People have a hard time letting go of their suffering. Out of a fear of the unknown, they prefer suffering that is familiar.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hú có muốn lần sau cháu lại đến không?”
Cô gái thầm lặng đứng trước cửa nhà tôi. Cô xòe hai bàn tay ra.
“Cháu mang cho chú quả xoài. Cháu nghĩ là chú thích. Bây giờ cháu đi đây.
- Không, xin cháu đừng đi.”
Tôi không nghĩ đến cháu trong suốt chuyến đi nhưng chắc là cháu đã hiển hiện, theo cách của các vị thần trên đất nước cháu.
Tôi mở cửa và níu lấy cháu, thực sự làm cháu sợ.
“Bây giờ chú giữ được cháu rồi...”
Giọng tôi dịu dàng hơn và cháu không còn sợ nữa. Cháu đi nhanh vào bếp để gọt xoài.
Rồi chúng tôi ngồi trên tràng kỷ ăn xoài.
Đôi mắt cháu miên man dõi theo vết ghép giữa hai miếng gỗ dán sàn nhà.
Cháu bắt đầu nói.
***
Những cái dằm thời thơ ấu.
Mùi nước mưa từ đất bốc lên. Hình dạng cây hoa súng. Một cách giật mình khi tiếng pháo nổ. Tiếng đôm đốp của những người chơi mạt chược phía sau cổng Chợ Lớn. Những con cò khuất dạng trong sương mù. Vóc dáng mạnh mẽ của con trâu đang đằm mình trong nước. Vị gừng mật ong. Từ “ngọc”, màu sắc, và cả chất liệu nữa, dịu dàng và sống động trong tay. Không khí đậm hương vị ngày Tết. Tiếng ếch nhái kêu ộp ộp. Một con rùa nước tiến lên giữa mô đất lổn nhổn đá trong ao. Tiếng rao của những người bán na. Đèn dầu được thắp lên. Miếng trầu giữa các ngón tay cháu. Hàm răng bà trẻ nhuộm đen. Trên bàn thờ che rèm đỏ có một bức ảnh và những đồ vật bằng đồng lóe sáng trong bóng tối. Bánh cuốn vào bữa sáng. Hái rau muống nước, chạy trên đê đuổi bắt những con châu chấu kếch sù. Hàng rào tre. Bóng vách ngăn nơi bà trẻ ngồi gập chân trên đó khi chúng cháu đến thăm, và bà hôn hít khuôn mặt cùng mái tóc cháu. Động tác đưa dao về phía mình khi cắt rau của mẹ chứ không hướng ra ngoài như họ.
Con gấu bông bị mất đúng lúc lên máy bay, cháu thấy nó nằm trên đường băng mà chẳng có cách gì nhặt lại và tất cả luyến tiếc cũng như buồn rầu của cháu đều tập trung vào con gấu bông. Cháu không kêu ca, lòng cháu rối bời. Cháu biết rằng mình sẽ không tìm lại được con gấu bông, cháu biết rằng mình sẽ không quay trở lại Sài Gòn. Năm đó chắc chắn là năm 1975. Tháng nào? trước tháng Tư, có thể là tháng Hai hoặc đã sang tháng Ba, bởi vì lúc ấy rất khó mua vé máy bay. Trước đó, đã có cảm giác sợ hãi trong bầu không khí chung nhưng vào lúc ấy thì đó là sự hoảng loạn và vừa bốn tuổi đầu cháu đã biết tất cả mọi chuyện, cháu cảm thấy điều đó trong cơ thể mẹ cứ như chỗ mình có thể ẩn náu đang thu hẹp lại, cứ như hơi ấm mà bà có thể truyền cho cháu ngày càng yếu dần.
Cháu chẳng còn biết chuyện gì xảy ra vào thời gian nào nữa: bởi lẽ mẹ lặng lẽ còn cháu thì chịu đựng sự im lặng. Mỗi người mang một màu sắc gắn với sự im lặng đó. Như những viên ngọc trai - những viên ngọc trai viền quanh vòng hoa tang. Cháu hỏi mẹ và mẹ bấm vai cháu, giật bím tóc cháu, thậm chí cháu còn tưởng mẹ cắn cháu nhưng mẹ chỉ mím môi nói: “Chúng ta còn sống và chỉ thế thôi.”
Cháu không thích nước Pháp, cháu bị hen mà quanh năm suốt tháng cứ rét run cả người. Người ta bảo cháu là ở đây ngay cả cỏ cũng thơm nhưng cháu không thấy thế: cái gì cũng hôi. Một hôm cháu cùng mẹ đi xe lửa và có một loại cỏ thơm, một loại cỏ màu tím. Cháu nói điều đó với mẹ và bà chế nhạo cháu. “Đấy không phải là cỏ đâu, cô bé dốt nát ơi. Đấy là cây oải hương.”
Thời gian đầu, mẹ luôn ở bên cháu, mẹ con cháu ở trong một căn hộ nhỏ cuối đường Belleville, một nơi tối tăm mà cháu không muốn bước vào nhưng lại sợ rời đi. Rồi cháu đi học và không sợ nữa. Cháu học như điên làm các cô giáo sợ, gọi điện cho mẹ để yêu cầu bà không thúc ép cháu nữa. Cuối năm cháu ở trong đội hợp xướng nhà trường và cháu hát Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé, con quay, đậu phụng, cháu tìm ánh mắt mẹ: bà không mỉm cười như những bậc phụ huynh khác. Khi tan trường, bà đến gặp cô giáo để hỏi xem cháu hát có đúng không.
Nhà cháu không có nhiều tiền nhưng chẳng bao giờ thiếu - ít nhất là đối với những thứ thiết yếu cho cuộc sống. Mẹ và cháu xem băng video Walt Disney. Đôi khi mẹ biến mất, cháu nghĩ rằng vì một công việc mà bà không tiện nói. Về đến nhà bà kiệt sức, mắt long lên, cứ như bà từ một thế giới khác về; cháu phát hiện ra một số dấu hiệu nhưng đó là một bí mật lớn, một bí mật đáng sợ.
Thỉnh thoảng có người đàn ông được gọi là “chú” ghé qua, lần nào cũng phải lôi từ tủ tường ra một chai whisky dành riêng cho ông. Ông luôn nói tử tế với cháu, hỏi han cháu học ở trường có giỏi không. Ông xem các bức vẽ và vở bài tập của cháu rồi đọc từng dòng các phiếu điểm. Ông và mẹ ngồi suốt một giờ, họ có vẻ buồn bực, chẳng có gì để nói với nhau. Cháu không biết tên ông và không rõ vai trò của ông trong cuộc sống của mẹ con cháu. Sau này, cháu tự đặt câu hỏi, lúc nào cũng là tự vấn mình. Cháu quen với sự im lặng của mẹ trước tất cả những gì quan trọng: ai là cha cháu? Tại sao mẹ con cháu rời Việt Nam? Mẹ con cháu sống bằng gì và như thế nào? Dần dần cháu bắt đầu hiểu được phần nào câu trả lời nhưng điều đó không khiến cháu nguôi ngoai, thế rồi các câu hỏi ngày càng trở nên phức tạp hơn. Cháu học cách bắt chước mẹ và không trả lời các câu hỏi của đám bạn gái trong trường. Cháu không bao giờ đưa bạn về nhà chơi. Cháu trở nên lặng lẽ.
Một hôm cháu đi theo mẹ và cháu hiểu: bà chơi bạc. Đó là phát hiện khiến cháu sa vào cuộc sống của người lớn mà không đứng dậy được. Cháu mất hết lòng tin. Một khi bí mật này được vén lên thì việc cháu không biết gì còn tồi tệ hơn nữa. Đến cuối tháng hết tiền thì điều cháu nghi ngờ chính là chuyện đó, không hề chắc chắn, cũng chẳng có quyền hay đủ can đảm để nhắc đến.
Cháu lớn lên. Ngực và mông cháu to hơn những người châu Á mà cháu quen biết. (Cháu có rất ít bạn người Á: bạn gái thân nhất của cháu là một người “gốc” Pháp, si mê những người đàn ông hơn nhiều tuổi, những người đàn ông đã có vợ. Cô bạn đưa cháu về nhà bố mẹ mình, ở vùng đầm lầy Poitou. Cô bạn cháu thông minh và đầy nhục cảm, làm tình từ lúc mới mười bốn tuổi trong khi cháu thì...) Cháu nhìn mẹ: thấy xa lạ. Cháu kết luận rằng “chú” thực ra chính là cha: hiển nhiên là như vậy. Khi mẹ không có nhà, cháu bắt đầu lục lọi tất cả các ngăn tủ để tìm một mẩu giấy, một lá thư, một quyển sổ. Cô bạn nói với cháu rằng ở gia đình người Pháp nào cũng đều có “sổ hộ tịch” trong đó ghi tên bố mẹ. Cháu tìm “sổ hộ tịch” nhưng không thấy. Cháu thất vọng. Điều đó khẳng định rằng cháu không thuộc một gia đình Pháp.
Cháu không biết đọc tiếng Việt và nói cũng chẳng tốt. Vả lại cháu không chịu nói tiếng Việt với mẹ mà cộc cằn chữa các lỗi tiếng Pháp của bà. Bà trách cháu thiếu tôn trọng. Những người khác, những người có sổ hộ tịch, họ có cha, có căn cước. Cháu bảo cô bạn mang sổ hộ tịch đến trường và chúng cháu đọc trong giờ ra chơi. Đó là một cuốn sổ nhỏ màu xanh dương và cháu đọc từng dòng - cháu rất thích các tên lót thứ hai và thứ ba - Adèle, Joséphine - bởi các tên gọi đó có vẻ cổ xưa. Còn cháu là một món đồ chơi bên trong bị vỡ, một con búp bê hỏng động cơ. Cháu béo lên, cháu gầy đi, cháu ăn, cháu nhịn, cháu hành xử tồi tệ với bản thân, chẳng đem lại kết quả gì.
“Chú” không đến nữa và cháu ngờ rằng mình chịu trách nhiệm về điều đó: chính phát hiện của cháu khiến ông rời xa, có lẽ mãi mãi. Cháu nếm rượu whisky của ông rồi nhổ ra. Cháu mười tám tuổi, bằng tốt nghiệp trong túi và mẹ con cháu không còn tiền nữa. Cháu phải làm thu ngân tại một siêu thị nhỏ để kiếm sống cho hai mẹ con. Cháu không bao giờ cất tiền ở nhà vì tiền sẽ biến mất. Một hôm, cháu đổ cho mẹ lấy trộm đồng một trăm quan, cháu cáu tiết đến mức hét toáng và giơ tay lên nhưng không đánh bà. Thế là bà quỳ gối trước mặt cháu (cháu quên chưa kể rằng bà theo đạo Thiên Chúa nhưng cháu từ chối đi lễ nhà thờ cùng bà), vừa khóc vừa xin lỗi cháu. Bà gọi cháu là cành mơ của bà vào mùa xuân, đóa sen nở của bà, rồi nói với cháu rằng bà bị ốm và sợ cháu bỏ rơi vì bà là một phụ nữ xấu xa. Cháu nói với bà rằng cháu không thể bỏ rơi bà ngay cả khi cháu tức giận bà. Cháu yêu cầu bà - đó là lần đầu tiên - cho cháu biết ai là cha cháu.
Bà nói rằng đó là một người lính cách mạng đã chết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cháu cảm thấy bà nói dối. Cháu không nói nữa. Sau đó bà nói với cháu rằng đó là một thi sĩ đã chết vì chích quá liều thuốc phiện. Cháu dõi theo ánh mắt bà, ánh mắt cháu đã thấy khi bà nhìn quân bài (đó là tất cả những gì cháu cho phép bà, cả hai mẹ con chơi bài bơ lốt, crapette, gin-rummy, và nhờ vậy mà cháu biết bà như thế nào trước trò black jack hay trước trò chơi trong sòng bạc khi tóc bà xổ ra), cháu thấy bà vẫn nói dối nhưng cháu lại nín lặng. Cháu bảo bà rằng nói dối làm gì nữa, từ lâu cháu đã đoán ra rồi: bố chính là “chú”.
Bà choáng váng. Bà như một người say bị dội một gáo nước lạnh lên đầu. Bà nói rằng bố cháu đương nhiên không phải ông ấy, dĩ nhiên rồi, vì trên thực tế, bố cháu là một người đàn ông rất đẹp trai - bà thề như vậy - người bà đã trao thân khi mới hai mươi tuổi và thế đó, một người đàn ông có vợ đã biến mất và chưa bao giờ để lại thông tin - thậm chí ông ta cũng không biết mình có một đứa con. Chuyện tệ hại đến nỗi cháu buộc phải tin. Tại sao bà lại bịa ra một câu chuyện thảm hại đến vậy? Cháu nói lời tạm biệt với thi sĩ nghiện thuốc phiện, với nhà cách mạng lãng mạn: bố cháu là một gã qua đường. Bây giờ bà đã bắt đầu nói, và bà muốn cháu biết thêm chi tiết: họ đã gặp nhau như thế nào, v.v... Chuyện đó chẳng làm cháu quan tâm - cháu chán ngấy.
“Thế còn ông chú kia thì sao?”
Bà chờ một lát, châm điếu thuốc. Thế rồi bà nói:
“Đó là bố của mẹ, bà nói, ông ngoại của con.”
Lúc đầu cháu không hiểu bà muốn nói gì nữa: bà trông rất giống người Việt, chính cháu mới cảm thấy mình là người Pháp. Cháu lại thấy mình trở lại là một cô bé nhút nhát.
Tất cả những gì cháu hỏi được, đó là:
“Ông ấy tên là gì?”
Và bà trả lời không chút ngần ngừ: “Ông tên là Pierre Garnier.”
Cháu bắt bà đánh vần rồi viết tên cùng địa chỉ của ông.
Buổi tối, cháu đến cửa hàng văn phòng phẩm và mua một cuốn vở nhỏ bìa màu xanh dương.
Cháu điền “sổ hộ tịch” lên nhãn vở.
Cháu viết tên của bố mẹ và ông bà cháu. Sau đó cháu viết tên cháu: Mai Han Nguyên. Sau đó cháu thử viết “Garnier” nhưng thấy kỳ cục quá thế là cháu gạch đi - và cuối cùng gạch xóa chi chít, bẩn hết, như một vệt mực đen to tướng.
Trong vòng vài phút cháu đã thành người gốc Pháp, như bạn gái cháu.
Cháu xé cuốn vở màu xanh dương rồi vứt vào sọt rác.
***
Những ngày sau đó, cô cháu gái lặng lẽ và tôi cùng mò mẫm thám hiểm châu lục mà chúng tôi đã khám phá. Tôi gọi tên cháu chẳng mấy dễ dàng nhưng khi còn một mình đôi lúc tôi thì thầm tên cháu: Mai Hán. Cả hai chúng tôi đều rụt rè, nhưng chúng tôi có những chuyện cần cùng nhau hiểu và chẳng có gì nhiều mà mất.
Cô bé kể cho tôi nghe cháu đã đến địa chỉ 50, đại lộ Simon-Bolivar nhiều lần như thế nào trước khi dám bước vào và thấy tờ thông báo tìm người trông trẻ mà Marie dán trong sảnh tòa nhà: Bé trai xinh xắn và thông minh tìm chị gái giống như thế để trông trẻ. Cô bé mỉm cười, gọi điện - và ngay lập tức gặp được Sébastien. Cô bé nói với tôi rằng lần đầu tiên cháu có cảm giác mình là một kẻ lén lút trốn trên tàu, sợ bị phát hiện, bị vạch mặt và quẳng xuống biển. Cái cảm giác gian lận vẫn dằng dai cho dù cháu được Sébastien yêu tha thiết và Marie hết lòng tin tưởng. Đương nhiên, cháu liếc tìm dấu vết của ông “chú” và xem liệu giữa những khuôn mặt vô cùng trắng, vô cùng xa lạ kia có điểm nào quen thuộc không. Với lại, cô bé nói, cháu đã lớn lên với những người đàn bà, đầu tiên là bà ngoại, rồi với mẹ, nên một ngôi nhà có đàn ông thật vô cùng ồn ào, với những thói quen xa lạ, với sự bẩn thỉu mà cháu không quen, nó vừa lôi cuốn vừa khiến cháu ghê tởm, thế giới của những chiếc đĩa ăn không hết, quần lót dính phân, tất cọc cạch, thế giới của những điều bị lãng quên và ly tách vỡ. Cháu sợ sự dữ dội của chúng tôi nhưng vẫn há hốc mồm tò mò khi thấy công sức mà chúng tôi phải bỏ ra để làm những động tác đơn giản nhất. Cháu lớn lên giữa dòng nước, kênh rạch, giữa đám đông người qua lại trong thành phố, những làn xe đạp không ngừng và đột nhiên cháu phát hiện ra các khả năng và khiếm khuyết của một xã hội bị động cơ và máy móc chi phối; cô bé được nuôi dưỡng bằng những giờ phút lặng lẽ và buồn phiền, rồi bước vào sự ngự trị của tiếng ồn vĩnh cửu.
Con trai tôi kể cho cô bé nghe cuộc sống của nó trong những sử thi không có hồi kết, ở đó các hiệp sĩ làm nên những chiến công hiển hách, nhiều không kém gì những hành vi xấu xa mà một người duy nhất thôi cũng có thể làm, với vũ khí là chiếc rìu hai lưỡi, phát minh ra thuốc chữa bách bệnh, nhảy từ bờ bên này sang bờ bên kia trong các trận đánh để diệt trừ kẻ ác. Khi hai đứa đi xem múa rối ở rạp Guignol trong công viên Buttes-Chaumont, hay tản bộ vòng quanh cái hồ nhỏ, cô bé nhớ lại những gì bà ngoại đã miêu tả về Hà Nội, truyền thuyết về con Rồng cháu Lạc, về cuộc chiến đấu giữa đất và nước. Các nàng công chúa ở xứ này thật bất hạnh, nhưng so với các nàng công chúa nước Việt thì chưa thấm vào đâu, vì họ không những phải chịu những điều sỉ nhục kinh khủng, mà còn không tránh khỏi kết cục ở nơi không xứng đáng, cô đơn dưới đáy sâu hang động hay dưới sức nặng những làn nước. Trong các số phận ấy, có một chuyện lầm đường lạc lối cứ lặp đi lặp lại và chia rẽ các sinh linh, không phải là một lần cho mãi mãi mà nhiều lần liền, cứ như là để hoàn thành công việc hủy diệt, thanh gươm phải chém, chém nữa vào da thịt đã nát bấy. Liệu cô bé có kể những điều khủng khiếp này cho con trai tôi nghe không? Cô bé mỉm cười: không, chỉ những chuyện nhẹ nhàng thôi, và cô bé còn dẫn nó đến cái góc Ménilmontant ấy, ở đó chúng thưởng thức mứt gừng mật ong và bánh gạo. Thằng bé có thích không? Nó mê mẩn! Và nó nói rằng không được nói điều này với ai, nhất là với bố. Tại sao không được nói với tôi?
Khi nghe nó kể, tôi phát hiện ra rằng “người bạn bí mật” trong truyện ngắn của Conrad(1) cuối cùng đã bước vào cuộc đời tôi mà tôi không kịp nhận ra, sự lén lút kép bước lên chiếc tàu của tôi và từ nay đã trở thành không thể thiếu được. Tôi hiểu mình đã ngoan cố quấy rầy cô bé nhường nào khi Marie bỏ đi cùng Sébastien và đương nhiên cũng hiểu tại sao cô bé ở lại với tôi khi bố tôi quay trở về. Cánh cửa của những tuần cuối cùng ấy, cánh cửa mà tôi đã đóng sập trước nỗi đau và cơn tức giận của bản thân, lại mở ra trên một bản nhạc có giai điệu mơ hồ, và tôi dễ dàng nhận ra mình cần ai đó giúp để hiểu được bản nhạc đó.
Cô bé đến vào buổi sáng chia tay đau đớn với Marie, buổi sáng mà tôi đã rên rỉ, giải thích và chạy theo cô ấy, buổi sáng mà tôi đã tự hạ mình (vậy mà suốt thời gian đó chúng tôi nói với nhau rất khẽ để không đánh thức thằng bé, cơn giận của cô ấy và nỗi hổ thẹn của tôi, những tiếng hét nghẹn lại của chúng tôi, nỗi buồn đau chia ly của chúng tôi chẳng ồn ào hơn những tiếng thầm thì đáng sợ), buổi sáng mà tôi thấy cô ấy rời xa tôi theo cách khiến tôi run sợ, Mai Hán đến trong không khí im lặng nặng nề đó, Sébastien đã ngủ dậy, còn Marie thì đang mặc quần áo cho thằng bé để đến trường, và ai cũng gắng làm như mọi chuyện bình thường, còn cô bé thì khép mình, cái vẻ ý tứ ấy là điều đầu tiên khiến tôi là một con người vào buổi sáng hôm đó, bởi nếu không thì tôi lúc nào cũng là một thằng đểu, thằng khốn, thằng chó chết khốn nạn quái đản hết thuốc chữa, mang trong lòng cái ham muốn thể xác như mọi đàn ông đôi khi vẫn có, họ là như thế, chính xác là vậy, có khả năng tàn nhẫn và thờ ơ như thế, sập bẫy của những con quỷ quen thuộc, của một kẻ có số phận thảm hại, không chút độc đáo cũng chẳng hề bất ngờ - tôi nhớ mình đã ngạc nhiên trước cái nhìn lén lút của cô bé trầm lặng, trước cái cách tế nhị coi chúng tôi là vợ chồng và, chưa hề biết chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi, trong chốc lát gỡ tôi ra khỏi mảnh giấy bẫy ruồi mà tôi dính phải với những cái cánh đầy keo. Cô bé đến trường cùng con trai tôi - nụ hôn nhanh gọn và những tiếng phát ra không thực sự nên lời ấy, hẹn sớm gặp lại con yêu, lát gặp nhé, bố yêu con, cái cảm giác khủng khiếp rằng sẽ không được gặp lại thằng bé nữa, rằng đó là lần cuối cùng, rằng nó sẽ đi, tấm thảm biết bay biến thành lá cờ và tôi ngã xuống, cuộc đời tôi chấm hết.
Còn lại mình tôi với Marie và cô ấy không còn gào lên nữa, cô ấy trở nên lạnh lùng còn tôi thì nhẫn nhịn, không muốn tranh cãi nữa: cô ấy sẽ đến trường đón thằng bé và sẽ cùng nó đi ngủ ở chỗ khác, thêm một đêm nữa với tôi thật quá sức chịu đựng, mà cũng chẳng còn gì để nói nữa, cô ấy sẽ gọi lại cho tôi ngay khi hai mẹ con ổn định chỗ ở mới, không quá xa, chuyện đó cũng sẽ không mất nhiều thời gian, tôi biết cô ấy giải quyết mọi việc như thế nào một khi đã bắt tay vào làm và tôi nói đồng ý, tôi biết, chẳng ai biết điều đó rõ hơn tôi, đến đây cô ấy che mặt khóc rồi nói: em chỉ có thể nói điều đó với người bạn tốt nhất của em và người bạn tốt nhất của em là anh, đồ khốn, thế rồi cô ấy mất hút trong phòng tắm, và khi quay trở lại đã bình tĩnh hơn, không xa quá đâu, em hứa với anh, và đương nhiên anh sẽ gặp lại con. Dù cô ấy ngờ vực mọi chuyện liên quan đến tôi nhưng chuyện này thì cô ấy không mảy may hoài nghi: tôi yêu con trai hơn bất kỳ ai, thậm chí hơn cả chính bản thân mình.
“Trên đường đến trường thằng bé kể với cháu, Mai Hán nói, về một con bướm có đôi cánh màu xanh dương mà em từng thấy trong vườn. Hai lần em hỏi có phải cháu sẽ đến đón em không nhưng cháu nói: không đâu, mẹ sẽ đến đón em, nhưng em không hét lên vui sướng. Cháu không thể quên được cái nhìn của chú, thế là cháu lấy cớ tầm phào là đã quên bảng vẽ (hôm ấy không phải là ngày vẽ nhưng chú không để ý đến tiểu tiết này), rồi cháu quay lại. Chú ngồi sau cây dương cầm nhưng chú không chơi. Chú không hỏi nên cháu không phải nói dối về cái bảng vẽ.
“Chú nói: ‘Cháu cũng đi nữa sao?’
“Thế là cháu trả lời: ‘Không, cháu sẽ không đi nếu chú muốn.’ Lúc đó chú như trút được gánh nặng - và cả cháu nữa, cháu cũng thở phào nhẹ nhõm, một phần vì chú, phần nữa là vì đột nhiên cháu thấy rất khó nhổ rễ khỏi nơi này. Thế là cháu bắt đầu cuộc sống kép ấy, giữa phố Bichat, nơi Marie tìm được một căn hộ phía trên một ga ra và nơi này. Cháu không thấy mặt chú, chú khép mình trong nhà, chú không nghe khi vài lần cháu muốn báo với chú rằng thằng bé ngóng đợi chú và có thể cả cô ấy cũng ngóng đợi chú, chú nhăn nhó đầy cay đắng và thất vọng và chú cứ để râu ria lởm chởm, chẳng hợp với chú chút nào, chú lẩm bẩm một mình như ông già. Chú cười một mình khi chẳng có gì đáng buồn cười. Dần dần cháu thôi không thuyết phục chú bất kỳ điều gì nữa.
“Cháu phải quay lại dù dọn dẹp phòng trẻ con khi không còn đứa trẻ nào ở nữa là việc hết sức vô lý. Cháu mang những bức vẽ ăn trộm được để vào phòng - và ngày hôm sau gặp lại, chú chẳng nói gì, chú có cái vẻ nghền nghệt của những ông bố khi thấy con trai mình vẽ con ốc sên lần đầu tiên. Sau đó, cháu thấy những bức vẽ ấy lẫn với các tổng phổ. Chú có vẻ càng ngày càng điên rồ, càng ngày càng cô độc. Cháu tiếp tục lấy trộm mấy thứ lặt vặt; không đến mức làm giả nhưng cũng gần như vậy, cháu cho thêm dòng chữ ‘dành tặng bố’, không phải là một sự khác biệt lớn nhưng chắc chắn đó là ý thức trách nhiệm của cháu, thay tấm ga phủ chiếc giường nhỏ nơi thằng bé sẽ không bao giờ ngủ nữa, để lại chút lộn xộn khi mà thằng bé không tới, rồi dọn dẹp trong khi chú nhìn cháu vô hồn, với nụ cười gàn dở. Cháu trở thành baby-sitter của một bóng ma trong căn hộ lởn vởn những bóng ma.
“Cháu nhớ ngày chú ngồi cùng với bố chú. Xin lỗi chú, cháu không thể gọi là ‘chú cháu’ hay ‘ông ngoại cháu’. Ông ngồi, hai tay để trên đầu gối: ngồi, nhưng cháu thấy ông gần như nằm trên chiếc giường bệnh viện, như cháu đã thấy mẹ cháu ít lâu trước khi bà qua đời. Cháu vẫn nhớ cái câu ông lặp đi lặp lại: ‘Mẹ con có khỏe không?’ Ông chẳng nhìn về phía chú cũng chẳng nhìn về phía cháu và suýt nữa thì cháu lại đi trả lời, thậm chí cháu đã mở miệng nhưng kịp ngậm lại, chú chẳng nhận thấy gì cả.
- Lẽ ra cháu đã có thể trả lời: ‘Bà ấy chết rồi’, như vậy thì trong tình huống nào cũng đúng.
- Dù sao thì như thế có lẽ cũng khiến chú có cảm giác kỳ cục.
- Có thể. Cũng chẳng kỳ cục hơn việc ông ấy đến, rồi tất cả những gì đến rồi đi trong chú. Với lại trong tình trạng chú khi đó, thậm chí có lẽ chú chẳng gượng nổi.
- Cháu sợ ông nhận ra cháu và nói gì đó với cháu. Cháu phải nói chuyện với chú nhưng có gì đó đã ghìm cháu lại, cháu không muốn làm chú đau lòng, cháu cảm thấy hơi xấu hổ vì đã lừa dối chú, mặc dù cháu nghĩ mình không làm gì xấu với chú. Cháu nhanh chóng biết rằng ông sẽ không nói gì cả, ngay cả chú cũng không thể nói rằng ông nhận ra chú, ông phó mặc cho chú thì đúng hơn, nhưng suy cho cùng, liệu thực sự ông có lựa chọn nào khác không? Cháu cũng nhận ra rằng theo cách đó, ông phó thác cho cả cháu nữa. Chú cục cằn với ông, cách chú làm điều tốt cho ông thật vụng về và khiến ông bị tổn thương, dù ông không bao giờ phản kháng, cháu thấy việc đó làm ông đau khổ. Thế là, khi chú để cháu lại một mình với ông, cháu đợi ông gà gật rồi chạm vào ông - lúc đầu rất rụt rè, sợ bị bắt quả tang, rồi thì dễ dàng hơn, bàn tay cháu đặt lên đùi ông, rồi lên bàn tay ông, cháu giật nẩy mình khi chú quay về nhưng vẫn giữ hơi ấm của ông trong cháu, thấy bằng lòng khi mọi chuyện dừng lại ở đó.
“Thế rồi, một hôm, ông bắt đầu nói chuyện với cháu.
“Ông đưa các ngón tay lại gần khuôn mặt cháu, rồi cất một tiếng:
“‘Lan’
“Đó là tên của mẹ cháu, cháu không biết ông hình dung ra ai trước mặt mình, mẹ cháu hay là cháu, nhưng với cháu thì thế nào cũng vậy thôi.
“‘Lan’, ông nhắc lại, và cháu phải lấy tay che mặt.
“Khi dìu ông đi cháu thấy ông cũng khóc.”
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước