Sự khác biệt giữa thất bại và thành công là giữa làm gần đúng, và làm thật đúng.

Edward Simmons

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lương Duyên
Upload bìa: yen nguyen
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2097 / 53
Cập nhật: 2015-05-03 20:59:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
GƯỜI SOÁT VÉ BƯỚC VÀO, nhận thấy cây nến chỗ chúng tôi cháy gần hết bèn thổi tắt, nhưng không thay nến mới. Bên ngoài trời đã bắt đầu hửng sáng. Pozdnyshev im lặng, thở một cách khó nhọc suốt thời gian người soát vé ở trong toa. Anh ta chỉ tiếp tục câu chuyện khi người soát vé đi khỏi và trong toa tàu tranh tối tranh sáng chỉ nghe thấy tiếng các cửa kính kêu răng rắc và tiếng anh chàng quản lý ngáy đều đều. Trong ánh mờ của bình minh tôi hoàn toàn không trông rõ anh ta. Chỉ nghe thấy giọng nói của anh ta càng lúc càng xúc động và đau khổ.
- Tôi phải đi mất ba mươi dặm bằng ngựa và tám tiếng tàu hỏa. Lúc đi ngựa thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Lúc đó đang vào thời kỳ giá lạnh của mùa thu, mặt trời chói lọi. Ngài biết đấy, thời gian đó bánh xe chạy cứ bon bon, đường đi phẳng phiu, nắng chói chang và không khí thật tươi mát. Ngồi trên xe ngựa rất dễ chịu. Trời vừa sáng là tôi lên đường, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Ngắm nhìn những con ngựa, những cánh đồng, những người đi ngược trên đường, tôi quên rằng mình đang đi đâu. Đôi lúc tôi có cảm giác rằng tôi chỉ đơn giản đang đi trên đường, không có gì giục gọi tôi, chẳng có chuyện gì xảy ra với tôi. Và tôi cảm thấy sung sướng vì có thể lãng quên đi như thế. Khi nhớ ra mình đang đi đâu, tôi tự nhủ: “Rồi lúc đó mình sẽ biết, đừng nghĩ ngợi nữa”. Đến nửa đường xảy ra một chuyện bất ngờ làm tôi càng xao nhãng chuyện kia hơn: cỗ xe ngựa bị gãy càng và phải dừng lại để sửa chữa. Cái xe gãy có ý nghĩa rất quan trọng, nó khiến tôi về đến Moskva không phải lúc năm giờ như tôi dự tính, mà là mười hai giờ và vào đến nhà vào lúc một giờ đêm, bởi tôi không bắt kịp chuyến tàu tốc hành, mà phải đi chuyến tàu hành khách. Chuyến đi trên xe ngựa, những việc chữa xe, trả tiền, uống trà ở quán trọ, trò chuyện với người gác cổng - tất cả đều làm tôi quên lãng được nhiều hơn. Đến lúc chập choạng tối thì mọi thứ đã xong xuôi và tôi lại lên đường. Buổi tối càng dễ chịu hơn lúc ban ngày. Trăng non vừa lên, trời hơi lành lạnh, đường đi vẫn rất tuyệt, những chú ngựa hăng hái, người đánh xe vui tính, tôi sung sướng tận hưởng tất cả và hầu như không còn nghĩ đến cái gì đang chờ đợi tôi, hay đúng hơn, tôi cố sức tận hưởng vì biết rõ những gì đang chờ đợi mình và muốn chia tay với cuộc sống tươi vui đó. Tuy nhiên, trạng thái bình an vui vẻ đã kết thúc cùng chuyến đi ngựa. Tôi vừa lên tàu hỏa, lập tức bắt đầu trạng thái khác. Tám tiếng đồng hồ trên toa tàu đối với tôi là một cái gì đó thật khủng khiếp tôi suốt đời không thể nào quên được. Không biết có phải vì vừa ngồi lên tàu là tôi đã hình dung ra rõ rệt mình về đến nơi như thế nào, hay là vì tàu hỏa nói chung luôn có tác động kích thích người ta như thế, nhưng chỉ biết rằng từ lúc lên tàu, tôi không thể khống chế được trí tưởng tượng của mình, và nó không ngừng vẽ ra mồn một trước mắt tôi những bức tranh làm đốt cháy cơn ghen của tôi, cảnh này tiếp cảnh kia, càng lúc càng đáng nghi ngờ hơn, dồn tất cả đều về một chuyện, về việc đang xảy ra ở nơi đó, trong nhà tôi khi không có mặt tôi, về việc nàng đã phản bội tôi như thế nào. Tôi phát sốt lên với những nghi ngờ và giận dữ, và còn một cảm xúc kỳ lạ là sự hoan hỉ vì bị hạ nhục, tôi chiêm ngưỡng những bức tranh mình tưởng tượng ra và không thể nào dứt được khỏi chúng, không thể tránh nhìn chúng, không thể xóa chúng đi, không thể không gợi chúng lên. Hơn thế nữa, càng nhìn ngắm những bức tranh đó tôi càng tin chúng là sự thật. Sự rõ ràng của chúng trong trí tôi chứng tỏ rằng điều tôi tưởng tượng là sự thật. Có con quỷ nào đó chống lại ý chí tôi đã xúi giục tôi nghĩ ra những bức tranh kinh khủng nhất. Tôi bỗng nhớ đến cuộc trò chuyện đã lâu giữa tôi và anh trai Trukhachevsky, và tôi vui mừng dày xéo con tim mình bằng việc nhớ lại cuộc trò chuyện đó, gắn nó với mối quan hệ giờ đây giữa Trukhachevsky và vợ tôi.
