Số lần đọc/download: 1233 / 34
Cập nhật: 2017-08-25 12:57:34 +0700
Chương 25: Tiền Boa
C
ó ba người ngồi trong văn phòng của Ivarsson: Ivarsson, ngồi phía sau cái bàn ngăn nắp, và Beate với Harry - trên hai chiếc ghế tựa thấp hơn một chút. Mẹo dùng ghế thấp là một thủ thuật thống trị nổi tiếng đến mức người ta có thể được thứ lỗi vì nghĩ rằng nó không còn được sử dụng nữa, nhưng Ivarsson thì biết rõ hơn nhiều. Kinh nghiệm của ông ta cho thấy những thủ thuật cơ bản không bao giờ lỗi mốt.
Harry ngả ghế ra sau để anh có thể nhìn ra ngoài cửa sổ. Nó hướng ra khách sạn Plaza. Những đám mây cuồn cuộn lướt qua tòa cao ốc lắp kính và cả thành phố mà không hề nhỏ một hạt mưa. Harry bị mất ngủ, dù anh đã uống thuốc giảm đau sau khi được tiêm phòng uốn ván ở bệnh viện. Lời giải thích của anh với các đồng nghiệp rằng anh bị một con chó hoang đi lạc tấn công vừa đủ sáng tạo để còn tin được và cũng vừa đủ sát thực để anh còn có thể thuyết phục được họ. Gáy anh sưng vù và lớp băng quấn chặt cứ cọ xát vào da anh. Harry biết rõ là sẽ đau đến mức nào nếu anh quay đầu về phía Ivarsson, lúc này đang nói. Mà anh cũng biết rằng kể cả không bị đau thì anh cũng chẳng ngoái đầu lại.
“Vậy là anh muốn đặt vé máy bay cho anh sang Brazil để tìm kiếm?” Ivarsson nói, phủi sạch mặt bàn và giả bộ cố nén cười. “Trong lúc Kẻ Hành quyết rõ ràng là đang mải mê cướp ngân hàng ở Oslo?”
“Chúng ta đâu có biết hắn ở chỗ nào ở Oslo,” Beate nói. “Hoặc liệu hắn có ở Oslo không. Nhưng chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể lần ra ngôi nhà mà em trai hắn bảo là hắn có ở Porto Seguro. Nếu chúng tôi tìm ra nó, chúng tôi cũng sẽ tìm được dấu vân tay của hắn. Và nếu chúng khớp với dấu vân tay chúng tôi có trên chai Coca thì chúng ta sẽ có được bằng chứng luận tội. Như vậy thì chuyến đi này cũng là xứng đáng.”
“Thật vậy sao? Mà đó là những dấu vân tay gì mà chẳng ai khác có hả?”
Beate cố đưa mắt cho Harry nhưng anh không nhận thấy. Cô nuốt khan. “Vì theo nguyên tắc thì chúng ta làm việc độc lập với nhau nên chúng tôi quyết định sẽ chỉ hai chúng tôi biết. Cho đến khi phát hiện được thêm điều gì.”
“Beate thân mến,” Ivarsson mào đầu, nháy mắt phải. “Cô bảo ‘chúng tôi’ nhưng tôi chỉ nghe thấy Harry Hole thôi. Tôi đánh giá cao sự hăng hái của anh Hole trong việc trung thành với phương pháp của tôi, nhưng chúng ta không nhất thiết cứ phải để nguyên tắc cản trở chúng ta cùng nhau tìm ra kết quả chứ. Vì vậy, tôi hỏi lại: những dấu vân tay nào thế?”
Beate tuyệt vọng nhìn Harry cầu viện.
“Hole?” Ivarsson gọi.
“Đó là cách chúng tôi tiến hành điều tra vụ này,” Harry nói. “Cho đến khi biết thêm thông tin.”
“Tùy các vị thôi,” Ivarsson nói. “Nhưng quên chuyến đi đó đi. Hai người sẽ phải nói chuyện với cảnh sát Brazil và đề nghị họ giúp lấy dấu vân tay.”
Beate hắng giọng. “Tôi đã kiểm tra rồi. Chúng tôi phải gửi đơn xin phép qua Giám đốc Sở Cảnh sát ở tỉnh Bahia và để một công tố viên người Brazil ở khu vực đó thông qua vụ này, để cuối cùng sẽ cấp một lệnh khám nhà. Người mà tôi đã nói chuyện bảo rằng kinh nghiệm cho thấy là việc này, nếu không có những liên hệ với cơ quan chính quyền ở Brazil, thì sẽ mất từ hai tháng đến hai năm.”
“Chúng tôi đã đặt vé bay vào tối mai,” Harry nói, chăm chú nhìn một cái móng tay. “Ông quyết định thế nào?”
Ivarsson bật cười. “Anh nghĩ sao? Anh tới hỏi xin cấp tiền cho những vé máy bay tới tận bên kia bán cầu mà thậm chí chẳng thèm trình bày lý do cho một chuyến đi như vậy. Anh định lục soát một ngôi nhà mà không có lệnh khám nhà, vậy thì dù anh có tìm thấy bằng chứng pháp y đi nữa, chắc tòa cũng sẽ buộc lòng phải bác bỏ vì anh đã sử dụng những biện pháp phi pháp để thu được nó.”
“Dùng mẹo ném gạch đi,” Harry nói khẽ.
“Xin lỗi, anh nói gì cơ?”
“Có một người nào đó ném viên gạch qua cửa sổ. Viên cảnh sát tình cờ lại đi ngang qua đó và không cần phải có lệnh khám nhà, cứ thế bước vào. Họ nghĩ là có mùi cần sa trong phòng khách. Một nhận thức chủ quan, nhưng lại là lý do chính đáng cho một cuộc khám nhà ngay lập tức. Họ sẽ giữ được chứng cứ pháp y, như là dấu vân tay chẳng hạn, từ căn nhà đó. Rất chi là hợp pháp.”
“Tóm lại là chúng tôi đã nghĩ kỹ về chuyện mà chúng tôi định làm,” Beate vội nói thêm. “Nếu tìm ra ngôi nhà đó, chúng tôi sẽ thu thập dấu vân tay bằng cách hợp pháp.”
“Vậy sao?”
“Hy vọng là không cần phải dùng đến mẹo ném gạch.”
Ivarsson lắc đầu. “Không đủ thuyết phục. Câu trả lời của tôi rõ ràng và dứt khoát là: không.” Ông ta nhìn đồng hồ đeo tay để ám chỉ là cuộc họp đã kết thúc, kèm theo một nụ cười bò sát mỏng dính. “Cho đến khi nào có thêm thông tin.”
“Chẳng lẽ anh không thí được cho ông ta thứ gì sao?” Beate nói khi đã ra khỏi phòng Ivarsson và đang đi dọc hành lang.
“Như là gì?” Harry hỏi, rón rén quay đầu sang. “Ông ta đã quyết từ trước rồi mà.”
“Anh thậm chí còn chẳng cho ông ta cơ hội để cho chúng ta vé.”
“Tôi cho ông ta cơ hội để không bị vượt quyền.”
“Ý anh là gì?” Họ dừng lại trước cửa thang máy.
“Tôi đã bảo cô rồi. Trong vụ này chúng ta đã được cho phép có những vượt rào nhất định.”
Beate quay sang, trố mắt nhìn anh. “Tôi nghĩ là tôi đã hiểu,” cô nói chậm rãi. “Vậy giờ thì chuyện gì sẽ xảy ra?”
“Ông ta sẽ bị vượt quyền. Đừng quên kem chống nắng đấy.”
Cửa thang máy mở ra.
Sau đó, Bjame Møller kể với Harry rằng Ivarsson rất bực bội khi nhận quyết định của Giám đốc Sở cho phép Harry và Beate tới Brazil và yêu cầu Đơn vị Chống Cướp trả tiền vé máy bay cùng toàn bộ chi phí ăn ở.
“Giờ thì anh hài lòng chưa?” Beate hỏi Harry trước khi anh về nhà.
Tuy nhiên, khi Harry đi ngang qua Quảng trường và thấy cuối cùng nắng cũng đã chiếu xuyên qua màn mây dày, thì lạ thay, anh lại chẳng hề cảm thấy đắc ý chút nào. Chỉ thấy xấu hổ, và kiệt sức vì đau đớn và thiếu ngủ.
○○○
“Tiền boa ư?” Harry gào vào điện thoại. “Tiền boa là cái quái gì chứ hả?”
“Quỹ đen,” Øystein nói. “Sẽ không một ai ở cái đất nước chết tiệt này thèm nhấc một ngón tay lên nếu không có đút lót.”
“Mẹ kiếp!” Harry đá cái bàn ở trước tấm gương. Điện thoại trượt khỏi bàn còn ống nghe bị giằng mạnh rơi ra khỏi tay anh.
“A lô? Cậu còn đó không, Harry?” Chiếc điện thoại trên sàn kêu lẹt xẹt. Harry muốn để mặc nó nằm trơ ra đó. Bỏ đi. Hoặc bật một cái đĩa của ban nhạc Metallica lên, bật to hết cỡ. Một trong số các album cũ của họ.
“Đừng có suy sụp, Harry!” Giọng trong điện thoại the thé.
Harry cúi xuống, cổ vẫn giữ thẳng và nhấc ống nghe lên. “Xin lỗi cậu Øystein. Cậu bảo là họ muốn bao nhiêu tiền?”
“Hai mươi nghìn bảng Ai Cập. Tức là bốn mươi nghìn krone Na Uy. Sau đó họ sẽ dâng vị khách kia đến tận miệng tôi, họ bảo vậy.”
“Tụi nó đang lừa đảo chúng ta, Øystein.”
“Đương nhiên rồi. Vậy chúng ta có muốn khách hàng đó nữa hay không?”
“Tiền đang được chuyển vào tài khoản. Nhớ lấy biên lai đấy.”
Harry nằm trên giường, nhìn trân trân lên trần nhà trong lúc đợi chỗ thuốc giảm đau nhiều gấp ba liều dùng phát huy tác dụng. Hình ảnh cuối cùng anh thấy trước khi chìm nghỉm vào bóng tối là một thằng bé ngồi ở cao phía trên đầu, đung đưa đôi chân và nhìn xuống anh.
^h226
D’Ajuda$2
Fred Baugestad ngất ngư sau cơn say. Gã đã ba mươi mốt tuổi, ly hôn và làm công nhân trên giàn khoan dầu Statfiord B. Công việc nặng nhọc và trong giờ làm việc thì đến ngửi bia cũng không được, nhưng tiền kiếm được rất khá, có ti vi trong phòng, đồ ăn ngon lành, và thứ nhất là: cứ ba tuần làm thì bốn tuần nghỉ. Một số ngưới về nhà với vợ và nhìn chằm chằm vào bốn bức tường, một số người thì lại đi lái taxi hoặc xây nhà để khỏi phát điên vì buồn chán, còn một số thì tiêu thời gian như Fred: tới một xứ nhiệt đới nào đó mà uống tràn cung mây. Thỉnh thoảng, gã lại viết một tấm thiệp gửi cho con gái Karmøy, hoặc “bé yêu” như hắn vẫn gọi con bé dù giờ nó đã mười tuổi rồi. Hay là mười một nhỉ? Dù sao thì đó cũng là liên hệ duy nhất còn lại của hắn với đại lục Âu này, và thế là đủ. Lần cuối cùng nói chuyện với cha, gã nghe ông than phiền về chuyện bà mẹ bị bắt vì lại chôm bánh quy ở siêu thi Rimi.
“Bố cầu nguyện cho mẹ,” cha gã nói vậy và thắc mắc là Fred có mang cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Na Uy theo không. “Cuốn Kinh cần thiết như bữa sáng mà, bố,” Fred đáp. Mà đúng thế thật, vì khi còn ở A’djuda, Fred chẳng bao giờ ăn trước giờ ăn trưa. Trừ phi người ta coi caipirinha là đồ ăn. Cái này là một câu hỏi về định nghĩa vì hắn cho đến tận bốn thìa đường vào mỗi ly cocktail. Fred Baugestad uống caipirinha vì thật ra là nó rất tệ. Ở châu Âu, thứ cocktail này được khen nức nở một cách không xứng đáng vì nó được pha bằng rượu rum hay vodka thay vì cachaca - thứ rượu mạnh thô và đắng của người Brazil được chưng cất từ mía, khiến cho việc uống caipirinha trở thành một hành động sám hối mà Fred bảo là nhất định phải thế. Cả ông nội lẫn ông ngoại của Fred đều nghiện rượu, và với cấu tạo gien đã vậy thì gã nghĩ tốt nhất là nên chọn cái mé an toàn mà đứng, tức là uống thứ gì đó tệ đến mức gã sẽ không bao giờ bị phụ thuộc vào nó.
Hôm nay, gã đã lê tới quán của Muhammed vào lúc mười hai giờ và gọi một tách cà phê đen pha rượu brandy rồi chậm rãi thả bộ trên con đường hẹp rải sỏi lồi lõm, hai bên là những ngôi nhà nhỏ lụp xụp quét vôi trăng trắng, dưới cái nóng như nung. Ngôi nhà mà hắn và Roger vừa thuê là một trong số những ngôi nhà ít trắng hơn. Lớp vữa đã bong tróc, và bên trong, những bức tường xám chưa qua xử lý bị thấm bởi những cơn gió ẩm ướt thổi từ Đại Tây Đương vào đến độ chỉ cần thè lưỡi ra là người ta có thể nếm được cái vị nồng gắt của mùi tường. Nhưng làm thế để làm gì, Fred ngẫm nghĩ. Nhà thế vẫn ở tốt. Ba phòng ngủ, hai đệm, một tủ lạnh và một bếp nấu. Lại có cả xô pha và một mặt bàn kê trên hai khối gạch xi măng cốt Leca trong căn phòng mà họ xác định là phòng khách vì nó có một cái lỗ gần như hình vuông trên bức tường mà chúng gọi là cửa sổ. Đáng lẽ chúng phải dọn dẹp thường xuyên hơn một chút - bếp lúc nhúc kiến lửa có thể đốt sưng người - nhưng Fred không hay đi vào đó từ sau khi tủ lạnh được dời ra phòng khách. Gã đang nằm khểnh trên ghế xô pha, lên kế hoạch cho hoạt động tiếp theo trong ngày thì Roger về.
“Cậu đi đâu thế?” Fred hỏi.
“Tới một tiệm thuốc ở Porto,” Roger nói, cười ngoác đến tận mang tai, ngang qua khuôn mặt to đầy những vết mẩn đỏ. “Cậu đếch tin nổi là họ bán cái gì ở quầy đó đâu. Cậu có thể mua mọi thứ mà ở Na Uy thậm chí còn không được kê đơn.” Hắn dốc đống thuốc trong túi ni lông ra và bắt đầu đọc to tên thuốc.
“Ba mi li gam Benzodiazepine. Hai mi li gam Flunitrazepam. Chết tiệt, thế thì gần như là Rohypnol rồi còn gì!”
Fred không nói gì.
“Mệt à?” Roger nhanh nhảu hỏi. “Cậu đã ăn gì chưa?”
“Chưa. Mới uống cà phê ở quán Muhammed thôi. Mà này, có một gã trông có vẻ bí ẩn ở đó đang hỏi Muhammed về Lev đấy.”
Roger ngẩng phắt lên khỏi đống thuốc. “Về Lev á? Trông hắn thế nào?”
“Cao. Tóc vàng. Mắt xanh. Có vẻ là người Na Uy.”
“Bố khỉ, đừng có dọa tớ như thế, Fred.” Roger quay lại đọc nhãn thuốc.
“Ý cậu là sao?”
“Để tớ nói thế này nhé. Nếu hắn cao, da ngăm và gầy thì hẳn là đã tới lúc chuồn khỏi d’Ajuda. Và cả Tây bán cầu này luôn. Trông hắn có giống cớm không?”
“Trông lũ cớm thế nào?”
“Chúng… thôi quên đi, anh chàng dầu khí.”
“Trông hắn giống dân nhậu. Tớ biết rõ đám đó trông thế nào mà.”
“OK. Vậy có lẽ đó là một gã bạn của Lev. Chúng ta sẽ giúp hắn chứ?”
Fred lắc đầu. “Lev bảo hắn sống ở đây hoàn toàn không… không… từ gì đó trong tiếng La tinh có nghĩa là bí mật ấy. Muhammed giả bộ chưa bao giờ nghe thấy tên Lev. Gã đó sẽ tìm được Lev nếu Lev muốn.”
“Tớ đùa đấy. Mà này, Lev giờ đang ở đâu nhỉ? Mấy tuần nay không thấy bóng dáng.”
“Tớ mới nghe nói là hắn đã về Na Uy rồi,” Fred nói, từ từ nâng đầu lên.
“Có lẽ hắn lại đi cướp ngân hàng và bị tóm rồi cũng nên,” Roger nói và mỉm cười trước ý nghĩ đó. Không phải vì gã muốn Lev bị tóm, mà vì cứ nghĩ đến chuyện cướp ngân hàng là gã lại mỉm cười. Chính bản thân gã đã thực hiện ba vụ, và mỗi lần như vậy gã thấy phấn khích tợn. Đồng ý là hai lần đầu chúng đều bị tóm, nhưng tới lần thứ ba thì chúng đã làm mọi việc rất chuẩn. Khi miêu tả lại phi vụ đó, gã luôn lờ đi tình huống may mắn là những chiếc máy quay giám sát tạm thời bị hỏng, nhưng dù sao thì số tiền kiếm được cũng đã cho phép gã hưởng cảnh ngồi mát ăn bát vàng - và thỉnh thoảng với tới nàng tiên nâu - ở cái xó d’Ajuda này.
Ngôi làng nhỏ đẹp đẽ nằm ở phía Nam Porto Seguro và cho tới mãi gần đây vẫn là nơi dung nạp nhiều cá nhân bị truy nã nhất lục địa Nam Mỹ này tính từ phía Nam Bogotá. Chuyện này khởi đầu từ thập niên bảy mươi, khi d’Ajuda trở thành một điểm quy tụ đám hippy và dân du cư sống bằng nghề cờ bạc, bán trang sức thủ công và đồ trang trí cơ thể ở châu Âu vào mùa hè. Họ là nguồn thu nhập thêm được chào đón tại d’Ajuda, và chung quy là chẳng ảnh hưởng đến ai, vì vậy hai gia đình người Brazil, mà trên nguyên tắc là sở hữu toàn bộ công nghiệp và thương mại của ngôi làng này, đã đạt được một thỏa thuận với cảnh sát trưởng, dẫn đến kết quả là chính quyền làm ngơ chuyện hút cần sa trên bãi biển, trong quán cà phê, trong các quán bar mọc lên như nấm và, sau một thời gian, cả trên đường phố cũng như bất cứ nơi đâu.
Tuy nhiên, có một vấn đề là: giống như ở những nơi khác, tiền phạt đối với du khách hút cần sa và vi phạm những luật lệ chẳng mấy ai biết lại là nguồn thu nhập quan trọng của cảnh sát, vốn được nhà nước trả lương còm cõi. Vì vậy, để ngành kinh doanh du lịch rất lợi nhuận và cảnh sát có thể cộng sinh một cách ăn ý, hai gia đình này phải cung cấp cho cảnh sát nguồn thu nhập đảm bảo khác. Chuyện này khởi đầu với một nhà xã hội học người Mỹ và bạn trai người Argentina của ông ta, vốn chịu trách nhiệm sản xuất và buôn bán cần sa tại địa phương, bị buộc phải trả tiền bảo kê và bảo hộ độc quyền cho cảnh sát trưởng - nói cách khác, những đối thủ tiềm tàng sẽ bị bắt ngay lập tức và dẫn giải một cách rùm beng lên cảnh sát liên bang. Tiền được rót vào túi một vài cảnh sát địa phương và mọi chuyện êm đẹp cho đến khi có ba người Mexico đề nghị sẽ trả tiền bảo kê cao hơn, và một sáng Chủ nhật nọ, lão người Mỹ cùng anh bồ Argentina bị giải lên cảnh sát liên bang rùm beng ngay trên quảng trường trước bưu điện. Tuy nhiên, hệ thống mua và bán quyền bảo hộ hoạt động theo cơ chế thị trường đó vẫn tiếp tục phát đạt, và d’Ajuda nhanh chóng đầy rẫy đám tội phạm bị truy nã từ đủ mọi ngó ngách trên thế giới, có thể chắc chắn sẽ nhận được sự an toàn tương đối với một cái giá thấp hơn hẳn so với ở Pattaya hay nhiều nơi khác. Tuy vậy, tới thập niên tám mươi, cái viên ngọc thiên nhiên đẹp đẽ và cho đến lúc đó vẫn gần như chưa bị chạm tới với những bãi biển dài, những buổi hoàng hôn đỏ ối và thứ cần sa tuyệt hảo này đã bị phát hiện bởi đám kền kền du lịch - tây ba lô. Họ đổ xô tới d’Ajuda với quyết tâm hưởng thụ, và thế là hai đại gia trong thị trấn phải đánh giá lại khả năng phát triển kinh tế của d’Ajuda với tư cách một trại tị nạn cho những kẻ trốn tránh pháp luật. Khi những quán bar đèn mờ, ấm cúng được biến thành những cửa hiệu cho thuê đồ lặn, và quán cà phê nơi dân địa phương từng nhảy điệu lambada theo lối cũ bắt đầu tổ chức những bữa tiệc “Đêm-Trăng-Cuồng-Nhiệt”, cảnh sát đã phải tiến hành những cuộc đột kích chớp nhoáng vào những ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng với tần suất ngày càng lớn và xua những kẻ mang án tù chống trả ác liệt ra quảng trường. Nhưng với những kẻ phạm pháp thì sống ở d’Ajuda vẫn còn an toàn hơn chán những nơi khác trên thế giới, mặc dù chứng bệnh hoang tưởng vẫn chui vào đầu tất cả bọn họ, không chỉ riêng Roger.
○○○
Đó là lý do vì sao trong chuỗi thức ăn ở d’Ajuda có chỗ cho một người như Muhammed Ali. Cơ sở cho sự tồn tại của lão là lão có một đài quan sát chiến lược ở quảng trường vốn cũng là bến cuối của tuyến xe buýt từ Porto Seguro tới. Đứng sau quầy trong cái quán ahwa mở toang cửa, Muhammed có thể nhìn thấy hết mọi chuyện diễn ra ở cái quảng trường rải sỏi độc nhất, nóng như nung của d’Ajuda. Khi những chuyến xe buýt xịch tới, lão ngừng phục vụ cà phê và nhét thuốc lá Brazil - thứ thay thế kém cỏi cho loại thuốc lá nhà trồng m’aasil của lão - vào cái tẩu, để kiểm tra những người mới đến hòng phát hiện xem có cảnh sát hoặc những kẻ săn tiền thưởng không. Nếu cái mũi thính như cẩu của lão đánh hơi thấy cảnh sát, lão liền báo động ngay lập tức.
Báo động là một dạng thỏa thuận có trả phí, qua đó những người trả phí hằng tháng được gọi điện hoặc nhận một mẩu tin nhắn mà thằng nhóc Paulinho nhỏ con, nhanh chân sẽ ghìm lên cửa. Muhammed cũng có lý do riêng trong việc để ý những chuyến xe buýt tới làng. Khi lão và Rosalita chạy trốn chồng ả ở Rio, lão chưa nghi ngờ một giây phút nào về cái kết cục chờ đợi lão và ả nếu như gã chồng bị bỏ rơi phát hiện ra họ đang ở đâu. Chỉ cần vài trăm đô la là người ta có thể thuê được những vụ giết người đơn giản ở khu ổ chuột của Rio hoặc São Paulo, nhưng thậm chí một tay sát thủ chuyên nghiệp dày dạn kinh nghiệm cũng không đòi quá hai hoặc ba nghìn đô cộng thêm chi phí cho cuộc tìm kiếm và tiêu diệt, mà trong chục năm trở lại đây chỗ ấy đã trở thành nơi mà cung lớn hơn cầu. Chưa kể, nếu thuê giết một đôi thì còn được khuyến mại nữa.
Đôi khi, những kẻ mà Muhammed xác định là loại săn tiền thưởng đi thẳng vào quán của lão. Để cho ra vẻ, chúng gọi một tách cà phê, và đến lúc tách cà phê đã cạn một mức thích hợp, chúng sẽ hỏi cái câu không tránh khỏi này: Ông- có-biết-người-bạn-như-thế-này-của-tôi-sống-ở-đâu-không? Hoặc Ông-có-biết-người-đàn-ông-trong-tấm-ảnh-này-không? Tôi-nợ-anh-ta-một-món-tiền. Trong những trường hợp như vậy, Muhammed nhận được một khoản phụ phí nếu câu trả lời đã chuẩn bị sẵn của lão (“Tôi thấy hắn bắt xe tới Porto Seguro, xách theo một cái va li lớn từ hai ngày trước rồi, thưa senhor”) khiến cho kẻ săn tiền thưởng kia bắt ngay chuyến xe đầu tiên rời khỏi làng.
Khi người đàn ông cao lớn, tóc vàng, mặc bộ vest vải linen nhàu nhĩ, cổ quấn băng, đặt túi hành lý và một cái túi đựng bộ đồ chơi Playstation lên quầy, lau mồ hôi trên trán và gọi cà phê bằng tiếng Anh, thì Muhammed có thể đánh hơi thấy sắp có thêm mấy đồng real phụ trội cộng vào với tiền phí cố định. Nhưng không phải người đàn ông đã đánh thức bản năng của lão; mà là người phụ nữ đi cùng gã. Chẳng khác nào trên trán cô ta có viết chữ CẢNH SÁT to đùng.
○○○
Harry nhìn khắp quán bar. Ngoại trừ anh, Beate và lão chủ quán Ả Rập đứng sau quầy, còn có ba người khác ngồi trong quán. Hai Tây ba lô và một du khách thuộc loại rách rưới, hơn thế, hình như đang chếnh choáng sau cơn say nặng. Cổ Harry làm anh đau muốn chết. Anh nhìn đồng hồ đeo tay. Đã hai mươi tư tiếng kể từ lúc họ rời Oslo. Oleg đã gọi, kỷ lục Tetris đã bị phá và Harry đã mua được một bộ G-Con 45 hiệu Namco ở một cửa hàng bán đồ chơi điện tử tại sân bay Heathrow trước khi bay tới Recife. Họ đã lên một cái máy bay cánh quạt để bay tới Porto Seguro. Ra khỏi sân bay anh đã thương lượng được một cái giá có lẽ là cắt cổ với một gãi taxi để gã chở họ ra phà tới bến d’Ajuda nơi có một chiếc xe buýt xóc nẩy chở họ đi nốt quãng đường vài cây số.
Đã hai mươi tư tiếng kể từ lúc anh ngồi trong phòng tiếp khách giải thích cho Raskol rằng anh cần thêm bốn mươi nghìn krone cho bọn Ai Cập. Raskol đã cho anh hay quán ahwa của Muhammed Ali không phải ở Porto Seguro mà ở một cái làng gần đó. “D’Ajuda,” Raskol tươi cười nói. “Tôi biết mấy gã sống ở đó.”
Lão chủ quán người Ả Rập nhìn Beate, thấy cô lắc đầu liền đặt tách cà phê xuống trước mặt Harry. Nó đặc xịt và đắng ngắt.
“Ông Muhammed,” Harry nói và nhận thấy người đàn ông đứng sau quầy sững lại. “Ông là Muhammed phải không?”
Lão chủ quán Ả Rập nuốt khan. “Ai đang hỏi vậy?”
“Một người bạn.” Harry đút bàn tay phải vào túi áo khoác và thấy vẻ hoảng hốt trên khuôn mặt nâu sẫm. “Em trai của Lev đang tìm anh ta.” Harry lôi ra một trong những tấm ảnh mà Beate đã tìm thấy ở nhà Trond và đặt lên quầy.
Muhammed nhắm mắt lại một giây. Môi lão mấp máy như đang khẽ lẩm bẩm một lời tạ ơn.
Tấm ảnh chụp hai thằng bé. Đứa cao hơn mặc một cái áo khoác chăn bông màu đỏ. Nó đang cười to và quàng một cánh tay lên vai thằng bé kia đầy thân thiện, còn thằng bé kia chỉ mỉm cười bẽn lẽn nhìn vào máy ảnh.
“Tôi không biết liệu Lev đã từng nhắc tới em trai anh ta bao giờ chưa,” Harry nói. “Tên anh ta là Trond.”
Muhammed nhấc tấm ảnh lên và chăm chú xem.
“Ừm,” lão nói, gãi râu. “Tôi chưa bao giờ thấy cả hai người này. Và tôi chưa từng nghe thấy có ai tên là Lev cả. Tôi biết hầu hết mọi người ở đây.”
Lão trả tấm ảnh lại cho Harry, anh bèn cất nó vào trong túi áo khoác và uống nốt tách cà phê. “Chúng tôi phải đi kiếm một chỗ để ngủ đã, Muhammed. Sau đó chúng tôi sẽ quay lại. Trong khi đó cứ suy nghĩ một chút đi.”
Muhammed lắc đầu, lôi tờ hai mươi đô la mà Harry nhét bên dười tách cà phê ra và trả lại. “Tôi không nhận tiền to,” lão nói.
Harry nhún vai. “Dù sao thì chúng tôi cũng sẽ quay lại, ông Muhammed ạ.”
○○○
Tại khách sạn nhỏ có tên là Vitória, họ thuê được hai phòng rộng thênh thang vì giờ đang là mùa vắng khách. Harry được đưa cho chiếc chìa khóa đánh số 69, mặc dù khách sạn chỉ có hai tầng và hơn hai mươi phòng. Khi lôi ngăn kéo của cái kệ đầu giường bên cạnh cái giường trái tim màu đỏ và thấy hai bao cao su cùng với những lời chúc tụng của khách sạn, anh đoán là mình đã thuê phải phòng tân hôn. Có một cái gương choán hết cả cánh cửa nhà tắm phản chiếu người nằm trên giường. Trong cái tủ quần áo to kềnh càng và sâu hun hút, món đồ duy nhất trong phòng ngoại trừ chiếc giường, treo vài cái áo choàng tắm dài tới đùi, đã hơi sờn, sau lưng có những họa tiết phương Đông.
Cô lễ tân mỉm cười và lắc đầu khi anh chìa tấm ảnh Lev Grette ra. Điều tương tự cũng xảy ra trong nhà hàng ngay cạnh đó và trong quán cà phê Internet nằm cách phía trên con phố chính yên ắng một cách kỳ lạ. Nó dẫn từ nhà thờ đến nghĩa địa, theo truyền thống, nhưng được đặt cho một cái tên mới: Broadway. Cuối cùng, trong một tiệm tạp hóa bé tin hin bán nước và đồ trang hoàng Giáng sinh, đề SIÊU THỊ phía trên cửa, họ tìm được một người phụ nữ đứng sau quầy tính tiền. Bà ta trả lời có, với mọi thứ họ hỏi, và nhìn họ bằng cặp mắt đờ đẫn cho đến lúc họ bỏ cuộc và đi khỏi. Trên đường về, họ thấy một người đang đứng một mình, một cảnh sát trẻ đang tựa vào chiếc xe jeep, tay khoanh lại và bao súng căng phồng lủng lẳng bên hông, vừa ngáp vừa nhìn theo họ.
Trong quán của Muhammed, thằng bé gầy nhẳng đứng sau quầy giải thích rằng ông chủ của nó đột nhiên quyết định nghỉ để đi dạo rồi. Beate hỏi khi nào ông ta trở về nhưng thằng bé lúng túng lắc đầu, chỉ lên mặt trời và bảo, “Trancoso.”
Cô lễ tân khách sạn bảo rằng đoạn đường mười ba cây không nghỉ dọc con đường cát trắng dẫn tới Trancoso là điểm hút khách nhất ở d’Ajuda. Ngoài nhà thờ Công giáo ở quảng trường, nó cũng là điểm hút khách duy nhất.
“Ừm. Sao quanh đây vắng người thế, senhora?” Harry hỏi. Cô ta mỉm cười và chỉ ra biển.
Giờ thì họ đã ra đó. Trên bãi cát bỏng rát, trải dài tít tầm mắt về cả hai phía dưới hơi nóng bốc lên. Có những người đi tắm nắng đang nằm như xác chết trong quan tài, những người bán dạo trên bãi biển lê bước qua cát lún, lom khom bên dưới cái túi ướp lạnh và bao đựng quả tươi, những người pha chế đó uống cười toe toét sau quầy bar dựng tạm có loa thùng đang phát nhạc samba tưng bừng dưới cái mái lợp rạ, và những vận động viên lướt sóng mặc đồng phục quốc gia màu vàng, môi quết ôxít kẽm màu trắng. Và hai người đang đi về phía Nam, tay xách giày. Một người mặc quần soóc, áo thiếu vải và đội cái mũ rơm mà cô đã thay từ lúc ở khách sạn, người kia vẫn để đầu trần, mặc bộ vest linen nhàu nhĩ.
“Cô ta bảo mười ba cây số phải không?” Harry hỏi, thổi bay giọt mồ hôi đang đọng trên chóp mũi.
“Trời sẽ tối trước khi chúng ta tới được đó,” Beate nói và chỉ tay. “Nhìn xem, mọi người về hết rồi kìa.”
Có một vệt đen chạy dài dọc theo bãi biển, có vẻ như là một đoàn người dài dằng dặc đang trên đường về nhà với vầng mặt trời chiếu sau lưng.
“Đúng là cái mà chúng ta đã yêu cầu còn gì.” Harry nói, chỉnh lại kính râm. “Một đoàn người gồm toàn bộ dân làng d’Ajuda. Chúng ta sẽ phải căng mắt ra mà nhìn. Nếu không thấy Muhammed thì biết đâu lại may mắn đụng phải đúng Lev.”
Beate mỉm cười. “Cá anh một trăm là chúng ta sẽ không gặp được hắn.”
Những khuôn mặt lướt qua dưới cái nóng. Đen, trắng, trẻ, già, xấu, đẹp, phê thuốc, tỉnh táo, tươi cười, quạu quọ. Những quán bar và quầy cho thuê ván lướt sóng đều đã biến mất. Họ chỉ còn nhìn thấy cát và biển ở bên trái, và rừng cây rậm rịt ở bên phải. Đó đây, người ta ngồi thành từng nhóm với mùi cần sa quấn không lẫn đi đâu được phả đến.
“Tôi đang nghĩ nhiều hơn về cái chuyện khoảng cách thân mật và giả thiết tay trong của chúng ta,” Harry nói. “Cô có nghĩ là Lev và Stine Grette có thể đã biết nhau sâu hơn quan hệ anh chồng và em dâu không?”
“Ý anh là cô ta tham gia vào việc lên kế hoạch, rồi hắn bắn cô ta để bịt đầu mối ư?” Beate nhìn vầng mặt trời.
“Ừm, sao không chứ?”
Mặc dù đã hơn bốn giờ chiều, nhưng cái nóng vẫn không dịu đi là mấy. Họ cởi giày ra để bước qua mấy tảng đá, và khi bước sang phía bên kia, Harry thấy một cành cây khô, to mà biển đã đánh dạt vào bờ. Anh cắm cái cành xuống cát rồi lôi ví và hộ chiếu ra khỏi túi áo khoác trước khi treo nó lên cái cây treo mũ tạm thời.
Lúc này họ đã thấy Trancoso từ xa, và Beate nói rằng họ vừa đi qua một nguời đàn ông mà cô đã nhìn thấy trong một cuốn băng. Lúc đầu, Harry còn tưởng cô nói tới một diễn viên có chút tiếng tăm, cho tới lúc cô bảo tên hắn là Roger Person, và rằng, cùng với nhiều tiền án về ma túy, hắn đã ngồi tù vì cướp bưu điện ở Gamlebyen và Veitvet. Hắn còn bị tình nghi là cướp bưu điện ở Ulleval.
○○○
Fred đã nốc liền ba ly caipirinha trong một nhà hàng trên bãi biển ở Trancoso, nhưng vẫn nghĩ rằng thật điên rồ khi cuốc bộ mười ba cây số về chỉ để - như Roger nói - “phơi da cho khỏi mốc”.
“Vấn đề của cậu là cậu không thể ngồi yên vì đã nốc những viên thuốc mới đó,” Fred rên rỉ với gã bạn đang nhón chân đi tha thẩn ở phía trước, hai đầu gối khuỳnh khuỳnh.
“Thì sao? Cậu cần phải đốt bớt calo trước khi trở về với những bữa tiệc búp phê ở ngoài Biển Bắc đó chứ. Nói cho tớ biết Muhammed bảo gì trên điện thoại về lũ cớm đó đi.”
Roger thở dài rồi miễn cưỡng lục tìm trong cái ký ức ngắn hạn của gã. “Ông ta bảo đứa con gái trắng đến nỗi trông như trong suốt vậy. Và một tên người Đức đô con có cái mũi của một thằng nghiện rượu.”
“Người Đức á?”
“Muhammed đoán vậy. Có thể là người Nga. Hoặc người da đỏ ở Inca hoặc…”
“Buồn cười thật. Ông ta có chắc bọn chúng là cớm không?”
“Ý cậu là sao?” Roger dừng lại và Fred suýt va phải gã.
“Tớ chỉ đang nói là tớ chẳng thích chuyện đó,” Roger nói. “Theo tớ biết thì Lev không cướp ngân hàng ngoài Na Uy. Và cảnh sát Na Uy không tới Brazil để tóm một tên cướp ngân hàng quèn. Có lẽ là đám người Nga. Bố khỉ. Chúng ta biết ai đã cử chúng tới đây. Và không phải chúng tới tìm Lev.”
Fred lại rên rỉ. “Làm ơn đừng có bới cái đống phân Di gan ấy lên nữa.”
“Cậu nghĩ là tớ hoang tưởng, nhưng hắn đúng là quỷ Xa tăng. Hắn không thèm chớp mắt trước khi nã đạn vào kẻ nào dám lừa của hắn dù chỉ một krone. Tớ chưa bao giờ nghĩ là hắn sẽ tìm ra. Tớ chỉ lấy có mấy nghìn từ một cái túi để tiêu vặt thôi mà, phải không? Nhưng cậu biết đấy, đó là nguyên tắc. Nếu cậu là kẻ đứng đầu nhóm, cậu phải được kính trọng trừ phi…”
“Roger! Nếu muốn nghe cái mớ chuyện giang hồ nhảm nhí này thì tớ đã thuê một cuốn băng rồi.”
Roger không nói gì.
“Này? Roger?”
“Im,” Roger thì thào. “Đừng ngoảnh lại, cứ tiếp tục đi đi.”
“Sao?”
“Nếu cậu không say quắc cần câu như thế thì hẳn là cậu đã nhận ra chúng ta vừa đi qua cái con bé trong suốt và cái tên có cái mũi của thằng nghiện rượu rồi đấy.”
“Thật thế ư?” Fred nghển đầu lên. “Roger…”
“Gì?”
“Tớ nghĩ là cậu đã nói đúng.” Họ quay lại.
Roger tiếp tục bước, không ngoảnh lại. “Mẹ kiếp, mẹ kiếp, mẹ kiếp! “Giờ phải làm sao?”
Khi không nhận được câu trả lời, Fred ngoái lại nhìn mới phát hiện ra Roger đã lủi mất. Gã kinh ngạc nhìn kỹ bãi cát thì thấy dấu chân sâu hoắm Roger để lại, rồi đi theo những dấu chân đó đột ngột ngoặt sang trái. Phía trước mặt, gã nhìn thấy hai gót chân thoăn thoắt của Roger. Rồi Fred cũng bắt đầu chạy về phía rừng cây xanh rì, rậm rịt.
○○○
Harry bỏ cuộc gần như ngay lập tức.
“Chẳng ích gì đâu,” anh kêu to với Beate. Cô ngập ngừng rồi dừng lại.
Chỉ còn cách biển vài mét, nhưng cứ như thể họ vừa bước sang một thế giới khác. Cái nóng ẩm thấp, mụ mẫm lơ lửng giữa những thân cây trong bóng tối đen ngòm dưới vòm lá. Thứ âm thanh có lẽ là tiếng của hai gã đang chạy trốn bị át đi bởi tiếng quang quác của lũ chim và tiếng gầm của biển sau lưng họ.
“Cái gã đi sau trông không giống một vận động viên chạy nước rút chút nào,” Beate nói.
“Chúng rành đường hơn ta,” Harry nói. “Chúng ta không đem theo vũ khí, nhưng nhỡ đâu chúng có.”
“Nếu Lev chưa được cảnh báo từ trước thì giờ hắn sẽ được cảnh báo. Vậy chúng ta làm gì đây?”
Harry xoa lớp băng ướt đẫm trên cổ. Lũ muỗi đã kịp lẻn vào chích mấy nốt. “Chuyển qua kế hoạch B.”
“Thế ư? Là gì vậy?”
Harry nhìn Beate và thắc mắc là sao trán cô chẳng rịn ra một giọt mồ hôi nào trong khi anh thì cứ ướt sũng như một cái máng nước bị mục.
“Đi câu.”
○○○
Hoàng hôn không kéo dài nhưng nó là một màn trình diễn của tất cả các sắc đỏ trong dải quang phổ. Cùng với một vài màu sắc nữa, Muhammed nghĩ, chỉ về phía vầng mặt trời vừa hòa vào đường chân trời như một miếng bơ trên chiếc chảo nóng.
Tuy nhiên, tên người Đức đứng trước quầy không quan tâm đến hoàng hôn. Anh ta vừa nói là anh ta sẽ trả một nghìn đô cho ai có thể giúp anh ta tìm ra Lev Grette hoặc Roger Person. Liệu Muhammed có thể truyền lời đề nghị đó đi không? Người bán tin nào quan tâm có thể tới phòng 69, khách sạn Vitória, tên người Đức bảo vậy trước khi rời khỏi quán cùng với người phụ nữ trắng xanh.
Những con nhạn lao điên cuồng khi lũ côn trùng mò ra cho vũ điệu ngắn ngủi lúc đêm về. Mặt trời đã tan chảy thành lớp bột lỏng màu đỏ phía trên mặt biển và mười phút sau thì trời tối.
Một tiếng sau, khi Roger ló mặt vào quán, chửi thề, trông gã nhợt nhạt dưới lớp da rám nắng.
“Thằng Di gan trời đánh,” gã lẩm bẩm với Muhammed, và kể rằng gã đã kịp nghe kể về khoản tiền thưởng béo bở ở quán bar của Fredo bèn chuồn ngay lập tức. Trên đường tới đây, gã đã lượn vào siêu thị, được Petra cho biết tên người Đức và ả tóc vàng đã tới đó hai lần. Lần cuối cùng họ tới mua dây câu; họ không hỏi thêm câu nào.
“Họ mua cái đó làm gì?” Gã hỏi, đảo mắt liếc nhanh xung quanh trong lúc Muhammed rót cà phê. “Câu cá chắc?”
“Của cậu đây,” Muhammed nói, ra hiệu về phía cái tách. “Tốt cho chứng hoang tưởng đấy.”
“Hoang tưởng á?” Roger kêu lên. “Đây là chuyện hoàn toàn có thật. Một nghìn đô chết tiệt! Dân ở đây sẵn sàng bán cả mẹ mình để đổi lấy một phần mười số tiền đó.”
“Vậy thì cậu định làm gì?”
“Việc phải làm. Ngăn chặn tên người Đức đó.”
“Thật ư? Bằng cách nào?”
Roger nhấm nháp cà phê trong lúc lôi ra một khẩu súng lục màu đen với cái báng súng ngắn màu nâu đỏ từ trong cạp quần ra. “Chào em Taurus PT92C từ São Paulo đi nào.”
“Không, cảm ơn,” Muhammed rít lên. “Cất ngay cái đó đi. Cậu điên rồi. Cậu nghĩ là cậu có thể một mình đấu với tên người Đức đó hả?”
Roger nhún vai và lại nhét khẩu súng vào cạp quần.
“Fred đang run như cầy sấy ở nhà. Nó bảo nó sẽ không bao giờ tỉnh táo lại nữa.”
“Tên này là dân chuyên nghiệp đấy, Roger.”
Roger khịt mũi. “Thế còn tôi? Tôi đã cướp mấy cái ngân hàng rồi chứ bộ. Mà ông biết cái gì là quan trọng nhất không, Muhammed? Bất ngờ. Cái đó quyết định tất cả.” Roger uống nốt tách cà phê. “Mà chuyên nghiệp cái khỉ mốc gì khi mà hắn đi khắp nơi nói bô bô số phòng mình ở như thế.”
Muhammed đảo mắt và làm dấu thánh giá.
“Allah có thể nhìn thấy ông đấy, Muhammed ạ,” Roger nói cộc lốc rồi đứng dậy.
Roger nhìn thấy người phụ nữ tóc vàng ngay khi bước vào khu lễ tân. Cô đang ngồi với một nhóm đàn ông xem một trận đá bóng trên chiếc ti vi để trên quầy. Đúng rồi, tối nay có trận flaflu, trận đấu truyền thống giữa hai đội Flamengo và Fluminese ở Rio. Đó là lý do vì sao quán Fredo đông nghẹt.
Gã vội vã đi qua họ, hy vọng không bị nhìn thấy. Chạy lên cầu thang trải thảm và tiếp tục đi dọc theo hành lang. Gã biết rõ là phòng nào. Khi chồng của Petra có chuyện làm ăn phải đi vắng thì Roger luôn đặt phòng 69.
Roger áp tai vào cửa nhưng chẳng nghe thấy gì. Gã nhòm qua lỗ khóa, nhưng bên trong tối om. Tên người Đức chắc đã đi ra ngoài hoặc đang ngủ. Roger nuốt khan. Tim gã đập mạnh, nhưng nửa viên thuốc kích thích mà gã vừa uống đã giúp gã bình tĩnh. Gã kiểm tra lại khẩu súng, thấy đã nạp đạn và chốt hãm đã mở, rồi mới nhẹ nhàng ấn tay nắm cửa xuống. Cửa để mở! Roger lẻn vào phòng và khẽ khàng đóng cửa lại. Gã đứng trong bóng tối, nín thở. Chẳng nhìn thấy ai cũng chẳng nghe thấy gì. Không có chuyển động, không thấy tiếng thở. Chỉ có chiếc quạt trần đang phe phẩy. May mà Roger đã biết rõ căn phòng này. Gã chĩa khẩu súng vào chỗ mà gã biết là kê chiếc giường hình trái tim, khi mắt đã quen với bóng tối. Một dải ánh trăng hắt thứ ánh sáng nhàn nhạt lấp lánh vào giường, nơi chiếc chăn lông vũ đã bị vứt sang một bên. Giường trống không. Gã nghĩ nhanh. Có thể nào tên người Đức đó ra ngoài mà quên khóa cửa không? Nếu vậy thì Roger có thể yên tâm ngồi chờ cho đến khi tên người Đức quay về và trở thành mục tiêu ngay ngưỡng cửa. Chuyện đó hoàn hảo như mơ, như một ngân hàng quên không kích hoạt khóa hẹn giờ. Chỉ có điều chuyện đó thường không xảy ra. Cái quạt trần.
Gã sực tỉnh đúng giây phút đó.
Roger giật thót khi chợt nghe thấy tiếng xả nước trong nhà tắm. Thì ra tên đó ngồi trong nhà xí nãy giờ! Roger nắm lấy khẩu súng bằng cả hai tay và hai cánh tay vươn ra, chĩa vào chỗ mà gã biết là cửa phòng tắm. Năm giây trôi qua. Rồi tám. Roger không thể nín thở thêm nữa. Tên đó đang chờ đợi cái gì thế không biết. Hắn đã xả nước rồi cơ mà. Mười hai giây.
Có lẽ hắn đã nghe thấy gì đó. Có lẽ hắn đang cố gắng bỏ trốn. Roger nhớ có một ô cửa sổ trên một bức tường. Chết tiệt! Đây là cơ hội của gã; gã không thể để tên đó trốn thoát. Roger bèn rón rén đi qua cái tủ quần áo bên trong treo cái áo choàng mà Petra mặc trông rất đẹp, đứng trước cửa phòng tắm và đặt tay lên tay nắm cửa. Hít một hơi thật sâu. Gã đang định ấn tay nắm cửa xuống thì cảm thấy một chút gió thổi qua. Không phải từ cái quạt hay một ô cửa sổ nào đó để mở. Nó là một thứ gì đó khác.
“Đứng im!” Một giọng nói vang lên ngay sau lưng gã. Sau khi ngẩng đầu lên và nhìn vào tấm gương trên cửa nhà tắm, Roger bèn làm theo. Gã đông cứng đến mức răng va lập cập. Cánh cửa tủ vừa mở ra và bên trong, giữa hai cái áo choàng màu trắng, gã nhìn ra một người có vóc dáng lực lưỡng. Nhưng đó không phải là điều gây ra cơn ớn lạnh đột ngột. Cái tác động tâm lý khi phát hiện ra có kẻ còn có vũ khí lớn hơn nhiều thứ vũ khí mà mình đang cầm và chĩa nó vào mình không hề suy giảm dù có chút hiểu biết về vũ khí. Ngược lại là đằng khác. Ta sẽ biết những viên đạn cỡ lớn phá hủy cơ thể người hiệu quả hơn nhường nào. Khẩu Taurus PT92C của Roger là ống xì đồng so với con quái vật đen sì, to lù lù mà hắn liếc thấy sau lưng nhờ ánh trăng. Có tiếng ken két khiến Roger ngước lên. Thứ trông như sợi dây câu ánh lên. Nó ròng từ khe nứt trên cửa nhà tắm tới chỗ cái tủ.
“Guten Abend,” Roger thì thào.
○○○
Sáu năm sau, khi Roger tình cờ bị vẫy vào một quán bar ở Pattaya, chỉ để rồi phát hiện ra Fred sau lớp râu tóc xồm xoàm, lúc đầu gã ngạc nhiên tới mức cứ đứng đực ra cho đến khi Fred kéo ghế cho.
Fred gọi đồ uống và kể với Roger rằng gã không còn làm việc ở Biển Bắc nữa. Được nhận trợ cấp cho người tàn tật. Roger ngần ngừ ngồi xuống và giải thích, không nói chi tiết, rằng trong sáu năm qua gã đã điều hành một công ty chuyển phát ở Chang Rai. Sau vài ly, Fred hắng giọng và hỏi thật ra là chuyện gì đã xảy ra vào cái đêm Roger đột nhiên chạy khỏi d’Ajuda.
Roger nhìn vào ly rượu của mình, hít một hơi sâu và bảo rằng gã không có lựa chọn nào khác. Tên người Đức, hóa ra lại không phải là người Đức, đã lừa gã và định đập chết gã ngay tại chỗ. Tuy nhiên, vào phút chót, Roger đã thỏa thuận được với tên đó. Roger có ba mươi phút để rời khỏi d’Ajuda nếu gã khai ra Lev Grette sống ở đâu.
“Khẩu súng mà cậu bảo hắn cầm là loại gì?” Fred hỏi.
“Tối quá không nhìn rõ. Dù sao thì cũng không phải là loại phổ biến. Nhưng mà thề với cậu nó sẽ thổi bay đầu tớ tới tận quán Fredo.” Roger liếc nhanh ra cửa.
“Tớ vừa tìm được một chỗ ở tại đây,” Fred nói. “Cậu đã có chỗ nào để ở chưa?”
Roger như thể gã chưa hề nghĩ tới chuyện đó. Gã xoa bộ râu chưa cạo hồi lâu rồi mới trả lời.
“Thật ra là chưa.”