bạo có phần nông nổi ở Cuba, thì vị Tổng thống trẻ tuổi có sức thu hút đã đạt được một trong những khởi đầu tốt nhất trong lịch sử Hoa kỳ. “Hãy đến sớm nếu quí vị thích,” Johnny nói. “Hãy mang theo phu nhân hay đến một mình. Ở lại bao lâu tùy ý quí vị.”
“Phu nhân của ta!” ngài Đại sứ nói và cười ha hả. Ông ta đã từng đến tổ quỉ của Fontane ở Beverly Hills, Hollywood, một đôi lần và là một lão già dê lang thang, dê ẩu tả, dê loạn xạ khiến người ta phải sượng sùng khó chịu!
Mấy ngày sau ông ta đến với chỉ có đội đặc nhiệm Mật vụ của ông ta. Ông ta ngồi ngoài vườn, bên hồ nước, trần truồng một cách trơ tráo, gọi điện thoại đường dài hầu như liên tục, rõ là đang giận dữ hầu như mọi lúc, nhưng vẫn giữ giọng thấp. Lúc này lúc khác lão ta dừng nói mấy phút và đi về phòng dành cho mình để đánh một quả hay cạp vài miếng với một trong các em điếm cao cấp mà Johnny đã điều động đến. Ngài Đại sứ chẳng bao giờ đi xuống phố để xem sô diễn nào hay đánh cá hữu nghị cho vui, ngay cả không bao giờ chơi tennis, mặc dầu lão ta nói là vẫn còn chơi và Fontane đã bố trí một sân luôn sẵn sàng sáng đèn.
Những xe tải nhỏ chở đồ ăn thức uống ùn ùn chạy đến để chuẩn bị lương thực cho cuộc thăm viếng sắp tới của ngài Tổng thống. Cái ngày trước khi Tổng thống rời Nhà Trắng để đi kinh lí Miền Tây, Johnny dùng một chiếc xe tay đẩy chuyến hàng mới nhất đến bên hồ bơi lớn và trình cho vị khách quí. Đó là một tấm biển đồng, dày, dài bốn feet cao ba feet, ghi dòng chữ TỔNG THỐNG JAMES KAVANAUGH SHEA ĐÃ NGỦ Ở ĐÂY.
“Anh định dùng cái thứ đó vào việc quái quỉ gì vậy?”
“Ông nghĩ gì thế, Corbett? Tôi đã gọi cả một toán thợ đang trên đường đến đây ngay để gắn tấm biển này lên phía trên đầu giường trong căn phòng mà Jimmy sẽ ngủ nghỉ. Tôi đã định cho khắc thêm những dấu “nháy nháy” quanh chữ ngủ, nhưng rồi tôi không muốn tỏ ra bất kính.”
Ngài Đại sứ cau mày. “Hơi lớn đấy, bạn có nghĩ thế không?”
“Nhìn lại xem, Corbett. Lớn nhất và tốt nhất trong mọi thứ. Bạn bè của tôi xứng đáng được hưởng những gì hoàn mỹ nhất.”
Ngài Đại sứ lắc đầu. “John à, chắc là có sự hiểu lầm rồi. Jimmy không đến đây đâu.”
Những lời đó làm Johnny mất tinh thần. “Ông nói nghiêm chỉnh đấy chứ? Không có ý tưởng nào về thời điểm họ đến đây ngày mai sao? Tôi có một số chuyện phải thu xếp để lo cho việc tiếp đón được chu đáo.”
“Anh lãng tai sao, anh chàng Ý khờ khạo? Anh cu nhớn của ta sẽ không đến đây. Ta có bao giờ nói là anh ấy sẽ đến đây đâu? Còn anh đã có lời mời ta đến đây, thì ta đến. Chứ lúc này đây thì anh cu nhớn của ta còn có quá nhiều chuyện lớn khác phải quan tâm. Anh ấy sắp đọc một diễn văn, nhưng chưa “hưỡn” để vui chơi với bạn bè, em út. Ngay cả khi cần vui chơi thư giãn thì cũng sẽ là một ý tưởng không hay khi một vị Tổng thống lại la cà nơi một thành phố như Las Vegas hay ở một ngôi nhà như... ờ, nhà của anh.”
Chàng Johnny Fontane cảm thấy ức lòng đến muốn nghẹn thở. “Sao, nhà tôi thì sao nào? Jimmy chẳng
từng ở nhà tôi sao? Còn ông, bố anh ta, ông đang ở nhà ai đây? Ông đang lảm nhảm cái gì thế?”
Tức quá thì phải nói thế cho hả tức, nhưng rồi Fontane cũng nhanh chóng hình dung ra tình huống hiện nay.
“Anh biết là chúng tôi trọng thị tất cả những gì anh đã làm cho chúng tôi,” Ngài Đại sứ khoan thai lí giải và... xoa bóp (sau khi đấm chàng Fontane một cú đến ê càng).
