Nguyên tác: Peste Et Choléra
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Ở Madagascar
S
ống sẽ chẳng phải là sống nếu không di.
Năm hai sáu tuổi, từ Paris anh viết cái câu kiểu Rimbaud này, như một câu thơ alexandrin, ở cuối một bức thư gửi Fanny. Anh đã đi không ít. Năm nay anh ba mươi hai tuổi. Một lần nữa, có một bức điện gửi cho anh được người ta chuyển khi tàu Saigon tạm đỗ để lấy hành khách, và Yersin, lúc giở tờ giấy xanh trong căn nhà gỗ, có lẽ đã bắt đầu nguyền rủa khám phá của mình. Người ta đề nghị anh “lên đường càng sớm càng tốt sang Diego-Suarez để nghiên cứu vi khuẩn bệnh viêm túi mật”. Anh được nhà nước Cộng hòa cử đi công cán, và rời Nha Trang lên Sài Gòn bằng tàu hơi nước.
Tình trạng tài chính của anh được cải thiện. Anh vận một bộ comlê màu trắng ngà cắt rất khéo, dẫn theo một thanh niên, nhưng thật khó xác định, không phải phận sự của anh ta, mà là cái tên có thể dùng để gọi những phận sự ấy, phụ tá phòng thí nghiệm, thư ký hoặc trợ lý. Từ bấy trở đi, trong mọi chuyến đi của mình, Yersin cứ lần lượt dẫn theo một vài người mà anh gọi là những người phục vụ An Nam của tôi, cái nhóm nhỏ Yersin, đám con trai ngư dân mà anh đã dạy dỗ để làm điều chế viên, nhưng cũng để làm thợ cơ khí lo việc máy móc rồi không lâu sau đó lại lo cho cả xe hơi nữa. Ở trước xưởng Thủy quân, hai người lên khoang hạng nhất sang Aden trên tuyến đường của Hãng Đường biển.
Lần này, Yersin lên bờ ở Yemen. Viên lãnh sự Pháp ở đây chuyển cho anh các chỉ dẫn của bộ. Anh khám phá cái nóng kinh người ở ngay rìa hoang mạc cát, quầng mặt trời đốt trắng mọi thứ ở Rub al-Khali và xứ Ả Rập lổn nhổn đá: “Xung quanh đây là một sa mạc cát tuyệt đối khô cằn. Nhưng ở đây, vách núi lửa ngăn gió thổi vào, và bọn con như bị quay dưới cái lỗ này, như trong một lò vôi.” Anh vận vest trắng, được tiếp rước ở nhà những người da trắng như một siêu sao, một sứ giả của thời hiện đại. Người ta mời anh đến sân hiên khách sạn Grand Hôtel Hoàn Cầu, đến Steamer Point, gần nhà tay thương thuyết Bardey, nơi thi sĩ qua đời bốn năm trước dó từng làm giàu, và theo truyền thuyết vẫn được nhiều người biết ở đây, thì tám kí lô vàng đeo ở thắt lưng làm cho thi sĩ có bước chân rất chệch choạc. Hẳn Yersin sẽ không bao giờ giàu bằng Rimbaud.
Sau Ả Rập là châu Phi, và hai người cứ việc thong thả. Anh người hầu, ta có thể hình dung, không thất vọng về chuyến đi. Đó là Vạn Năng và Phileas Fogg (Hai nhân vật chính trong tiểu thuyết Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1837) của Jules Verne. Phileas Fogg là một người độc thân giàu có sống ở London, thực hiện nhiệm vụ đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày để đoạt giải thưởng 2 vạn bảng Anh, còn Vạn Năng là vị thám tử nghi ngờ Fogg đã ăn trộm tiền ở ngân hàng Anh Quốc, bám theo để tìm mọi cách đưa anh về nước). Cực posh. Yersin sang Ai Cập và đi xem kim tự tháp, đền đài, du thuyền buồm ngược dòng nước xanh lục của sông Nil, biết rằng Livingstone đã chết ở Tanganyika trong lúc tới đó tìm nguồn sông. Anh lên tàu đi Zanzibar, rồi La Réunion, ở lại đó một thời gian để tìm hiểu về nghề nông, các loại hoa và quế, và tại đó trước anh đã có sẵn những câu thơ của Baudelaire với một thiên thần chở che, bí mật. Đứa trẻ đọa đày, say sưa, mê mải ánh trời (Đây là hai câu thơ của Charles Baudelaire trong bài Phúc trời (Bénédiction) trong tập thơ Hoa Ác: “Pourtant, sous la tutelle invisible d’un Ange, L’enfant déshérité s’enivre de soleil” Vũ Đình Liên dịch: “Nhưng có một thiên thần chở che, bí mật, Đứa trẻ đọa đày, say sưa mải ánh trời”). Đó là chuyến đi chậm xuôi theo Ấn Độ Dương, đường xích đạo, con tàu trượt trên vàng ròng và làn nắng óng (Đây cũng là một câu thơ của Charles Baudelaire trong bài Mái tóc (La Chevelure) trong tập thơ Hoa Ác: “Où les vaisseaux, glissant dans l’or et dans la moire” Tạm dịch: “Nơi những con tàu, trượt trên vàng ròng và làn nắng óng”), eo Mozambique và Comores, Madagascar. Sau ba tháng lang thang, hai người ngụ lại Nossi-Bé. Họ ở trên đảo, “thay vì đi tới Majunga, vì bệnh sốt viêm túi mật thì ở Nossi-Bé cũng có chứ không riêng gì Majunga, mà ở Nossi-Bé thì lại dễ chịu hơn nhiều”. Yersin vốn ưa thích các bờ biển.
Ngồi trên cái ghế bập bênh ngoài hàng hiên, anh giải khát bằng một cốc nước mát đã được lọc qua máy Chamberland, hoặc một cốc nước chanh, ở cái vùng đất không đông không hè này, mùa xuân và màu xanh lục bất tuyệt cùng cuộc sống tự do và vô tư lự. Anh nghĩ mình đã đi xa mà chẳng để làm gì, nhưng anh vẫn tiếp tục, thăm thú chỗ này chỗ kia, lấy các mẫu bệnh, chuẩn bị kính hiển vi và bơm tiêm, nghiên cứu thực vật và nghề trồng cây, khám phá những loài cây đặc thù và hoa quả ngon. Lần đầu tiên trong đời, anh đứng trước một cây cao su.
Yersin dùng hai lòng bàn tay xoa tròn một cục mủ dinh dính, lấy ngón tay chọc qua, kéo nó, nặn hình một cái vương miện: một cái lốp cho chiếc xe đạp Peugeot của anh. Anh ngưỡng mộ trực giác và thiên tài của người phát minh ra bánh xe. Anh đoán rằng cái tên Dunlop sẽ ở lại ký ức con người sâu đậm hơn nhiều so với tên người phát hiện trực khuẩn dịch hạch. Bởi dịch hạch thì sẽ biến mất còn bánh xe thì phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, có lẽ anh đã không hình dung được rằng trong vòng một thế kỷ các phương tiện dùng lốp, xe đạp, ôtô, xe máy, xe tải rồi máy bay, sẽ sánh ngang với nỗi kinh hoàng vĩ đại màu đen về lượng chết chóc tàn khốc mà chúng gây ra.
Chuyến công du của anh ở Madagascar mang tính chính trị hơn khoa học, và Yersin không hề bị bịp. Đây là lịch sử vĩ đại của quá trình thuộc địa hóa. Người ta cử anh đi là để phổ biến hình ảnh nước Pháp, giống như sau này Lyautey sẽ được cử sang Maroc. Trong các cuộc lấy cung ở sở cảnh sát, kẻ ác và kẻ hiền nối đuôi nhau. Nếu sự hiện diện của Yersin không đủ để thuyết phục người Madagascar thì người ta sẽ cử Gallieni (Joseph Simon Gallieni (1849-1916) là một sĩ quan người Pháp, từng có nhiều hoạt động ở Bắc Kỳ. Sau khi qua đời được phong làm Thống chế).
Và bởi người Madagascar cứng đầu, Gallieni được cử tới.