Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 37
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3042 / 41
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26 - Sức mạnh và mưu lược, Phòng tuyến khó đột phá
au khi Hạng Võ chiếm lại được Bành Thành, liền quyết tâm thừa thế chiến thắng như chẻ tre, tiếp tục đánh mạnh và truy kích tới cùng để tiêu diệt lực lượng của Lưu Bang. Hạng Võ sau khi nghỉ ngơi vài hôm tại Bành Thành, liền chỉ huy một cánh kỵ binh đi theo con đường bỏ chạy về phía tây của Lưu Bang để truy kích quân Hán.
Kỵ binh của Hạng Võ đi ngược dòng sông Cốc Thủy tiến về phía tây, sau khi đi ngang huyện Tiêu họ đã tới Hạ Ấp cách Bành Thành ngoài năm mươi dặm. Lúc bấy giờ mặt trời đã khuất núi, ráng chiều ửng đỏ cả bầu trời, gió đêm thổi mạnh, khí hậu dần dần chuyển lạnh. Hạng Võ chuẩn bị để cho đội ngũ của mình ở lại nghỉ một đêm tại Hạ Ấp, rồi ngày hôm sau mới tiếp tục truy kích. Nhưng, trong khi đội ngũ của Hạng Võ chưa đến gần, thì bỗng có tin của thám tử đến báo: thành Hạ Ấp đang phòng bị một cách nghiêm ngặt. Quân Hán đóng kín cửa thành không để họ vào.
- Quân Hán ư?
Hạng Võ không khỏi ngạc nhiên. Ông không ngờ trong thành Hạ Ấp vẫn còn quân Hán đang chống trả. Ông chỉ biết Lưu Bang sau khi đánh chiếm được Bành Thành, từng phái người anh của Lữ Trĩ là Lữ Trạch đến đóng giữ tại ngôi thành này, nhưng nay Lưu Bang đã bị đánh bại và đã rút lui, vậy tại sao Lữ Trạch lại không theo Lưu Bang rút về phía tây?
Sự phán đoán của Hạng Võ không khỏi quá hời hợt. Việc quân Hán cố thủ tại Hạ Ấp chính là một sự sắp đặt khôn ngoan của Lưu Bang. Mấy hôm trước, sau khi Lưu Bang bị đánh bại tại Bành Thành, ông ta đã đi theo con đường tắt chạy tới Hạ Ấp. Trước đây Lưu Bang đã cử Lữ Trạch đóng quân tại Hạ Ấp, để làm bình phong cho Bành Thành, nhưng nay Bành Thành đã bị mất, Hạ Ấp lại trở thành nơi tỵ nạn tạm thời của Lưu Bang. Điều đó thật ra là một điều đáng buồn. Lưu Bang vì thẹn, nên không nói lại chuyện bị thất bại tại Bành Thành cho người anh vợ biết mà phái người đi khắp vùng chung quanh để thu gom các tàn binh bại tướng. Ông tạm thời thu gom được một đội ngũ nho nhỏ, nên đã nói với Lữ Trạch:
- Hạ Ấp cách Bành Thành quá gần, nên tôi không tiên ở lại đây lâu, mà phải tiếp tục rút về phía tây để tránh sự truy kích của Hạng Võ.
Lữ Trạch hỏi ông:
- Phải chăng Đại Vương muốn trở về Quan Trung?
Lưu Bang lắc đầu, đáp:
- Quan Trung đã có Tiêu Hà ở đó là đủ rồi. Tôi không muốn đi qua Hàm Cốc Quan một lần nữa, mà điểm rút lui cuối cùng của tôi sẽ là Huỳnh Dương, và chuẩn bị xây một phòng tuyến kiên cố ở tại đó để chống trả với quân Sở.
Lữ Trạch đã rõ ý đồ của Lưu Bang tỏ ra tán đồng, và hỏi Lưu Bang phải chăng mình cũng rút lui theo về phía tây. Lưu Bang đáp:
- Đại ca không cần phải theo tôi, vì bản thân đại ca có trách nhiệm nặng nề.
