Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: Hard Choices
Dịch giả: Lâm Hoàng Mạnh
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3044 / 90
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25: Nhân Quyền: Công Việc Còn Dang Dở
hi tôi lớn lên ở Park Ridge, Illinois, Chủ nhật nào tôi cũng đi lễ ở nhà thờ Methodist. Bố mẹ tôi đều là người có đức tin, nhưng hai người thể hiện hai cách khác nhau, đôi khi tôi phải đứng ra giải hòa, bố tôi tin vào tự lực cánh sinh còn mẹ tôi lại quan tâm đến sự công bằng xã hội. Năm 1961, một linh mục trẻ, năng động tên là Don Jones đến làm phụ lễ nhà thờ, chính ông đã giúp tôi hiểu rõ hơn về vai trò đức tin mà sau này lớn lên tôi thực hiện trong đời. Ông dạy tôi phải biết “hành động với đức tin”, biết mở rộng tầm mắt để hiểu được sự bất công trên thế giới, vượt qua thế giới quan của tầng lớp trung lưu mà tôi đang sống. Ông cho tôi mượn rất nhiều sách, đưa bọn thanh niên chúng tôi đến nhà thờ Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha - ND) của người da đen trong nội thành Chicago. Chúng tôi nhận thấy đức tin của chúng tôi có rất nhiều điểm chung, giống với đức tin của nam nữ thanh niên ở dưới tầng hầm nhà thờ, mặc dù kinh nghiệm và cuộc sống hai bên rất khác nhau. Đây là buổi thảo luận đầu tiên rất thích thú giúp chúng tôi hiểu thêm được về Phong trào Dân Quyền. Đối với tôi và các bạn trong lớp, Rosa Park và Tiến sĩ Martin Luther King, hai tên người này tôi thường thấy trên báo chí hoặc nghe lỏm được khi song thân tôi thường nghe bản tin vào buổi tối. Nhưng với nam nữ thanh niên mà tôi gặp trong chuyến viếng thăm nhà thờ, hai người ấy là niềm tin và nguồn hy vọng của họ.
Một hôm, linh mục Don tuyên bố sẽ đưa chúng tôi đến Chicago để nghe Tiến sĩ King diễn thuyết. Chuyện này cũng không mấy khó khăn khi tôi xin phép bố mẹ, nhưng một số bạn cùng lớp gia đình họ coi Tiến sĩ King là “kẻ kích động”, không cho phép con đi. Tôi thích lắm, nhưng không biết sẽ như thế nào. Khi tôi đến Orchestra Hall, Tiến sỉ King bắt đầu diễn thuyết, tôi thật sự sửng sốt. Bài diễn thuyết của ông với đề tài: “Nhận thức còn lại thông qua cuộc đại cách mạng”, ông thách thức tất cả những người có mặt đêm đó hãy tham gia vì công lý và phải tỉnh táo quan sát thế giới đang thay đổi từng ngày.
Buổi diễn thuyết kết thúc, tôi đứng xếp theo hàng dài để được bắt tay Tiến sĩ King. Sự dũng cảm, quan điểm triết học của ông đã để lại ấn tượng mãi mãi trong tôi. Tôi trưởng thành với sự tôn kính về nền đạo đức dân chủ Mỹ. Trong quan điểm chống cộng còn ngây thơ và mơ hồ của tôi, bố tôi là người theo đảng Cộng hòa, chúng ta có Bản tuyên ngôn Độc lập và Dự luật Nhân quyền trong khi đó Liên Xô không xác định được Chiến tranh Lạnh mang ý thức hệ. Bản tuyên ngôn về tự đo, bình đẳng là bất khả xâm phạm. Nhưng lúc bấy giờ tôi nhận ra nhiều người Mỹ vẫn phủ nhận những quyền mà tôi thụ hưởng. Bài giảng này và sức mạnh của những lời phát biểu của Tiến sĩ King đã như ngọn đèn chiếu sáng trong tim tôi, thúc đẩy về tự do xã hội mà nhà thờ đã dạy dỗ. Tôi cũng hiểu, từ truớc đến nay tôi chưa làm được những việc thiện nguyện và hoạt động xã hội để thể hiện lòng kính Chúa.
Thật bất ngờ khi tôi gặp Marian Wright Edelman và rất mến phục bà. Năm 1963 bà tốt nghiệp trường Đại học luật Yale, người phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên vào học Trường Mississippi Barrister và làm việc như một luật sư về nhân quyền trong Hiệp hội Quốc gia cho sự tiến bộ của người da màu (NAACP- National Association for the Advancement of Colured people) ở Jackson. Tôi dự buổi nói chuyện trong kỳ học đầu tiên ở Đại học Yale, bà đã mở toang cánh cửa trong cuộc đời cống hiến cho pháp lý, xã hội, chính trị vì quyền con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Một trong những công việc đầu tiên tôi làm sau khi tốt nghiệp trường luật là làm với bà Marian trong Quỹ Bảo vệ trẻ em. Bà yêu cầu tôi giúp điều tra một sự bí ẩn: tại sao trong rất nhiều cộng đồng dân chúng, rất kỳ lạ khi số trẻ em không đến trường quá đông đến như vậy. Theo báo cáo của ban điều tra dân số, số lượng trẻ em nơi đó là như vậy, nhưng con số tới trường rất ít, vậy vấn đề gì đang xảy ra? Tham dự cuộc khảo sát toàn quốc, tôi đến gõ cửa từng nhà tại New Bedford, Massachusetts tìm hiểu từng gia đình. Chúng tôi phát hiện, một số cháu phải ở nhà trông em để bố mẹ đi làm. Một số buộc phải bỏ học để đi làm hoặc phụ bố mẹ lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng phần lớn chúng tôi thấy các cháu khuyết tật phải ở nhà vì không đủ phương tiện giúp đỡ ở các trường của nhà nước. Đó là những cháu khiếm thị, khiếm thính, không tự di chuyển phải ngồi xe lăn và nhất là các cháu bị dị tật bẩm sinh mà gia đình không đủ điều kiện chữa trị. Tôi vẫn còn nhớ đã gặp bé gái ngồi trên chiếc xe lăn ở cái cổng hẹp phía sau nhà của cháu, tôi chuyện trò với nó dưới dàn nho. Cháu rất thèm khát được tới trường, được đi học nhưng điều đó coi như quá xa vời với nguyện ước của cô bé.
Cùng với tất cả đối tác trong toàn quốc, chúng tôi tổng hợp toàn bộ số liệu điều tra gửi về Washington và Quốc Hội đã ban hành điều luật: tất cả trẻ em trong toàn quốc đều có quyền được đến trường kể cả các những trẻ em khuyết tật. Đối với tôi, đây là sự khởi đầu cam kết suốt đời của tôi vì quyền lợi trẻ em. Tôi vẫn giữ những cam kết đó, vì thế Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tôi bổ nhiệm Cố vấn Đặc nhiệm về Quyền người Khuyết tật Quốc tế, khuyến khích chính phủ các nước bảo vệ quyền lợi người khuyết tật. Tôi rất vui và tự hào ủng hộ Tổng thống Obama tại Nhà Trắng khi ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ ký Công ước của LHQ về Quyền của Người khuyết tật, dựa theo Đạo luật Chống đối xử phân biết với người khuyết tật của Hoa Kỳ và đây là hiệp ước mới nhất về Nhân quyền của thế kỷ thứ 21. Nhưng tôi cũng rất thất vọng khi một số Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà đã tìm cách ngăn chặn phê duyệt vào tháng 12-2012, bất chấp lời cầu khẩn thiết tha từ Bob Dole người lãnh đạo phe đa số Thượng viện Dân chủ, một anh hùng bị thương trong chiến tranh.
Một trong những cơ hội đầu tiên tôi tuyên bố quan điểm của mình về nhân quyền trước sự theo dõi của toàn thế giới vào tháng 9-1995. Với cương vị Đệ nhất phu nhân, tôi dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đến dự Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh, tôi sẽ đọc bài diễn văn trước các đại biểu đến từ 189 quốc gia cũng như trước hàng ngàn ký giả và các nhà hoạt động xã hội trên thế giới.
“Mục đích của bà là gì?” Madekeine Albright hỏi trong khi tôi đang thảo luận đề cương bài diễn văn với Lissa Muscatine, một chuyên viên viết diễn văn tài năng của tôi. Tôi đáp: “Tôi muốn vượt qua giới hạn càng nhiều càng tốt khi tôi thay mặt cho toàn thể chị em phụ nữ và bé gái.” Tôi muốn bài phát biểu với lời lẽ đơn giản, nhưng sinh động và phải là thông điệp mạnh mẽ về những quyền của người phụ nữ và không thể tách rời khỏi quyền con người mà từng cá nhân được thụ hưởng.
Chuyến công du với tư cách Đệ nhất phu nhân, tôi tận mắt thấy những khó khăn, trở ngại mà chị em phụ nữ cũng như các bé gái phải đối mặt: Luật pháp và tập tục đã hạn chế không cho phép họ được học hành, chăm sóc y tế cũng như tham gia hoạt động kinh tế và chính trị trong nước. Ngay cả trong chính gia đình của mình, họ cũng chịu cảnh bạo lực và áp bức. Tôi muốn nêu vấn đề này trước công luận về những cản trở và yêu cầu thế giới ủng hộ, tìm mọi cách xóa bỏ chướng ngại vật gây cản trở đó. Không những thế, tôi còn muốn nói với toàn thể chị em phụ nữ và bé gái phải đòi hỏi quyền được đi học, yêu cầu được chăm sóc y tế, được độc lập về kinh tế, được hưởng quyền lợi hợp pháp và được tham gia hoạt động chính trị, cũng như cần có sự cân bằng hợp lý giữa vấn đề nạn nhân là người phụ nữ do tệ phân biệt đối xử và với việc phụ nữ là tác nhân đưa đến sự thay đổi. Tôi muốn dùng tiếng nói của tôi kể những câu chuyện có thật, không chỉ ở những người phụ nữ tôi đã gặp mà đây cũng là câu chuyện chung của hàng triệu người phụ nữ khác trên thế giới sẽ chẳng ai biết nếu tôi hay một ai đó không nói ra.
Nội dung chính bài diễn văn là bản tuyên bố minh bạch và không ai có thể chối cãi được, nhưng thật đáng tiếc từ lâu không được đề cập trên diễn đàn thế giới. Tôi tuyên bố: “Nếu thông điệp đưa ra gây tiếng vang từ hội nghị này, cho ta thấy nhân quyền chính là quyền của người phụ nữ và quyền của người phụ nữ cũng chính là nhân quyền. Cả hai vấn đề chỉ là một.”
Tôi nêu danh sách những hành động vi phạm, kể cả bạo lực trong gia đình, ép buộc bán dâm, cưỡng dâm là một hành động xấu xa, nhưng có khi nó lại là phần thưởng trong chiến tranh và hủ tục cắt âm vật, thiêu sống cô dâu… đây cũng chính là những hành vi vi phạm quyền phụ nữ và cũng là vi phạm nhân quyền. Tôi yêu cầu thế giới đồng thanh lên án và chấm dứt những hành vi bạo lực đó. Tôi kể về những người phụ nữ rất đáng kính mà tôi đã gặp: Những bà mẹ tân tiến trong làng ở Indonesia thường xuyên gặp gỡ trao đổi cách nuôi dạy con cái, kế hoạch hoá gia đình, cách chăm sóc trẻ em; Phụ nữ ở Ấn Độ, Bangdalest đã biết sử dụng các khoản vay theo chương trình vi mô để mua bò sữa, xe kéo, bông vải sợi và những hàng hoá khác để kinh doanh, buôn bán nhỏ. Những người phụ nữ Nam Phi đã đóng góp ý kiến với những nhà lãnh đạo đấu tranh chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và giờ đây đang đóng góp cho sự nghiệp xây dựng nền dân chủ.
Kết thúc diễn văn, tôi kêu gọi, khi tất cả mọi người trở về, cần có hành động cụ thể, tăng cường nỗ lực nhằm cải thiện giáo dục, y tế, pháp lý, kinh tế và những cơ hội hoạt động chính trị cho người phụ nữ. Khi lời cuối cùng chấm dứt, tất cả các đại biểu đã đứng lên vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh. Tôi buớc ra khỏi hội trường, nhiều chị em trèo qua cả lan can, chạy xuống thang máy tìm cách bắt tay tôi.
Thông điệp của tôi gây tiếng vang lớn với chị em phụ nữ ở Bắc Kinh, nhưng tôi không thể đoán được tiếng vang ấy lan tỏa bao xa và tác động như thế nào của bài phát biểu vẻn vẹn chỉ kéo dài trong vòng 20 phút. Gần 20 năm qua, hầu hết những người phụ nữ trên thế giới thường trích dẫn bài phát biểu, đôi khi đề nghị tôi ký lưu niệm vào bản sao bài diễn văn, kể cho nhau nghe những câu chuyện riêng về những cảm nghĩ hoạt động cho sự thay đổi.
Điều quan trọng bậc nhất, đó là 189 quốc gia có mặt tham dự hội nghị đã nhất trí thông qua chi tiết Cương lĩnh Hành động, kêu gọi “quyền bình đẳng toàn diện của người phụ nữ trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa.”
Trở về Nhà Trắng, tôi cùng cả nhóm ngồi lại với nhau, bắt tay vào làm việc để tạo dựng những gì đã đưa ra ở Bắc Kinh. Từ đó chúng tôi thường xuyên đưa ra những chiến lược. Thỉnh thoảng gặp nhau ở Map Room (phòng tiếp khách nhỏ của Tổng thống- ND) trên tầng một của Residence, nơi Tổng thống Franklin Roovevelt thường xuyên theo dõi hoạt động của quân đội qua bản đồ trong Thế chiến thứ 2. Hầu hết các bản đồ đã chuyển đi nơi khác (tôi giữ một bản đồ gốc của Franklin Delano Roosevelt có khoanh vùng nơi quân liên minh đóng ờ châu Âu năm 1945 treo ở trước lò sưởi), cảm thấy nơi đây vẫn là địa điểm tốt nhất để lập những chiến dịch mang tính toàn cầu. Lần này không phải chúng ta đang chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít hay cộng sản, nhưng mục tiêu của chúng tôi lớn lao và táo bạo: thúc đẩy các quyền và cơ hội cho một nửa dân số trên thế giới. Đó là giới phụ nữ.
Trong bối cảnh này, ta có thể xem xét bản đồ thế giới theo nhiều cách khác nhau. Cách dễ dàng nhất mà ta có thể thấy từ vấn đề này chuyển sang vấn đề khác như sau. Cầm chiếc phi tiêu ta ném đại vào bản đồ treo trên tường, chiếc phi tiêu cắm vào nước nào thì nước ấy người phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với bạo lực, sự lạm dụng và nền kinh tế nơi đó đã khước từ không cho phép người phụ nữ có cơ hội tham gia phát triển thịnh vượng và ngay cả trong hệ thống chính trị cũng không đếm xỉa đến họ. Đây cũng chẳng phải sự trùng khớp ngẫu nhiên nơi mà thân phận người phụ nữ bị đánh giá thấp lại có liên quan tới những vùng đất đầy bất ổn, nhiều xung đột, chủ nghĩa cực đoan hoành hành và nghèo đói kéo dài.
Điều này cũng xảy ra với những người đàn ông đang xây dựng chính sách đối ngoại của Washington, nhưng nhiều năm qua tôi đã chứng kiến và cho thấy có nhiều lý do thuyết phục nhất, vì sao phải ủng hộ người phụ nữ và bé gái, nó không chỉ là vấn đề đúng cần phải giải quyết mà còn thể hiện sự thông minh và chiến lược của chúng ta. Sự ngược đãi phụ nữ chắc chắn không phải là nguyên nhân, thậm chí cũng không là nguyên nhân chủ đạo của vấn đề chúng tôi ở Afghanistan, nơi mà bọn Taliban cấm nữ sinh tới trường, bắt người phụ nữ phải sống trong điều kiện khắc nghiệt thời trung cổ hay ở Trung Phi, vùng đất mà sự hiếp dâm trở thành một thứ vũ khí phổ biến trong chiến tranh. Nhưng vấn đề này có sự tương quan không thể phủ nhận, một nghiên cứu về sự phát triển con người cho ta thấy, điều kiện cải thiện cho người phụ nữ đã giúp giải quyết xung đột và ổn định xã hội. “Vấn đề của phụ nữ” lâu nay đã bị gạt dần ra bên lề chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và quốc tế, được coi là điều tốt nhất của những điều tốt đẹp nhất trong công việc mà giờ đây hầu như không còn cần thiết. Tôi đã tin điều đó, nhưng trên thực tế đây lại là nguyên nhân gây tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta.
Nhưng lại có cách khác suy xét về hiện trạng thế giới. Thay vì những vấn đề khó khăn, ở đây cũng có thể nhìn thấy nhiều cơ hội. Trên thế giới cũng có rất nhiều người phụ nữ tìm ra giải pháp mới để giải quyết vấn đề cũ. Họ hăm hở đến trường, có mảnh đất riêng của chính họ, kinh doanh và ra ứng cử cơ quan chính quyền nhà nước. Nhiều quan hệ đối tác thành lập, chịu trách nhiệm bảo trợ nếu chúng ta tăng cường đẩy mạnh hoạt động. Tôi ủng hộ chính phủ, lĩnh vực tư nhân, cộng đồng NGO cùng các tổ chức quốc tế khác giải quyết những thách thức và cho ta thấy phụ nữ không phải là nạn nhân cần sự thương hại để giải cứu mà chính là đối tác quan trọng.
Tôi có hai Chánh văn phòng tại Nhà Trắng, đó lả những người bạn đồng hành không thể thiếu trong những chuyến công du. Maggie Williams, người làm việc với tôi ở Quỹ Bảo vệ Trẻ em từ những năm 1980s, nhà ngoại giao tuyệt vời, một trong những người có óc sáng tạo nhất trong số những người tôi từng biết. Bà đã giúp tôi mở các khóa học trong thời gian tôi là Đệ nhất phu nhân, không những thế bà còn là người bạn thâm giao. Còn Melanne Verveer làm phó cho Maggie trong nhiệm kỳ đầu tiên và là người kế nhiệm ở nhiệm kỳ hai của Quỹ Bảo vệ Trẻ em. Melanne và phu quân bà, Phil, cả hai đều học cùng với Bill Clinton ở Georgetown, bà trở thành ngôi sao mới nổi ở Capitol Hill và ở tổ chức People for the American Way. Điều đơn giản là năng lực và trí tuệ của bà làm việc không biết mệt mỏi với niềm đam mê khi được thay mặt cho giới phụ nữ và bé gái mà chưa từng thấy ai như vậy.
Nhiều năm sau, ở Bắc Kinh đã có những bước tiến đáng kể. Luật pháp ở nhiều nước xưa kia đối xử bất bình đằng với phụ nữ và bé gái nay đã xóa bỏ. LHQ thiết lập một cơ quan Phụ nữ LHQ và được Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết công nhận vai trò quan trọng của người phụ nữ trong hoà bình và an ninh. Các nhà nghiên cứu tại Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF- Intrenational Monetary Fund) và nhiều tổ chức khác đã mở rộng nghiên cứu về tiềm năng chưa được khai thác của phụ nữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Những người phụ nữ đã có cơ hội làm việc, học tập và tham gia trong xã hội, họ đã đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội và chính trị của đất nước tăng lên gấp bội.
Tuy nhiên bất chấp những tiến bộ này, đa số phụ nữ và bé gái trên thế giới vẫn chưa được chăm sóc y tế, chăm lo đời sống và được trả đồng lương xứng đáng. Đến cuối năm 2013, số người phụ nữ có ghế trong Quốc hội và cơ quan lập pháp chiếm tỷ lệ chưa đến 22% trên thế giới. Nhiều nơi trên thế giới, người phụ nữ vẫn chưa được phép mở tài khoản ngân hàng hay ký những hợp đồng kinh tế. Hơn một trăm quốc gia trên thế giới vẫn còn đạo luật hạn chế hoặc ngăn cấm phụ nữ tham gia hoạt động trong ngành kinh tế tài chính. Hai muơi năm trước, phụ nữ Mỹ chỉ được trả mức lương bằng 72% so với thục tế. Ngày nay vẫn đề này vẫn còn bất cập, chưa được hoàn toàn bình đẳng. Phụ nữ nước ta vẫn là những người chiếm đa số làm những công việc lương thấp, gần ba phần tư các công việc đó là bồi bàn, tiếp viên, bán rượu trong quán bar và nghề cắt tóc, nhưng thậm chí mức lương của họ còn thấp hơn theo mức lương tối thiểu tính theo giờ. Trong khi đó, theo bảng xếp hạng Fortune 500 của CEO (Năm trăm người thành đạt toàn cầu giữ chức vụ tổng Giám đốc điều hành, theo thống kê năm 2014 chỉ có 17/500 công ty là phụ nữ giữ chức vụ này- ND) người phụ nữ chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Trong ngắn hạn, hành trình giúp người phụ nữ và bé gái được đóng góp và tham gia các hoạt động trong xã hội sẽ có những bước tiến xa hơn.
Đối mặt với sự thật tàn nhẫn, phũ phàng làm người ta dễ thất vọng và nản lòng. Những sự kiện nhiều nhất ở Bắc Kinh đến Nhà Trắng, những lúc tôi cảm thấy nản bởi phạm vi của các thách thức quá nhiều mà chúng tôi khó có thể vượt qua, tôi thường phải an ủi bằng cách ngắm bức chân dung Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, tôi treo trong phòng làm việc. Bà được đánh giá là Đệ nhất phu nhân đầy dũng cảm, chiến sĩ ngoan cường đấu tranh vì nhân quyền. Sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt qua đời và Thế chiến thứ II kết thúc, bà đại diện cho Hoa Kỳ tận tâm giúp LHQ mới thành lập phát triển. Trong phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng LHQ tại London vào đầu năm 1946, bà cùng 16 đại biểu phụ nữ khác công bố “bức thư ngỏ gửi chị em phụ nữ toàn thế giới” trong đó lập luận “phụ nữ ở các nước, các khu vực khác nhau trên thế giới họ có thân phận khác nhau khi tham gia vào đời sống cộng đồng” nhưng “mục tiêu chung của việc tham gia trong cuộc sống và trách nhiệm của quốc gia của họ, của cộng đồng thế giới hướng tới rất cần phụ nữ khắp thế giới hỗ trợ lẫn nhau.” Ngôn từ “tham gia toàn diện” của Eleanor đã vang trong Cương lĩnh Hành động tại Bắc Kinh gần 50 năm sau và luôn luôn vang vọng trong tôi.
Bà sử dụng nhiều thành ngữ và những câu nói để đời. Một lần bà nhận xét một cách khó chịu: “Một người phụ nữ cũng giống như một trà túi, bạn không thể nói cô ta mạnh mẽ thế nào cho đến khi cô ta ở trong tình trạng nước sôi lửa bỏng.” Tôi rất thích lời nhận xét này, cũng là trải nghiệm về điều này. Năm 1959, lúc đó bà Eleanor được coi là quốc mẫu ở tuổi xế chiều, bà viết bài bình luận đăng trên báo kêu gọi người Mỹ hành động: “Nền dân chủ của chúng ta chưa thành công khi công dân của chúng ta chưa được bình đẳng về tự do, bình đẳng về cơ hội và đó công việc và nhiệm vụ cùa chúng ta chưa hoàn thành.” Tôi đã tận tâm tận lực làm việc thay mặt cho chị em phụ nữ và bé gái trên toàn thế giới, nêu ra và yêu quyền bình đẳng, quyền tham gia hoạt động toàn diện của phụ nữ, coi như đây là “công việc chưa hoàn thành” của thời đại chúng ta. Đây cũng là lời nhắc nhở với mọi người và cả chính tôi, chúng ta vẫn phải cố gắng tiến bước.
Thành tựu to lớn nhất của bà Eleanor Roosevelt là góp sức ra bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (do đồng tác giả: John Peters Humphrey (Canada), René Cassin (Pháp), Trương Bàng Quân còn gọi là Bành Quân (Trung Quốc), Charles Malik (Lebanon), Eleanor Rooservelt (Hoa Kỳ)… - ND), một thỏa thuận quốc tế đầu tiên về quyền con người. Hậu quả sau Thế chiến lần thứ II và Holocaust, nhiều quốc gia trên thế giới đã bức xúc đưa ra những tuyên bố tương tự để ngăn chặn những hành động tàn bạo trong tương lai, bảo vệ các phẩm giá của nhân loại. Bọn Nazis theo đuổi tội ác vì cho rằng chúng là giới thượng đẳng có quyền bắt con người theo quỹ đạo mà chúng muốn. Một thứ linh hồn lạnh cảm, tối tăm của con người nơi mà đầu tiên chúng vứt bỏ sự hiểu biết, sau đó đồng tình và cuối cùng còn mệnh danh phẩm giá con người của những người khác, tuy nhiên không phải ai cũng nghĩ như thế, trừ bọn Đức Quốc xã. Sự cuồng tín mất hết tính nhân đạo đang xuất hiện trở lại trong suốt quá trình lịch sử, vì những lẽ đó, bản dự thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời, hy vọng sẽ ngăn chặn được chúng.
Họ thảo luận, bắt tay vào viết, xem xét, sửa đổi và viết đi viết lại cho đến khi hoàn thiện dự thảo. Ngoài ra họ còn kết hợp với những đề xuất, đề nghị sửa đổi của nhiều chính phủ, các tổ chức và một số cá nhân trên toàn thế giới. Ngay trong bản dự thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã có đề cập đến quyền phụ nữ. Ngay lời đầu tiên của bản tuyên bố viết “Mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Điều ấy cho phép người phụ nữ trở thành thành viên trong các Uỷ ban mà người đầu tiên là bà Hansa Medta của Ấn Độ đã vạch ra rằng, tại sao nơi nào cũng chỉ thấy “toàn đàn ông” mà không có phụ nữ. Sau một thời gian dài thảo luận, tranh cãi, những ngôn từ mới thay đổi: ”Mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi.”
Ba giờ sáng ngày 10-12-1948, sau gần hai năm soạn thảo và sau một đêm cuối cùng tranh luận kéo dài, chủ tịch Đại hội đồng LHQ yêu cầu bỏ phiếu thông qua. Bốn mươi tám quốc gia bỏ phiếu thuận, tám phiếu trắng, không có phiếu chống và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã ra đời. Bản tuyên ngôn chỉ ra quyền của chúng ta không phải do chính phủ ban cho, đó là quyền của con người khi sinh ra. Không được phân biệt đối xử với bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Bởi vì chúng ta là con người, ai cũng có quyền được hưởng và chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ những quyền ấy.
Trong thời kỳ Chíến tranh Lạnh, sự quan tâm của Mỹ về nhân quyền đã giúp chính nước ta trở thành một nguồn hy vọng và niềm tin cho hàng triệu triệu nhân dân trên thế giới. Nhưng chính sách và sự thực hiện chưa đáp ứng được ý tưởng của chúng ta. Ngay trong nước, người phụ nữ không dám từ chối khi bị yêu cầu nhường ghế trên xe búyt, người thuyết giáo không thể từ chối khi bắt không được nói câu “thời điểm này vô cùng cấp bách”(một câu nó nổi tiếng trong bài “Tôi có một giấc mơ” của Tiến sĩ Martin Luthe King - ND) cũng như nhiều người khác không dám từ chối khi bị phân biệt và đối xử phân biệt, chúng ta cần thừa nhận các quyền công dân của toàn thể nhân dân chúng ta. Trên thế giới chính phủ ta thường ưu tiên lợi ích an ninh và chiến lược trên các mối quan tâm về nhân quyền, còn ủng hộ các nhà độc tài đáng ghét vi phạm nhân quyền nếu họ chia sẻ với chúng ta việc chống cộng.
Suốt chặng đường lịch sử chính sách ngoại giao của Mỹ, vẫn tiếp tục tranh luận về cái gọi là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa duy tâm. Theo quan niệm cũ, người ta lập luận, phải đặt an ninh quốc gia lên trước quyền con người, trong khi những người sau lại đặt vấn đề nguợc lại. Đây là vấn đề tôi thấy quá đơn giản. Không một ai nên ảo tưởng về tính nghiêm trọng các mối đe dọa về an ninh mà Mỹ đang đối mặt, dù ở cương vị Ngoại trưởng trách nhiệm cũng không hơn để bảo vệ người dân và quốc gia. Đồng thời cũng phải phát huy giá trị phổ quát và quyền con người, đây là vấn đề cốt lõi của Mỹ. Nếu chúng ta hy sinh những giá trị hoặc để các chính sách đi trệch hướng những lý tưởng đề ra thì ảnh hưởng của chúng ta sẽ suy yếu dần, quốc gia Hoa Kỳ không còn là những gì mà Tổng thống Abraham Lincoln đã gọi “hy vọng tốt đẹp nhất của hành tinh”. Hơn nữa để bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta vì thế thường cũng bớt căng thẳng khi nó xuất hiện. Trong dài hạn, phải tìm cách ngăn chặn sự suy yếu, gây mất ổn định và những mối đe dọa mới mà chúng ta phải tôn trọng nền dân chủ và dân quyền, xây dựng một xã hội vững mạnh và ổn định.
Như trong cuốn sách này mà bạn thấy, nhiều khi chúng tôi đành phải thỏa hiệp với những khó khăn. Thách thức trong đôi mắt tinh tường của chúng ta là đừng để mất niềm tin của thế giới. Đó là lý do tại sao lâu nay tôi lại thích cả chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa duy tâm. Tôi tự coi mình là người đã biết kết hợp cả hai chủ nghĩa hiện thực và duy tâm. Bởi vì tôi cũng như đất nước chúng ta đều thể hiện cả hai khuynh hướng đó.
Một thí dụ tôi rất yêu thích về cách hỗ trợ nhân quyền mà lại thúc đẩy lợi ích chiến lược từ những năm 1970s khi Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Berald Ford đã ký Hiệp ước Henlsinki với Liên Xô. Một số nhà bình luận phương Tây bác bỏ những điều khoản về nhân quyền coi đó là đề cao sự điên rồ của chủ nghĩa duy tâm, không xứng đáng ghi trong văn bản. Về phía Nga, họ coi như không thèm đếm xỉa chuyện này. Một chuyện bất ngờ xảy ra. Những nhà hoạt động và bất đồng chính kiến phía sau Bức màn sắt nhận ra, giờ đây họ được quyền hoạt động cho việc đổi mới vì Hiệp ước Helsinky đã cho phép họ được quyền thảo luận về nhân quyền. Trong khi đó các quan chức cộng sản buộc phải bó tay vì các điều khoản đã ký kết có trong bản Hiệp ước. Họ không thể lên án văn bản mà Điện Kremlin đã ký, nhưng nếu họ thực thi các điều khoản cũ sẽ bị phá vỡ. Mấy năm sau, Công đoàn Đoàn kết của công nhân xưởng đóng tầu biển Ba Lan, các nhà hoạt động cải cách của Hunggary và những người biểu tình ở Praque, Tiệp Khắc đã nhanh chóng nắm lấy quyền cơ bản được quy định của hiệp ước Helsinki. Họ yêu cầu chính phủ phải nâng cao đời sống theo tiêu chuẩn đưa ra. Hiệp ước Helsinki chứng minh nó là “con ngựa gỗ thành Troy” đóng góp sự sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản. Hiệp ước này hoàn toàn không còn là “quyền lực mềm” nữa.
Tôi không bao giờ quên hiệp ước Helsinky thể hiện sự khôn khéo, thông minh, có tác động chiến lược thông qua nhân quyền mà chúng ta có. Mỗi khi có điều gì khó khăn, tôi bao giờ cũng ngắm bức chân dung bà Eleanor Roosevelt đặt trên bàn làm việc.
Cuối năm 1997, hai năm sau hội nghị ở Bắc Kinh, LHQ mời tôi đến khai mạc hoạt động kỷ niệm lần thứ 50 ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ngày 10-12 trở thành Ngày Nhân Quyền của thế giới, tôi đến trụ sở LHQ ở New York, đọc bài phát biểu về trách nhiệm chung thực hiện di sản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền trước thềm Thiên Niên Kỷ mới. Tôi đánh giá cao sự tiến bộ trên thế giới đã được thực hiện từ năm 1948, nhưng đưa ra những vấn đề cần quan tâm: “Chúng ta chưa mở rộng sự hoạt động rộng lớn trên thế giới về phẩm giá con người. Giờ đây vẫn còn rất nhiều nam nữ chúng ta chưa được hưởng các quyền cơ bản công bố trong Tuyên Ngôn, có quá nhiều người trong chúng ta có trái tim chai cứng chống lại sự tìm hiểu những con người đau khổ vì không tìm hiểu đầy đủ xem, nghe và cảm nhận của họ.” Tôi đặc biệt kêu gọi sự lưu ý đến chị em phụ nữ và bé gái trên toàn thế giới những người vẫn bị chế độ từ chối quyền lợi và không tạo cơ hội cho phép họ tham gia các hoạt động xã hội. “Sự giải phóng toàn diện cho người phụ nữ hiện nay vẫn là công việc chưa hoàn thành trong thế kỷ đầy biến động này”, tôi phát biểu và nhắc lại câu nói của Eleanor: “Bởi vì mỗi thời đại đều có những điểm mù của nó vì thế chúng ta cần nhận thấy công việc chưa hoàn thành, nhất là giờ đây trước ngưỡng cửa Thiên niên kỷ đầy cấp thiết. Chúng ta một lần nữa phải cống hiến hết sức mình cho hoạt động nhân quyền vì mọi người.”
Năm 2009, khi trở thành Ngoại trưởng, tôi đã quyết định “công việc dang dở” trong danh sách hàng đầu của chương trình công tác ngoại giao Hoa Kỳ. Cuộc điện đàm với Melanne Verveer là một trong những cuôc gọi đầu tiên của tôi. Bà đã từng làm việc tám năm cho chương trình Vital Voices, một tổ chức do bà và tôi cùng với Madeleine Albright hỗ trợ cho phụ nữ mới nổi trên toàn thế giới. Tôi đề cử bà Melanne làm Đại sứ Lưu động đầu tiên về Vấn đề Phụ nữ Toàn cầu, giúp tôi vạch kế hoạch “chương trình nghị sự toàn diện” trong đó mang đầy đủ cơ cấu chính sách đối ngoại và an ninh Hoa Kỳ. Chúng tôi thúc đẩy sự năng động của các văn phòng và cơ quan có cách nhìn và suy nghĩ mới về vai trò người phụ nữ trong các cuộc xung đột và kiến tạo hoà bình, phát triển kinh tế và dân chù, y tế cộng đồng…Tôi không muốn trụ sở của bà là nơi duy nhất khi công việc đã hoàn thành, đúng hơn là tôi muốn nó là cơ sở tổng hợp những công việc hàng ngày của các nhà ngoại giao, các chuyên viên phát triển trên toàn thế giới.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và tổ chức USAID đưa ra hàng loạt sáng kiến toàn cầu và khu vực, kể cả chương trình giúp đỡ các nữ doanh nhân được tiếp cận với việc đào tạo, thị trường, tài chính và tín dụng. Mối quan hệ đối tác với một số trường cao đẳng và đại học hàng đầu nữ sinh ở Mỹ, chúng tôi tìm kiếm những tài năng để đào tạo phụ nữ cho các dịch vụ công cộng trên toàn thế giới. Và với những nỗ lực tìm cách giúp đỡ phụ nữ biết cách sử dụng các hệ thống công nghệ đi động trong mọi trường hợp từ việc đảm bảo an toàn trong ngân hàng đến những hồ sơ tài liệu về các bạo lực trên toàn thế giới. Melanne không biết mệt mỏi khi công du khắp các nơi trên thế giới tìm kiếm đối tác địa phương, nắm vững và đảm bảo những nỗ lực ăn sâu cắm rễ vào các cộng đồng điạ phương cũng như ở thủ đô. Có lần tôi nói đùa, bà là người duy nhất tôi biết đã phá vỡ kỷ lục về cây số trong các chuyến công du của tôi. (Chỉ tính con số đi chuyển trong các chuyến bay của Không lực Hoa Kỳ mà thôi!)
Nhiều năm trước, chuyến công du khắp vùng châu Phi, đi đến đâu tôi cũng có nhiều ấn tượng, phụ nữ làm việc trên cánh đồng, bán hàng trong các quầy ở chợ. Tôi nói chuyện với một số nhà kinh tế học và hỏi: “Làm thế nào các ông đánh giá được người phụ nữ đã đóng góp cho nền kinh tế trong nước?” Một người trong số họ trả lời: “Chúng tôi không làm, bởi vì họ không tham gia vào nên kinh tế.” Ý của ông ta có nghĩa là đánh giá nền kinh tế chỉ tính những sản phẩm, của cải vật chất trong công xưởng nhà máy và văn phòng. Nhưng họ quên một điều, nếu tất cả chị em phụ nữ trên toàn thế giới ngừng làm việc chỉ trong một ngày thôi, các nhà kinh tế học sẽ nhanh chóng thấy rằng người phụ nữ thực sự đã đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế như thế nào cũng như đối với hoà bình và an ninh trong các cộng đồng của họ.
Tôi đã từng chứng kiến về thái độ coi thường như thế này ở nhiều nơi trên thế giới. Khó có thể kể với các bạn bao nhiêu lần tôi ngồi đối diện thảo luận với các vị Tổng thống, Thủ tướng, ánh mắt của họ rất thờ ơ lạnh nhạt mỗi khi tôi nêu vấn đề về quyền lợi và cơ hội cho phụ nữ ở quốc gia họ. Tôi từng lặng lẽ quan sát, theo dõi xem có bao nhiêu lãnh đạo và cố vấn là phụ nữ được tham gia các cuộc họp quan trọng. Không phải là vấn đề không thể tìm ra những người phụ nữ tài năng, nhưng khó ở chỗ những người lãnh đạo họ không muốn thực hiện mà thôi.
Tôi đã gặp sự phản đối gay gắt nhất khi tôi gặp một nhà lãnh đạo thiếu năng lực ở quần đảo xa xôi Đông Nam Á châu, đảo Papua New Guinea tháng 12-2010. Đây là một quốc gia đầy bí ẩn, tươi đẹp có thể dễ tiếp nhận sự tiến bô, nhưng sự rào cản do tỷ lệ người phụ nữ bị bạo hành cao nhất trên thế giới. Theo ước tính, khoảng 70% phụ nữ ở Papua New Guinea là nạn nhân của các vụ hiếp dâm hoặc bị đánh đập trong suốt cuộc đời của họ. Trong cuộc họp báo chung, phóng viên Mỹ hỏi ngài Mitchael Somare, Thủ tướng chính phủ về phản ứng của ông theo bản thống kê đáng lo ngại kia. Somare tuyên bố “các vấn đề trên đã bị người ta thổi phồng khi viết về chúng tôi”. Nhưng ông thừa nhận có một số trường hợp bạo lực, nhưng lại nói: “Tôi đã đi kiểm tra, theo dõi vấn đề trong thời gian dài, tôi biết có chuyện đàn ông đàn bà xảy ra va chạm, đôi khi đánh nhau do tranh cãi về địa vị trong gia đình, nhưng không có chuyện tàn nhẫn ghê gớm như người ta đưa tin. Đất nước tôi có pháp luật”. Ông tiếp: “Chúng tôi biết một số trường hợp do say rượu… khi người ta say thì không kiểm soát được bản thân nên đã xảy ra những chuyện bạo hành”. Tôi thật vô cùng kinh ngạc khi thấy ông phát biểu như vậy và cả đội quân báo chí Hoa Kỳ cũng ngán ngẩm không muốn hỏi thêm lời nào nữa. Sau cùng, các bạn tưởng tượng xem, tôi và Melanne phải làm những gì để thực hiện chương trình với đối tác và với một xã hội dân sự như ở New Papua Guinea, phải cố gắng như thế nào nâng cao tiếng nói phụ nữ và cung cấp cho họ những hiểu biết cơ bản nền tảng mới trong vấn đề tham gia phong trào. Tôi rất vui mừng, tháng 5-2013, khi tân Thủ tướng New Papua Guinea, Peter O’Neill đã chính thức cáo lỗi với tất cả phụ nữ đất nước ông, những người đã từng bị bạo lực và hứa sẽ có những hình phạt hình sự nghiêm khắc với những tội phạm trên.
Ngay tại Washington, những công việc mà chúng tôi thay mặt cho chị em phụ nữ cũng thường được coi như công việc phụ, một bài tập đặt trong dấu ngoặc đơn, không những thế mà đôi khi bị tách biệt khỏi những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại. Một bài bình luận trong tờ Washington Post nói về những nỗ lực của chúng tôi đối với phụ nữ ở Afghanistan, một quan chức cao cấp trong chính phủ được giấu tên đưa ra nhận xét: “Vấn đề giới tính nên nhường cho những chuyện quan trọng khác… Khó mà thành công nếu chúng ta cứ chăm chú quan tâm mối đặc biệt và chương trình nuôi thú cưng. Tất cả gánh nặng về thú cưng chỉ gây chiếc ba-lô ta đeo thêm nặng và kéo ta xuống mà thôi”. Tôi chẳng ngạc nhiên khi vị quan chức cao cấp kia giấu tên tuổi thật của mình vì đã biết sợ khi bình luận như vậy. Tôi và Melanne từ đó đặt tên cho văn phòng của bà là Cơ quan Cún đá Cưng và tiếp tục công việc.
Tôi thừa nhận bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi thấy người khôn ngoan chỉ mỉm cười và gật đầu mỗi khi tôi nêu mối quan tâm đến phụ nữ và bé gái. Tôi đã tranh đấu không mệt mỏi trên sân khấu chính trị thế giới gần 20 năm, đôi lúc có cảm giác như người tuyên truyền cho đoàn truyền giáo. Vì thế tôi quyết định phải nỗ lực gấp bội để đủ sức thuyết phục những kẻ hoài nghi dựa trên những dữ liệu chính xác với những phân tích hiển nhiên, rõ ràng đã tạo được những cơ hội cho phụ nữ và bé gái trên toàn cầu đã trực tiếp hỗ trợ cho an ninh và sự thịnh vượng cho mọi người và nên trở thành một phần trong chính sách ngoại giao và công tác phát triển của chúng ta.
Nhóm của Melanne bắt đầu tổng hợp tất cả các dữ liệu thu thập do các tổ chức như Ngân Hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế cung cấp. Họ đã nhanh chóng nhận ra một số khía cạnh do sự tham gia của phụ nữ sau khi nghiên cứu nghiêm túc, đặc biệt khi tăng số lượng người phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và những khó khăn trở ngại nếu họ không tham gia, nhưng một số vấn đề khác chưa được nghiên cứu. Rất nhiều nơi trên thế giới đã cung cấp không đầy đủ những số liệu đáng tin cậy và không thường xuyên ngay cả những thông tin rất cơ bản về đời sống của chị em phụ nữ và bé gái, ví dụ như về giấy khai sinh, lứa tuổi khi sinh con đầu lòng, bao nhiêu giờ làm việc không lương và có lương, có ruộng đất hay không.
Tôi tin những quyết định đúng đắn tốt đẹp trong chính phủ, trong doanh nghiệp và cả trong cuộc sống đều dựa trên những bằng chứng thực tế chứ không phải do ý thức hệ. Điều này đặc biệt đúng khi đề cập đến các chính sách mà nó ảnh hưởng đến hàng triệu con người. Nếu ta thực hiện những nghiên cứu, ghi chép đầy đủ số liệu thì mới hiểu những cách mà chúng tôi đã giảm thiểu những rủi ro và tối đa hoá ảnh hưởng do các tác động. Ngày này chúng tôi vẫn tiếp tục thống kê về tất cả mọi thứ cần quan tâm như, dựa trên con số rủi ro (RBI – Rick-Based Inspection) từ những trận đấu bóng chày đến tỉ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI- Return On Investment) trong kinh doanh. Có một câu hỏi trong giới quản lý thường đưa ra: “Lấy cái gì để làm thước đo những việc đã hoàn thành?” Vì vậy nếu chúng ta thật sự quan tâm giúp đỡ phụ nữ và bé gái để họ thể hiện hết khả năng của mình, sau đó chúng ta nghiêm túc thống kê, phân tích thông qua các dữ liệu về những điều kiện họ phải đối mặt và những đóng góp thật sự mà họ đã làm. Chúng ta không những cần đầy đủ dữ liệu mà còn đòi hỏi dữ liệu phải chính xác, trung thực. Chúng ta phải làm như thế nào để giúp cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có cái nhìn chính xác và tốt, giúp họ có những quyết định chính xác và tốt nhất. Bộ Ngoại giao phát động tìm kiếm sáng kiến để bổ xung những thiếu sót, kết hợp với LHQ, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển cũng như nhiều cơ quan đoàn thể khác để làm tốt vấn đề này.
(Nói chung, tôi rất ngạc nhiên khi rất nhiều người ở Washington hoạt động trong “vùng không chứng cớ”, nơi mà dữ liệu và khoa học thường không để ý đến. Một quan chức cao cấp của Tổng thống Bush đã từng đưa ra lời chê bai cái mà ông gọi là “Cộng đồng dựa trên thực tế” (Reality-based community) của dân chúng, những người “cứ tưởng rằng các biện pháp nảy sinh từ sự nghiên cứu chính xác hiện thực quan sát được.” Tôi thường nghĩ rằng, lời phát biểu này chính là cách giải quyết nhiều vấn đề. Vị trợ lý của Tổng thống Bush tiếp tục bình luận, ”đó không phải cách mà thế giới thật sự làm nữa… giờ đây chúng ta là đế chế, khi chúng ta hành động chúng ta sẽ tạo ra hiện thực riêng của chúng ta.” Thái độ này đã giúp việc giải thích những gì sai trái đã xảy ra trong những năm ấy).
Chẳng cần phải đợi tất cả các dự án này đơm hoa kết trái rồi đánh trống khua chiêng rằng chúng ta đã đạt được, nhất là đối với phụ nữ và nền kinh tế và cũng chẳng cần phải đào sâu suy nghĩ tìm đâu xa. Đầu những năm 1970, phụ nữ Mỹ có công ăn việc làm chỉ chiếm 37% công việc của Hoa Kỳ tăng lên 47% tính đến năm 2009. Do tăng năng xuất lao động GDP đã tăng lên đến hơn 3 ngàn 500 tỷ Mỹ kim trong vòng bốn thập niên qua.
Vấn đề này cũng xảy ra tương tự ở các nước kém phát triển. Ví dụ ở Mỹ Latin và vùng Caribbean tăng đều hàng năm vì phụ nữ đã tham gia vào thị trường lao động từ những năm 1990s.Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, số người nghèo trong khu vực đã giảm 30% là kết quả của sự tăng trưởng gần đây.
Những kết quả như vậy làm tăng sự thuyết phục, mọi người đã quan tâm đến việc cho phép người phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, phá bỏ hàng rào gây trở ngại cho họ. Tháng 9-2011, tôi thống kê các số liệu có trong tay, đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương ở San Francisco. Tôi nói với các đại biểu: “Để đạt được sự tăng trưởng kinh tế đang tìm kiếm, chúng ta cần phải phá bỏ rào cản nguồn tăng trưởng quan trọng mà chính nó sẽ cung cấp sức mạnh cho các nền kinh tế trong những thập niên sắp tới. Nguồn tăng trưởng quan trọng đó chính là lực lượng lao động của người phụ nữ, không một ai trong chúng ta có đủ khả năng duy trì sự rào cản đối với phụ nữ tham gia lực lượng lao động.”
Tôi rất vui khi Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe tuyên bố cho phép phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế nhiều hơn nữa, trụ cột của chương trình nghị sự kinh tế mới đầy tham vọng của ông. Vấn đề này được mệnh danh “phụ nữ làm kinh tế”. Ông đưa ra kế hoạch rất cụ thể và chi tiết cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả hợp tình hợp lý, tăng thêm ngày nghỉ phép của bậc cha mẹ để khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn nữa. Thủ tướng Albe còn yêu cầu các doanh nghiệp lớn nhất trong nền kinh tế của quốc gia tối thiểu phải có một người trong ban giám đốc điều hành là phụ nữ. Chúng tôi mong muốn có nhiều quan chức lãnh đạo với tầm nhìn xa trông rộng như thế ở ngay trong nước Mỹ cũng như trên thế giới.
Một lĩnh vực khác mà chúng tôi tập trung nỗ lực hoạt động đó là vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng và bảo vệ hòa bình. Chúng ta đã từng biết rất nhiều trường hợp đầy ấn tượng về người phụ nữ trên khắp thế giới đã góp phần kết thúc cuộc xung đột, tái thiết đất nước và xây dựng xã hội sau sự đổ nát như ở Liberia, Colombia, Rwanda, Northern Ireland… và nhiều nơi khác. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ chuyến đến thăm nhà hàng bán món ăn cá và khoai tây chiên ở Belfast vào năm 1995, nơi mà tôi có cơ hội ngồi uống trà với những người phụ nữ thuộc Kitô giáo và đạo Tin Lành, họ đã quá mệt mỏi và chán nản những chuyện rắc rối xảy ra hàng ngày, chỉ mong sao được sống trong hòa bình. Chủ nhật mọi người đều đi lễ ở những nhà thờ khác nhau và bẩy ngày trong một tuần, họ âm thầm cầu nguyện cho đàn con sau khi tan trường hay người chồng có việc phải ra thị xã được trở về nhà bình an. Một trong số người đó có bà Joyce McCartan, người sáng lập dịch vụ Women’s Drop-In Centre (Trung tâm Đưa đón người của Phụ nữ) từ năm 1987, sau khi đứa con trai bà mới 17 tuổi bị bắn chết, cho biết: “Đây là điều phụ nữ muốn mang lại cho những người đàn ông hiểu cảm giác của họ như thế nào.”
Khi người phụ nữ tham gia đấu tranh cho hòa bình, họ thường có xu hướng tập trung thảo luận vấn đề về nhân quyền, công lý, hoà hợp hoà giải dân tộc, đổi mới nền kinh tế, đó những điểm quan trọng mà họ muốn. Họ thường mong muốn xây dựng các liên minh dựa trên các sắc tộc, giáo phái và muốn những phe nhóm yếu thế được phép cất tiếng nói của mình và thường đứng ra làm trung gian, giúp đỡ và thúc đẩy sự thỏa hiệp.
Tuy vậy, dù những người phụ nữ ấy giúp những cuộc đàm phán, nhưng họ chính lại là người bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán. Trong số hàng trăm hiệp ước hoà bình được ký kết kể từ đầu những năm 1990s, nhưng không đến 10% các nhà đàm phán là phụ nữ và dưới 3% có chữ ký của họ trong các hiệp ước, một tỷ lệ rất nhỏ kể cả những việc liên quan đến cá nhân người phụ nữ. Vì vậy, chẳng làm ai ngạc nhiên khi hơn một nửa những thỏa thuận hoà bình bị đổ vỡ chỉ sau 5 năm ký kết.
Tôi dành nhiều năm làm việc với các tướng lĩnh, các quan chức ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách an ninh quốc gia và thế giới để điều chỉnh thực trạng này. Tôi cảm thấy có nhiều đồng minh thiện cảm ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, kể cả Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Chính sách, Michele Flournoy và Đô đốc Sandy Winnefeld, Phó Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao, USAID, Bộ Quốc phòng cùng nhau chia sẻ đưa ra kế hoạch thay đổi phương pháp ngoại giao, các chuyên gia phát triển và sĩ quan tác chiến trong quân đội với phụ nữ ở khu vực đang xung đột và sau xung đột. Hướng tập trung chủ yếu ngăn chặn sự hiếp dâm, bạo lức giới tính và trao quyền cho phụ nữ thực hiện và gìn giữ, bảo vệ hòa bình. Chúng tôi gọi đó là Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hoà binh và An ninh.
Tháng 12-2011, Tổng thống Obama ra lệnh phát động kế họach. Flournoy và Winnerfeld cùng tôi tham gia tại Georgetown giải thích kế hoạch này với công chúng. Nhìn Đô đốc trong bộ quân phục sĩ quan hải quân nghiêm trang trong sự kiện vai trò người phụ nữ gìn giữ hòa bình, tôi tràn đầy niềm hy vọng, lịch sử đã sang trang, ít ra cũng ở đất nước chúng ta.
Nhiệm kỳ Ngoại trưởng sắp kết thúc, tôi muốn những sự thay đổi đã thực hiện về giới tính phải thấm sâu vào mọi khía cạnh của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và không biến mất sau khi tôi mãn nhiệm. Trong bất kỳ hệ thống giấy tờ quan liêu nào, việc cải cách thể chế đều gặp nhiều khó khăn và đó cũng là sự thật ngay tại Bộ Ngoại giao. Nhiều tháng qua, chúng tôi làm việc với Nhà Trắng chuẩn bị Bản ghi nhớ của Tổng thống trong đó đề cử Melanne chính thức giữ chức vụ Đại sứ Lưu động Phụ nữ Toàn cầu và đảm bảo người kế nhiệm bà báo cáo trực tiếp lên Ngoại trưởng. Vấn đề này cũng cần được thông qua theo hệ thống Nhà Trắng, nhưng thật may, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Jack Lew trở thành Chánh văn phòng của Tổng thống Obama, thế là tôi có một đồng minh đầy tin tưởng. Ngày 30-1-2003, ngày cuối cùng ở Bộ Ngoại giao, tôi dự bữa trưa với Tổng thống Obama tại nhà ăn gần Phòng Bầu Dục, trước khi tôi ra về, Tổng thống yêu cầu tôi chờ một chút để chứng kiến ông ký bản ghi nhớ. Đây là việc làm rất đáng trân trọng của ông đối với tôi trước khi hết nhiệm kỳ.
Nhiệm vụ của chúng tôi là thay mặt cho chị em phụ nữ và bé gái trên toàn thế giới đã được xác nhận chương trình nghị sự lớn nhằm bảo vệ các quyền đã ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền, trở thành hiện thực trong đời sống của người dân trên toàn thế giới.
Năm 2009, chính ngay nước Mỹ, chúng ta cũng nhận thấy vấn đề nhân quyền cũng chưa thực hiện đúng. Tổng thống Obama ngay sau ngày thứ hai làm việc trong Nhà Trắng, ông đã ra lệnh cấm tra tấn dã man, sử dụng nhục hình khi hỏi cung trong các trại giam và ra lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo (mục tiêu mà đến nay vẫn chưa đạt được). Ông còn cam kết đưa vấn đề nhân quyền trở lại trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Tôi từng nói, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đứng đầu về tự do internet và tăng cường hỗ trợ cho các nhà bất đồng chính kiến giúp họ tìm cách tránh sự kiểm soát, vượt tường lửa của chính phủ sở tại. Chúng ta còn bênh vực các ký giả đang bị tống giam vì đã dám vạch trần sự thật xấu xa, đàn áp của chế độ, ngoài ra còn giúp những người sống sót của nạn buôn người được trở về cuộc sống thường nhật, thực hiện những vấn đề về quyền lao động và điều kiện lao động một cách công bằng. Phía sau những bài đăng báo là những công việc hàng ngày của các nhà ngoại giao với những công việc: tìm mọi cách thúc ép chính phủ nước ngoài, ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động xã hội dân sự và đảm bảo ngay trong chính phủ Mỹ phải là nhà nước tiên phong, các cuộc thảo luận chính sách ngoại giao phải lấy vấn đề nhân quyền làm trọng tâm.
Một trong những điều kiện đầu tiên chúng ta tái tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, một tổ chức bao gồm 47 thành viên được thành lập năm 2006 để giám sát sự ngược đãi trên thế giới. Hội đồng này thay thế Ủy ban Nhân quyền LHQ do bà Eleanor Roosevelt thành lập và phụ trách từ cuối thập niên 1940s. Theo thời gian, tổ chức này trở thành một trò hề đối với những nước vi phạm nhân quyền khét tiếng như Sudan, Zimbabwe vì cũng là thành viên của ủy ban. Nhưng tổ chức mới thành lập cũng gặp vấn đề tương tự vì Cuba cũng là thành viên. Chính quyền Bush từ chối tham gia và Hội đồng đã dành phần lớn thời gian lên án Israel. Thế tại sao chúng ta lại tái nhập với tổ chức này? Không phải chính quyền Obama không nhận ra những yếu điểm, sai sót của Hội đồng, nhưng chúng ta quyết định tái nhập vì đây là cơ hội tốt nhất để gây ảnh hưởng mang tính xây dựng, đưa nó trở về quỹ đạo tốt hơn.
Hội đồng Nhân quyền vẫn còn vi phạm nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhưng dù sao đây cũng là diễn đàn hữu ích thúc đẩy chương trình nghị sự của chúng ta. Khi Muammar Qaddafi sử dụng hành động bạo lực cực đoan chống lại thường dân Libya đầu năm 2011, tôi tới trụ sở Hội đồng ở Geneva kêu gọi thế giới chống lại tội ác của y. Đồng thời cũng lên tiếng chống thành kiến chống đối Israel. Tôi khẩn cấp yêu cầu Hội đồng vượt qua những cuộc tranh luận từng kéo dài hàng chục năm về lăng mạ tôn giáo phải chấm dứt ngay và có thể truy tố hình sự. Tôi nói: “Giờ đây đã đến lúc phải vượt qua hố ngăn cách sai lầm về tôn giáo nhạy cảm chống lại tự do ngôn luận và cần theo đuổi cách tiếp cận mới dựa trên những bước tiến cụ thể, đấu tranh không khoan nhượng với bất nơi nào đang xảy ra”.
Nhiều năm qua, các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số thành viên trong Hội đồng đã đưa ra những nghị quyết phản đối Hoa Kỳ và một số nước khác, việc phản đối này đe dọa tự do ngôn luận, vì họ nhân danh cái gọi là “chống phỉ báng” tôn giáo. Đây không phải là vấn đề lý thuyết, ta hãy xét những “trận bão lửa” nổ ra thường kỳ khi một ai đó trên thế giới đăng tranh biếm hoạ, tung film hay đoạn video lên mạng trực tuyến mang tính chê bai, phỉ báng Nhà tiên tri Muhammad. Theo tôi, ta có thể phá vỡ được sự bế tắc bằng cách hãy chấp nhận sự khoan dung và tự do, cả hai vấn đề này đều là giá trị cốt lõi cần phải bảo vệ. Muốn đạt được thỏa hiệp, ta cần có đối tác sẵn lòng vượt qua những khoảng cách chính trị, tính tư tưởng mà nó là đám mây bao trùm trong các cuộc tranh luận.
Chúng tôi phát hiện ra đối tác chính là Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), bao gồm gần 60 quốc gia Hồi giáo. Chủ tịch của tổ chức là vị học giả, quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ngài Ekmeleddin Ihsanoglu, một người thận trọng mà tôi đã từng gặp từ những năm 1990s khi ông làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lịch sử, Văn hoá Nghệ thuật Hồi giáo ở Istanbul. Ông Ihsanoglu đồng ý cộng tác với tôi về giải pháp mới tại Hội đồng Nhân quyền, đưa ra lập trường cứng rắn về tự do ngôn luận, tự do thờ phụng và chống phân biệt đối xử cũng như sử dụng bạo lực dựa trên vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, cần tránh những điều cấm kỵ tràn lan trong những bài kêu gọi ”phỉ báng”. Nhóm chúng tôi tại Geneva bắt đầu viết dự thảo văn kiện, cuối tháng 3-2011 Hội đồng nhất trí thông qua.
Bản thân sự tự do tôn giáo cũng nằm trong nhân quyền, đồng thời nó cũng bao gồm các quyền khác, kể cả quyền tự do nhận thức, tự do đòi hỏi, tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm, tự do tham gia sinh hoạt cộng đồng, tự do thành lập các hội đoàn một cách hoà binh, chính phủ không có quyền ngăn cấm hay theo dõi những việc họ làm. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã chỉ rõ, mọi người sinh ra đều có quyền tự do tôn giáo và thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng cũng như không theo bất cứ tôn giáo nào. Không một quốc gia nào được coi các quyền tự do như là ban phát đặc ân cũng như không có quyền tước bỏ quyền tự do như là một sự trừng phạt.
Hàng năm Bộ Ngoại giao công bố bản báo cáo chi tiết các trường hợp ngược đãi về tôn giáo trên thế giới. Ví dụ, chính quyền Iran đàn áp người Hồi giáo dòng Sufi, đạo Tin lành, Do Thái giáo, đạo Bahair, Ahmadis và những giáo phái khác những người khác tôn giáo với quan chức chính phủ. Đồng thời chúng tôi cũng theo dõi sự hồi sinh lực lượng chống Do Thái ở một số nơi của châu Âu, như ở Pháp, Ba Lan và Hà Lan một số nơi quyét sơn hình chữ Swastika (卐) lên các bia mộ, trường học và các quầy hàng của người Jew.
Ở Trung Quốc, những “nhà thờ” mà con chiên đến làm lễ chưa được cấp giấy phép cũng như người Hồi giáo vùng Tân Cương và đạo Phật ở Tây Tạng đều bị chính phủ bắt đóng cửa. Trong chuyến công du Trung Quốc năm 2009 với cương vị Ngoại trưởng, tôi đến dự lễ nhà thờ và gửi thông điệp đến chính phủ Trung Quốc về vấn đề tự do tín ngưỡng.
Quan tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ tự do tôn giáo và quyền của người thiểu số trong những cuộc tranh luận đã bước qua ngưỡng về đạo đức. Vấn đề này cũng cần cân nhắc vì chiến lược quan trọng, nhất là ở những nước mà xã hội đang trong quá trình chuyển đổi. Tôi viếng thăm Ai Cập năm 2012, những người Ki-tô giáo Ai Cập tự hỏi, liệu họ có được đối xử bình đẳng và được tôn trọng giống như tất cả người Ai Cập Hồi giáo bởi chính quyền mới hay không. Ở Burma, người dân tộc thiểu số Rohingya Hồi giáo vẫn bị khước từ quyền công dân về mọi mặt, không có cơ hội bình đẳng về giáo dục, kiếm việc làm và tự do đi lại. Ai Câp, Burma và nhiều nước khác nếu họ quyết định bảo vệ những tôn giáo nhỏ, lẻ ít người thì sẽ có tác động lớn cuộc sống của họ và họ sẽ kề vai sát cánh giúp cho xã hội an toàn, ổn định và dân chủ. Lịch sử đã dạy chúng ta, khi quyền lợi của người thiểu số được đảm bảo, xã hội sẽ ổn định hơn và mọi người đều có lợi. Như tôi đã từng nói ở thành phố Alexandia của Ai Cập, trong mùa hè đầy biến động năm 2012: “Dân chủ thật sự có nghĩa là tất cả mọi công dân đều có quyền sống, làm việc và quyền lựa chọn tôn giáo, cho dù họ là nam hay nữ, Hồi giáo hay Ki-tô giáo hay bất kỳ tôn giáo nào. Dân chủ thật sự có nghĩa là không một tổ chức, không một phe nhóm hay những nhà lãnh đạo nào có thể áp đặt ý muốn, tư tưởng, tôn giáo và ý đồ lên bất cứ ai.
Trong những năm qua, tôi thường nhắc lại cuộc tranh luận mà tôi phát biểu tại LHQ nhân lễ kỷ niệm lần thứ 50 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: “Chúng ta đang đến gần những ngày cuối cùng của thế kỷ XX, một thế kỷ từng bị chiến tranh tàn phá, không chỉ một lần mà những hai lần. Lịch sử của thế kỷ này đã cho chúng ta bài học, mỗi khi phẩm giá của cá nhân hay tập thể bị tổn thương do ai đó hoặc tổ chức nào đấy đã vi phạm luật lệ hay họ có quyền trong tay và chúng ta lại buông xuôi chấp nhận thì cơn ác mộng sẽ ập đến”. Tôi nêu ra những bài học lịch sử, yêu cầu mở rộng nhân quyền và nhân phẩm với mọi người không trừ một ai.
Nêu vấn đề này chính là lúc trong tâm trí tôi không chỉ là chị em phụ nữ, thanh nữ, bé gái trên toàn thế giới vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong mọi điều kiện mà còn nghĩ đến “nhiều vấn đề vô hình khác” từ vấn đề tôn giáo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật đến ngườì đồng tính nữ, đồng tính nam, người ái nam ái nữ và người chuyển giới (LGBT- Lesbian Gay Bisexual Transgender). Khi nhìn lại những năm làm Ngoại trưởng, tôi cảm thấy tự hào những gì đã làm để mở rộng nhân quyền, phẩm giá kể cả những kẻ bị lịch sử loại bỏ.
Tháng 1-2011, thế giới biết tin về David Kato. Một người đồng tính nam hoạt đồng ở Uganda, nổi danh không những ở trong nước mà còn với quốc tế. Ông bị đe dọa rất nhiều lần kể cả trên trang nhất của một tờ báo Uganda in hình David dưới ghi dòng chữ “Hãy treo cổ thằng này”. Không biết một ai đó đã làm theo lời kêu gọi. David đã bị giết, nhưng cảnh sát đưa tin cái chết là do vụ cướp, nhưng thực ra đây là vụ ám sát.
Giống như đa số người dân Uganda và trên thế giới, tôi e ngại có thể cảnh sát và chính phủ đã không làm gì để bảo vệ David sau khi công luận kêu gọi giết ông. Nhưng đây không phải vấn đề cảnh sát thiếu năng lực làm việc. Quốc hội Uganda đang xem xét đưa ra dự luật coi những người đồng tính là kẻ tội đồ, cần phải tử hình. Một quan chức cao cấp của chính phủ, Bộ trưởng Bộ Đức Dục, trả lời phỏng vấn, đưa ra câu trả lời rất thô bạo, không còn gì phải bình luận: “Hãy quên vấn đề nhân quyền đối với kẻ đồng tính”. Nhưng người thuộc LGBT ở Uganda thường xuyên bị quấy rối và tấn công, nhưng chính quyền địa phương hầu như chả làm gì để ngăn chặn tình trạng đó. Khi tôi nêu vấn đề này với Tổng thống Uganda, Yoweri Museveni, ông tỏ ra nhạo bang mối quan tâm của tôi, ông dám nói: “Ô hay, bà Hillary lại nói vấn đề này nữa rồi”. Cái chết của David không phải là trường hợp ngoại lệ, nó là kết quả của chiến dịch toàn quốc đàn áp những người LGBT bằng bất cứ cách nào thì chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm một phần.
Tôi đề nghị tường trình về cuộc sống và hoạt động của David cũng như câu trả lời phỏng vấn của anh, chỉ ước muốn làm “người tốt bảo vệ nhân quyền cho mọi người được sống an lành và không muốn ai bị chết.” Nhưng ngay cả cơ hội của anh cũng bị đánh cắp, nhưng giờ đây nhiều người khác tiếp tục công việc của anh, tôi muốn Hoa Kỳ có biện pháp kiên quyết về vấn đề này.
Bạc đãi những người LGBT, chính phủ Uganda không thể biện minh cho hành động ấy được. Trong khi tôi viết cuốn sách này, hơn 80 quốc gia trên thế giới, từ vùng biển Caribbean đến Trung Đông tới Nam Á châu, họ tìm mọi cách coi những người LGBT là những kẻ tội đồ. Người ta tống tù những người có quan hệ cùng giới tính, mặc quần áo ngược với giới tính theo chuẩn mực hay đơn giản hơn khi họ thổ lộ họ là người LBGT. Nước láng giềng của Uganda, quốc gia Kenya đã tống tù nhiều năm những người đồng tính nam. Miền bắc của Nigeria người đồng tính nam vẫn phải đối mặt với bản án tử hình bằng ném đá. Năm 2012, ở Cameroon đã tống tù một nam thanh niên gửi thư tình cho người đồng giới, bày tỏ tình yêu lứa đôi. Tôi thật sự khó xử khi Tổng thống Nigeria, Goodluck Jonathon và Tổng thống Uganda, Museveni, cả hai đã ký bản dự thảo khắc nghiệt chống tình dục đồng giới vào đầu năm 2014. Vấn đề đồng tình luyến ái đã hình sự hóa trong cả hai quốc gia trên, nhưng Nigeria còn ban hành đạo luật mới phạt tù tới 14 năm với người quan hệ tình dục đồng tính và mười năm cho những ai ủng hộ LGBT, ngoài ra còn có một số điều luật mới ở Uganda, có mức án tù chung thân về vấn đề này.
Chế độ của Vladimir Putin ở Nga đã ban hành hàng loạt điều luật chống đồng tính nam, cấm các cặp vợ chồng đồng tính trong nước hay nước ngoài nuôi con nuôi người Nga, nếu ai vận động, thúc đẩy quyền đồng tính, thậm chí thảo luận đồng tính luyến ái trước trẻ em coi như tội ác. Khi tôi thúc ép Ngoại trưởng Nga Setgey Lavrov bảo vệ quyền của người LGBT, ông lờ đi và quan hệ ngoại giao trở nên khó chịu. Ông nói với tôi, nước Nga không gặp vấn đề khó khăn với người đồng tính, đây chỉ là “vấn đề tuyên truyền”. “Tại sao những người bên ngoài lại cứ xía vào chuyện này thế nhỉ? Không nên nêu vấn đề này với nước Nga”. Lavrov coi thường ý tưởng “lề phải của lịch sử về vấn đề này, coi đó chỉ là “thứ tình cảm vô nghĩa lý”. Tôi cố gắng giải thích từng bước mà chúng tôi yêu cầu bỏ đạo luật “Không hỏi, Không nói” và mở cửa cho người LGBT tham gia quân đội, tôi hỏi đại diện Bộ Quốc phòng có mặt với tôi trong cuộc họp là Đô đốc Hải quân Harry Harris giải quyết vấn đề này. Bên kia bàn, người Nga lại khúc khích cười. Một người trong số đó thì thầm ngay trong cuộc họp “Ôi, ông ta là dân “gay” à?” Với Harry, ông không thèm đếm xỉa việc người Nga nhạo báng, nhưng tôi thật sự kinh hãi về sự tinh quái, ăn nói ác ý của các đối tác Nga một cách thiếu suy nghĩ dám tấn công người khác như vậy.
Tình trạng tồi tệ về quyền lợi của người LGBT trên thế giới đã được Ủy ban Nhân quyền LHQ theo dõi một thời gian. Kể từ năm 1993, khi bản báo cáo chỉ dẫn về định hướng tình dục thay đổi, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu bật những lạm dụng phải đối mặt của các cộng đồng người LGBT trên toàn thế giới trong Báo cáo Nhân quyền thường niên, đồng thời nêu vấn đề này với nhiều chính phủ khác, cụ thể tôi đã trao đổi với Lavrov, Museveni và nhiều nhà lãnh đạo khác. Đồng thời chúng tôi cũng tăng cường tiếp cận hơn nữa với cộng đồng dân cư LGBT thông qua PEPFAR (President’s Emergency Plan for AIDS Relief - Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống, do Tổng thống George W. Bush khởi xướng từ năm 2003. Đây là chương trình viện trợ dành cho 15 quốc gia để phòng chống HIV/AIDS – ND), nó không những cứu được hàng triệu sinh mạng con người mà còn mang lại cho những người bị cô lập được trở lại hòa đồng vào cuộc sống chung.
Tôi quyết định những nỗ lực của chúng ta về nhân quyền cần được bổ xung. Rất nhiều bằng chứng cho thấy tình hình đối với người LGBT ngày càng trở nên tồi tệ ở nhiều nơi trên thế giới. Đây chính là sự đối lập trực tiếp với những tiến bộ đáng kể ở những nơi khác trong đó có Hoa Kỳ. Một minh chứng thật mỉa mai rất đáng xấu hổ: một số nơi trên thế giới tình hình LGBT tốt đẹp hơn bao giờ hết, trong khi đó một số nơi lại tồi tệ đến mức kinh khủng chưa từng có!
Đồng thời tôi giải quyết ngay tại quốc nội, tìm cách hỗ trợ tốt hơn, thiết thực hơn với các thành viên LGBT của gia đình các quan chức, nhân viên ngay trong Bộ Ngoại giao. Nhiều thế hệ trước, nhiều thành viên tài năng của Bộ Ngoại giao buộc phải từ nhiệm khi tính dục của họ bị phát hiện. Ngày nay chuyện ấy không còn nữa, những vẫn còn những quy định trong nhiều lĩnh vực khiến cộng đồng LGBT vẫn gặp khó khăn. Do đó, năm 2009 tôi mở rộng toàn diện về quyền của LGBT đã được pháp luật công nhận, hỗ trợ những cặp đôi đồng tính của Bộ Ngoại giao hoạt động ở nước ngoài. Năm 2010, tôi trực tiếp chỉ đạo chính sách bình đẳng và cơ hội làm việc của Bộ Ngoại giao công khai bảo vệ chống sự phân biệt đối xử của các thành viên và người xét tuyển nhân viên dựa trên giới tính. Chúng tôi cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn nếu người Mỹ muốn thay đổi giới tính ghi trong hộ chiếu, cũng như chấp nhận cặp vợ chồng cùng giới tính được xác nhận trong hộ chiếu dưới cái tên mới được nhà nước công nhận thông qua cuộc hôn nhân hoặc kết hợp dân sự. Để hỗ trợ chống chiến dịch bắt nạt mở đầu do ký giả chuyên viết bình luận, Dan Savage, tôi ghi lại cliff video “Đơn giản là tình yêu” lan truyền trên mạng. Tôi thực sự không biết những lời của tôi có động viên giúp tầng lớp thanh thiếu niên bớt nguy cơ gặp những chuyện nguy hiểm hay không, nhưng tôi hy vọng giúp họ được phần nào.
Tôi ủng hộ sự kiện phát phần thường hàng năm của Bộ Ngoại giao do nhóm GLIFAA (Gay and Lesbian in Foreign Affairs Agencies- Đồng tính nam và đồng tính nữ tại các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao) tổ chức. Đúng như cái tên đặt ra, đây là những người LGBT làm việc trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vì vậy tổ chức này cổ vũ, cải thiện môi trường làm việc cho cộng đồng GLBT ở nước ngoài cũng như ở trong nước. Giải Pride thường niên được tổ chức tại Bộ Ngoại giao vừa mang tính vui nhộn và động viên hoàn thành công việc được giao. Lễ trao Pride năm 2010, sau khi xác nhận những tiến bộ mới trong năm qua, tôi nhắc lại vẫn còn những tác hại không mấy tốt đẹp mà giới LGBT trên toàn thế giới vẫn phải chịu đựng, tôi phát biểu: “Những nguy hiểm không phải là vấn đề “gay” mà là vấn đề nhân quyền”. Mọi người trong phòng họp nhảy lên vỗ tay cổ vũ, tôi nói tiếp, “Tôi đã từng tự hào khi phát biểu tại Bắc Kinh cách đây 15 năm về trước, nhân quyền chính là quyền của người phụ nữ và quyền của người phụ nữ cũng chính là nhân quyền, và hôm nay tôi xin được nói thêm, nhân quyền cũng chính quyền của người đồng tính và quyền của người đồng tính cũng chính là nhân quyền, tất cả chỉ là một mà thôi”. Một lần nữa tiếng vỗ tay nổ ra như sấm. Tất nhiên, tôi hy vọng những lời nhận xét sẽ được đón nhận nhiệt thành, nhưng tôi thật ngạc nhiên khi được khán thính giải quá nồng nhiệt đón nhận. Rõ ràng đây là vấn đề mà từ lâu mọi người mong đợi, nhất là được nghe trực tiếp khi tôi phát biểu về vấn đề này. Cuối cùng Dan Baer, thành viên hoạt động của GLIFAA, nói với tôi: “Vấn đề này đề nghị bà phát biểu công khai với thế giới để họ hiểu”.
Đây là một trong những thời khắc mà tôi không thể nào quên trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng.
Hầu hết những bài phát biểu của tôi khi giữ chức Ngoại trưởng mang đầy đủ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Chíến lược đã dày công xây dựng qua rất nhiều năm và đa dạng. Thông thường những bài phát biểu cần được lưu ý từng chữ nghĩa, ngôn từ theo lối ngoại giao và ít ra cũng phải dùng thuật ngữ ngoại giao. Nhưng diễn văn của tôi được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng để mỗi khi tiếp cận với khán thính giả rộng lớn trên thế giới, nhưng phải giữ được: chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh động vì khán thính giả nhiệt thành nhất lại chính là các nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao chuyên trách, các quan chức chính phủ cũng như các cố vấn cao cấp hay các ký giả tài năng.
Nhưng lần này bài phát biểu của tôi thay đổi đôi chút. Tôi muốn đưa ra những vấn đề mà giới LGBT ở trong những hoàn cảnh khác nhau, không chỉ những người hoạt động trên tuyến đầu của phong trào, tiếng lóng về quyền con người mà còn những chuyện thanh thiếu niên bị bắt nạt ở vùng sâu vùng xa ở châu Mỹ hay ở Armenia hoặc ở Algeria đang xảy ra. Tôi muốn mọi việc trở nên đơn giản, trực tiếp đối diện với những việc làm quá đáng như sử dụng những ngôn từ tệ hại mà ta nghe thấy của những người chống người đồng tính đưa ra. Tôi muốn ít nhất cũng có sự thay đổi suy nghĩ của người chưa hiểu rõ về người đồng tính, giúp họ hiểu và có thái độ tôn trọng chuẩn mực về vấn đề bảo vệ nhân quyền. Nhưng chủ yếu tôi muốn gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên thế giới: hãy bảo vệ những công dân LGBT của họ, đây là nhân quyền và thế giới đang theo dõi chặt chẽ để đảm bảo họ được hưởng quyền con người.
Trước khi viết, tôi thường suy nghĩ viết cho ai, ở đâu, vì đây là chủ đề nhạy cảm đối với địa phương và trong điều kiện quan trọng. Đầu năm 2011, lịch trình công du của tôi đến nhiều nơi trong nhiều tháng tới. Nhưng đến nước nào đầu tiên? Tôi đến Phi châu tháng Tám, tôi cân nhắc, đến Uganda sẽ phát biểu trong buổi tưởng niệm David Kato, nhưng tôi bỏ ngay ý định này. Tôi cần tránh sự hiểu lầm vấn đề kỳ thị người đồng tính cho rằng chỉ xảy ra ở châu Phi chứ không phải vấn đề toàn cầu, có khi làm cho người dân địa phương hiểu lầm Hoa Kỳ đang dọa nạt họ. Tôi muốn muợn những câu chuyện chuyển thành phưong tiện truyền tải thông điệp.
Nhìn vào cuốn lịch, có thể tôi chọn ngày hơn là chọn địa điểm công du. Năm 2011, lễ kỷ niệm Pride thường tổ chức vào tháng 6 thì phải? Không được! Nếu tôi phát biểu tại buổi lễ ở Hoa Kỳ thì đây không phải nơi tôi cần gửi thông điệp. Báo chí trong nước có thể sử dụng bài phát biểu ở mọi góc độ chính trị nếu như họ được đảm bảo. (Vì nói về quyền của người LGBT trong giải Pride thực ra ít tác dụng). Nó không gây được những tác động mong muốn.
Cả Jake Sullivan và Dan Baer cũng nghĩ như tôi. Nơi tôi cần gửi thông điệp phải là Geneva, trụ sở Hội đồng Nhân quyền LHQ. Vì nếu mục đích của tôi được xác định là đặt quyền lợi của người LGBT vững chắc trong khuôn khổ của cộng đồng quốc tế về nhân quyền thì không nơi nào thuận lợi và tốt hơn ở Geneva để làm điều đó.
Như vậy tôi đã xác định được địa điểm. Còn thời gian nên chọn như thế nào? Chúng tôi quyết định vào tuần đầu của tháng 12, ngày kỷ niệm Tuyên Ngôn Nhân quyền, cũng giống như tôi đã làm năm 1997. Đứng về lịch sử, đây là vấn đề rất có ý nghĩa, tôi lên kế hoạch cho chuyến công du châu Âu trong tuần, dự các cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels, như vậy việc viếng thăm Geneva có vẻ tự nhiên hơn.
Viết diễn văn không phải công việc dễ dàng. Tôi muốn bác bỏ những truyền thuyết hoang đường được coi như thật của những người chống người đồng tính lan truyền rộng khắp, kể cả với những bộ trưởng trong chính phủ có thái độ thiếu nghiêm túc khi tôi thúc ép họ nên đối xử với người LGBT một cách nhân đạo. Người viết diễn văn của tôi, Megan Rooney đã sưu tầm được những ví dụ lạ lùng nhất. Đó là: người đồng tính là những kẻ lạm dụng trẻ em mắc bệnh tâm thần; Họ là người mà Thiên Chúa muốn loại bỏ và cô lập; Những quốc gia nghèo khổ không đủ khả năng thực hành nhân quyền; Đất nước họ không có người LGBT. Đây là những câu phát biểu của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad với khán thính giả tại trường Đại học Columbia năm 2007: “Xin nói với các bạn, đất nước Iran chúng tôi không có người đồng tính luyến ái như đất nước của qúy vị.” Tôi đã nghe lời này rất nhiều lần mỗi khi họp với ông.
Trong bản thảo đầu tiên của diễn văn, chúng tôi liệt kê 5 huyền thoại thường thấy, sau đó vạch trần những điểm sai trái từng huyền thoại. Sau nhiều lần sửa chữa và bổ xung, bản diễn văn đã xuyên suốt ý tưởng chỉ đạo đặt ra. Tôi biết, khi đọc diễn văn, cần phải thật bình tĩnh, theo dõi phản ứng qua thái độ của khán thính giả, vì những lần sửa chữa tôi đều chú trọng vấn đề này. Ví dụ như: “5 huyền thoại” sẽ trở thành “5 sự kiện”. Tôi hiểu, những huyền thoại này bắt nguồn từ truyền thống tôn giáo và văn hoá, nó giữ vai trò rất quan trọng và lớn lao trong đời sống của người dân, cho nên tuyệt đối không được thể hiện sự khinh miệt. Bài diễn văn có đoạn: “Tôi đến với quý vị với lòng kính trọng và hiểu biết lẫn nhau cùng với sự khiêm tốn”. Sức mạnh của ý tưởng được nâng lên khi tìm được những ngôn từ thích hợp để truyền tải.
Tôi kể cho Mega về bài phát biểu của tôi ở Bắc Kinh năm 1995 và yêu cầu sử dụng nó như một mô hình. Cuối cùng, những gì tôi muốn đưa ra cũng tương tự như trước: đặt tên những sự việc xấu xa, tồi tệ của nhóm người gây ra và tuyên bố họ đang vi phạm nhân quyền, vì người LGBT cũng là con người. Bài diễn văn không cần tranh luận phức tạp, cũng chẳng cần thuật hùng biện, chỉ cần nêu ra sự thật đã từng xảy ra.
Một số câu hỏi mang tính chiến lược cần phải trả lời. Đầu tiên, có nên “nêu tên và việc làm đáng xấu hổ” của những nước đang thực thi chính sách sai lầm đó hay không? Trong bản phác thảo đầu có nêu tên Uganda và một số nước khác. Tôi cho đây là sai lầm. Nêu đích danh là không nên. Hơn nữa, tôi hiểu, bất cứ nước nào bị bêu danh buộc họ có phản ứng, nhiều khi đưa đến đối kháng và giận dữ. Do đó phải kiếm cách xử lý khéo hơn, vì chúng ta vẫn còn có việc phải làm về quyền bình đẳng của người LGBT ở Mỹ. Tôi muốn bài diễn văn chỉ là những gợi ý để các nhà lãnh đạo các quốc gia tự suy nghĩ chứ không phải là sự đả kích, lên án.
Thay vào đó tôi đưa ra những ví dụ không thuộc các nước phưong Tây nhưng có rất nhiều tiến bộ về quyền của những người LGBT. Không có cách nào hay hơn, tốt hơn khi bác bỏ những huyền thoại và hỗ trợ cho người LGBT cùng một lúc mà không phải ở các nước Tây Âu? Rất may mắn tôi có rất nhiều quốc gia có thể đưa ra làm dẫn chúng. Tôi đã ca ngợi các nước như Mongolia, Nepal, Nam Phi, Ấn Độ, Argentina và Colombia và cả cựu Tổng thống Botswana.
Vấn đề thứ hai: Làm thế nào để phổ biến rộng rãi bài diễn văn? Khi nhắc vấn đề quyền của người LGBT, tôi biết sẽ có rất nhiều người thờ ơ, không quan tâm mà chính những người này tôi lại muốn họ đọc, nghe và hiểu bài diễn văn của tôi. Vì thế tôi quyết định, đây chỉ là lời phát biểu về nhân quyền trong lễ kỷ niệm Tuyên ngôn Nhân quyền mà thôi.
Trong những tuần lễ chuẩn bị cho bài diễn văn, tôi lắng nghe những câu chuyện và ý tưởng mang nhiều tính giá trị. Một cuộc họp ở Nhà Trắng, Tham mưu trưởng Thủy quân Lục chiến đã chia sẻ việc bãi bỏ luật 2 không, “Không hỏi, Không nói”. Ông nói với tôi: “Tôi phản đối và đã nhắc lại vấn đề này rất nhiều lần. Nhưng mỗi khi xảy ra tôi nhận thấy nỗi lo lắng của tôi thật sự không có cơ sở.” Vị tướng Thủy quân Lục chiến đã chấp nhận sự thay đổi và niềm tự hào thật sự. Để bổ xung cho bài phát biểu, cố vấn pháp lý của tôi, Harold Koh đề nghị ghi thêm về sự đồng cảm như chính mình là người trong cuộc. Kết quả, bài diễn văn rất giá trị và đáng ghi nhớ.
Chúng tôi lên đường sang châu Âu. Thụy Sĩ là nước thứ 3 trong chuyến công du 5 nước, mỗi nước tôi viếng thăm một ngày. Ở Đức, tôi dẫn đầu đoàn đại biểu Hoa Kỳ tại hội nghị bàn về Afghanistan. Ở Lithuania, tôi tham dự cuộc họp Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Kết thúc hội nghị, nhóm chúng tôi đến khách sạn xinh xắn ở Vilnius, cán bộ nhân viên của tôi đến quầy rượu của khách sạn ăn bữa tối gọi món đặc sản Lithuania. Nhưng Megan và Jake quá lo lắng bài diễn văn vào ngày mai nên về nghỉ sớm. Hai người quay về buồng trong khách sạn, ngồi bệt xuống sàn cùng với Dan Baer (ông đang ở Geneva) thử thiết bị thu âm, mọi việc đều suôn sẻ, công việc hoàn thành trước buổi bình minh.
Sớm hôm sau, nhận được tin Nhà Trắng chấp thuận thay đổi chính sách mà chúng tôi đã thảo luận. Từ nay, Hoa Kỳ sẽ dựa vào danh mục hồ sơ nhân quyền đối với người LGBT của nước ngoài nào muốn được cấp viện trợ. Đây là chính sách thúc đẩy cơ hội thật sự buộc nước khác phải có hành động cụ thể. Tôi mong đợi điều này từ lâu để bổ xung cho bài diễn văn.
Ngày 6-12, chúng tôi bay sang Geneva, đến Dinh thự Quốc gia. Một khu dinh thự nguy nga. Toà nhà quá ấn tượng, được xây dựng làm trụ sở của Hội Quốc Liên (tên gọi đầu tiên của LHQ - ND) khai mạc năm 1936, khoảng khắc nghẹt thở của niềm tin và hy vọng trước khi châu Âu tan rã. Nơi đây đã từng có những vấn đề trọng đại của thế kỷ thứ 20 được giải quyết, từ giải trừ vũ khí hạt nhân cho đến công nhận nền độc lập của các nước giành độc lập từ chủ nghĩa thực dân. Hành lang và các phòng trong tòa nhà thường đông người, nhưng hôm nay lại càng chật ních.
Tôi bước lên diễn đàn và đọc diễn văn:
Hôm nay, tôi muốn nói đến một phần việc mà chúng ta sẽ cần phải làm để bảo vệ một cộng đồng mà quyền con người của họ vẫn bị từ chối. Theo nhiều cách ứng xử, họ là nhóm thiểu số vô hình, bị bắt giữ, đánh đập, khủng bố, thậm chí bị giết hại. Nhiều người trong số họ bị đồng loại của mình đối xử với sự khinh miệt và bạo hành trong khi các nhà chức trách, vốn có đủ quyền lực bảo vệ họ, lại cố tình làm ngơ hoặc thậm chí còn ngược đãi họ. Họ bị từ chối các cơ hội làm việc và học tập, bị buộc phải lià xa gia đình và quê hương, bị ép buộc phải che giấu hoặc từ chối chính bản thân mình để có thể tự bảo vệ khỏi sự xâm hại.
Nhìn nét mặt tỏ ra ngơ ngác của một số khán thính giả, biết họ chưa hiểu tôi đang đề cập vấn đề gì. Tôi nói tiếp, “tôi đang nói đến những người đồng tính nam, đồng tính nữ, người ái nam-ái nữ và người chuyển giới (LGBT).”
Tôi tự hào vì đã trình bày rõ ràng, mạch lạc trong bài diễn văn, nhưng có một vài câu làm tôi sự nhớ đến câu chuyện về David Kato. Khi nhớ đến Kato, tôi nhớ đã từng trực tiếp nói chuyện với những người hoạt động dũng cảm LGBT khác trong trận chiến đơn độc lẻ loi, đầy nguy hiểm trên thế giới, tôi tiếp tục: “Các bạn có các đồng minh người Mỹ ở Hoa Kỳ và có hàng triệu bè bạn trong số nhân dân Mỹ”.
Nhớ lại những cuộc trao đổi, trong đó có nhà lãnh đạo ngoại giao từng xua tay, bảo: “Dân chúng nước tôi họ ghét những người đồng tính, họ ủng hộ luật lệ ban hành, vậy chúng tôi phải làm gì nào?” Tôi đã nói thẳng với các quan chức đó: “Là lãnh đạo quốc gia, theo đúng nghĩa, ngài đứng trước dân chúng phải làm tròn bổn phận nhà lãnh đạo. Ngài phải bảo vệ phẩm giá của tất cả các công dân trong nước, thuyết phục mọi người phải đối xử bình đẳng với nhau.”
Tiếng vang của bài phát biểu tại Bắc Kinh và những lời phát biểu của tôi ở Bộ Ngoại giao đầu năm giúp tôi tiếp tục: “cũng giống như các bạn là người phụ nữ hay thuộc nhóm sắc tộc thiểu số, tôn giáo, bộ lạc, việc làm người LGBT không vì thế là kém con người hơn. Đó là lý do vì sao quyển của người đồng tính chính là quyền con người và quyền con người cũng chính là quyền của người đồng tính.”
Sáng hôm sau, tỉnh dậy tôi được biết bài phát biểu đã gây tiếng vang lớn, người thợ làm tóc cho tôi buổi sáng là người đồng tính, thấy tôi, anh ta đã quỳ gối cảm ơn những gì tôi đã phát biểu. Tôi cười, bảo anh ta đứng lên, nói, việc tôi làm chỉ vì nhân danh thượng đế, hơn nữa món tóc của tôi cần được trang điểm ngay.
Lời phát biểu của tôi được truyền đi khắp thế giới, đồng thời tôi nhận được rất nhiều phản hồi. Điện thoại của tôi đầy ắp những tin nhắn. Một số lượng dân chúng rất đông đã theo dõi bài phát biểu của tôi trên trực tuyến internet. Tôi rất vui và thỏa mãn với nhiều lý do. Đầu tiên tôi nghĩ, thế nào cũng có một số đại biểu của đoàn Phi châu sẽ bỏ ra ngoài cuộc họp, nhưng họ đã không làm. Tôi thấy rất nhiều ảnh, cliff video mà người ta gửi cho tôi từ sự kiện Pride trên toàn thế giới, hàng chữ “Quyền của người đồng tính chính là nhân quyền” được in trên các tranh cổ động, băng rôn, in trên áo phông đếm không hết. Tôi thật tự hào vì nước Mỹ lại một lần nữa bảo vệ nhân quyền cũng như đã từng làm từ trước.
Cuối nhiệm kỳ, tôi nhận được lá thư của quan chức Ngoại giao đóng ở châu Mỹ Latin, lá thư ấy trở thành một vật vô giá, trong đó có đoạn: “Tôi viết thư này gửi tới bà không phải với nhân danh là nhân viên của Bộ Ngoại giao gửi đến vị Bộ trưởng, mà với cương vị của người chồng, người cha viết thư để cảm ơn bà, với tư cách cá nhân, với tất cả những gì bà đã cống hiến trong bốn năm qua. Từ lâu tôi ước mơ làm cán bộ của Bộ Ngoại giao, nhưng thực lòng chưa có ý định nghiêm túc cho đến khi bà giữ chức Ngoại trưởng. Chỉ đến khi bà lãnh đạo trực tiếp, Bộ Ngoại giao mới xác định quyền của những cặp vợ chồng đồng tính được bình đẳng như các gia đình khác, điều ấy đã giúp tôi trụ lại làm việc và không còn phân vân suy nghĩ.” Ông đã nói thẳng, nói thật những xúc cảm về việc có người chồng là người cùng giới tính trong bẩy năm qua, giờ đây người chồng có thể tham gia công tác tại cơ sở nước ngoài và kết quả thật bất ngờ, ông đang chờ đón cặp song sinh sắp chào đời. Ông còn gửi cả bức ảnh của gia đình tràn trề hạnh phúc. “Thật khó mà tưởng tưởng ba năm trở về trước… điều mà tôi muốn các quan chức ngoại giao trong nước, quan hệ của vợ chồng tôi được chính phủ công nhận mà chúng tôi muốn trở thành những người cha thật sự.”
Năm 2013, tôi rời Bộ Ngoại giao, làm việc cho Quỹ Clinton tại New York, tôi vẫn muốn tiếp tục “những công việc to lớn còn dang dở của thế kỷ thứ 21.” Ngày kỷ niệm lần thứ 20 của Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ Tư tại Bắc Kinh đã thôi thúc tôi tập trung vấn đề này. Tôi tự hào những gì đã đóng góp trong suốt thời gian qua. Tuy vẫn, mục tiêu thực hiện “quyền bình đẳng toàn diện” vẫn còn là chặng đường dài phía trước.
Melanne bắt đầu vào khóa học về phụ nữ, hoà bình và an ninh tại trường Đại học Georgetown mà tôi là chủ tịch sáng lập danh dự của trường. Giờ đây chúng tôi không còn chung những chuyến bay nhiều giờ công du toàn cầu, chúng tôi thường chuyện trò và những suy nghĩ các góc cạnh của lịch sử và tương lai của phong trào mà chúng tôi đã đóng góp nhiều năm qua. Tôi điện cho Maggie Williams hỏi bà có cần chúng tôi giúp gì không. Cùng với Chelsea và nhóm tài năng của Qũy Clinton, kể cả Jen Klein và Rachel Vogelstein, cả hai từng đóng góp nhiều trong Bộ Ngoại giao, chúng tôi đề ra kế hoạch mới.
Tháng 9-2013, tại cuộc họp thường niên của Sáng kiến Toàn cầu Clinton ở New York, tôi thông báo Quỹ Clinton sẽ phát động phong trào rộng lớn để đánh giá về sự tiến bộ phong trào phụ nữ và bé gái thực hiện ra sao kể từ hội nghị ở Bắc Kinh, vạch ra hướng tương lai để đạt được mục tiêu toàn diện và bình đẳng cho chị em phụ nữ. Tôi nói, đây là thời điểm cho cách nhìn minh bạch đã thực hiện và những gì còn cần phải làm, dự định về công việc còn dang dở này.
Với các đối tác như Quỹ Bill Gates, chúng tôi có thể bắt đầu làm việc trên những con số “đánh giá lại toàn cầu” về tình trạng của phụ nữ và bé gái trong thời điểm kỷ niệm lần thứ 20 ở Bắc Kinh vào tháng 9-2015. Tôi mong muốn mọi người thấy những kết quả thu được mà chúng tôi đã cố gắng hoạt động cũng như những khoảng trống vẫn tồn tại. Chúng tôi muốn đưa thông tin để dễ dàng chia sẻ, những người ủng hộ xử dụng, các học giả và các nhà lãnh đạo chính trị thiết lập những giải pháp chính trị và thúc đẩy sự thay đổi.
Tôi cũng mong muốn xây dựng trên cơ sở Cương lĩnh Hành động của thế giới thông qua ở Bắc Kinh, đặt chương trình nghị sự cho thế lỷ thứ 21, thúc đẩy sự tham gia toàn diện của chị em phụ nữ và thanh thiếu nữ trên thế giới, bao gồm cả những lĩnh vực chưa vươn tới trong năm 1995. Ví dụ như, không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được cách thức mà internet và công nghệ điện thoại di động sẽ làm thay đổi thế giới, hiểu rõ ít nhất có đến 200 triệu phụ nữ sử dụng trực tuyến tuy ít hơn nam giới trong thế giới đang phát triển. Sự xoá bỏ “chia cách kỹ thuật số” trong thông tin sẽ mở ra cơ hội mới rộng lớn hơn việc tham gia về kinh tế, nhất là vấn đề chính trị.
Chúng tôi đặt tên cho sáng kiến mới “không giới hạn” là: Dự án Tham gia Toàn diện. Cái tên mang tiếng vang thật vui cho “18 triệu khoảng cách vô hình” đã trở nên nổi tiếng vào cuối chiến dịch tranh cử Tổng thống của tôi, nhưng thực ra còn nhiều ý nghĩa hơn thế nữa. Bạn không thể hình dung ở cấp độ cao nhất trong chính trị hay doanh nghiệp, người phụ nữ và các thanh thiếu nữ khắp nơi vẫn phải đối mặt với những khoảng cách vô hình cản trở những tham vọng và mọi việc khó hơn, nếu như không muốn nói, họ không thể thực hiện giấc mơ.
Không bao lâu sau khi công bố “không giới hạn”, tôi được nghe câu chuyện thật lý thú và đáng ngạc nhiên. Stepen Massey một đồng nghiệp của thời kỳ Clinton ở Nhà Trắng, đi lang thang và vào một hiệu sách ở Bắc Kinh. Đây là hiệu sách hiện đại, rất lớn nhưng hầu như rất vắng khách, gần như chẳng có ai. Đột nhiên Stephen cảm thấy không thể tin vào tai khi trên chiếc loa phóng thanh của cửa hàng vang câu “Nhân quyền chính là quyền của người phụ nữ và quyền phụ nữ chính là nhân quyền.” Đây chính là lời của tôi khi phát biểu mà họ đã ghi âm và phát lại trong cửa hàng. Đúng là sau 20 năm Bắc Kinh đã có sự thay đổi diệu kỳ. Năm 1995, chính phủ Trung Quốc đã huỷ chương trình truyền hình trực tiếp bài diễn văn của tôi. Giờ đây những luận điểm gây tranh cãi đã trở thành “nhạc nền” cho khách mua hàng, một phần trong cuộc sống ngày nay. Stephen dùng chiếc điện thoại ghi lại cliff video và gửi qua email. Khi xem lại cliff, tôi bật cười. Đây có phải cách tốt nhất để quảng cáo của cửa hàng bán sách? Trung Quốc ngày nay như thế ư?
Thông điệp ở Bắc kinh và trong suốt quá trình làm việc trong cuộc đời đã thể hiện một trong những đặc tính từ trong gien di truyền DNA của tôi. Tôi thật mừng điều này đã thấm đượm vào nền văn hoá ở những nơi một thời từng thù địch. Nguyên nhân của sự bảo vệ và mở rộng quyền con người là do tính cấp bách và thiết thực hơn bao giờ hết và sự tiến bộ trong tương lai không thể thiếu sự chỉ đạo của Hoa Kỳ.
Tháng 2-2014, Chiến dịch Nhân quyền (một chiến dịch mới về nhân quyền) đã mời con gái tôi, Chelsea, đến phát biểu tại hội nghị quyền của người đồng tính. Trong bài phát biểu, Chelsea đã đưa ra câu nói rất quen thuộc bản tin của twist: “Mẹ tôi thường nói vấn đề phụ nữ là công việc chưa hoàn thành trong thế kỷ thứ 21. Tôi tin điều đó đúng. Và như vậy cũng có nghĩa là quyền của người LGBT cũng chưa hoàn thành trong thế kỷ thứ 21 này.” Con gái tôi phát biểu quá đúng và tôi không thể tự hào hơn về lập trường mạnh mẽ của Chelsea trên danh nghĩa bảo vệ sự bình đẳng và cơ hội cho tất cả mọi người.
Tôi đã từng mô tả sự hoạt động chính sách đối ngoại của Mỹ như một cuộc chạy thi tiếp sức. Những người lãnh đạo trao cho nhau chiếc gậy và chân chạy thật nhanh sao cho có thể trao tiếp cho người kế tục chạy tiếp sức cho đến khi thành công. Vâng, trong gia đình cũng như cuộc chạy đua tiếp sức như thế. Từ giây phút đầu tiên tôi ôm Chelsea trong vòng tay tại bệnh viện ở Little Rock khi cháu ra đời, tôi đã hiểu nhiệm vụ của tôi trong cuộc đời là sẽ trao cho con tất cả những cơ hội giúp nó trưởng thành. Con gái tôi giờ đây đã trưởng thành, bước vào thế giới với cuộc đời riêng và trách nhiệm của tôi bây giờ đã thay đổi. Giờ đây Chelsea đang chờ đón đứa con đầu lòng của chính nó, còn tôi đang chuẩn vị vai trò mới mà nhiều năm qua mong đợi, được trở thành bà ngoại. Tôi thấy bản thân tôi suy nghĩ rất nhiều về mối quan hệ giữa tôi và mẹ tôi, khi tôi trưởng thành cũng như trong thời kỳ thơ ấu và những gì tôi học được từ mẹ.
Khi trở thành Ngoại trưởng, mẹ tôi bước sang tuổi chín mươi. Bà từng sống với vợ chồng tôi ở Washington trong nhiều năm, sau đó cụ ở riêng trong căn hộ trông ra vuờn bách thú trên Đại lộ Connecticut. Giống như tất cả các thế hệ tôi trong gia đình người Mỹ, tôi đã làm được cả hai việc, chăm sóc cha mẹ già và tạo điều kiện cho các cụ hạnh phúc, vui vẻ trong những năm tháng cuối đời. Cụ yêu tôi với tình yêu của người mẹ vô bờ bến và lúc nào cũng ủng hộ, tiếp sức khi tôi khôn lớn ở Park Ridge, giờ đây đến lượt tôi đền ơn bà. Tất nhiên, tôi không để bà biết tôi đền ơn công sinh dưỡng theo cách đó. Thân mẫu tôi, cụ Dorothy Howell Rodham là người phụ nữ rất tự lập, cụ không bao giờ muốn trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, kể cả tôi.
Có cụ ở bên, đó là nguồn an ủi vô bờ bến, nhất là giai đoạn khó khăn sau chiến dịch tranh cử năm 2008. Những lần trở về nhà sau những ngày làm việc kéo dài ở Thượng viện hay ở Bộ Ngoại giao, tôi ngồi cạnh cụ bên chiếc bàn điểm tâm ở góc phòng, chờ món ăn dọn ra.
Mẹ tôi rất thích truyện trinh thám, món ăn Mexico và chương trình Dancing With the Stars (chương trình khiêu vũ của những người nổi tiếng) - tôi cố gắng đưa cụ đến dự buổi ghi hình tuần một lần) và rất yêu quý đàn cháu nội ngọai. Thằng cháu con đứa em, Zach Rodham trường của nó cách có 5 phút đi bộ, cứ chiều chiều sau khi tan học nó đến thăm bà nội. Chơi đùa với những đứa cháu út ít tuổi nhất, bé Fiona và thằng Simon Rogham là niềm vui sướng nhất của cụ. Đối với Chelsea, bà ngoại là một trong những người quan trọng nhất trong cuộc đời của nó. Cụ từng giúp Chelsea cách hành xử để chiếm cảm tình trong con mắt công chúng, khi Chelsea đã đủ khôn lớn cụ động viên, khuyến khích tham gia những đam mê và công việc từ thiện, bác ái. Ngay cả khi cụ bước sang tuổi 90, cụ vẫn không chịu từ bỏ sự quan tâm đến công bằng trong xã hội, những khuôn mẫu, tiếp sức cho tôi khi trưởng thành. Tôi thật sung sường và thầm cảm ơn cụ cũng cư xử với Chelsea như cụ từng đối xử với tôi. Tôi không thể tin được, người sung sướng nhất trong buổi lễ thành hôn của Chelsea lại chính là cụ. Cụ tự hào khoác tay Zach, hoan hỉ rạng rỡ bên cô cháu gái mặc áo cô dâu.
Tuổi thơ của mẫu thân tôi đầy khổ đau vì bà đã bị cha mẹ ruồng bỏ. Hai cụ thân sinh của mẹ tôi sống ở Chicago, họ thường xuyên đánh lộn, cuối cùng ly dị khi hai chị em còn nhỏ. Cả hai ông bà chẳng ai muốn chịu trách nhiệm nuôi dưỡng đàn con, vì thế họ cho chị em cụ lên chuyến tầu hỏa về California sống với ông bà nội ở Alhambra, thị xã phía đông gần San Gabriel Muontains của Los Angeles. Ông bà nội có tuổi đi lại khó khăn và chẳng thương yêu gì hai đứa cháu. Một lần trong lễ hội Hallowen, mẹ tôi bị các cụ bắt quả tang chơi trò “trick or treating” (cho kẹo hay bị ghẹo) với bạn học, một trò chơi bị ông bà nội cấm, mẹ tôi bị phạt không được vào phòng một năm và bị cấm không được ăn ở phòng ăn, không được được chơi ở sân sau nhà. Đến khi mẹ tôi 14 tuổi không thể chịu được cuộc sống với ông bà nội. Bà bỏ nhà, tìm việc làm người giúp việc vặt, trông trẻ cho một người đàn bà tốt bụng ở San Gabriel, được bao ăn ở và trả 3 Mỹ kim một tuần và bắt mẹ tôi phải đi tiếp tục đi học. Đây là lần đầu tiên, mẹ tôi chứng kiếm cảnh cha mẹ chăm sóc âu yếm đàn con của minh như thế nào. Đây cũng là sự khám phá đầu tiên của cụ.
Sau khi học hết phổ thông, mẹ tôi quay lại Chicago hy vọng tìm được người mẹ ruột, hy vọng tình mẹ con được hàn gắn. Nhưng thật buồn, người mẹ đẻ lại ruồng bỏ cụ lần nữa. Đau khổ tột cùng, cụ xin làm thư ký trong thời gian dài gần 5 năm, trước khi gặp và kết hôn với cha tôi, Hugh Rodham. Cuộc sống mới của mẹ tôi trong vai trò người nội trợ, suốt ngày quanh quẩn, chăm sóc tôi và hai thằng em trong tình yêu vô bờ bến.
Khi tôi khôn lớn, hiểu mọi sự việc, tôi hỏi mẹ, làm thế nào khi bị bỏ rơi, bị lạm dụng mà mẹ không cảm thấy đắng cay và tình cảm không trở nên khô cằn và lớn lên trong tình trạng cô đơn ngay ở tuổi ấu thơ mà vẫn trở thành một người mẹ đáng yêu, nhân hậu đến như vậy? Tôi chẳng bao giờ quên khi mẹ tôi trả lời: “Trong những lúc cơ cực nhất của cuộc đời, mẹ đã gặp được những người rất tử tế”. Đôi khi những việc làm tưởng như quá nhỏ bé, nhưng ý nghĩa của nó thì quá lớn. Cô giáo dạy ở tiểu học biết mẹ tôi chẳng bao giờ có tiền mua sữa tươi, vì thế ngày nào cô giáo cũng mua hai bịch sữa, nói: “Dorothy à, cô không thể uống sữa đóng trong hộp giấy, em uống hộ cô được không?” Một bà thuê mẹ tôi làm việc vặt và trông trẻ nhưng bắt mẹ tôi phải tiếp tục đi học. Một hôm chủ nhà phát hiện mẹ tôi có độc chiếc áo sơ-mi nên hàng ngày phải giặt. Bà cầm chiếc áo của bà, bảo “Này Dorothy à, chiếc áo này cô mặc chật quá, nhưng không muốn bỏ đi, cháu có muốn không?”
Thật ngạc nhiên, mẹ tôi vẫn tràn đầy sức sống và yêu đời khi bà ở tuổi 90. Nhưng sức khỏe bắt đầu có vấn đề, bà mắc bệnh tim. Mùa Thu năm 2011, tôi rất lo khi cụ sống một mình. Tối ngày 31-10, lại đêm Hallowen, tôi chuẩn bị đi London và Thổ nhĩ Kỳ. Nhóm của tôi đã sẵn sàng ở phi trường Andrews chờ tôi tới, máy bay cất cánh, đoàn sẽ lên đường. Tôi nhận được điện thoại báo tin cụ phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đại học George Washington. Tôi hủy ngay chuyến công du vội vào bệnh viện thăm cụ. Bill và Chelsea cùng Marc từ New York cũng hối hả về Washington, các em trai tôi cùng vợ, Hugh và Maria, Tony và Mega cũng đến ngay bệnh viện. Cụ đang hấp hối, chuẩn bị ra đi. Tôi ngồi bên giường, nắm bàn tay mẹ lần cuối cùng. Không một ai có ảnh hưởng lớn đến đời tôi và đã giúp tôi trưởng thành ngoài người mẹ thân yêu.
Khi phụ thân tôi qua đời năm 1993, tôi cảm thấy cụ mất quá sớm, tôi buồn nhất khi cha tôi không còn để nhìn thấy những gì tôi đã đạt được. Nhưng với mẹ tôi lại khác, cụ thọ hơn và chứng kiến được tất cả. Tôi khóc không phải vì mẹ không nhìn thấy những chúng tôi đã thành công, tôi khóc vì tôi thương nhớ mẹ.
Mấy ngày liền, tôi thẫn thờ tưởng nhớ, nhìn vào cuốn sách cụ đang đọc, ngắm nhìn những bức ảnh cũ, vuốt ve những đồ trang sức mà cụ thích. Tôi vẫn nghĩ bên cạnh tôi là cụ vẫn ngồi ở chiếc bàn điểm tâm kê ở góc phòng ăn, tôi ước ao một lần nữa được trò chuyện với mẹ, được mẹ ôm vào lòng.
Chúng tôi làm lễ truy điệu và tưởng niệm cụ tại nhà cùng với họ hàng gần gũi và bạn bè thân thiết. Chúng tôi mời Đức cha Bill Shillady, người đã làm lễ ở nhà thờ trong buổi lễ kết hôn của Chelsea và Marc. Chelsea nhận xét về bà ngoại những lời thật cảm động, cũng như nhiều người trong họ mạc và bạn bè của cụ. Tôi đọc một số vần thơ của thi sĩ Mary Oliver, tác phẩm mà mẹ tôi rất yêu thích.
Bill và Chelsea đứng sát bên, tôi cố nói đôi lời vĩnh biệt với mẹ. Tôi nhớ những lời thông thái, khôn ngoan của những người bạn lớn tuổi của tôi từng chia sẻ những năm gần đây, hiểu được cuộc sống của cụ và những hy vọng cuộc sống còn lại của tôi: “Tôi đã tửng yêu và từng được yêu thương, đó là tất cả phần nhạc nền cho cuộc sống.”
Nhìn Chelsea, tôi lại nghĩ, mẹ tôi chắc rất tự hào về đứa cháu ngoại của cụ. Mẹ tôi thường lấy thước đo cuộc sống bằng cách xem mình đã giúp được con cháu và người khác ra sao. Tôi vẫn coi mẹ tôi vẫn còn sống với chúng tôi, chắc cụ cũng muốn chúng tôi nghĩ như thế. Chẳng bao giờ cụ ngừng nghỉ trong vòng nguyệt quế của sự vinh quang. Và cũng chẳng bao giờ bỏ cuộc, cũng chẳng bao giờ ngừng hoạt động mong thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Đó cũng là công việc chưa hoàn thành của chúng tôi.
Những Lựa Chọn Khó Khăn Những Lựa Chọn Khó Khăn - Hillary Rodham Clinton Những Lựa Chọn Khó Khăn