Số lần đọc/download: 40731 / 1255
Cập nhật: 2019-07-26 06:27:55 +0700
Hai Mươi Lăm
Ông Mười khòm rất thương thằng Mừng, hẳn thế.
Ngay cả khi đã chết đi, ông vẫn tiếp tục phù hộ nó. Cho nên bên cạnh nỗi buồn, ông đem lại cho nó niềm vui.
Trưa ngày thứ ba kể từ hôm sụt sùi trên chiếc chõng tre, Mừng hí hửng chạy qua nhà Khoa.
Mặt mày sáng trưng, Mừng khoe với Khoa hồi sáng khi qua phụ bà Mừng quét sân, nhỏ Đào nhắc lại với Mừng những lời ông ngoại nó tỉ tê với nó và khẳng định "Em sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở của ngoại em". Lúc đó, Mừng lại "Tức là Đào tiếp tục qua nhà thằng Bông chăm sóc hai con heo?" Nhỏ Đào gật đầu "Ờ, Và sau đó em lấy tiền bán heo giúp anh đi học tiếp".
Khoa hồi hộp:
- Rồi mày nói sao?
- Tao kêu lên "Í, không được đâu!".
Khoa chớp mắt:
- Sao không được?
- Nhỏ Đào cũng hỏi y như mày. Nó tròn mắt nhìn tao "Sao không được?". Tao nói: "Còn ba mẹ Đào, và cả ba mẹ thằng Bông nữa chi! Ai mà chịu!". Nhỏ Đào báo "Anh đừng lo! Lúc mới đem cặp heo về, ngoại em đã tuyên bố trước cả nhà rồi, rằng tiền bán heo sau này ngoại cho em để dành". Tao hỏi "Nhà thằng Bông không ai nói gì sao!". nhỏ Đào bảo "Cậu mợ em chỉ cười. Nhà cậu mợ em khá giả hơn nhà em nhiều mà anh". Nó nói thêm "Chỉ có anh Bông là lười, nghe vậy anh phó mặc cho em chăm mấy con heo".
Theo lời thằng Mừng, lúc đó nhỏ Đào nhìn nó cười cười:
- Nhưng em đâu có cần anh Bông! Có anh chăm sóc hai con heo với em là được rồi.
Nhỏ Đào nói câu đó chắc chẳng có ẩn ý sâu xa gì. Nhưng Mừng sướng ran cả người. Nó vung tay, hào phóng:
- Tôi sẽ tiếp tục qua phụ với Đào. Nhưng mai mốt báo được heo, Đào không cần đưa tiền cho tôi. Đào cứ giữ lấy đi.
Nhỏ Đào khẽ lúc lắc hai bím tóc:
- Đây là ý của ngoại em mà anh.
Thấy nhỏ Đào đem ông ngoại ra làm bằng chứng, Mừng hết ham phản đối. Mừng nhớ ông Mười khòm từng bảo nó "Cháu còn trẻ, lại là đứa bé ngoan, cháu cần phải có tương lai tươi sáng", ông thương Mừng, ông muốn Mừng đi học. Vì vậy ông gắng nuôi heo để giúp Mừng "có tương lai tươi sáng" và ông qua đời cũng chính vì điều đó. Mừng không thể phụ lòng ông được. Nó nhìn nhỏ Đào, gật đầu:
- Ờ, tới lúc đó rồi tính!
Bỗng dưng Mừng hỏi, thực ra nó không hỏi (vì nó không đủ gan dạ để hỏi), chỉ là câu hỏi tự động trượt khỏi môi nó - giống như người ta đánh rơi một que kem đang ngậm nơi miệng:
- Vậy còn ý của Đào thì sao?
- Em cũng giống ngoại em thôi. - Nhỏ Đào cắn môi. - Em muốn anh đi học lại.
Nhỏ Đào làm Mừng cảm động quá. Trước nay Mừng tưởng chỉ có mỗi ông Mười khòm thương Mừng. Hóa ra cháu gái ông cũng tốt bụng y hệt ông. Cháu gái ông biết thừa Mừng không phải là "đứa bé ngoan" (nó từng lên án Mừng "lăng nhăng") nhưng nó vẫn thật bụng muốn Mừng "có tương lai tươi sáng". Nó không muốn Mừng "suốt đời chỉ nhìn xuống đất, không thể ngước mặt lên trời như thiên hạ".
Từ cảm động, Mừng chuyển qua phấn khích. Bao giờ cũng vậy, khi hưng phấn quá mức con người ta thường đánh mất khả năng kềm chế. Con người ta đâm ra ba hoa chích chòe. Mừng cũng vậy. Nó tí tởn, bắt đầu giở giọng bông phèng, vừa nói nó vừa cúi đầu kính cẩn:
- Công nương thật là tốt. Kẻ hèn này xin cảm tạ công nương.