Sau đó, ông dặn dò Lữ Trạch phải cố thủ Hạ Ấp để chặn bước tiến của quân Sở, giúp ông tranh thủ thời gian. Lữ Trạch vui vẻ nhận lệnh, và khi Lưu Bang dẫn một đội quân bé nhỏ rời khỏi Hạ Ấp, Lữ Trạch liền bố trí việc phòng thủ thành Hạ Ấp.
Binh sĩ giữ thành Hạ Ấp không nhiều, nhưng do Lữ Trạch dốc hết toàn lực tiến hành việc phòng thủ, cho nên ngôi thành này cũng khó đánh chiếm được ngay. Hơn nữa, trời đã sắp tối, Hạng Võ phải ra lệnh cho quân đội của mình hạ trại ở bên ngoài ngôi thành, dự định sáng sớm ngày mai sẽ mở trận tấn công.
Lữ Trạch theo lời dặn dò của Lưu Bang tiến hành công việc phòng ngự một cách kiên cố. Tất cả binh sĩ của ông ta đều rút cả vào trong thành, không chóng mặt đánh nhau với quân của Hạng Võ. Khi Hạng Võ mở cuộc tấn công vào thành, Lữ Trạch chỉ lo cố thủ; trái lại, khi quân của Hạng Võ muốn tiến không được, mà muốn rút lui lại không nỡ. Chính vì vậy, quân truy kích của Hạng Võ đã bị cầm chân đến nửa tháng trời. Chờ khi Hạng Võ đánh chiếm được thành Hạ Ấp, kéo đến vùng phía đông của Huỳnh Dương thì đã là đầu tháng năm rồi.
Lúc bấy giờ Lưu Bang đã tiến hành chỉnh đốn đội ngũ của mình tương đối ổn định, và đã tổ chức được một lực lượng chống trả lại Hạng Võ. Ông tập kết được một số đội ngũ đã bị thất lạc trước đây, rồi tổ chức trở lại. Trong khi đó, thừa tướng Tiêu Hà có nhiệm vụ lưu thủ tại Quan Trung cũng dốc hết sức mình để trưng tập binh sĩ, bổ sung cho đội ngũ của Lưu Bang. Tiêu Hà quy định tất cả đàn ông từ 24 đến 55 tuổi đều phải nhập ngũ, sau khi số người này đã nhập ngũ xong, ông lại ra lệnh những người chưa đầy 23 tuổi, chưa đăng ký vào số đinh, cũng như những người dàn ông chưa đầy 56 tuổi và cũng chưa gạt tên khỏi sổ đinh đều nhất luật phải nhập ngũ để chi viện cho tiền tuyến. Đồng thời, ông cũng phái người cung cấp một số lớn vật tư cho Lưu Bang. Riêng Hàn Tín, cũng thu gom binh lực đưa đến Huỳnh Dương để tăng cường cho đội ngũ của Lưu Bang. Nhờ có sự bổ sung và chấn chỉnh đó, sĩ khí của quân Hán đã dần dần được nâng cao trở lại.
Tất nhiên binh lực của Lưu Bang lúc bấy giờ không làm sao so sánh được với binh lực của ông khi bắt đầu mở cuộc tấn công vào Bành Thành. Vì lúc đó ông đã thông qua hàng loạt những cuộc phát động và tiến hành liên lạc khắp mọi nơi, nên đã tổ chức được một cánh đại quân đông tới năm mươi sáu vạn. Nhưng, thảm bại tại Bành Thành, đã làm cho ông từ trên đỉnh cao rơi xuống đáy hố. Tại bờ sông Cốc Thủy, Tứ Thủy, Tuy Thủy, đội ngũ của ông đã bị Hạng Võ tiêu diệt đến hơn hai mươi vạn. Số còn lại đều tan rã. Các cánh quân của chư hầu trước đây hưởng ứng lời kêu gọi của ông để cùng đánh Sở, nay thấy tình hình bất lợi của quân Hán nên đã phản bội lại ông, ai có ý đồ riêng nấy. Trần Dư dẫn quân Triệu giúp Hán với đều kiện Lưu Bang phải giết chết Trương Nhĩ, nhưng sau trận chiến bại tại Bành Thành, Trần Dư phát hiện Trương Nhĩ vẫn còn sống, biết bị Lưu Bang dối gạt, nên đã chia tay với Lưu Bang, tiến hành hòa đàm cùng quân Sở. Bành Việt cũng bỏ rơi mười mấy ngôi thành mà ông ta đã chiếm được tại đất Ngụy, dẫn quân rút lui về phía bắc, và trú đóng tại Hà Thượng để bảo tồn thực lực, chờ xem sự chuyển biến của thời cuộc. Ân Vương Ngang đã bị tử trận, còn Tái Vương Đổng Ế, Trác Vương Tư Mã Hân đều nối tiếp nhau phản lại quân Hán, đầu hàng quân Sở. Ngụy Vương Báo cũng tìm cớ rút quân trở về lãnh thổ riêng của mình, tuyên bố chống Hán, giúp Sở. Tình hình tan rã đó đã làm cho tâm trạng của Lưu Bang hết sức nặng nề, sự hối hận ở trong lòng lại càng không có bút mực nào tả xiết. Nhưng ông không nản lòng, vốn tính kiên nghị, dù gặp trăm ngàn khó khăn cũng nhất định tiến lên, ông không cam tâm chịu thua. Ông quyết tâm từ sự thất bại vươn lên trở lại, quyết tâm cố thủ Huỳnh Dương để cùng tranh phong với Hạng Võ.
Dưới đời nhà Tần, Huỳnh Dương thuộc quận Tam Xuyên, về mặt địa lý có vị trí hết sức quan trọng. Từ Quan Trung đi lại Quan Đông đều phải qua đây cả, vì đây có đường giao thông thủy lục rất thuận lợi. Sông Hoàng Hà từ phía bắc chảy qua đã hợp lưu với sông Tế Thủy, có thể đi lại bằng ghe thuyền. Vùng núi nằm về phía tây bắc của Huỳnh Dương, nơi tiếp cận với sông Hoàng Hà, có kho lương thực lớn nhất vùng Quan Đông được thời nhà Tần xây dựng, tên gọi là Ngao Thương. Tại kho lương thực này chứa rất nhiều bắp, có thể giải quyết được vấn đề cung cấp lương thực cho quân đội. Còn Thành Cao nằm cách Huỳnh Dương 70 dặm về phía tây, và Hàm Cốc Quan nằm cách Thành Cao 300 dặm về phía tây, cũng là nơi có địa thế rất hiểm yếu. Tiêu Hà trấn thủ tại Quan Trung là nơi có lương thực đầy đủ. Riêng tuyến từ Huỳnh Dương đến Thành Cao là khu vực một bên dựa vào núi, một bên dựa vào sông, có địa thế dễ phòng thủ, khó tấn công. Lưu Bang đã chiếm cả vùng đất này, trở thành căn cứ địa quan trọng để chống trả với Hạng Võ.
Hạng Võ ý thức được Lưu Bang có ý muốn rút lui về giữ Huỳnh Dương, cho nên ông quyết tâm không để cho Lưu Bang kịp thở. Đội ngũ của ông vừa kéo tới giữa hai ấp Kinh, Sách nằm về phía đông của Huỳnh Dương, thì tức khắc tổ chức một cuộc tấn công vào quân Hán. Vào một buổi sáng trời trong nắng ấm, ông đã dàn trận tại phía đông Huỳnh Dương, chuẩn bị đánh bại một cách triệt để quân Hán. Nhưng, một điều làm cho Hạng Võ cảm thấy ngạc nhiên, đó là sự xuất hiện trước mặt ông một đội ngũ bộ binh có kỵ binh hỗn hợp. Hạng Võ nghĩ thầm: từ trước tới nay quân Hán chỉ dùng bộ binh làm chủ lực để tác chiến, vậy bấy nhiêu kỵ binh này chả lẽ vừa từ trên trời rơi xuống hay sao?
Thì ra, trong sự bố trí rất chu đáo của Lưu Bang, ông đã biết nghe theo kiến nghị của các bộ hạ. Sau khi thất bại tại Bành Thành. Có nhiều bộ tướng của ông cho rằng, nguyên nhân thất bại ngoài sự sơ thất trong việc phòng thủ, còn có nguyên nhân thứ hai là sức chiến đấu của bộ binh không mạnh. Quân Hán tuy đông, nhưng hầu hết đều là bộ binh, trong khi đó quân Sở tuy ít, nhưng một phần lớn đều là những kỵ binh tinh nhuệ. Kỵ binh có tính cơ động cao, có thể vận động nhanh chóng trên chiến trường, thêm vào đó, sức tấn công của kỵ binh rất mạnh mẽ, nên không chống trả. Vậy để thắng được quân Sở, cần phải có kỵ binh để đối phó với kỵ binh. Lưu Bang cho là đúng, liền bắt tay vào việc tổ chức kỵ binh để chống lại với kỵ binh của quân Sở. Trong khi tuyển chọn người để thống soái kỵ binh, tất cả các tướng lãnh đều để cử tướng kỵ sĩ cũ của quân Tần là Lý Tất và Lạc Giáp. Lưu Bang thấy hai người này có thể dùng được, nên muốn cử họ làm tướng. Nhưng Lý Tất và Lạc Giáp không dám gánh vác trọng trách đó, họ khẩn thiết giải thích với Lưu Bang:
- Đại Vương muốn chọn thần làm tướng, đó là việc thần hết sức cảm kích, vì qua đó cho thấy việc dùng người của Đại Vương không chê những người xuất thân ti tiện. Nhưng chúng tôi nguyên là dân của nước Tần cũ, e rằng lãnh nhiệm vụ đó thì trong quân đội sẽ có người không phục, ảnh hưởng đế tính thần tác chiến. Vậy xin Đại Vương chọn một người khác có khả năng đối với kỵ binh đứng ra làm tướng, còn chúng tôi sẽ dốc toàn lực phụ tá thì tốt hơn.
Lưu Bang nghe qua cảm thấy có lý, bèn cử Quán Anh làm trung đại phu, thống soái đội kỵ binh vừa mới tổ chức, còn Lý Tất, Lạc Giáp thì giữ chức tả hữu Hiệu úy, để hỗ trợ cho Quán Anh. Hàn Tín dẫn đội ngũ quân Hán bị tan rả trước đây do ông tập hợp được, kéo tới Huỳnh Dương để gia nhập vào cánh quân của Lưu Bang. Lưu Bang lại ra lệnh cho Hàn Tín chỉ huy đội quân này để giao tranh với quân Sở tại phía đông Huỳnh Dương.
Cuộc chiến đấu được triển khai tại một vùng đất thoáng rộng. Tinh thần chiến đấu dũng cảm cùa quân Hán làm cho quân Sở không thể ngờ được. Đôi bên đánh nhau từ sáng sớm cho tới giữa trưa, quân Sở dần dần núng thế, đành phải rút lui. Sức tiến quân về phía tây của Hạng Võ đã bị chặn đứng.
Sau khi Hàn Tín đánh bại được quân Sở, Lưu Bang chụp lấy thời cơ đó để củng cố cứ điểm Huỳnh Dương. Ngày đêm ông tổ chức lực lượng và xây dựng một con đường nối liền sông Hoàng Hà ở phía bắc để vận chuyện lương thực tại Ngạo Thương, cung cấp cho nhu cầu của quân đội đang tác chiến. Đồng thời, bố trí cả vùng bắc lẫn vùng phía nam Huỳnh Dương thành một khu vực phòng ngự chiến lược. Ông lấy Huỳnh Dương và Thành Cao làm trung tâm, lấy bờ tây sông Hoàng Hà ở phía bắc kéo dài cho đến huyện Hấp, huyện Kỳ ngày nay làm phòng tuyến của cánh phía bắc. Đồng thời Lưu Bang lợi dụng Tung Sơn, Phục Ngưu Sơn ở phía nam làm bình phong, và lấy Nam Dương, Võ Quan làm hai cánh hai bên. Huỳnh Dương và Thành Cao được dãy núi Tung Sơn và Hoàng Hà hình thành một quan ải hiểm yếu, ở giữa có Quảng Võ Sơn, nối liền với Huỳnh Dương. Ở phía đông là con sông Phiếm Thủy nối liền với phía tây, tạo thành một địa thế hết sức có lợi. Lưu Bang còn cho xây dựng hai ngôi thành ở phía đông và phía tây Quảng Võ, trên núi Tam Hoàng Sơn thuộc vùng Ngao Thương. Giữa hai ngôi thành này có một hố sâu ngăn cách, qua đó có thể tăng cường sự phòng thủ cho Huỳnh Dương. Phòng tuyến kiên cố nói trên cũng đủ sức ngăn chặn hướng tiến về phía tây của Hạng Võ. Từ đó trở về sau, cuộc tiến công giằng co lâu dài giữa Sở và Hán đã diễn ra tại vùng Huỳnh Dương và Thành Cao.
Lưu Bang quyết tâm đem toàn lực củng cố khu vực chiến lược này, để yểm trợ căn cứ địa tại Quan Trung. Sự bố trí cụ thể của ông là: chủ lực quân đóng giữ tại chính diện của Huỳnh Dương, nhằm kềm chế quân Sở, ngăn chặn không cho quân Sở tiến về phía tây. Ông lại phái Hàn Tín xua quân tiến lên phía bắc tiêu diệt những thế lực chạy theo Hạng Võ, và phái người liên lạc với Bành Việt, để tranh thủ tướng này dẫn quân tập ksich vào hậu phương của quân Sở, phá hoại tuyến cung ứng của quân Sở, làm cho Hạng Võ lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch. Ông lại tăng cường việc phòng thủ tại Quan Trung, để phòng và ngăn chặn Hạng Võ sau khi đánh chiếm được Huỳnh Dương và Thành Cao thì chọc thẳng vào Quan Trung.
Tháng 6 năm 205 Tr. CN, Lưu Bang dẫn Phàn Khoái, Châu Bột trở về Lịch Dương, đích thân bố trí phòng thủ tại Quan Trung. Lưu Bang lập người con trai là Lưu Doanh lên làm Thái Tử và Tiêu Hà phụ tá để yên lòng dân. Nếu gặp những chuyện gì không thể kịp thời tâu báo, thì Tiêu Hà có thể trực tiếp hành sự. Đồng thời, cũng ra lệnh cho Tiêu Hà thống kế hộ khẩu tại vùng Quan Trung để từ đó tiến hành bổ sung binh sĩ, trưng thu lương thảo, cung cấp lương thực cho quân đội. Tháng 8 năm rồi, khi Lưu Bang trở về để bình định Tam Tần, và đánh nhau với Chương Hàm tại Trần Thương. Chương Hàm đại bại phải rút lui. Nhưng sau đó đôi bên lại đại chiến tại Hảo Chỉ, Chương Hàm bị đánh bại một lần nữa. Cuối cùng Chương Hàm đã rút lui đến Phế Khâu, Lưu Bang cho tướng sĩ bao vây chặt chẽ Phế khâu. Lần này khi Lưu Bang trở lại Quan Trung, quyết tâm nhổ đi chiếc gai Chương Hàm để củng cố vùng Quan Trung. Ông đích thân dẫn Phàn Khoái, Châu bột đến tăng cường binh lực tại Phế Khâu rồi dẫn nước sông Vị để thực hiện kế hoạch thuỷ công Phế Khâu. Chương Hàm không thể chống đỡ nổi, sau khi thành bị đánh chiếm thì tự sát, tất cả những đất phong của Chương Hàm đều được Lưu Bang bình định. Lưu Bang chia vùng đất này ra thành ba quận Trung Địa, Bắc Địa, và Lũng Tây. Đến đây, vùng Quan Trung đã được bình định hoàn toàn. Vì ở đất Tần tất cả những thanh niên khoẻ mạnh đều đi lính hết, cho nên phải cần đến một số lượng lớn quân nhu, quân lương, khiến vùng Quan Trung phát sinh nạn đói, một đấu gạo bán đến một vạn tiền, thậm chí, đã xuất hiện tình trạng người ăn thịt người. Để dập tắt nạn đói, ổn định vùng Quan Trung, Lưu Bang ra lệnh cho bá tánh tới vùng Thục Hán để làm ăn, đồng thời, trưng tập binh sĩ tại Quan Trung, chia ra đi giữ vùng biên ải, đặc biệt là tăng cường những vùng biên ải hiểm yếu như Lâm Tấn Quan, Hàm Cốc Quan, Nghiêu Quan, Võ Quan, v.v...
Tháng 8 sau khi Lưu Bang bố trí xong ở hậu phương, trở lại tiền tuyến tại Huỳnh Dương, Thái Tử Lưu Doanh giữ Quan Trung, Tiêu Hà phụ tá soạn thảo pháp luật, xây dựng miếu thờ, xã tắc, cung điện, củng cố căn cứ địa ở hậu phương.
Để thực hiện chiến lược bao vây đối với quân Sở ở phía bắc, và kềm chế binh lực cùa Hạng Võ, Lưu Bang phái Lệ Thực Kỳ đi khuyên Nguỵ Vương Báo phản Sở đầu Hán, đưa quân đội tới tiền tuyến Huỳnh Dương để chống quân Sở. Ngụy Vương Báo từ chối lời khuyên của Lệ Thực Kỳ, ông ta nói:
- Hán Vương ngạo mạn vô lý, thường làm nhục và mắng chửi bộ hạ, xem quần thần như nô lệ, tôi không muốn trông thấy ông ta nữa!
Lệ Thực Kỳ đem lời nói của Ngụy Vương Báo kể lại cho Lưu Bang nghe. Lưu Bang cả giận, cử Hàn Tín làm tả thừa tướng, cử Quán Anh, Tào Sâm làm tướng lĩnh, dẫn quân đi tấn công nước Ngụy. Lưu Bang hiểu rõ đại tướng của nước Ngụy là Bá Trực, kỵ tướng là Phùng Kính, và tướng chỉ huy bộ binh là Hạng Tha, đều là những người trẻ tuổi, cho nên Lưu Bang không xem họ ra gì, cho rằng họ chẳng qua là một bọn con nít miệng còn hôi sữa, là hạng tầm thường, thua xa Quán Anh, Tào Sâm, cho nên từ trước tới nay chưa bao giờ đặt lòng tin ở họ.
Nguỵ Vương Báo dùng trọng binh đóng giữ Bồ Bản để theo dõi quân Hán tới gần. Hàn Tín tập kết quân đội thuyền bè tại bờ tây sông Hoàng Hà, giả vờ như muốn vượt sông, chờ cho quân Ngụy tập trung toàn lực chuẩn bị nghênh chiến, thì Hàn Tín liền phái một đạo quân tinh nhuệ khác âm thầm kéo tới Hạ Dương, rồi từ đó vượt qua sông Hoàng Hà, tập kích chớp nhoáng vào thủ đô của nước Ngụy là An Ấp. Ngụy Vương Báo đang có mặt tại Bồ Bản hay tin đó, đã kinh hoàng thất sắc, dẫn quân đi nghênh chiến với Hàn Tín. Tháng 9, Hàn Tín đánh bại Ngụy Vương Báo, rồi bắt ông ta giải đế Huỳnh Dương, bình định được toàn bộ vùng đất của nước Ngụy. Kế đó, Hàn Tín phái người đi yết kiến Lưu Bang, yêu cầu tăng quân ba vạn để thừa thế chinh phục các nước Yên, Triêu, Đại, rồi sau đó kéo quân về phía nam để cắt đứt con đường vận lương của quân Sở. Lưu Bang đồng ý, phái Trương Nhĩ dẫn quân tăng viện để cùng hoạt động. Tháng 9 nhuận, Hàn Tín đánh bại quân Đại tại Ư Dữ. Một tháng sau lại đánh bại nước Triệu tại Tinh Hinh, và chém chết Trần Dư tại sông Chỉ Thủy, bắt sống Triệu Vương Yết, rồi đưa Trương Nhĩ lên làm Triệu Vương. Sau khi Hàn Tín đánh bại nước Ngụy, Lưu Bang lập tức phái người điều động tinh binh dưới quyền chỉ huy của ông tới Huỳnh Dương để tăng cường việc phòng thủ tại đây. Trải qua hàng loạt những sự cố gắng, Lưu Bang củng cố được hậu phương lại giữ yên được vùng biên cảnh, phòng tuyến Huỳnh Dương - Thành Cao càng được củng cố thêm.
Mặc dù hành động tây tiến của Hạng Võ bị chặn lại tại khu vực Huỳnh Dương, nhưng ông ta vẫn tích cực sách hoạch việc tây tiến của mình. Ngoại trừ ra sức củng cố hậu phương, ông ta còn cố gắng tranh thủ tất cả mọi lực lượng để đột phá phòng tuyến quân Hán tại Huỳnh Dương - Thành Cao. Ông ký kết hòa ước với nước Triệu và nước Tề, để ổn định tình hình phía bắc, phía đông bắc và phía tây bắc của nước Sở, đồng thời, tiến lên một bước tranh thủ sự liên hợp với các thế lực chống Hán. Trong khi Hạng Võ dẫn binh ra khỏi đất Tề, để tiến xuống Bành Thành ở phía nam đánh Lưu Bang, mặc dù từng trao quyền chỉ huy tác chiến tại nước Tề cho bộ tướng của mình, nhưng Điền Giả được quân Sở ủng hộ, đã bị Điền Hoành đánh bại. Điền Giả bỏ trốn sang nước Sở. Hạng Võ muốn ký hòa ước với nước Tề, nên đã giết Điền Giả theo lời yêu cầu của Điền Hoành, Điền Hoành thu hồi hết các thành ấp của nước Tề, đưa con trai của Điền Vinh là Điền Quảng lên làm Tề Vương, còn ông ta thì làm Tướng quốc, tất cả mọi vấn đề lớn hay nhỏ đều do ông ta quyết định. Điền Hoành vì muốn cảm kích việc Hạng Võ đã giết Điền Giả, bèn liên hợp với Sở đối phó với Lưu Bang.
Dưới chân thành Huỳnh Dương, vừa có sự đối kháng bằng sức mạnh, lại vừa có sự đọ sức bằng mưu trí, hơn nữa, cuộc đấu tranh càng quyết liệt hơn chính là sự tranh đoạt nhân tài giữa đôi bên và tìm cách làm tan rã lực lượng của đối phương. Về mặt này, Hạng Võ tỏ ra vừa yếu kém vừa hẹp hòi, trong khi đối thủ của ông ta là Lưu Bang lại giỏi sử dụng mưu lược, thi thố tài năng một cách toàn diện, cho nên nếu bảo Lưu Bang tiêu cực phòng thủ thì chi bằng bảo ông ta là tích cực tấn công là đúng hơn.
Tây Sở Bá Vương Hạng Võ Tây Sở Bá Vương Hạng Võ - Thường Vạn Sinh