Bạn chỉ có thể thắng nếu bạn dám đương đầu với thất bại.

Rocky Aoki

 
 
 
 
 
Tác giả: Marcel Bigeard
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Trở Lại Điện Biên Phủ ( Ngày 16 Tháng Ba 1954)
gày 15 tháng ba và đêm 15 rạng ngày 16. Những công việc chuẩn bị mới. Đã trao đổi với các sĩ quan và binh sĩ trong đơn vị về cuộc nói chuyện của tôi với tướng Cogny về việc tôi lấy làm tiếc là đã kéo anh em đi theo vào cái địa ngục ấy giữa lúc việc hồi hương của họ đã tới gần đến như vậy... Không có vấn đề gì. Cũng chẳng kém gì tôi, họ muốn được tham dự trận đánh này, tin tưởng chắc chắn là họ sẽ làm thay đổi lối thoát của trận đánh. Cất cánh khỏi sân bay. Liệu chúng tôi, một ngày nào đó có quay về Hà Nội và toà chủng viện của tôi hay không?
Chúng tôi phải nhẩy vào lúc 15 giờ xuống một khu phòng ngự (D.Z) ở gần cứ điểm Isabelle1 cách Điện Biên Phủ sáu kilômét về phía nam. Nhẩy xong, sau khi đã tập hợp được đơn vị, tôi phải phát triển về Điện Biên Phủ. Khu vực nhẩy dù này đã được lựa chọn để tránh cho chúng tôi giữa ban ngày phải nằm dưới màn hoả lực pháo binh của quân Việt, được điều chỉnh rất trúng vào trận địa chủ yếu.
Một cuộc nhẩy tác chiến mới. Nhẩy dù xuống một khu vực đã lựa chọn là một môn thể thao dễ chịu trong đó mọi việc diễn ra tốt đẹp. Tỷ lệ phần trăm tai nạn là rất nhỏ. Ngược lại, nhẩy dù tác chiến là một dấu chấm hỏi thực sự. Thượng đế phù hộ anh hoặc bỏ mặc anh.... Tôi cảm thấy là Thượng đế vẫn còn phù hộ cho tôi lần này.
Đã tới xứ Thái… và các khẩu lệnh: “Đứng dậy! Bám chắc!” phát ra trước cái từ “Nhẩy” của Trời định... Lơ lửng giữa trời và đất, phía bên dưới là cứ điểm Isabelle và những tiếng nổ của đạn pháo cầy tung đất lên... Tôi ép chặt cẳng chân bên phải (tôi đã băng chặt bắp chân) vào cẳng chân bên trái… Tạm thời đây là nỗi lo lắng duy nhất của tôi: tiếp đất ít gẫy chân chừng nào hay chừng ấy!
Tiếp đất. Nhưng... tôi không sao đứng lên được. Tôi kéo lê chiếc chân đang làm cho tôi đau đớn. Martial Chevalier và chiến sĩ thông tin của tôi đã có mặt ở đây rồi, họ đỡ tôi đi mấy bước... dưới làn đạn pháo. Các cơ bắp của tôi được ấm nóng lên một chút, và tôi thấy đỡ đau hơn.
- Martial, gọi cho tôi các chỉ huy đơn vị tới nói chuyện qua máy vô tuyến.
Bruno gọi Hervé, Le Boudec, Lepage, Francis, cho tôi biết tình hình. Phân tán ra theo kế hoạch dự kiến. Người ta báo với tôi số tử sĩ, thương binh, có vài người gặp tai nạn lúc nhẩy. Bruno gọi tất cả: Bắt đầu tiến về Điện Biên Phủ theo trật tự đã ấn định... Phát triển hết sức phân tán, tránh tổn thất vì đạn pháo. Tôi bị đau chân, sẽ xin cứ điểm Isabelle cho một xe Jeep và sẽ đuổi kịp các anh sau.
Được hộ tống bởi Martial, các đài thông tin cùng mấy binh sĩ tôi bước vào cứ điểm Isabelle... Isabelle thê thảm: hoàn toàn trống vắng, các chiến hào, các gian hầm, những quả đạn pháo 105 nổ khô khốc, nóng như thiêu như đốt. Tôi trông thấy một đội viên lê dương. Anh ta dẫn tôi tới sở chỉ huy. Nghe thấy tiếng rít của các quả đạn pháo 105 trước khi tới mục tiêu, thậm chí tôi cũng không còn đủ sức nằm sấp xuống để tránh.
Trung tá Lalande, thuộc đội lê dương, đầu đội mũi sắt ngồi trong sở chỉ huy, chỉ huy cứ điểm Isabelle. Cao, gầy, đã dự trận Bir Hakeim2. Lần đầu tiên đến Đông Dương chưa được bao lâu, ông ấy đã rơi vào cái trường đấu tàn nhẫn này.
- Thưa trung tá, tôi bị gẫy một chân, xin trung tá cho tôi một chiếc xe Jeep để tôi chạy về Điện Biên Phủ.
Ông ấy nói qua máy vô tuyến xin phép De Castries... Đồng ý ngay tức khắc.
Martial cùng chiến sĩ thông tin của tôi trèo lên ngồi bên cạnh tôi... Vĩnh biệt, Isabelle. Tôi vĩnh viễn không trở lại cứ điểm này nữa và gặp lại Lalande, lúc ông ấy bị bắt làm tù binh, hai tháng sau này. Tôi cho xe Jeep chạy chữ chi về mọi hướng để tránh bị phát hiện và nhận lấy những trái phá lên đầu. Liên lạc vô tuyến với các đơn vị của tôi. Việc hành tiến về Điện Biên Phủ tiếp tục trong trật tự cùng với các thương binh được cáng đi theo. Có lẽ đã 18 giờ. Chúng tôi bước vào cái mà người ta gọi là Thành Cổ, thực tế đó là một đống chồng chất, rối rắm của những căn hầm, những lô cốt, những dây thép gai. Tôi không còn nhận được ra bất cứ thứ gì nữa. Mọi thứ trên mặt đất đã biến mất.
Cũng như ở Isabelle, đạn pháo trút xuống như mưa... Sau đó là khoảng trống vắng. Vậy thì mười nghìn con người ấy đâu rồi? Họ đang ở trong các căn hầm công sự, đó là việc tốt nhất mà họ có thể làm. Một sĩ quan, hai hạ sĩ quan, theo như những gì mà tôi nhớ lại được, đi ra gặp chúng tôi. Người ta dẫn tôi về sở chỉ huy của binh đoàn tác chiến Tây Bắc, còn gọi là “Gono”. Với một cái tên thu gọn như vậy, người ta không thể chiến thắng trong một trận đánh!!! Người ta chuyển tiểu đoàn của tôi về mỏm đồi Eliane 41, ở phía đông khu trung tâm phòng ngự và ở bên bờ phía đông dòng sông Nậm Rốm.
Không khí trong cái “Gono” nằm sâu nhiều mét dưới lòng đất ấy như thế nào đây? Đây là một khu hầm rất rộng, một cảm giác an toàn hết sức, bất chấp những tiếng nổ của các trái phá ở bên trên... Ở đây, họ chẳng có nguy cơ nào cả, ấy vậy mà nét mặt ai nấy đều rầu rĩ!
Castries đây rồi. Khuôn mặt gầy sút, lo lắng nhưng sáng sủa, râu được cạo nhẵn, quân phục không chê vào đâu được, luôn luôn là ông hoàng:
- Vui sướng được gặp lại cậu, Bruno!
Tham mưu trưởng của ông, trung tá Keller, tốt nghiệp Học viện Chiến tranh, có vẻ như số phận dành cho một tương lai tươi sáng nhất, nét mặt khá là rầu rĩ, căng thẳng, xanh xao, đầu đội mũ sắt. Tôi bảo anh ấy: “Lẽ ra anh phải ra ngoài hít thở không khí tự do và nhìn một chút xem cái gì đang diễn ra ở trên đầu anh!”
Langlais, cằm nhọn, thân hình khẳng khiu, nét mặt cáu kỉnh... Tôi vẫn không sao làm quen được với viên sĩ quan cấp trên này. De Pazzis, tư thế chững chạc hết ý, nho nhã, đàng hoàng, vả lại, anh ấy luôn luôn đàng hoàng trong những hoàn cảnh xấu nhất. Và còn nhiều người khác.
Tôi vội vã tìm gặp lại cái không khí năng động, cuộc sống hối hả, những bộ ngực ưỡn thẳng của những con người trong đơn vị của mình... Bằng chiếc xe Jeep, tôi đến dưới chân quả đồi Eliane 4, ở đó đơn vị của tôi đã đang đào xới, tổ chức trận địa dưới làn đạn pháo... không có một việc gì được dự kiến trước... Trước lúc trời tối, mọi người của tôi đều đã ở trong hầm hào, một chiếc hố nông lộ thiên được gia cố để dùng làm sở chỉ huy của tôi. Mặt khác người ta cũng chưa cho tôi một định hướng nhiệm vụ nào cả. Ngày mai phải kiểm tra tình hình, tự tổ chức, đề nghị xác định rõ nhiệm vụ của tôi, nắm được tổng thể công việc phòng ngự của Điện Biên Phủ. A! Giá như cái chân phải cũng lành lặn như bên chân trái... Người la đã kiếm cho tôi một cây gậy lớn xù xì giúp tôi đi lại.
Cứ điểm Eliane 4 khống chế trên một đoạn chừng năm chục mét con sông Nậm Rốm và cứ điểm trung tâm. Tôi chiếm giữ phần phía tây cứ điểm, phần phía đông đối mặt với quân Việt do tiểu đoàn dù người Việt Nam số 5 của thiếu tá Botella mật danh là “Dédé” chiếm giữ. Đơn vị này vừa nhẩy dù xuống hôm trước và được tung ngay vào một trận phản kích, tổn hại nặng nề và không có kết quả, để giải cứu cho cứ điểm Gabrielle.
Ở cứ điểm Eliane 4, về hướng bắc chúng tôi bị khống chế bởi cứ điểm Eliane 1 do một tiểu đoàn Bắc Phi trấn giữ, về hướng nam và ở cùng một độ cao, Eliane 2 do một tiểu đoàn Marốc chiếm giữ. Như vậy, tạm thời tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 được bảo vệ vòng ngoài trên mọi hướng.
Botella là một người anh em đích thực, một trong số những sĩ quan có thâm niên tốt nghiệp trường đào tạo lính dù, một bên chân bị cụt ngắn năm phân, di chứng của chiến trận giải phóng nước Pháp. Tính Botella thẳng thắn không nể nang, cay độc, nghĩ gì nói vậy với các ông chủ lớn. Anh ấy đã nấu cho tôi một nồi cháo nóng và cho tôi biết tình hình: “Bruno này, rồi cậu sẽ thấy đây là một cái nhà thổ đẹp. Cậu sẽ vất vả nếu muốn thay đổi tất cả những chuyện này”.
Botella giải thích với tôi về trận phản kích ngày hôm trước, trong đó đơn vị của anh được tung vào trận mà không hề biết gì về địa hình và không có bước làm quen để nhập cuộc cho số binh sĩ của anh ấy, họ bị bất ngờ trước hỏa lực của pháo binh, Botella đã kiểm điểm tình hình, tiểu đoàn của anh ấy đã suy yếu chỉ còn bảo toàn được sáu mươi phần trăm đám chàng trai tự tin, số còn lại thì đã cho tuỳ nghi di tản... Số này, cùng với khá nhiều binh sĩ khác đã chạy đi ẩn nấp như những con chuột tản mát khắp nơi.
Việc tổ chức phần nửa cứ điểm Eliane 4 của tôi sẽ được giao phó cho số người bị loại khỏi vòng chiến đấu do hoả lực pháo binh và súng cối. Sở chỉ huy của tôi lúc này rất chật chội và mong manh vì trên nóc chỉ là mấy tấm ván gỗ, và một lớp đất mỏng. Tôi sống ở đó cùng với Martial Chevalier, và các đài thông tin của tôi. Ở dưới đáy hố, giống như quân Việt, tôi cho đào một chiếc hầm hàm ếch, lúc nào hoả lực pháo binh quá dày đặc thì tôi nằm co quắp ở trong đó.
Ngày hôm sau, Lepage chỉ huy đại đội 1 của tôi được triệu tập đến sở chỉ huy của Langlais, ở cách sở chỉ huy của De Castries vài mét, không rõ vì lý do gì. Một tiếng đồng hồ sau, Lepage báo cáo với tôi: “Langlais muốn cử tôi cùng với đơn vị tiến hành trinh sát”.
Tái mặt đi, cố nín nhịn, sẵn sàng để cãi cọ, tay chống gậy, tôi nhẩy lên xe Jeep phóng đến sở chỉ huy của Langlais.
- Thưa đại tá, ông không được ra lệnh trực tiếp cho các đơn vị dưới quyền của tôi. Tôi muốn nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn của tôi. Tướng Cogny đã báo trước với tôi là ở đây không có việc gì được thực hiện một cách nghiêm túc cả và tôi thật sự mong muốn là chuyện đó được thay đổi.
