Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Chương 25 - Xuồng Của Tàu Severn - Costar Ốm - Đàn Nhạn Trở Lại - Nản Lòng - Những Con Chim Săn Mồi - Con Guanaco Chết Vì Trúng Đạn - Cái Nõ Tẩu - Giám Sát Nghiêm Cẩn Hơn - Cơn Dông Lớn - Một Tiếng Súng Bên Ngoài - Tiếng Kêu Của Bà Kate
D
êm trước, để Moko ở lại trông động Người Pháp, với biết bao xúc động phải trải qua, sáng hôm sau, các trại viên tỉnh dậy khá muộn. Vừa thức dậy, Gordon, Briant, Doniphan, Baxter sang ngay kho, nơi bà Kate quán xuyến công việc quen thuộc của mình. Các cậu trao đổi với nhau về tình hình đáng lo ngại hiện nay. Theo nhận định của Gordon thì Walston và đồng bọn đã ở trên đảo hơn mười ngày rồi, sở dĩ chúng chưa sửa được xuồng chỉ vì không có dụng cụ cần thiết mà thôi. Doniphan nói:
- Hẳn là thế rồi vì nhìn chung thì xuồng của chúng không hư nhiều lắm. Chiếc Sloughi của chúng mình mà không bị vùi dập tệ thế thì chúng mình cũng có thể sửa để lại ra khơi được.
Tuy nhiên, Walston chưa ra đi không phải vì hắn muốn ở lại lâu dài trên đảo Chairman - nếu thế thì chắc chắn hắn đã làm vài cuộc khảo sát sâu trong đảo và đã đến thăm động Người Pháp rồi.
Nhân đấy, Briant thuật lại điều cậu đã trông thấy khi ở trên cao, liên quan đến những vùng đất khá gần đảo ở phía đông, rồi nói:
- Hẳn là các cậu chưa quên lần đi khảo sát phía đông về, mình đã kể là thoáng thấy một vệt trắng cao hơn đường chân trời một chút và không nhận ra được là cái gì.
- Wilcox và mình đã chủ tâm tìm vệt trắng ấy mà không thấy. - Doniphan trả lời.
- Cả Moko cũng nhìn thấy mà. - Briant trả lời.
- Được, có thể là thế! - Doniphan nói tiếp - Nhưng mà Briant này, điều gì khiến cậu tin rằng có một châu lục hay một nhóm đảo ở gần chúng ta?
- Là thế này, - Briant nói - đêm qua, nhìn về chân trời phía ấy, mình thấy rất rõ một điểm sáng ở bên ngoài đảo này và chỉ có thể là một núi lửa đang hoạt động. Mình kết luận là ắt có một vùng đất gần chúng ta tại miền biển này và làm gì mà bọn thủy thủ tàu Severn chẳng biết, hẳn chúng đang tìm mọi cách để tới được nơi ấy.
- Không nghi ngờ gì nữa! - Baxter góp ý - Bọn chúng ở lại đây thì được lợi lộc gì! Hiển nhiên là chúng chưa sửa được xuồng nên chưa thoát được.
Điều Briant thông báo cho các bạn là cực kì quan trọng. Như vậy, chắc chắn là đảo Chairman không cô độc, lẻ loi ở vùng biển này của Thái Bình Dương như họ tưởng. Nhưng việc phát hiện lửa trại của Walston chứng tỏ bọn chúng đang ở cửa sông Đông. Rời bãi biển Severn, hắn đã tiến gần hơn mười hai dặm, bây giờ chỉ cần đi ngược dòng sông Đông là hắn sẽ tới hồ, rồi theo bờ xuôi về phía nam là phát hiện được động Người Pháp thôi. Vì thế cần áp dụng các biện pháp thật nghiêm ngặt để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra. Từ nay, chỉ khi nào thật cần thiết mới được ra khỏi động và không được tới rừng Vũng Lầy bên bờ trái con lạch nữa. Baxter còn ngụy trang hàng rào nuôi súc vật, cửa ra vào kho và sảnh bằng cây cỏ. Cuối cùng, không ai được ló mặt ra dải đất giữa hồ và đồi Auckland. Phải ép mình tuân thủ những quy định khắt khe ấy quả là ngán ngẩm biết bao trong hoàn cảnh khó khăn này.
Giữa lúc ấy, lại thêm điều đáng lo ngại khác. Costar sốt nặng, có cơ nguy đến tính mạng. Gordon phải dùng đến thuốc của du thuyền và chỉ lo bị nhầm lẫn. May sao có bà Kate đóng vai người mẹ. Bà chăm sóc chú bé không quản ngày đêm với sự dịu dàng, khéo léo, dường như là bản năng của phụ nữ. Nhờ sự tận tâm của bà, chú bé hết sốt và dần dần bình phục. Costar có nguy cơ tử vong không? Khó có thể nói như vậy. Nhưng nếu không có sự chăm nom khéo léo ấy thì chắc chú sẽ bị suy kiệt.
Phải, không biết điều gì có thể xảy ra nếu không có bà Kate. Nhắc lại chẳng sợ thừa là người đàn bà quý hóa ấy đã dành cho các chú bé nhất của trại tất cả tình thương của trái tim người mẹ, không quản ngại điều gì. Bà thường nói: “Vốn dĩ ta là thế, các papoose ạ! Tính ta ưa đan áo, vỗ về và nấu ăn.”
Đó chẳng phải là tất cả thiên chức của người phụ nữ sao? Điều bà bận tâm nhất là giữ cho quần áo, chăn mền của trại trong tình trạng khá nhất. Bà rất phiền lòng khi thấy chúng quá cũ - dùng hai năm rồi còn gì! Lấy chi để thay thế khi không dùng được nữa đây? Rồi còn khoản giày cũng đã quá tệ, mặc dầu các trại viên đã hết sức giữ gìn, khi thời tiết cho phép là đi chân trần. Những điều đó làm bà nội trợ lo xa rất lo ngại.
Nửa đầu tháng 11 hay có mưa rào. Đến ngày 17 thì khí áp kế dừng ở điểm thời tiết tốt. Mùa nóng trở lại như thường lệ. Cây to, cây nhỏ, mọi loại thực vật đều xanh tươi hoa lá. Những vị khách quen thuộc của truông phía Nam trở lại đông đúc. Doniphan rầu lòng làm sao khi không được săn bắn trên đầm lầy, khi Wilcox không được chăng lưới trời vì sợ lộ… Chim chóc không chỉ đầy rẫy ở đảo này mà ngay ở sát động Người Pháp cũng bắt được nhiều. Một hôm, Wilcox nhận ra một chú nhạn di cư, dưới cánh vẫn đeo túi. Liệu trong đó có thư trả lời các nạn nhân du thuyền Sloughi chăng? Than ôi! Không phải, sứ giả đã trở về mà không có lời phúc đáp.
Những ngày dằng dặc vô công rồi nghề kéo dài lê thê hết giờ này sang giờ khác ở trong sảnh. Baxter phụ trách nhật kí của trại mà chẳng có sự kiện gì để ghi. Và chưa đầy bốn tháng nữa là tới mùa đông thứ ba của các trại viên trên đảo Chairman rồi. Rất đáng lo ngại là trừ Gordon luôn luôn tập trung vào những chi tiết của công việc quản lí, những cậu cứng rắn nhất cũng thấy chán nản. Ngay Briant đôi lúc cũng thấy lòng mình nặng trĩu, mặc dầu cố vận dụng sức mạnh tinh thần không để lộ ra trước các bạn. Cậu cố chống lại tình trạng đó bằng cách khuyến khích các bạn học hành, tổ chức các buổi thuyết trình, đọc truyện để mọi người cùng nghe, gợi lại những kỉ niệm về gia đình, quê hương, khẳng định sẽ có ngày trở về… cố gắng giúp các bạn nâng cao tinh thần mà chẳng có kết quả bao nhiêu. Cậu rất e ngại sự gục ngã vì chán nản. Nhưng điều đó không xảy ra. Nhiều sự kiện nghiêm trọng buộc các chàng trai phải căng mình gánh vác.
2 giờ chiều ngày 21 tháng 11, Doniphan câu cá ở bờ hồ Gia Đình thì nghe tiếng kêu xáo xác của vài mươi con chim đang lượn phía trên bờ trái con lạch. Những con chim này hơi giống quạ, cũng là loài ăn thịt và lắm lời. Nếu chúng chỉ kêu thì cậu cũng mặc kệ. Nhưng kiểu lượn vòng của chúng làm cậu chú ý. Đầu tiên là những vòng lượn rộng trên cao rồi càng xuống thấp thì càng thu hẹp, cuối cùng chúng tụ lại và sà cả xuống đất rồi lại càng kêu tợn. Bị cỏ cao che lấp, Doniphan không nhìn thấy gì, chợt nghĩ hay có xác con vật nào ở đó chăng? Hiếu kì, cậu trở vào động Người Pháp nhờ Moko lấy xuồng chở mình sang bờ trái lạch Zealand. Cả hai xuống xuồng và mười phút sau đã luồn vào giữa những bụi cỏ ở bờ lạch. Lập tức bầy chim bay vọt lên, kêu ầm ĩ phản đối những kẻ quấy rầy bữa tiệc của chúng. Tại đây, họ thấy xác một con guanaco còn non, mới chết trước đây vài giờ vì thân còn ấm. Chẳng thèm ăn thừa loài chim, họ sắp trở về thì một câu hỏi xuất hiện: Làm thế nào và tại sao mà con guanaco này tới chết ở đây, trên đầm lầy, xa khu rừng phía đông là nơi họ hàng nhà chúng cư trú?
Doniphan xem xét con vật. Sườn nó có một vết thương còn chảy máu, không phải vết răng con báo đốm hay thú dữ khác.
- Nó bị bắn chết. - Doniphan nhận định.
- Và đây là chứng cớ. - Chú thủy thủ tập sự trả lời và lấy từ vết thương, mà chú vừa chọc dao vào, ra một đầu đạn.
Đây là đạn của súng trang bị cho tàu biển, không phải đạn súng săn. Vậy thì chỉ có thể là do Walston hoặc một đồng bọn của hắn bắn mà thôi. Để xác con guanaco lại cho lũ chim, Doniphan và Moko trở về động Người Pháp thông báo với các bạn.
Con guanaco bị một thủy thủ tàu Severn bắn là quá rõ, vì đã hơn một tháng nay Doniphan và các bạn có ai bắn phát nào đâu. Điều quan trọng là cần biết nó bị bắn ở đâu, vào lúc nào. Sau khi cân nhắc kĩ giả thuyết có thể chấp nhận được là con vật bị bắn không quá năm đến sáu giờ trước - quãng thời gian đủ để nó vượt qua miền Đất Gò đến bờ lạch. Từ đó đi đến kết luận rằng sáng nay một đồng bọn của Walston đi săn đã tới mũi nam hồ Gia Đình, rằng bọn chúng đã vượt qua sông Đông và tiến dần về động Người Pháp. Tình thế tuy chưa nguy cấp nhưng đã nghiêm trọng hơn. Vì phần đảo phía nam là một đồng bằng rộng có nhiều suối chia cắt, nhiều ao hồ và những đụn cát lô nhô, không đủ thú săn cho nhu cầu hằng ngày của chúng, rất có thể Walston không mạo hiểm vào sâu trong miền Đất Gò. Hơn nữa chưa thấy có tiếng súng khả nghi nào, vì nếu có thì đang xuôi gió, thế nào ở Bãi Tập cũng nghe được. Vì thế có thể hi vọng là cho đến lúc này động Người Pháp vẫn chưa bị phát hiện.
Dù sao cũng phải áp dụng những biện pháp đề phòng mới nghiêm ngặt hơn. Cơ may để các trại viên đẩy lùi được một cuộc tấn công là đừng để quân địch bắt gặp bất ngờ bên ngoài động.
Ba ngày sau, một sự kiện có ý nghĩa hơn khiến họ càng thêm lo lắng và buộc phải nhận định an ninh bị đe dọa hơn bao giờ hết.
9 giờ sáng ngày 24, Briant và Gordon sang bờ trái lạch Zealand nghiên cứu xem có nên đắp một ụ súng chặn ngang rẻo đất giữa hồ và đầm lầy hay không. Có ụ này che đỡ, Doniphan và mấy tay súng giỏi có thể dễ dàng và nhanh chóng bố trí phục kích trong trường hợp kịp thời phát hiện bọn Walston. Cả hai đang ở cách bờ lạch không quá ba trăm bước thì Briant giẫm vỡ một vật gì. Cậu không để ý, cho rằng chỉ là vỏ sò, vỏ ốc gì đó, vì mỗi lần triều cường có đến hàng ngàn con bị cuốn vào truông phía Nam. Nhưng Gordon đi sau, dừng lại nói:
- Chờ một chút, Briant!
- Gì thế?
Gordon cúi xuống nhặt vật bị vỡ lên nói:
- Cái gì đây?
- Không phải sò, ốc rồi - Briant trả lời - mà là…
- Là cái tẩu thuốc!
Đúng thế, trong tay Gordon là một cái tẩu thuốc đen đen, cán bị Briant giẫm vỡ sát với nõ tẩu.
- Bọn mình không ai hút thuốc - Gordon nói - nên cái tẩu này…
- Là của một tên trong bọn kia đánh rơi, - Briant đáp - nếu không phải là của nạn nhân người Pháp đã đến đảo trước chúng ta.
- Không, cái nõ tẩu còn mới này không thể là của François Baudoin đã mất trên hai mươi năm nay được. Nó mới bị rơi chỗ này thôi, và mấy sợi thuốc còn dính trong nõ là chứng cứ không thể chối cãi được. Vậy là trước đây vài ngày, có khi là vài giờ, một đồng bọn của Walston, thậm chí chính hắn cũng nên, đã tới phía này hồ Gia Đình.
Hai cậu trở về động Người Pháp ngay. Tại đây, khi xem chiếc nõ tẩu thuốc Briant đưa ra, bà Kate khẳng định đã thấy nó trong tay Walston. Không còn nghi ngờ gì nữa, bọn gian đã vòng qua mũi cực nam hồ, rất có thể đêm qua đã tới bờ lạch Zealand. Nếu Walston phát hiện ra động Người Pháp, biết được thành viên của cái trại nhỏ này toàn trẻ con thì thế nào hắn cũng nghĩ rằng nơi đây có đủ hoặc hầu hết những thứ hắn đang thiếu như đồ nghề, dụng cụ, đạn dược, lương thực và bảy người đàn ông lực lưỡng muốn bắt mười lăm đứa trẻ phải quy phục thì có khó gì, nhất là lại tấn công bất ngờ. Dù sao việc bọn chúng sắp áp sát là quá rõ ràng rồi.
Trước những bất trắc chừng ấy đang đe dọa, việc phòng ngự được tích cực tiến hành hơn nữa. Trạm quan sát thường trực ban ngày được đặt trên đỉnh đồi Auckland nhằm phát hiện ngay mọi cuộc tiếp cận khả nghi, dù từ đầm lầy, từ rừng Hố Bẫy, hay từ phía hồ. Ban đêm, hai cậu được phân công canh gác cửa ra vào sảnh và kho để nghe ngóng các tiếng động bên ngoài. Hai cánh cửa ra vào được chống bằng những thanh gỗ và những viên đá lớn được trữ sẵn ở bên trong có thể chèn được trong chốc lát. Còn các cửa sổ nhỏ đục ở vách động thì dùng làm hai lỗ châu mai cho hai khẩu đại bác nhỏ của tàu Sloughi, một khẩu bảo vệ mặt đông, phía hồ Gia Đình, khẩu kia kiểm soát mặt tây, phía lạch Zealand. Thêm nữa các khẩu súng dài, súng ngắn đều nạp đạn, sẵn sàng khai hỏa khi có động.
Chẳng phải nói là bà Kate tán thành mọi biện pháp đó. Người đàn bà quả cảm cố không để lộ mối lo lắng của mình, tiếc thay bà không khỏi nghĩ đến những rủi ro khi các cậu bé phải chiến đấu chống lại bọn thủy thủ tàu Severn mà bà biết rõ từng tên một, kể cả tên đầu sỏ. Dù chúng ít vũ khí, dù bọn trẻ canh phòng cẩn mật, chúng vẫn có thể tấn công bất ngờ. Chống chọi với chúng chỉ có mấy đứa trẻ, đứa lớn nhất còn chưa tròn mười sáu tuổi. Lực lượng chênh lệch quá rõ! Ôi, giá mà Evans dũng cảm ở đây! Sao anh ta không trốn đi như bà? Có anh ta, việc phòng ngự hẳn chắc chắn hơn, động Người Pháp sẽ đủ sức đánh bại mọi cuộc tấn công của Walston! Khốn nỗi, Evans lại bị chúng canh chừng riết róng. Là một nhân chứng nguy hiểm với bọn sát nhân, sở dĩ anh ta chưa bị chúng thủ tiêu là vì chúng còn cần anh để lái xuồng đến những vùng đất lân cận đó thôi.
Suy nghĩ như thế, bà Kate không lo cho bản thân mà lo cho những cậu bé được bà hết lòng chăm sóc với sự giúp đỡ đắc lực và với sự tận tâm không kém của Moko.
Hai hôm sau, ngày 27 tháng 11, thời tiết chuyển thành oi bức. Những đám mây lớn nặng nề trôi qua đảo. Những tiếng ầm ì xa xa báo sắp có dông. Khí áp kế báo sắp xảy ra một cuộc xung đột giữa các yếu tố thời tiết.
Chiều hôm ấy, Briant và các bạn trở về sảnh sớm hơn thường lệ và không quên kéo chiếc xuồng vào kho như đã thực hiện ít lâu nay. Sau khi đóng chặt các cửa ra vào, đọc kinh chung và tưởng nhớ gia đình ở nơi xa, ai nấy chỉ còn đợi đến giờ đi ngủ, thì vào khoảng 9 giờ 30 phút cơn dông nổ ra hết sức dữ dội. Những ánh chớp xuyên qua khe cửa làm cả sảnh bừng sáng. Những tiếng sấm liên hồi không dứt, tưởng như cả dãy đồi Auckland rung chuyển khi dội lại những tràng nổ chói tai ấy. Đó là một hiện tượng khí tượng đặc biệt: không mưa không gió mà khủng khiếp hơn vì nhiều khi những đám mây bất động phóng điện năng tích tụ suốt cả đêm chưa cạn.
Costar, Dole, Iverson và Jenkins trùm kín chăn trên giường vẫn giật mình vì những tiếng nổ như xé vải chứng tỏ sét đánh rất gần. Tuy nhiên trong căn động vững chãi này chẳng có gì đáng ngại. Sét có đánh vài mươi lần, hàng trăm lần trên đỉnh vách đá cũng không thể xuyên được vào động. Bề dày của vách động cách điện tốt đồng thời ngăn gió bão lọt qua. Chốc chốc, Briant, Doniphan hay Baxter lại ra mở cửa quan sát bên ngoài rồi vào ngay, mắt gần như bị lòa đi vì ánh chớp. Cả không gian như bùng cháy và mặt hồ trong phản chiếu ánh chớp trông như một thảm lửa mênh mông. Suốt từ 10 giờ đến 11 giờ, sấm chớp không ngớt lúc nào. Mãi gần nửa đêm cơn dông mới dịu đi. Tiếng sấm thưa dần, nhỏ đi và xa thêm. Gió nổi lên xua những đám mây ở gần mặt đất và rồi ngay lập tức mưa xuống như trút. Các chú bé đã dần dần an tâm. Vài ba cái đầu vùi trong chăn đã đánh bạo ló ra, mặc dầu lúc này đã là giờ ngủ. Vì thế, sau khi bố trí việc canh phòng cẩn mật đã thành nếp, Briant và mấy cậu lớn chuẩn bị đi nằm. Bỗng con Phann tỏ ra bị kích động khó hiểu, lao đến cửa sảnh gầm gừ không thôi.
- Phann cảm thấy có chuyện gì chăng? - Doniphan nói và cố xoa dịu con chó.
- Nó khôn lắm, - Baxter nhận xét, - đã nhiều lần nó như vậy, mà có lần nào nhầm đâu!
- Phải xem có chuyện gì đã rồi hãy ngủ! - Gordon nói.
- Đúng đấy, - Briant đáp - nhưng đừng ai ra ngoài cả và phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu!
Ai cũng nắm lấy súng trường và súng ngắn. Rồi Doniphan tới cửa sảnh, Moko tới cửa kho, cả hai áp tai vào cánh cửa mà vẫn không nghe thấy gì bên ngoài, trong khi con Phann vẫn chưa thôi bồn chồn, thậm chí còn sủa rất to và Gordon không sao dỗ nó im tiếng được. Hoàn cảnh thật bất lợi. Đang yên tĩnh thế này, nếu trong động nghe được tiếng bước chân trên cát thì bên ngoài làm gì chẳng nghe thấy tiếng chó sủa.
Bỗng có tiếng nổ, không thể lẫn với tiếng sét được. Đúng là tiếng súng bắn cách động Người Pháp ít nhất hai trăm bước. Mọi người sẵn sàng phòng thủ. Doniphan, Baxter, Wilcox và Cross giữ súng trường bố trí ở hai cửa ra vào và sẵn sàng bắn bất cứ kẻ nào muốn phá cửa. Những người khác bắt đầu khuân đá chuẩn bị sẵn để chèn cửa thì có tiếng kêu vang bên ngoài:
- Cứu tôi với!… Cứu tôi với!…
Hẳn là một người nào đó có nguy cơ tử nạn đang cầu cứu.
- Cứu tôi với!…
Tiếng kêu lặp lại và chỉ cách vài bước.
Bà Kate đang nghe ngóng gần cánh cửa đột nhiên kêu to:
- Anh ta đấy!
- Anh ta là ai? - Briant hỏi.
- Mở cửa ra!… Mở cửa ra!… - Bà Kate giục.
Cửa mở… Một người đàn ông ướt lướt thướt chạy bổ vào sảnh.
Đó là Evans, thủy thủ trưởng tàu Severn.