Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 52
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19: Trận Đánh Xứ Lào (3.1953)
rận đánh xứ Lào đã được bộ tư lệnh Việt Minh chuẩn bị ráo riết từ năm 1950 bằng cách phái nhiều cán bộ quân sự chính trị sang gây lực lượng cho đạo quân thứ năm và nhất là từ khi mặt trận Liên Minh Dân Tộc Việt-Mên-Lào được thành lập (Việt Minh-Pathét Lào-Khmer Issarak).
Công cuộc chuẩn bị càng rõ rệt hơn trong trận đánh xứ Thái và chiếm đóng Điện Biên Phủ, một đồn tiền tuyến sát biên giới Lào.
Bộ tư lệnh Việt Minh cải tổ và tăng cường pháo lực, thành lập thêm một trung đoàn pháo binh nặng với những cỗ trọng pháo 105 ly thuộc quyền điều khiển của sư đoàn pháo binh 351. Mỗi trung đoàn bộ binh được phụ lực thêm một tiểu đoàn phòng không gồm 18 khẩu đại liên 12,7 và 13,2 v.v…
Ở Bắc Trung Việt, sư đoàn 304 của Đại Tá Hoàng minh Thảo cũng đã tập trung quân lực, sẵn sàng chờ lệnh.
Về phía Pháp, Bộ Tổng Chỉ Huy cũng đã đoán biết được phần nào ý định táo bạo của quân đội Võ nguyên Giáp từ ba, bốn tháng trước.
Ngày 17 tháng 3.1952, quân đội Pháp mở trận tấn công vào Hòa Bình để thăm dò động tĩnh và tiếp theo là cuộc hành binh Hautes Alpes đánh vào địa phận Bắc Thanh Hóa, đe dọa căn cứ địa của sư đoàn 304.
Bộ Tư Lệnh Pháp tung ra cuộc hành binh Hautes Alpes cốt để trì hoãn cuộc tiến binh sang Lào của Việt Minh và lợi dụng thời gian đó, chuyển vận quân đội bằng phi cơ sang Cánh Đồng Chum (Plaine des Jarres) thành lập một trung tâm kháng chiến, che chở Thành Phố Vientiane (20.3.52).
Bộ tham mưu Việt Minh nhất quyết mở cuộc xâm chiếm đất Lào.
Hơn 40.000 quân sĩ thiện chiến của Việt Minh, qua một thời gian nghỉ ngơi sau trận xứ Thái đã lao mình vào trận đánh, tiến quân bằng nhiều ngã vào đất Lào.
– Sư đoàn 316 và một phần sư đoàn 305 tràn qua đồng lũng Nậm Hou tiến về Thủ Đô Luang Prabang, nơi có cung điện của Quốc Vương Ai Lao.
– Cánh quân của hai trung đoàn chủ lực địa phương 148, 136 kéo sang uy hiếp những Đồn Mường đóng rải rác ở tuyến xứ Lào mạn Đông Bắc.
– Sư đoàn 112 tràn qua Sầm Nứa thẳng tiến uy hiếp khu vực Cánh Đồng Chum.
– Sư đoàn 304 chèo đèo vượt suối chiếm đóng Nồng Hét, tiến đánh dọc đường ‘’Hoàng Hậu Astrid’’, một đường trọng yếu và hiểm trở thẳng từ phía Bắc Trung Việt tới trung tâm xứ Lào.
Đồng thời Võ nguyên Giáp phái 4 trung đoàn tới kìm giữ quân lực của Pháp trong pháo lũy Nà Sản và chặn con đường Liên Tỉnh số 41 (Sơn La-Lai Châu).
Quân đội Việt Minh lại tăng cường hoạt động trên khắp chiến trường Đông Dương để buộc quân đội Pháp phải luôn luôn chuẩn bị đối phó.
Ở Đồng Bằng Bắc Việt, các trung đoàn chủ lực của Liên Khu 3 bất thần xâm nhập đánh phá Tỉnh Kiến An và quấy rối trong Tỉnh Nam Định.
Ở Trung Việt, Nam Việt, Cao Mên, Việt Minh phát triển chiến tranh mìn ngăn cản đường giao thông của quân đội Pháp-Việt và Pháp-Mên.
Trong khi đó, tình hình quân sự ở Lào ngày thêm nguy ngập.
Quân đội Việt Minh đã tiến sát gần tới Thủ Đô Luang Prabang.
Các đồn điền ở phía Bắc Thủ Đô như Mường Ngôi, Mường Khoa lần lượt rơi vào tay quân đội Việt Minh sau những trận công hãm và tấn công đẫm máu.
Trong khu rừng rậm hoang vu của đất Lào đã xẩy ra những cuộc săn đuổi luẩn quẩn, ráo riết và kịch liệt giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Minh.
Khó khăn chính của quân đội Pháp ở Ai Lao là sự thiếu đường giao thông chuyển vận. Trong mọi cuộc hành binh khác, quân đội Pháp dễ dàng thắng điểm quân đội Việt Minh phần lớn nhờ việc sử dụng được phương tiện giao thông nhanh chóng. Trái lại trung tâm kháng chiến ở Lào không thể nào liên lạc với các căn cứ quân sự Pháp ở Việt Nam bằng đường bộ. Bộ Tư Lệnh Pháp bắt buộc phải thành lập một cầu hàng không giữa Hà Nội và Cánh Đồng Chum để cứu vãn tình thế.
Nhiều tiểu đoàn Lê Dương và Bắc Phi Châu do đường hàng không đã tới Thủ Đô Luang Prabang đã hợp sức với quân đội Lào chống giữ Kinh Thành.
Một hàng rào giây thép gai và một hệ thống phòng ngự được thành lập cấp tốc bao tròn lấy Thành Phố Luang Prabang, sẵn sàng chờ đợi quân đội Việt Minh.
Ở Cánh Đồng Chum, một cảnh tượng Nà Sản thứ hai đã xuất hiện. Hàng chục tiểu đoàn Pháp-Việt cùng với trên một vạn binh sĩ Lào ra sức xây dựng pháo lũy, quyết sống chết gìn giữ trung tâm Ai Lao.
Quân đội Việt Minh vẫn tiến đều đều, theo sau có hàng vạn dân công chuyển vận lương thực, đạn dược.
Nhưng trận Ai Lao đang làm rầm rộ dư luận thế giới và khiến những người quan tâm đến thời cục phải hồi hộp lo âu thì bỗng nhiên quân đội Việt Minh ngừng tiến và lặng lẽ rút lui (9.5.1953) sau khi đã tiến đến sát châu thành Luang Prabang.
Từ Cánh Đồng Chum và Luang Prabang, quân đội Pháp lập tức phản công chiếm lại Xiêng Khuang, những đường Mường Ngòi, Mường Khoa, vùng Tho Thom, Ban Ban và truy kích quân đội Việt Minh, đuổi họ đến vùng đồi núi quê hương của dân tộc Mèo (PakSungSop).
Cuộc hành binh ma chơi của Việt Minh đã hiện, biến một cách lạ lùng, nhưng đứng riêng về mặt quân sự, người ta đã nhận thấy các lãnh tụ Việt Minh tỏ ra rất tiến bộ trong kỹ thuật chỉ huy chiến trường.
Bộ tổng tư lệnh Việt Minh đã đủ can đảm tổ chức một cuộc hành binh ‘’Viễn chinh’’ xa căn cứ địa hàng trăm cây số. Từ kỹ thuật chỉ huy một vài trung đoàn trên một mặt trận nhỏ họ đã tiến đến đủ sức chỉ huy, phối hợp, điều động hàng 4, 5 sư đoàn gồm 4, 5 vạn binh sĩ đủ các binh chủng: Bộ binh, pháo binh, công binh và thêm hàng vạn dân công để chuyển vận lương thực.