“Nghe rõ ra là một kiểu tránh né mà không cần màu mè ngụy trang.”
“Tôi xin lỗi nếu có sự hiểu lầm ở đây, John à. Nhưng lỗi là tại cái thằng bú c... t đó ở Cuba. Hắn làm vướng víu anh cu nhớn nhà tôi. Chúng tôi đang xem xét và cân nhắc những gì chúng ta có thể làm để báo thù. Các bạn là người Ý, hẳn các bạn hiểu điều đó, đúng không? Báo thù?”
Cái thằng bú c... t đó ở Cuba (that cocksucker in Cuba) thì có liên hệ chi đến một hành vi bất lịch sự đến độ thô bạo như thế này. “Ông nghĩ bao nhiêu đồ ăn thức uống này là để cho ai? Tất cả những -” Tôi làm thế quái nào mà biết được?” Ông ta đứng lên, để rơi chiếc khăn choàng xuống, hoàn toàn trần truồng với đôi cánh tay giang rộng ra. Ông ta cao lớn nhưng hơi mảnh dẻ. Tại sao một lão dê cụ như thế này lại nhất định đi lang thang mọi lúc với con cu thun lại, đong đưa trong gió, điều đó quả là Johnny không tưởng tượng nổi. “Trông tôi có giống như mang lịch giao tiếp của anh, được giấu nơi nào đó trên người không?”
Johnny Fontane lắc đầu. Anh nuốt xuống cơn bão lửa giận dữ đang bừng lên trong lòng. Chuyện này “quê đậm” đây. Quê khó huề. Mà có huề cũng vẫn còn quê! Anh buông tấm biển đồng xuống, đi lòng vòng rồi đi vào trong. Anh không nghĩ là “quết” cho ông bố của Tổng thống thành một đống chả sống máu me bầy hầy là một nước cờ hay. Anh bị cám dỗ muốn làm vài cuộc gọi và gửi vài em đang mang mầm bệnh giang mai lậu mũ gì đó đến bẫy lão già dê phách lối cho bõ ghét. Gì chứ món gỏi phao câu là lão này không bao giờ chê rồi. Dính bẫy là cái chắc. Nhưng rồi anh cũng tự chủ được và vượt lên ý nghĩ đó. Đại trượng phu muốn làm chuyện lớn thì phải nghĩ đến những mục đích cao xa mà bỏ qua những tiểu tiết. Thôi coi như mình xui xẻo gặp phải lão khùng nói năng linh tinh hành xử lung tung mà ta vẫn chịu được thì âu cũng là một dịp để luyện chữ nhẫn vậy!
Sáng sớm ngày hôm sau, ngài Đại sứ lặng lẽ rời đi không lời chào từ biệt.
Bên ngoài, Johnny dường như nhận lãnh cú hắt hủi ghẻ lạnh này với sự khắc kỉ đặc trưng Sicily rất ấn tượng. Chàng ta còn thuê một xe tải và phụ với nhân viên của mình chất đồ ăn lên xe. Chàng cho người tài xế những hướng dẫn đến nhà bếp của những khu phố nghèo nhất ở L.A. với lời dặn dò rất kỹ là chỉ nói với nhân viên phụ trách rằng đây là quà tặng từ một nhà hảo tâm vô danh.
Tổng thống đọc diễn văn. Johnny Fontane xem trên Tivi. Thật khó mà giận một người có khả năng gợi cảm hứng cho bạn về tương lai của đất nước mình như thế.
Nhưng ở cuối câu chuyện, phóng viên thông báo rằng Tổng thống sẽ trải qua tuần tới ở Malibu, nghỉ
ngơi tại nhà một người bạn cùng học chung ở Princeton của ông, một luật sư - theo lời phóng viên nọ - là hậu duệ trực hệ của Tổng thống John Adams.”
Fontane nhìn trong nỗi nghi ngờ sững sờ.
Anh chàng Ý khờ khạo.
Chàng tắt Tivi và ra ngoài, đi đến nhà xưởng mà các toán thợ xây dựng từng sử dụng. Thùng thuốc nổ TNT mà họ đã dùng để khoét một lỗ sâu trong đá nơi hiện nay là hồ bơi thứ hai, chỉ còn lại hai bánh thuốc nổ. Trước nay chàng ta chưa từng học cách sử dụng TNT nhưng vì quá tức giận nên hết biết sợ, ít ra là cho đến khi chàng đốt bánh thứ nhất và thấy ngọn lửa chạy nhanh xuống dây mồi. Chàng ném mạnh bánh thuốc nổ và nó rơi xuống ngay giữa bãi đáp trực thăng. Cát và từng cục xi -măng bằng nắm tay tung lên trời rồi rơi xuống như mưa.
Chàng người Ý khờ khạo.
Sau khi lãnh bánh thuốc nổ thứ nhì, bãi đáp trực thăng gần giống như miệng núi lửa.
Bố Già Trở Lại! Bố Già Trở Lại! - Mark Winegardner Bố Già Trở Lại!