Langlais vốn dĩ hay cáu kỉnh, dễ bốc đồng, lại chịu áp lực kể từ bốn tháng nay trong cái khu lòng chảo quỉ ám nào sẵn sàng nhẩy chồm lên. Tôi chờ đợi đòn đánh, tôi nặng hơn ông ấy mười lăm kilô. Ông ta do dự. bảo tôi:
- Cậu là người vùng Lorraine, tôi người xứ Bretagne. Chúng ta đều rắn đầu và nào, ta đi ra cụng nào cột này, chúng ta sẽ biết ai rắn hơn ai nào.
Chúng tôi cười phá lên, còn có việc khác phải làm hơn là để lãng phí thời gian. Thực tế, chúng tôi sinh ra là để hiểu nhau trong khi tôi cứ cho là ông ấy xa cách, lạnh lùng, không chuẩn bị chi tiết các trận đánh của ông ấy một cách đầy đủ... Từ đó, không một ai còn động đến tiểu đoàn của tôi nữa, và Langlais sẽ là một cấp trên, một đồng ngũ hoàn hảo cho mãi đến khi thất thủ khu Thành Cổ.
Tôi kể lại ngắn gọn việc tôi đến Điện Biên Phủ, cố phác họa ra khung cảnh trong đó mở đầu việc tôi tham dự vào các trận đánh sắp diễn ra. Tôi không hề có ý định thuật lại cuộc chiến đấu một cách chi tiết... Cần phải có cả một cuốn sách, cuốn sách đó cũng sẽ không mang lại gì nhiều hơn những tác phẩm xuất sắc đã xuất bản.
“Trận chiến Điện Biên Phủ” của Jules Roy là đáng chú ý. “Điện Biên Phủ, góc địa ngục” do Bernard Fall viết, là một công trình to lớn và nghiêm túc. “Chúng tôi đã sống ở Điện Biên Phủ” của Jean Pouget, nhẩy dù bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, đã thuật lại trận đánh một cách hấp dẫn. “Điện Biên Phủ” của tướng Langlais viết khách quan. “Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ” của bác sĩ Grauwin, cho chúng ta thấy được khía cạnh nhân đạo của trận đánh.
Tôi tự hạn chế mình chỉ lượt qua nét chủ yếu về hành động “của tôi” trong khung cảnh của trận đánh này. Những đường nét lớn của khung cảnh đó là gì vậy?
Tướng Navarre muốn gì trong chiến dịch từ tháng mười 1953 đến tháng mười 1954 nằm trong kế hoạch mà ông đề ra và được chính phủ của chúng ta phê chuẩn? Áp dụng một quan điểm chiến lược phòng ngự ở Bắc Kỳ. Ở Nam Kỳ, thanh toán các lực lượng của Việt Minh hy vọng để cho vào tháng mười 1954, tập trung các phương tiện để hành động ở Bắc Kỳ. Ngoài ra đến thời hạn đó còn cho phép việc phát triển quân đội người Việt Nam1. Navarre phải đảm bảo, nếu cần thiết, việc phòng thủ nước Lào, vừa mới gia nhập khối Liên hiệp Pháp.
Thế còn tướng Giáp?
Tháng mười 1953, ông ấy đã chuẩn bị một trận tấn công trên vùng đồng bằng Bắc Kỳ với bốn sư đoàn rưỡi (304, 320, 308, 312 và một nửa của sư đoàn 316) có sự trợ giúp của năm trung đoàn độc lập và toàn thể bộ đội địa phương. Tức là một khối lượng lớn, từ sáu mươi đến bẩy mươi tiểu đoàn và năm chục nghìn quân du kích được yểm trợ bởi sư đoàn 351 pháo binh hạng nặng. Mở đầu trận tấn công của ông ta, sư đoàn 320 bị tiêu diệt một bộ phận sau cuộc hành quân “Mouette” của chúng ta... Tướng Giáp cũng nhớ tới những tổn thất của ông ta trên vùng đồng bằng khi phải đối diện với De Lattre. Ông ta do dự trong việc tiếp tục tiến công, e rằng sẽ phá vỡ các sư đoàn đẹp của mình và ông tìm kiếm một kế hoạch tác chiến có khả năng mang lại cho ông ta những thắng lợi về chính trị với chi phí rẻ nhất.
Tháng mười một 1953, sư đoàn 316 của ông ấy cùng với trung đoàn 148, rời khỏi vùng ven đồng bằng để tiến lên vùng thượng du, được phát hiện cũng như được xác định, sẽ dựa vào Điện Biên Phủ để đánh chiếm Lai Châu.
Các kế hoạch sụp đổ!
Navarre lúc đó bèn quyết định sử dụng Điện Biên Phủ, từ đó có cuộc nhẩy dù của chúng tôi cùng với Bréchignac ngày 20 tháng mười một 1953. Tướng Giáp, nhìn thấy việc tổ chức tập đoàn cứ điểm của chúng ta, quyết định tiêu diệt tập đoàn đó bằng số lượng tối đa đạo quân tác chiến của ông ta. Từ 20 tháng mười một 1953 đến 14 tháng ba 1954, ông ấy bao vây khu lòng chảo đảm bảo việc tiếp vận, bố trí pháo binh và chuyển sang mở màn cuộc tấn công tổng lực ngày 13 tháng ba để kết thúc thắng lợi ngày 7 tháng năm 1954.
Sau khi đã xác định các phản ứng của tướng Navarre và tướng Giáp, chúng ta hãy xem xét các chỉ thị do Cogny, chỉ huy trưởng xứ Bắc Kỳ và là người chịu trách nhiệm về Điện Biên Phủ trước tướng Navarre, đề ra cho De Castries:
- Đảm bảo ở mức tối thiểu khả năng hoạt động của sân bay Điện Biên Phủ, bằng cách kiên quyết giữ vững trận địa phòng ngự của Điện Biên Phủ, ngăn cản không cho quân đối phương can thiệp có hiệu quả vào sân bay bằng vũ khí hạng nặng, và duy trì bán kính hành động của chúng ta trong phạm vi tám kilômet xung quanh đường băng sân bay.
- Tiến hành trinh sát càng xa càng tốt, về phía Mường Muôn trên hướng bắc, về phía Tuần Giáo trên hướng đông bắc.
- Kìm hãm việc bố trí các phương tiện tấn công của Việt Minh bằng những hành động tấn công mạnh mẽ, tiến hành theo những hướng ấn định với ít nhất một nửa quân số đồn trú.
- Hoàn chỉnh hành động tấn công này bằng những đòn đánh mạnh, tiến hành từ Lai Châu theo hướng về Tuần Giáo, nhằm vào các phân đội tiên phong của các sư đoàn Việt Minh bằng cách tận dụng, để các phương tiện cần thiết cho các hành động này khởi động được, những khả năng giao lưu nhanh chóng bằng con đường hàng không giữa Lai Châu và Điện Biên Phủ.
- Tuỳ theo tình hình, tìm kiếm, bắc liên lạc với các lực lượng của nước Lào, xuất phát từ Mường Khoa tiến về hướng Điện Biên Phủ.
Tôi là một người chỉ huy trẻ tuổi lúc đó, đã từng chịu đựng gian khổ nhiều năm ở vùng thượng du, biết rõ những khó khăn của địa hình, xác định được sự lớn mạnh không ngừng của quân Việt, tôi nhìn thấy trước sự yếu kém của một số các tiểu đoàn của chúng ta được cắm ở đó để phát triển trên một địa hình như vậy. Tôi hiểu rằng cái quan điểm chỉ huy này là sai lầm và những chỉ thị vừa kể, ấn định hành động trên một khu vực hình tam giác với các cạnh một trăm, sáu mươi, năm mươi kilômet là một quan điểm của tinh thần thảm bại, chỉ có giá trị từ một bàn giấy lên một tấm bản đồ một phần bốn trăm nghìn.
Tình hình ở Điện Biên Phủ trong vòng ba tháng, kể từ ngày tôi và Bréchignac rời đi, ngày 7 tháng mười hai 1953 cho đến lúc tôi quay trở lại ngày 16 tháng ba 1954, đã diễn biến tổng hợp ra sao?
Trong suốt thời gian đó, việc áp dụng các chỉ thị của tướng Cogny, nhấn mạnh đến tính chất tấn công của công việc trinh sát bằng sức mạnh và những đòn đánh về các hướng Tuần Giáo (năm mươi kilômet về phía đông bắc: trên con đường thuộc địa số 41 dẫn tới Sơn La, trục đường duy nhất nối liền Điện Biên Phủ với các căn cứ của quân Việt) và Mường Muôn (ba mươi lăm kilômet về phía bắc, đường mòn nối Điện Biên Phủ với Lai Châu), tất cả những trận đánh nghiêm túc đã diễn ra dưới sự chỉ huy của trung tá Langlais, chỉ huy trưởng các đơn vị quân dù để lại ở Điện Biên Phủ (tiểu đoàn dù ngoại quốc số 1 và tiểu đoàn xung kích số 8 ). Rất nhanh chóng, không thể nào nới rộng ra được mười kilômét, rồi năm, rồi ba kilômét để rồi đến ngày có cuộc tổng tấn công thì là không thể nào ra nổi khỏi các cứ điểm. Tính từ ngày 11 tháng ba, mở đầu hỏa lực của pháo binh róc xuống sân bay...
