Books had instant replay long before televised sports.

Bern Williams

 
 
 
 
 
Tác giả:
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Người Của Biển
Upload bìa: Trạch Văn Đùng
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
a Huỳnh là người quyết đoán, vậy mà hôm nay, lần đầu, ông tỏ ra lúng túng. Tàu đã thả vũ khí đúng vị trí, anh chị em du kích đang ngóng chờ lệnh lấy hàng, nhưng ông chưa quyết.
Ba Huỳnh ngồi trong hốc núi cách mép biển không xa, khuôn mặt thần ra, suy tính. Nếu không cân nhắc kỹ, số vũ khí mà anh em mình tốn bao sức lực mới đưa tới đây sẽ lọt vào tay địch. Tại sao vùng Hòn Hàng tối nay báo động? Mò hàng ngay lúc này có vội vã quá không? Trời gần sáng, nếu địch phát hiện thì sao? Nhưng để qua ngày mai, ngày kia, liệu có an toàn? Sáng hôm sau địch biết, chúng cho lính tới hớt tay trên thì uổng. Bao câu hỏi đặt ra, câu nào cũng có lý và không có lý.
Ba Huỳnh bước khỏi hốc núi. Trời tối mờ. Gió từ biển đưa lên man mát. Anh chị em du kích đang túm tụm dưới chân đồi, im lặng chờ đợi.
Địch có biết tàu thả vũ khí xuống "bến"? Biết! Biết sao chúng không quây khu vực đó? Không biết! Không biết, tại sao xe pháo tất tả bủa đi vây ráp? Ba Huỳnh bước lặng lẽ trên đám đất phẳng. Xung quanh yên ắng. Chỉ có tiếng sóng lao xao từ mép biển dưa lên và tiếng gió thổi trên ngọn cây.
Bóng một cô gái từ sau chân núi hớt hải đi tới. Ba Huỳnh vội vã chạy lại đón.
- Sao Mười? Chi trễ vậy?
- Báo cáo chú - Cô Mười thở hổn hển - Anh Hiến cho biết địch báo động vì chúng phát hiện ra tàu Bắt Việt vô.
- Chúng có biết tàu thả hàng mạn nào không?
- Dạ, anh Hiến bảo không.
- "Bến" chưa lộ, hí?
- Dạ chưa!
- Được! - Ba Huỳnh thở phào - Mi cứ bám thằng Hiến để nắm tình hình nghe.
- Dạ!
Ba Huỳnh quay về phía đám du kích:
- Anh Quế!
Người đội phó chạy tới.
- Cho người canh gác, bám vũ khí ở "bến" Nếu có tình hình chi, báo cáo ngay, còn lại rút về cứ, đêm mai xuống lấy hàng.
Chợt hai người sửng sốt quay mặt về hướng bắc: sau những ngọn núi chắn phía trước, dồi lên một tiếng nổ lớn và một quầng lửa thốc cao, tỏa đỏ.
Đám du kích bật cả dậy, cùng nhìn về hướng có tiếng nổ. Mãi một lúc sau, mới có tiếng ai đó thốt lên:
- Trời! Các anh ấy phải hủy tàu.
Nhiều tiếng bàn tán lao xao.
- Hèn chi tàu bè chúng nháo nhào suốt từ tối tới chừ.
- Mấy anh có lên được bờ không hè?
- Tính sao đây, chú Ba?
Ba Huỳnh quay lại phía mọi người:
- Chừ ri. Tất cả phải bình tĩnh. Anh Quế vẫn cho người bám sát "bến"; còn lại anh cử năm tổ, mỗi tổ vài ba người chuẩn bị đầy đủ mọi thứ tỏa ra hướng có tiếng nổ, đi đón anh em mình. Đón được ai, đưa về cứ. Chưa đón đủ, chưa rút. Phải kiên trì dó.
- Còn đêm mai? - Quế hỏi.
- Nếu tình hình êm, ta vẫn mò hàng. Ai đón anh em mình, cứ đi. Ai lấy hàng, cứ lấy hí. Cô Ngân đâu ta?
- Cháu đây! - Một cô gái thanh mảnh chạy tới.
- Nè, cháu về trang điểm thiệt đẹp, sớm mai đón chú tại chợ Thương Long nghe.
- Đi đâu chú?
- Đi nghe ngóng anh em mình chớ đi đâu.
- Dạ!
- Nhớ mang căn cước với mọi giấy tờ đó.
- Dạ, cháu nhớ!
Sáng hôm sau, Ba Huỳnh trong bộ quần áo đại úy dù cưỡi hon đa 90, mở hết tốc độ hướng theo quốc lộ Một, đi lên phía bắc. Cô Ngân phấn son bự mặt, áo thun hở tay, quần bó sát đùi, ngồi phía sau.
Chiếc xe chạy êm trên đường. Gió buổi sáng phả vào mặt khiến Ba Huỳnh tỉnh táo, đã hai đêm nay ông không chợp mắt. Nghe tin tàu vào, ông và đội công tác thấp thỏm chờ. Đêm thứ nhất, chờ tới gần sáng, toàn đội mới rút khỏi "bến". Hôm qua, trên quân khu báo cho hay tàu sẽ vào, ông và đội công tác lại xuống núi, lần ra biển. Mãi tới ba giờ sáng, tàu vô. Tưởng mọi chuyện êm, ai ngờ địch báo động. Chưa kịp hỏi han, chưa kịp nấu cho anh em thủy thủ bát cháo, tàu đã rời "bến". Khi người du kích đi đón tàu luống cuống bổ về hét to: "Chú Ba, tàu của thuyền trường Lê lại vô". Ông tuông ra. Tới nơi, con tàu đã mất hút. Và ai ngờ nửa tiếng sau nó phải hủy.
Từ sáng sớm, nghe tiếng máy bay quần riết mạn bắc Hòn Hàng, Ba Huỳnh rối lên. Chắc các anh ấy kẹt ở khu đó. Làm sao bắt liên lạc với họ? Mặc dù đã cử người đi đón, Ba Huỳnh không khỏi lo lắng. Ông ái ngại cho số phận của anh em thủy thủ quá chừng. Địch đổ quân đông, làm sao thoát? Kẹt trên núi lâu, lấy gì ăn? Nghĩ thiệt tội, lặn lội mãi ngoài Bắc vô, vô tới đây lại phải phá tàu bò lên núi. Dân đi biển lạc vô núi khác chi cá mắc cạn, bơi chèo ra sao. Chuyến trước, Ba Huỳnh được gặp đông đủ hết thảy anh em. Người nào cũng trẻ, cũng vui tính. Thuyền trưởng sàn sàn tuổi thủy thủ. Xấp xỉ tuổi thằng Xuyên con ông. Ờ, mà biết đâu chuyến này chả có thằng Xuyên vô? Năm ngoái ông được Năm Hớn, qua đường giao liên tỉnh, nhắn cho hay thằng Xuyên tốt nghiệp trường sĩ quan rồi, đã trở thành cán bộ chỉ huy tàu ông mừng muốn khóc. Chà, thằng con ông đã trở thành sĩ quan chỉ huy tàu! Nhanh thiệt! Mới ngày nào, khi ông dỗ nó ở với chú Năm để ông quay lại tìm má, thằng Xuyên khóc thút thít, đòi về theo. Chà, hay tin nó làm cán bộ, bà ấy sẽ mừng hung.
Phía ngọn núi trước mặt, nhiều tiếng súng nổ.
- Chú Ba, bên phải có lính đó! - Tiếng Ngân nhắc phía sau.
- Bình tĩnh nghe. Ta vô chỗ đó.
Ba Huỳnh giảm tốc độ. Chiếc hon đa rẽ vào con đường mòn lượn sát chân núi. Ông đảo mắt quan sát rồi cho xe dừng lại bên chiếc lều bạt.
- Chỉ huy đâu? - Ba Huỳnh hỏi một tên lính vừa ngơ ngác chạy ra.
- Dạ, thưa đại úy, ổng trên đồi - Tên lính luống cuống đáp, đôi mắt lấm lét nhìn Ba Huỳnh, lại nhìn cô gái ngồi phía sau.
- Đơn vị nào?
- Dạ, thưa, tiểu đoàn biệt động quân 37.
- Có mấy đơn vị bao ở đây?
- Dạ, hai, tiểu đoàn 37 và tiểu đoàn 19.
Ba Huỳnh đưa mắt nhìn lên dãy núi. Trên đó, bên sườn những quả đồi, lố nhố lính.
- Tiểu đoàn 37 bao vây hướng nào?
- Dạ, thưa đại úy, tiểu đoàn được lệnh đón lõng ở những sườn đồi phía tây.
- Đã phát hiện ra thằng Việt Cộng nào chưa?
- Dạ, không phải Việt Cộng, thủy thủ trên tàu Cộng sản Bắc Việt - Tên lính cải chính.
- Tao hỏi phát hiện ra thằng nào chưa?
- Dạ, chưa!
- Tại sao vừa rồi nổ súng?
- Dạ, đại đội 3 nghe có tiếng tiểu liên ở chân đồi bên kia, liền sổ súng bắn sang.
