A dirty book is rarely dusty.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
tốckhôn đón Akimốp bằng tiết trời trở ấm. Trên thành phố chói lọi ánh mặt trời, những vũng nước lấp lánh ngời lên như vào mùa xuân, từ những mái nhà đá xám những giọt nước dài nặng nề chảy xuống, rạng rỡ đủ sắc cầu vồng.
«Ở đây mùa xuân rồi, còn ở đấy, chỗ Kachia, băng giá đang cắt da cắt thịt và bão tuyết lồng lộn», - nheo mắt dưới ánh nắng, Akimốp nghĩ thầm và từ tốn đi đến chỗ xe ngựa chờ khách đậu. Anh còn chưa biết Xtốckhôn, anh cũng không biết cả địa chỉ của giáo sư Likhatsiốp nữa. Trong cả cái thành phố to lớn này chỉ có một con người biết về việc chạy trốn của anh và đợi chờ anh - đó là bác sĩ nhi khoa Xécgây Êgôrôvích Prôkhôrốp. Địa chỉ của bác sĩ Prôkhôrốp Akimốp nhớ thuộc lòng, anh nhắc đi nhắc lại to thành tiếng cũng như thầm trong óc không ít lần cái địa chỉ ấy ở giữa rừng taiga xa xôi, để bất ngờ không bay mất khỏi trí nhớ của anh.
Sau nửa giờ đồng hồ, dạo xe qua khá nhiều các phố xá Xtốckhôn, những nơi nhà cửa rất giống các góc phố ở Pêtrôgrát, Akimốp đến trước ngôi nhà ở của bác sĩ Prôkhôrốp. Akimốp gặp may. Người đánh xe chỉ lấy có một nửa số tiền mà Akimốp chuẩn bị sẵn. (Anh vốn không thích mặc cả trước về giá cả phải trả cho những việc như vậy). Điều chủ yếu may mắn là mặc dù vào nửa buổi, bác sĩ Prôkhôrốp vẫn có nhà.
- Ivan! Cuối cùng thì anh cũng đã tới! Anh ở đấy có chuyện gì vậy? - Prôkhôrốp ôm ghì Akimốp trong vòng tay, lấy bàn tay to rộng, khỏe mạnh vỗ bồm bộp vào bả vai anh.
- Chào Xécgây! Chào cậu, Xécgây Êgôrôvích yêu mến! - Akimốp đã biết Prôkhôrốp từ lâu trong những cuộc họp mặt thời sinh viên, một vài lần đã cùng tham dự các cuộc tranh luận trong đảng, đã nghe các phát biểu của anh - những ý kiến ngắn gọn, nhưng bao giờ cũng tràn đầy tin tưởng. «Chàng trai cứng rắn. Cậu này sẽ không đi theo bọn xã hội cách mạng cũng như bọn mensêvích», - bấy giờ Akimốp đã nghĩ về anh ta như thế. Và điều đó đã không lầm, Prôkhôrốp quả thực là như vậy.
Akimốp bỏ mũ, cái áo bành tô và khi ngồi vào bên bàn đối diện với Prôkhôrốp, qua cặp mắt xanh của anh ta, to thêm ra dưới mặt kính gọng vàng, anh hiểu: không chờ được tin gì vui ở Prôkhôrốp. Cặp mắt của anh ấy đượm vẻ buồn rầu.
- Giáo sư Likhatsiốp thế nào, Xécgây Êgôrôvích? - Akimốp hỏi, mà vẫn sợ cái câu hỏi của mình.
- Có chuyện đấy. Cả một câu chuyện dài, - nhìn đi chỗ khác Prôkhôrốp trả lời.
- Cậu cho mình biết đi, - Akimốp nóng ruột đề nghị.
- Chuyện xảy ra mới chỉ hai tuần trước đây. Mình đến chỗ ông ấy, và câu hỏi đầu tiên lại là về cậu: «Ivan ở đâu nhỉ? Không lẽ chết ở giữa băng tuyết Xibiri rồi ư?» Mình an ủi ông ấy, nhưng thế vì lời đáp, mình lại nghe lời yêu cầu, lời yêu cầu đã làm mình sửng sốt. «Ông Prôkhôrốp này, - giáo sư nói, - tôi chỉ còn sống mươi ngày nữa. Liệu ông có giúp được tôi khẩn cấp trở về Nga không? Tôi phải chết trên mảnh đất quê hương! Tôi không muốn xương cốt của tôi nằm ở nơi đất khách quê người». Tôi toan an ủi ông ấy, làm cho ông ấy yên tâm. Nhưng ông ấy ngắt lời tôi. «Ông Prôkhôrốp, ông là thầy thuốc, còn tôi là nhà tự nhiên học. Hai chúng ta đều biết rõ cuộc sống là cái gì và cái chết là thế nào. Tôi xin ông, ông đừng nói với tôi những lời trống rỗng. Tốt hơn là ông hãy giúp tôi. Tôi một thân một mình. Kể ra thì nhà khảo cổ học Nga Ôxipốpxki, người mà ông dè chừng đối với tôi, không ngớt quan tâm đối với tôi. Xin nói thành thật, điều ông dè chừng thoạt đầu tôi không tin cho lắm, nhưng bây giờ tôi đã tin là ông đúng. Ông ta đã ám chỉ trực tiếp đến việc mua tài liệu lưu trữ của tôi. Và cặp mắt của Ôxipốpxki hau háu nhòm ngó các giấy tờ của tôi, còn hai lỗ mũi ông ta cứ run lên. Ông ta đã bắt đầu đánh hơi, liệu tôi đã sắp chết đến nơi chưa? Đừng để những quân độc ác cướp đoạt giấy tờ của tôi. Tôi sẽ ra đi, còn căn buồng cùng giấy tờ tôi sẽ khóa lại. Tôi đã trả tiền nhà trước một năm». Và cậu tưởng tượng xem, Ivan, mình đã nhượng bộ những lời cầu khẩn của giáo sư. Trong vòng mấy ngày mình đã tổ chức cho ông ra đi, tiễn đưa ông ra ga, đưa lên toa xe, niêm phong căn buồng cùng với mọi giấy tờ...
- Chà, mình không biết, không biết là Likhatsiốp ở Pêtrôgrát. Nếu biết thì dù thế nào đi nữa, dù chỉ một - hai tiếng thôi, tôi cũng phải gặp được ông, - ngắt lời Prôkhôrốp, Akimốp nói, giọng buồn rầu.
- Không, Ivan, cậu cũng chẳng gặp được đâu. Ông mất rồi.
- Sao lại mất là thế nào? - Akimốp thậm chí bật đứng dậy - cái tin này mới làm anh sửng sốt làm sao.
- Mất rồi. Như tất cả mọi người chết trên thế gian này, không trừ một ai.
- Bao giờ vậy? Tin từ đâu?
- Được biết, Ivan ạ, từ một nguồn tin cậy nhất. Vừa mới hôm qua, theo các đường bí mật có thư của các đồng chí ở Pêtrôgrát gửi đến. Họ báo cho biết, sau khi ở Xtốckhôn về, giáo sư Likhatsiốp chỉ sống được có ba ngày. Việc giáo sư trở về tổ quốc cũng như cái chết của ông, chính quyền đều cố tình làm thinh. Không một tờ báo Pêtrôgrát nào đăng một dòng nào về giáo sư. Chúng chôn cất giáo sư một cách hết sức vội vã, ở một nghĩa trang xa xôi nào đó giữa đám thị dân và nhà buôn vô danh tiểu tốt.
- Quân khốn nạn! Lũ đểu cáng! Đồ đê tiện! - Akimốp nắm chặt tay lại, lồng lộn bước trong gian phòng, cảm thấy là vì căm tức ánh mắt anh mờ đi.
- Nhưng có thể đợi gì ở chúng kia chứ, Ivan? Trong mọi chuyện đều có lôgích của nó, và ở đây cũng có cái lôgích, - Prôkhôrốp nói một cách chí lý, làm cho Akimốp bình tĩnh lại một chút.
- Phải, có lôgích, nhưng, ít ra là cũng phải có một sự đứng đắn tối thiểu nữa chứ. Làm sao có thể như thế kia chứ? Không lẽ không ai thấy cắn dứt lương tâm ư?
- Lương tâm, Ivan ạ, là một khái niệm trừu tượng. Lương tâm đối với cậu - là một, còn đối với chúng, đối với những cột trụ của chế độ Sa hoàng, - hoàn toàn, hoàn toàn khác kia.
- Phải, phải, cậu nói đúng, Xécgây Êgôrôvích. Khi nào thì chúng mình đến thăm phòng làm việc của giáo sư Likhatsiốp mà cậu đã niêm phong?
- Thì ăn bữa trưa xong là ta đi.
o O o
Khó có thể tin được là Vênhêđích Pêtrôvích Likhatsiốp không còn bao giờ trở lại căn phòng làm việc này nữa, cũng như không còn trở lại nơi nào nữa. Ở đây mọi cái, tất thẩy đều làm Akimốp nhớ tới ông chú, con người ở khắp nơi đều biết cách tạo ra các tiện nghi đến mức tối đa để làm việc. Ngoài cái bàn viết rộng lớn kèm theo những cái kệ và cái giá đặc biệt kê sát bên bàn, trên đó ông rải vô số những tấm bản đồ của mình, ở khoảng tường giữa hai cửa sổ rộng, trông ra vườn cây, có kê cái bàn giấy, Likhatsiốp trước đây thường đứng làm việc sau cái bàn này. Ngay sau cái bàn là một dãy tủ chất đầy sách và các bó cặp giấy. Phía tay phải bàn làm việc một tấm bản đồ đế quốc Nga giống như tấm thảm nhiều màu treo kín cả mặt tường. Trong những phút nghỉ ngơi Likhatsiốp thường vẫn nhìn ngắm tấm bản đồ này hơi lâu, tưởng tượng khi thì đến đầu này, khi lại đến đầu kia của nước Nga.
Bên tường, đối diện với các tủ sách, là một chiếc ghế đivăng rộng bọc da với những cái gối da, cạnh đầu đivăng là một cái bàn thấp dài dài, để đầy những báo chí Thụy Điển, Nga, Anh, Pháp. Giáo sư Likhatsiốp không bao giờ đọc báo một cách chủ định. Ông chỉ xem lướt qua trong lúc nghỉ ngơi giữa công việc nghiên cứu khoa học của mình.
Cái bàn nhỏ thấp này, chất đầy những tờ báo nhàu nát, có gì đó nhắc nhở cho Akimốp một cách đặc biệt sinh động về sinh hoạt và tính cách thực tiễn của giáo sư Likhatsiốp. Dù đã trở thành nhà bác học lớn, về mặt tiếp thu cuộc sống, về thái độ nghiêm ngặt đối với cuộc sống, Likhatsiốp vẫn không ngừng là một người mugích Nga bình thường, bao giờ cũng nổi bật ở chỗ mưu lược, hiểu biết sâu sắc bản chất của sự việc, dù sự việc đó có được che đậy bằng những lời lẽ hào nhoáng thế nào đi nữa.
«Ông chú vò nhàu những tờ báo kia, hẳn là không phải vô cớ. Chắc những tờ báo đó đã làm ông bực bội vì điều gì đó, không gì khác là đã bịa đặt về sự trung thành vô độ của binh lính Nga đối với ngai vua», - Akimốp thoáng nghĩ.
- Xécgây Êgôrôvích, không lẽ ông chú mình không để lại điều ủy thác gì cho mình? - Akimốp hỏi, cuối cùng phá sự im lặng thể hiện nỗi đau buồn da diết bất ngờ đến với anh.
- Ông không nhờ tôi chuyển gì hết. Có thể, có gì để lại trong bàn chăng, - Prôkhôrốp trả lời gần như thì thầm, cũng như chính Akimốp, anh đang nếm trải những cảm xúc đặc biệt phức tạp.
- Ta thử xem sao, - Akimốp nói và ngập ngừng xoay chiếc chìa khóa đồng ở ngăn kéo giữa bàn.
Trong ngăn kéo có khoảng hai chục cây bút chì màu, những thứ mà giáo sư Likhatsiốp bao giờ cũng có sẵn, thậm chí ngay trong các chuyến đi khảo sát. Ông cần đến những cây bút ấy trong công việc bản đồ và phác họa thực cảnh. Ngoài ra, ông thích chữa các bản thảo của mình bằng bút chì màu, đôi khi không chỉ đơn giản gạch bỏ từ không cần thiết, mà tô đậm mầu đè lên.
Ở sâu trong lòng ngăn kéo, dưới mấy cuốn vở bằng vải sơn vẫn còn trắng nguyên, Akimốp sờ thấy một tờ giấy khá nhàu nát. Ở sát đầu trang tờ giấy có một dòng chữ viết bằng chì nâu: «Sự sắp đặt các tài liệu». Dưới đó là trật tự xếp sắp để trong khung, còn thứ tự các cặp và bao tài liệu đặt theo cột dọc: I. Các cuốn nhật ký Keti (hành trình lần thứ nhất). 2. Các cuốn nhật ký Keti (hành trình lần thứ hai). 3. Vùng Vaxiugan và các đồng than bùn Vaxiugan. 4. Các con sông và con đường biển Bắc. 5. Các hệ thống núi. 6. Các loại than Xibiri. 7. Các khoáng thạch Xibiri (kèm theo bản đồ). 8. Khoáng đa kim. 9. Các thảo nguyên (kèm theo bản đồ). 10. Ôbi Trung và Hạ (kèm theo bản đồ). II. Các gò mộ (không có bản đồ). 12. Vàng (kèm theo bản đồ). 13. Khảo cổ học, tập I. 14. Khảo cổ học, tập 2. 15. Rừng Xibiri (kèm theo bản đồ). 16. Các nhật ký Angara và Ênhixây. 17. Các cuốn nhật ký vùng Ngoại Baican. 18. Các núi Antai. 19. Các thảo nguyên Antai. 20. Khí đốt (quan sát và các dự đoán). 21. Dầu lửa.
Akimốp cắm cúi nhìn vào trang giấy,
- Chắc là, các địa chỉ nào đó hả? - ngó vào tờ giấy, Prôkhôrốp hỏi.
- Không phải, đây là danh sách các cặp tài liệu. Có lẽ, giáo sư Likhatsiốp lập bản danh mục này để thuận tiện mỗi khi tìm đến cặp tài liệu cần dùng.
- Cho mình xem, - Prôkhôrốp đề nghị và đưa tờ giấy lên sát cặp mục kỉnh, bắt đầu đọc. - Phải, tất nhiên, ông luôn giữ tờ giấy này bên mình. Cậu thấy là đây cũng có hệ thống của nó: số tủ, số giá để, số gói, - Prôkhôrốp nói và trả lại Akimốp tờ giấy nhàu nhịt.
- Mà liệu chúng ta có nên kiểm tra xem mọi cái có ở nguyên chỗ không, Xécgây Êgôrôvích? - Akimốp đề nghị. Prôkhôrốp đồng ý với anh.
Hai người đi đến những cái tủ dài dài, mà các ngăn tủ đều chất đầy sách, những cặp tài liệu riêng lẻ, các bó cặp tài liệu, các bao gói buộc chặt bằng giây chuỗi, và họ mở cái tủ ngoài cùng.
- Có lẽ đây là tủ số một. Cậu thử ngó xem, trong đó ghi gì, - Prôkhôrốp nói.
Akimốp xem tờ giấy.
- Trên ngăn giá thứ nhất ở đây nói có các cuốn nhật ký của hai chuyến hành trình thứ nhất và thứ hai đến Keti.
- Được rồi, ta thử kiểm tra xem. - Prôkhôrốp kiễng chân và, nghển lên tới tận ngăn giá trên cùng, đọc to nhãn đề trên bó vở: «Các cuốn nhật ký Keti».
- Đúng rồi. Ở đây cũng đề đúng như vậy: «Các cuốn nhật ký Keti (hành trình lần thứ nhất)» và «Các cuốn nhật ký Keti» (hành trình lần thứ hai)».
- Đọc tiếp đi, Ivan.
- Mình đọc đây: tủ thứ nhất, ngăn giá thứ hai: «Vùng Vaxiugan và các đồng than bùn Vaxiugan».
- Đúng. Đây, những cái cặp ấy đây. Cậu xem này. Kể ra thì cái tên gọi đơn giản thôi: «Vùng Vaxiugan». Đọc tiếp đi, Ivan.
Akimốp và Prôkhôrốp kiểm tra theo bản ghi cả tủ thứ nhất cả tủ thứ hai. Mọi cái đều phù hợp. Nhưng khi họ bắt tay vào kiểm tra tủ thứ ba thì họ thất vọng đau đớn. Trong tủ không thấy có sáu cặp tài liệu, cụ thể là: «Khoáng đa kim», «Ôbi Trung và Hạ (kèm theo bản đồ)», «Các gò mộ», «Vàng» (kèm theo bản đồ), «Khảo cổ học (tập 1)», «Khảo cổ học (tập 2)».
Cậu nghĩ thế nào, Xécgây Êgôrôvích? - Akimốp hỏi, lục tìm khắp cả tủ từ trên xuống dưới.
- Mình nghĩ chỉ có thế này thôi: các tài liệu đã bị Ôxipốpxki và đồng bọn đánh cắp.
- Bao giờ và bằng cách nào?
- À, đó lại là một vấn đề. Khi Likhatsiốp còn đây chúng không thể lấy được, mà phá cửa vào phòng... như vậy thì thật là trò ăn cướp.
- Cả việc đó mình cũng không ngạc nhiên, Xécgây Êgôrôvích. - Akimốp bẻ ngón tay, chắp tay ra sau lưng và cất bước đi lại trong căn phòng làm việc rộng lớn của Likhatsiốp - từ góc này sang góc kia, hết đi chéo lại đi dọc căn phòng. Prôkhôrốp lao ra cửa vào, xem xét sợi giây bện luồn qua lỗ khóa, mảnh dấu bằng mattit màu nâu.