Minh chứng nhanh chóng, không có lời xúi giục của quân Việt, diễu cợt những chỉ thị của Cogny.
Cả về mặt vật chất và tinh thần, Điện Biên Phủ chưa sẵn sàng vào cái ngày của trận tấn công 13 tháng ba. Mười hai tiểu đoàn chất lượng chênh lệch, trong đó hai tiểu đoàn ứng chiến, hoàn toàn mệt mỏi, một tổn hại to lớn trong hàng ngũ các đơn vị ứng chiến: ba trăm ba mươi bảy lính dù bị loại khỏi vòng chiến đấu; những vị trí sống còn do các phân đội yếu kém trấn giữ. Chẳng hạn cứ điểm Dominique 2, chìa khóa của vụ việc, được trấn giữ bởi một tiểu đoàn Bắc Phi, đơn vị này đã bỏ chạy sau mấy phút chiến đấu. Không có hoặc chỉ có ít mìn, không có những công trình nghiêm túc trên khá nhiều các điểm tựa, các điểm tựa không có các giao thông hào nối liền với nhau... Hầm hố không có đủ, các phân đội ứng chiến trấn giữ các điểm tựa đối mặt với quân đối phương trong trạng thái mệt mỏi toàn diện ảnh hưởng đến tinh thần, tư tưởng. Trải qua ba hay bốn tháng có mặt trong khu lòng chảo, các tiểu đoàn thiếu quân số, nhiều khi chỉ có một sĩ quan cho một đại đội, việc tuyên truyền quảng cáo xung quanh cái pháo đài... Một pháo đài Verdun khác... Cứ để cho chúng tới, chúng sẽ biết đó là những lời tán thưởng của các quan khách chính trị và quân sự có giá trị.
Đêm 13 rạng ngày 14. Bị tấn công và thất thủ nhanh chóng của cứ điểm Béatrice, vốn có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài hướng đông bắc trên con đường thuộc địa số 41. Tiểu đoàn vững mạnh nhưng mệt mỏi sau ba ngày chiến đấu để giải toà điểm tựa của mình. Tấn công bắt đầu lúc 18 giờ, kết thúc lúc nửa đêm. Đại tá Gaucher, chỉ huy trưởng việc phòng thủ Điện Biên Phủ bị giết chết ngay trong hầm của ông ta. Không có khả năng phản kích. Trung tâm chủ yếu nằm dưới hỏa lực của pháo binh đối phương. Một số căn hầm bị sập.
Ngày 14 tháng ba. Thiếu tá Botella nhẩy xuống Điện Biên Phủ cùng với tiểu đoàn dù người Việt Nam số 5 và được tung vào trận phản kích ngày hôm sau.
Đêm ngày 14 rạng ngày 15, Gabrielle bị tấn công và thất thủ... Lúc 7 giờ sáng, một đại đội vẫn còn bám giữ được. Một trận phản kích do Pazzis chỉ huy thất bại. Dù sao, hai trong số các đại đội của chúng tôi cũng đã trợ giúp cho bộ phận còn lại của đơn vị trong đồn rút về nhanh chóng. Bản tổng kết đầu tiên và là bản tổng kết bi thảm! Hai tiểu đoàn và hai điểm tựa bị mất, tổn hại nghiêm trọng trong quân dù qua những trận phản kích, mười bốn nghìn phát đạn pháo 105 thay vì hai mươi bảy nghìn, mười nghìn phát pháo 120 thay vì hai mươi hai nghìn, một nghìn bốn trăm phát pháo 155 thay vì hai nghìn sáu trăm, sáu khẩu pháo 105 bị hư hỏng, tám khẩu đội pháo bị loại khỏi vòng chiến đấu, một cuộc can thiệp vô hiệu, pháo binh của chúng ta không mảy may cản trở được pháo binh đối phương, sân bay chỉ còn là một kỷ niệm.
Bất ngờ hoàn toàn... Tinh thần suy sụp.
