Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Chương 26 - Trên Thảo Nguyên
T
hế là Misen Xtrôgôp và Nađia lại một lần nữa được tự do, tự do như trước đây trên con đường từ Pecmơ đến bờ sông Irtys. Nhưng điều kiện cuộc hành trình đã thay đổi biết bao! Lúc đó: một chiếc Tarantax đầy đủ tiện nghi; ngựa kéo thì mỗi cung đường lại được thay đổi; những trạm giao thông được tổ chức chu đáo, đảm bảo cho họ chuyến đi mau lẹ. Còn lúc này: đi bộ vì không thể xoay xở được một phương tiện vận chuyển nào: túi thì rỗng không, ngay cả đến những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày cũng không biết làm thế nào để có được. Mà đường tới đích hãy còn tới bốn trăm dặm nữa! Thêm vào đó, Mỉsen Xtrôgôp chỉ còn nhìn được bằng đôi mắt... của Nađia!
Còn người bạn gặp tình cờ thì lại vừa bị chúng bắt đi trong trường hợp hết sức thê thảm.
Misen Xtrôgôp lần đứng trên bờ sông. Nađia chờ một câu nói của anh.
Đã mười giờ tối. Mặt trời lặn đã được ba tiếng rưỡi đồng hồ. Không nhìn thấy một ngôi nhà, một căn lều nào. Những tên Tactar đã mất hút. Chỉ còn lại hai anh em.
- Chúng sẽ làm gì anh bạn của chúng ta? - Cô gái xót xa kêu lên. - Tội nghiệp anh Nicôla! Chúng ta gặp được anh hóa ra lại là tai hại cho anh!
Misen Xtrôgôp im lặng.
- Misen! - Nađia tiếp. - Anh có biết là Nicôla bênh vực anh thế nào khi bọn Tactar lấy anh ra làm trò tiêu khiển? Anh ấy lại còn mạo hiểm cả tính mệnh vì em nữa!
Misen Xtrôgôp vẫn lặng im. Hai bàn tay ôm lấy đầu, anh đang nghĩ gì? Anh không nói một lời.
Phải chăng anh không nghe thấy Nađia nói gì với anh? Không, anh có nghe vì khi cô gái hỏi: “Em sẽ đưa anh đi đâu bây giờ, Misen?” thì anh đã đáp không chút lưỡng lự:
- Đi tới Irkuxk!
- Bằng đường cái lớn ư?
- Phải, bằng đường cái lớn, Nađia ạ!
Misen Xtrôgôp vẫn là con người luôn nhớ lời nguyền; dù thế nào cũng vẫn phải đi tới đích. Theo đường cái lớn là con đường ngắn nhất. Nếu đội quân tiền vệ của Fêôfar xuất hiện, thì lúc đó mới tạt ngang vào thảo nguyên.
Nađia dắt tay Misen, và họ lên đường.
Sáng hôm sau, 12 tháng Chín, đã đi được hai chục dặm, họ dừng chân chốc lát ở thị trấn Tulunôpxkôe. Nơi này đã bị thiêu cháy và hoang vắng. Suốt đêm, Nađia tìm kiếm xem xác anh bạn Nicôla có bị bỏ lại trên đường không? Nhưng bới tìm trong các đống đổ nát và nhìn mặt tất cả những xác chết đều không thấy anh. Tới lúc này, hình như Nicôla còn chưa bị chúng đụng đến. Nhưng liệu có phải chúng dành anh lại cho một cuộc hành hình tàn bạo nào đó, khi tới trại Irkuxk không?
Nađia kiệt sức vì đói, cả Misen, bạn cô cũng vậy. Nên cô lấy làm sung sướng khi tìm thấy trong một căn nhà ở thị trấn, một ít thịt khô và “sukhari”, những mẩu bánh mì sấy khô có thể để lâu không hỏng. Misen Xtrôgôp và cô gái mang đi tất cả những gì có thể mang theo. Như vậy là thức ăn có thể tạm đủ cho nhiều ngày, còn nước uống thì không thiếu trong một vùng đất ngang dọc hàng ngàn nhánh nhỏ của sông Angara.
Họ tiếp tục cuộc hành trình, Misen Xtrôgôp bước mau bằng đôi chân chắc nịch. Anh chỉ đi chậm lại khi cảm thấy cô bạn không theo kịp, Nađia không muốn tụt lại sau, nên cũng cố gắng đi. May mắn là anh bạn cô không nhìn thấy cái dáng đi khật khưỡng của cô vì quá mệt mỏi. Nhưng Misen Xtrôgôp có cảm thấy điều đó.
- Em kiệt sức rồi, em bé tội nghiệp! - Đôi lúc anh bảo Nađia.
- Không sao đâu, anh! - Cô đáp.
- Khi nào em không đi được nữa, anh sẽ cõng, Nađia ạ!
- Vâng, Misen!
Ngày hôm đó phải vượt qua một con sông nhỏ, sông Ôka, nhưng sông cạn, lội qua không khó. Trời râm mát, nhiệt độ dễ chịu. Tuy vậy, vốn sợ trời có thể trở mưa và nếu thế thì lại càng gian khổ. Cũng đã có một vài trận mưa rào nhưng qua nhanh.
Họ cứ đi như thế, tay nắm tay, nói ít và Nađia luôn chú ý nhìn trước nhìn sau. Một ngày họ dừng lại nghỉ hai lần. Ban đêm, ngủ khoảng sáu tiếng. Trong một vài căn lều, Nađia còn thấy một ít thịt cừu rất phổ biến trong vùng đáng giá không tới hai kôpêch rưỡi một livrơ (nửa kilô).
Nhưng Misen Xtrôgôp thất vọng, vì khắp vùng không tìm thấy một con vật kéo. Ngựa, lạc đà... tất cả đều bị tàn sát hoặc bị bắt mang đi. Vậy chỉ còn cách là đi bộ qua vùng thảo nguyên vô tận này.
Trên đường đi nhan nhản dấu vết của đạo quân Tactar thứ ba đang tiến vể Irkuxk. Chỗ này một con ngựa chết, chỗ kia một chiếc xe hỏng bỏ lại. Thi hài những người dân Xibir bất hạnh cũng rải rác trên đường, thường là ở các lối vào làng. Nađia, nén kinh tởm, nhìn kỹ tất cả các xác chết đó!...
Tóm lại, hiểm nguy không phải ở phía trước mà ở đằng sau. Đội tiền vệ của đại quân Fêôfar do Ivan Ôgarep chỉ huy có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Thuyền bè xuất phát từ vùng hạ lưu sông Yênitxây đã có thể tới Kraxnôiarxk và dùng để chuyển quân qua sông. Như vậy, đối với bọn xâm lược thì đường tiến quân đã thông suốt. Chúng không sợ có đơn vị quân Nga nào chặn chúng lại giữa Kraxnôiarxk và hồ Balkan, Misen Xtrôgôp thắc thỏm sợ đụng đầu bọn thám báo Tactar.
Vì vậy ở mỗi chặng dừng chân, Nađia lại trèo lên một điểm cao nào đó và chăm chú nhìn về phía Tây, nhưng chưa có một xoáy lốc bụi nào báo hiệu sự xuất hiện của một đoàn kỵ binh.
Nghỉ rồi lại đi và khi Misen Xtrôgôp cảm thấy là chính mình đang lôi Nađia tội nghiệp đi, thì anh chậm bước lại. Hai người ít nói chuyện với nhau, và nếu có nói thì cũng chỉ nhắc đến Nicôla. Cô gái nhắc lại tất cả sự giúp đỡ hào hiệp của người bạn đường một thời gian ngắn ngủi ấy đối với hai anh em.
Để an ủi cô, Misen Xtrôgôp tìm cách làm cho Nađia có đôi chút hy vọng mà ngay chính trong thâm tâm anh cũng cảm thấy thất vọng, vì anh biết chắc anh bạn xấu số đó khó lòng thoát chết. Một hôm Misen Xtrôgôp hỏi cô gái:
- Vì sao chẳng bao giờ nghe em nói về mẹ anh hả Nađia?
Mẹ của anh, Nađia không muốn nhắc đến. Khuấy lại nỗi đau làm gì nhỉ? Bà già Xibir chẳng phải đã chết rồi sao? Con trai bà chẳng đã hôn thi hài bà lần cuối trên cao nguyên Tômxk ư?
- Nađia nói về mẹ anh đi, em! - Misen vẫn bảo cô. - Nói đi, em sẽ làm cho anh vui lòng!
Và Nađia lúc đó mới nói với Misen Xtrôgôp tất cả những gì mà cho đến tận lúc này cô chưa nói. Cô kể lại tất cả những gì xảy ra giữa bà Marfa và cô từ sau cuộc gặp gỡ ở Ômxk mà cả hai đều mới biết nhau lần đầu. Cô nói, có một linh tính nào đó thật khó giải thích đã đẩy cô đến với người nữ tù nhân già chưa từng quen biết. Cô đã chăm sóc bà ra sao và bà đã động viên khuyến khích cô như thế nào. Vào thời gian đó, đối với cô thì Misen Xtrôgôp chỉ mới là Nicôla Korpanôp.
- Mãi mãi anh vẫn cứ phải là Nicôla Korpanôp! - Misen Xtrôgôp đáp, vầng trán sa sầm.
Rồi sau đó, anh nói thêm:
- Anh đã vượt qua lời nguyền, Nađia ạ! Anh đã nguyền là không về thăm hỏi mẹ anh!
- Nhưng anh có tìm cách thăm hỏi bà đâu, Misen? - Nađia nói. - Chỉ do tình cờ mà anh giáp mặt bà!
- Anh đã nguyền là bất kể chuyện gì xảy ra cũng không được để lộ tung tích!
- Misen! Misen! Trông thấy chiếc roi da khủng khiếp giơ lên trên đầu bà Marfa anh có thể để yên được không? Không, không có lời nguyền nào ngăn cản được người con cứu mẹ mình!
- Anh đã làm trái với lời nguyên, Nađia! - Misen Xtrôgôp đáp. - Cầu mong Thượng đế và Đức Cha tha thứ cho anh!
- Misen ạ, - cô gái nói. - Em muốn hỏi anh một câu. Đừng trả lời em, nếu anh xét thấy không nên. Với anh thì không có gì có thể làm em không hài lòng cả.
- Nói đi, Nađia!
- Tại sao, bây giờ bức thư của Nga hoàng đã bị chúng đoạt mất rồi, mà anh vẫn còn vội vã đi tới Irkuxk như vậy?
Misen Xtrôgôp siết tay cô bạn gái chặt hơn, nhưng không trả lời.
- Có phải anh đã biết rõ nội dung thư đó trước khi rời Maxcơva? - Nađia lại hỏi.
- Không, anh chưa biết rõ nội dung.
- Misen, liệu em có thể nghĩ rằng: Chỉ vì muốn đưa em đến với cha em mà anh quyết phải đi tới Irkuxk?
- Không phải hoàn toàn như thế đâu, Nađia ạ. - Misen Xtrôgôp nghiêm trang đáp. - Anh sẽ không thành thực với em, nếu để em tin như thế. Anh chỉ tới nơi nào nghĩa vụ bắt anh phải tới! Còn việc chúng ta đi Irkuxk, Nađia, thì chẳng phải là chính em hiện đang đưa anh đi đó sao? Chính bàn tay em đang dắt anh đi. Em chẳng phải là đã đáp lại gấp trăm lần những gì anh đã làm cho em? Anh không biết là số phận cay nghiệt có còn hành hạ chúng ta nữa không, nhưng ngày mà em sẽ cảm ơn anh đã trao em vào trong vòng tay cha, thì anh sẽ phải cảm ơn em là đã dắt đưa anh tới Irkuxk.
- Tội nghiệp Misen! - Nađia rưng rưng cảm động. - Anh đừng nói thế! Đó không phải là câu trả lời em đòi hỏi. Misen! Tại sao lúc này, anh lại nóng lòng đi tới Irkuxk đến vậy?
- Bởi vì nhất thiết anh phải tới đó trước Ivan Ôgarep.
- Vẫn phải như vậy ư?
- Vẫn phải như vậy, và anh sẽ tới trước hắn!
Lúc thốt ra câu này, Misen Xtrôgôp không chỉ đơn thuần là vì mối căm hận đối với tên phản bội. Nađia hiểu anh bạn cô chưa nói hết và cũng không thể nói được tất cả với cô.
Ba hôm sau, ngày 15 tháng Chín, hai anh em tới thị trấn Kuitunxkôe cách Tubunôpxkôe bảy chục dặm. Cô gái đi vô cùng vất vả. Hai bàn chân đau đớn cơ chừng không chịu nổi. Nhưng cô gắng sức, đấu tranh với mỏi mệt. Ý nghĩ duy nhất của cô là:
“Vì anh ấy không thể trông thấy mình, thì mình sẽ phải đi cho tới khi nào gục ngã, không thể đi được nữa mới thôi!”.
Vả lại không còn phải sợ một trở ngại nào, một mối hiểm nguy nào trên suốt chặng đường này từ lúc bọn Tactar bỏ đi. Chỉ có mệt nhọc vô cùng mà thôi.
Cứ như thế trong suốt ba ngày. Rõ ràng là đạo quân xâm lược thứ ba nhanh chóng tràn về phía Đông, để lại những cảnh đổ nát, những đống tàn tro không còn bốc khói, những xác chết đã phân hủy nằm còng queo trên mặt đất.
Về phía Tây cũng không thấy gì. Đội quân tiền vệ của Fêôfar chưa thấy xuất hiện. Misen Xtrôgôp đi đến những giả thuyết thật vô lý để giải thích sự chậm trễ đó. Phải chăng quân Nga, với lực lượng đầy đủ đang trực tiếp uy hiếp Tômxk và Kraxnôiarxk? Đạo quân thứ ba, biệt lập với hai đạo quân kia phải chăng đã bị chặn lại rồi? Nếu quả như vậy thì đại công tước có điều kiện dễ dàng bảo vệ Irkuxk. Tranh thủ được thời gian trong một cuộc chống xâm lăng tức là sẽ đi tới chỗ đẩy lùi được quân giặc.
Đôi lúc Misen Xtrôgôp thả trí óc buông theo những hy vọng đó, nhưng chẳng mấy chốc anh thấy rõ đó chỉ là ảo tưởng và anh chỉ còn trông cậy vào chính bản thân. Sự an bình của đại công tước chỉ còn trông cậy vào chính anh mà thôi! Sáu chục dặm ngăn cách giữa Kuitunxkôe với Kômintetxkôe, một thị trấn nhỏ gần sông Đinka, chi nhánh của sông Angara! Misen Xtrôgôp không phải không lo ngại khi nghĩ tới sự cách trở của nhánh sông khá quan trọng này án ngữ trên đường đi của anh. Phà hoặc thuyền bè không còn là vấn đề phải bận tâm. Anh nhớ lại, vì đã có lần vượt qua trong thời kỳ đất nước còn yên ổn, là rất khó có thể lội qua được. Nhưng một khi đã vượt qua được nhánh sông này, thì không còn phải qua bất cứ một con sông lớn nhỏ nào trên con đường đi tới Irkuxk chỉ còn cách đó hai trăm ba chục dặm.
Phải mất không dưới ba ngày trời để tới Kômintetxkôe. Nađia lê lết. Dù nghị lực tinh thần cao đến đâu, sức khỏe của cô cũng dần dần suy sụp. Misen Xtrôgôp không phải là không biết điều đó.
Nếu anh không bị mù, thì rất có thể Nadia đã bảo anh:
“Đi đi, Misen! Cứ để em lại trong một túp lều nào đó! Mau chóng tới Irkuxk đi! Hãy hoàn thành sứ mệnh của anh! Hãy đến thăm cha em! Bảo cho ông biết là em ở đâu! Nói là em chờ! Cả cha em và anh sẽ tìm lại được em thôi! Đi, đi, anh! Em không sợ đâu! Em sẽ trốn bọn Tactar. Em sẽ tự bảo vệ, giữ gìn bản thân cho cha em và cho anh! Đi, đi, Misen! Em không thể còn bước đi được nữa đâu!”...
Nhiều lần Nađia buộc phải dừng lại, thế là Misen bế xốc cô lên tay và như vậy là anh không còn phải lo lắng đến sự mệt nhọc của cô bạn gái nữa nên anh đi nhanh hơn bằng đôi chân không biết mỏi của mình.
Ngày 18 tháng Chín, vào khoảng mười giờ tối, họ tới Kômintetxkôe. Từ trên cao một quả đồi, Nađia nhìn thấy một vạch nhờ nhờ phía chân trời. Đó là sông Đinka. Một vài tia chớp phản chiếu trên mặt nước, những tia chớp không kèm theo sấm, chiếu sáng cả không gian.
Nađia dắt bạn đi xuyên qua thị trấn bị tàn phá. Tro của những đám cháy đã nguội lạnh. Bọn Tactar cuối cùng qua đây ít nhất cũng đã từ năm đến sáu ngày.
Tới những căn nhà cuối của thị trấn, Nađia ngồi thụp xuống một chiếc ghế đá.
- Chúng ta dừng lại đây ư? - Misen hỏi.
- Đêm tới rồi, Misen ạ! Anh không muốn tạm nghỉ một vài tiếng ư?
- Anh muốn qua sông Đinka, nếu có thể. Anh muốn dùng con sông này để ngăn cách chúng ta với quân tiền vệ của Fêôfar. Nhưng em không còn đủ sức lết đi được nữa! Nađia tội nghiệp của anh!
- Thế thì lại đây, Misen! - Nađia nói và đứng lên nắm lấy tay bạn kéo đi.
Còn khoảng hai hay ba dặm nữa thì tới chỗ con sông Đinka cắt ngang đường Irkuxk. Với chút sức lực cuối cùng còn lại, theo yêu cầu của bạn, cô muốn thử dốc nốt ra xem sao. Thế là hai anh em đi dưới ánh sáng các tia chớp. Họ đi xuyên qua một hoang mạc vô biên ở giữa nó lẩn khuất dòng sông nhỏ. Không một bóng cây, không một gò đất nhô lên trên dải đồng bằng mênh mông này. Thảo nguyên Xibir lại tiếp tục. Không một thoảng gió luồn trong không gian; một tiếng động dù rất nhỏ cũng lan đi rất xa trong cảnh tĩnh mịch vô cùng này.
Bất chợt, cả Misen Xtrôgôp và Nađia cùng đứng dừng lại như bàn chân bị dính chặt trên mặt đường. Một tiếng chó sủa... vang trên thảo nguyên.
- Anh có nghe thấy không, Misen? - Nađia hỏi.
Rồi, tiếp theo là một tiếng kêu thảm thiết, tiếng kêu tuyệt vọng như tiếng gọi cuối cùng của một con người sắp từ giã cõi đời.
- Nicôla! Nicôla! - Cô gái kêu lên, bị thôi thúc bởi một linh cảm bi thiết.
Misen Xtrôgôp lắng nghe và khẽ lúc lắc đầu.
- Lại đây, Misen! Lại đây anh! - Nađia gọi anh, và... nếu khi nãy lết đi không nổi thì lúc này cô bất ngờ hồi sức dưới một kích thích mãnh liệt.
- Chúng ta rời đường lớn à? - Misen hỏi vì anh cảm thấy chân không giẫm lên đất khô rắn, mà trên cỏ mọc thấp.
- Vâng, cần phải vậy!... - Nađia đáp. - Chính từ phía này, bên phải, mà tiếng kêu vọng đến.
Vài phút sau, hai người chỉ còn cách sông nửa dặm.
Tiếng chó sủa vẳng tới lần thứ hai, yếu hơn, nhưng nghe gần hơn. Nađia dừng lại.
- Đúng! - Misen noi. - Tiếng sủa của con Seckô! Nó đã chạy theo chủ nó!
- Nicôla! - Cô gái gọi to.
Không có tiếng đáp lại.
Vài con chim loại ăn thịt bay lên và mất hút trên cao.
Misen Xtrôgôp lắng tai nghe. Nađia chăm chú nhìn vùng đồng bằng đẫm hơi nước sáng long lanh như một tấm gương, nhưng cô chẳng nhìn thấy gì hết.
Thế nhưng, một tiếng người lại cất lên yếu ớt, lần này nghe sao mà ai oán: “Misen!”...
Rồi một con chó máu me đầy mình, nhảy phốc đến tận chỗ Nađia. Đó là Seckô!
Nicôla chắc ở cách đây không xa! Chỉ có anh mới có thể lẩm bẩm gọi cái tên Misen đó! Anh ở đâu? Nađia không còn hơi sức để gọi nữa.
Misen Xtrôgôp bò trên đất, dùng tay sờ soạng. Bất thình lình, Seckô lại cất tiếng sủa và lao vào một con chim khổng lồ bay là là mặt đất.
Đó là một con kền kền. Khi Seckô nhảy bổ đến, nó bay lên, nhưng rồi quay trở lại lao xuống mổ vào con chó. Một nhát mỏ khủng khiếp mổ trúng đầu con vật và lần này, con Seckô lăn ra chết ngay.
Cũng lúc đó, một tiếng kêu kinh hoàng thốt ra từ miệng Nađia:
- Kia... kia! - Cô nói.
Một cái đầu người nhô lên khỏi mặt đất! Nếu không có ánh sáng bảng lảng của bầu trời sao chiếu xuống đồng cỏ, thì cô đã vấp phải rồi.
Nađia sụp quỳ xuống cạnh cái đầu đó.
Nicôla bị chôn sông đến cổ, theo tập tục hiểm ác của rợ Tactar, bị bỏ lại trong thảo nguyên cho chết dần vì đói khát, và có thể chết vì hàm răng của chó sói hoặc vì mỏ sắt của những loài chim ăn thịt. Một cuộc hành hình khủng khiếp! Nạn nhân bị hãm trong đất, bị ép chặt bốn bên không cựa quậy được, hai cánh tay như bị trói vào thân chẳng khác một xác người nằm trong áo quan! Kẻ bị hành hình vẫn sống trong cái khuôn đất đó, hoàn toàn bất lực không thể phá vỡ, chỉ còn biết cầu xin cái chết đừng đến quá muộn!
Đây chính là nơi bọn phỉ Tactar chôn người tù của chúng đã ba hôm nay!... Đã ba hôm nay Nicôla chờ được cứu, nhưng lúc này thì đã chậm mất rồi!
Những con kền kền đã ngửi thấy và đã trông thấy đầu anh trồi lên trên mặt đất và đã mấy tiếng đồng hồ con chó Seckô trung thành đã bảo vệ chủ chống lũ chim hung dữ!
Misen Xtrôgôp đào đất bằng con dao của anh để bới người bạn bị chôn sống lên.
Đôi mắt Nicôla tới lúc đó vẫn nhắm nghiền, bỗng mở to. Anh nhận ra Misen và Nađia.
- Vĩnh biệt! - Anh thì thào. - Tôi rất hài lòng lại được thấy các bạn! Hãy cầu nguyện cho tôi!...
Và đó là những lời cuối cùng của anh.
Misen Xtrôgôp vẫn tiếp tục đào bới. Đất bị nén chặt rắn như đá. Cuối cùng anh cũng lôi được người bạn bất hạnh lên khỏi hố. Anh áp tai vào ngực bạn: trái tim của Nicôla đã vĩnh viễn im tiếng!
Anh muốn chôn cất cho Nicôla thật chu đáo để thi hài bạn không phải phơi bày trên đồng cỏ. Anh khơi rộng cái hố mà Nicôla đã bị chôn đứng để có thể đặt xác anh nằm xuống. Con chó Seckô trung thành được chôn chung một hố bên chân chủ.
Giữa lúc đó có tiếng huyên náo trên đường cách đó chừng nửa dặm.
Misen lắng tai nghe.
Theo tiếng động, anh nhận định là có khoảng một phân đội kỵ binh đang tiến về phía sông Đinka.
- Nađia! Nađia! - Anh khẽ gọi.
Nađia đang quỳ cầu nguyện vội đứng lên.
- Nhìn xem! Em hãy nhìn xem! - Anh bảo cô.
- Bọn Tactar! - Cô thì thào.
Quả vậy, đội tiền vệ của Fêôfar đang ruổi nhanh trên đường đi Irkuxk.
- Chúng không ngăn được ta chôn cất cho bạn! - Misen Xtrôgôp nói và tiếp tục công việc.
Chẳng mấy chốc thi hài của Nicôla, hai tay đặt giáp nhau trên ngực được đặt nằm xuống mộ. Misen và Nađia quỳ xuống cầu nguyện lần cuối cho sinh linh tội nghiệp này, một con người hiền lành và tốt bụng đã phải trả giá bằng cả cuộc sống của mình cho sự tận tâm đối với bạn.
- Và bây giờ, - Misen Xtrôgôp vừa đắp đất đá lên mộ vừa nói, - bầy sói thảo nguyên và bầy chim ác chẳng thể nào đụng tới bạn được nữa!
Rồi anh giơ nắm đấm đe dọa về phía bọn kỵ binh Tactar vừa phóng qua.
- Lên đường thôi, Nađia! - Anh bảo.
Misen Xtrôgôp không thể đi theo con đường lúc này bọn Tactar đã làm chủ. Phải băng qua thảo nguyên đi vòng hướng về Irkuxk. Như vậy không còn phải bận tâm về việc phải qua sông Đinka nữa.
Nađia không còn đủ sức bước đi một bước nhưng cô có thể nhìn thay anh. Anh bế cô trên tay và đi về hướng Tây - Nam.
Còn phải rong ruổi trên hai trăm dặm nữa. Làm sao đi nổi? Làm thế nào để khỏi bị gục đổ sau bao nhiêu nhọc nhằn quá sức? Lấy gì ăn uống dọc đường để sống? Nghị lực phi thường nào đã giúp họ vượt qua các dốc đầu tiên của rặng núi Sayanxk? Cả Nađia và cả Misen Xtrôgôp nữa cũng đều không sao hiểu nổi!
Chỉ biết là: mười hai ngày sau, ngày 2 tháng Mười, vào hồi sáu giờ chiều, một thảm nước mênh mông trải ra dưới đôi chân của Misen Xtrôgôp.
Đó là hồ Baikan!