Chủ lực quân của Việt Minh đã rút khỏi đất Lào nhưng một vài đại đội đã lẩn lút ở lại để gây mầm du kích, tăng cường tổ chức và huấn luyện tác chiến cho những đội quân Neo Lao Issare mới thành lập.
Về mặt tuyên truyền, Việt Minh đã đạt được phần nào kết quả trong việc hư trương thanh thế cho ‘’chính phủ lưu vong’’ Phathet Lào của Souphanuvong.
Cuộc hành binh đánh Lào của Việt Minh không những chỉ riêng Pháp với các quốc gia liên kết phải lo ngại mà cả chính phủ Thái Lan cũng không yên tâm, đã cấp tốc chuyển quân lên gìn giữ biên thùy và một mặt sửa soạn nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp hộ.
Từ Thu-Đông năm 1950, bộ tư lệnh Việt Minh tương đối đã giữ được phần chủ động về phương diện chiến lược trên chiến trường toàn quốc. Nào đánh Vĩnh Yên, Đông Triều, Ninh Bình, Nghĩa Lộ và đánh Ai Lao.
Tất cả những cuộc tấn công của quân đội Pháp đều chỉ nằm trong hệ thống hành binh phòng ngự.
Đầu tháng 5.1953, Đại Tướng Salan, Tổng Chỉ Huy Quân Đội Pháp ở Đông Dương, người đã có công nhất và ở lâu nhất trên chiến trường Đông Dương, hết nhiệm kỳ được đổi về Pháp.
Chính phủ Pháp cử Đại Tướng Navarre sang thay thế.
Người ta còn nhớ tới những lời tuyên bố thành thực của cố Thống Chế De Lattre de Tassigny khi mới đặt chân đến Thủ Đô Sài Gòn hồi tháng Chạp năm 1950:
‘’…Tôi sẽ tôn trọng nền Độc Lập mà nước Pháp đã đem lại cho các Quốc Gia Liên Kết.
Tôi tin cậy vào sự phát triển và tiến bộ của quân đội các nước Liên Kết nhất là quân đội măng trẻ của Việt Nam.
Tôi sẽ nỗ lực cố gắng tái tạo Hòa Bình trên lãnh thổ của các Quốc Gia Liên Kết, cố tâm xây đắp một nền an ninh lâu bền trong nội bộ và gây một liên hệ mật thiết với các nước láng giềng…’’
Nhưng sự nghiệp chưa hoàn bị thì Thống Chế đã từ trần. Thống Chế mất giữa lúc trận đánh ở Hòa Bình đang lâm vào một giai đoạn dữ dội nhất, dưới quyền điều khiển của Đại Tướng R. Salan.
Nền Độc Lập của Việt Nam dù đã được bao cường quốc long trọng thừa nhận, các hiệp ước, thỏa ước, dù đã ký kết xong xuôi, bao cuộc hội nghị quan trọng đã khai mạc mà vấn đề Việt Nam vẫn bị lơ lửng chưa được giải quyết dứt khoát.
Vì đâu? Vì tình trạng nội bộ Pháp vẫn là vai trò chính trên chiến trường Việt Nam. Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chưa thể một mình đủ sức cáng đáng nhiệm vụ chống giữ cộng sản.
Quân đội Pháp bó chân ở Đông Dương, chính phủ Pháp bị lúng túng trong kế hoạch tăng cường quân đội phòng thủ chính quốc, lại thêm phải gửi quân đội gia nhập Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (1950) đã giao kết thành lập một tổ chức quân đội hỗn hợp gồm các quốc gia: Hoa Kỳ, Anh, Gia Nã Đại, Ái-nhĩ-lan, Pháp, Bỉ, Lục-xâm-bảo, Ý, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha v.v…
Người ta lại còn dự định thành lập Khối Cộng Đồng Phòng Thủ Âu Châu để có thể tự vệ một cách đắc lực hơn nữa chống họa xâm lăng cộng sản.
Tình hình quốc tế từ khi xẩy ra chiến tranh Cao Ly lại hết sức căng thẳng. Hết chiến tranh lạnh đến chiến tranh nóng, từ chiến tranh trong bóng tối đến chiến tranh tâm lý, rồi người ta tố cáo nhau sử dụng chiến tranh vi trùng, rồi người ta đe dọa nhau bằng chiến tranh nguyên tử, khinh khí…
Viễn tượng ghê gớm của ngần ấy thứ chiến tranh bắt buộc mọi quốc gia đều phải lo chuẩn bị đề phòng giữ mình và riêng nước Pháp cũng mong giải quyết chóng váng chuyện Việt Nam để có thể rảnh tay đối phó với thời cuộc biến chuyển bất thần.
Đầu tháng 4 năm 1952, Hội Đồng Nội Các Pháp quyết định ủy nhiệm ông Letourneau, Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Liên Kết sang Đông Dương lãnh đạo Cao Ủy Phủ tạm thay thế nhiệm vụ của cố Thống Chế De Lattre.
Ông Letourneau tuyên bố sẽ thực hiện những hứa hẹn của nước Pháp trên giải đất Việt Nam và sẽ chú ý hợp tác với tất cả những ai thành thực cộng sự trong trận ‘’chiến đấu chung’’ chống ‘’kẻ thù chung’’.
Một tháng sau Nội Các Trần Văn Hữu nhường chỗ cho Nội Các Nguyễn Văn Tâm.
Nhưng trong khi đó, ở chính nước Pháp, mỗi đảng phái vẫn khư khư giữ lập trường riêng của mình về cách thức giải quyết vấn đề Việt Nam. Không may cho số phận Việt Nam, những lập trường đó lại tương phản nhau kịch liệt.
– Đảng cộng sản nhất định đòi:
Hồi hương ngay quân đội viễn chinh.
Trả Việt Nam cho cụ Hồ chí Minh.
– Đảng Xã Hội lưỡng lự nước đôi:
Không chiếm đóng, không rời bỏ.
Mở cuộc thương thuyết giữa Quốc Trưởng Bảo Đại với cụ Hồ chí Minh.
Đàm phán với các cường quốc và cả với Trung Cộng để giải quyết vấn đề Việt Nam.
– Đảng Cấp Tiến bi quan:
Khó lòng mà thương thuyết được với Việt Minh.
Khó lòng mà rời bỏ Đông Dương.
– Đảng Liên Hiệp Quốc Dân Pháp:
Thương thuyết với Việt Nam là đầu hàng.
Muốn tránh khỏi một ‘’Munich’’ ở Á Đông chỉ có một giải pháp: Liên minh thành lập một mặt trận ở Đông Nam Á.
– Đảng Cộng Hòa Bình Dân:
Chính phủ Pháp phải cố gắng làm mở rộng phạm vi cuộc thương thuyết ở hòa hội Bàn Môn Điếm (Cao Ly) để có thể có một thanh toán chung ở Thái Bình Dương.
Nếu không, phải tính tới một Hiệp Ước phòng thủ Thái Bình Dương, rút quân đội về, chú trọng Âu Châu hơn là Á Châu…
Những lập trường ‘’Mặt Trăng-Mặt Trời’’ của các đảng phái Pháp đã ảnh hưởng nặng nề tới những quyết định của chính phủ Pháp.
Do đó, cuộc bang giao Việt-Pháp đã tiến hành quá chậm chạp mặc dầu có nhiều động cơ thúc đẩy chính phủ Pháp phải thực hiện mau chóng nền Độc Lập của Việt Nam:
– Việc thế giới cộng sản công nhận chính phủ Việt Minh.
– Chiến cuộc Cao Ly và viễn tượng một trận chiến tranh thế giới lần thứ ba.
– Quân đội Võ nguyên Giáp giữ vai chủ động trên chiến trường ở Đông Dương.
– Công sản thành lập một chính phủ Thái Độc Lập ở Tỉnh Vân Nam, một lo ngại mới cho số phận những người Thái ở Việt Nam, Ai Lao, Thái Lan, Diến Điện.
– Quốc Vương Sihanouk phản đối sự chậm chạp trong việc trao trả mọi quyền hành cho Cao Mên v.v…
Chiến tranh ở Đông Dương đã gây thang tóc cho bao gia đình Pháp rất nhiều.
Hàng vạn binh sĩ và hàng ngàn sĩ quan Pháp đã bỏ mình nơi chiến địa, trong đó có những Tướng Tá cao cấp như:
– Các Tướng R. Marchand, B. Chanson, Harteman.
– Các Đại Tá: Dessert, Dèbes, Guffles, Destremau, De Sairigné, De La Baume, Edon, Erulin, Blanckaert v.v…
Từng ấy xương máu hy sinh chưa hàn gắn đủ lỗ hổng chính trị ở Đông Dương thì tháng 5.1953, Thủ Tướng Mayer lại tung ra một quyết định như sét đánh làm lung lay thương tổn tình giao hảo Việt-Pháp: Quyết định phá giá đồng bạc Đông Dương.
Sự thực, đồng bạc Đông Dương với giá 17 Phật Lăng (theo giá Hối Đoái Cục trước ngày 9.5.1953) đã gây ra nhiều vụ buôn lậu khổng lồ, tổ chức rất khoa học, thu lợi được hàng trăm triệu:
– Trước hết người ta mua Mỹ kim ở Pháp (Giá chợ đen 400 Phật Lăng 1 Mỹ kim) rồi tìm cách sang Đông Dương bán lại (Giá chợ đen 1 Mỹ kim là 50 đồng Đông Dương tức là 850 Phật Lăng). Như thế mỗi Mỹ kim lại được 350 Phật Lăng.
Nếu không bán Mỹ kim ở Đông Dương, người ta đem sang bán ở Hồng Kông với giá một Mỹ kim ăn 12 đô la Hồng Kông (12 đô la Hồng Kông đổi được 52 đồng bạc Đông Dương).
– Một cách khác con buôn dùng Phật Lăng mua tiền Đông Dương với giá rẻ ở thị trường ngoại quốc (8,50 Phật Lăng là 1 đồng Đông Dương) rồi đem tiền đó về Đông Dương tìm cách chuyển ngân theo giá Hối Đoái Cục, sang Pháp. Như vậy, 8,5 Phật Lăng từ Pháp ra đi trong vòng một tháng lúc về đã biến thành 17 Phật Lăng.
Cách tổ chức cho đồng tiền ‘’du lịch’’ hay nói đúng hơn ‘’phiêu lưu mạo hiểm’’ vòng quanh như thế đã giúp phần nào cho cộng sản (Trung Cộng và Việt Nam) những chỉ tệ cần thiết để mua ngoại quốc, đã làm giầu riêng cho một số con buôn, đồng thời làm lũng đoạn nền tài chính ốm yếu dở của Pháp.
Để chấm dứt tình trạng chênh lệch nguy hại đó, Thủ Tướng R. Mayer đã quyết định phá giá đồng bạc không cần hỏi qua ý kiến những chính phủ của các Quốc Gia Liên Kết, không đếm xỉa đến hàng chục triệu con người mà đời sống bị lệ thuộc chặt chẽ vào giá trị lỏng lẻo của đồng bạc ở xứ họ.
Quyết định một chiều của vụ phá giá đồng bạc thực ra không có lợi cho Pháp.
– Hại trước tiên là dân chúng ở Đông Dương đâm ra nghi ngờ lòng thành thực của chính phủ Pháp. Từ hành động kinh tế đến hành động chính trị.
Chỉ cần có một khả năng nhận xét trung bình, người dân cũng cảm thấy rõ mức độ lệ thuộc về tài chính của các Quốc Gia Liên Kết đối với nước Pháp.
Một chính khác Pháp đã sáng suốt nhận định rằng: ‘’Yếu tố chính trị thứ nhất để gây lại Hòa Bình là phải thắng được sự nghi ngờ của người Việt Nam đối với Pháp…’’
Quyết nghị của Thủ Tướng Mayer đã trái ngược hẳn với tinh thần câu nói đó và làm phí phạm bao nỗ lực của các chính khách Pháp-Việt đang cố gắng tạo một tâm lý tín nhiệm trong dân chúng Việt Nam.
– Hại thứ nhì là đối phương dùng quyết định phá giá đồng bạc làm lợi khí tuyên truyền tăng mức độ cuồng tín cho quân đội họ và dễ dàng chọc thêm những lỗ hổng mới trong hàng ngũ quốc gia của các chính phủ Liên Kết.
Người ta đã giải thích rằng những vụ buôn lậu đồng bạc chỉ riêng lợi cho Việt Minh, giúp họ thành công trong việc võ trang các sư đoàn mới thành lập.
Người ta đã quên không tính đến hàng chục triệu dân chúng đang sống điêu đứng trong vùng Việt Minh, đang phải nai lưng đóng góp sức lao động để tăng gia sản xuất. Người dân đã phải nhịn ăn, nhịn mặc, vùi đầu sản xuất ra gạo, ra đường, ra thuốc phiện, góp mồ hôi, máu và nước mắt để đổi lấy quân nhu vũ khí trang bị cho quân đội Việt Minh.
Sức lao động của con người mới là chỉ tệ chính và chắc chắn nhất cho Việt Minh.
Người ta nêu những bằng chứng tỏ ra Việt Minh đã đặt nhiều phái đoàn ở Vọng Các (Thái Lan), ở Hồng Kông, ở Áo Môn để thu Mỹ kim, mua khí giới. Điều đó đúng, nhưng chưa phải đấy là những hoạt động quyết định được vấn đề trang bị của quân đội Võ nguyên Giáp.
Sự thực đã chứng tỏ rõ ràng như sau:
Từ 1947 đến cuối năm 1949, ngoại thương cục mới chỉ do một cán bộ trung cấp không tên tuổi phụ trách và phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp. Trong giai đoạn chiến lược ấy (giai đoạn phòng ngự) bộ đội Việt Minh mới chỉ thạo bắn súng trường, thạo đánh mìn và ‘’vũ khí trắng’’ (mã tấu, mác búp da v.v…)
Sau trận Tô Vũ năm 1948, rút kinh nghiệm về khả năng sử dụng trọng pháp của bộ đội, Việt Minh bắt đầu mở nhiều cuộc luyện quân (phong trào luyện quân lập công 1948-1949) để tiến tới sử dụng được vũ khí tối tân.
Cuối năm 1949, khi Mao Trạch Đông đã thành công trên lục địa Trung Hoa, bộ tư lệnh Việt Minh được cải tổ và thêm ngay một tổng cục quan trọng, mới mẻ: Tổng cục hậu cần dưới quyền điều khiển của Trần đăng Ninh, một lãnh tụ cộng sản.
Nhiệm vụ khẩn yếu của tổng hậu cần là tổ chức ngay một cục vận tải giao phó cho Nguyễn văn Thiện, cán bộ khu ủy cộng sản phụ trách.
Cục vận tải chuyên việc tiếp nhận và chuyển vận những quân nhu vũ khí do Mao Trạch Đông viện trợ.
Tính chất quan trọng của ngoại thương cục mất dần, chỉ còn giữ một nhiệm vụ phụ trong công tác trang bị toàn quân.
Bộ đội Việt Minh khi đến tuổi trưởng thành đã may mắn gặp dịp đại thắng của quân đội Trung Cộng bên kia biên giới, và cũng nhờ đó, được vũ trang đầy đủ.
Chỉ tệ Mỹ kim do những vụ buôn lậu đồng bạc Đông Dương cung cấp, chỉ giúp được một phần nhỏ trong vấn đề trang bị quân đội của Việt Minh.
Tóm lại, quyết định phá giá đồng bạc của Thủ Tướng R. Mayer là một việc làm hơi nông cạn, không khôn khéo, chỉ nhìn theo góc cạnh thuần túy về tài chánh (riêng cho nước Pháp) mà quên lãng mục tiêu chung: Xây dựng tòa nhà Liên Hiệp Pháp.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa