Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
26. Tôi Cứ Hét Lên Bằng Tiếng Nhật, ‘Làm Ơn, Làm Ơn, Làm Ơn!’
“T
ôi cứ hét lên bằng tiếng Nhật, ‘Làm ơn, làm ơn, làm ơn!’”
Michael Kennedy (63)
Ông Kennedy là một tay đua ngựa người Ireland. Sau khi giành thắng lợi ở vô số cuộc đua, nay ông đã về hưu. Ông được mời đến Nhật Bản huấn luyện các tay đua ngựa trẻ của Nhật về kỹ xảo cưỡi ngựa chuyên nghiệp ở trường huấn luyện của Hội liên hiệp Đua ngựa Nhật Bản (JRA) tại Chiba, phía Đông Tokyo.
Sinh ra ở Ireland, ông vẫn giữ một ngôi nhà của dòng họ ở ngoại ô Dublin. Khỏe mạnh và năng động, ông có bản tính hướng ngoại và thích gặp gỡ mọi người. Ông đã thật sự bén duyên với Nhật, sống bốn năm ở đây và không một lời ca than. Điều duy nhất ông nhớ ở quê hương là “chuyện trò.” Sống cách xa thành phố lớn, những người nói được tiếng Anh ít và không gần nhau thành ra ông hơi cô đơn.
Nhưng ông Kennedy rất thích công việc truyền kinh nghiệm của mình cho các tay đua trẻ tuổi đầy hứa hẹn ở các trường huấn luyện cưỡi ngựa. Hễ cứ nói đến chuyện học viên của mình là ông lại mỉm cười.
Không nghi ngờ gì, vụ thả hơi độc là một chấn động lớn đối với ông. Tôi không biết ông đã hoàn toàn vượt qua được nó chưa. Khi một vụ tấn công có tính chất thế này không phân biệt người Nhật hay người ngoại quốc, tôi thông cảm với ông Kennedy, người bị kẹt trong hoàn cảnh không thể hiểu nổi ở nước ngoài, nơi ông thậm chí còn không nói được cả tiếng.
Vài tuần sau cuộc phỏng vấn này, ông hoàn thành hợp đồng với trường huấn luyện cưỡi ngựa và trở về Ireland.
o O o
Tính đến nay tôi đã ở Nhật được bốn năm. Đó là một quãng thời gian dài và tôi cũng nhớ nhà, nhưng một năm tôi về Dublin hai lần còn vợ tôi lại đến đây một lần, vậy là một năm có ba kỳ trăng mật. [cười]
Tôi đã đua ngựa được ba chục năm. Mười bốn tuổi tôi đã bắt đầu luyện tập và lên chuyên nghiệp năm hai mươi tuổi. Tôi rất may mắn. Tôi đã từng bị vài vết thương. Tôi đã bị gãy xương sườn bảy hay tám lần, rạn xương ngực, trật xương vai nhưng nhờ Chúa, không có gì nghiêm trọng.
Tôi về hưu năm 1979, lúc 47 tuổi, và trở thành người quản lý ở một trường huấn luyện ở hạt Kildare. Chúng tôi có một nghìn rưỡi ngựa cần huấn luyện. Tôi chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng – sân bãi, đường đua, nước phi. Chúng tôi có một trường huấn luyện các tay đua tập sự, Trung tâm Huấn luyện các Tay đua trẻ – RACE – cứ có thời giờ rỗi, một tuần tôi lại đến đây hai tối xem các băng video đua ngựa với đám trẻ. Ban ngày thì xem chúng cưỡi trên đường đua. Tôi có thể dõi theo chúng và nói chuyện với chúng về phong cách cưỡi của chúng.
Rồi JRA – Hội liên hiệp Đua ngựa Nhật Bản – liên kết với RACE, và tôi gặp nhiều người Nhật trong lĩnh vực này, hướng dẫn họ vài kiến thức sâu về đua ngựa. Tôi không hiểu gì về đua ngựa ở Nhật hết nhưng JRA đang lo lắng mong có một ông thầy.
Thế nên tháng Ba năm 1992, tôi đến tham quan trường sở một chút rồi đi đến trường đua ở Miho và Mito. Tôi đến Utsunomiya và Tokyo. Các cơ sở hạ tầng thật sự gây ấn tượng với tôi. Địa điểm đẹp. Con người rất tốt với tôi. Tôi quay về Ireland và bảo những người ở đấy là tôi thôi việc. Tôi sắp đi nhận công việc này. Họ mới ngạc nhiên làm sao chứ! [cười]
Bây giờ tôi sống ở một khu ký túc xá đặc biệt trong trường. Rất hay. Tôi quen dần với việc sống tự lo liệu lấy; tôi trở thành một tay chưa vợ thật sự. Trong bốn năm ở Nhật, tôi đã thấy những thay đổi. Trình độ cưỡi ngựa bây giờ tốt hơn nhiều. Lúc tôi mới đến thì kiểu cưỡi hơi cổ một chút. Những tay đua trẻ đã có tưởng tượng hơn, tinh nhạy hơn, nhưng tôi vẫn nghĩ là biết giao lưu với ngựa hơn thì họ còn có thể nâng cao kỹ thuật lên nữa. Có lẽ vì nền văn hóa vốn xưa nay coi ngựa là thứ hạ đẳng chăng?
Ngày 20 tháng Ba tôi ở Tokyo. Tôi ở đây vì Ngày Thánh Patrick. Dạ hội Ngọc lục bảo vào thứ Sáu, ngày mười bảy, và tôi ở cùng với bạn bè tại Omote-sando. Đây là một kiểu nghi lễ hàng năm. Ông sẽ ngạc nhiên thấy có bao nhiêu là người Ireland ở Tokyo.
Thứ Bảy, tôi ngủ nhờ nhà bạn ở Setagaya. Sáng Chủ nhật, tôi đến một ngôi nhà thờ nhỏ dòng Thánh Francis, rồi có cuộc Diễn hành Ngày Thánh Patrick. Tại cuộc diễu hành tôi gặp đại sứ Irelad, James Sharkey, ông mời tôi ăn tối ở gần nhà ông tại Roppongi. Tôi rất vui. Bữa tối ở quán Hard Rock Café – rất ư là thân mật. Chúng tôi đã uống một chút – tôi không uống được nhiều lắm, hai vại bia là giới hạn của tôi – rồi ông đại sứ bảo tôi, “Ông không phải trở về trường tối nay. Sao ông không ở lại chỗ tôi nhỉ?” Thế là tôi ở lại Roppongi đêm đó.
Tôi dậy lúc 6 rưỡi sáng thứ Hai và bảo các con gái của ông, “Bảo với ông đại sứ là tôi đi rồi nhé.” Nhưng mấy đứa cứ nài tôi ở lại ăn điểm tâm. Sau đó tôi mới tà tà tản bộ xuống ga Roppongi đi tàu điện ngầm. Tôi định đi tuyến Hibiya đến Kayabacho rồi xuống lên tuyến Tozai đến Nishi-funabashi.
Khi tôi bước xuống những bậc thang ở Roppongi thì đoàn tàu đầu tiên đã sắp ra khỏi ga, chật ních khách. Lúc ấy khoảng 7 rưỡi. Đoàn tàu sau đang đến, nửa toa đầu vắng. Thật không tin nổi – vắng một nửa – tuyệt! Tôi lên cửa sau của toa và ở đấy có một vũng lớn chất gì đó nhờn nhờn cùng một đùm giấy báo – tựa như có ai vừa lau chùi nó. Tôi nghĩ chắc nó còn đang ứa ra ngoài cái vật đựng bọc trong tờ báo.
Đi xuôi dọc toa xuống, tôi nhìn cái bọc, bước quanh nó và ngồi xuống nghĩ, “Có thể là cái gì thế nhỉ?” Rồi tôi để ý thấy không ai đến gần nó, ngoại trừ một người cạnh tôi. Mọi người khác đều lên trên đầu toa. “Lạ thật,” tôi nghĩ, rồi nhanh chóng quyết định ra chỗ họ.
Có một cô gái đang bắt đầu đổ nhào về đằng trước. Cô trông như đang khóc. Một người đàn ông mở hé cửa sổ vì tàu đang chạy và tôi nói, “Mở rộng nữa, nữa đi.” Hơi sarin nặng nên chìm xuống dưới đất. Mùi hôi của nó không quá tệ nhưng trước nay khứu giác tôi vẫn không tốt lắm. Tôi thấy nhoi nhói trong mắt và bắt đầu cảm thấy tê tê bì bì.
Điều tiếp theo tôi biết là cô gái đã ngã lăn ra. Cô rất trẻ, chỉ khoảng hai mươi mốt tuổi, và nom cô rất không ổn. Tôi không biết cô có bị chết hay không.
Khi tới Kamiyacho, chúng tôi chen nhau ra ngoài sân ga và khuỵu ngã. Ai cũng hoảng loạn. Chúng tôi không biết làm gì, chúng tôi bị bỏ ngồi ở đấy. Người ta bảo với người lái tàu, ông đến nhìn rồi quay lại tàu gọi bằng vô tuyến. Cả nhà ga đang bị ô nhiễm hơi ga nhưng tất cả chúng tôi cứ ở lại đó.
Bấy giờ mắt tôi cũng bắt đầu chảy nước, tôi không rõ là xảy ra chuyện gì. Một vài người nằm thượt ra ở sân ga. Tôi thì ngồi xuống. Nước mắt tôi đang chảy giàn chảy giụa. Tôi cố bám một tay vào túi khoác vai của mình còn tay kia thì nắm lấy tay cô gái bất tỉnh. Chúng tôi phải đưa cô ra ngoài. Chúng tôi đi theo một lối, lại phải loạng choạng quay lại lối khác, rồi cuối cùng mới lên được cầu thang. Chúng tôi đi đến hàng rào soát vé nhưng họ bảo chúng tôi ở nguyên tại chỗ: “Xin hãy chờ! Xin hãy chờ! Xin hãy chờ!” Còn tôi cứ hét, “Làm ơn, làm ơn, làm ơn!” bằng tiếng Nhật. Cô gái vẫn phải tựa vào tôi và hành khách vẫn chen nhau đi qua tôi.
Chúng tôi chững lại ở đấy, tại đỉnh cầu thang rồi bỗng nhiên có một người mang cặp đi xuống, đến dưới cổng để mở rào chắn, ông túm lấy cô gái mà tôi đang đỡ, đem cô lên cầu thang. Rồi một ai đó giúp tôi.
Chúng tôi ra đường phố, ai đó bảo chúng tôi ngồi trên vỉa hè. Tôi nghĩ, “Không khí trong lành, bây giờ chúng ta sẽ không sao,” nhưng lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy rất buồn nôn. Tôi biết mình sắp nôn thốc nôn tháo nên bèn ngả sang trái thổ lên đường. Tôi nghĩ tôi nôn ra như thế là may vì nó thu hút sự chú ý khi các xe cứu thương đến mười phút sau. Lúc đó tôi đã rơi vào trạng thái hoảng loạn, nghĩ, “Sao không có một ai đến giúp chúng tôi?”
Tôi biết là do hơi ga, rõ ràng thế. Và nó tác động quá tệ hại đến tôi; tôi cảm thấy ốm yếu quá. Tôi biết đó là khí gì đó rất độc, vì tôi đang cảm thấy mỗi lúc một tệ. Những người khác chỉ biết ngồi đó, một vài người bịt khăn tay lên miệng. Họ không hiểu có chuyện gì.
Khi chúng tôi xuống tàu, ý nghĩ đầu tiên của tôi là ngồi đợi chuyến sau. Tôi thật sự nghĩ mình ổn nhưng không, đây là thứ chết người. Và đoàn tàu chạy tiếp từ Kamiyacho. Chắc nó phải chạy, nhưng cái thứ kia thì vẫn cứ ở trên sàn.
Lúc đó có khoảng ba hay bốn chục người ngồi quanh, nằm dài trên phố. Tôi hay nghĩ đến cô gái bất tỉnh. Cô bị nặng nhất, có thể vì cô thấp bé và đã đi qua bao nhiêu ga bên cái gói chất độc ấy có trời mới biết. Tôi nghe nói có một cô gái hai mươi mốt tuổi đã chết và tôi cứ băn khoăn không biết liệu có phải là cô hay không. Cô trông như một thư ký – kiểu con gái xinh đẹp, đứng đắn, đáng kính trọng. Cũng có một người nước ngoài khác nữa. Một người đàn ông cao, to. Tôi cũng băn khoăn không biết ông có bị làm sao không?
Tôi là người đầu tiên được xe cứu thương mang đi. Tôi không nhớ tên bệnh viện nhưng nó không xa Kamiyacho. Tôi được thở oxy, truyền dịch. Người ta cắm kim lên người tôi. Tôi nằm viện mất bốn ngày. Người của JRA đến đây suốt vì trụ sở chính của JRA ở Kamiyacho. Vào được bệnh viện ít giờ là tôi biết mình sẽ ổn. Cú sốc trước việc mọi chuyện tồi tệ hơn – ông đã ra ngoài không khí trong lành, lẽ ra phải thấy khá hơn thì ông lại cứ cảm thấy tệ đi – thật đáng sợ. Khi đã an toàn trong bệnh viện, thái độ tôi thay đổi. Tôi biết mình thoát khỏi nguy kịch. Mắt tôi vẫn cay, đầu tôi vẫn đau và tôi còn hơi yếu nhưng những thứ đó qua đi dần dần. Rồi lại đến phiên thận có vấn đề. Họ phải rửa lọc thận tôi để tống khứ các hóa chất ra khỏi cơ thể.
Khi ra viện, tôi trở lại nhà ông đại sứ và ở lại đó hai ba ngày nữa.
Trong ba tuần liền tôi ngủ rất ít. Tôi sợ đi ngủ. Tôi tưởng tượng có người đánh tôi bằng một cái vồ. Luôn là mơ như thế. Thời gian trôi đi và những cú đánh nhẹ hơn, rồi chỉ là bị đánh bằng cái gối. Sarin gây hậu quả đó: ông đang ngủ thì bỗng dưng tỉnh dậy. Tôi sợ bóng tối. Tôi phải để đèn sáng. Một vài đêm tôi thức trắng.
Tôi như mụ mị. Tôi tiếp tục làm việc, cố trở lại nếp sống cũ. Tôi đã đến sở nhưng tôi thật không hoàn toàn bình thường. Phải cần có thời gian và cùng với thời gian đúng là tôi cũng khá lên. Mắt tôi vẫn cay nên phải nhỏ thuốc. Tôi quay lại bệnh viện hai lần để kiểm tra và đã nhận được giấy chứng nhận sức khỏe tốt.
Ở bệnh viện, tôi xem tivi và thấy mình đang ngã lăn ra. Tôi sợ vợ tôi xem thấy rồi lo cho nên gọi về nhà ở Ireland. “Mọi sự đều ổn,” tôi nói. Con gái tôi ở lại nhà đêm ấy và vợ tôi nói: “Này, bố con đây này. Bố bị tai nạn trên tàu điện ngầm.” Con gái tôi chạy xuống gác và thấy tôi trên tivi! Vậy tôi gọi về là một việc hay.
Mọi người đều rất tốt. Tôi nhận được thư của những người không viết được câu nào bằng tiếng Anh nhưng tôi hiểu họ đang muốn nói gì, và họ thật tốt.
Dĩ nhiên Tokyo nổi tiếng là một thành phố an toàn. Vụ đánh hơi độc không làm thay đổi quan điểm của tôi về Nhật Bản: trên thế giới không có đất nước nào an toàn bằng Nhật. Kỳ diệu! Nếu cả thế giới đều giống nước Nhật thì sẽ có rất ít rắc rối.
Tôi không dễ bị ai làm cho sợ hãi. Không có nhiều thứ để tôi sợ. Những người như tôi tuy có già đi nhưng không bao giờ cảm thấy mình già – và cái đó thường lại là một mối nguy. [cười] Họ luôn nghĩ mình vẫn làm được mọi thứ. Đây là một trải nghiệm đáng sợ.
Tôi sẽ bảo ông cái gì đã thay đổi: Tôi đã nhìn lâu và gay gắt vào bản thân mình rồi tự bảo: “Michael, mày còn lo phiền vì cái gì nữa?” Mọi người cứ lo phiền về những cái lặt vặt không đâu trong đời và rồi một chuyện như thế xảy ra…
Không, tôi không nghĩ nhiều về khả năng chết. Cả đời cưỡi ngựa đua, tôi đã luôn chim chuột với cái chết rồi mà.