Chuyện đó cũng đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Tôi nhớ khi được hỏi rằng có đi đến các nhà thổ không, anh trai của Trukhachevsky đã nói rằng người đàn ông tử tế không việc gì phải đến cái nơi có thể dễ chuốc bệnh vào thân, nơi bẩn thỉu và tệ mạt, trong khi luôn luôn dễ dàng tìm ra được một người phụ nữ tử tế. Và hắn, em trai của anh ta đã tìm ra vợ tôi. “Thực ra, cô ta cũng chẳng còn trẻ lắm, miệng lại mất một chiếc răng và đã hơi đẫy đà, - tôi nghĩ thay cho hắn, - nhưng biết làm sao được, phải dùng cái đã có sẵn thôi”. - “Hừ, hắn còn tỏ ra nhún mình khi nhận cô ta làm nhân tình. - Tôi tự nhủ. - Vả lại với cô ta rất an toàn”. - “Không, không thể thế được! Mình nghĩ cái gì vậy! - Tôi sợ hãi. - Không, không thể như thế được, thậm chí chẳng có cơ sở nào để tưởng tượng ra những chuyện như thế. Cô ấy chẳng đã nói rằng chỉ nghĩ mình ghen với hắn là đã cảm thấy bị hạ nhục đó sao? Đúng, nhưng đó là cô ta nói dối, nói dối tuốt!” - Tôi kêu lên, - và lại tiếp tục như thế... Trong toa của tôi hành khách chỉ có hai người, cả hai đều nói ít, và họ đã xuống một ga trước đó, còn lại chỉ một mình tôi. Tôi như con thú dữ lồng lộn trong chuồng, lúc nhảy chồm lên, chạy đến bên cửa sổ, lúc thì lảo đảo đi dọc toa, cố gắng thúc đuổi toa tàu; nhưng toa tàu với những dãy ghế và hai hàng cửa kính vẫn cứ rung đều đều như toa tàu này bây giờ...
Pozdnyshev bật dậy, bước đi vài bước rồi lại ngồi xuống.
- Ôi, tôi sợ, tôi rất sợ những toa tàu hỏa, nỗi khiếp đảm luôn chế ngự tôi. Vâng, thật kinh khủng! - Anh ta tiếp tục. - Tôi tự nhủ: “Mình sẽ nghĩ về chuyện khác. Nào, chẳng hạn như nghĩ về lão chủ quán trọ tôi ngồi uống trà hồi chiều”. Thế là trước mắt tôi hiện lên hình ảnh người gác cổng với chòm râu dài và đứa cháu nội của ông ta - một thằng bé trạc tuổi thằng Vasya của tôi. Thằng Vasya của tôi! Nó sẽ nhìn thấy gã nhạc công đó hôn mẹ nó. Chuyện gì sẽ xảy ra với tâm hồn đáng thương của nó? Nhưng nàng đâu có cần gì, nàng đang yêu... Và lại quay về chuyện ấy. Không, không,... Nào, ta hãy nghĩ về vụ thanh tra bệnh viện vậy. Hôm qua bệnh nhân than phiền về bác sĩ, mà cái tay bác sĩ đó có bộ ria giống hệt như Trukhachevsky. Hừ, sao mà hắn dám láo xược... Cả hai đã đánh lừa tôi, nói rằng hắn sẽ rời Moskva. Và lại bắt đầu về chuyện ấy. Mọi thứ tôi nghĩ đều quay về chuyện hắn với nàng. Tôi đau đớn khốn khổ. Đau khổ nhất vì tôi còn hồ nghi, còn do dự, không biết là nên thương cảm hay căm thù nàng. Tôi đau khổ đến mức trong đầu đã nảy ra ý nghĩ, mà tôi lấy làm thích thú, là nhảy ra ngoài, nằm xuống đường ray dưới toa tàu và kết liễu đời mình. Khi đó ít nhất là mình sẽ không còn phải do dự, hồ nghi gì nữa. Chỉ một điều ngăn cản tôi làm việc đó là nỗi xót thương bản thân mình, nó lập tức khiến cho tôi cảm thấy căm thù nàng. Đối với Trukhachevsky, tôi có một cảm xúc kỳ lạ nào đó, vừa căm ghét hắn, vừa ý thức được nỗi nhục của mình và thắng lợi của hắn. Còn đối với nàng thì là cả một sự thù hận khủng khiếp. “Không thể tự kết thúc đời mình mà để cho nàng còn sống; phải để nàng chịu đựng đau khổ một ít chứ, để nàng hiểu tôi đã đau khổ thế nào”, - tôi nói với mình. Đến ga nào tôi cũng ra ngoài để giải tỏa bớt căng thẳng. Ở một ga nọ, tôi thấy trong quán ăn người ta đang uống rượu, và tôi cũng vào uống một ít vodka. Bên cạnh tôi có một gã Do Thái cũng đang uống. Gã bắt chuyện và tôi, để không phải ngồi đơn độc trên tàu, tôi đã theo về toa của gã, một toa tàu hạng ba bẩn thỉu, hành khách hút thuốc hôi nồng nặc và phun đầy vỏ hạt hướng dương xuống sàn. Ở đó, tôi ngồi xuống cạnh gã Do Thái, gã nói luyên thuyên và kể chuyện tiếu lâm. Tôi nghe gã, nhưng không thể hiểu gã nói cái gì, bởi vì lại tiếp tục nghĩ về chuyện của mình. Gã nhận ra điều đó và đề nghị tôi chú ý nghe hắn. Đến lúc đó tôi đứng dậy và trở về toa cũ. “Cần phải suy xét xem mình nghĩ có đúng không, và có căn cứ nào khiến mình phải khổ sở như vậy không”. Tôi ngồi xuống, mong có thể bình tĩnh suy xét, nhưng lập tức, thay vì suy xét bình tĩnh thì lại bắt đầu sự dằn vặt khổ sở lúc nãy, thay cho những lập luận thì lại là những hình ảnh tưởng tượng hãi hùng. “Bao nhiêu lần mình đã phải đau khổ thế này, - tôi nghĩ và nhớ đến những cơn ghen tuông tương tự trước đó, - và sau đó thì lại chẳng có chuyện gì cả. Bây giờ chắc cũng thế, biết đâu khi mình về lại thấy nàng đang nằm ngủ bình yên, nàng thức dậy và mừng rỡ gặp lại mình, qua lời nói và ánh mắt mình sẽ cảm thấy là chẳng có chuyện gì xảy ra, tất cả chỉ là sự tưởng tượng vớ vẩn vô lý. Ôi, giá như thế thì hay biết bao!” - “Nhưng không, đã quá nhiều lần rồi, còn lần này sẽ không thế nữa”, - một giọng nói khác cất lên, và cơn điên giận lại dâng trào. Vâng, đó quả là một sự trừng phạt. Thật kinh khủng, rằng tôi đã cho mình cái quyền sở hữu tuyệt đối thân thể nàng, làm như đó là thân thể của chính mình, nhưng đồng thời lại cảm thấy rằng tôi không thể nào quản lý được tấm thân đó, rằng nó không phải của tôi và nàng có thể toàn quyền sử dụng nó theo ý nàng, và muốn sử dụng nó không theo ý thích của tôi. Tôi không thể làm gì được với cả hắn lẫn nàng, nhất là với nàng. Nếu như nàng không phản bội tôi trên thực tế, nhưng muốn phản bội tôi trong ý nghĩ, và tôi biết nàng muốn phản bội tôi, thì điều đó còn tồi tệ hơn; thà cứ để nàng phản bội, để cho tôi biết chắc, để cho không còn sự do dự mù mờ nữa còn tốt hơn. Tôi không còn biết mình muốn gì nữa. Tôi muốn nàng đừng ao ước điều phải ước ao. Ôi thật đến phát điên cả lên!
Bản Sonata Kreutzer Bản Sonata Kreutzer - Lev Tolstoy Bản Sonata Kreutzer