A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 158 / 9
Cập nhật: 2020-06-24 21:51:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cái Đồng Hồ
ối hôm ấy, bố tôi ra cửa hàng mậu dịch mua về một cái hộp giấy vuông vuông. Bố tôi đặt hộp xuống bàn và bảo:
- Bố thưởng cho hai anh em đấy. Vào năm học mới, phải cố gắng hơn nữa.
Bố mở hộp ra. Thích quá! Một cái đồng hồ báo thức, vỏ bằng nhựa trắng tinh! Bố vặn dây cót, xoay xoay cái kim, lập tức đồng hồ reo lên vang nhà.
Cái Nga sướng quá tranh ngay:
- Của em, chứ không phải của anh Đức đâu!
Tôi cãi:
- Đừng hòng! Anh nhớn anh mới biết lên dây cót, hiểu chưa?
Bố tôi cười:
- Của chung cả nhà chứ! Nhưng cho hai anh em đặt ở góc học tập. Bố bày cho Đức cách lên dây, để chuông. Cấm không đứa nào được táy máy mà nó hỏng đấy.
Tôi hơi phổng mũi một tí vì được bố tin cậy - mình là anh mà lị! Còn cái Nga thì xịu mặt xuống:
- Anh Đức hay nghịch lắm bố ạ. Hôm nọ anh ấy bẻ cái chân đồng hồ bác Thụy!
À, thế mà cũng đòi biết máy đồng hồ! Nó thấy cái quả lắc chạy lúc lắc, nó gọi là “cái chân”! Chán thật!
Nghe cái Nga nói, tôi chả tức mà chỉ buồn cười. Tôi kể bố nghe hôm ấy bác Thụy bác ấy lau bóng loáng. Xong tôi lại được móc quả lắc vào, khẽ đẩy một cái nó kêu “tích… tắc”.
Đồng hồ nhà bác Thụy ở liền phòng nhà tôi. Cứ mười lăm phút, đồng hồ bác ấy lại gõ chuông:
“Tính tang tang tình… Tình tang tính tang…” Nghe cứ như đồng hồ nó nói: “Ấy mau lên nào! Bài xong hết chưa? Ấy mau lên nào!”
Từ khi có cái đồng hồ báo thức, tôi ra sức chăm nom nó. Tôi lên dây, lau chùi mặt kính và vỏ nhựa hàng ngày. Cái Nga thì học chữ số ngay trên đồng hồ và học xem giờ giấc. Đồng hồ nhà tôi có tiếng chuông reo “ác” thật, vang và trong như dế cộ gáy sau đêm mưa. Đặc biệt là tối không có đèn, hai cái kim của nó cứ sáng lóe lên như đom đóm. Nó suốt tháng ngày tí ta tí tách, chăm chỉ chạy rất đều rất đúng, nhắc nhở anh em tôi giờ ngủ, giờ chơi, giờ ăn. giờ học. Chúng tôi lớn lên mà nó vẫn cứ thế, vẫn tròn tròn bé bé và đứng nguyên chỗ cũ.
Thấm thoắt tôi đã lên lớp ba, cái Nga vào lớp một. Vỏ đồng hồ hơi vàng đi, nắp sắt phía sau gỉ lấm tấm. Nhưng nó vẫn chạy, rất đều, tí ta tí tách.
Đùng một cái, thằng Níchxơn ném bom lại. Anh em tôi lại phải theo cơ quan đi sơ tán. Mẹ tôi được bố tôi cho mượn cái đồng hồ đeo tay, còn bố tôi ở Hà Nội dùng chiếc đồng hồ báo thức.
Sống ở nông thôn từ hôm đó, tôi nhớ cái đồng hồ quá. Đêm nào mẹ tôi gọi dậy chạy báo động xong, vào giường nằm chưa ngủ tiếp được, tôi lại nhớ khuôn mặt tròn tròn hiền ơi là hiền của nó, nhớ hai cái kim sáng như hai con mắt nó chăm chăm nhìn tôi, và nhất là nhớ tiếng “tí tách tí tách” êm êm như là nó thở!
Thế là tôi nằm nghĩ lan man. Tôi sợ bố tôi bận việc quá quên lên dây đồng hồ, hoặc để cho nó bị bụi bặm… Chúng tôi nhớ nó. không biết nó có nhớ chúng tôi không nhỉ? Thôi được, để đồng hồ giúp bố ở nhà, bởi vì bố hay phải làm ca đêm… Thôi, tớ ngủ cái đã, đồng hồ nhé!
Một hôm, độ mười giờ sáng, máy bay réo sèn sẹt rồi súng nổ ầm ầm phía Hà Nội. Chúng tôi lo lắm. Chiều mát, mẹ tôi ra đường cái đón người từ Hà Nội lên để hỏi thăm. Các bác ấy nói chúng nó ném bom khu nhà tập thể B, khu nhà tập thể C. Tối hôm đó, mẹ tôi cứ ngơ ngẩn không ăn cơm được, anh em tôi cũng ỉu xìu xìu.
Hôm sau thì biết tin có mười mấy người chết và bị thương. Khu nhà tập thể nhiều chỗ bị sập, nhưng phòng bố tôi, phòng bác Thụy chỉ bị mảnh bom và sức ép, bố tôi không bị thương vì đi làm vắng, còn bác Thụy bị thương nhẹ vào chân, phải nằm bệnh viện.
Chủ nhật tuần ấy, bố tôi đạp xe vào chỗ sơ tán, mang theo cái ruột chăn bông, cái va li, cái ấm tích, cái ba lô và cả cái đồng hồ báo thức nữa, các bạn ạ!
Trong khi các cô các bác, các cụ trong xóm quây quanh bố mẹ tôi nghe chuyện tội ác của giặc Mỹ và nguyền rủa chúng nó, thì tôi và cái Nga ôm lây đồng hồ. Nó vẫn còn sống mới lạ chứ! Bố thằng Níchxơn, đừng có hòng giết cái đồng hồ quý của tao!
Tôi lấy giẻ lau cho nó. Mặt kính bị rạn một vết to, còn cái đế nhựa gãy cụt bên chân trái. Nó đứng khập khiễng, phải gấp giấy kê vào thì mới đứng thẳng được. Nhưng nó vẫn “tích tắc, tích tắc” đều đều, như không có chuyện gì xảy ra. Mấy lần tôi và cái Nga hỏi bố về chuyện bom Mỹ đánh nhà mình, nhưng bố bận nói chuyện với người lớn, bố chưa kể.
Chắc là tối hôm ấy ở xưởng về, bố thấy một góc tường đổ và cửa nhà mình bung ra. Bố nhặt được cái ấm tích bên cạnh cốc chén và cái phích vỡ tan. Nhưng bố không thấy cái đồng hồ đâu cả. Bố bới bố tìm, bố tìm mãi. Sau rồi bố áp tai xuống đống gạch đổ, bố nghe thấy “tích tắc tích tắc”. Chắc là cu cậu cố kêu to lên cho bố nghe rõ. Bố dỡ gạch ra. Hai mắt cu cậu sáng lòe. Bố nhặt lên thì thấy mặt cu cậu bị rạn, mà chân thì sứt.
Đêm chủ nhật ấy, tôi và cái Nga đặt đồng hồ ở đầu giường mà ngủ. Cái Nga nó chả nghĩ gì cả, nó ngủ khì khì. Tôi thì tôi nhớ bác Thụy. Theo lời mẹ dặn, tôi đã viết thư thăm hỏi bác, chúc bác mau khỏi để trở về làm việc. Tôi cũng nhớ cái đồng hồ quả lắc của bác. Nó đứng tít trên cao mà bị hơi bom ép thì chắc gay go… “Tính tang tang tình!… ấy mau lên nào!”. Nó vẫn dõng dạc nhắc chúng tôi đấy. Nhớn mau lên các bạn ơi, học thật giỏi vào, thật ngoan vào!
… Ba giờ sáng thứ hai, đồng hồ reo vang gọi cả nhà dậy tiễn bố về Hà Nội. Tiếng nó vẫn trong vẫn khỏe lắm. Nó giỏi thật đấy, buồn nó không chạy chậm, vui nó chẳng chạy nhanh, đã chạy là đúng phăm phắp.
Lần này bố để nó ở lại sơ tán với chúng mình.
Tuyệt quá!
10-1972
Cái Tết Của Mèo Con Cái Tết Của Mèo Con - Nhiều Tác Giả Cái Tết Của Mèo Con