Mừng chắc mẩm khi thấy mình pha trò, "công nương" của nó sẽ toét miệng ra cười. Nào ngờ nhỏ Đào há hốc miệng, ngơ ngác:
- Anh vừa nói gì?
- Tôi nói tôi cảm ơn Đào.
- Không phải. - nhỏ Đào lắc đầu - Cái câu vừa rồi kìa. Câu gì mà có "công nương" ấy!
-Tôi nói đùa ấy mà.
Nói xong, Mừng cố nặn ra một nụ cười giả lả, ra cái điều sống trên đời ai mà chẳng có lúc đùa, nếu không đùa thì cuộc sống sẽ chán như kiếp con gián.
Nhưng nhỏ Đào chẳng có vẻ gì thích đùa. Nó nghiêm mặt lại, và hỏi bằng giọng của cảnh sát điều tra:
- Vậy hôm trước anh chặn đường em ở trong rừng phải không?
Từ lúc phát hiện nhỏ Đào tốt với nó không thua gì ông Mười khòm; đầu óc Mừng lơ lơ lửng lửng như quả bóng bay. Mừng quên béng chuyện nó đi làm cướp, tệ hơn nữa là quên cả chuyện nó vung gươm chặn đường nhỏ Đào khiến con nhỏ này sợ cả mật. Nó cũng quên phắt lúc đó hễ nó mở miệng ra là y như rằng một điều "kẻ hèn" hai điều "công nương".
Câu hỏi bất ngờ của nhỏ Đào làm Mừng toát mồ hôi hột. Quả bong bóng thình lình bị gai đâm lủng, xì hơi và rớt xuống đất.
Trong nháy mắt, vẻ sửng sốt trên mặt nhỏ Đào nhảy qua mặt Mừng, Mừng há miệng ra, ngậm lại rồi há ra, chỉ để thốt lên những tiếng ú ớ y như bỉ ai nhét giẻ vào mồm.
Ánh mắt nhỏ Đào tiếp tục bám chặt gương mặt đang lo lắng của Mừng:
- Anh khai thiệt đi! Bữa đó ngoài anh và anh Khoa, người còn lại là ai?
Mừng lắp bắp:
- Ờ., ờ... đứa thứ ba... là... thằng Bông.
- Trời! - nhỏ Đào kêu lên sửng sốt.
Sực nhớ đến câu chuyện Khoa kể, Mừng như kẻ chết đuối vớ được cọc:
- Có gì đâu mà Đào la trời! Tôi và thằng Bông giúp cho thằng Khoa tập kịch thôi mà. Thầy Tám đã nói rồi đó.
Nhỏ Đào mải lo "bắt cướp", quên bẵng lời giải thích hôm nào của thầy Tám. Nghe Mừng nhắc, nó buột miệng lên một tiếng, mặt dịu lại. Nhưng rồi mày nó lại nhướn lên:
- Bữa đó anh là người nói câu "Công nương đừng sợ. Kẻ hèn này không phải là ma" phải không?
- Ờ. - Mừng liếm môi, dè dặt đáp.
Nhỏ Đào hắng giọng:
- Rồi anh nói "Kẻ hèn này là Hiệp Sĩ Rừng Xanh, nguyện suốt đời..."
Đang hào hứng kể tội đối phương, chợt nhận ra ý tứ trong câu nói, nhỏ Đào ngưng bặt, mắc cỡ ngoảnh đầu đi chỗ khác.
Câu nói tình tứ đó khi nhắc lại ai mà không mắc cỡ, người nghe cũng thế mà người nói cũng thế. Cho nên nhỏ Đào ngoảnh mặt đi thì Mừng cũng ngoảnh mặt đi, mặc dù để đứa này không nhìn thấy đứa kia chỉ cần một đứa ngoảnh mặt là đã đủ.
Mừng ngó lơ, bụng than khổ thầm: Chết rồi! Mấy hôm nay nó đã quên chuyện mình lăng nhăng, bây giờ mình bép xép làm chi cho nó nhớ lại! Ngu ơi là ơi!
Nhỏ Đào ngó lơ, bụng băn khoăn: Anh Mừng nói "nguyện suốt đời bao bọc công nương" là có ý gì vậy ta?
Dĩ nhiên nhỏ Đào cũng lờ mờ đoán ra ý nghĩa chứa đựng trong câu nói đó, nhưng sau khi quay mặt đi một hồi thì trong lòng nó sự tò mò dần dần thay thế cho sự mắc cỡ. Nó ngập ngừng hỏi, vẫn không quay lại:
- Anh nói câu đó là có ý gì vậy?
Thoạt đầu Mừng định "chạy tội" bằng cách trả lời rằng nó nói câu đó chả có ý gì hết, chỉ là bắt chước một câu nói trong truyện thôi, bà con cô bác đừng có nghĩ xấu cho nó. Định bụng như vậy nhưng đến phút chót tự nhiên Mừng nghe ngực mình tưng tức, một cảm giác nghèn nghẹn dâng lên nơi cổ. Một cảm giác rất gần với sự ấm ức xen lẫn tủi hờn. Nó nhớ nó đã tốn cho thằng Bông một ổ bánh mì thịt để rốt cuộc cái nó nhận được là sự lên án của nhỏ Đào. Mà để có ổ bánh mì đó, nó đã phải ăn cắp tiền của bà nó, bị bà nó phát hiện và mắng cho một trận nên thân.
- Tôi... lăng nhăng đó mà. - Mừng đáp, giọng đong đầy hờn giận.
- Anh nói gì em không hiểu. - Nhỏ Đào tròn xoe mắt.
Mừng ấm ức:
- Hôm trước Đào bảo tôi lăng nhăng mà bây giờ lại nói không hiểu!
- Em bảo anh lăng nhăng hồi nào?
- Đào không nói thẳng với tôi nhưng Đào nói với thằng Bông.
Mặt nhỏ Đào càng lúc càng ngẩn ngơ:
- Em có nói gì về anh với anh Bông đâu?
- Có. - Mừng mím môi - Đào bảo "Ông Mừng này lăng nhăng quá".
- Anh Bông kể với anh vậy hả?
- Chứ còn ai?
- Anh Bông bịa đó, anh đừng tin! - Nhỏ Đào giậm chân - Sao tự nhiên em lại nói anh như vậy!
- Ai bảo là tự nhiên! - Mừng gân cổ - Tại tôi nhờ thằng Bông nói với Đào là tôi... tôi... thích Đào chứ bộ.
Đang hùng hổ, nửa câu sau Mừng đột nhiên ấp úng, giống như chiếc xe đang chạy ngon trớn bỗng nhìn thấy ổ gà trước mặt, cố thắng lại nhưng không kịp nên cứ giật cục và nảy tưng tưng. Mặt Mừng nóng ran, cảm giác xấu hổ lấp đầy người nó khiến nó suýt chút nữa đưa tay lên bụm mặt. Buột miệng xong nó mới nhận ra những gì nó vừa nói không khác nào một lời tỏ tình. Trong một phút, Mừng bỗng ước giá mà nó chưa nói ra câu đó. Nó hoảng hồn nhắm mắt lại, chờ sét đánh xuống đầu.
Nhưng nhỏ Đào có vẻ không xem thú nhận của Mừng là điều gì ghê gớm. Nó chỉ ngạc nhiên:
- Em có nghe anh Bông nói gì đâu.
Y như đột ngột bị nhúng nước lạnh, Mừng mở bừng mắt ra, người bất giác tỉnh như sáo. Và nó lật đật hỏi, còn ngạc nhiên gấp mấy lần nhỏ Đào:
- Ủa, nó không nói gì với Đào hết hả?
- Không.
- Vậy Đào không có bảo tôi lăng nhăng hả?
- Không.
- Thằng Bông này! - Mừng gầm lên, tức tối - Tôi phải đòi lại ổ bánh mì mới được.
- Bánh mì gì vậy anh?
Vừa cất giọng, nhỏ Đào chợt "à" lên một tiếng:
- Em hiểu rồi, hóa ra là anh "hối lộ" anh Bông...
Trong khi Mừng đứng chết trân, nhỏ Đào vẫn nhỏ nhẹ:
- Lần sau muốn nói gì anh cứ nói thẳng với em. Như vậy anh khỏi phải tốn tiền mua bánh mì.
Được "công nương" động viên, nhất là từ khi biết "công nương' của nó không hề lên án nó "lăng nhăng" như nó vẫn nơm nớp mấy ngày nay, Mừng cảm thấy tự tin lên rất nhiều. Nó bấm mười đầu ngón chân xuống đất, cố giữ giọng đừng run:
- Lần sau tôi cũng nói câu đó thôi.
- Nói câu anh thích em ấy hả?
- Ờ.
Mừng gật đầu, sung sướng khi thấy nhỏ Đào không còn bẽn lẽn như lúc đầu. Thái độ tự nhiên của nhỏ Đào bơm vào lồng ngực Mừng thêm mấy chục gờ ram can đảm. Nó nhìn nhỏ bạn, chớp mắt:
- Còn Đào thì sao?
- Sao là sao?
Mừng cắn môi:
- Đào có thích tôi không?
- Thích chứ.
Nhỏ Đào mím cười:
- Thời gian qua anh giúp đỡ ngoại em bao nhiêu là chuyện nè. Rồi anh phụ em chăm sóc hai con heo nữa nè.
Nhỏ Đào nói như giải thích. Nó còn nói thêm gì đó nữa nhưng Mừng không nghe thấy. Trong phút chốc tai nó như ù đi. Nó không nghe thấy cả tiếng gió lùa qua khe lá lẫn tiếng ve râm ran trên các tàng cầy trước ngõ.
Trong đầu nó chỉ vang vang hai chữ "Thích chứ". Vang tới cả trăm lần như vậy.