Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Trường Trung Học
M
ùa thu năm ấy các trường không thể khai giảng đúng kì hạn. Mãi đến mùng 1 tháng 10 mới bắt đầu học. Nhưng cùng với việc ấy cũng bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời tôi: giờ đây tôi không còn là một học sinh chỉ có đùa nghịch vô tư nữa, giờ đây tôi đã là một học sinh trung học, gần như là một người lớn.
Ở trường trung học mọi cái đều khác so với ở trường tiểu học. Trường sở vẫn thế, nhưng sinh hoạt nhà trường thì khác hẳn. Thầy giáo bây giờ gọi chúng tôi là “các anh, chị”. Chỉ riêng cô giáo chủ nhiệm Pa-ê-mu-rơ-đơ thì gọi chúng tôi là “các em”. Chúng tôi đã thỏa thuận với cô như vậy, bởi gọi là “các em” nó quen hơn và tiện hơn; thêm nữa, cô Pa-ê-mu-rơ-đơ là một người phụ nữ dễ mến.
Thành viên trong lớp chúng tôi thật là muôn vẻ. Có nhiều người trước đây học trường tiểu học số 1, một số người lại ở nông thôn lên. Lớp cũ của tôi có bảy đứa, ngoài tôi và Ô-lép ra còn có Gui-đô, Át-xơ, Lin-đa, Mê-ê-li và Ma-đi-xơ Xa-lu-vê-ê. Khên-đu cũng thi đỗ, nhưng nó học ở đâu thì không rõ. Việc Ma-đi-xơ Xa-lu-vê-ê đỗ vào trường trung học là cả một sự bất ngờ lớn. Hồi còn học ở trường tiểu học, nó được xếp vào loại học sinh kém. Có lần thầy giáo dạy bộ môn khoa học đã ghi cho nó điểm 2 với hai dấu trừ và thầy còn bảo rằng ghi như vậy là để khuyến khích, bởi vì đáng ra nó chỉ được 1. Nhưng giờ đây Ma-đi-xơ đã là học sinh trung học và thật lạ lùng: cho đến nay nó chưa hề bị một điểm 2 nào. Còn giáo viên dạy thể dục thể thao thậm chí lại khẳng định rằng sẽ có lúc Ma-đi-xơ chắc chắn trở thành thành viên của đội bóng chuyền nhà trường và biết đâu, có khi trở thành đội trưởng.
Át-xơ và Gui-đô ngồi cùng một bàn cũng giống như tôi và Ô-lép. Lin-đa và Mê-ê-li cũng ngồi cùng một bàn. Ngồi cùng với Xa-lu-vê-ê là một cậu học sinh nào đó ở trường tiểu học số 1 lên.
Hồi còn ở trường tiểu học, chúng tôi thường tỏ vẻ quan trọng, đi đi lại lại như ông chủ, nhìn các em bé với vẻ độ lượng, nhưng vẫn ra điều cao ngạo. Đến bây giờ chúng tôi lại rơi vào vị trí của các em nhỏ ấy, lại sợ hãi đứng sát vào tường, trong khi các học sinh sắp tốt nghiệp bậc phổ thông đang dạo chơi trong giờ nghỉ giải lao diễu qua trước mặt. Họ làm ra vẻ hết sức quan trọng, đi đi lại lại, khoác tay nhau, nam nữ xen kẽ. Đối với họ việc khoác tay nhau là hoàn toàn tự nhiên thông thường. Nếu thoáng nghe lõm bõm chuyện trò giữa họ với nhau thì thế nào ta cũng để ý thấy có những từ ngoại quốc phức tạp nào đó, ví dụ như từ “người thoái hóa”, “trừu tượng”, v.v… Tôi cũng có quyển “Từ điển tiếng nước ngoài dành cho học sinh” và tôi cũng nhớ được đôi chút, ví dụ, từ “quân phiệt” được sử dụng thông thường khi nói về Hít-le. Nhưng dù sao ngôn ngữ của những học sinh sắp tốt nghiệp đôi khi cũng làm tôi cảm thấy khó hiểu.
Trong các giờ nghỉ giải lao, những học sinh sắp ra trường và các lớp lớn thường thích nhảy ở trong phòng họp. Đối với họ, cái điệu nhảy tự nó chỉ là một cái lẽ đương nhiên. Vậy mà trong các buổi dạ hội ở trường lại cấm nhảy. Người ta giải thích sở dĩ có lệnh cấm này là vì ở hậu phương mà vui chơi trong lúc ngày càng có nhiều người chết ở mặt trận thì thật là đáng xấu hổ.
Cái tiết học ở trường trung học bắt đầu vào bốn giờ rưỡi chiều, quả là muộn khác thường. Vào những tiết cuối thậm chí phải cố gắng khắc phục cơn buồn ngủ và lúc đó thì lời nói của giáo viên cứ bay sượt qua tai.
Nhưng trong sự không hay lại có cái hay. Ưu thế của các lớp học buổi tối là sự trục trặc về điện. Đôi khi là mất điện toàn thành phố, còn thường thì mất điện từng khu vực. Việc mất điện từng khu vực thường xảy ra đúng lúc hoặc là vào cuối giờ nghỉ giải lao, hoặc như đã định sẵn, vào những lúc mà một lớp học nào đó phải làm bài kiểm tra. Nghe nói bọn con trai lớp “B” còn có hẳn một cái “phích cắm” riêng làm bằng hai chiếc đinh sắt có độ dài thích hợp thuận tiện để cắm vào ổ cắm, gây chập điện. Hình như các thầy giáo có đoán ra chuyện này, cho nên vào một buổi sáng thứ hai ông hiệu trưởng đã nói về chuyện mất điện trước toàn trường trung học với thái độ phê phán gay gắt.
Phải nói rằng không thể so sánh ông hiệu trưởng trường trung học với ông hiệu trưởng trường cũ của chúng tôi được. Ông hiệu trưởng mới của chúng tôi là một người dễ bốc, hay cao giọng và luôn luôn nói về kỷ luật sắt. Ngay bài phát biểu của ông trong buổi lễ khai giảng năm học mới cũng gây một ấn tượng rất lạ. Ông luôn luôn dọa người này, đe người nọ. Đối với học sinh chúng tôi thì ông dọa cho điểm xấu và cho rằng do lười biếng và cẩu thả chúng tôi sẽ trở thành những đứa lưu manh. Ông ta còn dọa cả Liên Xô, Mỹ và Anh. Tính huênh hoang như vậy tất nhiên không làm cho người nghe khâm phục chút nào và những tiếng vỗ tay cũng thật rời rạc. Nhưng dù sao ông hiệu trưởng trường trung học này hiện nay vẫn còn là niềm an ủi, bởi vì sắp tới chúng tôi sẽ còn phải gặp một ông hiệu trưởng khác [17] quan trọng hơn và tồi hơn.
Nhưng tôi sẽ kể chuyện này ở chương sau.
[17] Tác giả muốn ám chỉ tiến sĩ Mi-a-ê - N.D.