- Chân đồi nào?
- Dạ, kia - Tên lính quay lại, chỉ vào ngọn đồi sát biển.
- Không hạ thủ được thằng nào?
- Dạ, chúng lẩn nhanh như cuốc. Vừa nghe tiếng tiểu liên ở mỏm đồi này, binh sĩ tràn lên, đã lại nghe tiếng súng ở đồi khác.
Ba Huỳnh nghiêng ngó nhìn kỹ địa hình rồi rồ ga, cho xe chạy ra quốc lộ Một, ngoặt về hướng Hòn Hàng.
- Đúng anh em mình bị kẹt trên đó rồi chú ơi! - Ngân ngồi phía sau, nói với lên - Chừ mần răng?
- Hướng này địch đông, anh em mình chẳng dại gì xuống - Ba Huỳnh bảo - nhất định họ phải lần về phía nam. Mình tổ chức đón ở những chân núi sát biển.
Chiếc hon đa tăng tốc độ, vọt đi.
Tiếng súng AK của ông Tám Thạnh đã thu hút sự chú ý của địch về hướng ấy. Bọn lính túa ra, sục lên.
Lê đưa mắt nhìn lên ngọn đồi, lẩm nhẩm:
- Chú Tám ơi, cầu mong chú đừng mệnh hệ gì.
Rồi anh bấm Cang, hai người lách theo lối mòn, bươn xuống bãi cỏ tranh, chạy miết. Gần sáng, họ nhìn thấy biển. Hai người dừng lại nghe ngóng và quyết định men theo mép nước xuôi xuống Hòn Hàng. Ngày hôm đó, họ không gặp địch.
Tối đến, hai người mò xuống biển, kiếm ốc ăn. Nửa đêm, Lê và Cang ngồi nghỉ trên một mỏm đá. Chợt Cang cầm tay Lê, giật mạnh:
- Địch!
Hai người tụt vội xuống, nằm sau tảng đá, nhìn lên. Hai bóng đen từ mép biển đi tới. Họ bước thận trọng, dường như vừa đi, vừa có ý quan sát.
- Người mình anh Lê ạ! - Cang bảo.
- Sao biết?
- Hình như có một phụ nữ. Nếu địch thì nó đi đông và làm gì phải dò dẫm thế.
- Đúng là người mình không không?
- Tôi bảo du kích đó.
- Bây giờ cậu nằm đây, mình thử bò tới hỏi ám hiệu nhé. Nhưng nếu là địch, mình xử trí không kịp, cậu phải bắn xuống.
- Nhỡ bắn vào anh?
- Không sao, phải thế, rõ chưa?
- Nhưng...
- Là đề phòng thế. Lúc đó cậu phải thoát mà tìm bắt liên lạc với du kích. Có thể phía sau, chúng còn đông đấy. Nào, nhắc lại.
- Nếu không may anh bị địch bắt thì cứ bắn vào địch và bắn cả vào anh.
- Cậu để mình bị bắt sống là có tội đấy, nghe chưa? Làm được chứ?
- Làm được!
- Tốt! Tháo lựu đạn ra và đưa AK lên chuẩn bị.
- Rõ!
Lê bò lùi xa tảng ssá rồi mới đi vòng lên, cố ý không để lộ vị trí Cang ẩn.
Hai bóng đen chợt nằm xuống. Lê cũng nằm xuống. Nòng AK hướng lên phía trước. Đôi bên thăm dò nhau hồi lâu. Rồi hai bóng đen tách ra, một người trườn lùi về sau, chắc để yểm hộ khi bất trắc, một người trườn lại phía Lê. Cách Lê chừng hai chục mét, người đó dừng lại.
- Có phải kỳ nhông đó không? - Một giọng phụ nữ quen quen hỏi - Tôi bán cá đẻ đây.
- Tôi có tiền, bán gì nữa? - Lê hỏi, phấp phỏng mừng.
- Hôm nay trời mù không có tôm.
- Tôi có tôm, đổi cá thu, cá nhụ.
Người nằm trước mặt Lê bật dậy:
- Ai như anh Lê?
- Sáu Thùy phải không? - Lê cũng đứng lên.
Cô gái nhoài tới, toan ôm lấy Lê, nhưng kìm được, cô đứng lặng, bật khóc.
Phía sau tảng đá, mũi súng AK của Cang vẫn rê theo họ.
- Trời ơi! - Sáu Thùy chỉ kêu thế, rồi ngước lên; trong bóng tối, cặp mắt đẫm nước của cô long lanh. Rồi cô nắm cánh tay Lê, càng khóc to hơn.
- Nín đi Sáu Thùy, gặp được Sáu là mừng quá rồi! Còn ai đằng kia nữa?
- Anh Quế, đội phó đó mà.
Lê gọi anh Quế và Cang tới.
Quế từ mép biển vọt lên. Anh dang tay ôm choàng lấy Lê. Lê lảo đảo khuỵu xuống.
- Trời, làm chi mà hung vậy anh Quế? - Sáu Thùy trách - Không biết anh Lê mấy ngày nay không ăn uống chi, cạn sức sao?
- Mình vô tâm quá, hí! - Quế thanh minh - Gặp được anh em, mừng quá mà - Và anh cười hì hì.
Bốn người ngồi xuống cát. Cang tựta vào Quế, lúc này anh chàng hoàn toàn kiệt sức. Sáu Thùy ngồi cạnh Lê, không rời mắt khỏi khuôn mặt anh.
- Nếu không nghe giọng nói, em không nhận ra nữa đó Sáu Thùy bảo - Khác quá! Má lũm, mắt sọm hết cả rồi đó...
- Bọn này đang đói hai người có gì cho ăn với.
- Chu cha, quên mất.
Quế lôi trong túi ra hai củ khoai.
- Các anh ăn tạm!
Sáu Thùy giằng lấy củ khoai trên tay Lê:
- Để em bóc!
- Cô Mười cũng muốn đi đón anh em, nhưng chú Ba không nghe - Quế bẻ khoai đưa cho Cang, báo tin. Cang bẽn lẽn cười.
Hai người ăn ngon lành. Ăn xong, thấy người đỡ mệt hơn.
- Chừ ri - Quế nói - Sáu Thùy đưa hai anh về cứ để báo cáo tình hình với chú Ba. Tôi đi tiếp để đón anh em.
- Không, tôi cùng đi với anh. Tôi rõ chỗ các đồng chí... - Lê nói, rồi gượng đứng lên. Nhưng chợt anh hoa mắt lảo đảo.
Sáu Thùy vội đỡ:
- Đứng còn không nổi, đi mầm răng! - Sáu Thùy trách - Về cứ nghỉ cho lại sức, mai em dẫn đi. Ưng chưa?
Ba ngày sau, địch thôi càn. Hai tiểu đoàn quần nát ngọn núi gần một tuần, cuối cùng phải thu quân. Hy vọng bắt sống thủy thủ tàu Bắc Việt tan biến.
Ở bến, dưới sự chỉ huy của Ba Huỳnh đội công tác đã lấy xong hàng đưa về cứ an toàn. Theo lệnh của ông, "bến" tăng cường thêm người toả ra các ngả tìm đón những thủy thủ còn lạc.
Tốp của Lê gồm có Cang, Sáu Thùy và ba du kích nữa. Họ xăm xăm đi về phía mấy ngọn núi sát biển. Lê đi trước. Anh bước vội vã, ruột gan như sóc lộn vào nhau. Nhận ra ngọn đồi hôm chia tay với ông Tám Thạnh, Lê và Cang nhoài lên. Sáu Thùy cùng mọi người hối hả chạy theo đến đỉnh đồi họ dừng lại.
- Chú Tám! - Lê đưa tay làm loa, gọi to.
Ngọn đồi vẫn im ắng. Nắng đổ xuống nóng hừng hực. Và gió cứ ào ào như bầy ngựa hoang thốc qua đỉnh đồi. Lê nhào tới từng bụi rậm, nhào tới các khe, rãnh, đảo mắt khắp lượt. Cang hớt hải chạy phía sau.
- Chú Ta... ám!
Vẫn bằn bặt. Họ sục kỹ ngọn đồi. Rồi hai người chạy tới khu yên ngựa.
Chợt Lê sững lại rú lạc giọng:
- Trời!
Đôi mắt đờ dại, anh sụp xuống bên bụi cây. Cạnh đó một thi hài còn nguyên phơi dưới nắng, khô quắt, sạm đen; bàn tay phải vẫn nắm chặt quả lựu đạn.
- Chú Tám - Lê quỳ bên, nấc lên - Cháu đây! Lê đây! Lê đi tìm chú đây mà. Chú có nghe rõ tiếng cháu nữa không, chú Tám! - Và anh gào to - Trời ơi, sao thế này, sao vô lý thế này?
Rồi gục xuống, úp mặt lên ngực ông Tám, đôi vai rung rung. Cang khóc oà, ôm lấy chân ông lay gọi. Đôi chân ông đã nỏ, teo tóp lại. Mọi người ngồi quây xung quanh, lặng lẽ. Nắng vẫn đổ xuống ngọn đồi. Và gió vẫn hối hả phóng qua.
