Số lần đọc/download: 1277 / 13
Cập nhật: 2017-09-18 10:27:37 +0700
Chương 26
C
uộc sống, là một tấm lưới
Cuộc sống, là một bức tường vô hình
Trên tường có mấy hàng chữ xiêu xiêu vẹo vẹo, không biết ai viết lên. Tôi đang nhìn những hàng chữ đó, thì một con côn trùng rơi từ trên mái hiên xuống, đã gần chết, không còn sức để bay. Một lao động viên đứng cạnh tôi chửi: “Mẹ nó, không biết ai gặp họa đây.”
Tôi biết ai gặp họa. Xe tù đã đỗ ở cổng ngoài, mười mấy cảnh sát đã dàn hàng chờ ở đó. Khẩu hiệu Nghiêm khắc trừng phạt kẻ cầm đầu vượt ngục là do tôi căng lên hôm trước. Nhà bếp như thường lệ nấu cơm từ sáng sớm, đặc biệt làm thêm một món thịt kho, một đĩa trứng rang, một suất cá rán, còn thêm hai đĩa rau. Khi tôi bưng chỗ thức ăn này tới phòng làm việc, phạm nhân ở mấy phòng giam chắc là ngửi thấy mùi thơm thức ăn, nghe ra được sức nặng tiếng bước chân của tôi, đã truyền nhau hát:
Mọi người nói anh phải ra pháp trường,
Chúng tôi sẽ nhớ nụ cười của anh.
Mắt anh sáng hơn mặt trời,
Soi rọi trái tim chúng tôi.
Hãy đến đây ngồi bên tôi,
Đừng vội vã chia ly như thế;
Hãy nhớ quê hương Đường Gia Hà của anh,
Còn có mẹ cha anh mái đầu bạc trắng.
Tôi biết bài hát “Hồng Hà cốc” đã thay lời kia là hát cho ai. Mắt lác bị ba cảnh sát áp giải, đang ngồi ở phòng làm việc. Hai tay gã đeo còng, chân mang xích sắt - gần đây trại giam đã bỏ việc dùng cùm chân. Gã nghe thấy tiếng bước chân, ngẩng đầu lên, nhìn tôi cười nhạt.
“Anh Cường...“
Gã nhìn chỗ thức ăn, lắc đầu.
“Anh Cường, anh ít nhiều cũng ăn một chút.“ Tôi suýt khóc.
“Cậu đi tìm cho tôi bộ quần áo.“
Tôi liếc nhìn quản giáo Xa, được sự ngầm chấp thuận liền vội vàng lao về phòng giam. Tôi chạy như mất hồn, chạy đến mức gió ù ù bên tai, hình dạng những khung cửa sổ hai bên bị kéo dài bẹt xuống, vẹo đi. Tôi quên mất cần chạy đi đâu, cần phải làm gì. Tôi quả hy vọng con đường dưới chân dài mười dặm, một trăm dặm, một nghìn dặm, một vạn dặm, vòng quanh trái đất một vòng lại một vòng, mãi mãi không có điểm kết, vĩnh viễn để tôi lao đi như một mũi tên không dừng, để tôi phi thẳng lên vũ trụ...
Tôi mang lại một cái áo jacket màu nâu sẫm tốt nhất, còn cầm theo lược, dầu bóng tóc, ngoài ra còn mượn thêm từ chỗ cảnh sát nữ hộp gel xịt tóc, trang điểm cho Mắt lác thật gọn gàng bóng mượt, trông như ca sỹ Hồng Kông.
“Cảm ơn cậu.“ Gã nhìn tôi, ánh mắt rõ ràng đang nói: Vẫn là cậu hiểu tôi.
Ngoài cửa thỉnh thoảng có người đi qua, tiếng chân làm mắt gã sáng lên từng đợt. Tôi biết gã đang chờ đợi một tiếng bước chân, một tiếng chân chúng tôi đều quen thuộc. Những người từng ngồi tù đều có khả năng phân biệt tiếng chân rất giỏi, có thể từ tiếng chân đi nhận ra ai đến, còn có thể biết được sắc mặt, tâm trạng, suy nghĩ thậm chí cả đồ vật mang theo của người đến, một người vác nặng lúc bước không thể giống một người tay không, một người đến để gây chuyện tiếng chân quyết không giống một người đến báo tin mừng.
Ánh mắt Mắt lác chợt lay động, dường như đã nghe thấy điều gì, nhưng tôi thì không nghe ra cái gì. Mắt gã càng sáng hơn, có một cảm giác như toàn thân nổi gai ốc, nhưng tôi vẫn chẳng nghe ra tiếng gì. Mãi tới lúc cuối cùng, tôi mới phải bái phục đôi tai tinh nhạy của gã: từ trong yên tĩnh vang lên một tiếng chân bước quen thuộc, từ xa đến gần, từ gần đến càng gần hơn, ầm ầm mở toang cửa. ”Chẳng phải đã bảo chín giờ rưỡi cơ mà? Sao lại làm sớm lên?” Chị Phùng vừa bước vào đã hùng hổ nhằm mặt quản giáo Xa mắng mỏ.
Từ sau sự kiện vượt ngục, chị Phùng vì bị thương ở đầu lại bị phê bình do sai sót trong xử lý tình huống nên bị điều tới phòng cảnh sát giao thông đã gần một tháng nay.
“Tôi sợ không gặp được chị.” Mắt lác nhìn chị cười.
“Tôi nói đến thì chắc chắn sẽ đến.”
“Chị nhận lời tới tiễn tôi, cảm ơn chị lắm. Thật đấy.”
Chị Phùng thở dài, “Quốc Cường, chẳng phải cậu có lời cần nói với tôi sao?”
“Tôi chỉ sợ không có cơ hội nói với chị.”
“Cậu cứ nói đi, tôi nghe đây.” Chị kéo một chiếc ghế, ngồi đối diện với Mắt lác, chăm chú nhìn gã.
“Vượt ngục lần này... là do tôi cầm đầu, nhưng tôi không biết... là chị trực ban, cũng không muốn bọn chúng đánh chị. Lúc đó tôi không khống chế nổi... xin lỗi chị.”
“Mọi việc đã qua rồi, tôi biết cậu không có ý hại tôi.”
“Không, tôi phải cho chị biết điều này. Tôi không thể có lỗi với chị. Bánh Trung thu hàng năm đều là do chị gửi cho tôi, không phải mẹ tôi gửi. Tôi biết.”
“Những chuyện nhỏ đó còn nói làm gì?”
“Tôi biết, đôi giày năm nay, cũng là chị mua, không phải mẹ tôi mua.”
“Ai mua mà chẳng thế?” Chị Phùng có đôi chút bối rối.
“Chị lấy tên tôi để viết thư cho người nhà tôi...”
“Vậy sao? Tôi có viết à?”
“Chị Phùng, chị đừng dỗ tôi. Tôi không phải trẻ con, trong lòng tôi rất rõ, chỉ là những lời mềm yếu không nói ra được thôi, nói không quen. Tôi biết chị sợ tôi buồn, sợ tôi thấy cô độc. Thực ra tôi không sợ cô độc. Tôi nói sợ chị không tin: tôi không sợ người khác đối xử tệ với mình, chỉ sợ người khác đối tốt với tôi. Người khác tốt với tôi, tôi sẽ mắc nợ, không trả nổi.”
“Cậu không phải nghĩ thế đâu.”
“Chị nghe tôi nói hết. Tôi biết, mấy năm nay mẹ tôi chưa bao giờ tới lần nào, mấy năm nay mẹ tôi chưa bao giờ gửi cho tôi bất kỳ cái gì, mẹ tôi quyết không có đứa con trai như tôi. Như vậy cũng tốt. Như vậy tôi đỡ phải nợ bà ta thêm một chút. Tuy tôi giống bà ta, nhưng tôi là thứ nghiệt chủng bà không nên sinh ra, tôi là thằng con hoang không nên có mẹ, một đồ súc sinh!”
“Mẹ cậu có khi bị ốm, có khi...”
“Chị không phải an ủi tôi. Tôi không hợp để có mẹ, chỉ là trước kia tôi không hiểu điều này. Lần đó, lão khốn đó đuổi bà ra khỏi nhà, tôi sợ mất bà, vội nhảy từ trong chăn ra, quỳ xuống cầu xin lão khốn, ôm lấy chân lão khốn nạn đó, xin lão đừng đuổi mẹ ra khỏi nhà, nói ngoài kia vừa mưa vừa lạnh, mẹ có thể đi đâu được? Hồi ấy tôi mới có tám tuổi, tám tuổi thôi...” Toàn thân Mắt lác run lên, cổ họng như có cái gì mắc nghẹn, ngắc ngứ mãi, miệng há ra, hồi lâu không nói nên lời.
Mí mắt chị Phùng đỏ lên, chị ôm gã vào lòng, vỗ nhẹ lên lưng gã, “Quốc Cường, cậu đừng nói nữa, đừng nói nữa. Cậu phạm nhiều tội lỗi quá, mấy án nặng trên người, sống nữa cũng không còn ý nghĩa gì. Phải không? Cậu yên tâm đi đi. Tục ngữ nói: Đi sớm đầu thai sớm, kiếp sau lại làm người...”
“Kiếp sau tôi không muốn làm người nữa! Chị Phùng, tôi muốn làm chó, làm lợn, làm chuột, làm kiến, làm bọ xít, quyết không làm người nữa!”
“Cậu phải tin, kiếp sau cậu nhất định sẽ có người mẹ tốt, nhất định sẽ...”
“Tôi không cần mẹ, không bao giờ cần mẹ nữa!”
Về sau tôi nhớ, hai người cảnh sát có mặt ở đó mắt cũng đỏ lên, ngay quản giáo Xa cũng sụt sịt mũi, quay người đi, hai tay đút túi quần, đứng nhìn bảng nội quy trại giam trong khung kính. Tiếng còi xe phía cổng lớn kêu liên hồi, chắc là lái xe đợi đã sốt ruột. Một cảnh sát dùng bộ đàm thấp giọng liên lạc với bên ngoài. Cường lau mắt, ngẩng đầu lên, đã bình tĩnh hơn, như thể vừa trút được gánh nặng, xích chân khẽ kêu lách cách, gã đứng dậy đi về hướng cửa ngoài sáng rực.
Trong khoảnh khắc bước khỏi cửa, gã hơi cúi đầu, mắt nhìn đất, ý muốn nói tạm biệt rồi.
Không ai đáp lời.
“Có món quà nhỏ tặng chị.” Gã nói với chị Phùng, nhưng liếc nhìn tôi, muốn tôi tới xem đế giày của gã.
Tôi sờ vào gót giày, phát hiện ra một lớp đế kép ẩn bên trong, ngón trỏ đưa vào, móc ra được hai mảnh sắt nhỏ. Nhìn lớp răng lồi lõm trên bề mặt, có thể thấy đây là chìa khóa tự tạo.
Người từng đi tù đều biết, đây là ám khí đối phó với các loại khóa tay cùm chân. Điều đó cho thấy, gã vừa đột nhiên đổi ý, từ bỏ khả năng bỏ trốn trên đường áp giải.
Tôi đưa chìa khóa cho chị Phùng, phát hiện tay chị đang run, suýt nữa không cầm nổi chìa khóa. Tôi thấy chị bịt miệng, hai hàng nước mắt lăn trên khuôn mặt tròn trịa.