- Ivan, cậu tưởng tượng xem, không có dấu vết gì lạ, - Prôkhôrốp nói, sau khi trở lại căn phòng. - Bây giờ ta xem các cửa sổ.
- Các cửa sổ đều đóng. Tôi vừa xem rồi, - càng ảm đạm hơn, Akimốp nói, những đột nhiên chạy vội ra sau những cái tủ.
Prôkhôrốp đi tới chỗ các cửa sổ, giật những ổ then cài to xù, chắc chắn.
- Xécgây Egorovich, lại đây! - từ sau dãy tủ vẳng ra giọng nói xúc động của Akimốp. Prôkhôrốp len vào khoảng giữa cái tủ cuối cùng và thành cửa sổ và trở nên kinh ngạc. Akimốp đứng ở trên chiếc thang di động mà giáo sư vẫn dùng để lấy sách và giấy tờ tài liệu xuống. Trong tay Akimốp cầm cái gậy để đẩy mành mành. Ngước nhìn lên trần, Prôkhôrốp nhìn thấy một cái hốc hé mở ở tận góc tường.
- Thấy không, Xécgây Êgôrôvích? Ở đây đã sắp đặt đâu vào đấy cho một vụ trộm! - Akimốp bỏ cái gậy xuống, thế là cái hốc đóng kín bưng lại.
- Lũ kẻ cướp! Những quân thấp hèn đểu giả! - Prôkhôrốp vung hai nắm tay lên, đôi mắt của anh mở to và đỏ ngầu, anh lồng lộn trong cái khe hẹp giữa những cái tủ, như một con thú nhỏ bị bắt nhốt trong lồng. - Khoan, Ivan, để mình ra ngoài xem. Thì chúng mình cần phải làm gì chứ!
Prôkhôrốp chạy ra khỏi phòng làm việc của giáo sư Likhatsiốp, và sau hai ba phút Akimốp đã nghe tiếng chân anh trên đầu mình. Qua một phút nữa cái hốc mở ra, và đôi mục kỉnh của Prôkhôrốp lấp lánh từ trong bóng tối của gác trần nhà.
- Tôi bị trừng phạt, Ivan ơi, vì cái tội bất cẩn của chính mình, - Prôkhôrốp nói. - Có cái thang dẫn lên gác trần nhà này. Nó để ở phía bên kia nhà. Không muốn cũng cứ leo chơi, mà một khi có ý muốn nữa, thì chẳng phải khó khăn gì cho lắm. Thôi được, tôi đi sang ngôi nhà bên cạnh thử hỏi xem liệu người ta có biết gì không về việc đột nhập của bọn trộm cướp.
Prôkhôrốp đóng sập cửa hốc, lịch kịch trên đó một lát rồi tụt khỏi gác trần nhà. Trỏng lúc anh trò chuyện hỏi han những người hàng xóm của giáo sư Likhatsiốp, Akimốp trở lại bên bàn và bắt đầu lục lọi các ngăn kéo bên.
Giảo sư Likhatsiốp ưa viết trên những cuốn sổ văn phòng dày cộp. Hẳn là ông thú cái thứ giấy dầy, có kẻ dòng và cái bìa cứng, cho phép giữ gìn tốt các bản thảo trong những cuộc hành trình và thời tiết xấu.
Akimốp lôi ra năm cuốn sổ ấy, nhưng hai trong số đó từ đầu đến cuối giấy còn trắng nguyên, còn ba cuốn kia gồm các trích đoạn từ các báo cáo phân tích thí nghiệm. «Lạ lùng, rất lạ lùng, không lẽ chú không viết cho mình một lời nào ư? Bởi vì chú biết rằng mình đã chạy trốn, đang trên đường đi và vội vã đến với chú»,- Akimốp suy nghĩ, lật giở các trang sổ văn phòng dày cứng.
Prốkhôrốp bước vào, vẫn xúc động như trước, đôi mắt giận dữ và hai tay nắm thành hai nắm đấm,
- Điên rồ! Cá nhân chủ nghĩa đến mức đê mạt! Tâm lý của lũ nhện ăn thịt đồng loại!
- Ở đó có chuyện gì vậy? - Akimốp hỏi.
- Cậu hiểu không, Ivan... Không, cậu không hiểu điều ấy đâu! Thay vì lời đáp những câu hỏi vô hại của mình là các vị hàng xóm có thấy những quân sâu mọt mò vào nhà ở của giáo sư Likhatsiốp không, mình đã nghe được cái điều mà cho đến giờ mình vẫn còn lộn ruột lên. Giáo sư và bà vợ của ông ta tuyên bố với mình rằng cả trước đây, cả bây giờ, cả về sau nữa, họ đều không có ý định quan tâm đến cuộc sống của người khác. Họ đề nghị không được quấy động đến họ. Họ không liên can gì đến ai hết và đến việc gì hết! Và mình đã phải lủi thủi bỏ đi... Bây giờ ta biết làm gì đây? Không lẽ, Ivan, chúng ta bất lực?
Akimốp đứng dậy, bối rối đến một phút đồng hồ.
- Điều thứ nhất, Xécgây Êgôrôvích, mình sẽ làm là mình ở lại đây. Nếu không người ta sẽ ăn trộm tất cả mọi cái còn lại. Dù phải thức đêm thức hôm, nhưng mình phải thu xếp đâu vào đấy, sẽ ghi chép danh sách đầy đủ. Chúng ta sẽ hy vọng là cái bao mà cảnh sát đã đoạt của mình ở Abô, sẽ không bị hủy hoại, sớm muộn nó sẽ ở trong tay chúng ta. Mình tin là cả kiến thức, cả trí tuệ của giảo sư Likhatsiốp sẽ còn phục vụ cho tương lai của nước Nga. Còn điều thứ hai... phải không được rời mắt khỏi tên Ôxipốpxki. Cậu thử dò biết hắn ở đâu, chuyện gì đang xảy ra với hắn. Bao giờ mình cũng tin rằng cách mạng của chúng ta sẽ tóm được cả hắn nữa, dù hắn có lẩn trốn bất cứ nơi nào. Cứ để cho con côn trùng bẩn thỉu này biết rằng những người bônsêvích dân chủ xã hội biết rõ về những mưu đồ xấu xa của hắn và sẽ không quên gì đâu... Cậu thấy thế nào, Xécgây Êgôrôvích?
- Đồng ý như vậy, Ivan. Ngay hôm nay mình sẽ trao đổi với các đồng chí.
Lát sau Prôkhôrốp bỏ đi - anh đến làm việc ở bệnh viện, - sau khi hứa là buổi chiều, nếu các công việc cho phép, anh sẽ đến thăm Akimốp. Cửa vừa sập lại sau lưng Prôkhôrốp, Akimốp gieo người xuống chiếc ghế bành xoay được của giáo sư Likhatsiốp và lại bắt tay vào soạn các giấy tờ nằm trên bàn.
o O o
Trong tập các bài báo cắt ra và các bản in tạp chí Akimốp tìm thấy mấy tờ giấy có kẻ dòng rộng khổ được găm lại bằng chiếc kim băng bình thường. Trên tờ giấy thứ nhất có chữ đề nét to bằng mực xanh: «Xibiri (khái luận)». Dưới một chút chì màu vạch rõ ràng: «Phác thảo». Lật một trang, Akimốp đọc một câu trực tiếp quan hệ đến anh: «Ivan vẫn không thấy đâu... Cháu đi đâu mà lâu vậy?»
Akimốp cảm thấy cổ anh nghẹn lại. Rõ là những lời ấy ông Likhatsiốp đã viết trong giây phút đau buồn cực độ. Những lời ấy đã bật ra từ đáy lòng ông như tiếng kêu tuyệt vọng. Đúng, Ivan đi đường lâu quá, nhưng phải chăng lỗi tại anh mà con đường đi hóa ra kéo dài và khó khăn chừng ấy và kết quả là đau xót chừng ấy?
Bóng chiều xịch đến. Màn tối lúc hoàng hôn ập vào các ô cửa sổ tòa biệt thự. Ánh đèn các ngôi nhà kéo dài một dải thẳng và ngăn nắp, nhấp nháy sau hàng cây trong công viên.
Akimốp kéo rèm cửa sổ lại, thắp bộ đèn chùm pha lê treo phía trên bàn viết, lại ngồi vào chiếc ghế bành và cặm cụi đọc. Và mặc dù bản thảo có lẽ mới là bản phác thảo đầu tiên, trong đó tác giả còn chưa đạt tới độ chính xác về ngôn ngữ, - đấy đích thị mới là các phác thảo, luận cương tác phẩm, còn đòi hỏi triển khai, nhưng các tư tưởng của Likhatsiốp từ trang đầu tiên đã lôi cuốn Akimốp.
Trang thứ nhất:
«Sự hùng mạnh của nước Nga sẽ tăng lên nhờ có Xibiri». Chỉ có thiên tài mới có thể nói những lời mà sự thông thái của những lời đó xuyên thấu hàng thế kỷ. Ta thử đi sâu vào ý nghĩa của những lời lẽ đó, hình dung ra cho mình toàn bộ các luận cứ đã cho phép nhà bác học vĩ đại thốt lên những lời hào hùng và tiên tri ấy.
Đứa con của Tổ quốc, đứa con của nước Nga. Mikhain Lômônôxốp từ hơi thở đầu tiên đến hơi thở cuối cùng là người như vậy. Trong những lời ấy nói về Xibiri, trước hết tôi nghe thấy lòng tự hào của Lômônôxốp về nhân dân mình. Trong thời kỳ lịch sử ấy trên thế giới không có dân tộc nào khác có thể gánh vác một sự nghiệp to lớn phi thường như việc chinh phục Xibiri. Để đi qua những không gian mênh mông hàng ngàn vecxta chưa được nghiên cứu, để không dừng lại trước muôn vàn khó khăn trên đường đi tới, chỉ có dũng khí, lòng can đảm và ngang tàng bởi thừa thãi táo bạo là chưa đủ. Điều chủ yếu cần phải có, - đó là sự nhận thức vai trò lịch sử, thấm nhuần chí khí cao cường của bao thế kỷ và quyết tâm làm tăng niềm vinh quang của Tổ quốc.
Tôi quì gối trước người, con người Nga, dù anh có là ai đi nữa: người cầm đầu trẻ tuổi của một đám người thuộc dòng dõi vương bá, được cha đẻ sai phái rời bỏ các căn lều ấm cúng ra đi vì lợi lộc và chiến công, hay một mugích bình thường từ sông Đông, khát vọng tự do và số phận tốt đẹp hơn, hay thầy trợ tế sắc sảo viết đơn thỉnh nguyện theo yêu cầu của các tù trưởng và thủ lĩnh gửi lên Sa hoàng, trong những lá đơn ấy lộ rõ trí tuệ kiệt xuất của những người ghi chép biên niên sử sức mạnh Nga...
«Sự hùng mạnh của nước Nga sẽ tăng lên nhờ có Xibiri»... Mikhain Lômônôxốp, luận thức ấy của người thật vĩ đại và lớn lao đối với khoa học! Bây giờ, trong những năm tháng xa xưa của người, người đã đoán định ra điều gì đấy qua cái nhìn tưởng tượng của người quay hướng về phương mặt trời mọc? Có lẽ là, người đã nhìn thấy Xibiri trước hết là mảnh đất chứa đựng những khả năng bao la cho công việc khai khoáng. Là cha đẻ của ngành luyện kim Nga, có thể, người là người duy nhất trong tất cả các nhà bác học của thời đại đó đã hiểu rõ sắt thép có ý nghĩa lớn lao chừng nào trong việc phồn thịnh của quốc gia Nga.
Chắc chắn là những con sông Xibiri hùng vĩ làm người phải lưu ý không phải chỉ như những con đường lưu thông, mở lối ra tới đại dương, đến với các dân tộc khác trên trái đất, mà còn như những nguồn điện lực, có khả năng cải tạo hoang mạc và núi non theo mệnh lệnh của trí tuệ con người.
Và tất nhiên là ngày đêm suy tư về sức mạnh và sự hùng hậu của nhân dân Nga, người đã không thể không coi Xibiri là khoáng địa thích hợp để di dân từ những vùng sâu trong lòng nước Nga đến đây. Đất đai canh tác và đất rừng của Xibiri quả thực là vô bờ vô bến. Với những đất đai ấy Tổ quốc chúng ta có được niềm hạnh phúc đáng thèm muốn mà các cường quốc khác không có được: dù số đầu người có lớn nhanh đến mức nào đi nữa thì mỗi người trong số ấy cả bây giờ, cả nhiều thế kỷ sau này nữa cũng sẽ có đủ ruộng đất để gieo trồng và hái lượm trái quả, và có đủ nước, vì nếu thiếu nước thì cả cây cối, cả lúa mạ đều không lớn lên được, cỏ không đâm chồi và mọi sinh vật đều sẽ biến mất và lụi chết.
Trang thứ hai:
Toàn bộ lãnh thổ Xibiri rộng lớn đều bị chia cắt bởi những con sông. Chúng là những con đường nội địa rất tốt, bởi vì ở một số tỉnh chiều dài các con sông vượt quá 35 - 40 ngàn vecxta.
Các con sông cũng có thể tạo thành một con đường thông thương từ Âu sang Á và ngược lại.
Khi việc vận chuyển bằng sức mạnh bắp thịt cả trên những con sông nhỏ bé nhất cũng được thay thế bằng sức mạnh cơ khí, thì thậm chí những địa điểm xa xôi nhất trên các lãnh thổ này cũng sẽ trở thành như gần gũi, có thể đến được tận nơi. Điều đó không thể không kéo theo sự sôi động trong các mối quan hệ giữa người với nhau và đem lại cho nhà nước thêm của cải mới.
Lớp phủ băng nhiều tháng trời trên mặt sông và biển Xibiri sẽ làm xuất hiện một hạm đội phá băng hùng mạnh. Đúng hơn cả là Xibiri sẽ có lối ra biển qua Ênhixây - con đường ngắn nhất tới biển.
Tất yếu là xung quanh các con sông Xibiri sẽ có các tuyến đường sắt. Trong số những tuyến đường sắt có thể xuất hiện trong thời gian sắp tới là đường sắt từ Tômxcơ đến Turukhanxcơ. Chính phủ Sa hoàng đáng ra từ lâu đã phải lắng nghe tiếng nói của các bác học Nga và phải cân nhắc cặn kẽ những mối lợi to lớn mà con đường này sẽ mang lại cho việc phát triển kinh tế của nước Nga.
Trong tương lai, tất nhiên, con người không thể chịu qui phục sức mạnh tự nhiên. Trước hết sẽ đạt được việc vận tải đường thủy quanh năm qua cửa sông Ênhixây. Điều đó sẽ đạt được nhờ sự nâng cao nhiệt độ nước của Ênhixây qua việc xây dựng bậc thang hồ chứa nước Angara-Ênhixây và các công trình hâm nóng nước đặc biệt, sử dụng nguồn năng lượng của các con sông và mặt trời.
Về mặt lý thuyết, vấn đề này ngay hôm nay cũng đã được chứng minh đầy đủ, còn điều liên quan đến việc giải quyết kỹ thuật của vấn đề ấy, thì đó là công việc của thế kỷ chúng ta.
Không chút dao động, tôi tin rằng đến năm hai nghìn toàn bộ các vấn đề ấy sẽ được thực hiện trong cuộc sống.
Trang thứ ba:
Từ ba phía, như hình cái móng ngựa khổng lồ, miền hạ du Tây Xibiri được bao bọc bởi các hệ núi cổ sinh đại. Phía không bị cản của cái bát cực kỳ vĩ đại này của thế giới trông ra lòng sâu của Bắc Băng Dương. Miền hạ du này đáng kinh ngạc không chỉ bởi về mặt rộng lớn, mà cả bởi chiều sâu của những lớp trầm tích xốp của trung sinh đại và tân sinh đại.
Xét từ quan điểm các tài liệu hiện đại về sự hiện diện của khoáng sản có ích trong lớp vỏ xốp dày này, thì miền hạ du Tây Xibiri là một hoang mạc. Tôi kiên quyết lên tiếng chống lại những ai có ý coi miền hạ du vĩ đại này là hoang mạc hoàn toàn không có những tặng vật cần thiết cho loài người. Tôi xin khẳng định điều ngược lại: miền hạ du là cái kho báu khổng lồ, và tôi không ngạc nhiên nếu như ngay trong cuộc sống các thế hệ đang sống, nó sẽ làm cho thế giới phải kinh ngạc vì khối lượng khổng lồ các dự trữ khoáng sản có ích.
Trong công trình «Xibiri», sự nghiệp của cả cuộc đời tôi, tôi xin đưa ra những dẫn chứng làm sáng tỏ luận điểm này. Cũng ở đây tôi nhận xét điều sau: thậm chí chỉ nhìn qua lịch sử địa chất khu vực này của địa cầu cũng không thể không nhận ra những hệ núi non xuất hiện thời kỳ cổ sinh đại chứa đựng trong chúng số lượng nhiều vô kể mỏ kim khoáng đủ loại. Trong vòng vài trăm triệu năm các hệ núi non đã bị phá hủy. Nhờ những dòng nước chảy, khối đất xốp cùng với các kim loại trong dạng những phần tử nhỏ bé và các dung dịch đã lắng đọng ở rốn chỗ võng. Và ở chỗ nào đó tại đây các kim loại đã trầm tích, tạo thành các khu mỏ.
Đáy cổ sinh đại của rốn khổng lồ ở chỗ võng dao động, khi dâng lên cao, khi hạ xuống thấp, và biển từ phía bắc, khi xô lấn, khi rút lui. Cứ như vậy trong suốt cả trung sinh đại và đầu tân sinh đại. Các quá trình này phải kéo dài hàng chục và hàng trăm triệu năm.