Sau đó, tốp người đào một cái huyệt trên đỉnh đồi.
Cang vẫn ôm mặt nức nở khóc, miệng không ngớt gọi ông Tám.
Lê ngồi thừ bên ngôi mộ, trái tim anh đau thắt. Cách đây mấy bữa thôi, ông còn móc túi đưa cho Lê những đồng tiền miền Nam và dặn dò bao điều. Có phải đó là cái điềm biết mình sắp đi xa không, chú Tám? Con có lỗi với chú, chưa đưa chú trở về Hòn Hàng trọn vẹn. Ước ao một lần cuối được đặt chân lên chợ cá Thương Long, đặt chân lên bãi cát mịn tanh sặc mùi bọt biển, mùi cá của chú, vậy là không thực hiện được. Chợ cá Thương Long vẫn còn đây. Hòn Hàng vẫn còn đây, mà chú không còn nữa. Những chuyến đi sắp tới chúng con vắng mặt chú. Những lúc khó khăn, đâu còn chú cho con hỏi han, chú ơi. Những ngày lênh dênh trên biển, đâu còn ai để báo cho con biết biển sắp bão, trời sắp mù? Chú và con tàu T.67 không còn nữa, nhưng hình ảnh của chú và con tàu mãi mãi khắc sâu trong tâm trí toàn thể anh em thủy thủ chúng con. Chúng con hứa sẽ sống sao cho khỏi hổ thẹn với chú... Chú Tám ơi, anh em du kích có ý định đưa chú về Hòn Hàng, nơi chú đã sinh ra và lớn lên, nhưng con muốn được chôn cất chú ở đây, trên ngọn đồi này, nơi chú trút hơi thở cuối cùng. Ở đây lộng gió, ngày đêm chú được nghe tiếng sóng biển dưới kia vọng lên. Chú nằm trên cao này để mỗi lần tàu chúng con ngang qua, ngước lên, vẫn được thấy chú. Vĩnh biệt chú, chú Tám ơi...
Lê thẫn thờ đứng dậy. Anh còn cắn vành môi, cố ghìm những giọt nước mắt chực trào ra. Anh kéo tay Cang:
- Thôi, chào chú rồi đi!
Cang lấy ống tay áo quệt ngang mắt, xiêu vẹo bước theo Lê. Chốc chốc quay mặt lại nhìn nấm mộ.
Tốp người đi sang ngọn đồi bên cạnh. Họ kiên nhẫn vạch từng bụi rậm, ngó xuống từng rãnh sâu. Cang chạy tới chạy lui từ gốc cây này đến bụi cây khác, miệng không ngớt gọi bạn.
Quá trưa, Cang nhìn thấy Hải và Mừng. Hai người ôm nhau nằm trên một bãi đất phảng bên sườn núi.
- Anh Lê, họ ở đây!
Cang gọi và lao xuống dốc. Chợt khuôn mặt Cang thất sắc: máu thẫm đen trên áo Hải và Mừng. Cang và mọi người ngồi thụp xuống: một thi thể đã cứng khô, một còn mềm và nóng.
Cang quàng tay ôm lấy hai người rít lên:
- Anh Hải ơi, Mừng ơi! Cang và anh Lê đây, nghe không?
Tiếng Sáu Thùy run run:
- Anh Hải vẫn còn sống! Anh Cang, khẽ tay chứ!
Lê cúi xuống, áp tai lên ngực Hải: tim vẫn đập thoithóp.
- Đưa anh Hải lên gốc cây kia và cho uống nước. Nhẹ tay thôi - Lê nói.
Lê đỡ thi thể Mừng. Anh kêu to một tiếng và như không tin vào mắt mình nữa: Một viên đạn xuyên chếch lên, qua ngực Mừng, toác ra một lỗ như miệng phễu, máu viền quanh, nỏ cong.
Lê lặng người, đôi tay run run nâng Mừng, đứng dậy. Anh loạng choạng bước lại gốc cây, nơi mọi người đang vây quanh Hải.
Và tốp người lại lặng lẽ đào một cái huyệt.
Mấy ngày sau, người thủy thủ cuối cùng được đón về cứ. Tổ của Lượng hy sinh ba người. Tổ của Xuân hy sinh một và một nữa, đưa được về cứ thì tắt thở. Hai mươi thủy thủ của tàu T.67 còn lại mười ba người. Anh em gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi. Và không khỏi chạnh lòng thương tiếc các đồng chí đã phải nằm lại trên những ngọn đồi sát biển...
Người Của Biển Người Của Biển - Người Của Biển