Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 24
Mấy hôm bận lao đầu vào chuẩn bị cho Đại hội bầu lại Ban quản trị, Bích không ra được trận địa phòng không nên cứ thấy nhớ day dứt. Đôi lúc Bích không phân biệt được nỗi nhớ của mình. Nhớ Phong hay nhớ các bạn gái đã gắn bó với nhau trong suốt thời gian đánh nhau với máy bay Mỹ. Vừa vượt qua tuổi thiếu nữ chưa được bao lâu lại gặp luôn tình yêu chớm nở với Phong nhanh quá nên đôi khi Bích tự hỏi không biết như vậy có phải là tình yêu hay không. Có điều chắc chắn là Bích thấy mình không thể xa Phong được. Ý nghĩ đó đôi lúc khiến cô lo lắng sợ hãi. Nỗi lo lắng sợ hãi ngấm ngầm khi nghĩ đến mối tình chớp nhoáng giữa Đảo và Mơ. Nếu một ngày nào đó… Bích không khi nào dám nghĩ tiếp bởi thấy nó khủng khiếp quá.
Bích đến, các cô gái đang ngồi đánh tú-lơ-khơ trong lán vứt bài chạy ùa ra hỏi tíu tít.
Mơ vẫn là cô gái to mồm nhất:
- Khiếp, mày làm gì mà mất hút con mẹ hàng lươn thế hở con kia. Được bầu vào Ban quản trị sướng quá quên chúng tao rồi có phải không?
Bích thanh minh:
- Việc chuẩn bị cho Đại hội công việc lút đầu tao không có thời gian để thở nữa lấy đâu thì giờ ra chơi với chúng mày. Sáng Đại hội kết thúc, chiều họp Ban quản trị mới để phân công nhiệm vụ và bàn công việc. Tao vừa về nhà lùa vội bát cơm, xong là ra đây ngay. Anh Phong đâu?
- Chưa hỏi ai đã hỏi anh Phong rồi. Đang đứng thơ thẩn ngoài kia kìa. Mấy hôm nay vắng mày anh ấy buồn rũ ra như cọng khoai héo.
- Mày chỉ giỏi bịa. Tao liên quan gì đến anh ấy mà vắng tao anh ấy buồn – Bích nói nhưng mắt lại nhìn về phía tay Mơ chỉ.
Mơ nói với Bích:
- Tương tư rồi mày ạ. Suốt ngày cứ ngoái cổ nhìn vào làng xem có thấy bóng dáng của mày không đấy. Biết mày ra mừng lắm nhưng không dám vồ vập vì sợ bọn tao trêu đấy thôi.
- Mày chỉ giỏi bịa.
- Mày không tin để tao gọi anh Phong vào mày hỏi tao nói có đúng không – Nói xong Lý gọi to – Anh Phong ơi, anh vào đây. Có đại biểu của Hợp tác xã Gia Đạo ra thăm hỏi đây này.
Bích đưa tay bịt mồm Lý mắng:
- Mày chỉ được cái vớ vẩn.
Phong đang đứng thơ thẩn thả ý nghĩ của mình vào mông lung, nghe tiếng gọi của Lý liền đi vào. Nhìn thấy Bích, Phong mừng rỡ ra mặt.
- Sao Bích ra tối thế?
- Em họp đến mãi chiều tối mới xong.
Mơ xua Bích:
- Anh chị ra ngoài kia mà trút bầu tâm sự, để đây cho bọn tôi đánh bài.
Nhâm đứng cạnh Mơ buông một câu trêu Bích:
- Anh Phong có số đào hoa thật. Mười xạ thủ súng máy cô nào cũng mê anh tít thò lò.
Mơ bảo:
- Mê cũng chỉ biết đứng nhìn thôi nghe không. Đất phần trăm đã có chủ rồi. Sờ đến có mà vỡ mặt với cái Bích. Thôi anh chị ra ngoài kia mà đứng, để bọn tôi còn tiếp tục chơi – Vừa nói, Mơ vừa đưa tay ẩy Bích ra khỏi lán.
Đi được mấy bước Bích hỏi Phong:
- Mấy hôm nay có báo động nhiều không anh Phong?
- Ít thôi. Có lẽ đang bước vào mùa khô, bọn Mỹ biết mùa này ta tăng cường vận chuyển vào chiến trường nhiều nên chúng tập trung lực lượng không quân đánh phá trong ấy là chủ yếu. Công việc của Bích có bận lắm không?
- Chắc là bận. Ban quản trị mới nên có nhiều việc phải làm lắm.
Khi hai người đứng khuất vào sau ụ súng, Phong hỏi đột ngột:
- Em có nhớ anh không?
Câu hỏi của Phong khiến Bích sững sờ. Một cảm giác lâng lâng tràn ngập lên người Bích. Cô không muốn trả lời Phong vì muốn để cái cảm giác lâng lâng ấy đừng bay mất.
Phong nói tiếp:
- Từ hôm em vào làng, không hiểu sao anh cảm thấy trống trải một cách khác thường.
Bích thú nhận:
- Em cũng thế. Cứ thấy vắng vắng thế nào ấy. Biết thế em đừng nhận tham gia vào Ban quản trị cho xong.
- Chiến đấu đánh trả máy bay giặc Mỹ là công việc nhất thời. Có thể đến một ngày nào đó không còn nữa. Nhưng xây dựng quê hương thì không biết khi nào cho xong.
- Có lẽ vì nghĩ đến chuyện phải làm thay đổi bộ mặt của Hợp tác xã quê em nên em mới nhận lời chứ em chẳng muốn xa khẩu đội phòng không chút nào cả.
- Chỉ không muốn xa khẩu đội phòng không thôi à?
- Vâng. Chỉ không muốn xa khẩu đội của chúng em thôi.
- Còn xa anh thì được?
Bích cười rúc rích:
- Vâng.
- Thật thế chứ?
- Thật thì đã sao nào?
- Thế nào nhỉ. Để anh nghĩ đã.
- … Thế anh có yêu em không?
- Làm sao mà em biết anh yêu em?
Bích nói lí nhí:
- Em cũng chả biết.
Hai người im lặng nghe rõ cả tiếng gió xua xào xạc của các ruộng ngô xung quanh.
- Bao giờ thì hết đánh nhau hả anh? – Bích hỏi giọng lo lắng.
- Anh cũng không biết khi nào thì hết chiến tranh. Nhưng sao em lại hỏi anh câu đó?
- Tự nhiên có một nỗi lo sợ vừa thoáng qua trong em.
- Em phải xua ngay nó đi, đừng để nó đọng lại trong lòng mình.
- Em bảo nó chỉ thoáng qua thôi mà.
Phong hỏi:
- Công việc của Ban quản trị buổi tối có bận không?
- Anh hỏi để làm gì?
- Anh muốn các buổi tối chúng ta được đứng bên nhau như thế này.
- Em cũng chưa biết buổi tối có bận không. Ban quản trị vừa mới được bầu nhiều việc lắm anh ạ. Tối nào không bận thì em sẽ ra đây với anh. Như vậy đã được chưa?
- Anh chẳng mong gì hơn.
Bích nhìn vào trời đêm hỏi:
- Đã đến giờ anh về bên đơn vị của anh chưa?
- Anh được biệt phái giúp dân quân các em nên không bị lệ thuộc vào giờ giấc mấy.
- Giá như được đứng bên nhau mãi suốt đêm như thế này nhỉ.
- Anh sẽ ngồi suốt đêm với em ở đây.
Phong nói rồi đưa hai tay đặt lên vai Bích kéo về phía mình. Bích đưa hai tay để vào ngực Phong như muốn chống đỡ. Nhưng rồi hai tay Bích buông dần để đón nhận cái hôn cháy bỏng của Phong.
2
Luận xuống dự bàn giao giữa Ban quản trị mới và cũ của Hợp tác xã Gia Đạo ngồi chờ gần nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa đủ người để họp. Dậu sốt ruột hỏi Lịch:
- Anh Ngọ và anh Lấu đâu mà giờ này chưa thấy mặt hả anh Lịch?
Lịch ngáp dài uể oải đáp:
- Ông Ngọ cho con ra bảo là bị cảm không ra họp được. Còn tay Lấu thì sáng nào vợ cũng sai làm hết việc nhà, sau đó gửi con đi nhà trẻ xong mới đi làm việc được.
Luận hỏi:
- Ngày nào cũng thế à?
Lịch đáp:
- Ngày nào cũng thế. Hắn tự nguyện làm người đầy tớ trung thành của vợ suốt đời mà.
Tế bảo:
- Tôi vừa thấy ông Ngọ đi từ nhà cô Hoang ra, sao bị cảm nhanh thế?
- Ông đến nhà tay Ngọ mà hỏi chứ chúng tôi làm sao biết được – Lịch nhấm nhẳng trả lời.
Dậu sực nhớ ra chuyện Ban quản trị cũ hứa chi công điểm cho những người đi dự Đại hội lần trước nên hỏi Lịch:
- Chưa họp, tôi có việc này muốn hỏi anh Lịch một chút. Đại hội lần trước các anh có hứa với các đại biểu ai đi họp được chi một ngày công, sao khi bà con đưa sổ chấm công đến yêu cầu ghi vào cho họ các anh bảo không có?
Lịch nói tỉnh bơ:
- Theo tôi đã không công nhận kết quả của Đại hội thì không việc gì phải trả công cho những người đi dự. Còn nếu các anh muốn chi thì các anh cứ chi. Sau khi bàn giao ở đây xong là coi như chúng tôi không còn trách nhiệm gì với chuyện đó nữa.
Dậu thấy khó chịu với câu trả lời của Lịch nhưng vẫn nói:
- Được rồi. Các anh đã hứa với bà con thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm với lời hứa đó. Các anh nhớ cho đấy. Ta chờ anh Lấu đến rồi bắt đầu làm việc. Sổ sách anh Lấu giữ cả có phải không?
Lịch đáp:
- Anh ta giữ cả.
- Anh có bảo anh Lấu đưa tất cả đến để bàn giao không?
- Không dặn thì anh ta cũng biết bàn giao tất cả sổ sách cho Ban quản trị mới chứ giữ lại làm gì.
Lấu khệ nệ ôm một chồng sổ sách đi vào. Cái tay áo bên cánh tay bị tật bay phơ phất như đẩy người Lấu lệch hẳn về một bên. Dậu nhìn thấy điệu bộ của Lấu, cười bảo:
- Anh Lấu đã làm xong việc nhà rồi à?
Lấu tỏ vẻ ngượng:
- Buổi sáng nhiều việc quá nên phải giúp vợ một tay nên đến muộn, các anh thông cảm. Ôi, chào bí thư đảng ủy. Chị ngồi kín quá nên chẳng thấy. Chị thứ lỗi cho nhé.
- Anh không thấy tôi ngồi cạnh cô Bích đây chứ ngồi đâu mà anh bảo tôi ngồi kín quá không thấy.
Lấu nói xuê xoa:
- Vội quá nên hoa cả mắt - Lấu nhìn quanh không thấy Ngọ đâu hỏi - Còn ông Ngọ nữa, đâu mà không thấy?
Dậu bảo:
- Anh Ngọ báo ốm rồi.
Lấu tỏ vẻ nghi ngờ:
- Ốm nhanh nhỉ. Mới sáng sớm đi qua ngõ nhà tôi mà.
Lịch khó chịu nói với Lấu:
- Về đến nhà mới ốm thì sao? Việc gì ông đi moi móc người khác.
- Có thế nào nói thế ấy chứ tôi chẳng moi móc ai.
Dậu không muốn nghe Lịch và Lấu lằng nhằng nên bảo:
- Chúng ta bắt đầu làm việc nhé. Xin phép bí thư Luận cho anh em chúng tôi bắt đầu làm việc. Sáng nay chúng ta bàn giao công việc và các giấy tờ sổ sách giữa Ban quản trị cũ và Ban quản trị mới. Chỉ vắng mặt anh Ngọ. Chương trình chúng ta sẽ làm hết buổi sáng nay. Nếu không xong chiều chúng ta tiếp tục làm nốt.
- Làm gì mà phải kéo qua đến chiều. Chỉ cần một tiếng đồng hồ là bàn giao xong – Lịch nói.
- Đó là tôi nói đề phòng thôi. Còn nếu làm được trong một vài tiếng đồng hồ mà xong thì hay quá rồi. Bây giờ ta bàn giao sổ sách giấy tờ trước. Cháu Bích phụ trách theo dõi kế toán thống kê của Ban quản trị, anh Lấu lần lượt bàn giao từng mục cho cháu Bích. Cháu Bích xem kỹ, có thắc mắc gì thì hỏi để anh Lấu giải thích. Mục nào rõ ràng thì cho qua luôn cho nhanh. Sau khi bàn giao xong nếu không có vấn đề gì thì tôi và anh Lịch ký vào biên bản bàn giao thế là xong. Đề phòng có những việc chưa rõ ràng hoặc có sự nhầm lẫn, chúng ta phải làm cho rõ mới ký vào biên bản bàn giao. Anh Lịch và anh Doanh thấy làm như thế đã được chưa?
Lịch tán thành:
- Cứ làm vậy đi.
Dậu bảo Bích:
- Bích bắt đầu nhận các sổ sách của anh Lấu bàn giao. Tuần tự nhận từng cuốn một. Cuốn nào chẳng có vấn đề gì thì bỏ riêng ra một bên để đề phòng nhầm lẫn. Thấy vấn đề gì chưa rõ ràng thì cháu hỏi ngay để anh Lấu giải thích.
Lấu và Bích ngồi riêng hẳn một bàn để bàn giao cho nhau. Còn lại vừa uống nước vừa nói chuyện.
Luận hỏi Dậu:
- Các anh định khi nào thì thì thu hoạch khoai tây và ngô?
- Có lẽ tuần này thu hoạch khoai tây. Thu hoạch xong xoay qua thu hoạch ngô luôn.
- Bên Nhân Đạo thu hoạch khoai tây sắp xong rồi.
Dậu hỏi:
- Đã tính toán được bao nhiêu tạ một sào chưa chị?
- Tôi chưa hỏi. Nhưng nghe bà con bảo nhiều củ lắm.
Tế góp chuyện:
- Hôm trước tổ tôi cũng đào thử mấy bụi trông thích mắt lắm. Chúng tôi tính với nhau không dưới bảy, tám tạ một sào.
Luận hỏi:
- Ngô thế nào?
- Ngô hơi trái vụ một chút nên không được mỹ mãn lắm nhưng cũng có cái ăn lúc giáp hạt.
Nhìn thấy Bích và Lấu đang nói gì đó qua lại với nhau có vẻ căng thẳng, Dậu hỏi:
- Có chuyện gì vậy Bích?
Bích trả lời:
- Có chỗ này cháu thấy vô lí quá cháu hỏi anh Lấu, anh Lấu bảo có thế nào thì ghi thế ấy chứ chẳng có gian lận gì.
Dậu đứng lên đi đến chỗ Bích và Lấu.
- Chuyện gì vô lí?
Bích cầm cuốn sổ đưa lên chỉ cho Dậu:
- Chú xem chỗ này này. Trong sổ ghi nhà anh Lấu bán bốn mươi cân lợn nghĩa vụ hôm mười hai tháng bảy. Nhưng những gia đình khác cân lợn cho Hợp tác đợt một năm nay đều ghi cân ngày mồng năm và mồng sáu tháng ba chứ không có nhà nào cân ngày mười hai tháng bảy vừa rồi cả.
Dậu hỏi Lấu:
- Anh Lấu giải thích thế nào về việc này?
Lấu nói trơn tru như nước chảy lá khoai:
- Có thể là có chuyện nhầm lẫn ngày tháng chứ nhà tôi có cân cho Nhà nước một lần một con lợn bốn mươi cân thật.
Dậu bảo Bích:
- Cháu xem lại danh sách những người đã cân lợn đợt một xem có tên anh Lấu ở đó không?
Bích mở cuốn sổ xem lướt qua rồi kêu lên:
- Đợt một có tên hộ anh Lấu cân năm mươi cân, chú xem này.
Bích đưa cuốn sổ cho Dậu xem. Xem xong, Dậu hỏi Lấu:
- Nhà anh năm nay cân lợn nghĩa vụ cho nhà nước những hai lần kia à?
Lấu lúng túng giây lát rồi vờ như mình vừa nhớ ra, kêu lên:
- Thôi, tôi nhớ ra rồi. Có hai lần Ban quản trị họp bàn kế hoạch sản xuất có mời các đồng chí lãnh đạo của xã xuống dự. Cả hai lần đều mổ chó nhà tôi để ăn. Anh Ngọ bảo đường nào cuối năm tôi cũng bán lợn nghĩa vụ cho Nhà nước. Thôi thì cứ tính trước cho tôi. Coi như tôi đã bán nghĩa vụ rồi.
Mọi người cười. Lịch và Doanh lúng túng đưa mắt nhìn nhau.
Ông Cẩm hỏi có vẻ hài hước:
- Chó của anh là giống chó tây hay sao mà hai con cân được những bốn chục cân?
Lấu đáp giọng tuồn tuột:
- Chẳng phải giống Tây giống Tàu gì. Tôi cho ăn uống đầy đủ nên con nào con nấy béo lẳn mông đít, to như con bê. Không tin thì nhà tôi còn một con ở nhà. Lát nữa họp xong tôi mời mọi người đến tham quan.
Bà Bắc bĩu môi:
- Tôi còn lạ gì con chó đốm của nhà anh. Thấy ai đi qua ngõ là đứng ở trong sân chõ mõm ra sủa nhanh nhách không ra hơi, có gì mà mời mọi người đến tham quan.
Luận thấy Lấu bảo mổ chó mời cả lãnh đạo xã nên hỏi giọng bực tức:
- Vừa rồi anh Lấu bảo hai lần họp bàn kế hoạch sản xuất có lãnh đạo của xã xuống dự. Cán bộ lãnh đạo của xã gồm những ai? Có tôi trong đó không?
Lấu trả lời thật thà:
- Một lần gồm chủ tịch Noãn, ông Khoa, ông Hãn, thường vụ đảng ủy xuống dự. Lần sau này thì có chủ tịch Noãn thôi.
Tế vừa nói vừa cười:
- Lần có ông Noãn, ông Hãn, ông Khoa, cộng thêm bốn cán bộ trong Ban quản trị nữa là bảy. Lần sau này bớt ông Khoa, ông Hãn còn lại năm người. Một lần bảy người, một lần năm người mà ăn hết những bốn chục cân chó thì tôi chẳng hiểu bụng dạ các ông ấy ra sao nữa. Ông Ngọ cũng tài tình thật. Hô một tiếng bốn chục cân thịt chó biến thành ra bốn chục cân thịt lợn. Có khi phải giới thiệu ông ta với Đoàn xiếc Trung ương mới được.
Bích hỏi Dậu:
- Tính thế nào với mục này đây chú Dậu?
Dậu nói dứt khoát:
- Xoá đi. Các ông ấy mổ chó ăn với nhau thì tự các ông ấy giải quyết lấy với nhau.
Lấu kêu lên:
- Vậy là tôi mất toi hai con chó à?
3
Từ cuộc họp bàn giao giữa hai Ban quản trị đi ra, Lấu cáu kỉnh hỏi Lịch:
- Hai con chó của tôi, các anh tính thế nào đây?
Lịch mắng:
- Cậu ngu, đi ghi riêng bốn chục cân lợn hơi ấy vào tiêu chuẩn nộp đợt hai thì cậu chịu lấy chứ tính sao nữa. Gian mà không ngoan thì chịu lấy chứ ai chịu cho cậu.
Lấu nghe Lịch nói vậy càng cáu:
- Cả Ban quản trị, cả cán bộ xã cùng ăn, sao bắt một mình nhà tôi chịu?
Lịch nói buông xuôi:
- Nếu vậy cậu tìm lấy tay Ngọ mà hỏi. Hai con chó chẳng khác gì hai con mèo hen mà hắn phóng tay chuyển đổi cho cậu những bốn chục cân lợn hơi, đến mà bắt đền hắn.
- Bây giờ thì anh bảo chó nhà tôi không khác gì con mèo hen, sao khi ăn thì khen lấy khen để chó tơ vừa mềm vừa béo. Tôi nói cho mà biết. Các anh không nuốt trôi với con vợ tôi đâu. Nó móc họng các anh cho đến khi nào hết thịt chó trong bụng các anh ra mới thôi.
Lịch dọa:
- Dám móc họng cả chủ tịch xã và mấy ông thường vụ đảng ủy nữa hay sao?
- Ai chứ con vợ tôi nó chẳng từ. Bây giờ Ban quản trị mới dứt khoát xóa bốn chục cân lợn hơi của tôi ở trong sổ, mấy anh phải tính bốn mươi cân lợn hơi giá bao nhiêu, góp tiền trả lại cho nhà tôi.
- Lão Ngọ cho ông bốn chục cân lợn hơi thì ông đến nhà lão Ngọ mà đòi. Còn tớ và ông Doanh chỉ tính giá thịt chó rồi chia đều theo đầu người, trong đó có vợ chồng và ba đứa con của ông, xem một người hết bao nhiêu tiền, tớ và ông Doanh sẽ trả cho ông.
Lấu điên tiết:
- Nếu thế ông đến nói với con vợ của tôi, tôi đi đến nhà ông Ngọ đây.
Nói xong Lấu chẳng buồn chào Lịch, rẽ vào ngõ đi vào nhà Ngọ. Ngọ đang ngồi uống rượu một mình với chuối xanh chấm muối ớt, thấy Lấu vào, hỏi:
- Bàn giao xong rồi à?
Lấu trả lời trống không:
- Chưa xong. Ông bảo ông ốm không dự bàn giao được, giờ khỏi rồi hay sao mà ngồi uống rượu đấy?
Ngọ cười hì hì:
- Ốm đau chó gì đâu. Các ông có việc mới bàn giao chứ tớ có gì mà bàn giao. Có cái búa đánh kẻng bằng con dao cùn khi nào chúng nó hỏi đến thì tớ bàn giao nếu không thì thôi. Bàn giao những gì mà làm cả buổi sáng không xong? Ngồi xuống đây làm chén rượu.
- Còn gan ruột đâu mà ngồi uống rượu.
- Sao thế? Gặp rắc rối à?
- Nhiều thứ rắc rối lắm. Ban quản trị mới không đồng ý chi công điểm họp cho anh em mình như đã ghi trong sổ sách.
Ngọ hỏi:
- Chúng nó lấy lí do gì mà không đồng ý?
- Ông Dậu bảo công họp của cán bộ trong Ban quản trị nhiều hơn xã viên đi lao động là không hợp lí. Ông Tế còn bảo chỉ đồng ý chi công họp cho Ban quản trị một tháng họp hai lần thôi và số ngày công cũng chỉ được bằng ngày công bình quân của xã viên chứ không được hơn.
Ngọ hớp một ngụm rượu, cắn thêm miếng chuối xanh rồi nói nhồm nhoàm:
- Chúng nó mới ngồi vào cái ghế lãnh đạo mà đã ti toe láo nhỉ.
- Cờ vào tay ai người nấy phất nói làm gì. Có việc này tôi đến để gặp ông đây.
Ngọ hỏi:
- Việc gì thế?
Lấu buồn rầu:
- Bốn chục cân lợn hơi ông chi cho hai lần ăn thịt chó của tôi, Ban quản trị mới không công nhận.
Ngọ giật mình:
- Vì sao chúng nó biết chuyện này?
- Tôi không để ý nên ghi bốn chục cân lợn hơi này riêng ra, thành ra nhà tôi nộp hai lần lợn nghĩa vụ trong năm, trong khi cả Hợp tác mới nộp một lần. Chẳng hiểu sao tôi ngu thế không biết.
Ngọ đế luôn:
- Đúng là ông ngu thật. Chúng nó mà gạch cái mục bốn chục cân lợn hơi này đi thì thiệt cho ông rồi.
Lấu nói cứng:
- Thiệt là thiệt thế nào. Tôi vừa nói với ông Lịch là các ông phải chịu bồi thường bốn chục cân lợn hơi ấy cho nhà tôi.
Ngọ cười hề hề:
- Ông lại tiếp tục ngu nữa rồi. Làm sao mà ông bắt chúng tôi bồi thường cái ngu của ông. Ông ghi sai thì ông phải chịu lấy chứ.
- Ông nói vậy hóa ra các ông ăn không hai con chó nhà tôi à? Tôi nói cho ông biết, con vợ tôi nó không để cho các ông yên đâu.
- Bọn này thành những kẻ trọc đầu hết rồi, chẳng còn tóc đâu để cho con vợ ông nắm.
- Ông đã nói vậy thì tôi chẳng có gì để nói với các ông nữa rồi. Các ông không còn tóc thì con vợ tôi nó nắm chỗ khác. Ông còn lạ gì tính con vợ nhà tôi nữa. Tôi về đây.
Vợ Lấu ngồi nhặt rau ở góc sân thấy Lấu về hỏi:
- Bàn giao xong rồi à?
- Xong mà cũng chưa xong.
- Nói thế là nghĩa thế nào?
- Còn nhiều chuyện rắc rối lắm. Trong đó có chuyện liên quan đến nhà mình.
Vợ Lấu giật mình:
- Việc gì liên quan đến nhà mình?
Lấu nói buồn thiu:
- Bốn chục cân lợn hơi chuyển từ hai con chó sang trừ vào lợn nghĩa vụ coi như mất toi rồi.
Vợ Lấu vứt nắm rau đang cầm trong tay đứng bật dậy.
- Anh vừa nói cái gì? Bốn chục cân lợn hơi nhà mình vì sao mà mất toi?
Lấu thú nhận:
- Tôi vô ý ghi bốn chục cân lợn hơi ấy riêng ra nên các ông các bà trong Ban quản trị vừa được bầu phát hiện ra nhà mình cân lợn nghĩa vụ đến hai lần. Vì thế họ cho là mình gian dối nên đã xóa bốn chục cân lợn hơi ấy ra khỏi sổ cân lợn nghĩa vụ của Hợp tác rồi.
- Ban quản trị mới xóa đi thì Ban quản trị cũ phải bồi thường cho nhà mình chứ, ăn không hai con chó nhà mình thế nào được.
- Tôi cũng đã nói như thế với ông Lịch, ông Ngọ, nhưng cả hai ông muốn phủi tay chuyện này. Ông Lịch còn bảo nếu bồi thường thì tính tiền hai con chó rồi chia đều cho đầu người mà thu tiền. Ông ta còn tính cả nhà mình vào đó mới bực chứ.
Vợ Lấu lồng lên:
- Anh nói cái gì. Ông Lịch bổ theo đầu người, cả năm người nhà mình phải chịu? Có đúng thế không?
- Đúng thế đấy.
Vợ Lấu thấy ruột gan mình trào lên:
- Cái thằng Cún nhà mình đến cháo còn chưa nuốt được mà dám tính cho nó một suất thịt chó. Đúng là cái quân đểu. Anh nhặt rau rồi lo cơm nước, để việc này cho tôi.
Nói xong vợ Lấu xồng xộc đi ra khỏi cửa.
Vợ chồng con cái nhà Lịch đang chuẩn bị ăn cơm thì vợ Lấu vào. Với bộ mặt hằm hằm, vợ Lấu chào:
- Chào cả nhà ông Chủ nhiệm.
Lịch hỏi:
- Có chuyện gì mà cô chào nặng lời thế? Mà tôi có còn làm Chủ nhiệm nữa đâu.
- Phải. Vì không còn làm Chủ nhiệm nên ông định chạy làng có phải không?
Lịch ngạc nhiên:
- Cô bảo tôi chạy làng chuyện gì?
Vợ Lấu the thé:
- Chuyện gì à? Hai lần các ông đến bắt chó nhà tôi làm thịt để chén chú chén anh với nhau. Các ông bảo sẽ tính vào tiêu chuẩn lợn nghĩa vụ cho nhà tôi. Bây giờ Ban quản trị mới được bầu phát hiện ra việc làm khuất tất của các ông, họ xóa bốn chục cân lợn hơi của nhà tôi ra khỏi sổ rồi, chồng tôi bảo các ông bồi thường cho nhà tôi nhưng các ông định phủi tay có phải không?
- Phủi tay hay không cô về hỏi thằng chồng nhà cô ấy. Đáng ra nó phải nhập bốn mươi cân lợn kia vào với lợn nhà cô đã cân đầu năm, nhưng nó ngu, nó lại ghi ra thành một khoản khác thì nó phải chịu chứ sao bắt chúng tôi chịu.
- Thế hai con chó nhà tôi mà các ông mổ ra chè chén với nhau thì các ông tính sao đây?
Lịch nói tỉnh bơ:
- Tôi đã nói với chồng cô rồi, ăn chó trả chó. Cứ bổ đầu người ra mà chịu với nhau. Ba cán bộ xã, ba cán bộ Hợp tác là sáu. Nhà cô năm là tính luôn chồng cô vào đó. Tất cả có mười một người. Mỗi người chịu bao nhiêu, cứ thế mà nộp.
Vợ Lấu nghe Lịch nói vậy lồng lên:
- Tôi nói để ông biết, bốn mẹ con nhà tôi không biết miếng thịt chó chua ngọt thế nào đâu nhé. Có bao nhiêu xương xóc lòng bề, các ông đều tống vào mồm các ông cả chứ còn lại miếng nào đâu mà bổ đồng cho mấy mẹ con tôi chịu.
Vợ Lịch thấy vợ Lấu mỗi lúc một to tiếng nên chạy ra can:
- Cô Thìn này, chuyện gì rồi cũng đâu vào đó cả. Cô nói be bé thôi kẻo làng xóm người ta nghe được chẳng hay ho gì đâu.
Vợ Lấu nghe vợ Lịch nói vậy càng nói to:
- Việc gì mà tôi phải nói bé. Tôi nói để các ông biết, đã hứa trả cho tôi bốn mươi cân lợn hơi là bốn mươi cân lợn hơi. Thiếu một cân cũng không yên với tôi đâu.
Lịch bắt đầu thấy cáu:
- Cái cô này ăn nói ngang ngược nhỉ. Cô nghĩ tôi đã hết thời rồi nên muốn nói gì thì nói phải không. Ăn thịt chó nhà cô có cả ông chủ tịch xã. Cô có giỏi thì lên bảo ông ấy ký lệnh cho Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo xuất bốn chục cân lợn hơi trả cho cô.
Vợ Lấu gào lên:
- Ông tưởng tôi sợ chủ tịch xã lắm hay sao mà đưa ra dọa tôi. Huyện xã gì mà ăn chó của tôi không trả đúng như đã hứa thì tôi cũng móc họng lôi hết thịt mấy con chó của tôi ra mới thôi.
Nói xong, vợ Lấu đùng đùng ra khỏi nhà Lịch.
4
Lịch dựng xe đạp vào gốc cây bưởi cụt ngọn trước sân ủy ban rồi xăm xăm bước vào phòng làm việc của Noãn.
- Chào ông Chủ tịch – Tiếng chào của Lịch không ra đứng đắn mà cũng chẳng ra đùa cợt.
Noãn đang làm việc ngẩng đầu lên:
- Chào kẻ bại trận.
Lịch cười chế nhạo:
- Ông là kẻ thắng trận đấy nhỉ?
- Tớ vẫn ngồi cái ghế chủ tịch của mình chứ có như ông đâu mà bảo tớ bại trận. Lên chơi hay có việc gì không?
- Lên chơi thôi. Bà Luận đi đâu mà không thấy ở trong phòng làm việc?
- Ông định gặp bà Luận à?
- Đi qua thấy vắng thì hỏi chứ bây giờ trở đi chẳng có việc gì để gặp bí thư đảng ủy cả.
Noãn hỏi:
- Bàn giao xong xuôi cả rồi chứ?
- Chưa. Tiên sư cái thằng Ngọ và thằng Lấu. Chúng nó làm tớ và tay Doanh không có đất để chui xuống.
Noãn ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Lịch chưa đáp mà hỏi lại Noãn:
- Hai lần mổ chó có ông và tay Khoa, tay Hãn xuống ăn, ông có nhớ không?
Noãn cười:
- Thiên hạ bảo ăn miếng dồi chó nhớ suốt đời, làm sao mà không nhớ được. Có chuyện gì liên quan đến chó à?
- Ông có biết lão Ngọ tính cho thằng Lấu hai con chó nhách ấy bao nhiêu cân lợn hơi không?
Noãn hỏi:
- Bao nhiêu cân?
- Bốn mươi cân ông ạ.
Noãn kêu lên:
- Hai con chó chỉ nhỉnh hơn con mèo một chút mà tính những bốn mươi cân tiêu chuẩn lợn hơi. Tay Ngọ điên à?
- Chắc hắn nghĩ hắn còn ngồi lâu ở cái ghế phó chủ nhiệm kiêm đội trưởng sản xuất nên mới lấy của Hợp tác bố thí một cách hào phóng như vậy cho nhà thằng Lấu.
Noãn hỏi:
- Ai phát hiện ra việc này?
Lịch đáp:
- Cái con Bích ranh chứ ai. Khi bàn giao sổ sách, nó soi từng chữ một. Hai con chó mà tính thành bốn chục cân lợn hơi, bố thằng nào mà ngửi được chứ.
Noãn cười hô hố:
- Nếu vậy thì đúng là ông và ông Doanh không có đất để chui đầu mà trốn thật.
Tiếng cười của Noãn chẳng khác gì té nước vào mặt Lịch. Nếu thế thì ông cho cùng chết nhục với ông. Nghĩ vậy Lịch nói:
- Chưa hết đâu ông ạ. Thấy bị hỏi dồn, tay Lấu làm như bộ mới nhớ ra liền nói thật là hai lần họp bàn sản xuất, vì có lãnh đạo của xã xuống dự nên đã mổ chó nhà nó để đãi khách.
Noãn giật mình hỏi:
- Thằng Lấu có nói rõ ra tên của lãnh đạo xã là ai không?
Lịch thấy Noãn bắt đầu hốt lấy làm thoả mãn nói tiếp:
- Nó bảo một lần có ông, ông Khoa, ông Hãn. Còn một lần chỉ có mình ông thôi.
Noãn đập tay xuống bàn:
- Thế này thì tôi cùng chui xuống đất với các ông thôi. Bố cái thằng què. Sao nó ngu thế không biết.
- Nó bị hỏi dồn nên hốt quá chẳng kịp suy nghĩ.
Noãn vò đầu:
- Nhục ơi là nhục.
- Ở đời có ai học được chữ ngờ hả ông. Ông nhục một, còn bọn tôi thì nhục mười. Ông có biết sau khi mấy tay trong Ban quản trị không thừa nhận bốn chục cân lợn hơi của thằng Lấu, con vợ nó đã lồng lên như một con trâu điên không. Hắn chửi từ ông trở xuống không từ một ai.
Noãn đang ngả người trên ghế ngồi thẳng ngay dậy:
- Đến thế kia à? Láo. Sao bà Luận xuống dự bàn giao về không hề nói gì đến chuyện này.
- Chưa nói bây giờ nhưng sau này thế nào cũng nêu ra trong cuộc họp đảng ủy.
- Tính bà Luận tớ biết. Chuyện cần nói là bà ấy gặp nói luôn chứ chẳng mấy khi nói ra giữa cuộc họp. Các ông giải quyết chuyện này đến đâu rồi?
Lịch lắc đầu chán ngán:
- Tớ, lão Doanh, lão Ngọ bấm bụng chi cho nhà thằng Lấu mỗi anh ba mươi cân thóc cho yên chuyện. Đau hơn hoạn ông ạ. Hai con chó bằng nắm đấm mà mất gần một tạ thóc. Đúng là chẳng có cái dại nào bằng cái dại nào. Thôi chuyện ấy yên rồi dẹp lại đó đã. Hôm nay tớ lên gặp ông muốn hỏi ông một chuyện.
Vừa dính vào chuyện mấy con chó xong nên khi nghe Lịch bảo có chuyện cần hỏi, Noãn giật thót:
- Ông cần hỏi chuyện gì thế?
- Tớ muốn viết đơn tố cáo một số việc làm đi ngược lại chủ trương đường lối của một số người, ông thấy thế nào?
Noãn thở phào:
- Ông định tố cáo những ai?
Lịch:
- Ở Hợp tác xã thì có tay Ngô, tay Dậu, ở xã có bà Luận, ở huyện thì có bà Chi.
- Ông định tố cáo những việc gì?
Lịch nói:
- Thứ nhất là phủ nhận lối khoán đã được quy định trong điều lệ của Hợp tác xã. Thứ hai là dự định sản phẩm thu được trong vụ xen canh không tập trung về cho Hợp tác xã mà chủ trương tự các nhóm, các tổ chia thẳng cho xã viên. Thứ ba là vi phạm chính sách lương thực của Nhà nước khi cho xã viên đưa lương thực đi bán tự do. Ông thấy thế nào?
Noãn suy nghĩ một lát rồi nói với Lịch:
- Những điều ông vừa nói thì đúng là vi phạm chủ trương đường lối của Đảng cả. Nhưng ông tố cáo với ai mới được chứ. Bí thư tỉnh ủy là cao nhất tỉnh ta chứ gì? Nhưng khổ nỗi bí thư tỉnh ủy lại là người đưa ra những chủ trương này. Lên Trung ương thì cũng phải biết đường đi lối lại, nhưng cả đời ông đi xa nhất là lên cái quán thịt chó của lão Năng ở trên phố huyện chứ có đi đến đâu đâu mà đòi tìm gặp Trung ương. Hơn nữa những việc ông vừa nói chỉ là dự định chứ đã làm đâu, ông lấy chứng cứ ở đâu mà đi tố cáo.
- Tớ nghe nói trên tỉnh ủy có mấy ông cán bộ Trung ương về chỉ đạo nông nghiệp của tỉnh ta. Tớ đưa lên đó có được không? Còn chuyện chứng cứ chắc chắn là có, vì tớ đã nghe mấy tay trong Ban quản trị đã bàn bạc với nhau rồi, chỉ chờ huyện có đồng ý hay không thôi. Mà huyện thì chắc chắn là đồng ý vì ông còn lạ gì tính của bà Chi.
Noãn khuyên Lịch:
- Tùy ông, tôi chẳng biết thế nào mà nói. Nói ra nhỡ sau này xảy ra chuyện gì thêm rầy rà. Tôi khuyên ông suy nghĩ cho kỹ trước khi làm, nếu không thì gậy ông đập lưng ông đấy.
- Tớ căm bọn chúng quá ông ạ. Mình đã lùi trước chúng nó mấy bước liền. Hết chấp nhận làm vụ xen canh rồi khoán nhóm, khoán tổ đến đi ra đồng hùng hục làm như trâu. Hết đứng trước xã viên để kiểm điểm nhận lỗi, lại đến trước các đại biểu nhận lỗi, kiểm điểm. Cuối cùng chúng nó vẫn sổ toẹt, không thừa nhận phải tổ chức lại Đại hội. Kết quả mình vẫn bị hất ra đường để cho chúng nó ngồi vào cái chỗ của mình ngồi. Chúng nó thâm mà mình chả biết. Thua thằng Dậu, thằng Tế đã đành một nhẽ, lại thua luôn cái con Bích chỉ mấy tuổi ranh, vắt mũi chưa sạch, cái lão Cẩm khù khờ và con mụ Bắc lẩm cẩm thế mới cay chứ ông. Không ăn được thì ông đạp đổ, đến đâu thì đến. Đường nào thì tớ cũng đã trắng tay rồi.
- Ông cay cú làm gì. Vùng vẫy lắm chỉ tổ sứt đầu mẻ trán chứ chẳng được gì đâu.
Lịch tỏ vẻ bất mãn:
- Mọi lần tớ nói cái gì ông cũng đồng tình và ủng hộ tớ đến nơi đến chốn, sao bây giờ ông toàn bàn ra thế. Hay tớ không còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nữa, ông chẳng gỡ gạc được gì nên muốn chơi cái trò bỏ của chạy lấy người có phải không?
Noãn:
- Ông coi thường tớ quá. Tớ cẩn thận nên khuyên ông vậy thôi. Còn ông đã quyết tâm làm thì tớ cũng ủng hộ thôi.
- Như thế mới bạn bè chứ. Chiều nay mấy anh em lại lên quán lão Năng nhé.
Noãn đồng ý bằng một cái gật đầu.