Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 23: Nước
N
ước là một thực thể trong thiên nhiên và là một vấn đề trong các thành phố của chúng ta. Bản chất của vấn đề này như sau: nước lúc thiếu, lúc thừa - thiếu lúc ở trong nhà và thừa lúc ở ngoài đường.
Cứ mưa xuống, lại thương lời một bài hát quen thuộc: “em đến thăm anh một chiều mưa”. Chẳng ai nỡ trách em, nhưng ít nhất, đây cũng là một việc làm không đúng lúc: em sẽ phải đối mặt với rủi ro của việc “quên đường về”. Sau mỗi chiều mưa, các đường phố đều có thể biến thành sông, thành suối. Nhớ cho ra đường về thật không dễ. Tìm cho ra cách về - còn gay go hơn. Để khắc phục tình trạng ngập, lụt chúng ta đã tìm cách nâng cao các đường phố. Tôn cho đường “cao, cao mãi” là cách chống ngập, lụt dễ thấy hiện nay. Cách làm này thoạt đầu thấy có lý. Nhưng cứ nghĩ cho kỹ thì không khỏi băn khoăn. Lý do là: bèo nổi theo nước, nước nổi theo đường. Đường cứ cao lên mãi thì nước chỉ còn có cách là chảy vào nhà chúng ta mà thôi. Vậy thì hợp lý hơn là nên làm ngược lại: đào rộng, khơi sâu hệ thống thoát nước. Đây là việc làm khó khăn hơn, nhưng cơ bản hơn.
Điều đáng phấn khởi về việc thừa nước ở ngoài đường là nó xảy ra không thường xuyên như việc thiếu nước ở trong nhà.
Dưới thời bao cấp, chúng ta đã từng phải đối mặt với tình trạng: “Ban đêm cả nhà lo việc nước, ban ngày cả nước lo việc nhà”. Hiện nay, ban ngày không biết cả nước có còn lo việc nhà nữa không, nhưng ban đêm cả nhà lo việc nước thì vẫn còn xảy ra ở rất nhiều nơi. Đây là một sự lỗi nhịp với thời cuộc. Từ khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, việc bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ như thế nào là vấn đề của mọi vấn đề. Và thị trường, như chiếc đũa thần, đã biến mọi người tiêu dùng thành “thượng đế” sau một đêm ngủ dậy. Tuy nhiên, bạn chớ nên tin mình là “thượng đế” của các nhà cung cấp nước sạch. Trong lĩnh vực này, có vẻ như nước đang chảy theo chiều ngược lại. Lý do là cơ chế thị trường vẫn còn bị cấm cửa. Mọi động lực của lợi nhuận và cạnh tranh đều chết chìm trong sự độc quyền. Bạn và tôi đang sống trong một ốc đảo mà quan hệ giữa những người cung ứng dịch vụ và những người tiêu dùng vẫn còn vận hành theo cơ chế “Bắt cởi trần phải cởi trần - Cho may ô mới được phần may ô”. Hoàn toàn bao cấp và xin cho!
Cơ chế này đã thất bại trong thì quá khứ, đang thất bại trong thì hiện tại. Và chúng ta ít có đủ lý do để tin rằng một khi nào đó nó sẽ thành công trong thì tương lai.
Thực ra, trong mọi công việc, nếu không chấp nhận cơ chế thị trường, bạn buộc lòng phải áp đặt cơ chế trách nhiệm. Vậy thì cơ chế trách nhiệm ở ta vận hành như thế nào?
Tác giả của bài viết này và những người hàng xóm đã chạy xin được cấp nước từ gần hai năm nay. Nước vẫn chưa có, nhưng vui thì thật nhiều: vui lần thứ nhất khi Chủ tịch thành phố quyết định sẽ cấp nước; vui lần thứ hai khi Chủ tịch quận quyết định sẽ đầu tư cho việc cấp nước từ nguồn của quận, nếu thành phố gặp khó khăn; vui lần thứ ba khi Sở Giao thông, Công chính phê duyệt dự án cấp nước; vui lần thứ tư khi Sở Kế hoạch, Đầu tư phê duyệt dự án thêm một lần nữa; vui lần thứ năm khi công ty nước sạch đến đào xới toàn bộ đường lên để đặt ống dẫn nước và lấp lại. Và niềm vui, cuối cùng, thì cũng được lấp cùng những chiếc ống dẫn nước đó. Sau mấy tháng tìm hiểu, người dân được biết là chỉ có Xí nghiệp cấp nước mới có quyền (thôi thì gọi là “có trách nhiệm” cho phù hợp với tính chất “của dân, do dân và vì dân” của hệ thống công quyền ở ta) dẫn nước từ ngoài đường vào trong nhà. Nhưng công ty chưa bàn giao công trình cho Xí nghiệp, nên Xí nghiệp không thể làm gì được. Nước chảy liền dòng, nhưng lại bị cách thức quản lý hành chính của chúng ta cắt thành nhiều khúc như vậy, nên nó chẳng có cách nào để chảy đến nơi được cả.
Ông Chủ tịch thành phố đã quyết định cấp nước cho các tổ dân phố của chúng tôi từ khi ông còn đang vận động bầu cử vào Quốc hội khóa XI. Đến nay, Quốc hội khóa XI đã họp gần xong Kỳ thứ 2, nhưng lời hứa cung cấp nước sạch cho dân thì vẫn chưa được thực hiện. Và theo cách thức tổ chức công việc của chúng ta hiện nay, không ai phải chịu trách nhiệm cả.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta hoàn toàn thất bại trong việc xác lập chế độ trách nhiệm, thì cũng không nên đành hanh với cơ chế thị trường. Ở các nước, như Anh và Pháp chẳng hạn, toàn bộ dịch vụ cung cấp nước sạch là do các công ty tư nhân đảm nhiệm. Thế nhưng, không thể cho rằng người dân ở đó được
cung cấp nước sạch tồi hơn ở ta. Điều đáng mừng là hình như Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu cho phép các công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ cung cấp nước sạch. Rất tiếc tác giả không được sống tại thành phố này. Tuy nhiên, đó là tín hiệu đáng mừng. Biết đâu sắp tới cơ chế thị trường lại có thể biến chúng ta thành những “thượng đế” không chỉ thực quyền hơn, mà còn sạch sẽ, thơm tho hơn.