Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ạch tạch tạch...
Tiếng máy chữ nổ giòn, như tiếng hạt mưa rào. Trong gian buồng ở căn nhà gác lát đá hoa sang trọng này, tiếng máy chữ rất vang, nhảy nhót rộn ràng.
Tay mổ cò mà tai Khả vẫn nghe ngóng. Có lúc lại ngẩn ra như lắng nghe cái bí ẩn ở bên trong những tiếng tạch tạch khô khô, rất máy móc đó vậy. “À! Hóa ra nhà gạch nó cũng khác với cái anh mái gianh, tường đất ở trong rừng!”.
Cuộc sống đã khác xa những ngày làng Nhuần rồi. Bộ đội truy lùng nốt mấy tên lẩn trốn. Rồi là cả văn phòng dọn về tỉnh. Ôi chà! Hốt quá. Chỉ suýt nữa thì Khả bị chỉ định ở lại cái làng Nhuần heo hút ấy. Hừ, cái bà Châu hóa ra cũng lắm lý sự. Thôi thôi bà ơi, ở rừng mãi rồi, cũng phải cho anh em về hưởng tí... thành thị chứ. Kháng chiến, lúc ấy sẽ hay! Mình đánh thắng ào ào như thế, vía bố thằng Tây cũng chẳng dám động đến mình bây giờ đâu. Ha ha... Khả được về thị xã! Lại về ngay ủy ban Quân quản! Mới giải phóng, quân đội quản lý hết. Và tất nhiên tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đắc làm Chủ tịch ủy ban Quân quản này. Bây giờ thì cứ mỗi sáng trở dậy. Khả lại đủng đỉnh qua quán Bồng Lai làm một cốc cà phê, với một ổ bánh mì cặp xúc xích — cái quán toàn khách cán bộ, bộ đội, hai mẹ con bà chủ quán xinh tươi lộng lẫy trông cứ như hai chị em — rồi lững thững về. Công việc những ngày đầu mới giải phóng đâu có ít! Tiếp nhận khách. Đánh máy chữ. Thảo công văn. Báo cáo tình hình với Chủ tịch Nguyễn Đắc. Ối chao! Cứ là bù đầu. Nhất là cái việc tiếp khách. Cứ là nườm nượp kéo tới, đủ hết các mặt các ngành, các giới. “Ôi chà, sao bà lại đem đến biếu anh Chủ tịch tôi. Anh ấy liêm khiết, không tơ hào đâu. Có bán thì anh ấy mua. Mà anh ấy cũng chẳng mua đâu!”. “Hừ, ủy ban Quân quản đã ra lệnh xóa bỏ thuế thân rồi. Ông bà không phải đóng cho ai cả!” — “Bọn Quốc dân Đảng còn lẩn quất, thấy nó báo cáo ngay như cô là tốt lắm”. Ấy thế, bận tối mắt nhưng cũng thú vị vì có nhiều nỗi vui nho nhỏ.
— Reng reng reng... — Chuông điện thoại đổ liền hai hồi. Khả mới dừng máy, đứng dậy nhấc ống nghe.
— Hả? Hả? Ở Mường Cang hả? — Vừa áp tai vào ống nghe, Khả đã run lên lập cập — Trời ơi! Bị ông Nông Vĩnh Yêng cho quân ra chặn hả? Tiểu đội vào công tác không đi được! Trời! Có nổ súng hả? Không... không à. Sao, sao? Họ nói không công nhận ủy ban Quân quản hả? Cho đóng đồn, nhưng lại không cho xuống dân. Hừ... Gay nhỉ...?
Khả đặt ống nghe xuống. Vừa lúc ấy có tiếng chân ngựa bước lạo xạo ở con đường rải sỏi cuội ngoài sân. Khả ngó ra: Chủ tịch ủy ban Quân quản Nguyễn Đắc đã tới.
Đắc từ bên doanh trại quân đội sang. Vứt cái dây cương cho người giám mã, anh xách cặp đi qua cái cửa mới sơn lại, trên có tấm biển sơn vàng, óng ánh hàng chữ đỏ: “Ủy ban Quân quản”. Đắc vốn điển trai, giờ càng điển trai hơn. Mới có nửa tháng về thành phố mà đã béo trắng ra. Nét ngang tàng cao ngạo cố hữu thêm vẻ phong lưu của làn da mỡ màng, sự chải chuốt của bộ quần áo, càng khiến anh trở nên hấp dẫn. Nện đôi giày đinh theo hành lang, đưa mắt qua buồng đầu thấy Khả đang cắm cúi gõ máy, Đắc búng tay một cái, rồi rập rập bước lên gác.
Căn buồng của Chủ tịch ủy ban Quân quản nguyên là căn buồng của công sứ Et-các-lát cũ. Một bộ sa-lông Tàu kiểu cổ. Một cái bàn bọc da to như cái bàn pinh pông nhưng mặt bàn lồi ra lõm vào thật lạ mắt. Một cái tủ gương gỗ trắc cao sát trần nhà, bóng nhoáng như bôi mỡ.
Đắc đặt cặp, mở khóa, móc túi lấy một lọ ê te nhỏ đặt vào tủ, khóa lại, rồi đi đến bên bàn. Đống công văn xin chữ ký đã xếp ngay ngắn ở mép bàn. Cái bút cắm trong giá, lọ mực đã mở nắp. Sẵn sàng cả rồi. Chà! Làm cái anh chủ tịch đến lắm việc. Này, xin thông hành đi buôn. Này, xin sang tên nhà cửa, ruộng đất. Đưa sang văn phòng hành chính giải quyết chứ. Lại còn thư, sao mà lắm thế. “Kính chào ngày tỉnh trưởng...”. Ồ, toàn là những lời ngợi ca, chúc mừng: “Ngài là vị anh hùng”. “Ngài là một nhân vật có tầm lịch sử”. “Ngài thật là một vinh dự cho giống nòi Lạc Việt”. Chà, chà... nghe nó cổ cổ buồn cười, mà cũng thấy hay hay!
Có tiếng gõ cửa rụt rè. Đắc ngẩng đầu:
— Cho vào.
Cánh cửa hé mở. Khả lọt vào, tay cắp cái cặp bìa, lưng khom khom, miệng hít hà, xuýt xoa.
— Có việc gì thế?
— Thưa anh, anh cho phép trình bày thứ tự — Khả mở cặp bìa, mắt nheo nheo — Dạ, hôm qua nhạc sĩ Quang Ngọc có đến xin gặp anh, anh đi vắng, anh ta muốn đề nghị anh cho phép anh ta không phải đứng ra mở quán Thiên Thai.
— Hừm.
— Thưa, đấy là ý kiến của anh ta. Anh ta nói: đã ngán cảnh quán ăn, ô ten, khách sạn lắm rồi.
— Ngu! Quán Thiên Thai do tôi, Chủ tịch ủy ban Quân quản mở, anh có biết là nhằm mục đích gì không?
— Dạ... tình báo ạ.
— Còn gì nữa! Bảo cho cái thằng nhạc sĩ ấy biết: nó không làm thì cút. Cút!
Chết thôi, sơ sơ thế mà Chủ tịch đã cáu. Khả nghĩ, vội chuyển giọng:
— Dạ, vấn đề thứ hai là ông Hoàng Văn Tường có đến mời anh tối nay tới quán Bồng Lai.
— Biết rồi!
Chưng hửng, Khả lại vội cúi xuống:
— Vấn đề thứ ba là ông giáo Huyền mời anh chiều đi chơi tennít.
— Được!
— Báo cáo anh, tiểu đội đi Mường Cang bị ông Thổ ty Nông Vĩnh Yêng...
— Tôi biết rồi.
Khả ngẩng lên, lại chưng hửng. Sao Chủ tịch hồi này khác tính thế? Hồi ở làng Nhuần, mới đến chức đại đội trưởng, tuy cũng không dễ gần, dễ mến như anh Chính, nhưng cũng chưa đến nỗi nào. Bây giờ, có chức có quyền rồi lại hóa ra càng xa cách, quan dạng. Mà “Vấn đề thứ tư” sắp trình bày đây mới thật là gay đây. Cẩn thận không khéo bao nhiêu bực bõ là ông ấy trút lên đầu mình cả đấy. Làm cái anh Văn phòng quyền không có, mà vạ thì tày đình, khổ thế!
— Còn gì nữa?
Đắc hất hàm, dáng sốt ruột. Khả luýnh quýnh, giở soàn soạt xấp giấy, rồi giả vờ à một tiếng:
— Dạ, vấn đề thứ tư là... — Ngắc ngứ, Khả tìm cách nói — Bên tỉnh bộ Việt Minh... có gọi điện thoại sang... Hừ, vấn đề này có thể là một sự hiểu lầm.
— Hiểu lầm thế nào?
— Dạ, bên ấy các anh ấy đề nghị, dạ đề nghị anh xem lại việc đối xử với các Thổ ty...
— Lại ông Tâm, hả?
Khả run rẩy:
— Dạ, họ bảo là bên ta có vẻ như là hữu khuynh. Dạ, có lẽ vì ta cho mỗi ông Thổ ty ba tấn muối, ít súng đạn, rồi mời họ ăn dăm ba bữa tiệc...
— Hừ!
— Dạ.
— Nó có công góp người, góp của. Cho nó thế còn ít, hiểu chưa? Cho nó thế, nó chưa vừa lòng, nó mới gây khó dễ cho cái tiểu đội vào công tác ở Mường Cang.
— Dạ, hiểu ạ.
— Ai nói ý kiến đó?
Khả luống cuống:
— Dạ... hình như... là anh Tâm... à, không phải.
“Pầm!” Cái mặt bàn bị đấm. Đắc đứng dậy, mắt ngầu ngầu:
— Để anh ta sang đây, tôi sẽ chất vấn, tranh luận. Hữu khuynh! Hừ! Nó cũng là người dân. Nó có mặt tốt của nó. Nó có hiểu biết. Có văn hóa. Không có nó, mấy cái anh H'Mông, anh Dao đầu bù tóc rối thì làm nên trò trống gì! Tôi có quyền! Muối là của tôi. Tiền là của tôi. Anh Tâm là cái gì? Anh đi ra đi.
Cơn bực tức của Đắc may thay đã tạm lui. Vì Khả lại xin vào. Cửa mở. Khả cười toe toét. Sau anh là hai cô gái ăn mặc tân thời: trong áo dài hoa, ngoài khoác măng tô san, guốc cao gót. Bây giờ đã xế trưa, xem đồng hồ tay, Đắc tươi cười trò chuyện với hai cô gái một lát, rồi dẫn hai cô xuống văn phòng, bảo Khả:
— Cô Thủy Tiên và cô Lệ Mai sẽ làm ở quán Thiên Thai! Gọi Quang Ngọc đến. Nhớ chưa? Hai cô, đây là anh Khả, phụ trách Văn phòng. Anh Khả, nhớ giúp đỡ hai cô.
Nói đoạn, Đắc kéo Khả ra ngoài cửa, ghé tai:
— Này, cấm có tòm tem đấy nhé.
Khả cười, tươi như hoa:
— Dạ, anh cứ yên tâm ạ.
Đắc lên buồng. Anh đứng trước cái tủ gương, chải đầu, sửa sang lại bộ quần áo, thắt lại khẩu súng, mỉm cười hài lòng về vẻ đẹp của mình. “Một tâm hồn đẹp, trong một thân thể cường tráng”. Anh nghĩ, huýt sáo. Và bước xuống thang.
“Kính chào ngài Chủ tịch ạ”. “Kính chào ngài tỉnh trưởng ạ”. Những tiếng chào kính cẩn ran ran khi Đắc xách cặp, đi đôi giày bóng nhoáng, oai vệ đi qua cái vườn hoa có vòi nước phun trước trụ sở. Đắc oai vệ quá! Chức vụ mới về hùa với tính kiêu ngạo có sẵn của anh, đẩy anh lên. Hồi ở làng Nhuần, sau cái lần đánh vào thị xã, lấy được chiến lợi phẩm, tỏ ra kiêu căng bất chấp, đoàn thể đã phê bình tính tự cao và vô nguyên tắc của anh. Nhưng như thế đã nước non gì. Anh còn đi xa hơn. Vả chăng bây giờ, cái thế của anh đã khác rồi. “Không có ta sao mà giải phóng được cái tỉnh này...”. Ờ, anh đã lập công trạng to. Cái đồn cao kia, anh mà không thân chinh chỉ huy, đố ai mà đánh nổi. Ôi cha! Cái kho trên đồi cao sao mà lắm của thế. Không phải là bốn súc vải đâu. Hàng trăm súc. Và rượu vang thì hàng bể, bộ đội thả cả mũ sắt xuống múc. Còn đồ hộp thì hàng nhà, ăn đến phát kinh vì đồ hộp. Đắc có quyền to rồi. Ai dám động đến oai quyền của Đắc?
Bước vào quán Bồng Lai, Đắc ngớ người. Giữa cái quán ăn lộng lẫy như đêm Nô-en, trên bức tường giữa, ai đã đặt một bức ảnh của anh. Bức ảnh lớn, chiều một gang, chiều hai gang. Trong ảnh, anh đội mũ ca lô lệch, mặc áo cầu vai, mặt thẳng, hai mắt đăm đăm kiên nghị, quai hàm vuông rắn rỏi, lạ hơn nữa là ở dưới bức ảnh là một dòng chữ đen nhánh đầy vẻ tôn kính: Nguyễn Đắc tiên sinh Chủ tịch.
Tường đón Đắc từ cửa quán, khom lưng, xoa xoa hai bàn tay, cung kính:
— Xin anh đừng ngạc nhiên. Đó là một món quà, nhân sinh nhật của anh, do bà chủ và quý nương ở đây có sáng kiến đề ra.
Ngày sinh nhật của Đắc 25 tháng 11. Đúng hôm nay rồi. Đắc ngỡ ngàng, đưa mắt. Đèn nhấp nháy xanh đỏ. Nhạc dặt dìu. Bà chủ và quý nương ngạt ngào son phấn, long lanh mắt cười. “Anh Chủ tịch trẻ quá!”. “Anh chủ tịch đánh tennít đẹp quá! Xưa nay, có ai dám địch với ông Huyền đâu”. “Anh Chủ tịch thật là người quý hiển”.
Quanh Đắc là những lời tâng bốc. Những nụ cười nịnh nọt. Đắc như hoa nở. Anh cười luôn miệng. Anh ngây ngây khi đèn chuyển màu xanh và quý nương con bà chủ trẻ đẹp bước ra, lung linh áo xanh kim tuyến, thỏ thẻ: Em xin ngâm tặng anh Chủ tịch bài thơ Tây Tiến ca ạ.
Anh đi đâu đó anh hời
Tôi lên biên giới giết loài sói lang.
Vội chi còn mấy bước đàng
Dừng chân uống nước vào làng đã anh.
...
Chao ôi! Chính là bài thơ của Đắc! Cái phòng ăn sang trọng nổi tiếng vỗ tay mới ghê chưa!
Tường nới cà vạt, xốc lại áo vét đen, cười hức hức:
— Anh Nguyễn Đắc thật là văn võ kiêm toàn. Nhưng tôi cứ xin mạo muội làm thày tử vi coi số cho anh một tí nhé.
— Hà hà...
— Anh là người ưa ngắm hoa vịnh nguyệt. Nhưng anh chớ có nên đi vào con đường văn — mạc — Tường ngả người,mổ ngón tay trỏ — ấy là vì các cụ đã nói: lập thân tối hạ thị văn chương.
— Khá lắm! Khá lắm!
Tường gật gật đầu, tiếp:
— Tử vi anh lại thuộc Nam Bắc đẩu, âm Thủy, hợp tại cung Dậu, Tuất, Hợi... mệnh tại Tý Sửu... tài quan thì phong phú, nhưng hay bị quan phi khẩu thiệt. Anh là có lắm kẻ thù...
Đắc hơi nhỏm dậy trong cái ghế tựa thấp. Ra thế, lúc trò chuyện, Tường hỏi ngày giờ sinh của anh, hóa ra là để xem tử vi cho anh. Món này thì anh mù tịt. Nhưng anh tin thế nào được. Đắc lắc đầu, phảy tay:
— Tôi không tin tử vi. Không tin thánh thần! Duy vật ai lại tin nhảm nhí thế!
— Đó là khoa học thần bí, anh ạ.
— Thần bí gì không biết. Tôi chỉ nhớ bà cô tôi là một bà mê lên đồng lắm. Tháng nào nhà tôi cũng rầm rĩ đàn địch. Bà cô tôi lên đồng cô, cũng bắn súng chèo thuyền, nhưng tính vốn keo kiệt thì khi bà nhập đồng, tôi xin, bà ấy cũng chỉ cho mấy quả ổi xanh, bé tẹo.
— Hé... hé... hé...
Ngồi thẳng dậy, Đắc càng hào hứng:
— Việc thứ hai khiến tôi không tin là chuyện thế này. Bố tôi là trưởng tộc tám ngành họ Nguyễn. Nhà thờ tổ ở nhà tôi. Nhà tôi rất rộng, bốn năm dãy nhà đối diện nhau, từ đường, nhà ngang, nhà gác, nhà khách, nhà kho. Ngày tết, trong nhà thờ, đèn nến sáng như ban ngày. Ông tôi năm ấy bắt tôi khấn. Bài khấn phải học từ trước tết. Tôi lười, cóc học. Đến lúc đóng khăn áo, quỳ trên chiếu cạp điều trải trước bàn thờ, tôi mới chắp tay: “Hôm nay, Lundi, thứ hai, mardi, thứ ba, mercredi, thứ tư...”. Ha ha... ông tôi biết tôi đọc bậy, cho một cái tát nảy đom đóm mắt, rồi bảo: “Tổ tiên quở phạt mày”. Nhưng cũng chẳng thấy quở phạt đâu!
— Hé hé... hi hi... — Hai mẹ con bà chủ cùng bật cười giòn giã.
Tường dỗ điếu thuốc trên bàn tay:
— Thế anh lên Hà Nội học năm nào?
— Năm ba mươi tám. Đáng lẽ tôi cũng chỉ là anh trưởng giả nhà quê thôi. Nếu không có ông chú tôi làm tuần phủ có nhà cho thuê và bà vợ hai của ông ở phố Hàng Đào Hà Nội.
— Ở Hàng Đào à? Anh phán Thông nhà tôi cũng ở phố đó đấy. Chà, anh phán Thông nhà tôi, anh mà gặp thì mến ngay. Nghệ sĩ vô cùng. Chỉ vì mê bà chị tôi mà đem thân đi làm rể tận miền sơn cước này.
— Tôi biết có nhiều người như thế!
— Anh có tán thành không?
— Tán thành chứ.
— Ví dụ chiến sĩ, cán bộ của anh muốn kết tóc xe tơ với các cô gái của chúng tôi thì anh nghĩ thế nào, anh Đắc?
— Tôi khuyến khích! Tôi không hẹp hòi!
Tường nhổm dậy, sát sạt:
— Ví dụ trường hợp đó lại là... anh?
— Ha ha — Đắc cười đắc chí — Thật là khó nói.
Tường gật đầu, hể hả:
— Người hùng của Lào Cai ơi! Tư Mã Tương Như. Tô Đông Pha yêu cả thanh lẫn sắc. Ái tình là việc căn bản ở đời. Ái tình không biết đến biên giới. Có những người suốt đời đi tìm tình yêu, vì đó là niềm vui cực độ, là thiên đường của con người.
— Khá lắm! Khá lắm!
Tường gật đầu, khoái trá theo dõi vẻ hứng thú bừng bừng trên mặt Đắc. Thú vị xiết bao, thế là biết được tim đen anh chủ tịch rồi. Từ đây đến việc Đắc ký giấy cho Tường đưa một chuyến hàng đặc biệt đi Hà Giang, đến việc Đắc nhận phán Thông làm thư ký văn phòng như kế hoạch của Minssion 5 đâu có còn xa!
Tường mỉm cười, thú vị. Nhưng, hắn bỗng giật mình, phắt dậy. Ngoài cửa vừa ập vào mấy bóng người. Một người mặc quần áo xanh, cao gầy, bước nhanh tới giữa phòng, khẩu xanh tê-chiên cầm tay, quay lại, lạnh như sắt:
— Yêu cầu mọi người đứng yên tại chỗ! Công an khám xét căn nhà này.
Vượt qua mặt Chính, Đắc rũ rượi, rung cả hai bàn tay xòe mười ngón, hướng về Tâm, hằn học:
— Tâm! Ai cho phép anh thọc vào công việc của tôi! Tôi cho thằng phán Thông vào làm thư ký. Tôi cho bọn thổ ty súng, tiền... Tôi là chủ tịch. Tôi có quyền!
Sao lại có thể như thế? Chính nghiến răng, giật tay áo Đắc:
— Đồng chí Đắc!
Mặt tái sạm, nén một cơn ho, Tâm quay đi:
— Đồng chí có chửi tôi thì việc gì tôi thấy cần làm, tôi cũng cứ làm.
— A, tưởng chỉ có mình anh là tài, là biết cảnh giác thôi à. Trong tủ tôi có sẵn chai ê te. Kẻ nào làm phản, a lê hấp, tôi ập mũi nó, điệu nó đi luôn.
— Hừ, cho hộ pháp ăn bỏng!
— Câm mồm ngay! Đồ vô học!
— Đồng chí Đắc!
— Anh Chính! — Đắc quay lại, mặt gân guốc, sặc mùi rượu mạnh — Tôi không chịu được nữa. Tôi đang dự tiệc với người ta. Người ta là thổ ty, người ta cũng là con người có văn hóa, lịch sự. Người ta là người tốt, sẽ mãi mãi đi với ta. Thế mà nó qua mặt tôi, xông vào quán Bồng Lai đòi khám xét! Vuốt mặt phải biết nể mũi chứ! Thằng ho lao kia! May cho mày là hôm ấy nể khách chứ không thì...
Quay lại phía Chính, nhưng lần này Đắc chưa kịp ngậm miệng Chính đã dang thẳng cánh tay.
— Anh Chính! — Đắc kêu thất thanh, loạng choạng ôm má.
Cái tát mạnh quá. Bên kia, Tâm ôm ngực, rũ trên bậu cửa sổ, ho như xé phổi. Chính đứng giữa hai người. Anh cũng không hiểu việc gì vừa xảy ra.
Im lặng. Tâm đã thôi ho. Chính thõng tay, mặt lần mần:
— Tôi xin lỗi anh Đắc. Anh Tâm đúng! Chủ tịch là vị trí đoàn thể xếp cho anh Đắc. Còn ở đây, giữa chúng ta, anh Đắc đã tỏ ra một đồng chí chưa xứng đáng, tôi nói thẳng.
Lời phán xử đã rõ. Đắc lẳng lặng mở cửa lê bước vào phòng bên. Thong thả đi tới cái ghế bành, Chính ngồi xuống, ôm đầu. Cái tát là một phản ứng của tình cảm. Nó chống lại sự nhục mạ, mạt sát Tâm, người đồng chí rất đáng quý của anh. Nhưng, có lẽ anh không được phép xử sự như thế!
Tâm ngồi xuống trước mặt Chính, hụ hụ trong cổ họng:
— Anh Chính ạ, tôi đề nghị kiểm tra lại toàn bộ quỹ, kho tàng. Việc thứ hai, xem lại quân số. Thứ ba, không chấp nhận phán Thông vào làm việc ở bất cứ một cơ quan nào. Ngoài ra, tôi đề nghị xuất tiền ra mua súng, đạn. Theo tính toán, ít nhất có ba trăm tên Quốc dân Đảng đã vượt biên với cả súng ống. Ta bỏ tiền ra mua, vừa được súng đạn, vừa tránh được hậu họa sau này... Tôi...
Tâm không nói tiếp được nữa. Cơn ho lại đến, rực đỏ cả gương mặt sạm nắng gió của anh.
— Tâm ơi! Cậu phải nghỉ một thời gian.
— Anh cho tôi nói hết. Tôi khám quán Bồng Lai... Tôi nghi nó là ổ gián điệp. Anh cho phép bắt tên Tường. Vâng, tên Tường.
— Chưa được!
— Hừ, tôi ngứa mắt lắm rồi. Tại sao con mụ quán Bồng Lai lại có lắm bia, lắm rượu Tây thế? Ở đâu ra? Anh có biết chỉ một tí nữa tôi cũng đã tát Châu Quán Lồ không? Đắc biếu mỗi thổ ty một đôi ủng, một khẩu súng. Đến lượt Lồ. Đắc đưa cho Lồ. Lồ cầm khẩu súng hỏi: “Bắn có thủng đùi không?” rồi lẳng khẩu súng đi.
— Cái thằng bậy quá!
— Tôi tức quá. Sao nó hỗn thế? Tôi đã giơ tay định tát Lồ. Nhưng ghìm được. Tôi quát: “Ra nhặt khẩu súng về”. Lồ phải nghe, y như hôm tôi bắt nó xuống ngựa, không được hành sát cậu họa sĩ Trọng. Hừ, tôi chưa tin Đắc. Tôi nhớ cái hôm phục kích bắt cậu ta ở đường sắt. Tôi lo cậu ta có thể mắc bẫy với bọn gián điệp. Khoản đãi, tiệc tùng cứ như Mạnh Thường Quân tiếp khách. Quan điểm về thổ ty của Đắc chưa ổn. Cậu ấy mơ hồ bản chất giai cấp, cậu ấy cho rằng chúng chỉ là một lũ yếu hèn, chỉ cần tiền, muối thả ra là thu phục được. Cậu ấy... Nhưng, có lẽ anh không nên tát cậu ấy...
Tâm nói như sợ không bao giờ được nói nữa. Nói và ho, tất cả cứ lộn xộn.
Chính đứng lặng bên cửa sổ. Cơn bàng hoàng chưa tan. Cái tát của anh với Đắc còn lưu mãi dấu vết day dứt trong anh. Đắc từ một học sinh trường An-be Sa-rô được anh dìu dắt, trở thành một cán bộ cách mạng. Đắc thông minh, nhanh nhẹn, có khả năng về quân sự. Đắc kính trọng anh. Đối với đồng chí, xưa nay anh vẫn xử sự đúng đắn. Sao hôm nay, anh lại mất tự chủ? Anh ở thế cấp trên? Hay sự việc đó chỉ do sự bối rối của anh trước những hiện tượng phức tạp của cuộc sống?
Lát sau, Chính quay lại, lặng lẽ đi tới cạnh Tâm:
— Chúng ta phải nhất trí với nhau trong đối sách với Thổ ty, Tâm à. Thôi, ta bàn với nhau về việc lập ủy ban Hành chính thay thế ủy ban Quân quản đi.
Cả hai cùng chợt ngửng lên. Hình như có ai nghe lỏm câu chuyện của họ ở bên ngoài.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe