There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 65
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
ăm tháng đã làm đổi thay nhiều thứ, làm đổi thay cả lòng người. Nhưng nội trú Hòa Hưng, dường như, không có gì thay đổi cả. Người ngoài xin vào, người trong xin ra. Đó là chút xáo trộn nhỏ của những học sinh nội trú. Chưa có Sơ nào rời khỏi đây. Mẹ Bề Trên vẫn còn làm hiệu trưởng. Đám bạn cũ của tôi đã về với gia đình cả rồi. Tôi đứng ngắm khung cửa nơi tôi thả tầm mắt xuống đường, nghĩ chuyện dĩ vãng, tương lai. Một làn khói nhẹ cơ hồ khói tiếc thương lùa vào mắt tôi. Tôi chớp mắt. Và nước mắt tôi ứa ra.
Sơ Joséphine vỗ nhẹ vai tôi:
- Em vẫn khổ à?
Tôi lắc đầu. Vẫn như ngày xưa, Sơ Joséphine thấm nước mắt cho tôi. Sơ không cần biết và tôi thì quên rằng mình đã có chồng con, đã trưởng thành trong muôn vàn nỗi cay đắng, trầy trụa của cuộc đời. Tay đời cứng hơn sắt. Tôi tưởng tay tôi mềm bao dung nhưng tay Sơ Joséphine mới chính là cái nôi êm ái của những người đau khổ, của những người bị hắt hủi, xua đuổi bên ngoài. Sơ Joséphine ơi! Tại sao Sơ không xuất hiện giữa đời? Sơ mà sống đạo giữa đời, Sơ sẽ an ủi hàng ngàn vạn tâm hồn bơ vơ khốn nạn. Sơ ở trong bức tường nhà tu, ngoài em ra, ngoài những người biết Sơ, biết bao nhiêu người không được nghe tiếng vĩ cầm của Sơ, không được nghe lời mật ong của Sơ kể lể cực hình mà Chúa phải chịu thay cho nhân loại. Những con điếm đứng đón khách làng chơi dọc hè phố đường Tự Do với cái bụng đói. Chúng nó không gặp các Sơ tới thăm chúng, cho chúng nó giường ngủ, cho chúng nó việc làm, cho chúng nó hạnh phúc chồng con. Mà chúng nó chỉ gặp những con mẹ tú bà nham nhở dàn xếp chuyện chia tiền. Hoặc chẳng gặp ai để ngủ trắng đêm bụng đói trong các ngõ ngách dơ bẩn.
- Em không còn khổ nữa.
- Sao em lại khóc?
- Em khóc vì sung sướng.
- Thì em khóc nữa đi...
Tôi gục đầu vào lòng Sơ Joséphine. Sơ vuốt ve mái tóc ngắn của tôi. Sơ nựng nịu:
- Em chả lớn tí nào.
Tôi khóc thành tiếng. Sơ Joséphine dọa yêu:
- Nín ngay, khóc lớn làm ầm, Mẹ Bề Trên phạt đó.
Tôi ngồi ngay ngắn, thấm khô nước mắt;
- Mẹ có ghét em không, hả Sơ.
Sơ Joséphine trợn mắt:
- Mẹ không ghét ai cả.
- Em đã quá dơ bẩn.
- Bậy nào.
- Em gây nhiều oan khổ cho mọi người.
- Thì em đã chịu oan khổ. Sơ biết hết việc em làm. Sơ muốn đi tìm em. Mẹ Bề Trên bảo cứ để em gây khổ và chịu khổ đi. Rồi khi em chán tất cả, em sẽ trở về đây, em sẽ muốn làm đẹp, làm mọi điều đẹp. Bắt một người làm việc thiện, không khi nào họ làm nổi. Phải để họ tình nguyện làm, họ sẽ làm đến nơi đến chốn. Có ai bắt Sơ đi tu đâu. Sơ nghe thấy ý muốn của Chúa và Sơ tình nguyện làm kẻ nô lệ cho Chúa đấy chứ. Em muốn gặp Mẹ Bề Trên chưa?
- Em muốn ngồi bên Sơ thật lâu.
- Sơ đây.
Sơ Joséphine xích gần tôi. Tôi đặt tay tôi vào bàn tay Sơ Joséphine.
- Sơ ạ!
- Gì thế em?
- Em không về để ở lại đây với Sơ và Mẹ Bề Trên đâu.
- Em lại bỏ đi à?
- Vâng.
- Em đi đâu?
- Em nói Sơ đừng cười nhé!
- Ô, Sơ có cười em bao giờ đâu.
- Em muốn đi tìm những người khốn nạn ngoài đời, dẫn họ đến đây gặp Sơ.
Sơ Joséphine tươi hẳn nét mặt. Chưa lần nào tôi trông rõ sự hớn hở trên khuôn mặt Sơ như lần này. Có một sự lạ lùng mà không ai giải thích nổi là tại sao khuôn mặt Chúa, của Phật đẹp một cách đáng sợ như vậy. Kẻ giết người không gớm tay khi nhìn tượng Phật, tượng Chúa bỗng rùng mình, cúi đầu lẳng lặng đi. Rồi đi xa, nó có thể chửi Phật, chửi Chúa, nhưng giáp mặt các Ngài, dù chỉ là một hình vẽ hay đất nặn, nó không dám buông nửa lời xúc phạm. Khuôn mặt Sơ Joséphine lần này thấp thoáng khuôn mặt Chúa. Sơ siết chặt tay tôi, cảm động:
- Thế hở em, rồi Sơ có làm họ thất vọng không? Sơ sợ Sơ chưa lãnh hết ý Chúa.
Sơ Joséphine có vẻ hốt hoảng. Tôi nắm lấy một cánh tay Sơ:
- Em đã là một người khốn nạn. Và Sơ đã làm em sung sướng.
Sơ Joséphine ôm chầm lấy tôi. Lần đầu tiên tôi thấy Sơ Joséphine biết khóc. Chắc là Sơ vừa hiểu Sơ đã làm việc đắc lực cho Chúa.
- Sơ giúp em nhé?
- Bổn phận của Sơ mà.
- Em sẽ trở về sống thật sự với thế giới du đãng. Xã hội không cải thiện nổi cuộc đời của du đãng thì nội trú Hòa Hưng sẽ cải thiện họ.
Sơ Joséphine vụt đứng dậy. Sơ dắt tôi, chạy nhanh vào căn phòng Mẹ Bề Trên. Sơ trình bày những ý nghĩ của tôi với Mẹ Bề Trên ngay, quên cả việc báo cho Mẹ biết tôi đã trở về nội trú. Mẹ Bề Trên vẫy nhẹ tay. Sơ Joséphine bước ra khỏi căn phòng của Mẹ. Cánh cửa khép kín. Chỉ còn Mẹ Bề Trên và tôi. Chiếc quạt máy chạy vù vù. Mẹ Bề Trên chưa nhìn tôi. Ngay cả lúc Sơ Joséphine trình chuyện với Mẹ, Mẹ cũng vẫn cắm cúi phê học bạ. Và không hề nói nửa lời, chỉ lấy tay làm dấu hiệu. Bây giờ, Mẹ dịu dàng bảo tôi:
- Con tắt giùm Mẹ cái quạt đi.
Tôi ngoan ngoãn tắt quạt. Mẹ Bề Trên đặt bút xuống bàn, xoa tay:
- Gớm, học trò lục cá nguyệt này hư quá.
Mẹ ngẩng lên ngó tôi:
- Châu có khát nước không, hở con?
- Dạ, không ạ!
- Năm nay con thi nốt phần hai chứ?
Mẹ Bề Trên không đợi tôi trả lời dứt câu, đã nói:
- Sang năm chương trình thay đổi, có lẽ, năm nay thi dễ. Con rán đỗ ưu hạng làm rạng danh nội trú của Mẹ như năm nào ấy.
Tôi ngẩn ngơ. Ngẩn ngơ như lần đầu tiên đọc bức thư tỏ tình của người con trai xa lạ. Rồi ngẩn ngơ như lần đầu tiên gặp người yêu ở điểm hẹn, chẳng nói được gì. Mẹ Bề Trên là người yêu của tôi, giành phần nói. Tôi chỉ biết nghe và sung sướng.
- Sơ Joséphine còn trẻ lắm, con nhỉ?
- Dạ.
- Chúa sẽ đoái thương Sơ Joséphine nhiều hơn.
“Chu...u...úa”! Ôi, tiếng Chúa thiên thần từ miệng Mẹ Bề Trên nở ra, hơn hai năm nay tôi mới lại được nghe.
- Này con...
- Dạ.
- Lâu nay con có đọc kinh không?
- Dạ không.
- Không đọc kinh mà làm những việc trái ý Chúa, Chúa vẫn thương xót. Đọc kinh mà vẫn làm những việc trái ý Chúa, Chúa buồn lắm. Vì những kẻ miệng nói vâng ý Chúa, lòng dạ trái ý Chúa là những kẻ khiến mọi người xa Chúa. Mọi người xa Chúa thì ghét bỏ nhau, oán hờn nhau. Chúa dạy mọi người đều là anh em. Biết thương yêu nhau mới là con ngoan của Chúa. Còn oán ghét nhau thì còn xa Chúa. Xa Chúa sẽ khổ sở mãi mãi. Mẹ mừng con đã về gần Chúa.
- Thưa Mẹ...
- Này con, con có biết cuộc hành trình yêu thương của Chúa không?
- Dạ không.
- Bây giờ ta gọi là cuộc hành trình yêu thưong nhưng ngót hai ngàn năm về trước, cuộc hành trình đó là cuộc hành trình đau thương con ạ! Chúa tự trải lòng mình trên chông gai. Tấm lòng ấy rướm máu, nhỏ giọt, thấm xuống đất khô cằn, cát sa mạc. Và chông gai mất đi, hoa bác ái đã thắm nở ở những nơi có máu Chúa.
Mẹ Bề Trên ngước nhìn tượng Chúa bị đóng đinh vào thánh giá trên tường, trước mặt Mẹ. Đôi mắt Mẹ không chớp. Nhưng đôi má, đôi môi Mẹ run run:
- Chúa chưa hề kêu khổ, cho tới khi bị hành hình, Chúa cũng không kêu khổ.
Mẹ Bề Trên nhắm mắt. Mẹ nâng cây thánh giá có hình Chúa đóng đinh đeo trước ngực trên tay. Mẹ mân mê và lẩm nhẩm cầu nguyện. Rồi Mẹ mở mắt, nhìn tôi. Mẹ mỉm cười tươi như hoa, tươi như hoa bác ái nở trên đất khô cằn, cát sa mạc, nơi đã được vinh hạnh thấm máu Chúa.
- Chúa đã trải lòng Chúa làm một cây cầu dài vô tận. Cây-cầu-lòng-Chúa bắc qua bốn biển, năm châu. Ai đi trên cây cầu đó đều là con Chúa, là anh em. Và...
- Này con...
- Dạ.
- Trên trái đất, chỗ nào có người sống, đều có con của Chúa. Chỗ nào càng khổ sở, khốn đốn, đói khát yêu thương, Chúa càng năng tới. Nhưng Chúa đâu có ồn ào...
Mẹ Bề Trên ngừng lại, thở dài:
- Sơ Joséphine vội vàng quá. Vội vàng thì dễ hỏng việc, dễ làm người khác thất vọng. Cứu rỗi những người đau khổ là công việc của năm này sang năm khác, là công việc của âm thầm con ạ!
Mẹ Bề Trên chắp hai tay, đặt trước ngực. Mẹ gật gù ra dáng hài lòng:
- Con ạ, ý nghĩ làm đẹp cuộc đời của con tốt lắm. Nhưng con chưa thể thực hiện ý nghĩ của con bằng tấm lòng của con, của Sơ Joséphine hay của mẹ. Nội trú của chúng ta nhỏ bé quá. Mà người đau khổ trong cuộc đời có cả hàng ngàn, hàng vạn.
Mẹ Bề Trên thong thả kể cho tôi nghe những tổ chức như tổ chức AFIC bên Bỉ và Trung Tâm Hướng Thiện ở miền Bretagne bên Pháp. Nhiều Sơ đã bỏ mũ áo nhà tu, tô son đánh phấn, chiều chiều lai vãng ở dọc những con phố có nhiều gái giang hồ đón khách, dùng ngôn ngữ giang hồ để làm quen gái giang hồ rồi mời họ về trung tâm của mình. Nhiều linh mục đã đóng vai khách làng chơi đưa gái giang hồ về trung tâm hướng thiện. Rồi ở trung tâm, các linh mục, các sơ cho những người đau khổ cơm ăn, áo mặc, việc làm, tẩy sạch cái mặc cảm đĩ điếm của họ. Nhiều người đã kết hôn với bác sĩ, kỹ sư và trở thành người vợ, người mẹ gương mẫu. Con người sinh ra vốn tốt lành. Hoàn cảnh đã xô đẩy con người vào đường tội lỗi. Cái hoàn cảnh chính là sự đói rách, thất nghiệp. Hết đói rách, thất nghiệp là hết ma cô, tú bà, hết tội lỗi. Những người đã dầm mình trong bùn nhơ luôn luôn nghĩ tới vết nhơ dính đầy mình. Hướng thiện không phải chỉ cho cơm ăn việc làm mà còn phải làm cho họ dám ngẩng mặt lên, quên hết dĩ vãng tủi nhục. Làm công việc cho những người “lạc nẻo” cơm ăn, áo mặc, việc làm, dễ quá. Nhà nước đã có nhiều trại giáo hóa hướng nghiệp.
Tôi ngắt lời Mẹ Bề Trên:
- Nhưng ở trong những trại giáo hóa, hướng nghiệp không có tình thương. Chỉ có trừng phạt. Trừng phạt đẻ ra căm thù.
Mẹ Bề Trên cười:
- Mẹ đang định nói thế. Con ạ, tình thương, đôi khi, vẫn không làm kẻ tội lỗi quên dĩ vãng, tội lỗi của họ. Phải kiên nhẫn và...
Mẹ Bề Trên gõ nhẹ ngón tay vào trán suy nghĩ:
- Và, có nghệ thuật.
Mẹ lấy làm thích thú hai tiếng nghệ thuật, hai tiếng hiếm hoi đối với một nhà tu hành khắc khổ như Mẹ.
- Ở nước ngoài, các vị linh mục đã thành công trong nhiệm vụ dẫn dắt những thanh thiếu niên du đãng trở về con đường sáng sủa. Con biết không, mới đầu, các ngài đều khốn khổ. Họ hành tội các ngài đủ điều. Các ngài nghe họ chửi bới, các ngài bị họ đánh đập để trốn khỏi trại. Ấy vậy mà, cuối cùng, người hung hãn, ít hy vọng làm lại đời nhất lại là người ngoan ngoãn nhất. Và khi rời trại, họ quên hẳn dĩ vãng du đãng của họ. Điều cốt yếu trong công cuộc cải tạo du đãng là có lý tưởng trao tặng du đãng. Phải làm cho họ tin tưởng mãnh liệt rằng, họ thừa tài đạt tới lý tưởng đó. Họ sẽ trở thành anh hùng, vĩ nhân, nghệ sĩ, ký giả, bác sĩ, kỹ sư, luật sư như mọi tinh hoa của xã hội, dù họ đã là du đãng.
Mẹ Bề Trên lại ngước nhìn tượng Chúa:
- Chỉ có Chúa mới có những người con làm nổi việc này. Con ạ, những du đãng do các linh mục hướng dẫn, sau này vô số người thành nhân. Họ đã làm vẻ vang đời họ, gia đình họ, đất nước họ. Những người khác đều là những công dân tốt, hữu ích cho xã hội.
Tôi ngồi im nghe Mẹ Bề Trên nói. Không ai ngờ nổi bên trong lớp áo tu hành, Mẹ Bề Trên lại biết nhiều chuyện đời đau thương thế. Người ta tưởng, Mẹ chỉ biết kể chuyện Chúa như người ta tưởng tự nhiên Chúa trở thành Chúa.
- Này con...
- Dạ.
- Con đã tạo ra được một lý tưởng thích đáng để trao tặng những người con muốn cứu rỗi chưa?
- Dạ, chưa.
- Con mới chỉ có tình thương và tiền bạc phải không?
- Vâng.
- Nhưng mẹ biết, con có một đồng bạc, con sẽ phân vân trước hàng vạn người nghèo. Chúa không hài lòng nếu ta cứu rỗi anh em ta phù phiếm vậy. Yêu thương Chúa là san bằng mọi bất công, mọi đau khổ trên đời chứ không phải dụ dỗ mọi người đọc kinh đi tu. Đọc kinh chỉ giải thoát sự túng quẫn được một lát. Khi sự túng quẫn trở lại, nó sẽ nổi loạn và, lúc ấy, cơm áo có quyền uy hơn tất cả. Hãy làm cho đời sống mọi người hoàn toàn tốt đẹp rồi hãy bảo rằng đó là nhờ ơn Chúa. Một người đói, đến tìm ta, ta đừng nói Chúa sẽ làm họ hết đói. Chúa đâu muốn ta nói thế. Mà Ngài muốn ta hãy cho anh em ta cơm ăn, áo mặc rồi hãy bảo anh em ta rằng, muốn có cơm ăn áo mặc mãi mãi, hãy làm theo lời Chúa. Con ạ...
- Thưa Mẹ, con đang nghe Mẹ đây.
- Chúng ta phải dọn một lý tưởng đã, đó là lý tưởng cho đám du đãng của con. Phải có một cái gì để họ múa tay thích thú hơn họ đánh giết nhau chứ.
- Mẹ dạy con phải làm gì bây giờ?
- Theo mẹ, con hãy về đây học hành đi. Rồi chúng ta lo chung việc của con. Này nhé, ta cần có một khu đất chứa nổi hàng ngàn người. Ta cần nhiều Sơ Joséphine, nhiều người như con. Ta cần nhiều tấm lòng phụng vụ Chúa. Và ta cần nhiều tiền nữa. Con cố gắng đạt lấy một địa vị tốt trong xã hội là con sẽ hoàn thành được lý tưởng của con rồi mới hy vọng lo lý tưởng cho người khác. Bây giờ, cô Châu nói chuyện cải tạo du đãng, không ai tin cô Châu cả. Nhưng mai này, luật sư Châu nói chuyện cải tạo du đãng, xã hội sẽ cổ võ luật sư Châu, ủng hộ việc làm của luật sư Châu, nhà nước sẽ giúp luật sư Châu nhiều phương tiện.
Mẹ Bề Trên xoa tay, buồn rầu:
- Xã hội nào cũng thế cả, con ạ! Khi Chúa chưa thành Chúa, ít người theo Ngài lắm. Sau này, chính những kẻ miệt thị Chúa lại là những con chiên trung thành nhất của Đấng Chăn Chiên.
Tôi thở dài. Mẹ Bề Trên an ủi tôi đủ điều. Mẹ là một người tu hành cấp tiến. Mẹ cho tôi hay những lý do gì khiến các Sơ không thể sống đạo giữa đời như các Sơ bên Âu Châu. Tôi mới biết “lòng tôi rộng nhưng lượng trời quá hẹp”. Tôi cô đơn rồi. Làm đẹp cho xã hội không dễ dàng như tôi tưởng. Chúa dạy, nhà ngươi chỉ cần có niềm tin bằng hạt bụi, ta bảo dảm, nhà ngươi sẽ xô được trái núi sang chỗ khác. Niềm tin của tôi, lúc này đây, chắc chắn to bằng trái núi. Chúa ơi, Chúa có hiểu thế không?
- Con nghe lời mẹ, Châu nhé!
- Vâng.
- Chú nhỏ cũng đem về đây, con nhé!
- Vâng.
- Con muốn sau này, con của con làm gì?
- Thưa Mẹ, con không biết.
Mẹ Bề Trên rời ghế của mẹ. Mẹ bước tới chỗ tôi, vuốt ve mái tóc ngắn của tôi:
- Chúa thương xót con.
(Gia Định, 7-1-1967)
HẾT
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu