Nguyên tác: The Clocks (1963)
Số lần đọc/download: 298 / 22
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:48 +0700
Chương 25
Tôi phải đợi chừng một hay hai phút gì đó, rồi cửa mới mở ra.
Một cô gái người Bắc Âu tóc vàng, dáng người to lớn, mặt ửng đỏ, mặc bộ quần áo màu sắc rực rỡ nhìn tôi có ý dò hỏi. Dầu cô đã vội vàng lau chùi đôi tay nhưng vẫn còn dính vết bột mì và có cả một vệt bột mì tí xíu trên mũi cô, vì thế tôi dễ dàng đoán được cô đang làm gì.
“Xin lỗi,” tôi nói, “hình như ở đây có một bé gái. Cô bé đã đánh rơi một vật ra ngoài cửa sổ.”
Cô mỉm cười với tôi. Tiếng Anh không phải là thế mạnh của cô ta.
“Tôi xin lỗi — ông nói gì?”
“Một đứa bé ở đây—một cô bé.”
”Vâng, vâng.” Cô gật đầu.
“Làm rớt đồ ra ngoài cửa sổ.”
Nói đến đây tôi làm vài điệu bộ.
“Tôi đã nhặt và đem lên.”
Tôi chìa ra một bàn tay mở rộng. Trong đó có một con dao gọt trái cây bằng bạc. Cô ngó nó, không nhận ra.
“Tôi không nghĩ là — tôi không thấy…”
“Cô đang bận nấu ăn,” tôi tỏ ra thông cảm.
“Vâng, phải, tôi nấu ăn. Đúng đấy.” Cô gật đầu lia lịa.
“Tôi không muốn quấy rầy cô,” tôi nói. “Để tôi đưa nó cho cô bé, được không?”
“Xin lỗi?”
Hình như cô đã hiểu ý của tôi. Cô dẫn đường băng qua sảnh rồi mở một cánh cửa. Nó dẫn vào một phòng khách trông rất vui mắt. Cạnh cửa sổ là một tràng kỷ được kê lên và có một đứa nhỏ độ chín, mười tuổi, một chân bó bột, đang ngồi trên đó.
“Quý ông này đây, ông này nói em đánh rớt…”
Ngay lúc đó thật may mắn, một mùi cháy khét nồng nặc bay ra từ nhà bếp. Cô dẫn đường cho tôi kêu lên thảng thốt: “Xin lỗi, xin thứ lỗi.”
“Cô cứ đi đi,” tôi nói rất chân tình, “tôi lo liệu được mà.”
Cô lẹ làng bỏ chạy. Tôi vào phòng, đóng cửa lại rồi đi tới tràng kỷ.
“Xin chào.”
Đứa nhỏ đáp lại, “Xin chào” và cứ liếc nhìn tôi soi mói dò xét thật lâu, khiến tôi hơi chột dạ. Cô bé khá giản dị với mái tóc chải thẳng thớm màu xám thắt lại thành hai cái bím. Trán vồ, cằm nhọn và một cặp mắt xám rất thông minh.
“Tôi là Colin Lamb,” tôi nói. “Bé tên là?”
Nó cung cấp thông tin cho tôi thật mau lẹ.
“Geraldine Mary Alexandra Brown.”
“Trời ôi,” tôi kêu lên, “hoàn toàn không giống cái tên chút xíu nào. Họ thường gọi em là gì hả?”
“Geraldine. Đôi khi là Gerry, nhưng em chả thích. Bố em cũng chả đồng ý gọi tên vắn tắt đâu ạ.”
Một trong những lợi thế tuyệt vời khi làm việc với trẻ con là chúng thường có logic riêng của chúng. Bất cứ người lớn nào cũng đều sẽ ngay lập tức hỏi tôi rằng tôi muốn cái gì. Con bé này lại hoàn toàn sẵn sàng đi thẳng vào cuộc nói chuyện mà không cần đến những câu hỏi ngu ngơ ngớ ngẩn. Nó đang ở một mình và buồn chán, nên khách viếng nhà bất cứ kiểu nào có sấn sổ hỏi han vẫn được hoan nghênh vì đó là điều mới lạ. Cho tới khi tôi tự chứng tỏ mình là một gã nói chuyện không vui và chán ngắt, nó vẫn hết sức sẵn sàng trò chuyện.
“Chắc bố em ra ngoài rồi hả?” tôi hỏi.
Con bé đáp lại cũng nhanh lẹ và đầy đủ chi tiết như đã thể hiện trước đó.
“Công xưởng Cartinghaven ở Beaverbridge. Cách đây đúng mười bốn dặm ba phần tư ạ.”
“Còn mẹ em?”
“Mẹ chết rồi,” Geraldine đáp, niềm hân hoan vẫn không hề suy giảm. “Bà chết lúc em mới hai tháng tuổi. Mẹ đi máy bay từ Pháp đến. Máy bay bị rơi và mọi người đều chết cả.”
Nó nói với đôi chút mãn nguyện khiến tôi cảm thấy với một đứa nhỏ nếu mẹ nó đã chết đi, điều ấy phản ánh một vinh quang nào đó nếu như bà ta bị chết trong một tai nạn hủy diệt toàn bộ.
“Tôi hiểu rồi,” tôi nói. “Vì thế mà em mới có…”
Tôi nhìn về phía cửa phòng.
“Đó là Ingrid. Chị ấy đến từ Na Uy. Mới có nửa tháng nay thôi. Chị ấy chưa nói được tiếng Anh. Em đang dạy tiếng Anh cho chị ấy.”
“Và chị ấy dạy tiếng Na Uy cho em hả?”
“Không nhiều lắm,” con bé đáp.
“Em có thích chị ấy không?”
“Có ạ. Chị cũng được lắm. Đôi lúc món chị nấu khá kỳ quái. Anh biết không, chị ấy thích ăn cá sống.”
“Anh từng ăn cá sống ở Na Uy,” tôi nói. “Đôi khi cũng rất ngon.”
Geraldine có vẻ vô cùng hoài nghi điều ấy.
“Hôm nay chị ấy đang cố làm bánh tạt nhân mật đường đấy ạ,” nó nói tiếp.
“Mới nghe đã thấy ngon rồi.”
“Ùm — vâng, em thích bánh tạt nhân mật đường.” Nó lễ phép nói thêm, “Có phải anh đến để ăn trưa không ạ?”
“Không em. Thật ra vừa rồi anh đi ngang qua bên dưới nơi này và có lẽ em đã đánh rơi một vật ra ngoài cửa sổ.”
“Em á?”
“Phải.” Tôi đưa ra con dao gọt trái cây bằng bạc.
Con bé nhìn nó, mới đầu có vẻ ngờ vực nhưng rồi lại có những dấu hiệu bằng lòng.
“Cũng khá đẹp đấy. Cái gì thế?”
“Đây là một con dao gọt trái cây.”
Tôi mở con dao ra.
“À, em hiểu rồi. Anh muốn nói có thể dùng nó gọt vỏ táo và những thứ tương tự.”
“Phải.”
Con bé thở dài.
“Không phải của em. Em không hề đánh rơi con dao này. Điều gì khiến anh nghĩ em đã đánh rơi?”
“À, lúc ấy em đang nhìn ra cửa sổ và…”
“Hầu như lúc nào em cũng nhìn ra cửa sổ,” Geraldine nói. “Em đã bị ngã gãy chân, anh thấy rồi đấy.”
“Thật không may!”
“Vâng, chẳng phải thế sao? Dù sao cũng bị gãy chân theo cách chẳng hay ho gì. Em vừa bước xuống xe buýt thì bất thình lình xe tiếp tục chạy tới. Ban đầu cũng khá đau và hơi nhức nhối, nhưng bây giờ đã hết đau nhức rồi.”
“Với em chắc hẳn khá buồn chán,” tôi nói.
“Vâng, đúng thế. Nhưng bố thường mang đến cho em nhiều thứ. Chất dẻo để nặn hình, anh biết đấy, sách và bút chì màu, trò chơi ghép hình và các món đồ tương tự như thế, nhưng chơi mãi cũng chán nên em dành phần lớn thời gian để nhìn ra cửa sổ với cái này này.”
Vô cùng tự hào nó đưa ra một cặp ống nhòm để xem opera.
“Cho anh xem với, có được không?” tôi hỏi.
Tôi cầm lấy ống nhòm từ tay cô bé, đưa lên vừa tầm mất rồi nhìn ra bên ngoài cửa sổ.
“Hay quá ta!” tôi khen.
Quả đúng thế, rất tuyệt. Bố của con bé, nếu đúng là đã cung cấp món đồ này, hẳn đã không tiếc tiền. Thật đáng kinh ngạc vì anh có thể nhìn thấy thật rõ nhà số 19, Wilbraham Crescent, và các nhà lân cận. Tôi trao cặp ống nhòm lại cho con bé.
“Rất tuyệt,” tôi nói. “Hạng nhất đó.”
“Nó rất bảnh,” Geraldine nói với vẻ tự hào. “Không phải đồ chơi cho các em bé và không phải giả vờ xem chơi đâu nhé.”
“Đúng… anh thấy vậy.”
“Em có giữ một quyển sổ nhỏ,” Geraldine nói tiếp.
Nó đưa quyển sổ cho tôi xem.
“Em ghi chép vào đây chuyện này chuyện nọ cùng với giờ giấc. Giống như lúc nhàn rỗi người ta có cái thú vui ghi nhận con số của các đầu máy xe lửa,” nó nói thêm. “Anh họ em tên là Dick hay chơi trò ghi số tàu hỏa. Bọn em còn ghi cả số xe ô tô nữa.”
“Một trò giải trí khá hay,” tôi nhận xét.
“Vâng, đúng thế. Thật không may gần đây chẳng có nhiều ô tô chạy trên đường này, nên hầu như em đã bỏ không ghi lại nữa.”
“Chắc em phải biết rõ mọi chuyện về những ngôi nhà dưới kia, những ai sống trong ấy và đủ thứ chuyện nữa.”
Tôi tuôn ra những lời này khá ngẫu nhiên, nhưng cô bé lại phản ứng thật nhanh.
“Có chứ ạ. Dĩ nhiên em chẳng biết tên thật của họ, bởi thế em phải cho họ những cái tên tự mình đặt ra.”
“Chắc vui lắm,” tôi nói.
“Bà Hầu tước Carrabas ở dưới kia,” con bé vừa nói vừa chỉ trỏ. “Cái nhà toàn cây cối um tùm chả chịu cắt xén gọn gàng. Anh biết rồi đấy, giống như truyện Mèo đi hia. Bầy mèo của bà ấy đông quá trời đông.”
“Anh vừa mới nói chuyện với một con, con mèo vàng cam ấy.”
“Vâng, em đã thấy anh.”
“Hẳn em tinh mắt lắm,” tôi nhận xét. “Anh mong là em không bỏ sót nhiều điều, phải vậy không?”
Geraldine mỉm cười có vẻ hài lòng. Cô Ingrid mở cửa đi vào, thở không ra hơi.
“Em vẫn ổn, hỉ?”
“Bọn em vẫn ổn,” con bé quả quyết. “Chị không cần phải lo đâu, Ingrid.”
Nó gật đầu thật mạnh rồi quơ hai bàn tay ra hiệu.
“Chị nấu ăn tiếp đi.”
“Tốt quá, chị đi nấu tiếp đây. Rất hay là em có khách.”
“Chị ấy thường căng thẳng khi làm bếp,” Geraldine giải thích. “Em muốn nói khi chị ấy đang thử làm một món mới. Và đôi khi nhà em dùng bữa rất muộn vì lẽ ấy. Em rất vui có anh đến chơi. Có người cho mình xao lãng, không nghĩ đến chuyện đang đói bụng hay quá.”
“Hãy kể cho anh nghe thêm về người trong những ngôi nhà dưới đó đi,” tôi bảo, “và em đã thấy gì. Ai sống trong ngôi nhà kế đó — ngôi nhà ngăn nắp ấy?”
“Ôi, có một bà mù ở đấy. Bà ấy mù hoàn toàn, tuy thế vẫn đi lại bình thường như thể vẫn nhìn thấy đường. Chú gác cửa bảo em thế. Chú ấy tên là Harry. Chú rất tử tế. Chú Harry ấy. Chú kể cho em nghe rất nhiều chuyện, về vụ giết người.”
“Giết người sao?” giọng tôi hỏi nghe có vẻ kinh ngạc, rất thích hợp với tình huống này.
Con nhỏ gật đầu. Mắt nó rực sáng lên bởi tính chất quan trọng của những thông tin nó sắp sửa truyền đạt.
“Có một vụ giết người trong nhà ấy. Thực ra em đã nhìn thấy.”
“Ui, vậy sao!”
“Vâng, chẳng phải thế sao? Trước giờ em chưa từng nhìn thấy một vụ giết người. Ý em muốn nói chưa từng thấy nơi xảy ra án mạng.”
“Em đã — ơ — thấy gì?”
“À, lúc ấy chẳng có chuyện gì xảy ra. Anh biết mà, lúc đó là một giờ hầu như vắng vẻ trong ngày.”
“Chuyện hấp dẫn xảy ra lúc nào?”
“Ai đấy từ trong nhà vội vàng chạy ra và la hét. Bởi thế dĩ nhiên em biết chắc hẳn đã có chuyện gì đấy xảy ra.”
“Ai la hét?”
“Là một phụ nữ. Cô ta còn trẻ lắm, thật sự khá xinh đẹp. Cô ta ra khỏi cửa và cứ la hét, la hét mãi. Có một thanh niên đang đi trên đường. Cô ấy nhào ra khỏi cổng và gần như giữ chặt lấy anh ta — như thế này này.” Nó làm một điệu bộ với hai cánh tay. Bất chợt nó liếc nhìn tôi chằm chặp. “Trông anh ta có vẻ khá giống anh đó đấy.”
“Chắc người giống người thôi,” tôi nói nhẹ nhàng. “Rồi tiếp sau đó là chuyện gì? Chuyện này rất hấp dẫn.”
“À, anh ta gần như đẩy cô ngồi phịch xuống. Anh biết không, trên mặt đất ấy, và rồi anh ta đi vào trong nhà. Còn Hoàng Đế — tức là con mèo lông vàng cam, em vẫn luôn gọi nó là Hoàng Đế vì trông nó có vẻ quá sức kiêu hãnh —-nó thôi không liếm láp nữa và trông có vẻ hết sức kinh ngạc. Rồi sau đấy Cô Cán Giáo ra khỏi nhà mình —là nhà số 18 ấy — bà ta đi ra rồi đứng trên thềm nhà nhìn chằm chặp.”
“Cô Cán Giáo hả?”
“Em gọi bà ta là Cô Cán Giáo vì bà ta thẳng đuột. Bà ta có một ông em, và thường hay bắt nạt ông ấy.”
“Nói tiếp đi,” tôi nói một cách quan tâm.
“Rồi sau đó đủ thứ chuyện đã xảy ra. Người đàn ông từ trong nhà trở ra — Anh chắc chắn đó không phải là anh chứ?”
“Anh là một anh chàng trông rất bình thường,” tôi khiêm tốn nói, “có nhiều người giống anh lắm.”
“Vâng, cứ cho là đúng thế đi,” Geraldine nói có phần thẳng thắn. “À, dù sao đi nữa cũng là người ấy, anh ta bỏ đi về phía cuối đường và gọi điện thoại từ buồng gọi ở dưới ấy. Ngay sau đó cảnh sát bắt đầu tới nơi.” Đôi mắt nó lấp lánh. “Rất nhiều cảnh sát. Và họ đưa cái xác chết đi trong một kiểu xe cấp cứu. Dĩ nhiên lúc ấy có rất đông người giương mắt nhìn, anh biết rồi đấy. Em cũng thấy chú Harry ở đó. Là chú gác cửa của chung cư này. Sau đó chú đã kể chuyện cho em nghe.”
“Ông ấy có nói với em ai đã bị giết không hả?”
“Chú chỉ nói đó là một người đàn ông. Chẳng ai biết tên ông ta cả.”
“Toàn bộ chuyện này rất thú vị,” tôi nói.
Tôi tha thiết nguyện cầu sao cho Ingrid đừng chọn phút giây này để lại đi vào với một cái bánh tạt mật đường ngon lành hay những món ngon ngọt khác.
“Nhưng hãy lùi về trước đó một chút! Hãy kể chuyện xảy ra trước đó! Em có thấy người này — người đàn ông bị sát hại ấy — em có thấy ông ta tới nhà đó không?”
“Không, em không thấy. Em cho rằng ông ta hẳn đã ở đấy suốt.”
“Em muốn nói ông ta sống ở đó hả?”
“Ô không, chả có ai sống ở đấy ngoài cô Pebmarsh.”
“Vậy là em biết tên thật của bà ta à?”
“Dạ biết chứ. Em đọc trên báo mà. Về vụ giết người. Cô gái la hét tên là Sheila Webb. Chú Harry cho em biết người bị giết tên Curry. Đó là một cái tên buồn cười, phải không? Như là một món ăn. Còn có án mạng thứ nhì nữa, anh biết đấy. Không phải cùng một ngày — về sau — trong buồng điện thoại khúc cuối đường. Từ đây em có thể nhìn thấy nó, đúng, nhưng em phải thò đầu ra ngoài cửa sổ rồi ngoái cổ nhìn. Dĩ nhiên thật ra em không có nhìn thấy vụ ấy, là vì — em muốn nói giá như em biết trước nó sẽ xảy ra, hẳn em đã nhìn rồi. Nhưng dĩ nhiên là em không biết nên không có nhìn. Buổi sáng hôm ấy rất nhiều người cứ đứng đấy ở ngoài đường nhìn vào nhà đối diện. Em nghĩ thật ngu xuẩn, anh không nghĩ thế sao?”
“Phải,” tôi đáp, “rất ngu xuẩn.”
Tới đây Ingrid lần nữa lại xuất hiện.
“Chị dọn ngay thôi,” cô trấn an. “Chị dọn ngay bây giờ đây.”
Cô lại đi ra. Geraldine nói: “Thật ra nhà em chả muốn thuê chị ấy. Chị cứ lo lắng về các bữa ăn. Dĩ nhiên đây là bữa duy nhất chị phải nấu ngoài bữa điểm tâm. Bố thường đi ăn nhà hàng vào buổi tối, và mua về cho em. Chỉ là cá hay món gì đấy. Không phải một bữa ăn tối thực thụ.” Giọng nó nói nghe có vẻ thèm thuồng.
“Em thường ăn trưa lúc mấy giờ, hả Geraldine?”
“Anh muốn nói bữa ăn chính, phải không? Đây là bữa ăn chính của em. Em không dùng bữa chính vào chiều tối. Đó là bữa súp. À, thật ra em dùng bữa chính bất cứ lúc nào Ingrid tình cờ đã nấu xong, về giờ giấc chị ấy khá kỳ khôi. Chị phải chuẩn bị sẵn sàng bữa điểm tâm đúng giờ vì bố đâm ra quá bực mình, bữa ăn giữa trưa thường ăn bất cứ lúc nào, có khi ăn lúc mười hai giờ, và có khi mãi tới hai giờ mới được ăn. Ingrid bảo đừng dùng bữa vào một giờ nhất định, khi nào có thì cứ ăn.”
“À, đó là một ý tưởng dễ dãi,” tôi nói. “Em đã dùng bữa trưa — bữa ăn chính lúc mấy giờ— anh muốn nói vào ngày xảy ra án mạng ấy?”
“Hôm ấy ăn lúc mười hai giờ. Anh biết không, hôm ấy Ingrid ra ngoài. Chị ấy đi xem phim hay làm tóc, và một bà tên Perry đến ở cùng em. Bà ta thật kinh khủng, thật đấy. Hay vỗ vỗ người ta.”
“Vỗ vỗ người ta sao?” tôi hơi khó hiểu.
“Anh biết đấy, vỗ nhẹ lên đầu. Nói kiểu ‘bé cưng ơi’. Bà ta không phải,” Geraldine nói, “hạng người mà anh có thể trò chuyện thỏa thích. Nhưng bà thường đem cho em bánh kẹo và những của ngon ngọt như thế.”
“Em mấy tuổi rồi, Geraldine?”
“Em mười tuổi. Mười tuổi ba tháng.”
“Anh thấy hình như em nói chuyện rất khôn ngoan,” tôi nhận xét.
“Đó là vì em phải nói chuyện rất nhiều với bố,” con nhỏ nói thật trang nghiêm.
“Vậy là vào ngày xảy ra án mạng em đã ăn bữa chính sớm?”
“Vâng, như thế Ingrid có thể rửa bát đĩa xong xuôi và về ngay sau một giờ.”
“Như thế sáng hôm ấy em đã nhìn ra ngoài cửa sổ để quan sát người ta.”
“Vâng ạ, phần nào thời gian thôi. Lúc còn sớm, chừng mười giờ, em chơi giải ô chữ.”
“Anh vẫn tự hỏi có khả năng em đã thấy ông Curry đến nhà ấy hay không?”
Geraldine lắc đầu.
“Không, em không thấy. Kỳ thiệt, em đồng ý.”
“À, có lẽ ông ta tới đó rất sớm.”
“Ông ấy đã không đến cửa trước và bấm chuông. Lẽ ra em phải thấy chứ.”
“Có lẽ ông ta đã vào qua khu vườn. Ý anh là các bên khác của ngôi nhà.”
“Không phải đâu,” Geraldine nói. “Nhà đó tựa lưng vào các nhà khác. Họ không muốn ai đi qua vườn nhà họ đâu.”
“Ừ nhỉ, chắc họ không muốn đâu.”
“Giá mà em biết được ông ấy trông như thế nào nhỉ,” con bé nói.
“À, ông ta già lắm rồi. Chừng sáu chục tuổi. Cạo râu nhẵn nhụi và mặc một bộ com-lê màu xám sẫm.”
Geraldine lắc đầu.
“Nghe có vẻ hết sức bình thường,” nó nói với vẻ không tán đồng.
“Dù sao,” tôi nói, “anh cho rằng em khó mà nhớ đúng chuyện ngày này phân biệt với ngày khác, khi em cứ nằm đây và lúc nào cũng nhìn ngắm.”
“Chả khó khăn gì hết.” Con bé nổi giận vì lời thách đố. “Em có thể kể anh nghe mọi điều về sáng hôm ấy. Em biết bà Cua đến lúc nào và bà ta ra về lúc nào.”
“Đó là người đàn bà dọn vệ sinh hằng ngày, phải không?”
“Phải, bà ta đi hấp tấp giống y một con cua. Bà ta có một thằng con. Đôi khi bà mang nó theo, nhưng hôm ấy thì không. Rồi sau đấy cô Pebmarsh đi ra ngoài khoảng chừng mười giờ. Bà đi dạy trẻ con ở một trường mù. Bà Cua ra về khoảng chừng mười hai giờ. Đôi khi bà cầm về một cái gói mà khi đến bà chẳng có. Những mẩu bơ và phô mai, em nghĩ thế, vì chủ nhà không thấy được. Em đặc biệt biết rõ những gì xảy ra hôm ấy, vì chị giúp việc và em vừa có chuyện cãi nhau nho nhỏ, nên chị ấy chả chịu nói chuyện với em. Em đang dạy chị ấy tiếng Anh, và chị muốn biết phải nói ‘cho tới khi chúng ta gặp lại’ như thế nào. Chị phải nói câu ấy với em bằng tiếng Đức. Aufwiedersehen. Em biết câu ấy vì đã một lần đến Thụy Sĩ, ở đấy người ta nói như thế. Và họ còn nói Gruss Gott nữa. Nếu anh nói bằng tiếng Anh thì câu đó là ‘that’s rude’.”
“Thế em bảo Ingrid nói gì?”
Geraldine bật cười khúc khích thật ranh mãnh. Nó định mở miệng nói nhưng bị trận cười khúc khích ngăn cản lại. Rồi cuối cùng nó cũng thốt nên lời: “Em bảo chị ta nói: ‘Get the hell out of here!’ Thế là chị ta nói câu ấy với cô Bulstrode ở nhà kế bên, khiến bà ta điên tiết lên. Bởi thế Ingrid mới phát hiện ra và rất giận em. Hai bên không thân thiện với nhau, mãi gần đến giờ uống trà ngày hôm sau mới giảng hòa.”
Tôi chú ý ghi nhớ kỹ thông tin này.
“Vậy là em tập trung vào việc quan sát bằng ống nhòm xem opera hả?”
Con bé gật đầu.
“Đó là lý do làm sao mà em lại biết ông Curry không vào bằng cửa trước. Chắc có lẽ ông ấy đã vào bằng cách nào đó trong đêm và trốn ở gác mái. Anh nghĩ có thể như thế hay không?”
“Anh cho rằng chuyện gì cũng có khả năng, nhưng theo anh không thể nào như vậy.”
“Không thể ư,” con bé nói, “thế nào ông ta cũng bị đói bụng, phải không? Và ông ta không thể xin cô Pebmarsh cho ăn sáng, không thể nếu ông ta đang trốn bà ấy.”
“Và chẳng có ai tới nhà ấy hay sao?” tôi hỏi. “Hoàn toàn chẳng có ai ư? Chẳng có ai đi xe hơi — một chủ cửa hàng — những kẻ tới viếng nhà?”
“Chủ hiệu tạp hóa đến vào ngày thứ hai và thứ năm,” nó đáp, “còn người giao sữa thì đến lúc tám giờ rưỡi sáng.”
Con bé này đúng là một pho từ điển bách khoa.
“Cô Pebmarsh tự đi mua bông cải và các thứ. Hoàn toàn không có ai viếng nhà ngoài chủ hiệu giặt là. Đó là một hiệu giặt là mới.”
“Tiệm giặt ủi mới hả?”
Vâng. Thường vẫn là hiệu giặt Southern Downs. Hầu hết đều thuê hiệu Southern Downs. Hôm ấy là một hiệu giặt là mới — Hiệu giặt là Snowflake. Em chưa bao giờ trông thấy Hiệu Giặt là Snowflake này. Chắc hẳn họ chỉ vừa mới khai trương thôi.”
Tôi cố gắng hết sức kiềm chế không để giọng nói của mình lộ vẻ quan tâm thái quá. Tôi không muốn kích động để cô bé đặt chuyện.
“Tiệm ấy giao đồ đã giặt ủi hay tới lấy quần áo dơ?” tôi hỏi.
“Giao đồ,” con bé đáp. “Còn trong một cái sọt to tổ bố nữa. To hơn rất nhiều so với cái sọt thông thường.”
“Cô Pebmarsh có khiêng nó vào không?”
“Không, dĩ nhiên là không. Bà ấy đã lại ra ngoài rồi.”
“Chuyện này xảy ra lúc mấy giờ, hả Geraldine?”
“Đúng một giờ ba mươi lăm phút,” con bé đáp. “Em có ghi lại đây nè,” nó nói tiếp với vẻ tự hào.
Con bé với tay lấy một quyển sổ nhỏ, rồi mở ra, ngón tay khá dơ bẩn của nó chỉ vào một đề mục. 1 giờ 35 hiệu giặt là đã đến. Số 19.
“Em phải tới làm việc ở Scotland Yard thôi,” tôi nói.
“Ở đấy cũng có nữ thám tử sao? Em thích lắm. Em không nói đến các nữ cảnh sát. Em nghĩ nữ cảnh sát ngu ngốc lắm.”
“Em chưa cho anh biết đích xác chuyện gì đã xảy ra khi tiệm giặt ủi tới.”
“Chả có gì xảy ra cả. Tài xế xuống xe, mở thùng chứa hàng, lôi ra cái sọt đó, loạng choạng bước vòng qua hông nhà đến cửa sau. Chắc ông ta không thể vào bên trong. Cô Pebmarsh có lẽ đã khóa cửa nên chắc là ông ta để nó lại đấy rồi đi về.”
“Trông anh ta ra sao hả?”
“Cũng bình thường thôi,” nó đáp.
“Như anh hả?” tôi hỏi.
“Ô không, già hơn anh nhiều, nhưng thật ra em chẳng trông thấy rõ, vì ông ta lái xe đến nhà ấy — thế này này.” Nó chỉ tay về bên phải. “Ông ta đã đỗ xe trước nhà số 19 mặc dù đang ở bên đường ngược chiều, nhưng không thành vấn đề với một con đường như thế này. Sau đó ông ta đi vào qua cổng nhà, cúi gập người trên cái sọt. Em chỉ có thể thấy đằng sau ót ông ta, và khi đi ra ông ta lại xoa mặt. Chắc ông ta thấy nóng nực, và cố khuân cái sọt ấy.”
“Rồi sau đó ông ta lại lái xe đi?”
“Vâng. Vì sao anh lại nghĩ chuyện ấy quá thú vị?”
“À, anh không biết,” tôi đáp. “Anh nghĩ có lẽ ông ta đã thấy điều gì đó đáng quan tâm.”
Cô giúp việc mở toang cánh cửa. Cô đang đẩy một chiếc xe thức ăn.
“Bây giờ chúng tôi ăn bữa chính,” cô gật đầu vui vẻ.
“Ngon quá,” Geraldine nói. “Em sắp chết đói rồi.”
Tôi đứng lên.
“Bây giờ anh phải đi đây. Tạm biệt Geraldine.”
“Tạm biệt. Còn cái này thì sao?” Cô bé cầm con dao gọt trái cây lên. “Không phải của em.” Giọng nó trở nên thèm thuồng, “ước gì là của em!”
“Có vẻ chẳng biết của ai, nhỉ?”
“Có phải đây là bắt được của báu, hay gì gì đấy không?”
“Có thể xem là thế,” tôi trả lời. “Tốt hơn hết em nên giữ lấy nó. Nghĩa là giữ lấy nó cho tới khi có người nào khác tới nhận lại. Nhưng anh không nghĩ,” tôi nói rất chân thành, “rằng có ai sẽ nhận lại nó.”
“Lấy cho em một quả táo đi, Ingrid!” Geraldine bảo.
“Táo à?”
“ Pomme! Apfel!”
Cô bé dạy ngoại ngữ học thật giỏi. Tôi từ biệt hai người đang học tập.