Số lần đọc/download: 3847 / 122
Cập nhật: 2015-09-10 14:37:16 +0700
Chương 24: Mình Có Làm Nổi Không?
N
eha. Cái tên đã khiến tôi mất ngủ bao đêm. Vâng, tấm bằng kỹ sư của tôi đã bị vứt vào sọt rác. Vâng, có thể chúng tôi đã tốn công vô ích khi nai lưng ra trong phòng thí nghiệm của thầy Veera để suốt ngày pha trộn loại dầu này vào loại dầu khác. Vâng, có thể tôi sẽ vẫn phải nhận một lời nguyền trong học bạ để rồi không kiếm nổi việc nào ra hồn.
Nhưng tất cả những điều này đều không quá khủng khiếp đến độ khiến tôi mất ngủ triền miên. Thật ra mà nói, bốn tháng bị đình chỉ lại là khoảng thời gian khá tốt để tôi lấy lại nhịp ngủ ổn định. Nhưng người duy nhất có giọng nói, mùi hương, hình bóng và cảm giác luôn lần mò đến bên giường tôi mỗi đêm, khiến tôi không tài nào chợp mắt được, lại là Neha.
Tôi đã cố điện cho cô vào ngày mười một, nhưng cô dập máy chỉ sau hai phút, sau khi tuyên bố rằng cô không ngờ tôi lại là người như thế. Chắc cô đã đánh giá quá cao tôi, người chuyên bị cô gọi là kẻ lông bông rồi. Tôi đã cố gọi lại, cố giải thích trong vô vọng rằng toàn bộ vụ việc vốn không phải do tôi nghĩ ra, và tôi đã ngu ngốc khi nghe theo nó.
“Anh đã lợi dụng em Hari ạ. Như tất cả đàn ông trên đời, anh đã lợi dụng em,” cô nói. Như tất cả đàn ông trên đời? Mà cô ấy đã từng cặp với bao nhiêu người cơ chứ, tôi nghĩ. Dạo này cô đọc loại sách báo gì thế, chắc là vài loại tạp chí đàn bà kiểu Femina hay Cosmo à? Tôi chỉ tìm cách thó đề thi thôi mà.
Ừ thì, việc sao chìa khóa khá bỉ ổi – nhưng tôi chỉ làm vậy vì đó là cách thuận tiện nhất thôi. Nếu không Ryan hẳn cũng nghĩ ra một cách nào khác. Tôi cố giải thích như vậy, nhưng cô ấy lại nói theo kiểu “đàn ông các anh chẳng chịu hiểu gì cả nhỉ?” Mặc dù tôi nghĩ ngay bản thân cô ấy cũng chẳng hiểu được nữa là, nhưng tôi vẫn yêu cô điên cuồng.
“Và anh khai trước Hội Kỷ rằng em đã đưa chìa cho anh? Anh có biết đến giờ bố em vẫn còn tin vào điều ấy không?” Chà, tôi thấy thở phào vì Cherian đã cắn câu. Làm sao Neha có thể hiểu được? Nếu họ biết bọn tôi đã sao chìa khóa thì bọn tôi đã trở thành tội phạm hình sự rồi.
Mà có thể bọn tôi đúng là tội phạm thật nhỉ. Nhưng đó không phải là mấu chốt vấn đề. Mèn ơi, sao giải thích mọi việc cho con gái lại khó khăn thế nhỉ? Sao cô ấy không lờ được nó đi? Tôi có nên nói cho cô những lời cô muốn nghe không, ngay cả khi chúng rất ngớ ngẩn? “Neha à, anh biết anh đã làm những điều xấu ấy.
Nhưng nhìn theo khía cạnh nào đó, thì đó không phải là anh. Đó không phải là Hari của em,” tôi nói. Hiển nhiên, câu nói ấy chả có ý nghĩa gì. Nhưng con gái là thế đó. Chỉ cần nói ra những thứ ngớ ngẩn và rắc rối là thể nào họ cũng cắn câu. “Thế thì tại sao Hari? Tại sao?” “Anh không biết nữa.
