Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Tác giả: Yuri Trifonov
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1103 / 5
Cập nhật: 2015-11-05 18:32:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
gày hôm sau, khi đến trường, sinh viên đã nhìn thấy trên bảng một thông báo sau đây:
“7 giờ tối hôm nay họp ban thường vụ Đoàn khối năm thứ ba. Mời đồng chí Palavin. Belov đến họp. Đề nghị cán bộ các chi đoàn không vắng mặt.
Ban thường vụ Đoàn TNCS khối năm thứ ba”.
Ba giờ chiều có tổ chức trận đấu bóng chuyền giữa đội tuyển của trường với đội bóng chuyền của trường đại học Y. Toàn đội đã tập trung tại phòng thể thao ngay sau khi lên lớp. Huấn luyện viên Vaxili Adamovich, một đấu thủ bóng chuyền kỳ cựu, người xương xương, lưng gù gù, với một thân hình nhanh nhẹn chuyển động một cách khéo léo, đang căn dặn các đấu thủ lần cuối cùng. Rasit rất hồi hộp, vì lần đầu tiên được đứng ở vị trí số 4.
Khi tất cả mọi người đã chuẩn bị ra sân, thì Sergei mặc áo bành tô, tay cầm cái xắc thể thao xuất hiện ở cửa phòng.
- Chào đồng chí Vaxili! - anh nói, ung dung đi thẳng lại chỗ Vaxili Adamovich và chìa tay cho ông, - Chào tất cả các bạn.
Anh bắt tay mọi người, trừ Vadim là người mà anh làm ra vẻ không nhận thấy.
- Chào anh bạn. - Vaxili Adamovich đáp một cách rắn đanh.
- Đi chứ?
- Chúng tôi đi đây. Không biết cậu thế nào.
- Tôi cũng thế, hôm nay tôi mặc bộ quần áo thể thao đặc biệt đấy. - Sergei vừa nói vừa cười. - Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thắng, trong khoảng ba tiếng thôi chứ? Đến 7 giờ tôi phải về dự họp ban thường vụ Đoàn.
- Cậu đến nhé, cổ vũ đội nhà với.
- Thế nào? Sao lại như vậy, đồng chí Vaxili! - Sergei hỏi, một bên lông mày nhướn lên, còn bên kia thì sụp xuống vì ngạc nhiên, - Tôi nghe có đúng không?
- Hôm nay cậu sẽ không chơi, - Vaxili trả lời. - Cậu đã không đi tập. Để cậu chơi sau khi nghỉ tập như vậy, là một sự liều lĩnh. Nếu cậu muốn, thì giữ chân dự bị vậy.
- Thế nào? Dự bị hả? Tôi đã đi giày trắng mà lại chạy dự bị hả, - Sergei trách, sau một giây bối rối. - Không, đồng chí nói thật đấy chứ, đồng chí Vaxili?
Vaxili Adamovich nhìn đồng hồ.
- Các bạn, chuẩn bị lên đường!
Sergei bối rối nhìn quanh. Các đấu thủ mặc quần áo, sắp đặt các xắc thể thao của mình, trao đổi một cách hối hả và cộc lốc, cố ý không nhìn Sergei.
- Thế… Ai đứng ở vị trí số 4?
- Người ta xếp mình đấy, - Rasit vừa đáp vừa bối rối nhìn đồng chí huấn luyện viên.
- Việc gì mà phải nói như xin lỗi thế? - Vaxili Adamovich nổi cáu. - Đã phân công thì cứ thế mà làm! Mà phải chú ý đánh cho tốt đấy!
Sergei vỗ vai Rasit!
- Chơi đi, chơi đi, Rasit ạ! Cậu cao thế này dễ làm bàn lắm, Thôi chúc các cậu gặp may. Các cậu cứ quên hẳn mình đi.
Anh bước ra khỏi phòng, tay vung vẩy cái xắc.
- Đồ láu vặt. - Vaxili Adamovich lầm bầm. - Bọn ta khắc quên, chẳng phải đề với nghị, cứ tưởng ghê gớm lắm đấy!
Nhưng rõ ràng là ông buồn vì câu nói cuối cùng của Sergei. Suốt dọc đường tới trường đại học Y, Vaxili Adamovich lên lớp về lợi ích của tính khiêm tốn và về tác hại của thái độ tự cao tự đại. Đó là một người huấn luyện viên đồng thời là một nhà giáo dục đạo đức. Ông coi nhiệm vụ của mình không chỉ là tận tâm huấn luyện cho các sinh viên kỹ thuật chơi bóng chuyền, mà còn đỡ đầu họ về mặt đạo đức.
- Thế nào là “cứ quên mình đi”? Điều đó nghĩa là gì? - Vaxili Adamovich bực tức nói dằn từng tiếng. - Nghĩa là anh chàng lên mặt ta đây, bất cần cả tập thể. Điều đó thường dẫn thể thao tới chỗ giãy chết. Bóng chuyền là một trò chơi tập thể. Một người không có nghĩa lý gì hết, nhưng sáu người là một sức mạnh. Đó là điều phải thường xuyên ghi nhớ. Chính vì thế mà trước đây cậu ta cũng đã phạm phải những sai lầm như vậy. Đứng ở vị trí số 2 mà bao giờ cậu ấy cũng ngoi lên cố đập cho kỳ được, không giúp cho vị trí số 4 tấn công. Dù bằng tay trái nhưng vẫn cứ đập…
Vadim mỉm cười, lắng nghe sự đánh giá Sergei về phương diện thể thao. Hôm nay anh cũng xúc động không kém gì Rasit. Nhưng không phải cuộc đấu làm anh xúc động - Vadim đã chơi với các bạn trường Y ở vòng đầu và biết rằng đối thủ này không phải là loại đáng gờm lắm.
Trong phòng thể thao trường Y mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng cho trận đấu. Những người đến xem và cổ vũ nói chuyện ầm ĩ, họ ngồi trên những chiếc ghế thể thao dài và thấp đặt xung quanh vòng đấu. Ở hiệp đầu bên trường Y chống cự rất ngoan cường, chật vật lắm mới thắng được họ. Vào hiệp hai trận đấu còn sôi nổi hơn nữa, Rasit đã vững tin hơn, đập rất mạnh và rất chính xác, thậm chí còn mạnh hơn cả khi luyện tập. Chơi bên cạnh anh rất thoải mái, anh không cằn nhằn như Palavin, khi bị cú nâng hỏng, anh không nổi nóng, rồi bật ra những tiếng lóng trong làng bóng - “không suýt”.
Hiệp hai kết thúc với tỉ số thắng đậm nghiêng về phía sinh viên trường Sư phạm.
Như vậy, đội Sư phạm đã thắng trận đầu ở vòng hai.
Cuối trận đấu Vadim bỗng nhiên trông thấy Sergei ngồi giữa đám người cổ vũ. “Cậu ta ở đây làm gì? - Vadim thoáng ngạc nhiên. - Có chuyện gì đó không bình thường. Hay là cậu ta mò đến để xem thiếu cậu ta, một trung phong không thể thay thế nổi, thì sẽ thua đậm ra sao? Thế thì cứ xem đi, không có cậu ta vẫn cứ thắng được như thường”.
Vadim đi vào nhà tắm. Mười phút sau anh bước ra, vui vẻ, tươi cười, sáng khoái rít một điếu thuốc lá, anh nhìn thấy. Sergei đang băn khoăn đi đi lại lại cạnh cửa ra vào.”.
- Mình đến tìm cậu, - Sergei nói sau khi trông thấy Vadim và lập tức cau mặt lại.
- Có Việc gì thế?
- Ta ra chỗ kia đi.
Gian phòng đã vắng người. Vaxili Adamovich và đồng chí huấn luyện viên bên trường Y ngồi sau một cái bàn thảo luận với nhau, còn ở cuối phòng một số sinh viên đang chơi xà đơn, Vadim và Sergei đi về phía cửa sổ, cả hai đặt xắc của mình xuống - Sergei đặt xuống sàn, Vadim đặt trên bệ cửa sổ.
- Mẹ mình đến cậu tối qua phải không? - Sergei hỏi một cách khô khan và nhấn mạnh một cách quan trọng.
- Có đến.
- Để làm gì?
- Không biết, hỏi mẹ cậu thì rõ.
- Thế đấy, - Sergei cáu kỉnh cười khẩy. - Nhưng đừng có nghĩ rằng mình cử mẹ mình tới.
Vadim lặng thinh. Không hiểu tại sao anh có cảm giác là Sergei tìm cách giảng hoà.
- Đừng suy diễn, - Sergei nhắc lại. - Chính mình hôm nay mới biết. Bà già lẩn thẩn làm ra vẻ quan tâm đến mình, nhưng có ai cần đâu cơ chứ.
- Cậu có cử mẹ cậu đến hay không, đối với mình cũng thế thôi. - Vadim im lặng hồi lâu, rồi đáp, thế hiểu được rằng… Mẹ mình có lẩn thẩn hay không - đối với mình không phải thế nào cũng được!
“Không, không hẳn thé, - Vadim nghĩ, - không phải cậu ta đang nói ra những gì cậu ta nghĩ và muốn nói…”.
- Chính vì bà ấy mà xảy ra câu chuyện với Valia đấy, - Sergei nói.
- Sao lại thế?
- Vì bà ấy quá chiều chuộng cô ta, lúc nào cũng rên rỉ vì thương xót, đưa cô ta về nhà, săn săn đón đón… Làm như thế để làm gì? Tất cả là do tính tò mò của phụ nữ, do sự xăng xái ngu xuẩn của người mẹ muốn tận mắt thấy con trai được yên vui, ổn thoả. Nhưng còn mình… - anh ta chăm chú nhìn cái cằm của Vadim và nói liến thoắng bằng một giọng bực tức. - Đã từ lâu mình quyết định không quan hệ với cô ta nữa, bởi vì minh cảm thấy chả dẫn tới đâu cả. Nhưng bà già cứ nằng nặc mời cô ta đến chơi, nhờ vả đủ thứ… Cô ta giúp mẹ minh làm cơm, xách nước, còn bà già nhà mình thì cho rằng như thế là chuyện đương nhiên.
- Nhưng ngay cả cậu cũng chả đã coi đó là điều hiển nhiên đấy thôi.
- Mình… Mình đã từng yêu cô ấy! Đã từng có lúc mình yêu cô ấy.
- Thì đấy. Đúng là đã từng có lúc…
- Nói tóm lại, đúng là thế đấy, - Sergei ngắt lời anh. - Mình phải nói thẳng với cậu rằng, thứ nhất, mình không cử một người đại diện nào đến gặp cậu hết. Đó là một. Thứ hai, mình muốn báo cho cậu biết vì mình vẫn còn giữ lại một vài thiện cảm bè bạn với cậu, nếu cậu đưa chuyện Valia ra thì cậu sẽ trở thành trò cười cho toàn khoa. Cậu mà thêu dệt bậy bạ, không đâu vào đâu, thì cậu sẽ phải chịu những hậu quả của nó. Mình báo trước cho cậu biết thế.
- Mình cũng nói trước cho cậu biết, mình sẽ không chỉ nói riêng chuyện Valia đâu.
- Thế thì còn chuyện gì? Có phải chuyện mình nhờ cậu ném giấy hôm thi không?
- Thôi đủ rồi, đã đến lúc ta phải đi thôi.
- Thì đi! - Sergei quả quyết gật đầu.
Tất cả những ý kiến phát biểu trong mười lăm phút đầu tiên của cuộc họp ban thường vụ. Vadim chỉ nghe câu được cầu chăng, nói chung hầu như là không nghe thấy gì hết. Anh có cảm tưởng là cả những người khác cũng vội vàng phát biểu những vấn đề linh tinh để chuyển sang vấn đề chính. Cuối cùng Spartar nói:
- Hôm nay chúng ta còn phải thảo luận về một lá đơn xin được giới thiệu vào Đảng - đơn của Sergei. Nhưng trong buổi họp cuối cùng của Hội khoa học sinh viên, khi Sergei được đề cử làm đại biểu thì… - Spartar đang tiếp tục nói bằng một giọng đều đều, chậm rãi đến phát sợ, bỗng nhiên như bật ra, giọng nhát gừng và lạnh lùng: - Có ý kiến đề nghị nghe Vadim phát biểu!…
Những đề nghị khác không có. Trong mười lăm phút vừa qua Vadim đã kịp suy nghĩ mọi khía cạnh và quyết định sẽ đứng tại chỗ để nhìn thấy các ủy viên ban thường vụ ở trước mặt mình. Nhưng bây giờ khi đứng dậy, anh đột nhiên đi lại phía bàn Spartar đang ngồi và nhìn thấy các cán bộ chi đoàn và Sergei ở trước mặt mình.
- Trong buổi họp vừa rồi của Hội khoa học sinh viên, tôi đã phản đối việc đề cử Sergei. Tôi nói rằng tư cách của đồng chí ấy không cho phép trở thành đại điện cho tập thể chúng ta. Bây giờ tôi sẽ chứng minh những lời nói của tôi. - Vadim ngạc nhiên khi nghe thấy giọng nói của mình có vẻ vang dội và trịnh trọng thế nào đó. Ngừng một chút, anh tiếp tục nói bằng một giọng nhỏ hơn:
- Hôm nay tôi sẽ phát biểu không chỉ riêng về một hành động của Sergei, mà là về toàn bộ tư cách của đồng chí ấy. Tôi với Sergei, như mọi người đều biết, là “những người bạn từ thời thơ ấu”. Tất nhiên, do vậy tôi biết rõ đồng chí ấy hơn ai hết.
Tôi thấy cần phải nói rằng cả trong đời sống riêng lẫn trong sinh hoạt xã hội Sergei đã cư xử không xứng đáng với danh hiệu một người đoàn viên thanh niên cộng sản. Dẫn chứng ư? - Vadim cất cao giọng hỏi. Anh không thể rời mắt khỏi Sergei, mà cúi đầu xuống, nhìn thẳng vào mắt anh ta. - có thể nói đại khái như sau: trong một cuộc họp của Đoàn khi thảo luận về vấn đề của đồng chí Lagodenko, Sergei đã ra sức bảo vệ giáo sư Kodensky, mặc dù đa số các đồng chí dự họp đã lên tiếng phê phán giáo sư. Tại sao đồng chí ấy đã bảo vệ giáo sư Kodensky? Có phải đồng chí ấy đã bất đồng về nguyên tắc với những ý kiến phê phán không? Không, hoàn toàn không phải vì vậy. Đồng chí ấy đã cùng với tôi và nhiều bạn khác cũng đã phát biểu nhận xét về giáo sư Kodensky đúng như thế, thậm chí còn gay gắt hơn, đồng chí ấy còn tìm mọi cách chế nhạo giáo sư nữa. Nhưng đến khi đồng chí ấy cần đến sự ủng hộ của giáo sư Kodensky trong Hội khoa học sinh viên, nơi mà đồng chí ấy chuẩn bị trình bày đề cương nghiên cứu, thì đồng chí ấy đã thực sự “kết bạn” với Kodensky, nhưng tình bạn đó kéo dài không lâu. Khi đồng chí Sergei vừa cảm thấy tình hình của Kodensky xấu đi và chẳng còn lợi dụng được gì ở ông ta cả, hơn nữa còn có thể chuốc lấy tai vạ, - thì lập tức đồng chí ấy đã đứng vào hàng ngũ những người vạch mặt Kodensky, mong muốn được phát biểu ở Hội đồng khoa học… Tôi cho rằng, hành động như vậy là hành động vụ lợi, hèn hạ.
Cả trong các trường hợp khác đồng chí ấy cũng xử sự như vậy. Các đồng chí còn nhớ vào tháng Mười Hai, đồng chí ấy đã bất thình lình trở thành một người tích cực hoạt động xã hội như thế nào? Đồng chí ấy đã kêu gào phải liên hệ với nhà máy ra làm sao? Thậm chí có một lần đồng chí ấy đi cùng với chúng tôi xuống nhà máy, làm Kuznetsov thích cuống lên, hứa hẹn một tấc đến trời, rồi sau đó “cắt đứt” luôn. Và không đến một lần nào nữa. Hoá ra là việc đến nhà máy của đồng chí ấy cũng có mục đích cả. Tất cả đều chỉ vì bản thân đồng chí ấy. Trước hết, là để chiếm được cảm tình của ban chấp hành, thứ hai, là để chộp lấy “vài chi tiết gì đó” cho cuốn truyện của mình.
Thế còn thái độ của đồng chí ấy đối với trường ta và đối với nghề nghiệp tương lai thì như thế nào? Đồng chí ấy có muốn trở thành một nhà giáo không? Ồ, không đâu! Đó chỉ là số phận của những người bất tài, kém thông minh, những người bất hạnh. Bởi vậy, về thực chất, đồng chí ấy không có bạn bè. Tất cả “những người bạn” đều được phân phối theo những nhu cầu cá nhân của đồng chí ấy. Ví dụ, Remescov là người bạn “chụp ảnh”. Fedor Kaplin là người bạn về lĩnh vực khoa học, về những câu chuyện văn học. Ở năm thứ tư, đồng chí ấy cũng có bạn trong các tối vui, ở bảo tàng Ermitazh, và có cả những người bạn “thư viện”, “nhà hát”, “bóng chuyền” vân vân. Còn tôi - có vinh dự đặc biệt - là “người bạn thời thơ ấu”. Về quan hệ đối với các bạn gái, rõ ràng, đồng chí ấy cũng phân biệt có ý thức như vậy.
Nhưng tại sao biết Sergei từ lâu, mà mãi bây giờ, lần đầu tiên tôi mới nói ra điều này? Phải nói rằng, chính cái vinh dự là “người bạn thời thơ ấu” đã ngăn cản tôi. Tôi thường xuyên tranh luận với đồng chí ấy, nhưng chỉ là về những chuyện lặt vặt, vấn đề là ở đó. Sai lầm chính của tôi là trong một thời gian dài tôi đã nương nhẹ với những thiếu sót của đồng chí ấy. Tức là… Tóm lại, tôi đã không nói chuyện nghiêm túc với đồng chí ấy, mà mãi đến bây giờ… Một câu chuyện, do một người bạn gái trước đây của Sergei kể lại cho tôi nghe, - mà tôi cũng chưa được biết là thuộc loại “bạn” gì của anh ta, - đã buộc tôi phải nói những điều đó hôm nay. Nói vắn tắt thì thế này…
Rồi, bằng một giọng khô khan, như đọc báo cáo, một giọng mà anh cho là thích hợp hơn cả trong những trường hợp bất thường này, Vadim trình bày rất nhanh toàn bộ câu chuyện mà Valia đã kể cho anh. Ngay khi anh bắt đầu nói, Fedor Andreevich Krylov và Levtsuc đã bước vào và ngồi xuống phía sau bàn của ban thường vụ. Trong phòng im lặng như tờ. Mọi người đều chăm chú nghe Vadim, mỗi người một tâm trạng riêng. Spartar lúc thì chau mày lo lắng, lúc thì gật gù tán thành lia lịa, lúc thì cảnh giác nhìn Vadim, nhướn cao đôi lông mày đen, rậm và khẽ nhếch môi như muốn nhắc Vadim một câu gì đó. Marina Gravet khuỳnh cùi tay ra hai phía một cách thoải mái, nắm tay nọ đè lên nắm tay kia, cằm tì vào nắm tay đặt trên và nhìn Vadim chằm chằm, rất chăm chú dường như đang nghe anh kể một câu chuyện gì đó rất hấp dẫn.!
Vadim chỉ nhìn thấy một mình Sergei. Đầu cúi xuống một cách kiên nhẫn, trong một thoảng ngước lên, anh bắt gặp cái nhìn ngơ ngác, khẽ lướt qua trong đôi mắt xanh lơ của Sergei. Nét mặt Sergei thay đổi từng phút một. Thoạt đầu anh ta có vẻ bình tĩnh, nhìn lơ đãng và ngáp dài. Anh ta dùng que diêm ngoáy cái tẩu thuốc. Rồi giống như một sinh viên đãng trí khi nghe giảng, bỗng nhiên lại tỏ ra sốt sắng và chăm chú lắng nghe giáo sư, anh ta thở dài, lấy tay đỡ đầu, tò mò quan sát Vadim. Sau đó, anh ta ưỡn thẳng người lên, buông hai tay xuống bàn. Anh ta nghe một cách kinh ngạc, miệng hơi há ra. Bất chợt anh ta chau mày, nhún vai một cách ngang tàng, muốn nói một câu gì đó, nhưng kìm lại được, và lặng thinh, lưng còng xuống. Nhưng rồi anh ta lại ưỡn thẳng người lên và đưa mắt rất nhanh nhìn mọi người trong phòng. Sau đó mặt anh ta đỏ lên, trán lấm tấm mồ hôi, anh ta rút khăn tay ra, nhưng không hiểu sao lại lau cằm.
Khi Vadim kết thúc câu chuyện về Valia, Sergei lập tức hỏi ngay:
- Rồi sao nữa?
- Tôi biết rằng, - Vadim vừa nói vừa nhìn Sergei, - đồng chí Sergei có thể phũ nhận những điều tôi vừa nói vì không có ai làm chứng. Bản thân Valia lại không có ở đây. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Ở đây chúng ta không phải là toà án. Tất cả những điều Valia kế cho tôi nghe, mà tôi hoàn toàn tin ở Valia, chỉ là để bổ sung cho những chuyện kia. Toàn bộ chân tướng của đồng chí ấy là thế. Hôm nay chúng ta thảo luận về hành vi của một con người, tính cách và sinh hoạt của người đó. Tôi biết rằng, không phải chỉ có mình tôi mà các đồng chí khác cũng có ý kiến. Vậy thì chúng ta hãy thảo luận xem, bởi vì… - sau khi cau mặt lại một cách ảm đạm, Vadim kết thúc một cách rất nhanh: - bởi vì nói bây giờ vẫn còn kịp. Còn có thể giải thích cho đồng chí ấy biết. Dù sao đồng chí ấy cũng chưa phải là người bỏ đi, tôi nghĩ như thế… Dù thế nào tôi cũng nghĩ như thế…
- Cảm ơn, - Sergei nói. - Tôi xin có ý kiến!
- Vadim, đã hết chưa? - Spartar hỏi.
- Tôi phát biểu xong.
Vadim ngồi xuống, và Sergei lập tức đứng dậy, không đợi Spartar mời.
- Tôi kết tội Vadim! - anh ta nói nhanh một cách vội vàng. - Tôi kết tội đồng chí ấy vì đã vu khống tôi với dụng ý xấu! Không phải ngày hôm nay đồng chí ấy kết tội tôi, mà là tôi kết tội đồng chí ấy…
- Cậu cứ nói đi, nói đi, - Spartar cau mày nói, - còn chúng mình sẽ làm rõ xem ai kết tội ai.
- Tôi đang nói, đồng chí Galustian ạ. Đề nghị không được giục thế này, Vadim bằng những mánh khóe của mình đã biết được một vài điều nào đó từ… mối tình bất hạnh của tôi, và đồng chí ấy lại cố thêm mắm thêm muối vào những chuyện đó. Đồng chí ấy đã cố sức nói những câu chuyện phi đạo đức, bẩn thỉu để bôi gio trát trấu vào mặt tôi. Tôi biết thừa điều đó là để làm gì rồi. Tôi rất công phẫn khi ban thường vụ Đoàn nghe theo những lời vu khống độc ác đó, đã tìm cơ hội thảo luận tư cách xã hội của tôi, có thể nói như thế. Tôi rất công phẫn về việc làm vô nguyên tắc đó của ban thường vụ - và tôi đề nghị ghi ý kiến đó vào biên bản! Chúng ta không còn công việc nào nữa để đưa ra thảo luận ở ban thường vụ ư? Mọi việc đều tuyệt mỹ cả, mọi vấn đề đều xong xuôi cả rồi sao?
Spartar gõ những ngón tay nhọn, đen sạm xuống mặt bàn.
- Đồng chí Sergei, không phải đồng chí phê phán ban thường vụ ở đây, mà đồng chí hãy nói về mình. Đồng chí hãy trả lời vào thực chất vấn đề Vadim nếu ra đi!
Sergei nhìn Spartar, sau đó nhìn Vadim và các ủy viên thường vụ, rồi bỗng nhiên ngồi xuống…
- Tôi từ chối không trả lời các đồng chí.
- Thế nào, đồng chí từ chối không trả lời ban thường vụ Đoàn à? - Spartar hỏi, sau một phút im lặng.
- Đúng, tôi không trả lời. Bởi vì các đồng chí đã can thiệp một cách thô bạo vào đời tư của tôi… Đó là một sự tò mò hèn hạ…
- Không, hãy đợi đấy, đồng chí Sergei ạ! - Spartar vừa nói vừa đứng lên, đôi lông mày đen của anh chau lại. - đồng chí đừng có quy mọi điều vào câu chuyện với Valia. Đồng chí không khôn lỏi được đâu, Sergei ạ! Vadim đã nói về hành vi của đồng chí ở trường, về quan hệ của đồng chí đối với các giáo viên, với bạn trai, với bạn gái - vấn đề là ở đấy. Đồng chí có trả lời hay không?
Sergei lắc đầu khước từ.
- Thôi được, - sau một phút im lặng, Spartar nói. - đồng chí không muốn trả lời bây giờ, thì sẽ phải trả lời sau vậy. Đồng chí nào có ý kiến?
Gortxev, ủy viên thường vụ phụ trách đời sống xin phát biểu. Anh nói một cách chậm rãi, có những quãng ngừng rất lâu và suốt trong thời gian nói, lúc nào cũng sờ lên mặt: lúc thì lấy tay xoa xoa cái trán nhợt nhạt, lúc thì khẽ sờ vào cổ, lúc thì quần quấn mớ tóc vàng vào ngón tay… Anh cũng nhận thấy rằng Sergei đã có một phong cách sống không tốt, không có tình đồng chí. Nhưng trước đây anh cho rằng không nên thảo luận ở ban thường vụ những chi tiết lặt vặt xung quanh phong cách sống này. Bây giờ anh thấy rằng việc đó sẽ có ích đối với Sergei. Cũng như cuộc họp Đoàn để phê phán Lagodenko vì tính thô lỗ, tính tự phụ, tính vô kỷ luật là rất có ích cho anh ta. Thời gian gần đây Lagodenko đã chuyển biến nhanh chóng theo hướng đi lên.
- Đã lấy vợ - đã được thăng chức rồi đấy! - một người nào đó nói đùa.
- Không, bởi vì Lagodenko đã hiểu ra nhiều và đã chấp nhận phê bình một cách đúng đắn. Đối với Sergei việc này phức tạp hơn và sai lầm cũng nghiêm trọng hơn về quan hệ đối với cô gái đó… Tất nhiên ở đây rất khó kết luận nếu Sergei từ chối không nói. Rõ ràng là đồng chí ấy đã cư xử rất đáng trách. Đúng là như vậy, nhưng vấn đề mà đồng chí ấy từ chối không nói thì…
- Tôi sẽ trình bày với quận đoàn! - Sergei bật nói ra một cách nhát gừng. - Tôi sẽ nói về các đồng chí và về Belov…
Tiếp đó Nina Fonika và Marina phát biểu. Cả hai nói rất dài dòng và nhiệt tình, tuy hai người hoàn toàn ủng hộ Vadim, nhưng anh cảm thấy những lời phát biểu của họ không có sức thuyết phục và không rõ ràng, cũng giống như lời phát biểu của Gortxev. Đúng! các đồng chí ấy bất bình về hành vi của Sergei, nói những lời phẫn nộ, đòi phải cảnh cáo nghiêm khắc, nhưng Vadim cảm thấy chủ yếu họ công phẫn là vì hành động của Sergei đối với Valia. Điều đó có thể giảm nhẹ ý nghĩa cuộc thảo luận, tạo điều kiện cho Sergei có thể tranh cãi biện bạch.
Khi Marina vừa mới nói xong, thì Sergei xin phát biểu.
- Không, dù sao tôi cũng sẽ nói, - anh ta nói, đầu lắc một cách quả quyết. - Sự im lặng của tôi không làm cho các đồng chí thoả mãn. Hoá ra là ở đây người ta thảo luận tính cách của tôi. Thậm chí người ta còn cảm thấy bị xúc phạm vì tôi không tham gia vào việc thảo luận đó… Phải chăng đó là tình thân ái! - Anh ta cười khẩy, vẻ bực dọc. - Các đồng chí đừng có hy vọng, các đồng chí sẽ không nghe thấy một lời nào cụ thể, giật gân đâu. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi hoàn toàn bác bỏ những lời buộc tội trong quan hệ của tôi với Valia. Các đồng chí không có một cơ sở nào buộc tội tôi là có những hành động phi đạo đức đối với cô ấy. Không có một cơ sở nào hết! Các đồng chí không có chứng cớ! Ý kiến của Belov chỉ là những lời nói suông. Những lời nói khua chiêng, gõ mõ nhưng lại rỗng tuếch. Nào là xấu xa, nào là vô đạo đức! Vô đạo đức thế nào? xấu xa thế nào?. Bởi vì đồng chí ấy không thể nào nói được một cách cụ thể: tôi đã gây nên tội gì xấu xa với Valia? Tất nhiên không thể chứng minh được. Bởi vì việc này xảy ra chỉ giữa hai người - tôi và Valia - đó là việc riêng của chúng tôi. Tôi sẽ không nói gì hơn nữa về vấn đề này. Đúng, đời sống riêng của chúng tôi gắn liền với đời sống xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là đời sống riêng hoàn toàn bị đời sống xã hội nuốt sống, hoặc hoà tan vào trong đời sống xã hội. Không! Còn có một giới hạn và các đồng chí đừng có xâm phạm vào giới hạn đó khi chưa có những cơ sở đầy đủ. Tôi không cho phép đưa tôi ra làm con vật thí nghiệm. - Lúc này anh ta nói rất to và đanh thép, tay vung lên như muốn đập vào cằm mình.
- Cậu phủ nhận tất cả những điều Vadim nói phải không? - Spartar hỏi.
- Cái gì? - Sergei im lặng một chút, chăm chú nhìn vào Spartar, sau đó bắt đầu nói to hơn: - Tôi phủ nhận ư? Đúng, tôi phủ nhận cái kiểu cách đó, cái hành động lăng nhục con người đó… đó, các đồng chí phải hiểu., đó vừa là sự kiêu ngạo đồng thời vừa là đạo đức giả! Các đồng chí có nghe thấy Vadim nói cái sai lầm chủ yếu của đồng chí ấy là cái gì không? Đồng chí ấy coi sai lầm chính của mình là… - Sergei phá lên cười một cách kích động, - trong một thời gian dài đã nương nhẹ với những thiếu sót của tôi đấy! Mà thế là thế nào kia chứ? tuyệt vời thật đấy!…
Vadim nhìn thấy Spartar hơi nhếch mép và để nén không phá lên cười, anh đã nhăn mặt lại và nói một cách cộc lốc:
- Cậu không nên bắt bẻ từng câu, từng chữ thế! Cậu ấy có thể lỡ lời, cậu biết chưa…
- Lỡ lời ư? Không, không một chút nào! Đúng hơn là đồng chí ấy nói cho sướng miệng, đúng thế! Các đồng chí thấy đấy, còn chính Belov thì, tất nhiên thôi, không thể mắc khuyết điểm gì được. Làm sao được? Từ đâu mà có? Đồng chí ấy chả là một người đạo đức toàn vẹn mà. Đồng chí ấy chỉ có một sự quan tâm duy nhất - thanh toán những khuyết điểm của người khác. Nhưng ở trong cái lĩnh vực cao quý này đồng chí ấy đã không nhận ra vấn đề, đã phạm sai lầm… Chà, chà! - Sergei đan những ngón tay vào nhau và lắc đầu một cách đau khổ. - Theo các đồng chí, đó không phải là tự cao tự đại, không phải là làm bộ hay sao? Đó không phải là tính tự phụ thâm căn cố đế, xấu xa hay sao? Và cái gọi là “người bạn thời thơ ấu“ hoá ra suốt đời mình đã lừa dối tôi, giả nhân, giả nghĩa đối với tôi, thế mà tôi cứ nghĩ là đồng chí ấy đối với tôi rất trung thực, thắm tình bè bạn, ngược lại đó chỉ là “nương nhẹ những khuyết điểm của tôi!“ - cái con người đã buộc tội tôi là thiếu trung thực, vô đạo đức như thế đấy! Phải chăng đồng chí ấy đã có thể hiểu được tính chất phức tạp, mức độ sâu sắc trong quan hệ giữa tôi với Valia? Phải chăng đồng chí ấy - cái con người đạo đức toàn vẹn duy nhất ấy, thành viên xứng đáng nhất của “đội quân trị bệnh cứu người” ấy - lại có thể hiểu được rằng việc tôi đoạn tuyệt với Valia đã làm tôi đau xót, dằn vặt như thế nào… Mặc dù vậy, ở đây tôi sẽ không nói về chuyện đó. Tôi thề như vậy. Tóm lại, tôi cho rằng: tất cả những lời phát biểu của Vadim chỉ là thói đạo đức giả ngây thơ mà có lúc nào đó tôi đã vui vẻ chế nhạo nó và chỉ có thế thôi. Còn bây giờ cần phải nghiêm chỉnh giải thích, chứng minh. Nhưng, có lẽ, nói thế cũng đủ rồi, Sergei ngồi xuống ghế, thở dài thoả mãn và lấy tẩu nhồi thuốc. Vadim cảm thấy ngay lời nói của Sergei đã có tác động. Một không khí im lặng bao trùm: hình như mọi người hơi bối rối, không biết nên nói gì nữa. Đột nhiên chính Vadim cũng thấy bối rối, sửng sốt trước sự biện luận khôn khéo mà Sergei đã dùng để bảo vệ mình, đồng thời, đặt anh - Vadim - vào một thế khó xử. Mặt cau lại, người nóng bừng đến mức mặt đỏ ửng lên. Vadim ngồi, đầu cúi xuống nặng nề, anh cố gắng một cách căng thẳng và tuyệt vọng để tìm xem anh đã mắc sai lầm gì trong lời phát biểu của mình? Có điều gì anh quên chưa nói! Tại sao những lời nói mà ngày hôm qua anh còn cho là có thể khiến Sergei sáng mắt, thì bây giờ lại trở thành nhạt nhẽo, không có sức thuyết phục?…
Giữa lúc đó bí thư chi đoàn Pitsugina lại đưa ra một ý kiến cho rằng “thực ra không thể chứng minh được hành động của Sergei đối với người thiếu nữ ấy là vô đạo đức. Trong cuộc sống riêng tư của mỗi người chúng ta có nhiều khía cạnh mà con mắt của người khác không tài nào hiểu được, khó mà nắm được tất cả những sắc thái biểu hiện của chúng - những sắc thái dường như là không nhận thấy, nhưng trong thực tế lại rất có ý nghĩa… Có phải Sergei đã lừa dối cô ta không? có thể là chính đồng chí ấy đã bị lừa - đồng chí ấy đã yêu, đã lý tưởng hoá đối tượng của mình, nhưng rồi bị thất vọng chua chát… Ai mà biết được. Chỉ có đoán mò thôi”.
- Đồng chí đã theo quan điểm bất khả tri luận, cho rằng không thể nhận thức được những hành động của Sergei, - Spartar ngắt lời cô, vẻ không vui. - Không, đồng chí Pitsugina ạ. Chúng ta không nên nói tới những khía cạnh lặt vặt, mà đi vào thực chất của vấn đề. Về tính vị kỷ của Sergei, tính coi khinh mọi người, tính tự cao tự đại, trong đó những nét tính cách của đồng chí ấy đã biểu hiện ra.
Vadim nhận thấy ngay cả đối với Spartar, mặc dù với giọng nói quả quyết và nghiêm trang, vẫn có cái gì đó lúng túng và bối rối, vì cuộc tranh luận đã đi trệch sang một hướng khác, đã sa vào những suy đoán rỗng tuếch, những cách thức phân tích tâm lý tầm thường. Và ngay chính Sergei cũng bắt đầu tham gia “tự phê phán” trong cuộc tranh luận đó.
- Như vậy, tôi có những thiếu sót gì trong tính cách của mình? - anh ta nói với một giọng hoàn toàn bình tĩnh. - Chẳng hạn, tôi, vâng… tôi đã ghen tị với những thành tích của người khác, tôi đã tự ái hoặc tự kiêu ở một mức độ nào đó. Tôi quen đứng hàng đầu, tôi coi mình có năng lực hơn những người khác. Tất nhiên, tôi có những thiếu sót chứ! Nếu tôi không có thiếu sót gì, thì đó mới là điều đáng ngạc nhiên. Bởi vì tôi cũng là một con người, chứ không phải là thiên thần, không phải là Vadim. Nhưng vấn đề là nhìn nhận những khuyết điểm đó như thế nào, dưới hình thức nào? Trên tình bạn, theo lẽ phải, hay với sự hằn học độc địa, ra sức tìm cách thoá mạ, lăng nhục…
- Theo anh, tôi đã nói như thế phải không? - không kìm được, Vadim đã thét lên.
Vừa lướt nhìn anh qua mặt anh, Sergei vừa gật đầu.
- Cũng gần như vậy. Phải, anh đã đạt được một điểm - bôi nhọ danh dự tôi, bêu xấu tôi…
- Chính anh tự bôi nhọ mình! Và anh còn đang tiếp tục làm như thế! - Quên cả giơ tay xin phát biểu. Vadim đột nhiên nói với một sức mạnh không ngờ, vội vàng và hừng hực tức giận: À được, tất nhiên anh cho rằng tôi ra sức gièm pha anh, gạt anh ra bên lề đường, để mình ngoi lên phía trước chứ gì! Nhưng anh phải nhớ rằng đã có lần anh nói với tôi: “Cậu không hiểu biết con người, cậu không biết đi vào con người!” Tất nhiên, anh tin rằng anh đã hiểu rất rõ mọi người. Nhưng thật ra anh không hiểu họ đâu. Anh đã nhìn mọi người bằng nửa con mắt, trong mỗi một người anh chỉ nhìn thấy cái gì có lợi cho bản thân anh, đó là tính trục lợi, tính bùn xỉn, mưu toan dùng mọi cách, mọi thủ đoạn làm cho số phận của mình được thuận lợi. Thậm chí, anh cũng không bao giờ nghĩ rằng con người còn có thể hành động vì những mục đích khác nữa! Vậy thì nếu có một người nào đó hành động như vậy, hành động một cách trung thực, chân thành, thì lại bị anh coi là những kẻ đạo đức giả, hay những tên ngu xuẩn đáng phải chế nhạo… Không, chính anh không hiểu được con người đâu!
- Đó chỉ là những câu chữ và câu chữ… - Sergei lầu bầu.
- Câu chữ gì? Đúng, khó mà thuyết phục được anh bằng câu chữ, khó mà làm cho anh nhận ra lẽ phải được, bởi vì anh đã không làm một Việc gì tàn nhẫn trái luật pháp cả. Anh bao giờ cũng biết dừng lại ở một giới hạn nào đó. Anh là một thằng đểu cáng, khốn nạn chưa hoàn toàn lộ mặt, “Các anh hãy chứng minh đi! Tôi đã làm gì xấu đối với Valia?“. Đúng, điều đó rất khó nói trong một hai câu. Nhưng nếu nghĩ kỹ vẫn có thể nói được. Có thể tìm được những lời nói đơn giản để giải thích cho anh những nguyên nhân đau khổ mà anh gây ra cho người thiếu nữ đó. Anh đã làm tan vỡ, đã chà đạp lên cái tình cảm cao quý của con người trong người thiếu nữ đó - tức là niềm tin vào bản thân mình, sự tôn trọng đối với chính mình. Cô gái ấy sẽ nghĩ về mình ra sao nếu nhìn thấy cách thức những người khác đối xử với mình? Nếu cô ấy nhìn thấy người ta có thể lừa dối cô ấy, có thể đổi xứ với cô ấy một cách vô liêm sỉ, này cô, cô không xứng đáng với tôi đâu, cô hãy bằng lòng với cái hiện có, và cuối cùng có thể bỏ rơi cô ấy một cách khinh bỉ, sỉ nhục, và khi nghĩ lại, thấy cần thiết, thì lại quay trở lại một cách ngạo mạn… Anh đã làm cho cô gái ấy mất niềm tin vào mình và mất niềm tin vào con người. Đó là một tội ác, Sergei ạ, một tội ác mà anh sẽ phải trả lời ở đây. Cũng giống như vậy, nếu nghĩ rằng còn có thể đặt ra những câu hỏi “anh đã làm điều gì xấu” trong câu chuyện với giáo sư Kodensky, “anh đã làm gì xấu” đối với tôi, đối với người này, người kia. Nhưng tôi không muốn đề cập đến vấn đề ấy. Câu chuyện của chúng ta có tầm quan trọng hơn nhiều - đó là thái độ đối với cuộc sống. Có cần phải quý trọng công việc hiện nay của chúng ta, lao động chân chính của chúng ta, quý trọng tình cảm, tình bạn, tình yêu và đấu tranh cho những tình cảm cao đẹp đó, đấu tranh từng bước một, không sợ khó khăn, không sợ có lúc nào đó bị coi là ngây thơ và lố bịch không? Hay chỉ cần - như anh đã quan niệm - bằng miệng lưỡi thì tán thành tất cả những quan điểm đúng đắn đó, nhưng trong thâm tâm lại chế nhạo nó và sống theo kiểu của riêng mình? Sống hời hợt,? đầy đủ, và miễn sao có lợi là được. Lúc nào cũng tự thoả mãn bằng những cái vỏ ngoài - bởi vì ít khi phải bận tâm tới nó - bằng những tình cảm không thực sự chân thành, bằng một tình yêu vụ lợi, một tình bạn kiểu “cánh hậu”. Nhưng có một điều mà anh say mê và quan tâm một cách thực sự, với tất cả tài năng, không kể điều kiện, không tiếc thời gian, sức lực - đó là chỉ yêu riêng bản thân mình, quan tâm đến tương lai của riêng mình. Có phải cậu muốn sống như vậy không, Sergei? Chúng mình không cho phép cậu sống như thế đâu!
Vadim đột nhiên im bặt và ngồi xuống ghế, người nóng bừng, mặt đỏ lên vì xúc động, nhưng trong lòng bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn đi: bây giờ anh đã nói ra được những gì cần nói. Anh trông thấy Sergei nghe anh, mỗi lúc một sa sầm lại, cố nhìn về phía khác, rồi sau đó gục đầu, cắm mặt xuống sàn. Những người khác thì sôi nổi hẳn, tươi tỉnh và mỉm cười vui sướng với Vadim, còn Spartar cứ nhìn Vadim mãi - hình như ngạc nhiên và gật gật đầu.
Khi Vadim nói xong, Spartar xúc động quay về phía Sergei nói:
- Cậu còn muốn nói gì nữa không?
Sergei ngẩng mặt lên, mắt nhìn đâu đó ở phía trên trần, cười gượng:
- À không, các anh phải biết là…
Đến lúc đó thì giáo sư Krylov xin phát biểu. Ông rời ghế đi- văng đứng dậy, sang ngồi đằng sau chiếc bàn của Spartar.
- Hôm nay các đồng chí đã có một cuộc họp bổ ích, - im lặng hồi lâu, chăm chú nhìn những thanh niên nam nữ ngồi trước mặt mình đang vừa xúc động về cuộc tranh cãi, vừa lắng dần đi, ông bắt đầu cất tiếng nói. - Các đồng chí đã đưa ra một vấn đề rất quan trọng - vấn đề về đạo đức của con người. Nhiều đồng chí nói rất đúng và chân thành, đúng là những đoàn viên thanh niên cộng sản. Thật là thú vị khi nghe những lời nói ấy. Nhưng có một vài đồng chí đã sai lầm, phát biểu nhiều ý hàm hồ khiến cho những người khác rối lên. Trước khi phát biểu ý kiến của mình về vấn đề chủ yếu - về mặt đạo đức của Sergei Palavin, tôi thấy cần phải nói một chút về những vấn đề chung. Các đồng chí phải nhớ rằng…
Krylov đặt bao thuốc xuống bàn, rút ra một điếu, rồi im lặng lấy những ngón tay to khỏe, ngắn ngủn bóp vụn điếu thuốc. Khi tiếng ồn ào ở phía ban thường vụ tắt hẳn, giọng nói nhỏ nhẹ của giáo sư Krylov vang lên một cách rất điềm tĩnh và có sức thuyết phục mạnh mẽ.
- Vladimir Ilych đã nói đấu tranh để củng cố và hoàn thiện chủ nghĩa cộng sản là cơ sở của đạo đức cộng sản. Lenin nói câu đó vào năm hai mươi. Đã gần ba mươi năm trôi qua và chúng ta đã xây dựng nên một xã hội mới và những con người mới. Nhưng những dấu vết của xã hội cũ chưa mất hẳn, nó vẫn còn rơi rớt lại trong ý thức của một số người, trong tâm lý của họ. Đúng là trong chúng ta còn có những người ích kỷ nhỏ nhen, những người chỉ thích sống dựa trên những kết quả của người khác, những kẻ hám danh lợi và hèn hạ. Như vậy, đấu tranh với những con người ấy và đấu tranh với những khía cạnh biểu hiện của chủ nghĩa vị kỷ, tự tư tự lợi, đố kỵ, những thiên kiến hỗn tạp, tiểu tư sản ngay trong chúng ta đồng thời cũng là đấu tranh cho đạo đức, nhắm củng cố và hoàn thiện chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ, khi còn học trong trường, các đồng chí càng nghiêm khắc với mình và với bạn bè bao nhiêu, thì tương lai cuộc sống lao động của các đồng chí càng có giá trị hơn và tốt đẹp hơn. Cần phải nhớ lấy điều đó. Còn đồng chí Sergei là một con người như thế nào? Một con người rất có khả năng, học giỏi, biết làm thơ, một người tích cực, ưa hoạt động… Hình như tất cả đều tốt. Bề ngoài thì rõ ràng là tốt, nhưng chỉ là bề ngoài, còn bên trong thì lại không tốt. Bên trong ẩn nấp một Sergei khác - một Sergei ích kỷ, đạo đức không trong sạch và đúng như lời Vadim đã nói - một kẻ vị kỷ tầm thường đến mức xấu xa. Chúng ta đã nhìn ra được cái bên trong ấy hơi muộn. Tất cả chúng ta đều có lỗi. Còn đối với Vadim, lẽ ra… - giáo sư quay bộ mặt nghiêm nghị, không một nét cười về phía Vadim, nhưng Vadim lại thấy đôi mắt sáng lên của giáo sư ẩn sâu dưới vầng trán dồ, nặng nề, rõ ràng là hơi nheo lại một cách khích lệ. - Hôm nay đồng chí Vadim phát biểu rất đúng. Phải nói rằng rất dũng cảm. Tôi rất hài lòng về lời phát biểu của Vadim, cũng như hài lòng nói chung về cuộc họp ngày hôm nay của chúng ta. Trường hợp của Sergei dạy chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến đời sống riêng của bạn bè, bắt chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc cả về hành vi và thái độ của mình đối với cuộc sống. Hôm nay chúng ta đã thảo luận về hành động của anh ta đối với một cô gái - một hành động rất xấu, thiếu trung thực. Vài giờ trước tôi còn biết một hành động tồi tệ nữa của Sergei. Người kể chuyện đó cho tôi hứa sẽ đến gặp ban thường vụ Đoàn, vì tôi đã đề nghị đồng chí Alekxandr Denixovich, - giáo sư Krylov quay sang đồng chí Levtsuc. - Hãy nhìn xem Krezber đã đến chưa?
- Thưa đồng chí Fedor Andreevich, đồng chí nói về ai thế ạ? - Spartar hồi, khi Levtsuc vừa bước ra khỏi phòng.
- Đó là một đồng chí nghiên cứu sinh của trường đại học Tổng hợp, đồng chí Krezber, đồng chí đó là bạn đồng ngũ với tôi, anh phụ trách một trung đội của trung đoàn tôi. Lát nữa các đồng chí sẽ rõ…
Mấy phút sau Levtsuc quay lại, theo sau là một người đàn ông cao lớn, tóc hung, mặc áo khoác thể thao có phéc- mơ- tuya và cầu vai, tay xách một cái cặp da to tướng màu cà phê. Sau khi lúng túng cúi chào mọi người. Krezber đi theo Levtsuc đến bên chiếc đi- văng, nhưng không hiểu sao anh lại đi kiễng chân.
- Anh Viktor Martynyk, mời anh lại đây! - giáo sư Krylov chi chỗ của mình. - để tất cả được trông thấy anh.
Krezber ngoan ngoãn chuyển sang ngồi ở bàn, đặt cái cặp của mình xuống sàn như đặt một chiếc va- li nặng. Anh liếc nhìn xung quanh, rồi mỉm cười do dự và bối rối. Bất chợt nhìn thấy Sergei, anh liền tắt cười, đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Vadim nhận thấy cả Sergei cũng nhìn xuống và không hiểu sao mặt đỏ lên.
- Đồng chí Krezber hôm nay đã kể cho tôi nghe khoảng nửa giờ trước khi họp ban thường vụ Đoàn về chuyện Sergei đã viết bản đề cương nổi tiếng trong “giới khoa học” của chúng ta như thế nào, - giáo sư Krylov nói. - để làm sáng tỏ toàn bộ câu chuyện, tôi đã yêu cầu đồng chí Krezber đến họp ở đây và kể lại câu chuyện của mình. Các đồng chí ủy viên thường vụ không phản đối chứ?
- Không, không ạ. Đề nghị các đồng chí nghe đồng chí Krezber! - Spartar sôi nổi nói, - Xin mời đồng chí Krezber phát biểu.
Krezber húng hắng ho và cất giọng nói nhã nhặn, dịu dàng:
- Đối với tôi, thưa các đồng chí, đây là một chuyện khá bất ngờ. Nhưng đã nói thì phải nói cho hết. Mấy tháng trước em gái tôi giới thiệu Sergei với tôi và đề nghị tôi giúp anh ấy viết bản đề cương về nghệ thuật kịch của Turgenev. Chính tôi cũng sắp viết xong luận án về đề tài này. Tôi đã giúp anh ta sưu tầm tài liệu, thư mục, một số lần góp ý với anh ta về cách bố cục và một số vấn đề khác. Chúng tôi gặp nhau hai ba lần gì đó. Tôi đã kể cho anh ấy về công việc của mình. Sergei Palavin hỏi mượn tôi bản luận án đã được đánh máy một vài chương. Tôi đã đưa anh ta đọc cả một buổi tối. Tôi đã khẩn khoản yêu cầu không được sử dụng trong bản đề cương một số luận điểm nhất định. Tôi cũng không muốn một số sự kiện, lập luận, đặc biệt là về ba đặc điểm của nghệ thuật kịch nói ở Turgenev, một số sự kiện mang tính chất tiểu sử của ông được mọi người biết trước khi công bố luận án, bởi vì đó là kết quả công việc nghiên cứu suốt trong hai năm liền của tôi. Có phải tôi đã yêu cầu như thế không, đồng chí Sergei? - bất chợt anh quay lại hỏi Sergei.
Sergei đang ngồi nghe Krezber bằng bộ mặt đăm chiêu, bất động, đã im lặng gật đầu.
- Riêng tôi, đáng ra tôi không được đưa luận văn ấy, hơn nữa đó mới là một bản luận văn chưa hoàn chỉnh, cho một con người không quen biết. Không ai làm thế. Nhưng, Sergei đã đề nghị và cả Valia, em gái tôi, cũng tha thiết yêu cầu… Nói tóm lại, chẳng bao lâu Valia cho tôi biết là bản đề cương của Sergei đã hoàn thành xuất sắc, đã được đọc ở Hội khoa học của các đồng chí, được khoa đánh giá cao. Tôi rất mừng cho Sergei. Nhưng từ đó tôi không nhìn thấy anh ấy một lần nào nữa, thế rồi ngày hôm qua, người hướng dẫn tôi, giáo sư Cliusnikov đã mang tới trường tuyển tập các công trình nghiên cứu của sinh viên trường các đồng chí. Giáo sư nói: “Một anh chàng sinh viên Palavin nào đó của trường đại học Sư phạm đã vượt lên trước anh rồi. Anh hãy đọc bài báo “Turgenev - nhà viết kịch” của anh ta thì biết”. Tôi đã đọc, nhưng thoạt đầu tôi không tưởng tượng được rằng đó là bài báo của Sergei, vì tôi không biết họ của anh ta, và quả thực, cái anh chàng sinh viên nhanh nhảu nào đó đã vượt lên tôi! Không, ở đây không thấy lộ ra giọng văn ăn cắp. Bài báo được viết theo một bố cục khác, riêng của mình, trong đó có nhiều suy nghĩ độc đáo. Nhưng, tôi đã tìm thấy trong đó những đoạn văn rời rạc mà tôi đã từng tự hào! Chính ở đây có một số lập luận mới mà tôi đã đề nghị Sergei không được sử dụng - thì chúng lại nằm ở ngay trong bài viết đó, trong một đoạn văn của người khác… Tất nhiên tôi phải phẫn nộ, cả giáo sư của tôi cũng vậy. Tôi muốn đi tìm Sergei, tôi gọi dây nói cho Valia. Nhưng Valia đã đi Kharkov rồi. Hôm nay tôi đến trường các đồng chí và hoàn toàn ngẫu nhiên gặp đồng chí Fedor Andreevich, tôi cùng với đồng chí ấy là những người bạn ngoài mặt trận, ngay từ khi còn ở Stalingrad. Đã hai năm nay chúng tôi không gặp nhau. Tôi đã kể cho đồng chí ấy nghe toàn bộ câu chuyện và đồng chí đã đề nghị tôi đền gặp ban thường vụ Đoàn. Các đồng chí thấy tôi không coi hành động của Sergei là sự ăn cắp văn, nói chung, bản đề cương là một công trình nghiên cứu độc lập. Nhưng Sergei đã không thực hiện lời hứa, lừa dối tôi và đặt tôi vào một hoàn cảnh khó xử. Hành động đó là vô đạo đức và tôi cho rằng không xứng với tư cách đoàn viên. Tôi không ngờ là công việc lại diễn ra như vậy, tôi không muốn phát biểu trong… tôi chỉ muốn gặp Sergei và nói với anh ấy một vài lời. Nhưng sự việc lại xoay ra thế này, đáng ra chỉ cần một đôi câu thì tôi đã phải nói khá dài. Thực lòng mà nói thì chỉ có thể, các đồng chí ạ.
Krezber im lặng, lập tức Spartar hỏi Sergei có phải chuyện đã xảy ra như vậy không? Sergei trả lời rằng đúng như thế.
- Anh đã sử dụng tài liệu của người khác để viết báo cáo của mình. Anh làm như thế để làm gì?
Mặt tái đi và không nhìn một ai, Sergei lắp bắp:
- Tôi không coi bản đề cương của tôi là sự ăn cắp của người khác.
- Thế anh coi nó là gì? - Spartar hỏi, - Có phải hoàn toàn là một công trình độc lập không?
Sau một hồi lâu im lặng, Sergei trả lời một cách mệt mỏi và lãnh đạm:
- Tôi muốn hoàn thành sớm…
- Thế đấy, - Spartar nói. - Cần phải hoàn thành cho nhanh để được đưa vào tuyển tập. Cần phải hoàn thành cho nhanh để được nhận học bổng đặc biệt. Và còn làm cho bản đề cương “trội hẳn lên nữa”.
Ban thường vụ Đoàn thanh niên cộng sản khối năm thứ ba quyết nghị: “Nghiêm khắc cảnh cáo đoàn viên Sergei Palavin vì đã vi phạm những nguyên tắc đạo đức cộng sản”.
Sau đó hai ngày, cuộc hợp toàn thể đoàn viên đã được triệu tập. Spartar, Vadim. Marina Gravet lại phát biểu, cả Lagodenko, Syryk và cả những người bạn cùng khoá của Sergei cũng phát biểu. Các bạn nữ trong nhóm kịch đã kể lại công việc của Sergei trong thời gian chuẩn bị chương trình “ca kịch vui”. Không ai phủ định tài năng của Sergei, nhưng hoạt động dưới sự điều khiển của anh ta thì không có ai thấy thích thú cả. Anh ta không chịu tiếp thu những lời khuyên và góp ý của bất kỳ người nào, anh ta coi quyết định nào của mình cũng là đúng đắn nhất và không cần bàn cãi.
- Và không hiểu sao, bao giờ những thành công chung của tập thể chúng tôi cũng đều được quy vào công lao của một mình Sergei, - Valia Maue nói. - Như vậy có đúng không? Chính trong chương trình “ca kịch vui“ trình diễn nhân dịp Năm Mới có hai cảnh - cảnh trong thư viện và cảnh làm báo tường - là do đồng chí Platonov, sinh viên năm thứ hai nghĩ ra. Còn bài tường thuật nổi tiếng về trận bóng đá hầu như hoàn toàn đo Aliosa Remescov viết…
Sergei chậm rãi bước lên bục nói chuyện. Lần này anh ta không làm ra vẻ một người vô cớ bị lăng nhục. Mặt anh ta sa sầm, mãi mới nói được lên lời. Đúng, anh ta thừa nhận rằng cá tính của anh ta là xấu xa, đê tiện, vị kỷ. Tất cả những điều đó đúng, đúng cơ bản… Nhưng anh muốn “tất cả những người ngồi trong gian phòng này“ tin rằng họ sẽ không phải chịu đựng mãi cái tính nết xấu xa của anh ta. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ được thở phào nhẹ nhõm. Thật là vô lý để cho ngần này con người phải đau khổ vì sự có mặt của một con người. Anh ta sẽ giải thoát cho họ. Anh ta sẽ ra đi…
- Sergei, cậu chẳng có điều gì để nói hay sao mà lại đưa ra những lời dối trá, bịa đặt như vậy? - Levtsuc hỏi.
Sergei ngồi ở hàng đầu, lưng còng xuống, hai tay ôm lấy đầu. Không, anh ta không muốn nói gì thêm nữa. Sau cuộc họp với đa số biểu quyết tán thành quyết nghị của ban thường vụ, Vadim nghe thấy Lena Medovskaya nói chuyện với ai đó bằng một giọng gay gắt và run rẩy:
- Tôi không hiểu… Chẳng lẽ người ta lại không thể yêu một người phụ nữ, sau đó gặp một người khác… người khác, - cô lắp bắp một cách bất lực, - và cắt đứt…
Bỗng nhiên cô nức nở, lấy khăn chùi nước mắt, rồi bỏ chạy.
Ngày hôm sau Sergei không xuất hiện ở trường nữa. Ngày hôm sau nữa anh ta nộp đơn cho chủ nhiệm khoa Miron Mikhailovich xin chuyển sang khoa hàm thụ.
Anh ta quyết định rời khỏi Moskva để về nông thôn làm giáo viên.
Những Người Sinh Viên Những Người Sinh Viên - Yuri Trifonov Những Người Sinh Viên