Nằm dài trong chiếc hố của mình, buổi tối ngày 16 tháng ba, tôi cân nhắc tầm mức của thảm họa. Mặc dầu cái cẳng chân bị đau đớn, tôi vẫn cố gắng xác định tình hình. Từ hai mươi tháng trời nay, tiểu đoàn của tôi đã trải qua đủ mọi gánh nặng khổ ải. Tôi đã luôn luôn đưa đơn vị thoát ra khỏi những chỗ đó, nhưng ở đây tôi dậm chân tại chỗ, bị bó chặt vào trong một tôn ti trật tự. Ở đó, do cấp hàm và năm thâm niên của tôi, tôi chỉ còn là một người chấp hành mệnh lệnh mà người ta có nguy cơ áp đặt những trận đánh thiếu chuẩn bị theo kiểu những trận đánh vừa diễn ra.
Tôi cũng xác định những sĩ quan hiện là cấp trên của tôi. Castries chỉ huy chung. Langlais vừa mới nắm quyền chỉ huy khu pháo đài. Thiếu tá De Pazzis, thâm niên hơn tôi ba năm, chỉ huy ứng chiến... Trận phản kích của anh ấy ngày hôm qua đã thất bại. Trung tá Keller là tham mưu trưởng của binh đoàn “Gono”. Trung tá Trancart, chịu trách nhiệm vòng ngoài phía bắc, nay chỉ còn trong tay có mỗi cứ điểm Anne Marie1, Gabrielle bị đánh chiếm ngày 15 tháng ba. Đại tá Piroth, chỉ huy chung pháo binh đã tự sát buổi tối hôm trước ngày tôi tới đây. Ông ấy sắp được thay thế bởi đại tá Vaillant. Và nhiều các vị cấp trên khác do cấp hàm hoặc do thâm niên, giữ một vai trò không rõ rệt. Cuối cùng, chúng ta sẽ rõ... Sẽ phải chiến đấu thực sự, Cogny đúng là đã bảo tôi như vậy!
Jules Roy, bằng một văn phong duyên dáng và tế nhị đã thuật lại việc tôi đến Điện Biên Phủ. Tôi xin được trích ra một vài đoạn:
… “Hỏng rồi, làm thế nào lại có thể như thế với tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 mà bốn mươi hai chiếc Dakota đang thả xuống khu vực cứ điểm Isabelle kia nhỉ? Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 đang tiếp đất giữa màn đạn súng cối kia, đó là Bigeard mà cái tên đột ngột vang lên trên mảnh đất Điện Biên Phủ.
Bigeard có mặt, đơn vị đồn trú ngẩng đầu lên. Tiểu đoàn của anh ấy đã nhẩy dù xuống cứ điểm Isabelle lúc 15 giờ.
Bước đi khập khiễng do vì anh bị đau bắp chân từ lúc ở Séno, anh bước vào cứ điểm Isabelle xin một chiếc xe Jeep để đi về Điện Biên Phủ. Cái vết thương tạm thời làm cho anh tức tối.
Đầu đội mũ cát-két, theo sau có cơ quan tham mưu nhỏ bé của mình, anh tới trình diện với trung tá Lalande, con người đầu đội mũ, ngồi sâu trong căn hầm để tiếp anh. Một chiếc xe Jeep lúc này, khi mà không một ai thò đầu ra ngoài ư? Bigeard sẽ tránh được các loạt đạn súng cối tốt hơn. Như vậy là anh cho xe chạy chữ chi từ đại đội này qua đại đội khác để tới được trung tâm phòng ngự chủ yếu, anh tới đó lúc 17 giờ để chào De Castries. - Này cậu bé Bigeard, Catries bảo anh như vậy, mình hài lòng được gặp cậu.
Lúc ở trong sở chỉ huy, Bigeard nhăn mặt. Ở đây bao trùm một bầu không khí ảm đạm, cau có và kiểu cách mà anh không thích. Cuộc hội kiến với Langlais lạnh nhạt, hai viên sĩ quan ít quen biết nhau và qua cái nhìn đầu tiên, không ưa nhau. Bigeard lại lên xe Jeep đi tới tận dưới chân mỏm đồi của Eliane 4. Tin đồn lan nhanh là anh có mặt ở đó; một vài người đã thoáng nhìn thấy khuôn mặt nhìn nghiêng cương nghị và đã nghe thấy những tiếng quát tháo, chửi thề của anh. Đại úy Capeyron và tất cả số sĩ quan cấp dưới, trung sĩ Sammarco và tất cả các hạ sĩ quan nhắc lại với nhau rằng vụ việc sẽ chuyển theo một chiều hướng khác. Đêm nay, nếu kẻ địch tấn công, Bigeard sẽ trả lời.
Trên toàn xứ Đông Dương, người ta biết Bigeard là ai. Người ta biết vầng trán cao của anh, mái tóc vàng cắt cua, khuôn mặt nhìn nghiêng của con chim mồi, tính độc lập hay cãi cọ, đôi bàn tay rẳn rỏi của người thợ, lúc nào cũng hằn rõ những vết trầy xước. Người ta có thể ghét anh nhưng mọi người đánh giá cao anh. Nóng nảy và sôi sục dưới một vẻ bề ngoài thản nhiên lãnh đạm, anh không có lúc nào ngồi yên. Trong xứ sở của anh, ở đó người ta bảo là mọì người đều tự tin, anh đã trở thành một ông hoàng, nổi tiếng về ý chí gang thép và giàu tình cảm. Ở cái con người này vốn vẫn giữ được từ nguồn gốc của mình một ngôn ngữ có phần nào bình dân, hành động cao quý chính là không bao giờ bỏ mặc các đồng ngũ.
Trong mỗi câu chuyện truyền thuyết, thật khó mà tách bạch được sự thật với điều hư cấu, chuyện xác thực với ảo ảnh, nhưng những truyền thuyết chỉ gắn liền với những cuộc phiêu lưu vĩ đại và những con người vĩ đại. Với cách sống của một con thú của chiến tranh, Bigeard là một truyền thuyết. Đã có đôi lúc, anh ấy nói về mình và người thứ ba. Đó là anh ấy tồn tại và nhìn thấy mình là ai, không có chuyện khiêm tốn hão. Đức khiêm tốn chưa bao giờ là vũ khí của những người chiến thắng cũng như các quái vật linh thiêng. Muốn phục vụ dưới quyền của anh ấy, cần phải trở thành quân cờ anh ấy điều động theo ý mình và phục tùng anh ấy mà không sợ bị dẫm đạp dưới chân, khi mà cơn giận dữ đã khiến anh ấy bước qua những nấc thang trung gian. Nhưng mà, sau thắng lợi, phần thưởng mới to lớn làm sao!
Botella, chỉ huy tiểu đoàn dù người Việt Nam số 5, lao vào vòng tay của Bigeard và tự đặt mình dưới quyền chỉ huy của anh ấy một cách tự nhiên. Anh ấy đặt Botella ngồi xuống chiếc ghế đẩu làm bằng một chiếc hòm gỗ. Bigeard, rút bên chân phải ra khỏi chiếc ủng nhẩy dù, điều hành đơn vị qua máy vô tuyến một cách công khai, việc di chuyển của các đại đội của mình. Botella mang tới cho Bigeard một cà-mèn cháo nóng và buồn bã kể lại với anh cuộc phản kích ngày 15 tháng ba đánh vào cứ điểm Gabrielle, trong đó Botella đã phải dùng chân để lôi dậy hàng trăm lính dù của đơn vị không còn muốn chiến đấu, ra khỏi những chiếc hố mà họ nằm chúi mũi xuống đó. Buổi chiều, Botella đã họp các sĩ quan của mình và chỉ định những người mà anh giữ lại. Anh yêu cầu họ cũng làm như vậy với sĩ quan và binh sĩ trong các đại đội của họ. Rồi anh bảo những người khác: “Cuốn xéo đi đâu tùy ý! Tôi không muốn trông thấy các anh nữa”
Thản nhiên, lạnh lùng dưới làn đạn pháo, thái độ mà người ta không biết đích xác liệu đó là sự chăm chú, nỗi lo lắng hay vẻ diễu cợt làm căng thẳng khuôn mặt dài của anh, Bigeard đăm chiêu: điều mà anh được chứng kiến làm cho anh hết sức sửng sốt”.
Chú thích
1. Isabelle: Hồng Cúm, theo cách gọi của ta - N.D
2. Một tỉnh của nước Libi (Bắc Phi). Nơi diễn ra cuộc chiến của quân Pháp chống đỡ trong mười sáu ngày với quân Đức của thống chế Rommel và đã thoát vây, tháng 6/1942 trong Thế chiến thứ hai - N.D
1. Eliane: dãy đồi có các cứ điểm A1 - C1 - C2 theo cách gọi của ta - N.D
1. Tức quân ngụy Việt Nam - N.D
1. Tức là cứ điểm bản Kéo theo cách gọi của ta - N.D
Lời Thú Nhận Muộn Mằn Lời Thú Nhận Muộn Mằn - Marcel Bigeard Lời Thú Nhận Muộn Mằn