To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Xem Kìa, Đức Chúa Ngự Trên Đám Mây Bay
hi tôi bước vào, bên trong đã đông kín tín đồ. Tất cả đều đang quỳ trên những dãy ghế dài đơn sơ không có lưng tựa và tay vịn, thân hình bất động, quay lưng lại chính điện. Họ cúi đầu và nhắm mắt. Im lặng tuyệt đối bao trùm.
- Họ thầm xưng tội và ăn năn trước Chúa, để xoa dịu cơn giận của Người - anh chàng đã xin cho tôi vào đây và bây giờ đang đi cùng tôi thì thầm.
Chúng tôi đang ở thành phố Port Harcourt nằm trên châu thổ nóng ẩm của sông Niger. Thánh đường tôi vào thuộc giáo đoàn mang tên Giáo hội Tín ngưỡng các Tông đồ. Đây là một trong số vài trăm giáo phái Cơ Đốc đang hoạt động tại Nam Nigeria. Buổi lễ mixa ngày Chủ nhật sắp bắt đầu.
Người ngoài không dễ gì được vào tham dự nghi lễ này. Tôi đã thử vận may ở các thành phố và giáo đoàn khác nhưng vô vọng (ở đây tôi dùng các từ “giáo phái”, giáo đoàn”, “giáo hội” thay thế cho nhau, vì ở châu Phi chúng được dùng như thế). Các giáo phái có đường lối với tính chất tương đối mâu thuẫn: một mặt, mỗi giáo phái đều cố gắng có càng nhiều tín đồ càng tốt, nhưng mặt khác, việc gia nhập cần qua các thủ tục kéo dài và thận trọng, qua lựa chọn và sàng lọc kỹ lưỡng. Điều này là hệ quả không chỉ của các đòi hỏi mang tính học thuyết. Các lý do về kinh tế cũng rất quan trọng. Phần lớn các giáo phái này có trụ sở ở Mỹ, ở quần đảo Antilles và vùng biển Caribe hay ở Vương quốc Anh. Chính từ đó, trợ cấp tài chính, cứu trợ y tế và giáo dục chảy về các chi nhánh của chúng ở châu Phi. Bởi thế, ở châu Phi nghèo khổ, những người muốn gia nhập giáo phái nhiều vô hạn. Tuy vậy, các giáo phái chú trọng đến việc các tín đồ của mình có địa vị kinh tế và xã hội thích đáng. Vì thế, những người nghèo, thất cơ lỡ vận sẽ không được nhận. Trở thành thành viên giáo phái là điều cao quý. Ở châu Phi có hàng nghìn giáo đoàn như vậy với hàng triệu thành viên.
Tôi nhìn vào trong thánh đường. Đó là một gian phòng cao rộng trông giống như nhà chứa máy bay khổng lồ. Tường có những tấm lưới rộng để không khí trong lành ùa vào, gió làm người ta dễ chịu, nhất là khi mái tôn sóng bị mặt trời nung đang tỏa hơi nóng hừng hực. Tôi không nhìn thấy ban thờ ở đâu hết. Cũng không có tượng hay tranh. Bên trong chính điện, trên bục cao, một dàn nhạc vài chục người chia làm hai phần kèn và trống đang đứng. Sau dàn nhạc, trên bậc cao nhất là dàn đồng ca nam nữ mặc đồ đen. Ở giữa sân khấu là bục giảng kinh bằng gỗ gụ đồ sộ.
Vị thầy tu giờ đây đang bước lên bục là một người Nigeria to béo tóc hoa râm, chừng ngoài năm mươi. Ông chống tay vào thành bục và nhìn xuống các tín đồ. Những người này đã thôi quỳ, đang ngồi nhìn ông chăm chú.
Nghi lễ bắt đầu bằng việc dàn đồng ca hát một đoạn trong sách tiên tri của Isaiah, nơi Chúa phán sẽ trừng phạt người Ai Cập bằng một trận hạn hán lớn:
Xem kìa, Đức Chúa ngự trên đám mây bay, Ngài đến Ai Cập; các tà thần của Ai Cập đều run rẩy trước mặt Ngài…
Nước biển sẽ biến mất, sông cạn và khô.
Các sông sẽ trở nên hôi thối; ngòi rạch cạn xuống và khan đi; sậy lau đều chết héo.
Các đồng cỏ ở bờ sông Ni-lơ cùng hết thảy đồng ruộng đã gieo của nó, đều héo khô, bị thối đi, không còn nữa.
Những người đánh cá sẽ than vãn, mọi kẻ buông câu nơi sông Ni-lơ đều rên xiết, và kẻ thả lưới trên các dòng nước đều âu sầu.
Lời kinh được chọn rất khéo nhằm đưa các tín đồ vào tâm trạng sợ hãi, lo lắng, vào không khí Khải huyền. Bởi họ là người bản xứ, những con người của mảnh đất có dòng Niger hùng vĩ tỏa thành hàng chục dòng sông nhỏ, thành hàng kênh nhánh ngoằn ngoèo, tạo nên miền châu thổ lớn nhất châu Phi. Mạng lưới nước này nuôi sống họ từ bao đời nay, và cảnh tượng các dòng sông khô đi, biến mất trong Kinh Thánh có thể gây ra cho họ những linh cảm và âu lo vô cùng thảm khốc.
Lúc này, vị thầy tu mở quyển Kinh Thánh lớn bìa bọc da màu đỏ ra, dừng lại hồi lâu rồi bắt đầu đọc:
Lại có lời Đức Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi Giê-rê-mi, ngươi thấy gì?
Tôi thưa rằng: Tôi thấy một gậy bằng cây hạnh.
Ông nhìn xuống những người đang tụ họp và đọc tiếp:
Lại có lời Đức Chúa phán cùng tôi lần thứ hai mà rằng: Ngươi thấy gì?
Tôi thưa: Tôi thấy một nồi nước sôi…
Vậy, ngươi hãy thắt lưng, chờ dậy, bảo cho chúng nó mọi sự mà ta truyền cho ngươi: Đừng sợ sệt chúng nó…
Ông để Kinh Thánh sang bên, trỏ vào đám đông rồi hét lên: “Và ta không sợ các người! Ta đến đây không phải để sợ các người, mà là để nói sự thật cho các người và thanh tẩy các người!”
Thực ra, ngay từ những phút đầu tiên của bài giảng đạo, từ những lời và câu đầu tiên, vị thầy tu này đã ở trong tâm trạng kích động, đầy những lời kết tội, giận dữ, mỉa mai và thịnh nộ. Ông tiếp tục: “Người Cơ Đốc giáo trước hết phải thanh sạch. Thanh sạch từ bên trong. Vậy các người có thanh sạch không? Ngươi có thanh sạch không? (ông chỉ tay vào đâu đó phía cuối phòng, nhưng vì ông không chỉ ai cụ thể, cả nhóm người đứng đó khúm núm một cách tội lỗi như thể bị bắt quả tang).
- Hay là ngươi nghĩ rằng mình thanh sạch? (ông đưa ngón trỏ sang phía khác trong phòng và đến lượt những người đứng ở đó rúm người lại, ngượng ngùng che mặt). Không, ngươi không thanh sạch! Còn lâu ngươi mới thanh sạch! Không ai trong số các người thanh sạch cả - ông nói điều đó một cách khẳng định và gần như đắc thắng. Đúng lúc đó, dàn nhạc rống lên, kèn trumpet, kèn trombone, kèn coóc-nê cùng tù và cất tiếng. Đệm cùng chúng là tiếng trống thình thịch hòa lẫn với giọng rên rỉ hỗn loạn của dàn đồng ca.
- Chắc hẳn các người thậm chí còn tự coi mình là người Cơ Đốc? - ông nói sau giây lát, giọng chế giễu. Ta có thể thề rằng các người đang nghĩ thế. Rằng các người cầm chắc như vậy. Mỗi kẻ trong các người tự hào ưỡn ngực bước đi và tuyên bố: “Tôi là người Cơ Đốc! Hãy nhìn tôi, hãy nhìn và ngưỡng mộ: một người Cơ Đốc đang đi! Cơ Đốc đích thực, đích thực đến mức không còn ai đích thực hơn trên đời!” Các người nghĩ thế đấy. Ta đi guốc trong bụng các người. Một người Cơ Đốc! Ha ha ha ha! - ông bật ra tràng cười ha hả, kích động, cay nghiệt, đầy dẫn khởi, đến mức không khí trong phòng cũng bắt đầu lan sang tôi và tôi thấy mình lạnh cả sống lưng.
Mọi người đứng đó, bị chụp mũ, hoang mang, chán nản. Họ là ai nếu không được công nhận là người Cơ Đốc giáo? Họ phải làm gì với chính mình, phải đi đâu? Từng câu từng chữ càng lúc càng dìm họ xuống bùn, biến họ thành tro bụi. Đứng trong đám đông chăm chú, xúc động và khiếp sợ này, tôi không thể nhìn quanh phòng một cách quá lộ liễu và thường xuyên. Tôi là người da trắng, điều đó đã là quá đủ để bị chú ý. Nhưng tôi liếc mắt thấy những người phụ nữ đứng cạnh trán toát mồ hôi và tay đặt trên ngực run lên. Có thể nỗi sợ hãi lớn nhất của họ lúc này là mối lo vị thầy tu sẽ trỏ vào từng người, phán xét phẩm hạnh và đức tin của họ, phủ nhận quyền được gọi là người Cơ Đốc của họ. Tôi cảm thấy, đối với họ, vị thầy tu đang đứng trên bục giảng đạo kia có uy lực thôi miên lớn lao và thẩm quyền phân phát những bản án hà khắc nhất, độc ác nhất.
- Các người có biết là một người Cơ Đốc có nghĩa là gì không? - ông hỏi. Những người nãy giờ vẫn đứng im khúm núm, hối lỗi, bây giờ cựa quậy, chờ nghe câu trả lời, đón nghe một lời khuyên, một toa thuốc hay một định nghĩa. Các người có biết điều đó nghĩa là gì không? - ông nhắc lại, và người ta có thể cảm thấy sự căng thẳng tăng cao trong các tín đồ. Nhưng trước khi họ nghe được lời giải đáp, dàn nhạc lại cất tiếng. Những chiếc kèn tu-ba, pha-got và saxophone rống lên ầm ầm. Trống nện thình thịch, ùm ùm. Vị thầy tu ngồi xuống cái ghế bành bên cạnh, tựa đầu lên tay, nghỉ ngơi. Dàn nhạc im tiếng và vị thầy tu lại đứng lên bục giảng kinh bằng gỗ gụ.
- Là một người Cơ Đốc - ông nói - có nghĩa là nghe thấy tiếng nói của Đức Chúa trong lòng mình. Nghe Ngài hỏi: “Hỡi Giê-rê-mi, ngươi thấy gì?”
Sau chữ “Đức Chúa”, các tín đồ cất tiếng hát:
Ôi, Đức Chúa,
Ngài là Đức Chúa của tôi,
Ôi, vâng,
Ôi, vâng, vâng, vâng,
Ôi, vâng,
Ngài là Đức Chúa của tôi.
Đám đông bắt đầu đung đưa nhịp nhàng và lượn sóng, những đám bụi gạch bốc lên từ nền nhà. Sau đó tất cả mọi người hát bài thánh thi “Hãy ngợi ca Chúa bằng tiếng chũm chọe vang lừng…”
Căng thẳng giảm bớt, không khí dịu lại và mọi người thoải mái hơn, họ thở phào, song chẳng được bao lâu, vì vị thầy tu lại lên tiếng:
- Nhưng các người không thể nghe thấy tiếng nói của Đức Chúa. Tai các người điếc đặc. Mắt các người không trông thấy gì. Vì các người đầy tội lỗi. Tội lỗi khiến cho các người mù và điếc.
Im lặng tuyệt đối bao trùm. Trong phòng đầy những người ngồi bất động. Giờ đây chỉ có các chàng trai trẻ, cường tráng, vạm vỡ là còn đi lại, nhưng rất rón rén, gần như chỉ nhón chân. Họ mặc com lê sẫm màu giống nhau, áo sơ mi trắng, thắt nơ đen. Trước đó tôi đã đếm, họ có khoảng hai mươi người. Tôi thấy họ lần đầu khi còn ở ngoài cánh cổng chính mở vào sân: họ kiểm tra người đến nhà thờ. Rồi sau đó, ngay trước buổi lễ, họ tản ra khắp phòng và đứng cạnh các hàng ghế sao cho mỗi người có thể quan sát một phần thánh đường. Quan sát, can thiệp, chỉ dẫn. Cử chỉ và hành xử của họ sở hữu đặc tính tuyệt đối kín đáo và dứt khoát. Ở đây, không có chút gì của sự lộn xộn và uể oải kiểu châu Phi, ngược lại - đó là sự hiệu quả, chú tâm, chuẩn xác. Họ kiểm soát được tình hình và có thể cảm thấy rằng, đó chính là sứ mệnh của họ.
Cái im lặng bao trùm sau những lời vị thầy tu nói - rằng con đường đến lý tưởng Cơ Đốc bị tội lỗi cản trở, tội lỗi mà họ mang trong mình và dường như họ luôn luôn gây ra bằng chính sự tồn tại của mình - có nguyên nhân sâu xa. Nhưng người trong phòng thuộc bộ lạc Ibo, mà trong tôn giáo truyền thống của người Ibo, cũng như của phần lớn các cộng đồng châu Phi, không hề có khái niệm tội lỗi. Điều này liên quan đến cách hiểu khác nhau về tội lỗi trong thần học Cơ Đốc và trong truyền thống Phi châu. Ở châu Phi, không tồn tại khái niệm cái xấu siêu hình, trừu tượng, cái xấu tự thân. Một hành vi trở thành xấu khi: thứ nhất, nó bị phát hiện; thứ hai, khi cộng đồng hay người khác coi nó là xấu. Hơn nữa, tiêu chí ở đây, tuy không phải là hiển nhiên, nhưng thực tế và cụ thể: cái xấu là cái làm hại người khác. Các ý định xấu (suy nghĩ, khao khát) không tồn tại, bởi vì cái xấu không phải là cái xấu chừng nào nó chưa vật chất hóa, chưa mang hình thức chủ động. Chỉ tồn tại những hành động xấu.
Nếu tôi cầu cho kẻ thù đổ bệnh, nghĩa là tôi không làm điều gì xấu, không có tội lỗi gì. Chỉ đến khi kẻ thù thực sự ngã bệnh, tôi mới có thể bị kết tội là có hành động xấu - rằng tôi đã gieo rắc bệnh tật cho hắn (ở đây người ta tin rằng bệnh tật không có nguyên nhân sinh học, mà do bị kẻ thù yểm bùa).
Nhưng quan trọng nhất có lẽ là cái xấu chưa bị phát hiện không phải là cái xấu, thế nó cũng không đánh thức mặc cảm tội lỗi. Tôi có thể lường gạt mà vẫn thấy lương tâm mình trong sạch cho đến khi ai đó nhận ra là đang bị tôi lừa dối và chỉ tận tay day tận trán tôi. Truyền thống Cơ Đốc nội tâm hóa tội lỗi: tâm hồn ta nhức nhối, lương tâm ta dằn vặt, những âu lo hành hạ ta. Đó là tình trạng khi ta cảm thấy gánh nặng của tội lỗi, cảm thấy sự có mặt nhức nhối của nó, tính hiếu sự gây đau đớn của nó. Nhưng ở các xã hội nơi cá nhân tồn tại không cho chính mình mà chỉ là một bộ phận của tập thể thì khác. Tập thể tháo bỏ cho anh trách nhiệm cá nhân, vì vậy không có lỗi của cá nhân và do đó cũng không có mặc cảm tội lỗi. Nhận thức về tội lỗi diễn ra trong thời gian: tôi đã làm điều xấu, tôi cảm thấy mình đã phạm tội lỗi, điều đó hành hạ tôi và giờ đây tới tìm cách gột rửa nó, chuộc lỗi, xóa bỏ, xưng tội, v.v… Tất cả là một quá trình, cần có thời gian. Trong cách hiểu của người châu Phi về vấn đề này, thời gian không tồn tại. Thời gian châu Phi không có chỗ cho tội lỗi. Bởi vì, hoặc tôi không làm gì xấu cả cho đến khi bị phát hiện, hoặc là cái xấu bị phanh phui, thì vào chính thời điểm đó, ngay lập tức, nó bị trừng phạt và do đó - được tẩy rửa. Tội lỗi và trừng phạt ở đây luôn luôn đi đôi với nhau, tạo thành một nhất thể không tách rời. Trong truyền thống châu Phi không có chỗ cho các xung đột và bi kịch của Raskolnikov[71].
- Tội lỗi khiến chúng ta mù và điếc - vị thầy tu nhắc lại, nhấn mạnh. Giọng ông bắt đầu hơi run lên. Nhưng các người có biết điều gì chờ đợi những kẻ không-nghe và không-thấy không? Những kẻ nghĩ rằng họ có thể sống xa cách với Chúa?
Ông lại mở Kinh Thánh, một tay giơ cao như thể đó là cái ăng ten thu lời Chúa từ trên trời, ông đọc lớn:
Đức Chúa bèn phán cùng tôi rằng: Dầu Môi-se và Sa-mu-ên đứng trước mặt ta, nhưng lòng ta cũng chẳng hướng về dân này. Hãy đuổi chúng nó khỏi trước mặt ta, cho chúng nó đi ra. Sẽ xảy ra khi chúng nó hỏi ngươi rằng: Chúng tôi sẽ đi đâu? thì hãy bảo chúng nó rằng: Đức Chúa phán như vầy: Ai đã được định cho chết, hãy chịu chết; ai đã được định cho phải gươm dao, hãy chịu gươm dao; ai đã được định cho phải đói kém, hãy chịu đói kém; ai đã được định cho sự phu tù, hãy chịu phu tù. Đức Chúa phán: Ta sẽ giáng cho chúng nó bốn thứ tai vạ; gươm để giết, chó để xê, chim trời và loài thú trên đất để nuốt và diệt đi.
Tiếng trống lại thình thịch vang lên. Nhưng dàn nhạc và dàn đồng ca im tiếng. Rồi sau đó im lặng bao trùm. Mọi người đứng ngửa mặt lên cao. Tôi liếc thấy mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt họ. Tôi thấy những nét mặt căng thẳng, những cái cổ đầy gân, những cánh tay giơ lên cao trong một cử chỉ bi thảm nửa như cầu cứu, nửa như phản ứng tự vệ, như thể họ đang chờ đợi một tảng đá lớn sắp rơi xuống.
Tôi nghĩ những người có mặt trong buổi lễ mixa này đang trải qua một cuộc xung đột nội tâm, thậm chí có thể là bi kịch, mặc dù tôi không biết liệu họ hiểu được bao nhiêu. Đa phần họ là những thanh niên của một thành phố công nghiệp châu Phi, giới trung lưu mới của Nigeria. Họ thuộc nhóm xã hội đang rập khuôn theo giới tinh hoa u Mỹ mà nền văn hóa chính yếu là văn hóa Cơ Đốc. Chấp nhận điều đó, họ muốn làm quen với nền văn hóa và tín ngưỡng ấy, muốn cảm nhận được bản chất của nó và đồng nhất với nó. Bởi vậy, họ gia nhập một trong số các giáo đoàn Cơ Đốc, mà khi tiếp nhận họ, nó đồng thời đặt ra các đòi hỏi về học thuyết và đạo đức xa lạ với văn hóa bản địa của họ. Một trong số đó là bài giảng về tội lỗi, nghĩa là về thứ vi phạm và gánh nặng mà họ chưa từng biết. Và giờ đây, là những người theo tín ngưỡng mới, họ phải công nhận sự tồn tại của tội lỗi, phải nuốt trôi trái đắng đáng ghét này. Song họ cũng phải tìm cách thoát ngay khỏi nó, để trở thành một người Cơ Đốc thanh sạch, thực thụ. Vị thầy tu không ngừng nhắc họ nhớ về cái giá đắt và đau đớn mà họ phải trả. Bài giảng đạo của ông dựa vào điều đó: hăm dọa, làm nhục. Còn họ thì cay đắng chấp nhận thân phận của kẻ phạm tội bị những lỗi lầm lớn nhất đè nặng, khiếp sợ trước bóng ma của sự trừng phạt ghê gớm sẽ đến, sẵn sàng sám hối ăn năn bất cứ lúc nào.
Họ cay đắng chấp nhận mọi lời huấn thị, quở trách và buộc tội ấy bởi họ thấy đó là cái giá đáng phải trả cho quyền được vào nhà thờ, được tham gia vào các hoạt động mang lại cho các tín đồ cảm giác cộng đồng, cảm giác được thuộc về cái gì đó. Người Ibo không muốn cô độc, họ sợ sự cô độc, coi nó như lời nguyền rủa và hình phạt. Việc là thành viên của một giáo phái thậm chí còn mang đến cho họ điều gì đó lớn lao hơn. Nhiều cộng đồng châu Phi có các hội kín, một kiểu hội Tam Điểm sắc tộc, bí mật, khép kín, song quan trọng và có ảnh hưởng. Các giáo phái ở châu Phi thường cố gắng mô phỏng theo những tổ chức truyền thống này, tạo ra không khí bí nhiệm và độc nhất, đưa ra hệ thống ước hiệu và khẩu hiệu riêng, nghi thức tế lễ riêng.
Vì không tiện nhìn quanh phòng trong lúc làm lễ, tôi tiếp nhận nhiều điều xảy ra không bằng quan sát, mà bằng cảm nhận. Tầm mắt của tôi chỉ nhìn được những người đứng gần nhất. Tôi không trông thấy những người khác, nhưng gần như chạm được vào sự hiện hữu của họ. Giáo đoàn này đã gây ra một không khí căng thẳng, tràn đầy những cảm xúc mạnh mẽ, mê ngất, một không khí thương tâm tỏa khắp, đến mức nó thấu vào và gây xúc động với bất kỳ ai. Biết bao ngẫu hứng, nhiệt thành và xúc động trong những con người ấy, biết bao khát khao nồng cháy, ý chí bền chặt và những cảm xúc được biểu lộ tự nhiên, đến mức anh có thể luận ra và biết hết tất cả những gì đang xảy ra sau lưng anh, ngoài xa anh.
Sau khi buổi lễ mixa kết thúc, lúc đi ra sân, tôi phải bước rất thận trọng, vì đám đông - che mặt không để cho người khác nhìn thấy - lại quỳ bất động, quay lưng về chính điện. Hoàn toàn yên tĩnh. Dàn đồng ca không hát, dàn nhạc không chơi. Vị thầy tu đứng trên bục giảng đạo, mệt mỏi và kiệt sức, mắt nhắm nghiền im lặng.
Cái hố ở Onitsha
Onitsha! Tôi luôn hằng mong được thấy Onitsha. Có những cái tên màu nhiệm luôn luôn gợi ra những liên tưởng hấp dẫn và rực rỡ sắc màu: Timbuktu, Lalibela, Casablanca. Onitsha cũng nằm trong số đó. Đó là một thị trấn nhỏ ở miền Đông Nigeria, nơi có khu chợ lớn nhất châu Phi, thậm chí có thể là lớn nhất thế giới.
Ở châu Phi, các khu chợ ngoài trời và các nơi mà chúng ta gọi là trung tâm thương mại hay gian chợ khác nhau rất rõ rệt. Trung tâm thương mại là một kết cấu cố định, có hình dạng kiến trúc, một công trình xây dựng tương đối có kế hoạch, một nhóm người bán thường xuyên và lượng khách hàng khá ổn định. Nó có các điểm quy chiếu cố định: biển hiệu của các hãng nổi tiếng, biển ghi tên các thương gia lớn, các quảng cáo màu, những quầy hàng sặc sỡ. Chợ lại là một thế giới hoàn toàn khác. Đó là sự sống động, ngẫu hứng, ứng biến. Đó là lễ hội dân gian, là buổi hòa nhạc ngoài trời. Đó trước hết là lãnh địa và vương quốc của phụ nữ, là một phần cuộc sống của họ. Họ không ngừng nghĩ về nó dù chỉ trong phút giây. Ngay từ nhà - ở làng quê hay thị trấn - họ đã luôn nghĩ đến chuyện ra chợ để mua hay bán gì đó. Hoặc là vừa mua vừa bán. Thường thì chợ xa đến mức phải đi mất cả ngày, trên đường đi đến chợ rồi trở về, người ta có thời gian để trò chuyện (vì thường đi thành nhóm), để trao đổi những câu chuyện phiếm và bình phẩm.
Còn bản thân cái chợ thì sao? Đó là nơi buôn bán, nhưng cũng là điểm gặp gỡ. Nó là cuộc chạy trốn khỏi cái đơn điệu của cuộc sống hằng ngày, là khoảnh khắc thư giãn, là sự kiện xã hội. Khi đi chợ, phụ nữ cẩn thận làm tóc cho nhau rồi mặc những trang phục đẹp đẽ nhất. Bởi cùng với việc mua hàng là màn trình diễn thời trang - kín đáo, không chủ tâm, ngẫu hứng. Nếu xem những gì họ mua bán, khó lòng tránh khỏi cảm giác rằng hàng hóa chỉ là cái cớ để người ta tạo dựng và duy trì giao tiếp với mọi người. Một phụ nữ bán ba quả cà chua. Hay vài bắp ngô. Hoặc một đấu gạo. Cô lời lãi gì từ đó? Vậy mà cô vẫn ngồi cả ngày. Ta hãy ngắm cô kỹ hơn. Cô ngồi và không ngừng trò chuyện với những người bên cạnh, tranh luận gì đó, nhìn đám đông qua lại, phát biểu ý kiến, bình luận. Sau đó, ngót dạ, phụ nữ chia nhau những sản vật và món ăn họ đem bán rồi ăn chúng ngay tại chỗ. Có lần, tôi quan sát một phiên chợ cá ở Mopti, Mali. Trên bãi cát nhỏ, trong cái nắng chết người, chừng hai trăm phụ nữ đang ngồi bán. Mỗi người bán vài con cá be bé. Tôi chẳng thấy ai muốn mua, thậm chí là xem hay hỏi giá. Vậy mà những phụ nữ ấy vẫn ngồi mãn nguyện, họ tán gẫu, bàn cãi ồn ào chuyện gì đó, bận bịu với nhau, không cần biết đến xung quanh. Tôi nghĩ nếu có người khách nào xuất hiện, anh ta cũng sẽ bị đón tiếp một cách bực bội vì đã phá hỏng cuộc vui.
Cái chợ lớn là một đám đông chen chúc lớn. Người ta lèn vào nhau, xô đẩy nhau, len lỏi, ngạt thở. Xa ngút tầm mắt như biển - một đại dương của những cái đầu đen như được tạc y hệt nhau trên nền đất bazan và của trang phục rực rỡ đầy màu sắc.
Rồi có thêm những chiếc xe tải đi vào giữa đám đông ấy. Đúng vậy, bởi xe tải phải chở hàng đến. Để những chiếc xe này không đâm hay cán chết ai, đã có luật quy định nguyên tắc di chuyển của xe tải. Đầu tiên, chiếc xe tải đi sâu vào đám đông chừng một mét. Xe đi từ từ, từng xăng ti mét, từng bước một. Những người phụ nữ đang đứng ngồi trên đường xe đi liền thu hàng vào giỏ, chậu hay tạp dề, xê những người ngồi hay đứng phía sau họ, ngoan ngoãn lùi ra trước mũi xe không nói một lời, để rồi một giây sau, như làn nước bị mũi tàu rẽ sóng, lại trở về chỗ cũ của mình.
Chợ châu Phi là một khu chứa khổng lồ đủ mọi thứ không đâu vào đâu. Một cái mồ của những đồ rẻ tiền và rác rưởi. Những núi đồ bỏ, đồ linh tinh, hàng rởm. Không gì ở đây có chút giá trị, không gì gây chú ý và làm người ta ngạc nhiên, không gì khiến người ta thèm khát được sở hữu. Ở một góc, những đống xô chậu bằng nhựa màu vàng màu đỏ giống nhau chất cao, góc kia là hàng nghìn chiếc áo may ô và giày mềm y hệt nhau ngồn ngộn từng chồng, ở một chỗ khác là những núi vải nhiều màu, những dãy váy và áo vest vải ni lông óng ánh. Chỉ ở những nơi như thế này người ta mới có thể thấy rõ thế giới đang ngập tràn vật chất hạng bét đến thế nào, thấy nó chìm trong biển đồ rỏm, mô-ve gu và vô giá trị ra sao.
Rốt cuộc, một cơ hội để đến Onitsha đã xuất hiện. Giờ đây, khi đã ngồi trong xe ô tô, tôi cố tưởng tượng xem mọi thứ ở đó sẽ như thế nào, trong đầu tôi những hình ảnh kia nhân lên nhiều lần một cách dị thường, tôi phóng đại chúng đến tầm cỡ của cái chợ lớn nhất thế giới. Lái xe của tôi tên là Omenka, anh thuộc loại người thông minh và láu cá, được nuôi dưỡng trong sự giàu có của các mỏ dầu lửa ở đây, loại người biết tiền là gì và làm thế nào khiến các hành khách của mình móc ví. Ngày đầu chúng tôi quen nhau, khi chia tay, tôi không cho anh gì hết. Anh bỏ đi thậm chí không thèm chào tạm biệt. Tôi thấy áy náy, bởi tôi không thích mối quan hệ lạnh lùng, hình thức giữa người với người. Vậy là lần sau, tôi cho anh 50 naira (tiền địa phương). Anh chào tạm biệt, thậm chí còn mỉm cười. Mạnh dạn, lần tiếp theo tôi đưa anh 100 naira. Anh chào tạm biệt, mỉm cười và bắt tay tôi. Lần từ biệt sau đó, tôi cho anh những 150 naira. Anh chào tạm biệt, mỉm cười, chúc sức khỏe và thân mật siết chặt tay tôi. Lần tiếp theo tôi lại tăng mức tiền lên và trả anh 200 naira. Anh chào tạm biệt, mỉm cười, siết chặt tay tôi, gửi lời thăm gia đình tôi, hỏi han về sức khỏe của tôi bằng giọng ân cần. Tôi không muốn kéo dài thêm câu chuyện về anh, nhưng mọi chuyện đã đi đến chỗ tôi trút naira lên anh như mưa, tới mức rốt cuộc không gì có thể chia cách chúng tôi được nữa. Omenka luôn nói với giọng run run xúc động và mắt ngấn nước khi thề sẽ hết lòng trung thành với tôi đến trọn đời.
Tôi đã có được điều mình muốn, và còn có thừa: sự ân cần, ấm áp, lòng tốt.
Vậy là, tôi cùng Omenka giờ đây đang đi đến Onitsha, nghĩa là về phía Bắc từ Vịnh Benin, qua thị trấn Aba, rồi sau đó là Owerri và Ihiala. Vùng này đâu đâu cũng xanh tươi, ẩm ướt, đông dân và có bệnh sốt rét. Một phần cư dân làm việc trong ngành khai thác dầu mỏ, một phần trồng những nương sắn nhỏ, phần khác hái dừa bán, một phần khác nữa nấu rượu chuối và kê. Nhưng tất cả mọi người đều buôn bán. Ở châu Phi, có sự phân chia rành mạch giữa chủ trang trại và mục đồng, quân nhân và nhân viên nhà nước, thợ may và công nhân cơ khí, tuy nhiên, có một điều khác quan trọng hơn, điều họ cùng chung và gắn bó họ: đó là ai cũng buôn bán.
Một trong những khác biệt giữa xã hội châu Phi và châu u là ở châu u có phân chia lao động: sự chuyên môn hóa, lành nghề, chuyên nghiệp. Các nguyên tắc này chẳng mấy hiệu quả ở châu Phi. Nơi đây, nhất là ngày nay, một người có hàng chục công việc, làm vô số thứ, thường là không lâu và đôi khi không mấy nghiêm túc. Dù sao đi nữa, cũng khó lòng tìm thấy ai không vướng vào buôn bán - nhân tố lớn nhất và là niềm đam mê của châu Phi.
Và khu chợ ở Onitsha là điểm nơi mọi con đường buôn bán lớn nhỏ của châu Phi hội tụ.
Onitsha cuốn hút tôi còn vì đây là khu chợ duy nhất tôi từng biết đã hình thành và phát triển nền văn học của riêng mình: Onitsha Market Literature. Ở Onitsha có hàng chục nhà văn Nigeria sinh sống và sáng tạo, họ xuất bản tác phẩm ở hàng chục nhà xuất bản địa phương, có nhà in và hiệu sách riêng trong chợ. Đó là các thể loại văn học rất khác nhau: tiểu thuyết diễm tình, thơ, kịch (các vở kịch này sau đó sẽ được biểu diễn trên nhiều sân khấu nhỏ trong chợ), hài kịch dân gian, kịch vui và nhạc kịch hài. Nhiều truyện giáo dục, vô số cẩm nang địa phương kiểu Làm thế nào để yêu? hay Làm thế nào để dứt tình?, nhiều truyện vừa như Mabel, hay mật ngọt đổ đi hoặc Những trò chơi ái tình để rồi thất vọng. Tất cả là để khiến người ta xúc động, rơi lệ, cũng như hướng dẫn và khuyên bảo một cách vô tư. Các tác giả của Onitsha cho rằng văn học phải hữu ích, và họ tìm thấy ở chợ lượng độc giả đông đảo luôn khát khao hiểu biết và trải nghiệm. Ai không có tiền để xem các tuyệt tác trong sách quảng cáo (hoặc đơn giản là không biết đọc), chỉ cần một xu là có thể nghe được các thông điệp của nó - bởi đó là giá vé vào cửa cho các buổi gặp mặt tác giả diễn ra rất thường xuyên ở đây, trong bóng mát của những quầy cam, quầy khoai hay hành củ.
Khi còn cách Onitsha vài cây số, con đường lượn một vòng mềm mại rẽ sang hướng thành phố. Trên đoạn đường vòng này đã thấy xe cộ dừng lại, rõ là chúng tôi sẽ bị tắc đường và phải chờ đợi, bởi đây là con đường duy nhất vào thành phố từ hướng này. Đó là Oguta Road, con đường sẽ chấm dứt - song còn xa, rất xa - tại khu chợ nổi tiếng kia. Hiện giờ, chúng tôi đang đứng sau mấy cái xe tải trong hàng xe dài. Nửa giờ trôi qua, rồi một giờ. Các tài xế bản xứ rõ ràng là đã quen với tình hình, họ vô tư nằm dài ra cái hào ven đường. Nhưng tôi thì đang vội, tôi còn phải quay về Port Harcourt cách đó ba trăm cây số ngay trong ngày. Con đường hẹp, một lần, xe chúng tôi đứng đó, bị ép giữa các xe khác, không có cơ hội nhúc nhích. Vậy là tôi tự đi bộ lên phía trước để xem nguyên nhân kẹt xe. Trời nóng, đang là giữa trưa ở châu Phi, nên tôi lết từng bước. Cuối cùng tôi cũng đến đích. Nơi đó đã là nội thành, hai bên đường có những ngôi nhà gạch thấp, mái tôn lượn sóng han gỉ và các cửa tiệm một tầng, những người thợ may ngồi trong bóng râm của hàng hiên rộng, phụ nữ giặt và phơi đồ lót. Ở một chỗ, đường phố đông nghẹt, người ta đi lại chộn rộn, tiếng động cơ rú lên, có tiếng thét và kêu la. Chen qua đám đông, tôi nhìn thấy giữa đường có một cái hố lớn. Lớn, rộng, sâu vài mét. Bờ dốc, thẳng đứng, dưới đáy là vũng nước đục đầy bùn. Đường ở đoạn này hẹp đến mức không thể tránh nó được và ai muốn lái xe vào thành phố trước hết đều phải lao xuống hố, ngập trong thứ nước bùn kia và trông mong có người sẽ kéo mình lên bằng cách nào đó.
Và mọi chuyện đang xảy ra đúng như thế. Dưới đáy hố, một chiếc xe tải lớn chở những bao tải lạc đang nằm, nước ngập tới một nửa. Một toán trai tráng mình trần đang dỡ hàng trên xe, họ giẫm lên các bao tải để đi lên mặt đường. Một nhóm khác buộc dây vào xe tải để cố gắng kéo nó lên khỏi hố. Những người khác nữa thì lăng xăng trong nước, cố đặt ván và rầm xuống dưới bánh xe. Những người đã mệt thì đi lên trên nghỉ ngơi. Ở đó, các phụ nữ bán đồ ăn nóng đã đứng sẵn thành hàng: họ bán cơm xốt cay, bánh sắn, khoai nướng, xúp lạc. Những phụ nữ khác bán nước chanh, rượu rum và bia chuối tự chế. Mấy chú bé bán thuốc lá và kẹo cao su. Cuối cùng, khi tất cả đã xong xuôi, lạc đã được dỡ xuống hết, các nhóm chuẩn bị kéo xe tải lên. Một số trai tráng - được mọi người hò hét cổ vũ - kéo dây, những người khác dùng vai đẩy sườn xe. Cái xe tải trì ra, lùi lại, gần như giậm chân tại chỗ. Nhưng rốt cuộc, bằng nỗ lực chung, nó được kéo lên mặt đường. Người xem hoan hô, vỗ vai nhau hoan hỉ, đám trẻ xung quanh nhảy múa và vỗ tay.
Chưa được một lát, chiếc xe tiếp theo đang đợi trong hàng đã xuất hiện dưới đáy hố. Nhưng tôi nhận ra lần này, những người hoàn toàn khác đang kéo nó lên. Họ mang theo dây chão, xích, ván và xẻng riêng của mình. Những người kéo chiếc xe trước đã tản đi đâu đó. Lần này công việc vô cùng khó khăn và nặng nhọc: cái xe của họ rất nặng, một chiếc Bedford khổng lồ. Họ phải kéo nhích dần lên, từng chút một. Trong mỗi lần nghỉ lại nổ ra cuộc tranh luận dài về phương pháp kéo, xem cách nào hiệu quả nhất. Chiếc Bedford bị trượt, máy gầm lên như loạn trí, thùng xe nghiêng sang một bên đầy nguy hiểm.
Sau mỗi xe, cái hố trở nên càng lúc càng sâu hơn. Dưới đáy đã là thứ bùn nhớp lầy nhầy, nơi bánh xe xoay tròn tại chỗ, bắn và phun tung tóe từng tảng bùn và những tia sỏi lên tất cả mọi người. Xem ra phải đợi hai, ba ngày nữa mới đến lượt chúng tôi có mặt dưới đáy bùn này. Không biết những người cứu hộ sẽ đòi bao nhiêu tiền để kéo xe chúng tôi lên? Nhưng câu hỏi quan trọng hơn vào lúc này là: làm sao thoát được khỏi cái bẫy này? Tôi đã không còn nghĩ đến khu chợ ở Onitsha, đến sự huyên náo sặc sỡ của nó, đến nền văn học chợ phiên của nó. Tôi muốn thoát ra khỏi đây, tôi phải quay về. Nhưng trước tiên, tôi đi xem xét vùng xung quanh con đường Oguta Road bị kẹt xe với cái hố thảm họa này. Xem nó ra sao. Thu thập chút tin tức. Nghe xem người ta nói gì.
Điều đập ngây vào mắt tôi là vùng xung quanh hố đã trở thành trung tâm của đời sống địa phương, nó lôi cuốn mọi người, gây tò mò, kích thích họ đưa ra sáng kiến và hành động. Ở nơi bình thường chỉ là một con hẻm ngoại ô tê liệt và ngái ngủ, với những người thất nghiệp đang gà gật trên phố, với những đàn chó hoang bị sốt rét, bất ngờ, ngẫu nhiên, nhờ cái hố không may kia, hình thành một vùng nhộn nhịp, năng động và hối hả. Cái hố mang công ăn việc làm đến cho những người thất nghiệp, họ thành lập các nhóm cứu hộ và kiếm tiền khi kéo xe lên khỏi hố. Nó đem người tiêu thụ đến cho những người phụ nữ bán đồ ăn dạo. Cái hố chặn đường và kìm hãm giao thông, nhờ đó mà trong các cửa hàng vốn vắng tanh ở vùng này xuất hiện các khách hàng bất đắc dĩ: hành khách và tài xế của những chiếc xe đang chờ. Những người bán dạo thuốc lá và nước giải khát cũng tìm được người mua hàng cho mình.
Hơn thế nữa, trên các ngôi nhà trong vùng, tôi thấy những dòng chữ viết tay nguệch ngoạc còn mới: “Hotel”, dành cho những người phải qua đêm trong khi chờ tới lượt mình xuống hố. Các xưởng sửa xe trong vùng hồi sinh: các tài xế, nhân lúc dừng xe, có thời gian để sửa các hỏng hóc, bơm lốp, nạp ắc quy. Công việc của thợ may và thợ giày cũng nhiều lên, thợ cắt tóc xuất hiện, tôi thấy cả các thầy lang lượn lờ, mời chào thảo dược, da rắn, lông gà trống, sẵn sàng chữa khỏi bệnh ngay lập tức. Ở châu Phi, những người làm các nghề này luôn luôn di chuyển, họ đi lang thang, tìm khách hàng, và nếu có một cơ hội như cái hố ở Onitsha này, họ sẽ kéo đến cả đám. Đòi sống xã hội cũng khởi sắc: vùng quanh hố trở thành chốn gặp gỡ, trò chuyện, tranh luận, còn với lũ trẻ - nó trở thành nơi vui chơi.
Tai họa của những người tài xế trên đường đến Onitsha trở thành sự cứu rỗi cho cư dân ở Oguta Road, cho cả cái vùng tôi không biết tên này. Điều này chỉ khẳng định thêm rằng mọi cái xấu đều luôn tìm được những kẻ biện hộ cho nó, bởi nơi nào cũng có những người được cái xấu nuôi sống, nó là cơ hội, thậm chí là lý do tồn tại của họ.
Suốt một thời gian dài, người ta vẫn không cho sửa cái hố này. Tôi biết vậy bởi nhiều năm sau, ở Lagos, khi tôi xúc động kể lại cuộc phiêu lưu của mình đến Onitsha, người nghe trả lời tôi bằng giọng thờ ơ: “Onitsha à? Ở Onitsha thì lúc nào chẳng thế”.
Những cảnh tượng Eritrea
Asmara, năm giờ sáng. Trời tối và mát mẻ. Đột nhiên, hai âm thanh cùng lúc vút lên trên thành phố - tiếng chuông trầm hùng của nhà thờ trên quảng trường Via Independencia và tiếng gọi ngân nga du dương của vị thầy tu báo giờ từ giáo đường Hồi giáo gần đó. Hai âm thanh này tràn ngập không gian trong vài phút, quyện vào và tăng âm cho nhau, tạo thành một bản hợp ca thế giới đại đồng hài hòa và mỹ mãn, phá vỡ sự yên tĩnh của những đường phố còn đang say ngủ và đánh thức mọi người dân. Tiếng chuông lên bổng xuống trầm như tiếng nhạc đệm vang rền; những nhịp nhanh ngân cao và khỏe ngắt giữa thiên kinh Koran mà vị thầy tu ẩn mình trong bóng tối đang hát để gọi các tín đồ đến với bài cầu nguyện đầu tiên mở đầu ngày mới, được gọi là salad as-subh.
Điếc tai vì thứ âm nhạc buổi sáng này, đói và rét, tôi đi qua những phố vắng người ra bến xe buýt, bởi hôm nay tôi muốn đến Massawa. Ngay cả trên các bản đồ lớn của châu Phi, khoảng cách giữa Asmara và Massawa cũng chỉ gần bằng bề rộng của cái móng tay và trên thực tế, nó cũng không lớn: một trăm mười cây số, nhưng xe buýt phải mất năm giờ để tới đó, đi từ độ cao gần hai nghìn năm trăm mét xuống mặt biển - biển Hồng Hải, nơi có Massawa kề bên.
Asmara và Massawa là các thành phố chính của Eritrea, còn Eritrea là quốc gia nhỏ non trẻ nhất châu Phi, chỉ khoảng ba triệu dân. Trong quá khứ, Eritrea chưa bao giờ là một nước độc lập, đất nước này từng là thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Ai Cập, còn trong thế kỷ XX là của Ý, Anh và Ethiopia. Năm 1962, Ethiopia, vốn vẫn chiếm đóng Eritrea bằng vũ lực từ mười năm trước, tuyên bố Eritrea là một tỉnh của mình, khiến người Eritrea đáp trả bằng chiến tranh - cuộc chiến chống Ethiopia giải phóng dân tộc, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử châu lục (ba mươi năm). Khi Haile Selassie cầm quyền ở Addis Ababa, Mỹ giúp ông ta chiến đấu với người Eritrea, còn từ khi Mengistu lật đổ hoàng đế và tự mình lên nắm chính quyền thì là người Nga. Có thể xem các di tích của lịch sử này ở công viên lớn của Asmara, nơi có bảo tàng chiến tranh. Giám đốc bảo tàng là Aforki Arefaine, một nhà thơ trẻ, một tay ghi ta, cựu du kích, rất dễ mến và hiếu khách. Đầu tiên Aforki cho tôi xem các khẩu súng cối và đại bác Mỹ, sau đó là bộ sưu tập súng tiểu liên, mìn, tên lửa Cachiusa và các máy bay MIG của Nga. “Đây chưa là gì cả” - anh nói. “Giá mà anh có thể thấy Debre Zeyit!”
Đó là điều không dễ dàng, vì rất khó xin giấy phép, nhưng cuối cùng tôi cũng thấy Debre Zeit. Nó nằm cách Addis Ababa mấy chục cây số. Đến đó phải đi bằng đường đất, qua nhiều trạm gác quân đội. Những người lính ở trạm gác cuối cùng sẽ mở cánh cổng dẫn vào cái sân vuông trên đỉnh một ngọn đồi bằng. Quang cảnh nhìn từ nơi đây là độc nhất vô nhị trên thế giới. Trước mặt anh, xa hút tầm mắt, đến tận chân trời xa xăm mơ hồ, bình nguyên bằng phẳng trải dài, không một bóng cây. Trên đó, các thiết bị quân sự phủ chật kín. Những cánh đồng pháo đủ hạng kéo dài hàng cây số, những hàng xe tăng hạng trung và hạng nặng vô tận, những rừng súng phòng không và pháo cối, hàng trăm xe bọc thép, xe tăng hạng nhẹ, đài phát thanh di động và xe lội nước. Phía bên kia đồi là các nhà để máy bay và nhà kho khổng lồ - những nhà để máy bay chứa đầy thân máy bay MIG chưa lắp, những nhà kho đầy các thùng đạn dược và mìn.
Điều làm người ta ngạc nhiên và choáng váng nhất là số lượng khổng lồ của những thứ vũ khí này, chúng chồng chất đến mức không thể tin nổi, những ngọn núi của hàng trăm nghìn tấn súng máy, pháo bức kích leo núi, trực thăng quân sự. Tất cả những thứ ấy - là món quà Brezhnev tặng cho Mengistu - đã đi đường biển từ Liên Xô sang Ethiopia trong nhiều năm. Đúng vậy, nhưng ở Ethiopia không có ai biết sử dụng dù chỉ là 10% số vũ khí ấy! Số lượng xe tăng này có thể chinh phạt cả châu Phi, hỏa lực của những khẩu pháo và tên lửa Cachiusa này có thể biến cả châu lục thành tro! Khi lang thang trong những con đường chết của cái thành phố thép bất động ấy - nơi các họng súng đen ngòm, han gỉ nhìn chòng chọc vào tôi ở bất cứ đâu, còn sau mỗi góc phố, những bánh răng sắt khổng lồ của xe tăng nhe ra - tôi cứ nghĩ về con người đã xây nên cái bãi tha ma quân sự Debre Zeyit này, lúc hắn tính chuyện chinh phạt châu Phi và tổ chức một cuộc chiến tranh chớp nhoáng phô trương trên châu lục này. Người đó có thể là ai? Là đại sứ Liên Xô ở Addis Ababa? Nguyên soái Ustinov[72]? Hay là chính Brezhnev?
“Thế anh đã thấy Tira Avolo chưa?” - một lần Aforki hỏi tôi. Vầng, tôi đã thấy Tira Avolo. Đó là một kỳ quan thế giới. Asmara là thành phố xinh đẹp với kiến trúc kiểu Ý-Địa Trung Hải và khí hậu tuyệt vời của mùa xuân vĩnh hằng, ngập nắng và ấm áp. Khu dinh thự lộng lẫy xa hoa của Asmara chính là Tira Avolo. Những biệt thự tráng lệ ở đây chìm trong các khu vườn đầy hoa. Những cây cọ hoàng gia, những hàng rào cây xanh cao, những bể bơi, những bãi cỏ tươi tốt với những đường viền trang trí, một cuộc diễu hành không ngừng của cây cối, màu sắc và hương thơm - thiên đường có thực nơi trần thế. Trong những năm chiến tranh, khi người Ý rời khỏi Asmara, Tira Avolo do các tướng lĩnh Xô viết và Ethiopia chiếm giữ. Không một Sochi[73], Sukhumi[74] hay Gagra[75] nào có thể sánh được với Tira Avolo về khí hậu và tiện nghi. Chính vì thế, một nửa bộ tư lệnh Hồng quân, khi bị cấm đến Côte d’Azur[76] hay Capri[77], đã thường xuyên đi nghỉ mát ở Asmara đồng thời kết hợp giúp đỡ quân đội Mengistu chiến đấu với quân du kích Eritrea.
Quân đội Ethiopia từng sử dụng rộng rãi bom na pan. Để tự vệ, người Eritrea đào những chỗ núp bí mật, địa đạo và hầm trú ẩn. Sau nhiều năm, họ đã xây dựng một đất nước thứ hai ngầm dưới lòng đất, ngầm đúng nghĩa đen, một Eritrea kín, bí mật, bất khả xâm phạm đối với người ngoài, nơi họ có thể di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác mà kẻ thù không nhìn thấy. Cuộc chiến Eritrea - như chính người Eritrea luôn nhấn mạnh với niềm tự hào - không phải là một cuộc chiến tranh du kích hay cơn bão cướp bóc hủy diệt của các warlord. Trong đất nước ngầm của mình, họ có trường học và bệnh viện, có tòa án và trại trẻ mồ côi, có công xưởng và xưởng sửa vũ khí. Ở đất nước của những người mù chữ, mỗi chiến binh đều phải biết đọc và biết viết.
Điều từng là thành tựu và niềm tự hào của người Eritrea giờ đây trở thành khó khăn và bi kịch của họ. Chiến tranh kết thúc năm 1991, hai năm sau Eritrea trở thành quốc gia độc lập. Đất nước bé nhỏ này, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, có đội quân một trăm nghìn thanh niên, học vấn tương đối tốt, song giờ đây không biết dùng họ và việc gì. Eritrea không có ngành công nghiệp nào, nông nghiệp trong tình trạng suy sụp, các thành phố điêu tàn, đường sá bị phá hủy. Một trăm nghìn người lính buổi sáng thức dậy và không có việc gì để làm, mà quan trọng nhất: không có gì để ăn. Và không chỉ riêng những người lính. Bởi các anh em bạn bè thường dân của họ cũng cùng chung số phận. Chỉ cần đi dạo qua các đường phố Asmara vào giờ ăn trưa là đủ thấy. Giới viên chức của các cơ quan còn ít ỏi của một nhà nước non trẻ vội vàng đến các hàng ăn, quán bar xung quanh để ăn chút gì đó. Nhưng hàng đám đông thanh niên chẳng có nơi nào để đi: họ không đi làm và không một xu dính túi. Họ đi quanh, ngắm nghía các giá bày hàng, đứng trên các góc phố, ngồi trên những băng ghế - họ vô công rồi nghề và đói.
Chuông nhà thờ đã thôi ngân, vị thầy tu báo giờ đã im tiếng, vầng mặt trời chói lòa rực lửa xuất hiện từ sau dãy núi Yemen và xe buýt của chúng tôi khởi hành. Đó là một chiếc xe Fiat cổ lỗ sỉ không thể xác định được màu, thân xe bị gỉ ăn mòn và đã quá nhiều lần bị đâm, bẹp. Xe lao xuống dốc từ độ cao hai nghìn năm trăm mét qua các thửa ruộng bậc thang. Tôi không đủ can đảm miêu tả hành trình này. Anh tài xế xếp tôi, người châu u duy nhất, ngồi cạnh mình. Anh là một tài xế trẻ, nhanh nhẹn và cẩn thận. Anh đi con đường này đã thạo và biết rõ từng cái bẫy chết người. Trên đoạn đường một trăm cây số có đến vài trăm khúc ngoặt, đúng ra, cả tuyến đường chỉ toàn các khúc ngoặt, lại thêm đường hẹp, sỏi trơn, lúc nào cũng chạy bên mép vực, không hề có thanh chắn hay hàng rào bảo vệ.
Ở nhiều khúc ngoặt, nếu ai không sợ độ cao và dám nhìn xuống, có thể thấy ở dưới sâu, rất sâu nơi đáy vực, các xác xe buýt, xe tải, xe bọc thép và xương của đủ loại súc vật, có lẽ là lạc đà, cũng có thể là la hay lừa. Có những thứ rất cũ, nhưng nhiều cái - mà những cái này là kinh sợ nhất - hoàn toàn mới. Anh tài xế và hành khách rất ăn ý, rõ ràng là họ tạo thành một nhóm phối hợp nhịp nhàng: khi chúng tôi bắt đầu rẽ, anh tài xế kêu thật dài “yyyaahhh!”, các hành khác nghe thấy thế liền nghiêng người sang phía ngược lại với chiều rẽ, tạo cho chiếc xe buýt một chút đối trọng - nếu không, nó sẽ lao thẳng xuống vực.
Thỉnh thoảng trên khúc ngoặt lại có một án thờ kiểu Copt sặc sỡ, được trang trí bằng những chiếc nơ cùng hoa giả khoa trương và các tranh thờ vẽ theo trường phái hiện thực ngây thơ, nơi có vài thầy tu gầy gò khô héo quanh quẩn. Khi xe buýt giảm tốc độ, họ chìa bát ra ngoài ô cửa sổ đất để hành khách ném vào đó tiền xu cúng dường. Các thầy tu sẽ cầu nguyện cho mọi người thượng lộ bình an, ít nhất là bình an đến khúc ngoặt tiếp theo.
Mỗi dặm đường lại mở ra những quang cảnh khác nhau, từ sau mỗi ngọn núi lại nổi lên một bức tranh khác. Khi đi xe, ta thấy những phong cảnh ngày càng mới lạ bày ra trước mắt mình, thấy trái đất đang khoe ra vẻ phong nhiêu quyến rũ, nó muốn chúng ta phải lóa mắt vì vẻ đẹp của mình. Bởi quả thực, con đường này cùng lúc vừa kinh hoàng vừa tuyệt đẹp. Phía dưới kia, một ngôi làng chìm trong những bụi hoa, còn đằng xa là tu viện với các bức tường sáng màu ánh lên trên nền đen của núi như một ngọn lửa trắng. Ở kia, một tảng đá khổng lồ nặng cả trăm tấn nứt đôi như thể bị một tia sét xẻ ngọt, triện vào đồng cỏ xanh mướt. Nơi khác là một cánh đồng đá, những hòn đá rời rạc như được rải ra một cách cẩu thả, song ở một chỗ, chúng tập trung lại, nằm gần nhau hơn, sát lại hơn - đó là dấu hiệu của nghĩa trang Hồi giáo. Chỗ này, như trong bức tranh phong cảnh kinh điển, có dòng suối chảy xiết lấp lánh ánh bạc, chỗ kia, những tảng đá xếp thành đống tạo thành thiên môn, thành những mê cung rắc rối, những cái cột hùng vĩ.
Càng về sau, khi chúng tôi đi xuống mỗi lúc một thấp hơn - người luôn bị quay như chong chóng trên cái bàn kéo quân điên cuồng của các khúc ngoặt, phải không ngừng giữ thăng bằng trên ranh giới của sự sống và cái chết - chúng tôi càng cảm thấy ấm lên, thậm chí là nóng, cho tới tận khi, như thể bị hắt bằng cái xẻng khổng lồ, chúng tôi lao vào cái lò rèn nóng rực: Massawa.
Song trước đó, khi còn cách thành phố vài cây số, các dãy núi chấm dứt và con đường chạy thẳng, bằng phẳng. Đến đây, anh tài xế thay đổi, thân hình mảnh khảnh của anh rũ ra, các cơ mặt giãn ra và dịu xuống. Anh cười. Anh với tay vào đống băng cát xét bên cạnh và lấy một cái cho vào máy. Từ cuốn băng loẹt xoẹt lạo xạo phát ra tiếng hát của một ca sĩ địa phương. Một giai điệu phương Đông, có nhiều âm sắc cao, nhớ nhung và tình cảm. “Anh ta thổ lộ rằng cô gái có đôi mắt như hai vầng trăng”. Anh tài xế say sưa nghe rồi giải thích cho tôi. “Và rằng anh ta yêu đôi-mắt-trăng ấy”.
Chúng tôi đi vào thành phố điêu tàn. Hai bên đường là những núi vỏ đạn pháo. Những bức tường của các ngôi nhà cháy, những thân cây đổ bị đè nát. Một phụ nữ đi trên đường phố không người, hai chú bé chơi trò lái ô tô trong chiếc xe tải đổ nát. Chúng tôi đi vào một bãi cát vuông vắn ở trung tâm. Xung quanh là những căn nhà một tầng tồi tàn quét vôi xanh, hồng, vàng. Các bức tường nứt nẻ, vôi tróc ra và rơi xuống. Trong một góc, nơi có chút bóng mát, ba ông già đang chợp mắt. Họ ngồi bệt, khăn xếp sụp xuống mắt.
Eritrea là hai độ cao, hai khí hậu, hai tôn giáo. Trên cao nguyên, nơi Asmara tọa lạc và mát mẻ hơn, có cộng đồng Tigrinya sinh sống. Phần lớn dân cư trong nước thuộc cộng đồng này. Người Tigrinva theo đạo Copt Cơ Đốc. Phần kia của Eritrea là vùng đất thấp bán sa mạc nắng nóng - bờ biển Hồng Hải, nằm giữa Sudan và Djibouti. Nơi đây có các cộng đồng du mục theo đạo Hồi sinh sống (Cơ Đốc giáo kém chịu đựng khí hậu nhiệt đới hơn, Hồi giáo cảm thấy thoải mái hơn trong khí hậu này). Massawa, thành phố cảng, thuộc về thế giới thứ hai. Vùng này của Hồng Hải - nơi có Massawa và Assab, Vịnh Aden ở Djibouti, Aden và Berbera - là nơi nóng bức nhất trên hành tinh, một địa ngục trần gian. Bởi vậy khi xuống xe buýt, cái nóng ập xuống khủng khiếp đến mức tôi gần như không thở được, tôi cảm thấy ngọn lửa vây quanh đang bóp nghẹt mình, tôi hiểu mình phải tìm ngay chỗ nấp, vì tôi sẽ gục trong giây lát. Tôi bắt đầu nhìn quanh thành phố chết, tìm một dấu hiệu, một vết tích của sự sống. Không thấy bất cứ dấu vết nào ở đâu, tôi thất vọng đi lên phía trước. Biết mình không thể đi xa, nhưng tôi vẫn tiến lên, bước đi khó nhọc, lần lượt nhấc chân trái, rồi chân phải, như thể kéo chúng lên từ bãi lầy sâu hút. Cuối cùng tôi nhìn thấy một quán bar, cửa vào có tấm màn vải trúc bâu che kín. Tôi vén màn, bước vào và đổ xuống cái ghế gần nhất. Tai tôi ù đi, cái nóng như càng tăng lên, càng khủng khiếp hơn.
Trong bóng tối, phía sâu trong quán bar không người, tôi nhìn thấy quầy thu tiền đổ nát, bẩn nhớp nháp và hai cái đầu người nằm trên đó. Từ xa, trông chúng như hai thủ cấp bị chặt mà ai đó để lại rồi bỏ đi. Đúng vậy. Rõ ràng là như thế, bởi hai cái đầu không động đậy, không cho thấy dấu hiệu của sự sống. Nhưng tôi không còn đủ sức để nghĩ xem ai đã mang những cái đầu này đến và tại sao lại để ở đây. Sự chú ý của tôi bây giờ bị hình ảnh cái thùng đựng những chai nước bên cạnh quầy chiếm trọn. Bằng tất cả sức lực còn lại, tôi lết tới đó và bắt đầu uống hết chai này đến chai khác. Mãi đến lúc ấy, một trong hai cái đầu mới mở mắt, nhìn xem tôi làm gì. Nhưng hai cô bán hàng vẫn không cựa quậy, họ bất động vì nóng, như những con thạch sùng.
Đã có nước và một chỗ râm mát, tôi yên tâm chờ cho đến khi những giờ nóng dữ dội buổi trưa trôi qua, rồi đi tìm khách sạn. Có thể thấy rõ rằng các khu giàu có của Massawa hẳn đã từng là sự pha trộn quyến rũ của kiến trúc nhiệt đới, kiến trúc Ý-Ả rập. Nhưng giờ đây, vài năm sau chiến tranh, nhiều ngôi nhà vẫn nằm trong đổ nát, trên vỉa hè đầy gạch ngói, rác rưởi và kính vỡ. Trên một ngã tư chính trong thành phố có chiếc xe tăng lớn T-72 của Nga bị cháy thui. Rõ ràng là người ta không biết làm thế nào để vứt bỏ nó. Ở Eritrea không có cần cẩu nào có thể nhấc nó lên. Không có toa xe nào có thể chở nó đi. Không có xưởng luyện kim nào có thể nấu chảy nó. Người ta có thể đưa chiếc xe tăng vĩ đại đến một đất nước như Eritrea, có thể dùng nó để bắn, nhưng khi nó hỏng hay bị ai đó đốt, người ta thực sự không biết phải làm gì với đống đổ nát này.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun