Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Herman Wouk
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1585 / 27
Cập nhật: 2015-09-18 09:02:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24: Sổ Ghi Bí Mật Của Maryk
au khi chiếc Caine rời khỏi Funafuti với đoàn tàu hộ tống về hướng Noumea không bao lâu thì trong đám sĩ quan đồn đại rằng Steeve Maryk thường viết lách mỗi đêm rất khuya. Anh ta kéo kín màn cửa, khi một lượn sóng ngang làm hé lộ tấm màn, qua ánh đèn le lói trên đầu giường người ta thấy anh ta chăm chú nghiêng đầu xuống một cuốn sổ vàng úa và cắn ngòi bút. Nếu có người đi tới phòng, anh ta vội vã xếp gọn cuốn sổ ngay lập tức.
Lẽ tất nhiên trong nếp sống xô bồ trên chiếc Caine, một lời đồn như vậy cũng làm đám sĩ quan vui nhộn không ít. Ai cũng bảo là Maryk đang viết một tập tiểu thuyết, làm anh ta mắc cỡ, cười và chối bai bải. nhưng anh ta cũng không nói đó là cái gì, chỉ hé lộ sơ sơ rằng "đó là một việc tôi phải làm". Những lời tuyên bố như vậy làm cho anh em cười đùa chế nhạo thêm. Vào một bữa ăn tối Willie và Keefer cùng nhau phỏng đoán tựa và đề tài của cuốn tiểu thuyết. Cuối cùng Keefer đặt tên cho quyển sách là Bình An Vô Sự Trên Mặt Trận Khói Vàng, và bắt đầu bịa ra một lô các tựa đầy khôi hài cho các chương sách, rồi thêm vào những nhân vật và biến cố câu chuyện, trong một bối cảnh rằng tiếu lâm liên quan đến hạm trưởng, cô gái Tân Tây Lan mặt đầy mụn và Maryk. Các sĩ quan khác nhào vô ăn có, và mỗi người xía thêm vô nhiều chuyện nhộn hết cỡ. Cả bọn cười ầm lên cho tới khi Queeg quay điện thoại tới giận dữ hỏi lý do những tiếng um xùm rùm beng trong phòng ăn sĩ quan, lúc ấy trật tự mới được vãn hồi và kết thúc chuyện tào lao bữa cơm tối hôm đó. Thế nhưng cũng còn những điều vui đùa khác về cuốn tiểu thuyết của Maryk lâu lâu vẫn làm mọi người hứng thú và chuyện này kéo dài đến mấy tháng. Việc Maryk vẫn tiếp tục viết và lại cứ giữ bí mật thỉnh thoảng lại hâm nóng những chuyện cười đùa của các sĩ quan.
Thực sự ra Maryk bắt đầu ghi chép những lố bịch và những hiếp đáp quá đáng của hạm trưởng, quyển sách có nhan đề "Sổ ghi sức khỏe của hải quân thiếu tá Queeg". Anh giữ kỹ quyển sách trong một hộc tủ có khóa an toàn. Sợ rằng ông hạm trưởng có ghi mã số của tất cả những ổ khóa, một đêm Maryk âm thầm mở khóa và đổi lại bộ mã số. anh cẩn thận bỏ mã số mới vào bì thư, niêm phong hẳn hòi, và giao cho Willie giữ, dặn chỉ mở ra khi anh ta chết hoặc bị mất tích.
Tháng này qua tháng kia, cuốn sổ nhật ký mỗi ngày càng dày thêm lên. Vì được gởi tới Funafuti, chiếc Caine được đặt dưới sự điều động của Bộ chỉ huy Tây Nam Thái Bình Dương, đệ thất hạm đội, và từ đây bắt đầu chuỗi ngày cực nhọc với công tác hộ tống nhàm chán buồn tẻ. những chiếc trục lôi hạm lỗi thời này, một bày con mồ côi của hạm đội, không thuộc một bộ chỉ huy nhất định nào, có khuynh hướng tạm thời được coi là những tên nô lệ của các lãnh chúa hải quân trong vùng. Lúc bấy giờ viên tư lệnh đệ thất hạm đội cần nhiều chiến hạm hộ tống các lực lượng đổ bộ đi về giữa cái sa mạc nước biếc của vùng Nam Thái Bình Dương. Khi đoàn hộ tống từ Funafuti tới Noumea, chiếc Caine được biệt phái đi Guadalcanal với một toán L.C.I, một loại tiểu đỉnh đổ bộ chạy có bảy gút. Sau một tuần lễ đậu ở bãi neo tại Guadalcanal chiếc Caine bị gửi trả về Noumea, rồi từ đó đi qua hướng tây về New Guinea, trở lại Noumea, đi trở lên Guadalcanal, trở xuống lại Noumea, rồi từ đó qua hướng đông về Funafuti, chỉ để thoáng gặp chiếc Pluto thân mến, rồi lại đi về phía tây trực chỉ Guadalcanal, và xuống lại phía nam về hướng Noumea.
Những ngày tiêu tán trong tuần, những tuần lễ chìm mất trong tháng. Thời gian như ngừng hẳn lại. Đời người như cái bánh xe của chiếc đồng hồ, là một nối tiếp của việc làm hành chánh giấy tờ, một giấc mơ nóng lạnh chen lẫn với ánh sáng chói chang, những ngôi sao sáng rực, nước biếc long lanh, đêm nóng, ngày oi ả, và những loạt mưa, những nhật ký phải ghi chép, báo cáo hàng tháng phải nộp, bảng kiểm soát định kỳ phải làm…và tất cả các thứ này thường xuyên lặp đi lặp lại đến nỗi là như tháng trôi qua nhanh chóng không khác gì ngày, và ngày trôi qua chậm chạp như những tháng, và tất cả thời gian đi qua trơn tru không hình dáng, chảy tan như sô cô la trong phòng ăn và như những miếng bơ trên dĩa bơ.
Trong khoảng thời gian tù túng dài lê thê này, hạm trưởng Queeg trở nên càng gắt gỏng, càng trầm lặng, càng lạ lùng. Mỗi khi ra khỏi phòng là mỗi lần theo thói quen ông ta làm nhiều điều gàn dở, được ghi chép rất kỹ trong sổ sách của Maryk. Ông ta cho nhốt thủy thủ dưới hầm dây neo, và các sĩ quan thì bị quay dài dài, ông ta hạn chế cà phê, nước, khi người phụ trách chiếu phim quên thông báo ông lúc bắt đầu chiếu thì ông ta cấm xem phim luôn sáu tháng. Ông ta không ngừng đòi hỏi những báo cáo viết tay, rồi các vụ điều tra này nọ đủ thứ. Có lần ông ta bắt buộc các sĩ quan họp suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ để khám phá coi người thủy thủ ban ẩm thực nào đã làm cháy cái máy pha cà phê (chả bao giờ tìm ra được thủ phạm và Queeg bớt tất cả mọi người hai mươi điểm trong kỳ phê điểm khả năng). Ông có thói quen mời sĩ quan tới họp vào giữa đêm khuya. Tình trạng bất thân thiện ra mặt giữa ông và các sĩ quan theo đúng als ông tuyên bố sau bản án của Stilwell trở thành một lối sống quen thuộc đối với các sĩ quan. Các sĩ quan chỉ có thể ngủ bốn hay năm giờ mỗi đêm. Một nỗi mệt mỏi lắng đọng trên tâm khảm mọi người. ai cũng mệt mỏi tới xương, trở nên nóng nảy dễ cáu kỉnh, sẵn sàng gây gỗ. tuần này qua tuần khác tiếng điện thoại nhức tai trong phòng ăn sĩ quan với lời gọi "Yêu cầu..đến phòng hạm trưởng" càng làm cho các sĩ quan khó chịu, đến nỗi phát bệnh. Trong lúc đó Maryk cứ bình tĩnh kiên nhẫn ghi thêm vào những trang mới của cuốn sổ bí mật.
Vào đầu tháng sáu, họ thoát được cái việc hộ tống nhàm chán cho đệ thất hạm đội, chiến hạm vừa nhận được lệnh hành quân tiến chiếm đảo Saipan. Chiếc Caine được chỉ định làm chiến hạm bình phong của dội chuyển vận đổ bộ chính yếu. Rõ ràng là một niềm vui của tất cả sĩ quan và đoàn viên. Chiến hạm cũ kỹ này chạy hết tốc lực vượt qua vùng biển nguy hiểm để nhập vào lực lượng tấn công ở Eniwetok. Nếu phải chọn lựa giữa việc phải đi qua vùng lửa đạn và sự phải kéo dài của cái tạp dịch hộ tống buồn bã kia, thì tất cả sẽ hoan nghinh nhiệt liệt bỏ phiếu hai mươi trên một để tham gia cuộc chiến. thà chết nơi bom đạn còn hơn chết mòn ở mấy nơi xó xỉnh!
Trong ngày đầu cuộc tiếp chiến, Maryk đã ghi một tiết mục ngắn nhất và quan trọng nhất trong sổ ghi y lý: một sự việc liên quan tới Willie Keith.
Vào ngày đổ bộ, một giờ trước khi bình minh ló dạng, trong màn đêm xanh biếc đảo Saipan bắt đầu hiện lên rõ nét ở chân trời. Willie ngạc nhiên thấy mình chợt sợ hãi vô cùng. Anh thấy bị bẽ mặt vì vừa khi kề cận đến cái kinh nghiệm chiến trận lần thứ hai này mà đã cảm thấy sợ sệt trong khi lần trước anh đã chiến đấu rất oai hùng. Lần này anh đã mất hẳn cái thơ ngây của mình. khói lửa và tiếng động dữ dội trên bãi biển Kwajalein với những cảnh tàn phá, những cảnh người ngã gục đã ăn sâu vào tạng phủ của anh cho dù lúc đó anh đang ngân nga bài Begin the Beguine.
Khi mặt trời vừa tỏa chiếu, cảnh đẹp của Saipan trong chốc lát đã làm Willie quên cái sợ. với những mảnh vườn, những khu đất cao làm người ta phải hình dung ra những bức tranh Nhật bản thường thấy trên những tấm chắn gió hay là trên những hũ đồ gốm, một đáo lớn có nhiều quả đồi tròn trịa xanh um với một số căn nhà mộc mạc rải rác, nổi lên giữa biển cả bao la xám xịt này. Một làn gió nhẹ thơm phức mùi hương của hoa dại thổi ra biển. Nhìn thoáng ra phía sân trước dơ dáy của chiến hạm, anh thấy toán hải pháo của ổ súng số một đã tập họp đầy đủ, áo quần trây di rách nát, phao cấp cứu với nón sắt, đang đứng nhìn về phía bờ, Willie chợt có tí ti cảm tình với mấy chú Nhật. anh ý thức được số phận sẽ dành cho một loại người bé nhỏ, da vàng, xả thân cho Thiên hoàng, và sắp bị tiêu diệt do bọn người da trắng cao lớn, ồ ạt tới từ mọi phía với những cơ giới phun lửa đạn. Cho dù với các cuộc dội bom từ phi cơ và các cuộc hải pháo có tô điểm thêm cho cái đẹp hoang sơ của hải đảo này bằng những cụm lửa và các hòn nấm của bụi mù và khói súng, thì cây cối xanh tươi ở đây cũng không hề bị hoàn toàn hủy hoại như ở Kwajalein. Các toán xuồng đổ bộ hình như đang hướng về phía một bãi sân chơi chứ không phải đang tiến vào chỗ một pháo đài kiên cố nguy hiểm…
Chiếc Caine được gởi đi tuần tra do thám tàu ngầm khi cuộc đổ bộ bắt đầu, chạy vòng vòng theo hình số tám trong một khoảng dài cỡ mấy ngàn thước. Mười hai chiến hạm khác cũng nhập vô, chạy tới chạy lui với vận tốc 10 gút để trải ra một hình chắn cánh quạt hầu bảo vệ những chiến hạm chuyển vận đổ bộ neo gần bãi biển. Chỗ này có vẻ an toàn, dần dà tâm trí của Willie được khá hơn. Tinh thần của anh phấn khởi lên khi anh để ý thấy Queeg cứ di chuyển từ phía nọ tới phía kia của đài chỉ huy cốt để núp khỏi phải đưa thân mình về phía bãi biển. Lần này thì không có sai chạy gì cả, bởi vì là chiến hạm cứ đổi hướng ngược sau mấy phút, đều đặn như quả lắc đồng hồ, mỗi khi chiến hạm đưa một phía về hòn đảo Saipan thì Queeg chậm rãi đi qua phía bên kia. Đây là dịp hiếm có cho Willie tỏ ra khinh miệt hạm trưởng bằng cách làm ngược lại ông ta. Anh có cảm thấy là các thủy thủ đã để ý đến dáng điệu cử chỉ của ông ấy, họ trao đổi những nụ cười và nói lén nhau về hạm trưởng. cứ mỗi lần chiến hạm thay đổi hướng độ thì Willie ngang nhiên đi qua phía bên kia, nhưng Queeg hình như chẳng chú ý tới việc này.
Mọi việc đều êm ả trôi qua trong khu vực tuần hành cho tới trưa hạm trưởng cho giải tán nhiệm sở tác chiến rồi ông ta đi xuống phòng. Willie được thay thế, mệt nhoài vì đã thức hơn ba chục tiếng đồng hồ vừa qua, thế nhưng hạm trưởng lại cấm ngủ ban ngày, việc này làm Willie hơi ngần ngừ rồi anh cũng đi xuống phòng mình. Anh biết rằng Queeg đang ngủ say phí dưới, nhưng vẫn có nguy cơ là ông ta có thể tự nhiên tới phòng ăn sĩ quan bất cứ lúc nào. Willie bèn leo lên trên cánh đài chỉ huy, nằm trên boong tàu, ngủ vùi suốt bốn tiếng đồng hồ như một con mèo dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Sau đó anh đi vô trở lại phòng lái nhận phiên hải hành buổi chiều, người thấy sảng khoái hơn. Keefer giao ống nhòm cho anh được một lúc thì một chiếc Corsair của hải quân bay từ những ngọn đồi phía bắc của hòn đảo về hướng chiếc Caine. Bất chợt chiếc phi cơ nổ tung ra thành một bó hoa rực lửa, đâm chúi xuống biển làm bắn lên một tia nước khổng lồ, giữa chiếc trục lôi hạm với một chiến hạm tuần tiễu khác, chiếc khu trục hạm mới tinh Stanfield. Willie liền điện thoại cho hạm trưởng:
- Ờ, chạy thẳng tới đó với vận tốc hai chục gút - hạm trưởng vừa ngái ngủ vừa trả lời.
Chiếc Caine và chiếc Stanfield cách nhau không tới một ngàn thước nơi xảy ra tai nạn. Queeg leo lên đài chỉ huy, quần kaki ngắn và đôi dép ngủ, miệng vẫn còn ngáp. Không có dấu vết gì của chiếc phi cơ bị nạn ngoài một vũng xăng lênh láng trên mặt nước.
- Vĩnh biệt Corsair! - Queeg nói.
- Nó chìm như một cục đá - Willie thì thầm.
Anh liếc nhìn người hạm phó béo phì nhỏ thó và cảm thấy một chút hổ thẹn giùm cho ông ta. Willie tự hỏi, làm sao anh lại có thể mất hết đi ý niệm về tính chất tương đối của hoàn cảnh, để cho một tên quỷ quái khôi hài đại nhạc kịch như Queeg có thể làm anh khó chịu hay phiền muộn được nhỉ? Một người vừa mới chết trước mắt anh.
Hệ thống truyền tin liên chiến hạm đã cho biết có tới cả ngàn người chết ở bờ biển. anh chẳng hề thấy máu chảy trên chiếc Caine bao giờ, ngoại trừ một tên bất cẩn bị thương khi dùng các dụng cụ sửa chữa. Willie tự nhủ "Tôi đang trên đà nguy hiểm để trở thành một kẻ đớn hèn khóc lóc cho cái thân phận hẩm hiu của mình, một kẻ không ra gì trong cái đời sống quân ngũ này…"
Thình lình từng khối nước trắng xóa dội lên từ mặt biển ở hai bên hông chiếc Stanfield. Trong khoảnh khắc chưa tới một giây đồng hồ, Willie bị rối loạn và sợ rằng đó là những hiện tượng lạ lùng của khí tượng miền nhiệt đới. Anh bổng la lớn:
- Hạm trưởng, chiếc Stanfield bị pháo đó!
Quegg nhìn những cụm nước đang lắng xuống và hét lớn trong phòng lái:
- Hai máy tiến hết tốc lực, tay lái hết bên phải!
- Kìa kìa, hạm trưởng - Willie vừa nói vừa chỉ một tia chớp sáng màu cam, theo sau là một đám khói đen, vừa thoát ra từ trên dốc đá về hướng bắc - đó là ổ súng trên bờ đó, hạm trưởng.
Anh chạy ra ngoài đài chỉ huy, phía trong bờ, và gọi:
- Nhân viên trực hải pháo!
Jorgensen ló đầu lên:
- Dạ trung úy?
- Anh nhắm vào các ổ súng trên bờ vào hướng 045, khoảng cách 4000, phía trên mấy mỏm đá. Kìa, anh thấy mấy ánh lửa không? Chĩa súng vô đó.
- Dạ vâng, trung úy. Chĩa tất cả súng vào các ổ đại pháo phía bờ, hướng 045, cao độ 10, khoảng cách 4000!
ChiếcStanfield quay tròn trong một vòng chật hẹp chung quanh các cụm nước, trong khi nó quay như vậy, các ổ súng 137 ly nã đạn rền trời. Willie thấy mấy người thủy thủ trọng pháo tàu mình chạy tới nhiệm sở. Những ổ súng 76,2 ly trước mũi nhắm vào đích, cứ phải quay dần về phía sau lái vì chiến hạm đổi hướng theo lệnh đài chỉ huy.
- Tay lái số không! giữ nguyên hướng độ! - Queeg la lớn.
Chiếc trục lôi hạm đi về hướng ngược lại với các ổ đại pháo trên bờ, chạy 20 gút. Willie nhảy mau tới phòng lái:
- Hạm trưởng, các ổ súng của mình sẵn sàng chĩa về hướng đích!
Queeg làm như không nghe gì cả. Ông ta đứng nép mình trước một cửa sổ đang mở, một nụ cười trên môi.
- Hạm trưởng, tôi xin phép tàu quay lại và tác xạ vào các ổ đại pháo trên bờ! các ổ súng chĩa vào vị trí địch, hạm trưởng.
Các ổ súng của chiếc Stanfield lại nã thêm hai loạt đạn. Queeg vẫn điềm nhiên, không nhúc nhích, cũng chẳng buồn quay lại.
- Hạm trưởng - Willie nói với giọng cả quyết - tôi xin phép khai hỏa ổ súng thứ tư, phía sau thông trống không vướng gì cả, hạm trưởng.
Queeg không hề nói một tiếng. Viên sĩ quan chạy ra ngoài, đến tận lan can nhìn chiếc khu trục hạm càng lúc càng nhỏ dần, súng của nó vẫn nổ rền. Một đám mây khói đen bao phủ nơi các ổ đạn đại pháo của các dốc đá bờ biển. Lại một loạt lửa đỏ rực phun lên giữa đám khói mờ. thêm một lần nữa chiếc Stanfield bị pháo. Nó phản pháo liền bốn loạt đạn. Các ổ đại pháo trên bờ đã im tiếng, hay ít nhất không còn thấy những cụm nước nổi bắn lên chung quanh khu trục hạm. thế nhưng chiếc Caine đã quá xa, để cho Willie có thể nhìn rõ.
Sau bữa ăn tối, anh kín đáo kể hết ngọn ngành cho Maryk nghe. Viên hạm phó ậm ừ mà không đưa ra một lời bình phẩm nào. sau đó trong đêm tối ông ta viết vào sổ ghi:
"!9 tháng sáu, Saipan. Một biến cố tôi không phải là nhân chứng, do người sĩ quan trưởng phiên thuật lại. anh ta kể rằng chiếc Caine đã tìm kiếm dấu vết của một phi cơ vừa rơi xuống biển cùng với một khu trục hạm khác. Chiếc khu trục hạm cách xa bên hông chiến hạm chiến tranh cỡ 1000 thước, đã bị các ổ đại pháo trên bờ pháo kích. Hạm trưởng liền ra lệnh đổi hướng và chiếc Caine chạy đi xa mà không bắn một phát súng nào, mặc dù các ổ súng của địch nằm trong tầm tác xạ của tàu chúng tôi, và các ổ súng đã sẵn sàng nhắm vào ổ súng của địch".
Chiến trận ở Saipan chưa chấm dứt thì chiếc Caine được lệnh rời vùng và đi hộ tống một tuần dương hạm bị hư hại đến Majuro. Đến đây chiếc Caine chấm dứt việc tham dự vào cuộc chiến ở quần đảo Marianas. Nó chẳng hề có mặt ở trận dội bom Turkey Shoot hay là cuộc đổ bộ đảo Guam, trong khi xảy ra những biến cố huy hoàng này nó trở lại vùi đầu vào các tạp dịch hộ tống. từ Majuro, nó lại đi theo một hàng không mẫu hạm tới Kwajalein, một cái đảo Kwajalein buồn bã này với đầy dẫy những trại lính. Cỏ cây vàng úa mọc viền theo phi đạo trên bãi cát và nơi bãi biển thì toàn là những xe ủi đất với những chiếc xe Jeep. Willie nghĩ thật là kỳ dị khi lính Mỹ tới đây thì những hòn đảo nhiệt đới xinh xắn xưa kia đã trở thành vóc dáng vô duyên ccz bãi đậu xe ở Los Angeles.
Chiếc trục lôi hạm cũ kỹ lại tiếp tục đi hộ tống chiếc hàng không mẫu hạm tới Eniwetok, từ đó nó được lệnh đi về Kwajalein với mấy chiếc dương vận hạm, rồi nó lại trở về Eniwetok với một tàu dầu. Tháng tám đến nơi rồi và chiếc Caine tiếp tục làm cái việc đưa đón đi đi về về giữa những quần đảo san hô trong trung bộ Thái Bình Dương, và lần này dưới sự điều động của bộ Tư lệnh đệ ngũ hạm đội.
Đời sống trên chiến hạm y như cũ, nghĩa là buồn chán không thể tả. Trong một thời gian ngắn, chẳng có chuyện gì quan trọng lớn lao để Maryk ghi vào cuốn sổ của mình. Không có gì mới cả. Tất cả những đặc tính của mọi người đều đã được phơi bày, kể cả Queeg cũng chẳng làm cho ai ngạc nhiên thêm một cái gì cả. hôm nay thì y như ngày hôm qua, và ngày mai thì cũng không khác ghì hết, cái nóng oi bức, những lộ trình ngang dọc chữ chi, các cuộc gây gổ, việc làm giấy tờ, những buổi đi phiên, máy móc hư hỏng và những rầy la mè nheo bất tận của hạm trưởng.
Mùi vị kỷ niệm của thời gian buồn tẻ này vẫn còn in dấu hằn trong đầu óc Willie và nó gắn liền với bản nhạc Oklahoma. Jorgensen kiếm được cái dĩa hát này ở Majuro. Anh ta cứ cho chạy cái dĩa hát này ngày đêm trong phòng ăn sĩ quan, mà nếu không phải là anh ta thì nhân viên truyền tin hết người này tới người kia mượn để phát thanh ầm ĩ trên loa phóng thanh cho tất cả nghe.
Trong hết đoạn đời mình, Willie sẽ không thể nghe được:
Don’t throw….
Bo.. Kays at me…
Mà lòng không khỏi bị tràn ngập trong một khoảnh khắc cái cảm giác của không khí nóng bức, buồn thảm, sự kiệt quệ thần kinh đến tận cùng như phải hét lên.
Willie phải chịu phụ trội một gánh nặng trên vai. Xưa kia là kẻ được yêu vì, giờ đây đột nhiên trở thành cái bung xung của các sĩ quan. Cái đổi thay này hình như xảy ra sau vụ Stanfield. Cho tới lúc đó thì Keefer là mục tiêu chính của Queeg, nhưng bây giờ người ta thấy hạm trưởng ưa chĩa mũi dùi tấn công vào trung úy Keith. Vào một bữa ăn tối Keefer trịnh trọng tặng cho Willie một món quà, là cái bung xung cắt ra từ tờ quảng cáo rượu bia. Việc trao truyền vật gia bảo từ Keefer qua Willie giữa những tiếng cười nắc nẻ, Willie cũng gượng gạo cười theo. Tiếng gọi trên loa phóng thanh "Trung úy Keith tới phòng hạm trưởng" vang lên hai ba lần mỗi ngày, và hiếm khi Willie được ngủ yên giữa hai phiên trực hải hành, mà không bị người tiếp viên tới lay dậy:
- Hạm trưởng muốn nói chuyện với ông, Trung úy
Trong mấy cuộc gặp gỡ này, Queeg hay than phiền về chuyện giải mã chậm chạp, thư từ gởi đi trễ nải, hay là các việc tu sửa hải đồ, tài liệu hải hành không kịp, mùi cà phê bay lên tận phòng truyền tin, hoặc là vì một giám lộ chép lại một công điện có vài ba lỗi…chuyện gì cũng có thể gây chuyện được. Willie bắt đầu nung nấu một mối căm thù hờn giận sâu xa với Queeg. Không phải như là cái tức tối oán giận trẻ con đối với De Vriess xưa kia. Nó như là một sự oán ghét của một ông chồng đối với một bà vợ bệnh hoạn, một oán ghét sâu đậm, có căn cứ, có nguồn gốc trong một mối liên hệ không thể tách rời với một kẻ đáng khinh bỉ: nó không phải hiện hữu được với tư cách để tự biện hộ, nhưng chỉ là một khoái trá vô luân phát ra từ những buồn phiền bất tận.
Sự oán hận này khiến Willie phải o bế công việc làm của mình, cẩn thận và chính xác tới mức không thể tưởng tượng được. Đó là nguồn vui duy nhất có mục đích làm ông hạm trưởng phải thất vọng bằng cách đoán trước những trách mắng của ông ta, và để khớp họng ông ta lại. Thế nhưng luôn luôn có một kẽ hở trong cái thể phòng thủ của anh: Ducely. Khi hạm trưởng khoái trá trong chiến thắng của ông ta, chộp được một sai lầm hay thiếu sót trong công việc của Willie thì thủ phạm chính hình như luôn luôn là sĩ quan phụ tá của anh. Willie đã cố gắng thử, khi thì bằng giận dữ điên cuồng, lúc thì bằng thóa mạ khinh bỉ lăng nhục, rồi đến năn nỉ, và cả những giải thích chua chát trước mặt Maryk. Lúc đầu Ducely, mặt đỏ như con nít, hứa là sẽ cải thiện. Thế nhưng anh ta lại cứ tiếp tục bê bối, vô trật tự như cũ. Rốt cuộc anh ta hờn dỗi ra mặt, than rằng anh ta chẳng làm nên trò trống gì, mà anh ta cũng tự biết mình như vậy, và có lẽ suốt đời cũng thế thôi, Willie chỉ có việc báo cáo lại với Queeg hầu đưa anh ta ra tòa án quân sự hoặc đuổi ra khỏi hải quân là xong. Nhưng Willie lại có cái tự hào to lớn là chẳng thèm báo cáo cho Queeg biết hoặc gợi ý cho ông ta biết cái bất lực của viên phụ tá. Điều này làm anh chàng khoái chí một cách tai ác khi thấy Queeg phên điểm khả năng của Ducely rất cao.
Tháng tám đã gần hết và khi tháng chín vừa tới nơi, chiếc Caine đi từ Kwajalein tới Eniwetok, với một đoàn 10 tiểu đỉnh màu xanh lá cây. Trong suốt hai tuần lễ đầu tháng Chín, các sĩ quan bắt đầu sốt ruột dữ dội. Queeg đã đổi xuống chiếc Caine được mười hai tháng, và họ biết là ít có hạm trưởng nào ở lâu quá một năm. Ngay khi bản công điện khi nhân viên vô tuyến đánh máy ra được bản nào, Willie có thói quen đến phòng truyền tin đọc ngay bản đó, cố tìm cho được cái công điện ban phước lành cho tất cả nhân viên chiến hạm. Riêng phần mình, Queeg cũng lộ vẻ nóng ruột chờ đợi. Đã nhiều lần Willie bắt gặp ông ta ở phòng truyền tin đang dở ra đọc mấy công điện.
Người ta nói rằng cái nồi nước chả bao giờ sôi được nếu mình cứ nhìn nó mãi. Cũng như chả khi nào thấy công điện thuyên chuyển hạm trưởng nếu cứ tìm kiếm nó hoài. Việc này chỉ tăng thêm căng thẳng thần kinh trên chiến hạm và lây lan từ sĩ quan đến đoàn viên. Nhiều cái lập dị, những mầm mống của cô đơn và buồn chán bắt đầu nảy nở tràn đầy trên chiếc Caine. Ai cũng để râu dài cắt theo hình thù quái dị, rồi cắt tóc theo những hình như trái tim, thánh giá, ngôi sao. Paynter bắt được một con còng gáy ở bãi biển Kwajalein, tròn quay như một ổ bánh, có một cái lớn đủ màu sắc. Anh ta đem về tàu, giữ trong phòng, dẫn nó đi dạo mỗi ngày ở sân trước bằng một sợi dây như người ta dẫn chó. Anh đặt tên cho con vật khủng khiếp này là Heifetz. Một hôm con còng thoát ra, chạy vào phòng tiểu thuyết gia trong lúc anh chàng trần truồng như nhộng, đang ngồi trước bàn viết lách, kẹp một ngón chân anh ta bằng cái càng to lớn. Keefer giận điên lên, nhảy lò cò tới phòng ăn sĩ quan, chả nói năng gì hết, chộp con dao phay của nhà bếp để lấy mạng con còng. Paynter nhảy bổ vào giữa con còng và anh chàng Keefer lúc ấy đang cơn điên và vẫn còn ở truồng. Sau chuyện này hai chàng sĩ quan trở nên thù hằn nhau.
Thiếu úy Ducely tới phiên mình lại trở nên kỳ dị hết cỡ: anh ta ngây ngất mê mệt với cái quảng cáo xú chiêng trong tờ New York Time. Willie để ý thấy người mẫu vô danh trong trang quảng cáo chẳng khác gì hàng ngàn cô gái kiểu mẫu khác anh nhìn thấy trong các tạp chí, mi cong, mắt to, hai gò má sắc sảo, cái miệng mơn trớn, một thân hình hoàn hảo và với một cái nhìn kiêu kỳ, man dại như là người ta đang bắt họ phải cầm lấy một con sứa. Nhưng mà Ducely thề rằng đó là người đàn bà trong mộng của đời anh. Anh biên thư cho tạp chí và nhà sản xuất mẫu xu chiêng để hỏi danh tánh và địa chỉ của người đẹp, và anh cũng viết thư luôn cho những người bạn trong ba chi nhánh quảng cáo tại New York, năn nỉ họ tìm ra cho được tông tích cô gái. Nếu khi xưa năng suất làm việc của anh cỡ chừng hai mươi lăm phần trăm những sĩ quan bình thường thì bây giờ nó tụt xuống tới con số không rồi. Anh ta say đắm tương tư, nằm vùi trên giường thở than ngày đêm trước mẩu quảng cáo đó.
Willie nhìn thấy những sự kỳ quặc kia, và anh nhớ lại những câu chuyện trong tiểu thuyết về những người đi biển lâu ngày, và anh không thích tí nào khi thấy những dấu hiệu cổ điển phát lộ ra ở những người bạn cùng tàu. cả anh nữa… cũng bị nhiễm. Một ngày nào đó, đang uống cà phê trên đài chỉ huy trong phiên hải hành của mình, anh chợt nghĩ có chữ tắt tên mình trên ly uống cà phê chắc là ngộ lắm. Cái ý nghĩ ấy tự nó không có gì lố bịch, nhưng cái cách Willie phản ứng làm cho nó trở nên kỳ quặc. Chỉ vài phút, cái ly cà phê có khắc chữ tên mình trở thành một vật quý giá nhất trên đời. Anh tha thiết nghĩ tới điều này đến nỗi quên cả công việc trực phiên của mình. Trong đôi mắt anh, anh chỉ thấy ly cà phê bồng bềnh trong không khí mà thôi. Ngay khi vừa được đổi ca, anh vội tới ngay xưởng cơ khí mượn cái dũa nhỏ, tốn rất nhiều giờ để khắc hai chữ cái WK trên cái ly bằng kim loại thô sơ với sự trau chuốt của một người thợ làm đồ vàng ngọc. anh quên cả buổi ăn tối và cặm cụi làm cho tới khuya. Anh lại sơn một lớp sơn xanh thẫm, để nhẹ nhàng cái ly cho nó khô trong hộc tủ, bao bọc kỹ càng bằng những chiếc vớ và cái áo lót. Khi được đánh thức vào lúc bốn giờ sáng để lên phiên, việc anh nghĩ tới trước tiên là cái ly cà phê. Anh đem nó ra khỏi hộc tủ và ngồi mà ngắm nghía, như một học sinh đọc bức thư tình, để rồi lên thay phiên trễ mất mười phút làm cho Keefer giận dữ. Buổi trưa anh mang cái ly lên đài chỉ huy và đưa nó một cách hời hợt cho viên giám lộ Urban, bảo hắn đi lấy cà phê dưới phòng radar. Mấy người thủy thủ nhìn cái ly trầm trồ khen ngợi làm Willie khoái chí. Sáng hôm sau, khi anh lên phiên ở đài chỉ huy với cái ly cà phê đẹp đẽ của mình, thì anh điên tiết lên vì thấy Urban đang uống cà phê trong một cái ly có khắc chữ "L U" hệt như cái ly của anh. Anh coi đó là một sự sỉ nhục cá nhân. Rồi sau đó những ly cà phê với chữ khắc đầy tràn trên chiến hạm. Trung sĩ Winston cũng có một cái ly trang trí bằng một huy hiệu, và chữ viết theo lối cổ Anh với nhiều nét đẹp mắt. chữ khắc của Willie trở thành sản phẩm của con nít trường mẫu giáo so với cái ly đó hoặc so với cả chục cái ly của những người thủy thủ khác. Tối đó anh chàng giận dỗi quăng luôn cái ly xuống biển.
Trong suốt cái giấc mơ hãi hùng dài thườn thượt này, Willie đã để hàng trăm và có lẽ hàng ngàn giờ mà mơ tưởng tới May Wynn, ngắm lại hình của nàng, đọc đi đọc lại những bức thư của người yêu. Nàng là dây nối duy nhất còn lại của anh với cuộc đời cũ của anh. Đời sống dân sự xưa kia bây giờ anh nghĩ lại như là một ảo tưởng sáng chói thơm tâm hồn, cứ như là một trong những truyện phim Hollywood về giới thượng lưu. Mà sự thật cụ thể bây giờ là chiếc tàu rà mìn lắc lư theo sóng ngang, là biển cả, là những bộ đồ trây di tồi tàn, là cặp ống dòm và là tiếng chuông gọi của hạm trưởng. anh viết cho người thiếu nữ nhiều lá thư nồng cháy đắm đuối trong đó anh lại gạt bỏ ra một cách đau đớn những lời ám chỉ đến hôn nhân. Anh thấy khó chịu và có mặc cảm tội lỗi khi gửi những bức thư này, bởi vì cứ mỗi ngày đi qua anh càng thấy chắc chắn là không thể cưới May được. nếu có thể sống còn sau cuộc chiến này, anh sẽ trở về muốn sống một cuộc đời yên bình, xa hoa, chứ không phải một cuộc hôn nhân khó khăn bất xứng với một nàng ca sĩ tầm thường. Đó là giọng điệu được đưa ra do lý trí của anh. Nhưng lý trí chỉ giữ một phần nhỏ trong những giờ mơ mộng tình tứ mà anh tự say đắm ngất ngây để xua đuổi điều phiền muộn, và cũng để quên đi những quấy phá không ngừng của Queeg. anh biết rằng những bức thư mình viết rất mơ hồ và mâu thuẫn, nhưng dù biết như vậy anh vẫn gởi đi như thường. Để đổi lại, trong vài dịp hiếm hoi khi chiếc trục lôi hạm gặp được một chiến hạm đem thư từ tới, anh cũng nhận được hàng bó thư của May, rực rỡ hạnh phúc và chúng làm cho anh ngẩn ngơ, và làm cho anh lo nghĩ nữa. Nàng như dâng hiến tình mình trọn vẹn cho Willie, mà cũng như anh, nàng cũng không hề đề cập đến hôn nhân gì cả. Trong cuộc tình ái kỳ quặc qua thư từ này, Willi lại khám phá ra rằng càng ngày mình càng gắn bó với May hơn, và anh lại thấy mình quá bất công đối với nàng. Thế nhưng cái thế giới mơ mộng này là một liều thuốc an thần quá quý giá, để mà Willie không chịu dẹp bỏ nó. anh cũng tiếp tục viết cho May nhiều bức thư tình nồng cháy mà lại chẳng có mục đích gì hết.
Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine - Herman Wouk Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine