Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Chương 15
N
gọ ngẩng đầu nhìn trời. Trời sao cao mà xanh thế? Những đám mây trắng không bay ngang, mà như đang bay cao mãi lên, vào khoảng xa xanh. Nhìn trời lần cuối cùng này mới thấy trời thật đẹp. Hai tên lính dẫn Ngọ vượt qua đường cái cao đi xuống một bãi đất bằng. Ở đây còn nhiều đám cỏ lau khá xanh. Đại bác của ta khi bắn vào vị trí địch hình như có ý chừa lại những đám cỏ vô tội này. Nước sông Nậm Rốm chảy ngầm dưới lưới dây thép gai đen sì, vẫn sáng lên như bạc. Xa xa là dãy đồi khu đông. Trên đỉnh đồi có những lá cờ đỏ. Thực ra chỉ có ba lá cờ trên ba quả đồi về phía Tuần Giáo, nhưng Ngọ nhìn thấy màu đỏ đang chan hòa bay múa trên khắp những quả đồi trước mắt anh.
- Ê Việt Min!... Đao chan?...
Tên lính hỏi đến lần thứ hai Ngọ mới hiểu, nhưng anh không trả lời, cứ tập tễnh đi. Nó không trói tay, không bịt mắt? Chắc nó lại chơi lối bắn trộm sau lưng rồi... Anh muốn bảo chúng nó: "Việc gì phải làm thế? Tao khoanh tay đứng im cho chúng mày bắn". Ngọ quay lại hỏi:
- Chúng mày định đưa tao ra chỗ nào?
- Cái gì?
Tên lính lông mày vàng như râu ngô, da mặt đỏ và sần như da gà chọi, mới nhìn có vẻ dữ tợn, giương đôi mắt lờ đờ lúc nào cũng như cụp xuống vì mệt mỏi và thiếu ngủ, hỏi lại Ngọ bằng một giọng ngọng nghịu.
- Chúng mày định bắn tao ở đâu?
- O đao? - Một tên lính lắp lại.
Rồi hai tên lính xì xồ với nhau và đáp lại Ngọ bằng một tiếng quen tai, nhưng Ngọ nghĩ mãi vẫn chưa tìm được ra nghĩa. Cả hai tên lính vẫn khoác súng trên vai, gù lưng đi chầm chậm theo Ngọ, nét mặt không tỏ vẻ gì đáng sợ. Bọn chúng đã quá quen với công việc này rồi chăng? Hay là không phải nó đưa Ngọ đi bắn? Nếu không đưa Ngọ đi bắn sao nó lại không dẫn Ngọ về chỗ giam cũ?... Ngọ bắt đầu phân vân suy nghĩ. Chúng đưa anh tới gần bờ suối. A1 đỏ lòm phía trước đập vào mắt anh.
Tên lính mặt sần sùi chỉ cho Ngọ một cái hố nhỏ đã đào sẵn, nhắc lại với Ngọ cái tiếng quen quen nó đã nói với anh ban nãy. Lúc này Ngọ hiểu ra... Anh hỏi lại nó, không giấu được vẻ mừng rỡ:
- Sà lim phải không?
- Oui cellule.
Ngọ xuống hố ngồi xong, hai tên lính đóng cọc và căng dây thép gai đầy trên đầu anh.
Ngày hôm ấy, chúng không tiếp tế cho anh cả cơm lẫn nước. Buổi trưa, Ngọ tưởng bị nắng thiêu chín trong hố. Nửa đêm, anh lại tưởng như mình bị dìm dưới một hang đá sâu. Bọn đã man này muốn giết Ngọ dần mòn chăng?... Sáng hôm sau, Ngọ nghe có tiếng người nói chuyện xì xồ với thằng lính gác. Một lát, mớ dây thép gai trên đầu Ngọ được một thanh sắt kênh lên. Người dân bị bắt cho bọn Ngọ bánh mì, đẩy xuống hố một hộp bánh quy, một bi đông nước và một chiếc xẻng. Hàng ngày, Ngọ được tiếp tế đều đặn như vậy.
Hình phạt Ngọ phải chịu ở đây nặng gấp mười lần khi Ngọ còn được chúng giam chung với anh em. Lưới dây thép gai chúng căng trên đầu Ngọ dầy đến mức anh không thể đút lọt hai ngón tay. Những mấu thép như đầu con sên đó không cho Ngọ nhìn thấy một chút nhỏ cảnh vật chung quanh, dù chỉ là một đám cỏ vàng úa còn sót lại bên bờ suối. Với chiếc xẻng của người dân đưa cho, Ngọ đã khoét được dưới đáy hố một chỗ nằm khá rộng.. Anh có nhiều thời giờ và đôi tay đòi làm việc nhưng cũng không dám khoét thêm, vì khoét rộng mà không có gỗ chống, hầm dễ bị sập. Đêm nằm đất lạnh buốt như nằm trong hang, chỉ mong cho chóng sáng. Sáng lại mong đến khi đồng bào tiếp tế cơm nước. ăn cơm xong lại mong đến lúc được nhìn thấy ông mặt trời. Chỉ khi ánh nắng đã tráng vàng cả cái lòng hố tối tăm này, Ngọ mới thấy mặt trời hiện ra trên đầu như một con mắt giận dữ, và Ngọ chỉ được nhìn thấy nó trong một thời gian thật ngắn ngủi. Ngọ bày cờ chân chó đánh một mình để giết thời gian cho đến khi hơi nóng trong hầm hết dần, căn hầm lại chìm nghỉm trong bóng tối giá lạnh. Và anh lại chong mắt chờ sáng. Chờ nhìn thấy ánh sáng để tin chắc rằng mình không phải đang nằm trong một tấm áo quan. Đôi lúc Ngọ ngồi nhớ xem có phải hôm xuất quân ở Thọ Xuân, Thanh Hóa mình ra đường đã gặp gái hay gặp đàn bà chửa không? Nhưng không phải... Anh nhớ ra là bữa ấy anh gặp ông chủ nhà. Anh còn nhớ rất rõ hôm đó ông chủ nhà cứ nắm mãi lấy tay mình, cho đến lúc anh em phải chạy lại gọi mình đến tập họp. Có lúc Ngọ nghĩ vẩn vơ nếu bây giờ phải đánh đổi mươi năm sống để gặp lại anh em Ngọ cũng đánh đổi ngay. Tên lính Pháp, lúc nào mặt cũng đỏ tía như vừa uống rượu, thỉnh thoảng lại hiện ra sau lần rào gai hỏi Ngọ bằng những tiếng ngọng nghịu: "Việt Mìn, an thua la khô...ô?". Và nó lại ném cho Ngọ một điếu thuốc lá sợi đen sì, chỉ hút hết nửa điếu Ngọ đã thấy đầu váng vất. Nhìn cặp mắt lúc nào cũng đờ dẫn, trĩu nặng mệt mỏi của nó, bây giờ Ngọ mới thấy nó có một bộ mặt thật hiền. Giá nó biết được nhiều tiếng Việt hơn nữa, thì anh cũng đỡ buồn đôi chút đây. Nhưng nó chỉ biết những tiếng đã đem dùng với Ngọ. Và chắc nó cũng sợ bọn cai đội bất thần đi kiểm soát. Ngọ bắt đầu thấy mến cái bộ mặt đỏ sần sùi mà lúc đầu anh rất ngại nhìn. Anh mong giờ gác của nó, mong được nhìn thấy mặt nó, như người bị đày một mình nơi đảo hoang mong nhìn thấy một cái mặt người.
Đêm hôm đó, Ngọ trằn trọc mãi, bọn gác thay phiên đến lần thứ ba anh mới thiếp ngủ. Ngọ thấy mình đi lạc giữa một rừng cỏ gianh rậm rạp. Anh loanh quanh mãi không tìm được lối về vị trí trú quân. Chợt anh nghe tiếng người gọi đằng sau. Anh quay lại nhìn mãi vẫn không thấy một bóng người nào trong đám rừng lau cao vút. Anh lại lững thững đi. Được vài bước lại nghe tiếng người ban nãy gọi. Quay lại vẫn không nhìn thấy một ai. Ma quỷ nào định trêu mình chăng?... Chả lẽ lại có ma thực à?... Anh nắm chặt khẩu súng chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng không có gì cả, chỉ thấy tiếng gọi mỗi lúc một rõ dần bên tai. Ngọ bắt đầu tỉnh ngủ, và nhận thấy rõ ràng không phải anh mê, mà đang có ai gọi mình trên miệng hố thực. Ngọ chồm dậy chui ra khỏi hầm. Nhìn lên trên miệng hố chỉ thấy trời lấm tấm trổ đầy sao, một đám mây nhẹ như một làn khói đang trôi qua. Tiếng người bỗng im. Ngọ dỏng tai ra chờ đợi. Không phải mình nghe nhầm. Đúng là có người đã gọi anh. Cứ có người gọi lúc này là điều hay rồi. Không còn gì tai hại cho anh hơn là bị mọi người bỏ quên dưới lỗ huyệt này trong khi rõ ràng anh còn đang sống. Chợt anh lại nghe thấy tiếng gọi ban nãy. Tiếng nói vọng đến tai anh như một hơi gió, nhưng lần này anh nghe thấy rất rành rọt:
- Có ai dưới này không? Có ai ở đây không?...
Ngọ đáp ngay:
- Có tôi bị giam dưới này.
- Mấy người? Bộ đội hay dân?
- Bộ đội đây! Một người.
Ngọ nghe thấy tiếng kéo bấm rào dây thép gai lách tách. Một lát sau, lưới rào trên đầu Ngọ bật ra. Ngọ định nhảy chồm ngay lên thì thấy cuồng chân, không sao đứng thẳng được. Một lát, anh mới trèo lên khỏi miệng hố. Nhìn thấy một bóng đen đội chiếc mũ nhựa tùm hụp, Ngọ hơi nghi ngại. Bóng đen hỏi anh:
- Đồng chí ở đơn vị nào?
- Giọng nói quen quen, làm Ngọ cảm thấy mình không thể bị lừa dối, anh nói:
- Trường Sơn.
- Trường Sơn à? Nha (một bí danh chỉ đơn vị tiểu đoàn trong chiến dịch) nào?
Người đang hỏi, kiểm tra anh bí danh của tiểu đoàn
Ngọ đáp ngay:
- Nha Lục.
- Nha Nục à? Đồng chí ở C nào?
Ngọ kêu lên:
- Ôi giời ơi! Anh Cương - Ngọ nắm lấy áo người đứng trước mặt - Ngọ đây... Ngọ đây mà!
Cương cũng kêu lên:
- Đồng chí Ngọ!... Vẫn sống à? Anh em đâu cả?
- Nó giam ở đăng kia. Cách đây xa. Chỗ nó để kho đạn đại bác, gần đường cái ấy.
- Có nhiều lính gác không?
- Hai tiểu đội. Nó thay nhau gác cả ngày đêm.
- Anh em có đông không?
- Đông lắm! Đến năm chục người.
Cương ngẫm nghĩ rồi nói:
- Thôi... để các đồng chí đó ở ít ngày nữa rồi cũng ra thôi. Cậu Ngọ này, cậu có biết con đường từ Mường Thanh lên A1 nó ở chỗ nào không?
- Đường từ Mường Thanh lên A1 ấy à? - Ngọ hỏi lại. Nỗi mừng còn làm cho anh ngơ ngẩn.
- Có phải nó ở hướng này không? - Cương chỉ sang trái mình.
- Không phải. Nó ở bên này! - Ngọ chỉ về phía A1, lúc này anh đã tỉnh táo.
- Thật không?... Cậu đã thấy nó rồi à?
- Thì hôm tôi bị bắt, nó đưa tôi xuống theo con đường đó.
- Nó có đường ngầm à?
- Không. Đường ở ngay trên mặt đồn. Xe tăng nó vẫn đi được.
Cương tỏ vẻ vẫn chưa tin hẳn:
- Sao ở trên mặt đồn mà ở Đồi Cháy bắc ống nhòm nhìn sang không thấy?
- Ở Đồi Cháy ấy à!... Ở đấy thấy làm sao được? Nó ở sườn đồi bên này cơ mà! Nó đi đằng sau cây đa cụt ấy mà!
Cương vỗ đùi:
- Chết cha thằng Tây rồi! Mình cũng đã ngờ ngợ.... Thế thì nó ở hướng này phải không? Có cầu qua suối không?
- Vâng, nó ở hướng này. Có một cái cầu gỗ.
- Mình lại cứ đoán nó ở phía trái. Nếu không gặp cậu thì đi đến tết cũng không tìm ra. Vừa rồi tôm thằng gác, nhưng lại vớ thằng lính Tây thành nói nó không hiểu... Bọn mình thấy nó chỉ xuống hố này, đoán đúng là trong hố có người... Sao cậu ngủ say thế? À này, cậu có biết bao nhiêu lâu nó thay gác một lần không?
- Chừng hai tiếng. Cũng sắp đến lúc nó thay gác. Phiên trước thay được một lúc lâu tôi mới ngủ.
- Sao nó lại giam một mình cậu ở đây?
- Tôi đánh thằng quan ba, bị nó bỏ xà lim.
Cương cúi đầu đứng lặng một lúc. Bây giờ phải giải quyết thằng gác này. Phải cho nó một báng súng thật mạnh vào thái dương... Nghĩ đến việc sắp làm, tự nhiên anh thấy rờn rợn. Trong những cuộc chiến đấu, nhất là khi trận đánh đang diễn ra ác liệt, anh lao vào kẻ địch như một con thú bị thương say mồi. Nhưng lúc này dưới chân anh là một tên địch đã bị trói gô. Khi bọn anh nhảy đến dí súng vào tên gác này, nó ngoan ngoãn giơ tay đầu hàng, để bọn anh tước súng và trói lại. Nó lại chỉ cho anh biết có người của mình bị giam dưới hố. Nó còn nói thêm một số điều gì mà bọn anh không ai hiểu, nhưng anh biết chắc những điều nó nói đó không phải để chống lại bọn anh... Cương chép miệng rồi gọi mấy người đứng bố trí chung quanh lại. Anh nói:
- Cậu Trung đưa anh em và đồng chí này theo đường cũ từ từ ra đi thôi. Nhớ bò cẩn thận, đừng chạm vào ống bơ và mìn của nó! Tôi ở lại giải quyết cái thằng này rồi ra ngay.
Ngọ cúi xuống nhìn thằng lính bị trói gô, miệng nhét giẻ, nằm còng queo dưới đất. Mắt nó trắng đã mở trừng trừng không chớp như mắt người chết. Ngọ nhận ra thằng lính mặt đỏ vẫn cho anh thuốc lá mọi ngày.
- Thằng này đối với chúng tôi tốt lắm anh Cương ạ!
- Thằng gác kia đến thì thể nào nó cũng khai đường chúng ta ra...
Ngọ đứng im một lúc rồi quay ra, đi cùng với mấy người kia. Cương đang cúi đầu chợt ngẩng lên gọi Ngọ. Ngọ quay lại, Cương hỏi:
- Gần đây có cái hủm nào khuất không? Nơi nào mà thằng gác đến nó không tìm thấy thằng này ngay?
- Trong kia có nhiều đám cỏ gianh kín lắm.
- Trong đó chắc nó có gài mìn.
- Không đâu. Hôm trước đến đây, tôi thấy bọn chúng nó vẫn cứ lại ở đấy.
Cương nói với mấy người kia:
- Cậu Trung đưa mình mảnh vải dù. Các cậu đi trước đi. Cậu Ngọ ở lại đây cùng ra sau với mình.
Cương kiểm tra lại dây trói rồi lấy mảnh vải dù bịt kín mắt thằng lính lại:
- Cậu khiêng với mình một tay. Đem nó quẳng ra đó.
Ngọ định nói một câu cho thằng lính đỡ sợ, khỏi giẫy giụa nhưng không biết nói thế nào cho nó hiểu. Một lát anh nghĩ ra:
- Không sợ. Chúng tao đưa mày đi xà lim, "xe luyn... xe luyn" ấy mà!
Có lẽ thằng Tây hiểu thật, nó nằm im cho hai người khiêng. Người nó võng xuống nặng như một con trâu. Họ quẳng nó vào giữa một búi cỏ gianh cách đó dăm chục thước. Lúc quay ra, Cương ra hiệu cho Ngọ bước thật nhẹ để thằng gác không biết họ đi về hướng nào. Đi một quãng xa, Ngọ ghé vào tai Cương:
- Anh làm thế nào mà vào được đây?
- Cắt rào.
- Em cứ tưởng anh chết rồi!
- Chết thế nào được! Còn phải sống để tổng công kích chứ!
- Em nghe tiếng anh mà em nhận được ra đấy!
Ngọ mủm mỉm cười rồi lại nói:
- Anh không cứu em thì vài ngày nữa em chỉ buồn mà chết.
- Cậu cứu tớ đấy! Không gặp cậu thì loanh quanh đến sáng chưa chắc đã lần ra.
- Ở nhà còn đông anh em cũ không anh?
- Cũng còn. Thôi im lặng, lát nữa về nhà nói chuyện. Gần đến A3 rồi!