If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ôm ấy là ngày giỗ sư tổ Vô Chấp. Tổ có nhiều học trò vì người trụ trì ở hai nơi, chùa Ổi trên Hà Nội và chùa Sọ tại đây. Giá như ở thời xưa, con cháu tam bảo ở hai nơi đều tụ tập về đủ cả, chắc chắn ngày giỗ này đông vui lắm. Nhưng vì hoàn cảnh thời mạt pháp nên ngày giỗ cụ làm nhỏ thôi và làm ở hai nơi, hai ngày trước sau; như thế cũng tiện cho con cháu ở hai chùa đi lại.
Nay nói riêng về chùa Sọ.
Cái đêm hôm trước ngày giỗ, chập tối đã có con đom đóm to, xanh lè bay vào nhà chị Thì. Con đom đóm bay dọc suốt cả ba gian nhà, bay cả vào căn buồng đầu hồi của vợ chồng thằng Trắm, rồi lại bay ra lượn lờ quanh bàn thờ gia tiên, quanh quẩn nấn ná có đến hơn tiếng đồng hồ mới chịu bay ra sân, cuối cùng bay về phía chùa và biến mất. Đêm hôm ấy, chị Thì nằm mơ thấy cụ Thầm. Cụ hỏi con gái:
- Này Thì, mày có nhớ ngày mai là ngày gì không?
- Thưa u, con chẳng biết là ngày gì cả.
- Rõ đoảng. Đoảng ơi là đoảng. Mai là ngày giỗ sư tổ ngoài chùa. Con ơi, ngày xưa, lúc u mới sinh mày ra, nhà chẳng còn hạt gạo củ khoai. Bố mày đi nhủi tép ngoài đồng rét quá phải cảm, người sốt nóng như hòn than. Mẹ phải ôm mày ra chùa ăn mày cửa Phật. Sư tổ thương tình ra tay cứu giúp. Có sư tổ mày mới còn sống đến giờ, mới có con có cháu. Rồi sau đó nhà chùa còn cho cấy rẽ mấy sào đất tam bảo, nhà ta mới có cái mà sống. Đừng có quên. Không bao giờ được quên con nhé.
Chị Thì choàng tỉnh, mồ hôi toát ra như tắm. Và lúc ấy mới quá nửa đêm, chị đã hoàn toàn tỉnh giấc. Chị lục sục vào buồng lấy gạo nếp, rồi thắp đèn, đưa nắm gạo trong lòng bàn tay lên ngắm nghía. Chị bực mình lẩm bẩm vì rõ ràng chị đã nhắc vợ thằng Trắm rằng đây là gạo chỉ dùng trong những ngày giỗ tết. Thế mà nó giã chưa được trắng. Giần sàng cũng chưa được kỹ. Thế là chị lọ mọ một mình bưng thúng gạo xuống nhà ngang, đổ gạo vào cối rồi hì hụi một mình giã gạo. Tiếng chày thậm thịch vang trong đêm khuya. Đêm vắng lặng. Tiếng chày một mình chậm chạp thả nỗi cô quạnh vật vờ trong lũy tre làng, nghe buồn thối ruột. Tiếng chày đánh thức anh Lẫm dậy, làm anh không tài nào ngủ được nữa. Anh ra hiên rít điếu thuốc lào, rồi mò xuống nhà ngang hỏi vợ:
- Có chuyện gì mà mình phải giã gạo giữa đêm khuya? Đánh thức cả nhà dậy cả. Không khéo cả làng cũng thức dậy theo mình. Rõ là rồ!
Chị Thì trả lời chồng:
- Không sao! Nhà mình hẻo lánh rìa làng. Vườn lại rộng. Chẳng ai thức dậy vì tiếng chày của tôi đâu. Có khi tiếng chày xa xa còn ru người ta ngủ say thêm là khác.
Anh Lẫm bước lên, đạp cần cối giúp vợ. Chị Thì đủng đỉnh giải thích cho chồng rõ.
- Vừa rồi u về báo mộng làm tôi sực nhớ ra. Ngày mai là ngày giỗ cụ sư tổ ngoài chùa. Mình chịu ơn nhà chùa rất nhiều. Thế mà vô ơn, quên cả ngày giỗ của tổ là chẳng hay đâu.
Hai vợ chồng rủ rỉ bàn tính với nhau. Chị Thì nói:
- Tôi tính thế này: ngày mai nhà mình lên chùa tất cả. Tôi là đàn bà, phải lên chùa sớm hơn. Còn lo việc bếp núc. Chứ một mình cô Nguyệt thì biết xoay xở ra sao. Sớm tinh mơ, sau gà gáy, tôi sẽ đội gạo lên chùa.
- Không tiện đâu! - Anh Lẫm ngẫm nghĩ rồi trả lời - Mình không biết chứ, họp ban quản trị hợp tác người ta nói nhà chùa gay gắt lắm. Nào là phục hồi mê tín dị đoan ư. Nào là hữu khuynh để lại cho nhà chùa ba sào ruộng không vào tập thể hợp tác, tức là tư hữu, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa...
- Tư bản gì ba sào ruộng nhép ấy. Thế chẳng nhẽ không cho người ta sống hay sao? Nhà chùa có bốn người. Sư cụ thì già rồi. Sư Khoan Độ và chú tiểu An thì hợp tác xã hé môi sai làm việc gì cũng cung cúc làm ngay, chẳng phàn nàn lấy một lời. Ba sào ruộng một mình cô Nguyệt phải cáng đáng. Ba sào ruộng nuôi bốn người, rồi lại phải đèn nhang hàng ngày, rồi lại còn ngày rằm mùng một, giỗ tết. Hoa lợi ba sào ruộng tôi hỏi được bao nhiêu? Ban chủ nhiệm hợp tác xã phải vừa vừa thôi. Ông là đội trưởng, khi đi họp cùng ban chủ nhiệm, phải biết lựa lời bênh vực người ta với chứ. Người dân là thấp cổ bé họng. Nhà chùa cũng là dân, nhưng còn thấp cổ bé họng hơn nhiều.
Người chồng phải mềm dẻo dỗ vợ:
- Tôi bàn thế này mình nghe xem có được không. Tôi đi thì không tiện rồi. Tôi lên chùa tức là mình công khai ủng hộ mê tín dị đoan, chống lại ý kiến của chủ nhiệm hợp tác. Họ chỉ mong có thế thôi. Họ sẽ tước cái chân đội trưởng sản xuất của tôi. Thử hỏi đến lúc ấy, còn có ai là người trong làng này che chắn cho nhà chùa. Riêng mình, mình lên chùa thì chẳng sao cả. Bởi vì mình là con bà cụ Thầm. Mà cụ Thầm đã suốt đời nương bóng nhà chùa. Mình đi ăn giỗ cụ sư già. Đấy là lẽ đương nhiên. Còn thằng Trắm, sự thật nó lên chùa là phải, nhưng cũng như tôi, nó là xã đội phó, là cán bộ, nếu lên chùa cũng không tiện. Cũng may, mấy hôm nay nó đang họp trên huyện. Còn con cái Hiếu, vợ thằng Trắm, nó đang bận con nhỏ. Đàn bà bận con, không lên chùa, thì cũng chẳng ai nỡ trách.
Cái Hiếu, không biết đã đứng ở nhà ngang tự lúc nào, bỗng lên tiếng. Nó nói rõ ràng dứt khoát:
- Thầy u ạ, con đã nghe hết mọi chuyện thầy u bàn tính rồi... vâng... cháu nó đang ngủ say. Con xuống đây giúp u sàng gạo... Mà con xin thưa với thầy thế này. Ông con, cụ chánh ấy, ngày xưa cũng là học trò của sư tổ chùa làng. Ngày xưa con biết sư cụ Vô Úy và ông con vẫn hàng ngày qua lại với nhau, rồi nhận nhau là anh em. Nay ông con chẳng may thiệt phận đi rồi. Nhưng đã là học trò thì dù thế nào cũng vẫn là học trò. Ngày giỗ thầy, học trò phải theo giỗ. Nay ông con mất rồi. Con xin được thay cho ông con lên chùa. Vợ chồng con chưa ở riêng, nên tuy chưa đội gạo lên chùa, cũng xin được đến cúi lạy trước tam bảo.
Xong câu chuyện, cối gạo cũng đã trắng. Hiếu lấy cái trạc chữ Y chống cần cối lên, rồi vét gạo ra sàng sẩy. Chị Thì lấy nắm gạo lên lòng bàn tay xem xét. Nhìn những hạt gạo trắng muốt, thơm thoảng, óng ả, mười hạt như một, mắt chị sáng lên vẻ hài lòng. Cũng khi ấy, con gà sống mơ ngoài chuồng cất tiếng gáy ran.
Chị Thì đổ gạo vào thúng, đặt thêm lên trên gạo một nải chuối, một thẻ hương. Chị khoác lên người chiếc áo dài màu nâu, chiếc áo mà chỉ những ngày trọng đại, một năm đôi ba lần mới xỏ tay vào. Chị Thì đội gạo lên chùa. Theo sau là Hiếu, cô con dâu bồng đứa con vẫn say sưa ngủ. Hiếu lấy chiếc khăn vuông che sương cho con. Miệng Hiếu cắn vào một góc chiếc khăn nên không nói được ra tiếng. Vừa đi, Hiếu vừa nựng con bằng cái thứ tiếng nâng niu ậm ừ trong cổ họng, thứ ngôn ngữ ấm áp của người mẹ. Chẳng ai biết người mẹ đang nói gì với con, nhưng chắc là đứa bé hiểu, bởi vì qua ánh sáng bàng bạc của đêm sáng trời, người mẹ nhìn thấy đứa bé mỉm cười rồi nó lại tóp tép cái mồm trông đến là yêu. Vừa đúng lúc ấy mẹ con chị Thì đã đến trước tam quan. Đã nghe thấy một hồi chuông ngân nga và tiếng mõ trong tòa thượng điện. Sư cụ đã bắt đầu làm lễ.
Không thấy chú An; sư bác Khoan Độ là người nhận lễ. Sau khi đặt nải quả và hương lên bàn thờ, ba mẹ con bà cháu nhà chị Thì ngồi xệp xuống chiếc chiếu sau lưng sư cụ kính cẩn làm lễ. Sau đó họ nhanh chóng xuống ngôi nhà lá cạnh ao chùa giúp cô Nguyệt chuẩn bị cỗ.
Chị Thì và cô Nguyệt gặp nhau tay bắt mặt mừng. Cô Nguyệt khoe luôn:
- Chị Thì à, đêm qua u chị, cụ Thầm về thăm em đấy. Em thấy một con đom đóm rõ là to, rõ là xanh, xanh biêng biếc, cũng lập lòe, nhưng lập lòe rõ là chậm. Cụ già rồi mà. Suýt soát chín mươi mới chết. Chậm chạp như vậy mới đúng là cụ. Em khấn: “U ơi nếu thực là u thương con, u về thăm con thì u hiển linh cho con biết”. Em khấn xong, cây hương trên bàn thờ đột nhiên cháy bùng. Thế mới biết u thật là thiêng...
- Thế thì đúng rồi - Chị Thì xác nhận - Chập tối đêm qua u cũng về thăm chị. Thăm nhà chị trước rồi mới đến thăm nhà em. Chị không khấn như em nhưng chị biết chắc là u. Bởi vì người bay suốt ba gian nhà. Thăm hết các xó xỉnh. Bay cả vào buồng con Hiếu. Cụ thăm cháu cụ đấy. Cụ không hiển linh như ở chùa, nhưng cụ thiêng thì là điều chắc chắn. Bởi vì cụ báo mộng cho chị đấy. Chị thật đoảng. Chạy công điểm hợp tác xã lu bù ngày nọ qua ngày kia đến nỗi lú lẫn quên mất cả ngày giỗ sư tổ trên chùa. Thế là cụ mắng cho một trận. May mà cụ nhắc cho, nếu không em lại phải vất vả một mình.
Cô Nguyệt cười:
- Em đời nào lại chịu làm một mình. Nếu cụ không nhắc chị, thì chỉ lát nữa thôi, em sẽ đến nhà chị bắt chị ra cho bằng được. Chị có quên thì cũng phải nhớ.
Cái Hiếu đã đặt con ngủ xong, chạy ra đãi đậu. Nó hỏi:
- Cô Nguyệt ơi. Nhà chùa năm nay có đỗ xanh mẩy và sóng quá nhỉ.
- Của sư thúc Vô Trần gửi về đấy. Ba bốn năm bặt tăm. Năm nay gửi đỗ lễ về trước. Không biết người có về giỗ cụ năm nay không?
Cô Nguyệt làm cỗ chay thật khéo. Chỉ bằng các loại đỗ, các loại gạo, các loại củ quả, hoa lá, cô có thể chế ra đầy đủ, giò, nem, ninh, mọc... Cách chế biến thật tinh xảo và phức tạp: nào giã nhuyễn, nào cán mỏng, nào gói tròn gói vuông; rồi thì rán, thì hấp, thì đồ, thì chưng... Phải mất tới mấy tiếng đồng hồ mới xong.
Làm lễ Phật ở đại điện xong, sư cụ mới làm lễ cúng ở nhà tổ.
Khoảng mười giờ sáng, có tiếng còi ôtô ở ngoài tam quan. Rồi một chiếc commăngca (ô tô con, có động cơ khoẻ, thường dùng trong quân sự. ) qua cổng lớn chạy vào đỗ ở sân chùa. Rồi một cô gái bước xuống. Cô trạc ngoài hai mươi tuổi. Tóc tết thành hai chiếc đuôi sam dài thả xuống hai bên vai. Cô mặc quần đen, áo sơmi màu trứng sáo, đi dép nhựa. Tay cô xách chiếc làn nhựa đỏ đựng hoa quả và một thẻ hương. Cô có đôi con mắt rất dài và rất đen. Cả mớ tóc trên đầu cô cũng đen nhánh. Ở cô toát ra sự thanh sạch và hiền hậu nhưng thoáng chút buồn buồn. Dáng đi của cô uyển chuyển và khoan thai. Chẳng có chút hấp tấp vội vã. Người xem tướng có thể đoán cô sẽ có một tương lai thanh thản và nhàn nhã.
Sư Khoan Độ bước ra đón khách.
- A di đà Phật - Cô gái cung kính chắp tay trước ngực chào.
- Ai di đà Phật - Sư Khoan Độ trang nghiêm đáp lễ, rồi đỡ lấy chiếc làn đồ lễ, dẫn khách vào chiếc bàn kê ở góc sân - Xin cho nhà chùa được phép hỏi thí chủ...
- Kìa sư bác, không nhận ra được tôi ư. Tôi là người làng Sọ đây mà.
-Dạ...
- Sư bác Khoan Độ vẫn chưa nhận được rồi. Tôi là con ông Vô Trần. Sư bác đã nhớ chưa?
- Vâng. Cô Huệ. Cô khác xưa nhiều quá. Gần chục năm rồi còn gì. Ngày xưa cô còn bé tí. Ngày xưa, cô đi học cùng với chú An... Hóa ra là người nhà... Sư thúc tôi hôm nay có về không?
- Thầy tôi năm nay cứ định về giỗ tổ. Mấy hôm vừa rồi cứ nắc nỏm nhắc tới ngày về. Nhưng hôm qua lại nhận được lệnh phải đi dự một cuộc họp quan trọng. Thành thử, tôi phải về một mình.
Họ làm lễ xong, rồi xuống nhà tổ. Sư cụ Vô úy ngồi ở tràng kỷ. Cô Huệ cung kính khom lưng vái lạy:
- Dạ thưa, thầy con hôm nay bận việc quân đội, sai con về trước là lễ Phật, lễ tổ, sau nữa là thăm sức khỏe sư cụ Thầy con, tuy xa chùa, nhưng luôn nhớ tới sư huynh của người. Khi tổ viên tịch, cha con may mắn được sư thầy dạy dỗ, chẳng khác nào người cha thứ hai... Cho nên, cha con không về được đã sai con thay mặt cha về kính lạy sư cụ. Cha con nói rằng lúc nào cũng đinh ninh trong dạ những lời dạy bảo của sư tổ trước khi ra ngoài đời.
Sau khi Huệ đã làm xong mọi nghi lễ, sư cụ và Huệ ngồi nói chuyện. Sư cụ cứ đăm đăm nhìn cô cháu. Có vẻ sư cụ hài lòng với cô cháu có gương mặt và cử chỉ hiền hậu. Cụ nói:
- Kể từ ngày cải cách, con trốn khỏi làng, dễ thường đã được hơn mười năm rồi đấy. Từ đó không có tin tức của gia đình con. Cũng nghe loáng thoáng người mất kẻ còn, ta xót thương lắm, hôm nay được trông thấy con thế này, ta mừng vô cùng.
Huệ chớp chớp mắt. Câu nói của sư cụ bỗng làm trỗi dậy trong tâm trí cô gái cái đêm kinh hoàng trên con sông Hồng hung dữ. Đêm hôm ấy, hai mẹ con Huệ nhảy xuống dòng sông giữa những con sóng. Nước đã cuốn Huệ đi. Hình như cô đã bám được vào một khúc gỗ. Rồi nước đưa cô vào bãi giữa. Huệ ngất đi chẳng biết gì nữa. Khi cô tỉnh dậy thì thấy mình nằm bên một bếp lửa. Những người dân tứ xứ đến làm ăn vào mùa khô trên bãi giữa đã cứu sống cô. Cô gái gần như hóa câm suốt ngày khóc, phải hàng tháng sau đầu óc mới dần dần tỉnh lại. Cô đi tìm cha. Cũng đúng lúc ấy thì sửa sai. Cô đến Bộ Quốc phòng. Ông Vô Trần lúc ấy là một Chính ủy Trung đoàn cũng có chút tiếng tăm, cho nên Huệ dễ dàng tìm được cha mình. Cả một quãng đời bi thương nhưng cũng không thiếu tình người nồng ấm, vì vậy Huệ mới không hóa điên. Tuy nhiên, dấu vết của quãng thời gian ấy vẫn không phai mờ trong cô. Huệ đã trở thành một cô gái trầm ngâm và có chút u buồn.
Nghe sư cụ hỏi, quãng đời ấy bỗng trỗi dậy, nhưng Huệ không muốn nhắc đến nữa. Cô chỉ trả lời một cách ngắn gọn:
- Bạch sư cụ. Mẹ con chẳng may qua đời. Thầy con thì bận việc quân sự. Con được đi học đến hết lớp mười thì vào học trường y sĩ. Con ở tập thể. Nay sắp ra trường.
- Vậy là rất tốt. Con làm nghề chữa bệnh cho người thật quý hóa vô cùng.
- Bạch thầy. Kỳ này cha con sắp vào chiến trường. Chẳng biết đến bao giờ mới được về thăm sư cụ. Cho nên, không về giỗ tổ lần này, cha con lấy làm băn khoăn lắm.
Câu chuyện dần dần chuyển sang những người làng Sọ. Đến lúc bấy giờ Huệ mới được biết cái Rêu đã trẫm mình ở cái giếng thơm ngoài vườn chùa. Cạnh giếng bây giờ dân làng xin nhà chùa cho xây một cái miếu nhỏ, bởi vì ai cũng tin rằng những bà cô tự tử chết trẻ bao giờ cũng rất thiêng. Nói rằng dân làng đề nghị xây nhưng thực ra là bà Thêu đề nghị xây. Bà Thêu hiện giờ làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, lại là vợ ông chủ tịch huyện. Bà Thêu đã đi bước nữa, ông chủ tịch chồng bà lại chính là anh Khoát, anh cán bộ đội cải cách hét ra lửa khi xưa. Cô Rêu chết trong cải cách ruộng đất, bà Thêu lại lấy anh đội cải cách. Có lẽ trong lòng bà và cả trong lòng chồng bà nữa, đã có chút gì là sợ sệt, là ân hận chăng, cho nên trong việc xây miếu cho cô Rêu, bà và chồng bà tích cực lắm, dù cho việc xây ấy có sinh ra dư luận. Chi bộ bảo thế là mê tín dị đoan, chuyện này có thể ảnh hưởng không tốt tới lập trường, tới con đường công danh tiến lên của ông bà; thế mà ông Khoát, bà Thêu cứ lơ đi, không đếm xỉa đến dư luận.
Khi nói đến Rêu, Huệ cứ đưa mắt nhìn ra cửa như muốn nói một điều gì mà không nói được. Đúng lúc ấy, từ cửa xuất hiện một bóng người, đó là Hiếu. Hiếu nghe tin Huệ về, bế con lên với bạn. Huệ ôm lấy đứa trẻ và tíu tít cùng bạn đủ mọi chuyện:
- Tên thằng bé là gì?
- Tên là Chép.
- Rõ khỉ. Bây giờ là đời mới rồi. Mà nhà chúng mày vẫn cứ đặt tên con như thuở ngày xưa. Sao không đặt tên khác cho nó đẹp.
- Bố là Trắm, con là Chép. Cũng hay cũng đẹp chứ sao.
- Ừ nhỉ! Ông Trắm đâu?
- Thưa với cô, anh Trắm bây giờ là xã đội phó. Sáng nay anh ấy bảo đi họp huyện. Họp gì mà lắm thế. Sắp trưa rồi vẫn không thấy mặt.
- À mà cả... chú tiểu An cũng chẳng thấy đâu.
Nói ra được câu nói mà từ lúc đầu Huệ đã muốn hỏi sư cụ nhưng không dám, Huệ nhẹ cả người. Nhưng nói xong Huệ cảm thấy má mình nóng bỏng. Không biết nóng mặt thế này, má mình có ửng lên không. Huệ thẹn thùng suy nghĩ. Chắc là có ửng. Chẳng thế mà cái Hiếu tủm tỉm cười. Giá mà ở chỗ khác, chắc cái Hiếu phải trêu Huệ đến chết. Nhưng không khí trang nghiêm cửa Phật không cho phép nói những điều sàm sỡ, nên Hiếu nghiêm nét mặt lại ngay. Cô bảo bạn:
- Bây giờ không còn là chú tiểu như xưa nữa đâu. Bây giờ phải gọi An là sư thầy An.
- Bạch cụ, pháp hiệu của sư thầy An là gì, con quen miệng gọi thầy An nên không nhớ được.
Sư cụ hiền từ trả lời:
- Chú ấy đã được thọ giới cụ túc. Ta đặt cho pháp danh là Khoan Hòa. Sư huynh là Khoan Độ. Sư đệ là Khoan Hòa. Khoan Dung và Hòa Thuận. Hòa là hạt thóc. Hòa ở chữ hài hòa, hòa hảo, hòa bình, hòa hiếu... Kể cũng dễ nhớ đấy chứ.
Nghe sư cụ giảng giải chữ Hòa, mắt Huệ cứ như mơ màng. Nó vốn đã buồn buồn, lúc này hình như lại buồn thêm một chút. Rồi sư cụ bỗng dưng sực tỉnh và có vẻ ngạc nhiên:
- Có lẽ sắp đến ngọ rồi nhỉ. Quái lạ sao hôm nay thầy An về muộn thế. Mọi hôm chỉ khoảng chín giờ là về.
- Bạch cụ, hàng ngày sư thầy An vẫn phải đi đâu mà chín giờ mới về? - Huệ ngạc nhiên hỏi.
- Chả là thế này. Bà Thêu chủ nhiệm hợp tác vừa đến chùa giải thích: Mọi công dân dù ở nhà hay ở chùa đều vẫn là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong độ tuổi lao động, thì người công dân phải đóng góp ngày công cho việc xây dựng làng xã. Anh An tuy đi tu, nhưng dù sao vẫn là công dân. Vậy thì, mỗi năm anh An phải đi đắp đê hoặc làm việc công ích mười lăm ngày. Đợt này, hợp tác xã gọi An đi đào mương. An còn phải học tập và làm phật sự ban ngày. Cho nên An xin phép được nhận khoán và làm việc ban tối. Mỗi ngày khi đánh kẻng, xã viên ra đồng đào mương. Hết giờ, khi đánh kẻng mọi người ra về, thì An ra đồng nhận việc. Hợp tác xã cắm cột mốc giao khoán. An tranh thủ, lúc thì làm vào buổi hoàng hôn, lúc thì làm trước buổi bình minh cho đến khoảng chín giờ thì về... Mà thôi, thế này vậy nhé. chắc thầy An mắc bận chuyện gì đó. Đã trưa rồi. Chả có khách lạ. Chỉ toàn người nhà. Ta để phần thầy An. Xin dọn cỗ ở nhà tổ để tất cả mọi người cùng thụ lộc tổ.
Cỗ được bày trên bàn. Mọi người ngồi hai bên tràng kỷ. Mọi người mới bưng bát lên thì nghe tiếng con chó già rít lên mừng rỡ. Rồi một bóng người xuất hiện ngoài sân. Con chó già cứ bíu lấy ríu rít, nhảy chồm lên tới ngực anh ta. Sư cụ cười:
- An đã về hả con? Thôi, vàng ơi, buông ra cho thầy mày đi chứ. Gớm! Mới xa nhau từ sáng tới giờ... cứ làm như thể đã xa nhau hàng tháng. - Nói xong, sư cụ cười móm mém và bảo:
- Chú An rất có duyên với súc vật. Từ khi chú ở chùa, thường dễ đã nuôi đến gần chục con chó. Con nào cũng quấn quýt với chú ấy. Còn nhớ cái bận thầy trò ta đi tù. Lúc ấy nhà chùa nuôi con chó vàng. Khi chú An bị bắt, con vàng lồng lộn như điên định cắn các anh du kích. Người ta phải cho chú An dừng lại ngồi xuống, ôm lấy nó, vuốt ve nó, như thế mới móc được cái xích vào cổ, và có thế du kích mới giải chú An đi được.
Sư cụ Vô Úy nói đến đấy thì dừng lại. Hình như cụ cảm động khi nhắc lại chuyện xưa. Cô Huệ nhìn cụ sư già, đọc thấy những tình cảm trìu mến trên gương mặt cụ, đọc được cả tình cảm đặc biệt ấy trong giọng nói buồn buồn của cụ ở đoạn cuối câu chuyện:
- Có phải không nhỉ, hả thầy Khoan Độ... Khuyển mã chi tình mà. Chú An đi thì con chó cũng bỏ ăn. Thầy Khoan Độ phải dỗ dành: “Con cố mà ăn, cố mà sống. Kẻo rồi lúc chú An về, thầy trò lại chẳng được gặp mặt nhau”. Con vật hiểu được tiếng người đấy. Nghe câu ấy, con chó mới chịu ăn. Nhưng ăn lẻo lớt quá nên cứ ốm lơ ốm lửng. Nó gần chết thì có tin sửa sai. Thầy Độ lại bảo nó: “Cố mà sống thêm vài hôm nữa. Chờ tôi đi đón sư cụ và chú An về hãy chết”. Con vàng nghe vậy liền cố gắng sống thật. Khi chúng tôi về đến chùa, nó còn đủ sức bò ra đến sân trước. Khi chú An ôm nó vào lòng, nước mắt con chó chảy ròng ròng. Chỉ đến lúc ấy nó mới chịu nhắm mắt.
Huệ đăm đăm nhìn người bạn thuở ấu thơ đứng ở thềm nhà tổ. Không còn nhận ra được người bạn thân thiết hiền lành thuở nào. Đó là một chàng trai cao cao gầy gầy. Đầu cạo trọc nhẵn. Môi đỏ. Mắt sáng. Trán rộng. Trẻ măng mà đã có những nếp nhăn. Giá như anh không mặc bộ quần áo nâu bạc, và không có nước da ngăm ngăm dãi dầu, thì ta tưởng anh là một thư sinh hơn là một nhà sư. Thầy An tức là thầy Khoan Hòa tay chắp trước ngực:
- Bạch thầy, con về muộn. Đào mương xong con định về thì có lệnh phải lên ủy ban. Con xin lỗi và chào chư vị.
- Có việc gì không hả con?
- Dạ chuyện bình thường. Chuyện riêng thôi ạ.
Huệ vẫn đăm đăm nhìn An, không nói một lời. An vẫn chưa nhìn thấy Huệ. Cô Hiếu vừa chỉ vào Huệ vừa lên tiếng hỏi:
- Thầy An có biết ai đây không nào?
Lúc bấy giờ An mới nhìn cô gái lạ.
- Dạ... thưa... tôi chưa... À... À... Có phải... cô Huệ không ạ... Vâng... Đúng là cô Huệ... con sư thúc phải không ạ.
Mọi người đều cười, khen sư thầy có trí nhớ lâu. Đã mười năm rồi mà vẫn có thể nhận ra người bạn thuở nhỏ.
Mọi người liền ngồi nhích ra, để thầy An ngồi cạnh cô Huệ. Bữa ăn chay bỗng trở nên vui vẻ. Nó không đông người nhưng hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì có nhiều người từ xa đến, mà hoàn hảo vì những người có liên quan đến những vui buồn của ngôi chùa đều có mặt, hoặc ít nhất cũng cử những hậu duệ của mình đến dự. Hậu duệ nhỏ bé nhất là thằng cu Chép. Nó mới hơn một tuổi đang bi bô tập nói. Nó reo lên nói tiếng “Giò! Giò!”. Sư cụ gắp cho bé hai miếng giò chay. Mỗi tay một miếng. Người ta không nhắc lại chuyện buồn mà chỉ nói chuyện vui. Lúc bấy giờ Huệ mới bảo An:
- Em chịu không nhận được ra anh. Thế mà anh vẫn nhận ra em. Tài thật.
- Tài gì cơ chứ. Đôi con mắt ấy thì quên sao được.
- Đôi mắt làm sao?
- Mắt dài khác hẳn mọi con mắt. Và buồn nữa chứ.
- Buồn ư? Anh tài đoán thật. Nhưng đừng tưởng... Em cũng có tài đoán người khác đấy.
- Cô đoán được gì ở tôi nào?
- Đoán rằng anh đang tư lự. Muốn giấu một điều gì nhưng giấu không nổi. Có đúng không nào?
-... Thì... thầy bói đoán mò.
- Chẳng mò đâu... Có chuyện gì mà phải lên ủy ban? Thử thành khẩn xem nào...
- Ờ... ờ...
- Đúng rồi chứ gì. Sợ nói ra, mọi người ăn mất ngon chứ gì...
Hai người còn đang truy hỏi nhau thì con chó già bỗng cắn rộn lên ở phía tam quan. Có tiếng người dậm chân vỗ tay dọa con chó. Chú chó già từ sân trước cứ lùi dần, lùi mãi cho đến sân nhà tổ. Đến đây, cậy có mọi người, nó không lùi nữa, mà đứng ngay giữa sân hung hăng sủa váng trời đất. Người truy kích con chó là một trang thanh niên vạm vỡ tóc rễ tre đen nháy, lông mày rậm đen nháy. Con người cao to lực lưỡng đó cất tiếng ồm ồm:
- Con xin chào sư cụ ạ.
Người reo lên đầu tiên bằng thứ tiếng bi bô là cu Chép:
- A a... Bố! Bố!
Sư cụ thân chinh đứng dậy ra đuổi chó và nghênh tiếp anh Trắm xã đội phó. Trắm nói, sau khi bước vào nhà:
- Hôm nay là ngày giỗ sư tổ. Bà ngoại con, gia đình con đã được ăn mày cửa Phật. Con phải có mặt trong một cuộc họp trên huyện nên bây giờ mới tới được để dâng hương cúng tổ.
Sự cụ Vô Úy hôm nay rất vui. Có lẽ sự có mặt của cô Huệ đã góp nhiều vào niềm vui ấy. Đã bao năm rồi bặt tin của Vô Trần, hôm nay cụ mới nhận được đầy đủ tin tức về gia đình người sư đệ lưu lạc này. Dù ông ta không về chùa được, song Huệ đã về, tức là ông ta vẫn không quên cái ngôi chùa làng vô danh này, tức là ông ta vẫn không quên người đồng đạo sư huynh đã rất yêu mến ông, cùng chia ngọt sẻ bùi với ông suốt một thời ấu thơ. Ông sư già lạc vào những suy tưởng, bỗng giật mình vì cái giọng trầm ồm ồm của anh xã đội Trắm. Anh ta đang nói với cụ đấy:
- Bạch sư cụ. Bữa nay nhân tiện họp mặt cả nhà đầy đủ con cũng xin thưa với cụ một điều, một tin thật là quan trọng. Mà cũng có thể đó là tin vui... xã cân nhắc khá kỹ lưỡng... Mà huyện cũng cần nhắc cẩn thận... Đối với nhà chùa, đây cũng là sự tin tưởng ở trên...
Anh xã đội cất lời đã làm mọi người chú ý. Cách nói rề rà, vòng vo của anh ta càng làm mọi người chú ý, chờ đợi. Chờ đợi, bởi vì cái ý chính anh ta nói mãi vẫn chưa hiện ra. Cuối cùng, Trắm mới độp một câu:
- Trên đã ra quyết định: Kỳ này chú An được nhập ngũ, kỳ này chú An sẽ là anh bộ đội cụ Hồ.
Mọi người đưa mắt nhìn An. Người sư trẻ đầu hơi cúi. Tự nhiên An thấy mặt mình nóng lên. Huệ cũng quay sang nhìn An. Đôi mắt cô mở to. Cô là người đầu tiên nói lên sự ngạc nhiên:
- Sư mà cũng đi nghĩa vụ quân sự sao?
- Chứ sao! Ai chả có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. - Trắm hồn nhiên nói to giải thích - Chú An hai tư tuổi, khỏe mạnh, thông minh, được sự dạy dỗ chu đáo của nhà chùa. Kỳ này, vào bộ đội, ở một môi trường mới, chú càng được dạy dỗ và rèn luyện chu đáo hơn. Mà, vào bộ đội đâu có dễ. Con ông trưởng bạ, học hết lớp chín, làm đơn tình nguyện cũng có được đi đâu. Trên không duyệt thành phần bóc lột. Còn chú An, người ta biết cả cha lẫn mẹ đều bị giặc Pháp giết. Thành phần trong sạch. Vinh dự lắm chứ! Sáng nay tôi họp trên huyện cũng là vì chuyện ấy. Lúc nãy, mời chú An lên xã cũng là vì chuyện ấy...
Huệ nói riêng với An, lúc ấy vẫn còn đang cúi đầu:
- Nào! Em xin có lời chúc mừng anh bộ đội. Nào! Cứ giấu mãi! Thế mới biết em xem tướng tài thật. Lúc nãy em đoán anh tư lự như giấu một điều gì. Hóa ra là việc anh sắp đi bộ đội...
Đến đây, mọi người tưởng câu chuyện chỉ có thế, thì Trắm lại tuyên bố thêm một câu nữa làm mọi người càng ngạc nhiên thêm:
- Kỳ này, cả tôi cũng gia nhập quân đội. Trên cũng cân nhắc và đồng ý rồi. Làng Sọ chúng ta đã đăng ký rồi: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.
Bây giờ thì đến lượt cô Hiếu, vợ anh cũng tròn mắt ra ngạc nhiên.
Hóa ra, bữa tiệc chay hôm nay, ngoài việc giỗ tổ, còn là buổi họp mặt kính cáo lên chư Phật và chư tổ rằng, từ ngôi chùa quê nhỏ bé này, có hai người con sắp sửa lên đường.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa