Số lần đọc/download: 3530 / 82
Cập nhật: 2016-03-03 14:02:26 +0700
Giai Thoại 24: Tâm Địa Lý Duy Chu
L
ý Duy Chu là một võ quan cao cấp của nhà Đường. Năm Ất Dậu (865), Lý Duy Chu giữ chức Giám Quân, quyền thế rất lớn. Cũng vào năm này, một chuyện chẳng hay đã xẩy ra giữa Lý Duy Chu với quan Đô Hộ Tổng Quản Kinh Lược Sứ là Cao Biền, nhờ đó, bá quan của nhà Đường lúc ấy mới rõ được tâm địa của Lý Duy Chu. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 13a - b) chép rằng:
"Năm Giáp Thân, niên hiệu Đường Hàm Thông năm thứ 5 (tức là năm 864 - NKT), vua nhà Đường sai quan giữ chức Tổng Quản Kinh Lược Sứ là Trương Nhân kiêm giữ các việc ở Giao Châu, đồng thời, tăng quân số ở trấn Hải Môn (Trung Quốc) lên cho đủ số hai vạn năm ngàn người, giao cho Trương Nhân tiến đánh để lấy lại phủ thành (là Giao Châu đã bị Nam Chiếu chiếm mất trước đó - NKT).
Mùa thu, tháng bảy (năm 864 - NKT), Trương Nhân tỏ ý dùng dằng không dám tiến quân. Có viên quan tên là Hạ Hầu Tư tiến cử Kiêu Vệ Tướng Quân là Cao Biền lĩnh thay việc này. Vua nhà Đường bèn phong cho Cao Biền chức Đô Hộ Tổng Quản Kinh Lược Chiêu Thảo Sứ và lấy hết quân sĩ của Trương Nhân giao cho Cao Biền.
Cao Biền lúc nhỏ có tên là (Cao) Thiên Lý, cháu của Nam Bình Quận Vương là (Cao) Sùng Văn, người được đời đời giữ chức trông coi cấm binh. (Cao) Biền để chí ở việc học, thích bàn chuyện kim cổ, trong quân, ai ai cũng khen ngợi. Lúc trẻ, (Cao) Biền từng theo giúp tướng Chu Thục Minh. Một hôm, thấy có hai con diều hâu sóng đôi bay trên trời, Cao Biền liền lấy cung ra để bắn. Trước khi bắn, Cao Biền khấn rằng:
- Nếu quả sau này ta được quý hiển thì xin cho mũi tên này trúng đích.
Chẳng dè, Cao Biền bắn một phát, hạ được cả hai con diều hâu. Mọi người đều kinh sợ, nhân đó gọi (Cao Biền) là lạc điêu Thị Ngự sử (quan Thị Ngự sử bắn rơi con diều hâu).
Sau, (Cao) Biền được thăng dần lên chức Hữu Thần Sách Đô Ngu Hầu. Bấy giờ, có người ở Đảng Hạng làm phản, (Cao) Biền đem hơn một vạn cấm binh đến đóng ở Trường Vũ, nhiều lần lập công, được thăng tới chức Tần Châu Phòng Ngự Sứ. Và, Cao Biền lại tiếp tục lập công. Đúng lúc ấy, quân Nam Chiếu chiếm nước ta, Cao Biền được cử thay Trương Nhân sang đánh.
Năm Ất Dậu, niên hiệu Đường Hàm Thông năm thứ sáu (tức là năm 865 - NKT), mùa thu, tháng bảy, Cao Biền chuẩn bị quân ngũ ở trấn Hải Môn (Trung Quốc - NKT) nhưng chưa tiến đánh ngay. Quan giữ chức Giám Quân là Lý Duy Chu ghét Cao Biền, muốn tìm cách tống khứ Cao Biền đi, nên cứ liên tục giục giã. Cao Biền bèn đem hơn năm ngàn quân vượt biển đi trước, hẹn (Lý) Duy Chu cho quân ứng viện sau. Cao Biền đi rồi, (Lý) Duy Chu giữ quân lại, không cho tiến. Tháng chín năm ấy, Cao Biền đến Nam Định (vùng Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh ngày nay - NKT), đánh đến Phong Châu (vùng tiếp giáp giữa Hà Tây, Phú Thọ và Vĩnh Phúc - NKT). Bấy giờ, gần năm vạn quân Man đang gặt lúa, bị Cao Biền đánh úp, tan tác bỏ chạy. Cao Biền chém được tướng của người Man là Trương Thuyên, đồng thời, thu hết số lúa đã gặt được đem về nuôi quân.
Năm Bính Tuất, niên hiệu Đường Hàm Thông năm thứ bảy (tức là năm 866 - NKT), mùa hạ, tháng tư, vua Nam Chiếu thăng cho Đoàn Tù Thiên chức Tiết Độ Sứ Thiện Xiển chức đứng đầu lực lượng Nam Chiếu vùng Tây Bắc Giao Châu (nay là vùng Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc - NKT). Vua Nam Chiếu cũng sai Trương Tập giúp Đoàn Tù Thiên đi đánh Giao Châu, lại cho Phạm Nật Ta giữ chức Đô Thống Phù Ta và Triệu Nặc Mi làm Đô Thống Phù Da đi theo hỗ trợ.
Bấy giờ, nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn bảy ngàn quân đến Giao Châu, cùng với Cao Biền tiến đánh Nam Chiếu, thắng mấy trận liền. Nhưng, khi Cao Biền gởi tờ tâu thắng trận về, qua trấn Hải Môn thì bị (Lý) Duy Chu lấy giấu đi. Suốt mấy tháng trời chờ tin chẳng thấy, vua nhà Đường bèn hỏi (Lý) Duy Chu thì (Lý) Duy Chu tâu rằng:
- Cao Biền đóng quân ở Phong Châu, ngồi nhìn giặc chớ nào có chịu tiến đánh.
Vua Đường tức giận, sai Hữu Vũ Vệ Tướng Quân là Vương Án Quyền đến thay (Cao) Biền, bắt Cao Biền phải gấp trở về kinh đô, có ý sẽ phạt tội thật nặng. Nhưng cũng tháng ấy, (Cao) Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống được rất nhiều tên. Nam Chiếu thu nhặt tàn quân, cố chạy vào trong thành để lo chống giữ. Mùa đông, tháng mười, (Cao) Biền vây thành đã hơn mười ngày, khiến cho quân Man rất khốn quẫn. Đến khi thành sáp hạ được thì (Cao) Biền nhận được thư của Vương Án Quyền cho biết là đã cùng với (Lý) Duy Chu xuất đại binh đi. (Cao) Biền liền giao mọi việc quân cơ cho (Vi) Trọng Tể rồi cùng với hơn một trăm bộ hạ trở về Bắc.
Trước đó, (Vi) Trọng Tề đã sai viên tiểu sứ là Vương Tuệ Cán và Cao Biền sai viên tiểu hiệu là Tăng cổn, cả hai cùng mang thư báo tin thắng trận về triều đình nhà Đường. Khi hai người mang thư về đến gần bờ biển (Trung Quốc) thì thấy có cờ xí quân đội kéo sang phía Đông (tức là kéo sang nước ta - NKT), hỏi thì biết là cờ xí của quan Kinh Lược Sứ (đây chỉ quan Kinh Lược Sứ Giao Châu là Tống Nhung -NKT) và quan Giám Quân (tức Lý Duy Chu - NKT). Họ bèn nói với nhau rằng:
- Nếu biết, thế nào (Lý) Duy Chu cũng sẽ lấy cướp tờ biểu tâu tin chiến tháng và tìm cách giữ chúng ta lại.
Nói rồi, cả hai cùng nấp kín, chờ cho thuyền của Lý Duy Chu băng qua rồi mới đi gấp về kinh đô. Vua Đường được tờ tâu thì cả mừng, bèn thăng cho Cao Biền chức Kiểm Hiệu Công Bộ Thượng Thư và sai (Cao) Biền tiếp tục đi đánh người Man. Vì lẽ ấy, (Cao) Biền vừa về đến trấn Hải Môn đã phải vội trở lại.
(Vương) Án Quyền là kẻ ngu hèn, việc gì cũng phải xin lệnh của (Lý) Duy Chu. (Lý) Duy Chu là kẻ hung bạo và tham lam cho nên các tướng không mấy ai chịu giúp. Bọn họ bèn mở vòng vây, khiến quân Man chạy thoát được quá nửa. (Cao) Biền đến nơi, lại phải đốc thúc tướng sĩ đánh lấy được thành, giết được Đoàn Tù Thiên và kẻ dẫn đường cho quân Nam Chiếu là Chu cổ Đạo, chém được hơn ba vạn thủ cấp. Quân Nam Chiếu bỏ chạy, (Cao) Biền phá được hai động người Man từng theo quân Nam Chiếu, giết được Tù Trưởng của họ, khiến người Man kéo đến quy phục đông tới một vạn bảy ngàn người".
Lời bàn:
Kẻ nhỏ nhen thường không bao giờ chỉ nhỏ nhen một lần. Như Lý Duy Chu, để hại Cao Biền, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hấn cũng đã mấy phen thi hành quỷ kế gian manh đó thôi. Cho nên, phàm là tướng thời loạn, trước khi ra trận, vừa phải tính toán kế sách để mong toàn thắng đối phương đã đành, lại còn phải cẩn trọng đề phòng kẻ bất lương nhưng lại cùng chiến tuyến đang chờ dịp đâm lén mình ở phía sau nữa.
Mưu gian của Lý Duy Chu, rốt cuộc có che giấu được ai đâu. Mới hay, dưới ánh mặt trời, chẳng có gì hoàn toàn bị che khuất. Kẻ gian tà hiểm ác, sống một đời mà nhục đến muôn đời, khinh thay!
Hẳn nhiên, Cao Biền cũng là quan đô hộ của nhà Đường, nghĩa là cũng chẳng phải tốt đẹp gì đối với sinh linh trăm họ của nước ta thuở ấy, song, chẳng thể vì vậy mà hậu thế bớt coi khinh Lý Duy Chu.
Vua Đường xét tội Cao Biển, bất quá cũng chỉ là nghe và tin theo lời tâu của Lý Duy Chu. Vua Đường khen ngợi rồi ân thưởng cho Cao Biền, bất quá cũng nhờ lời tâu của Vương Tuệ Cán và Tang côn. Hai sự ấy tỏ ràng Nhà vua chỉ biết nghe băng lỗ tai của kẻ khác, đúng sai chẳng qua chỉ là sự may rủi mà thôi. Làm vua kiểu ấy, thì cái khó là làm sao để được làm chứ không phải làm sao để làm được. Cứ đà ấy, nghe bàng tai của kẻ khác, nhìn băng mắt của kẻ khác, làm bàng tay của kẻ khác, cuối cùng, nói băng miệng của kẻ khác, nghĩ băng đàu của kẻ khác... thì muôn tâu thánh thượng, khủng khiếp thay ỉ Lý Duy Chu sở dĩ là... Lý
Duy Chu, chừng như cũng bởi một phần là vì trên Lý Duy Chu, trên cả bá quan vãn võ lúc ấy, còn có vua Đường.
Có phải là ở bất cứ chỗ nào, nấm độc cũng mọc được đâu.