Anh gặp em dù chỉ một lần thôi có được không?” “Còn khuya. Chuyện chúng mình đã chấm dứt rồi.” Đoạn cô dập máy, bứt dây rồi để nguyên như thế cả ngày. Điều này có nghĩa là tôi phải đợi thêm một tháng nữa, nói cách khác là phải chịu đựng thêm ba mươi đêm thức trắng.
Vào ngày mười một tháng sau, tôi cứ rấm rứt chỉ muốn điện ngay cho cô. Mười giờ sáng, tôi ngủ dậy. Cuối cùng cũng tới ngày này, tôi tự nhủ và xuống giường ngay tắp lự. Tôi phải giữ cho cuộc gọi thật nhanh gọn, và nghĩ ra những lời lẽ thật hiệu quả. Trên đường xuống nhà, tôi chợt thấy có một bà già leo lên thang.
Chắc là mẹ đứa nào, tôi nghĩ bụng, dù trong đầu thoáng thấy quen quen. Rồi tôi chợt vỡ ra – là mẹ Alok. “Cháu chào bác. Là cháu, Hari đây ạ,” tôi nói. “A chào cháo Hari. Dạo này cháu đi đâu thế? Bác phải đến thăm vì đã hai tháng rồi Alok chưa về nhà. Nó có sao không cháu?” Bà thở hổn hển.
“Dạ? Alok vẫn bình thường bác ạ. Chắc là bận làm đề án thôi.” Tôi phải mau nghĩ cách ngăn không cho bác gặp Alok mới được. “Bác trai cháu đang ở trong xe lam dưới nhà. Cháu gọi nó giùm bác đi, cả nhà đang lo lắng lắm,” bà nói. “Vâng được ạ,” tôi chạy ngược lên. Alok đang ngồi dựa lưng trên giường, đọc tạp chí và ăn khoai tây chiên.
Ryan ngồi ngay cạnh đó, tay lật một tạp chí khiêu dâm, phì phèo thuốc lá bốc mùi nồng nặc khắp phòng. “Các cậu điên à? Sáng sớm ra đã hút thuốc xem khiêu dâm,” tôi quở trách. “Cậu làm gì mà quýnh lên thế? Khi mọi thứ đều tươi mới, phải hưởng thụ ngay chứ,” Ryan đáp.
“Alok, bố mẹ cậu đang ở đây,” tôi nói. “Hả?” Alok nói, khoai tây rơi từ tay xuống giường. “Ừ, mẹ cậu đang leo cầu thang lên đấy. Có vẻ bà rất bực và lo lắng vì cậu không chịu gọi về.” “Ý cậu là bà ấy đang leo lên đây á?” Alok nguẩy tay cho khói thuốc tản ra.
“Ừ, và chẳng mấy chốc sẽ thấy đống xương gãy của cậu.” “Mẹ kiếp,” Alok nói. “Cứ ở yên đấy. Mình sẽ lấy chăn phủ lên,” Ryan nhét quyển tạp chí khiêu dâm xuống dưới đệm giường. “Không được, bố cậu ấy đang chờ dưới nhà để gặp cậu con trai duy nhất.” Tôi cầm túi khoai lên nhâm nhi.
Thật khoái khi được chứng kiến hai cậu này giờ mới bấn loạn. “Mẹ kiếp. Mẹ kiếp. Mẹ kiếp,” Alok hối hả xếp lại gối. “Và tớ nghĩ cậu nên chửi vừa thôi,” tôi nói. Một phút sau, mẹ Alok gõ cửa. Thật khôi hài khi chứng kiến bao nhiêu việc xảy ra chỉ trong một phút ngắn ngủi.
Ryan vứt gạt tàn, tranh ảnh khiêu dâm và những chai vodka ra ngoài. Cậu ấy còn kịp sắp xếp sách giáo khoa và bài vở ngay ngắn trên mặt bàn. Tất cả quần áo bẩn được nhét vào trong chiếc tủ áo căng phồng. “Con chào mẹ. Sao tự dưng mẹ lại đến chơi thế này,” Alok lên tiếng. “Alok.
Mẹ không muốn nói chuyện với con. Con đã quên hẳn cái nhà này rồi.” Mẹ Alok đặt mấy hộp kẹo bánh lên bàn. Tôi nghĩ bụng không biết mình lấy ăn bây giờ thì có sao không nhỉ. “Con bận lắm ạ,” Alok nói. “Thôi đi. Đã hai tháng trời rồi, con không hề gọi một cú kể từ cái hôm con gọi hỏi thăm về sức khỏe bố con và đám hứa hôn của chị con.
Đã có gì xảy ra? Con không muốn nghe về những khó khăn của gia đình mình nữa hay sao?” “Không mẹ ạ. Chỉ là cái đề án của thầy Veera, làm bọn con quần quật suốt ngày,” Alok nói. “Ôi, con trai tôi học hành vất vả quá,” mẹ Alok quay sang tôi và Ryan, “thỉnh thoảng các con cũng phải biết giải lao chứ.
Xét cho cùng, chỉ còn một kỳ nữa là các con sẽ bắt đầu đi làm rồi,” bà nói. Ryan và tôi mỉm cười, tiếp tục nhìn vào mấy hộp bánh kẹo. Nào bác, xin bác hãy mời đi. “Alok, cuối tuần sau con phải về nhà. Nhìn kìa, ngay cả bố con cũng phải nằm xe lam đến tận đây thăm con,” bà nói.
“Mẹ thuê xe à! Bảy mươi rupee chứ có ít đâu,” Alok nói. “Chẳng thế thì phải làm sao với bố con? Mà xét cho cùng, con trai tôi cũng sắp đi làm ra tiền rồi,” mẹ Alok đáp. “Còn Hari, sao không ăn bánh viên đường bác làm đi.” Chẳng chờ bà nói xong, cả Ryan và tôi vớ ngay lấy mấy cái hộp.
“Kể cả thế, vẫn phải tiết kiệm chứ mẹ,” Alok nói. “Im lặng chứ. Xem này, chị con cũng gửi cho con cái quần bò mới. Tiền bỏ ống của nó đấy,” bà lôi ra một cái túi nâu. “Cảm ơn mẹ. Con sẽ để dành cho dịp nào đặc biệt,” Alok nói. “Nhưng bây giờ cũng phải thử xem có vừa không chứ.
Dậy đi nào,” mẹ Alok nói. “Không, tí nữa con thử sau,” Alok nói. “Sau gì mà sau? Thử ngay đi, nếu không vừa còn sửa. Đừng có lười, dậy đi,” mẹ Alok lay chân cậu ấy, chắc chắn là đau lắm. “Không mẹ ơi,” Alok nghiến răng. “Dậy đi,” mẹ Alok khăng khăng, kéo tấm chăn ra.
Lẽ ra bà không nên làm thế. Vì đùi và chân Alok vẫn còn bó bột, bàn chân thì vẫn còn dấu chỉ khâu. Ngay cả bọn tôi còn chẳng muốn nhìn. “Ôi trời ơi,” mẹ Alok buông tay, há hốc miệng. “Con đã bảo mẹ rồi,” Alok đẩy bà ra, chắc đang ao ước cho bà lẽ ra đừng đến. Mẹ Alok lảo đảo, Ryan phải đỡ bà ngồi xuống ghế.
Tôi bưng cho bà một ly nước. “Có chuyện gì xảy ra thế? Đứa nào nói xem nào?” bà hỏi. Ryan nhìn tôi. Đã đến lúc bọn tôi xin cáo lui. “Bọn cháu xuống nhà chào bác trai và sẽ nói rằng Alok đang ở trong phòng thí nghiệm nhé. Được không bác?” Bà gật đầu, hai mắt đã đẫm nước.
Trong gia đình bà liệu còn có người đàn ông nào có thể tự đứng trên đôi chân của mình không? “Mẹ cứ bình tĩnh. Chỉ là một tai nạn lái xe buổi tối hôm trước thôi…” Alok nói khi chúng tôi đóng cửa lại. Tôi khá chắc rằng bác ấy biết ngay Alok nói dối. Tai nạn xe máy mà Ryan và tôi lại hoàn toàn lành lặn, nghe rất chi là vô lý.
Nửa tiếng sau, chúng tôi thấy bà đi xuống, lau nước mắt. Chúng tôi đứng bên chiếc xe lam, cố trò chuyện với bố Alok. Ông đang trong tâm trạng vui vẻ, chắc là đang thưởng thức một ngày dã ngoại hiếm hoi. “Alok bận phỏng?” Ông trề môi ra. “Ừ. Bọn nó đang vướng một đề án quan trọng,” mẹ Alok đáp, leo lên xe.
“Chào bác ạ.” Ryan và tôi vẫy tay. “Về Rohini chứ bà?” bác tài hỏi, khởi động xe. “Không, chở tôi đến khoa Cơ khí.” “Gì cơ bác?” cả hai đứa đồng thanh. “Có những thứ người làm mẹ có thể linh cảm được, dù con cái không nói ra. Bác muốn đến gặp thầy Veera của các cháu trước khi về nhà,” bà nói, rồi chiếc xe đi mất hút.
“Bác ấy sẽ phát hiện ra mất. Bác ấy sẽ phát hiện ra vụ Hội Kỷ,” tôi lay vai Ryan. “Kệ bác ấy. Bác ấy xứng đáng được biết,” Ryan khoác vai tôi. Sau khi mẹ Alok đi, chúng tôi đến tiệm Sasi ăn sáng. “Hôm nay tớ phải gọi cú điện thoại nữa,” tôi nói. “Cô nàng vẫn giận cậu lắm hả?” Ryan hỏi.
“Một tháng trước thì là vậy. Chắc cô ấy phải nhớ tớ chứ đúng không?” “Chưa chắc. Nếu nhớ thì sao lại im bặt như thế?” Ryan rút trong túi quần bò ra một phong bì nâu. Ông Sasi bưng ra một đĩa parantha. Ryan để lá thư lên bàn, và bắt đầu xé chiếc bánh nóng hổi. “Đi ăn ở đây mà không có Alok thật là khác nhỉ.
Việc ăn uống mất hẳn sự hối hả,” Ryan nói. “Thư nhà đấy à?” tôi hỏi. “Ừ, nhưng không phải từ nhà. Họ đang ở LA hay sao ấy,” Ryan nói. “Bao lâu thì bố mẹ cậu viết một lần?” “Trước thì là hằng tuần, rồi hai tuần một lần. Giờ thì một tháng một lần,” Ryan phết bơ lên bánh.
“Cậu không viết lại à?” “Không, trừ phi đó là một lá thư theo dịch vụ chuyển phát. Cậu đưa thư bao giờ cũng bắt tớ viết vài dòng khi nhận.” “Thế thì sao vậy Ryan? Ý tớ là, họ đi nước ngoài chỉ để kiếm kế sinh nhai. Sao cậu lại ghét họ thế?” “Tớ có ghét đâu, chỉ thờ ơ thôi.
Để tớ gọi thêm bánh.” “Thôi đi. Làm sao thế được? Ý tớ là, thế sao cậu lại cất hết thư của họ? Tớ thấy rồi, phải đến cả vài trăm bức cất cạnh đống vodka.” Ryan thôi nhai. “Phức tạp lắm. Tớ không muốn nhắc đến làm gì.” “Cậu không kể với cả tớ ấy à?” “Họ khó hiểu lắm.
Sau khi tốt nghiệp trường nội trú, tớ đã cố nài họ để cả nhà được ở cùng nhau, nhưng việc kinh doanh quốc tế rất thuận lợi nên họ buộc phải ra đi. Chắc hẳn những gì tớ muốn còn chưa bao giờ hiện lên trong đầu họ. Thế nên, được rồi, con sẽ nhận những tấm séc đô la của bố mẹ, cảm ơn nhé.
Nhưng đừng có tỏ ra nhớ nhung gì ở đây. Nếu nhớ thật thì thể hiện bằng hành động đi chứ?” “Cậu có kể cho họ nghe về vụ Hội Kỷ không?” “Cậu điên à?” “Thì cậu biết đấy, sau khi tốt nghiệp cậu có thể tiếp quản công việc kinh doanh của họ luôn. Ý tớ là, cậu đã biết khả năng tìm việc của bọn mình sẽ khó khăn tới mức nào rồi.
Nhưng cậu chắc không phải lo đâu.” “Thà xuống địa ngục còn hơn,” Ryan nắm tay thành đấm. “Không bao giờ. Tớ thà mở quán bán parantha, đi làm cửu vạn, rửa ô tô còn hơn là vào làm việc cùng họ.” “Họ vẫn là bố mẹ cậu mà…” Cậu ấy ném cho tôi một cái nhìn ghê rợn.
“Thế à, cảm ơn cậu nhé. Tớ về phòng thăm Alok đây. Cậu vui vẻ với cô em của cậu đi.” “Ryan, cậu có thể bỏ dở đề án dầu bôi trơn ngay khi nó sắp thành công được không?” tôi hỏi. “Hử?” “Trả lời đi.” “Đấy là thứ hay ho duy nhất tớ từng làm ở IIT. Đấy là đam mê, là nhiệt huyết, là niềm tin của tớ.
Không, làm sao tớ bỏ dở nó được?” “Có thể việc kinh doanh gốm sứ này là đề án dầu bôi trơn của bố mẹ cậu thì sao?” Tôi cũng đứng dậy theo. Ryan nhặt lá thư lên và rảo bước ra khỏi quán. “Trả lời đi Ryan,” tôi hét vọng theo. Cậu ấy nhét lá thư lại vào trong túi.
“Neha, phải em không?” tôi hỏi, dù đã biết chắc một trăm phần trăm. “Hari à?” giọng cô không giấu nổi sự thật là cô đã mong đợi cuộc gọi này. “Trước khi em dập máy, xin nghe anh nói điều này được không?” tôi lấy vẻ khiêm nhường. “Em không dập đâu. Anh muốn nói gì?” “Anh nhớ em.
Và anh yêu em. Trời ơi, anh đã lại gần được bên em đến nhường ấy, chỉ để làm mọi chuyện hỏng cả. Anh muốn có được điểm A trong môn của bố em. Anh cứ nghĩ điều ấy sẽ khiến ông ưa anh. Và thế là, ba thằng bọn anh tự dưng lại nghĩ ra cái Chiến dịch Quả lắc ngớ ngẩn ấy.
Rồi họ đã họp Hội Kỷ hòng làm bọn anh hết đất sống. Còn bây giờ thì lại đến lượt em không muốn nói chuyện với anh nữa…” Giọng tôi nhẹ dần, chỉ còn là tiếng thì thào. “Hari?” “Gì cơ?” “Em cũng nhớ anh,” Cô bật khóc. Tôi ước gì mình cũng khóc được theo, nhưng những lời ấy đã khiến tôi thấy quá hạnh phúc.
Tôi tự đập tay với mình trong đầu và cố kiểm soát sự lâng lâng này. Bụng tôi bảo dạ, phải giữ nguyên thái độ nghiêm trọng, giữ nguyên thái độ nghiêm trọng. “Ôi Neha, đừng khóc,” tôi nói, mà lời dỗ này lại khiến cô khóc to lên. Chẳng biết tả cho bạn cái cảm giác vui sướng thế nào khi có một người con gái khóc vì nhớ bạn.
“Em không thể, Hari ạ. Em không thể quên anh được. Sao anh lại đi làm những chuyện ấy chứ?” cô nói. Được, có chút tiến bộ rồi. Từ “sao anh dám” đến “sao anh lại” quả là không tồi. Tôi làm là có lý do đấy chứ, dù cho chúng có ngớ ngẩn đến mức nào. Và lúc này tôi không phải kể ra hết cơ mà.
“Anh có thể giải thích cho em nghe. Mình gặp nhau nhé? Chỉ mười phút thôi?” “Mình có nên không? Ý em là, bố bắt em thề không bao giờ gặp lại anh nữa.” Hừm, làm sao đỡ lại bây giờ nhỉ? Tôi cố nghĩ ra một tiêu chí nào đó để vô hiệu hóa lời thề ấy, nhưng chẳng nghĩ ra gì.
“Anh nhớ em, Neha ạ.” Khi không biết nói gì, hãy nói những lời mùi mẫn. “Em cũng nhớ anh. Anh đến tiệm kem lúc hai giờ nhé.” “Được. Nhưng với một điều kiện.” “Gì nữa?” “Lần này mình đừng gọi kem dâu nhé? Anh thích sô cô la hơn.” “Thôi đi Hari,” cô không giấu nổi, phải bật cười.
Đấy, tôi đã thành công rồi. Chỉ một cú điện thoại đã biến nước mắt thành nụ cười, khuyến mại thêm một buổi hẹn hò. Tôi nhảy một điệu ở ngay bốt điện thoại, khiến cho mọi người xung quanh cứ tưởng tôi đã trúng số. “Gặp em lát nữa nhé,” tôi nói rồi dập máy, và nghe tiếng đồng một rupee chạy xuống máy.
Quả là một cách tiêu tiền thật tuyệt vời. Neha nán lại tiệm kem hai tiếng liền, lâu hơn mười lần số thời gian đã thỏa thuận. Đến cuối buổi, tôi đã kể cho cô mọi chuyện. Cô không giận dữ được lâu. Tôi đoán một phần là vì tôi đã mua cả kem dâu lẫn kem sô cô la, mà cũng có thể cô vui vì được gặp tôi.
Chúng tôi hẹn nhau thêm một buồi vào tuần sau, và chẳng mấy chốc chúng tôi đã quay lại chu kỳ “ra lịch hẹn buổi sau ở buổi hẹn này”. Điều này thực sự giúp tôi tiêu đi những thời gian nhàn rỗi trong học kỳ bị đình chỉ này. Mỗi ngày chúng tôi làm việc tám tiếng trong phòng thí nghiệm của thầy Veera, có hôm lên đến mười, mười hai tiếng.
Ryan còn làm nhiều hơn, có khi mười sáu tiếng. Cậu ấy tháo tung cái xe của mình ra để làm thí nghiệm, khiến chúng tôi phải cực nhọc đi bộ khắp khuôn viên. Alok phải dùng nạng suốt một tháng, và sao đó thì có thể tự lê đi được. Thầy Veera rất ưa đề án đã chỉnh sửa, và liên tục thông báo cho chủ nhiệm về sự tiến bộ của ba đứa chúng tôi.
Thầy chưa hề nhắc gì tới việc để trống học bạ và bù tín chỉ, nhưng chúng tôi đều hiểu rằng sẽ có rất ít hy vọng, cho tới khi chúng tôi hoàn thành xong đề án. Một tuần trước khi học kỳ kết thúc, chúng tôi nộp bản đề án cuối cùng cho thầy Veera, tổng cộng là hai trăm trang, lần này đề tên cả Ryan, Alok, và tôi.
“Ái chà, một đề án dày cộp,” thầy nói. “Gần như là một nghiên cứu hoàn chỉnh đấy ạ. Bọn em đã tách hỗn hợp tối ưu thành mảng riêng rồi đấy ạ.” Ryan nói. “Thầy biết rồi. Cái này còn hơn cả một đề án,” thầy Veera lật qua tập giấy, “tôi vẫn không tin được bốn tháng đã qua rồi.” “Em cũng thế.
Giờ đã đến lúc bọn em lại được lên lớp rồi,” tôi nói. “Lên lớp liên tục luôn. Lần này là tín chỉ đầy đủ luôn, em sẽ không cúp học nữa,” Alok nói. “Em cũng thế, phải không Ryan?” tôi nói. “Ừ, tớ cũng đi cùng các cậu vậy,” Ryan nói. “Thế nào đây thưa thầy, bọn em phải làm gì với cuốn toàn thư này bây giờ?” “À,” thầy Veera bỏ tập đề án lại lên bàn, “thầy sẽ xem lại một lần cuối, và nếu không phải sửa gì hệ trọng, thì thầy sẽ đem nộp luôn.
Làm việc tốt đấy, hãy nghỉ ngơi một tuần đi, trước khi vào kỳ mới bận rộn.” “Thế còn tín chỉ và học bạ thì sao thầy,” Alok nhắc. “Để sau đi. Tùy thuộc và đề án được hưởng ứng hay không nữa chứ. Đừng lạc quan quá, nhưng ta sẽ biết sớm thôi,” thầy Veera đáp.
Chúng tôi rời văn phòng thầy, rời công trình ba tháng ròng của mình. Có thể việc này sẽ không đưa chúng tôi đến đâu, nhưng ít ra ba đứa đã cố hết sức. Học kỳ cuối sẽ khai giảng ngày mùng năm tháng Một, chỉ một tuần kể từ hôm nay. Và sáu ngày sau, vào ngày mười một, là buổi hẹn lớn của tôi với Neha, vì cô sẽ rảnh cả ngày.