Cần nhấn mạnh một cách cơ bản: ở các biển nông đã có một cuộc sống hữu cơ phong phú. Các trầm tích hữu cơ, chôn vùi trong khối khoáng thạch, tất nhiên, phải tạo ra sự tích tụ sản phẩm dầu mỏ và khí đốt. Điều đó tôi không hề nghi ngờ gì, mặc dù tôi thấy rất rõ ràng, chỉ một mong muốn khám phá ra cái kho báu khổng lồ ấy chưa đủ.
Tôi cũng lại trông cậy vào thế kỷ hai mươi và tin tưởng rằng không một sự rồ dại nào của các hoàng đế và các Sa hoàng, các chúa tể cũng như các độc tài, ghìm giữ được bước phát triển của khoa học kỹ thuật. Tôi chỉ đau xót nghĩ rằng: cuộc sống của con người ta quả là ngắn ngủi, đến mức tôi không được trải qua những giây phút toàn thắng của tư tưởng con người đối với nhiều điều bí mật hiện nay của vũ trụ.
Trang thứ tư:
Những khoảng rộng thảo nguyên miền nam Tây Xibiri với các lớp thổ nhưỡng đất đen và đất tro xám tạo thành những kho tàng khổng lồ cho công việc canh tác nông nghiệp. Thậm chí trí óc ta khó lường được hết là thiên nhiên đã dâng cho người Nga một tặng vật như thế nào, khi đem cho anh ta một vốn của cải như vậy. Khoa học canh nông có nhiệm vụ mở ra trước người mugích Xibiri những khả năng rộng lớn nâng cao năng suất của đất đai cày cấy. Nhưng dù đất cày Xibiri có giầu có đến đâu đi nữa, cả chúng cũng đòi hỏi phải săn sóc đến chúng. Việc cải tạo đất, phân hữu cơ và phân khoáng - là những điều kiện thiết yếu để nâng cao độ phì nhiêu của đất ruộng Xibiri.
Việc canh tác Xibiri có những người đồng hành thuận lợi. Tôi muốn nói tới không chỉ sự dồi dào rừng và nước, mà cả những hợp phần như các khoáng thạch nông nghiệp và các đồng than bùn. Nếu sử dụng chúng một cách đúng đắn, thì việc canh tác chẳng sợ gì sự xói mòn đất do nước và gió. Việc đất bị mất vôi, cũng như việc đất bị chua, có thể điều chỉnh một cách có hiệu quả nhờ các yếu tố ấy của đất.
Tuy nhiên việc canh tác cũng có những mối nguy hiểm của nó, cần phải nhìn thấy ngay từ bây giờ: đất trồng tỉa chuyển dịch dần lên phía bắc, việc đó là do sự xâm nhập vào địa phận của rừng rú. Việc ấy có căn cớ chăng? Đất rừng đòi hỏi đầu tư lao động và vật tư lớn vào việc duy trì năng suất của ruộng đất.
Tôi dành cả một tập đặc biệt cho rừng, ở đây tôi chỉ phát biểu một ý kiến, khoa học rừng đã nhận xét là sự tăng thêm hàng năm của gỗ, thí dụ, ở Tây Xibiri, không kém hơn cũng trong những vĩ độ như vậy ở Âu phần của nước Nga, mặc dù nhiệt độ ở đây thấp hơn nhiều. Có lẽ, điều đó là do ở Tây Xibiri có lớp tuyết phủ dày hơn. Kinh tế lâm nghiệp ở Xibiri cần được xây dựng theo nguyên tắc quay vòng vĩnh viễn với chu kỳ 50 - 70 năm.
Tặng vật thật kỳ lạ của thiên nhiên - đó là các rừng tuyết tùng của Xibiri. Tuyết tùng, loại cây có quả, nguồn nuôi sống thế giới động vật của rừng taiga Xibiri, ra quả hàng trăm năm. Mối lợi kinh tế dị thường là phải giữ gìn và phát triển thứ cây ấy. Nghĩa vụ thiêng liêng của các thế hệ tương lai - ít ra là mở rộng gấp ba lần diện tích rừng tuyết tùng Xibiri.
Trang thứ năm:
Các vật khai quật được ở trên lãnh thổ Xibiri chứng tỏ rằng con người đã sinh sống ở đây từ thuở cổ xưa của thời đại đồ đá cũ và trong tất cả các thời đại về sau của lịch sử con người. Có vô số những gò mộ và những nơi chôn cất khác. Và mặc dù một phần khá lớn những gò mộ và nơi chôn cất như vậy đã bị cướp phá từ những thế kỷ trước, các gò mộ không chỉ là những báu vật lịch sử, mà còn là những kho của cải quí mà khối lượng của chúng không ai dám liều đánh giá dù chỉ là ước chừng. Một điều không thể tranh cãi và rõ ràng là: những báu vật ấy là tài sản nhà nước của nhân dân Nga.
Cùng với việc cho phép tư bản ngoại quốc đến khai thác hầm mỏ ở Tây Antai (Ritđer), bọn phiêu lưu và kẻ cướp quốc tế săn lùng những báu vật cổ, cũng kéo theo đến đó, những kẻ ấy đã gây biết bao nhiêu thiệt thòi mất mát cho các dân tộc và các đất nước khác rồi. Đã có tin là những con lang thèm khát làm giàu đang mò mẫm ở khắp các thung lũng vùng núi Antai, tìm đến các gò mộ và đầy lòng ham muốn đánh cắp tài sản quốc gia của chúng ta. Người ta nói rằng thậm chí trong số các nhà bác học cũng có thể gặp những tên quái thai vô đạo như vậy, những kẻ tiếp tay cho việc cướp bóc kia. Sự phản bội, không thể tìm đâu sánh được! Thật là nhục nhã!
Lòng tôi buồn bã và đau đớn: đâu là cái chính quyền có thể chặn đứng được cuộc cướp bóc chưa từng có ấy?!
Trang thứ sáu:
Tôi càng suy nghĩ nhiều, rất nhiều: ai, tầng lớp xã hội nào có khả năng vực dậy những lực lượng sản xuất của Xibiri, thổi cuộc sống và hoạt động vào những đất đai rộng lớn của nó, thực sự thực hiện lời di huấn thiên tài của Mikhain Lômônôxốp: «Sự hùng mạnh của nước Nga sẽ tăng lên nhờ có Xibiri»?!
Tôi trằn trọc và đau đớn vì những suy tư và dù có phỏng tính như thế nào đi nữa, tôi vẫn chỉ thấy có một lực lượng có khả năng đảm nhiệm công việc khổng lổ này - đó là đảng của những người bônsêvích dân chủ xã hội. Để làm việc ấy đảng này có cả trí tuệ, cả lòng dũng cảm, cả sự can đảm, và cỗi rễ của nó ăn sâu trong nhân dân, vì thế tương lai thuộc về nó.
Trên lề trang giấy có ghi chú: «Này chú bé đáng yêu Ivan, đừng có tưởng là cháu đã thuyết phục ta tiếp nhận chính kiến của cháu. Chính ta đã tự đi được tới chính kiến ấy: đạt được tới bằng chính trí óc của ta».
Trang thứ bảy:
Tổ quốc của tôi đang đứng trước những chấn động xã hội. Giông tố vừa sẽ phá hủy vừa sẽ tạo ra những điều kiện cho cái sức lực mới lớn lên. Ngay cả ở những vùng bị tàn phá, rừng cũng mọc lên rậm hơn và cứng cáp hơn. Chúng ta sẽ không sợ cơn giông tố này. Cứ để nó kéo qua, như con rồng cuốn. Nếu không đất đai quê hương không sạch hết rác rưởi bẩn thỉu. Nếu không những kẻ bất tài - những kẻ vô lại và mạo nhận - sẽ tiếp tục chà đạp nhân dân tôi, nhạo báng tâm hồn vĩ đại và cao đẹp của nhân dân tôi, kìm giữ những khí thế cao quí của nhân dân tôi, bóp nghẹt những chí hướng cao cả của nhân dân tôi.
Không, chúng ta không sợ cơn giông tố!
o O o
Akimốp đọc hết các phác thảo của Likhatsiốp và đứng dậy, sửng sốt, Anh đứng đó không rời mắt khỏi những trang giấy nhàu nhịt, và anh có cảm giác là anh nghe thấy tiếng nói oang oang, sảng khoái của ông chú:
- Về Nga! Về nước Nga! Hạnh phúc của chúng ta là ở đó, Ivan ạ!
«Hai tuần, nhiều nhất là một tháng, ta sẽ ở lại đây và, xếp dọn tất cả các giấy tờ đâu vào đấy, ta sẽ lao trở về nhà, bằng bất cứ giá nào, vượt qua mọi trở ngại và gian truân», - Akimốp suy nghĩ.
...Trong những giây phút ấy anh còn chưa biết được rằng ở giữa lòng sâu của lịch sử đang chín muồi cái tin mà chẳng bao lâu sau vang lên trên khắp hoàn cầu:
- Nền quân chủ ở Nga đã bị lật đổ. Cuộc cách mạng mới của nước Nga đã bắt đầu.
Chú Thích:
[1] Đơn vị đo chiều dài cũ ở Nga, 1 vecxta ngang với 1,06km - ND.
[2] Phate (Vater) theo tiếng Đức là bố. - ND
[3] Xagiên: đơn vị đo chiều dài cũ ở Nga, ngang với 2,134m – ND.
[4] Ácsin: đơn vị đo chiều dài cũ ở Nga, bằng 0,71 m. Một xagiên bằng ba ácsin - ND.
[5] Granhít là đá hoa cương – ND.
[6] Pút: đơn vị đo trọng lượng cũ ở Nga, bằng 16,38 kg. - ND.
[7] Phuntơ: Đơn vị trọng lượng cũ ở Nga, bằng 409,5 gam. Một pút bằng 40 phuntơ – ND.
[8] Robespierre (1758 - 1794) nhà hoạt động cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII, thực chất là thủ lĩnh chính phủ cách mạng Giacôbanh. - ND.
[9] Những người quý tộc tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Chạp năm 1825 chống chế độ Sa hoàng và chế độ nông nô. – ND.
[10] Trường cao đẳng nữ, được thành lập ở Pêtêrburg năm 1878, trường mang tên người đứng đầu là C.N. Bêxtugiép – Riumin - ND.
[11] Chỉ cuộc khởi nghĩa vũ trang tháng Chạp năm 1905 ở Mátxcơva. — ND.
[12] Vecsóc: đơn vị đo chiều dài cũ ở Nga bằng 4,4 cm. — ND.
[13] Ý nói xúp ngon quá, làm cho người ta thèm đến mức nuốt mất cả lưỡi mình. - ND.
[14] Xtêpan Radin là một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Nga vào năm 1670 - 1671. - ND.
[15] Dù là chữ «o» hay chữ «a» thì ở đây vẫn đọc là «a» cả, vì nếu không có trọng âm thì vần «Kan» và «Kon» phát âm như nhau. - ND.
[16] Rôxômakha (Росомаха – chồn sói): một loại dã thú có lông quý ở miền bắc. – ND.
[17] Phản treo cao sát trần sau bếp lò và bức tường đối diện. - ND
[18] Kibaxia - kibax - hòn đá khâu vào vỏ cây bạch dương. Được sử dụng làm vật nặng kéo lưới chìm xuống đáy sông. - Chú thích của tác giả.
[19] Metsnicốp Ilia Ilích (1845 - 1916) — nhà sinh vật học Nga, một trong những người đặt nền móng khoa bệnh lý học so sánh, phôi thai học tiến hóa, vi sinh vật học và miễn dịch học. — ND.
[20] Timiriadép Kliment Arkađievích (1843 - 1920) — nhà tự nhiên học theo phái Đácuyn, một trong những người đặt nền móng trường phái sinh lý thực vật ở Nga. — ND.
[21] Có nghĩa là cực kỳ cay đắng. — ND.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri