Anger is like a storm rising up from the bottom of your consciousness. When you feel it coming, turn your focus to your breath.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
uân ngồi rửa mặt một mình đằng sau vườn nhà dì, vừa xả khăn lau mặt vừa nhìn mông lung bụi chuối già tơi tả thân oằn xuống vì buồng càng ngày càng trĩu nặng. Trời chập choạng, những làn gió mỏng mảnh mơn man trên khuôn mặt khiến Xuân tỉnh táo hơn. Lúc nãy quay cuồng với những mâm thức ăn, khay trà, thuốc, trầu cau cho bữa tiệc cưới, đôi lúc phải cố dằn cơn buồn ngủ, quay mặt để giấu những cái ngáp dài.
Từ lúc lấy chồng tới nay bây giờ nàng mới có những giây phút lặng yên nhìn ngắm khung cảnh cũ của một thời son trẻ vô tư chưa biết khổ đau là gì. Nhớ thì nhớ nhưng nàng chẳng bao giờ tiếc nuối. Không mong mỏi quay về cái thời chưa lấy Bách. Nàng chỉ ước nguyện được sống trở lại những ngày hạnh phúc bên Bách khi chồng chưa tử nạn.
Con gà mái ở đâu chạy vụt qua miệng kêu cúc..rúc…cúc..rúc rồi nép mình vào chân đống rạ, bộ lông xù lên hai cánh giang rộng. Lũ gà con tròn trĩnh xinh xinh như những nắm cơm líu ríu chạy theo tiếng kêu của mẹ. Chỉ một loáng tất cả biến mất ẩn dưới sự bảo vệ của đôi cánh đang từ từ khép lại. Nhìn cảnh mẹ con nhà gà Xuân mỉm cười. Con trai giờ đang ở bên nhà ngoại chờ mình về không biết đã ngủ chưa? Nàng vắt nhanh cái khăn lên vai hấp tấp đứng dậy quầy quả đi vào. Khi gần tới cửa giọng dì Thục vọng ra:
_Xuân ơi! Làm gì ngoài đó lâu thế! Khách khứa ai cũng về hết rồi! Cô dâu chú rể cũng yên ổn mọi bề trong phòng tụi nó rồi. Vào ăn tí gì đi cháu. Tội nghiệp cả ngày vất vả. Nói thật nhé không có cháu dì không biết phải xoay xở ra sao cho hết việc.
Xuân khước từ:
_Thôi dì! Con về nhà mẹ con kẻo cu Tí lại mong. Hồi nãy con phải năn nỉ khuyên cháu nó mới bằng lòng đi về với ngoại trước để con ở lại dọn dẹp giúp dì. Ở lại không được đâu để khi khác
Dì Thục gắt lên:
_Khi khác là khi nào. Dì hỏi cháu từ hồi lấy chồng đã bao giờ dì cháu mình có thời gian tỉ tê tâm sự với nhau chưa? Không được! Ăn tí gì đi rồi vào phòng dì nằm, chút nữa tụng kinh xong dì cháu mình tâm sự cho hết đêm, mai ngủ nướng đến trưa hãy về.
Không biết nói sao Xuân đành lủi thủi đi về phòng dì. Khi ngang qua phòng tân hôn nàng khẽ liếc nhìn. Cánh cửa đã khép chặt. Lúc trưa đôi tân lang tân nương phải năn nỉ thằng Tí vào cùng để nó lăn một vòng trên cái giường tân hôn lấy hên, phải dụ nó bằng hai cặp bánh phu thê nó mới chịu vào. Chỉ một thoáng nhìn về phía ấy nhưng khơi gợi trong lòng Xuân những khoảnh khắc trong đám cưới của mình mấy năm về trước. Không phải chỉ lúc này. Cả ngày hôm nay lúc nào cũng ngẩn ngơ ngậm ngùi với muôn vàn nhớ thương nuối tiếc. Bách không còn nữa,vẫn biêt dù ước nguyện trăm vạn lần những ngày hạnh phúc vẫn không quay lại, nhưng sao ngày hôm nay nàng cứ có cảm giác như chàng lởn vởn quanh đây.
Tiếng cười rúc rích của đôi tân hôn xuyên qua bức vách rõ mồn một…tiếng thở…tiếng rù rì, Xuân quay mặt ra ngoài không nằm sát vách nhưng vẫn không sao chợp mắt được mặc dù quá mệt mỏi! Nàng đưa hai tay bịt lỗ tai cố gắng không nghe những âm thanh khêu gợi rạo rực.
Trằn trọc mãi vẫn chưa thấy dì vào, Xuân ngắm nền trời đêm qua khung cửa liếp. Những luồng gió đang lùa vào thật dịu êm. Nàng cởi áo ngoài chỉ còn lại cái yếm giang cả hai chân hai tay mặc cho gió mơn man cơ thể.
Xuân nhắm mắt hồi tưởng lại khung cảnh mỗi khi đến viếng mộ chồng nhất là vào độ cuối thu. Gió ở đó không lạnh lại hay thổi ngược chiều nên Xuân không bao giờ quấn khăn để mặc cho gió vuốt ve đùa cùng làn tóc rối. Ngồi lặng lẽ bên những ngôi mộ mờ mịt khói nhang trong cảnh u hoài đầy nuối tiếc nhưng Xuân không thấy cô đơn lạc loài mà thường ở đó rất lâu mải mê vun những xác lá phủ lên những lớp tro tàn của xấp vàng mã đã hóa còn cháy âm ỉ, chăm chú lắng nghe gió dạo lên những khúc mơ hồ qua những vòm cây đang trút lá, ngỡ như tâm hồn đang ấm dần lên dưới nắng thu!
Cánh cửa liếp bị gió thổi mạnh đóng sập lại. Xuân giật mình thấy hơi run, gắng gượng dậy lấy tấm mền đắp nhưng không được, khắp người rêm đau, đầu lưỡi cứng lại, môi tê dần. Đầu óc Xuân trống không bỗng dưng, quên mất hiện tại quãng đời goá bụa sầu đau. Ê ẩm chợt lắng xuống, ước nguyện tha thiết bao ngày đang dâng cao. Xuân quay cuồng khắc khoải lội ngược thời gian, ngày tháng cũ đang tới, Xuân hăm hở đưa tay níu lấy bám theo hả hê chơi vơi như thể đang trong vòng tay ái ân của chồng, thấy mình cùng chàng cuồn cuộn lặn hụp, cố sức trồi lên, cùng nhau kiệt dần giữa muôn vàn hạnh phúc. Xuân từ từ chìm trong im thẳm, hoàn toàn không muốn thoát ra cảm giác kỳ lạ đang bủa vây mình.
+++
Trời đã tang tảng sáng. Sa mở choàng mắt vùng dậy bởi tiếng sủa không ngớt của con Mực, tiếng dép lệt sệt kéo lê vội vã khẩn cấp. Mò mẫm trong ánh sáng mờ mờ Sa mở cửa nhìn ra ngoài. Dãy bệnh xá vẫn còn đóng im ỉm. Đâu có bệnh nhân nào bị nguy cấp lúc này?. Chuyện gì vậy nhỉ? Đang thắc mắc thì thấy con Mực bị lão câm tròng dây qua cổ cột ở gốc hoè, lão hấp tấp quơ cái siêu thuốc ở sân chạy thật nhanh vào bếp bằng lối tắt. Có hai người khiêng võng dừng lại ở phòng chẩn mạch thì phải? Thấp thoáng bóng Tùng.
Linh cảm có chuyện gì không hay nàng đánh bạo chạy ra phía trước. Con Mực bị trói thấy nàng nó chồm tới nhe răng hực hực mấy cái nhưng không sủa nữa. Chạy ra không thấy gì ở phòng chẩn mạch, cửa vẫn đóng im lìm. Một lát hai người cầm đòn gánh và võng đi tới. Sa đánh bạo hỏi:
_Có chuyện gì vậy các anh?
Một người đáp:
_ Chị Xuân bị ngất. Chúng tôi được mướn phải tức tốc mang chị ấy về đây ngay. Giờ vẫn chưa tỉnh.
Nói rồi hai người cúi chào tất tả rời khỏi gia trang.
Lão câm chạy ra đóng cửa Sa bám theo gặng hỏi:
_Chị Xuân đâu? Già cho con vào thăm chị ấy được không?
Lão ú ớ lấy tay xua xua ra phía sau ý muốn Sa hãy về phòng mình. Sa ngần ngừ, lão chạy lại mở xích cho con Mực, nhanh như chớp Sa chạy ra sau ngay, không dám lớ ngớ phía trước nữa!
Thừ người ra một lúc Sa nghĩ thầm sao mình không vào bếp rồi lần ra phía trước? Chắc chắn phải có lối vào phòng chị Xuân, mẹ chồng mình mai mới về nhà. Nghĩ thế nàng đi qua ngõ tắt vào cửa sau bếp, lão câm còn để mở chưa kịp đóng. Khi vào nàng đụng đầu một người đàn bà mặt biến sắc tái mét đang hốt hoảng quạt than bắc siêu thuốc. Thấy nàng người đàn bà kêu lên:
_Thím Sa đó phải không? Tôi là ngoại cu Tí. Tội quá thím ơi!
Nói đến đây bà ta kéo tay áo lên chùi nước mắt sụt sùi mếu máo không nói thêm được gì!
Sa hỏi:
_Chị Xuân đâu rồi bác? Chị ngất phải không? Cháu Tí đâu sao chỉ có bà thôi?
_Khổ quá! Thằng Tí còn ở bên nhà tôi. Vội quá! Vả lại nó còn nhỏ không cho nó biết mẹ nó đau để cho cháu ngủ mai về cũng được. Hồi khuya tôi nghe dì Thục chạy qua báo con Xuân nhà tôi mệt mỏi quá ngất bên nhà, làm sao cũng không tỉnh lại, tôi đành phải mướn người dù đêm hôm khuya khoắt phải mang về đây ngay cho chú thằng Tí chữa chạy may ra còn kịp không thì nguy to!
Sa ngồi xuống giành cái quạt trên tay mẹ chị Xuân tiếp tục quạt cho than hồng, rồi như chợt nhớ ra điều gì nàng hốt hoảng:
_Chị Xuân nằm một mình hay có ai trong đó?
Nhìn vẻ mặt Sa, mẹ chị Xuân hiểu ý nói ngay:
_Đâu chỉ có chú Tùng còn lão bộc trong đó mà! Tôi sẽ lên ngay!
Câu trả lời như để phân trần trấn an khiến Sa biết mình lỡ lời. Nhưng nàng thật sự không muốn nghĩ chỉ có Tùng trong phòng chị Xuân!
Nàng giục:
_Bác vào với chị Xuân đi! Siêu thuốc để con coi cho. Lâu lâu bác lại xuống dòm chừng là được rồi! Nhanh lên bác à!
Khi mẹ Xuân quay lưng cất bước Sa dõi theo. Bà ta đi rẽ vào phòng sát hông rồi biến mất sau cánh cửa. Vậy là đã hiểu! Từ phía sau có thể đi tắt vào bếp rồi qua phòng sát hông luồn qua cánh cửa đó…qua đó là những phòng của khu nhà chính phía trước không phải đối mặt với con Mực. Còn sát hông bếp phía bên kia ắt hẳn phòng mẹ chồng mình vì chỉ có ở vị trí đó nhìn xéo ra phía sau mới có thể nhìn thấy Dân và mình bữa trước. Tuy nghĩ vậy Sa vẫn đứng lặng trong phòng không nhúc nhích.
Nhưng chỉ được một lúc, sốt ruột quá nàng đánh bạo bước qua căn phòng sát bên, thấy cách bài trí bàn ghế tủ kệ nên nhận ngay ra đây mới chính là phòng ăn! Nàng lấy tay khẽ đẩy nhẹ, cửa không khoá mở ra he hé. Sợ bị phát hiện Sa lùi lại nhìn lén qua khe cửa. Chị Xuân nằm mê man như đang ngủ thiếp trên giường. Lão câm đứng ở cuối giường người cứ run lên bần bật nhìn chị Xuân không chớp mắt. Mẹ chị ngồi ở mé cuối giường, chỉ có Tùng ngồi sát chị nhất đang xem mạch. Khi chàng quay lại đổi thế ngồi Sa thấy vẻ mặt Tùng rất buồn. Chàng đưa tay lên xoa nhè nhẹ trên ngực chị nhiều lần. Hai người kia cứ trân trối nhìn, lặng yên bất động. Tùng áp tai xuống ngực chăm chú như đang lắng nghe. Đứng nhìn lén, Sa cũng thấy hồi hộp đến nghẹn thở.
Bỗng chàng đứng bật dậy nói thật khẽ:
_May quá ngực chị còn ấm bác à! Con đã biết tại sao chị ấy ngất!
Mẹ Xuân bây giờ mới bật khóc thút thít:
_Xuân ơi! Con bị bệnh sao không nói cho mẹ biết cứ cố gắng làm mọi việc rồi ra nông nỗi này! Chú có thể cho tôi biết nó bệnh gì được không?
Tùng không nói gì nhìn đăm đăm chị Xuân thở dài. Sự căng thẳng làm hai bên thái dương đổ mồ hôi hột, lão câm lấy cái khăn thấm nhẹ cho chàng. Một lúc sau Tùng mới giải bày:
_Bệnh không nghiêm trọng bác đừng lo nhưng giờ tất cả hãy lui ra, con bảo đảm chị ấy rồi sẽ tỉnh. Người chị các cơ không cứng, da thịt vẫn mềm mại hơi thở yếu nhưng ngực ấm bác à! Bây giờ con cần sự yên tĩnh để điều trị.
Mẹ chị Xuân nói:
_May quá! Tôi quyết định đưa nó về đây gấp là đúng!
Lão câm nghe chàng nói thế đã bình tĩnh lại, kéo tay ngoại cu Tí, hai người cùng đi ra. Mãi nhìn Tùng, Sa không kịp chạy vào bếp, lỡ rồi nên lùi lại sau cánh cửa núp trong bóng tối lặng lẽ nhìn tiếp. Khi không còn ai Tùng tiến lại đẩy cánh cửa đang khép hờ bật mở toang. Sa thót tim muốn ngừng thở tưởng chàng đã nhìn thấy mình, nàng cố ép sát lưng vào tường, cánh cửa chần dần trước mặt, mùi gỗ sộc vào mũi, nàng vội lấy tay bịt miệng để không bị hắt xì. Hơi bị ép dồn ngược lại không thoát ra đằng miệng phải luồn qua tai, đau nhói.
Tuy biết chị Xuân còn ngất mê man đâu biết gì nhưng Sa cảm thấy bực tức vô cớ, nàng mím môi quắc mắt nhìn trừng trừng vào phòng, quên rằng đáng lẽ bây giờ phải ở trong bếp canh siêu thuốc hộ mẹ chị Xuân. Bỗng nàng há hốc mồm khi chợt thấy Tùng quỳ xuống bên giường nắm lấy tay chị xoa nhè nhẹ mu bàn tay ghé sát lỗ tai chị thầm thì những gì Sa làm sao nghe được. Sa cười nhạt nghĩ thầm:
_Mẹ chị ấy còn ở đây làm sao dám đóng cửa? Nhưng điều đó không có nghĩa Tùng không có dịp đi xa hơn nếu chàng muốn. Mãi chú ý Sa đứng bất động không biết bao lâu nhưng tuyệt không thấy chồn chân khó chịu chút nào!
Tiếng guốc khẽ khàng đi lại. Mẹ chị Xuân bưng thuốc vào. Tùng vội đứng dậy xích qua một bên. Người mẹ vực con gái dậy cố đổ thuốc vào nhưng thuốc cứ ứa ra mép không sao vào được, người chị cứ xụi lơ đầu ngửa ra phía sau. Tùng lập tức kêu lên:
_Bác để con. Nói chưa dứt chàng đã luồn tay ngang lưng chị Xuân để đầu chị kê vào cánh tay mình, tay kia múc thìa thuốc đưa nhè nhẹ qua làn môi tái nhợt mệng kêu lên thật tha thiết:
_Chị ơi! chị! Tùng đây chị tỉnh lại đi chị ơi! Cu Tí sắp về tới đây! Tội cháu quá chị ơi!
Chị Xuân hơi mấp máy môi, làn mi khẽ rung, chớp nhẹ. Tùng nhanh tay giật ngay chén thuốc trong tay ngoại cu Tí đổ gọn vào miệng. Chị Xuân nuốt ực một cái. Tùng thốt lên:
_Thoát hiểm rồi! Qua cơn nguy cấp rồi!. Thôi bác vào đây ngả lưng nằm với chị ấy để nghỉ kẻo mệt.
Mẹ chị Xuân chắp tay trước ngực ngước mặt lên trời kêu:
_Ôi cám ơn trời phật phù hộ con tôi tai qua nạn khỏi!
Bà quay lại hỏi Tùng:
_Sao chưa thấy chị con mở mắt?
Vừa nói xong chị Xuân ú ớ từ từ mở mắt nhìn ngơ ngác. Bà ôm lấy con gái khóc nức lên. Tùng cũng cúi xuống vuốt nhẹ tóc chị dâu rồi quay lưng mở cánh cửa thông ra phía trước biến mất.
Sa thở phào nhẹ nhõm vì chàng không đi về phía cửa chỗ nàng đang đứng núp. Chàng đi rồi, nàng cũng trở lui ra bếp tìm về phòng mình.
Khi định đóng cánh cửa nàng chợt nhận ra lão câm đứng giữa sân cứ nhìn mình chằm chằm. Chung quanh lão những siêu thuốc đang đồng loạt bốc khói. Khi liếp tre đã đóng lại sau lưng, Sa đứng như trời trồng trong căn phòng tối tăm bần thần với vô số câu hỏi cứ dồn dập trong đầu. Sa? Mày vừa làm gì vậy? Hành động lén lút nhìn trộm bất chấp sự khinh ghét của mọi người rốt cuộc vì mục đích gì?. Ánh mắt vẻ mặt lão câm lúc nãy, khó chịu quá! Trời ơi! Mình có xứng đáng được gọi là con gái nhà lành nữa không đây?. Sao cứ như bị ma nhập, toàn làm những chuyện chướng mắt thế không biết? Đâu phải không biết những việc vừa làm là xấu xa đâu? Vậy sao còn làm? Úp mặt vào liếp tre Sa nhắm nghiền mắt nhưng ánh nhìn của lão câm cứ như đang bủa vây. Hình như trong mình có cái gì đó mạnh hơn cả sự sợ hãi e dè, đè bẹp cả sự xấu hổ, lòng tự trọng, điều khi vừa mới lớn mình luôn được khuyên bảo dạy dỗ nhắc nhở.
Nghĩ vậy nhưng Sa biết rõ mình không thể nào kìm hãm lại nữa. Nàng như con ngựa bất kham sẵn sàng gồng mình lên chịu những trận roi vọt chứ nhất quyết không chịu khuất phục.
+++
Từ phòng chị dâu ra, Tùng hướng thẳng đến thư phòng, mở ngăn tủ lục lọi tìm kiếm, rút ra một tờ giấy được kẹp cẩn thận trong cuốn sổ lớn. Chàng cầm tờ giấy đọc ngấu nghiến không kịp ngồi xuống ghế.
Em Tùng xa xôi muôn vàn thương mến!
Không biết khi cầm lá thơ này đọc, em có còn nhớ và mường tượng ra anh được nữa không? Anh là Nghiêm đây, người khi còn bé luôn xung phong làm con tuấn mã cho em đóng giả Đinh Bộ Lĩnh trong trò chơi phất cờ lau đánh giặc. Tuổi thơ chúng ta chỉ có mấy năm bên nhau nhưng em đặc biệt luôn luôn hiện diện trong cõi nhớ của anh. Cả bọn con nít chúng ta lúc đó thân thiết như chân với tay. Làm sao có thể quên cái người sau này nghe đồn là đệ tử xuất sắc của một danh kiếm Bắc Hà từng vang bóng một thời, tiếc là chưa có dịp để thẩm định lời đồn.
Nếu vợ anh Bách không phải là chị Xuân, anh tin chắc chúng ta đã gặp lại nhau rồi. Anh và anh Bách em đều yêu một người, nên khi chị ấy chọn anh Bách, ngày cưới anh không thể ở lại quê nhà phải ra đi biền biệt không hẹn ngày về.
Hoàn cảnh gia đình anh, em biết rồi đấy! Bơ vơ côi cút cho nên lúc đó anh nghĩ cũng là cách tốt nhất để anh không phải sống mòn mỏi trong tiếc nuối một tình yêu không thành. Thời gian như bóng câu qua thềm anh ra đi như thế đã gần bảy năm. Anh vào miền nam hiện đang góp sức cho chiến dịch khai thông những con kinh chiến lược. Cách đây mươi hôm, khi đang lênh đênh trên sông Sàigòn, anh tình cờ gặp phu nhân của một vị quan lớn thành Gia Định tên Ngọc Điểm, cũng là ái nữ của quan thượng thư bộ Lễ. Qua phu nhân anh mới biết bác trai và anh Bách đã tử nạn. Tùng ơi! Cho anh được phép chia buồn dù điều này dường như đã quá trễ.
Tùng đã xả tang, đã thay bác trai phục vụ trong triều một thời gian và theo như phu nhân cho biết, em vừa có quyết định từ quan, dự định trong một ngày gần đây sẽ về phụng dưỡng mẹ già nối nghiệp cha ông. Nghe nói chị Xuân và anh Bách có đứa con trai nhỏ phải không?. Nếu vậy tội nghiệp cháu quá!. Anh phải làm sao đây Tùng?
Anh muốn được chia sẻ nỗi buồn với chị Xuân,muốn được che chở cho hai mẹ con Xuân, nhưng nghĩ lại thấy mình thật trơ trẽn vô duyên. Lênh đênh trên sông nước, cùng ngắm sao trời trong khoảnh khắc yên tĩnh ấy, được biết anh từng là bạn thân của gia đình, phu nhân tỉ tê kể lại cho anh nghe tại sao bà bất ngờ rời kinh kỳ xuôi về đây. Khi tâm sự ánh mắt buồn da diết của bà chỉ ánh lên linh động mỗi khi nhắc đến tên em. Phu nhân hình như cũng có nỗi lòng như anh, ra đi rời quê hương bản quán chỉ vì một tình yêu không thành. Sao vậy Tùng? Anh tiếc cho em quá! Ngọc Điểm thật tuyệt! Tùng không đáp lại, có thật vì chữ Hiếu? Nếu vậy ai là người có diễm phúc làm vợ em? Chắc thế nào anh cũng phải quay về để được nhìn thấy tất cả mọi người mới hả dạ. Từ ngày ra đi lòng không nguôi thương nhớ. Nhớ vẩn nhớ vơ, nhớ khói bếp, nhớ mùi lá bàng khô bị cháy, nhớ bánh tẻ, bánh khúc, bánh gai. Ngày làm việc không ngừng nên vẫn hoà mình trong cuộc sống của đất phương nam, nhưng đêm xuống tâm tư lại trông vời đất bắc. Trong này, làng xóm ngăn cách không phải chỉ vỏn vẹn cái cổng làng vài đoạn đường, bờ đê hay bụi tre mà nhiều khi là hàng hàng lớp lớp cỏ cây rậm rạp, thênh thang đầm lầy nước đọng.
Chỉ có những nơi kênh rạch giao nhau như nơi Gia Định này, sinh khí mới rõ nét, cảnh vật khởi sắc nhộn nhịp. Có phải anh đang hoà trong dòng người ra đi mở nước? Không biết nữa, chỉ biết mình đang dấn thân ra phía trước, nhưng luôn luôn quay đầu lại. Lòng sao vẫn chưa dứt nhớ nhung quyến luyến những ngày xưa, khung trời, dòng sông cũ. Có khi đang trôi dạt trên sông nước chợt nghe câu hò mộc mạc chân tình rùng mình ngỡ như đang bơi trên những chiếc thuyền của những mùa hội hè năm xưa, giọng ai bịn rịn đuổi theo không dứt “Bèo giạt mây trôi chốn xa xôi em ơi anh vẫn đợi bèo giạt, Ngậm một tin trông, hai tin đợi ba bốn…tin chờ sao chẳng thấy đâu…thương nhớ…ai sương rơi,… đêm sắp tàn trăng tà, cành tre đưa trước ngõ là gió la đà anh vẫn mong chờ, mỏi mòn đêm thâu em ơi anh vẫn đợi mỏi mòn…”
Ở đây lâu rồi thấm thía nhận ra nguyên cớ tại sao giọng hò miền nam lại đau đáu sầu thương? Đó là dư âm, tiếng lòng thở than của những đoàn người từng xuôi vạn lý. Những lúc đó anh nhớ chị Xuân vô cùng!. Nhớ cháy lòng! Chị là nguyên nhân để anh ra đi cũng có thể mai đây chị lại là nguyên nhân để anh quay về thì sao? Có thể chỉ là ước mơ hão huyền, nhưng lẽ nào mơ cũng không được ư?
Trời đã quá khuya, lá thư này sẽ được phu nhân Ngọc Điểm kèm theo lá thư bà gởi cho cha là quan thượng thư có lẽ sẽ tới triều đình trong một ngày không xa, sẽ được trao tận tay em, phu nhân hứa chắc như vậy! Bà biết em vẫn phục vụ trong triều khoảng một tuần trăng nữa. Hy vọng em sẽ đọc được lá thư này. Mong em phúc đáp. Chúc tất cả gia đình ta và nhất là hai vợ chồng em trăm năm hạnh phúc con cháu đầy đàn. Tạm biệt
Tùng đọc xong lá thư cuộn tròn bằng một sợi chỉ đỏ, cẩn thận bỏ vào tủ khoá lại rồi buông mình xuống ghế đăm chiêu. Mình đã đọc lá thư này nhiều lần. Phải làm sao đây? Có nên đọc cho chị Xuân nghe lúc này không?. Chắc chắn chị sẽ bất ngờ không chấp nhận một sự thay thế nào trong lúc này! Phải từ từ. Nhưng nhất quyết không để cho những biểu hiện kỳ lạ của chị lúc nãy sẽ trở thành tâm bịnh khó trị. Phải có ai đó khoả lấp những trống vắng ẩn ức bên trong để có sự cân bằng trong chị. Mình phải giải bày điều này cho mẹ rõ để mẹ thông cảm nếu không muốn nói là phải nói đỡ cho chị thoải mái không e dè hay mặc cảm tội lỗi. Một goá phụ đang thời xuân sắc lẽ nào không được đi tìm hạnh phúc mới cho riêng mình. Nhưng thôi để đó rồi tính sau! Điều này nếu nói rõ ràng lúc này mẹ và chị ấy chưa sẵn sàng đâu! Anh Nghiêm chắc phải đợi một thời gian nữa!
+++
Bà Chánh đặt cái giỏ mây chất đầy bánh trái lên tấm phản trong bếp rồi kêu:
_Tí ơi! Tí à! Ra đây bà phát lộc cho!
Bốn bề im lặng bà lẩm bẩm “Quái! giờ này sao chẳng có ai trong bếp.”.
Đang ngơ ngác bỗng có tiếng chào:
_A chào bác mới về!
_Ủa My đó hả? Bữa nay đông bệnh nhân hay sao mà con qua sớm thế?
_Dạ con mới qua. Nghe chị Khuyên về réo phải qua ngay! Bác chưa biết gì sao?
_Biết gì?
_Chị Xuân ốm nặng bị ngất.
_Hả? Bà Chánh lắp bắp: “ngất…ngất gì hả?
_Dạ chị ấy ốm nặng ngất hôm qua bên nhà dì Thục, ngoại Tí đưa về rạng sáng, đã tỉnh còn nằm trong phòng đó bác!
_Giời ơi! Con ơi! Biết ngay mà! Không khoẻ nhưng cứ cố gắng ôm việc vào. Làm quá kiệt sức chứ gì đâu!
Vừa rên rỉ bà vừa tất tả lao thẳng tới phòng con dâu. Thấy bà sui gia còn ngồi bà Chánh chào:
_Ôi! Bà Hiền ngoại cu Tí đó à?
Bà Hiền đứng vụt dậy chạy lại níu bà Chánh kể lể. Nhưng bà Chánh không đủ kiên nhẫn tâm trí nghe gì nữa, bà xáp lại gần Xuân đang ngồi trên giường tựa lưng vào tường, ôm chầm lấy nàng hỏi:
_Con tỉnh rồi à? Con đau ra sao hả con? Trời ơi con xanh xao quá! Ăn gì chưa? My!Ra đây bác bảo.
Con My chạy vào hớt hải hỏi:
_Dạ con đây, có gì vậy bác?
_Con ra chợ lùng mua cho được một con gà ác, gà ri đen đó mang về đây bác làm cho chị ấy bồi dưỡng.
Xuân lắc đầu khẽ nói:
_Ấy không sao đâu mẹ! Mẹ đừng nấu gì cho con. Chiều là khoẻ thôi ấy mà!
_Nói vậy mà được à? Nằm đó, tôi không cho phép cô bước xuống đất đâu!
Bà Hiền nhìn cảnh mẹ chồng nàng dâu đề huề cảm động ứa nước mắt,,một cảnh thật hiếm hoi. Bà nắm bàn tay bà Chánh vỗ nhè nhẹ khẽ nói:
_Nội Tí có nhà là tôi yên tâm rồi! Thôi tôi phải về kẻo cháu nó trông. Chút nữa tôi sẽ nhờ dì Thục nhân thể qua thăm con Xuân mang thằng Tí về luôn cho mẹ nó
_À phải rồi! Suýt nữa quên thằng cu Tí. Vậy bà về đi, còn sửa soạn đưa cháu nó qua bên này với mẹ nó chứ! Nó biết mẹ nó đau không mà để yên cho bà khiêng mẹ nó về?
_Tối qua nó ngủ lại bên tôi rất sớm nên đã biết gì đâu!
+++
Sa ngồi im trong phòng nghe ngóng. Bên ngoài tíu tít kẻ qua người lại. Nào là bệnh nhân ra vào, rồi tiếng bà Chánh sang sảng ra lệnh cho mọi người làm việc. Nghe giọng mẹ chồng, Sa nghĩ tốt hơn hết đừng nên ló đầu ra lúc này. Chả ai còn nhớ gì tới mình nữa. Cái bụng rỗng bắt đầu sôi réo lên ùng ục. Đói quá! Có lẽ đã quá trưa rồi còn gì?
Trời ơi! Chị Xuân đau như thế này giờ biết sao đây? Sa hé cửa ló đầu nhìn ra. Trong bếp có nhiều người lố nhố. Chỉ loáng thoáng nhận ra thím Sinh, Khuyên, hai thiếu nữ lăng xăng qua lại và ôi trời có cả Dân nữa kìa. Kiên nhẫn chờ đợi trong phòng rất lâu, nhưng ngại quá chẳng lẽ không làm gì giờ lại xách xác qua xin cơm lúc này?. Đang tần ngần Dân vội bước đến, cười toét miệng, hỏi bâng quơ:
_, Sa làm gì đó? Chị Xuân đau bất ngờ quá! Mới bữa trước gặp bình thường có biểu hiện gì đâu! Đùng một cái lăn ra ốm. Tôi có mang cho chị ấy ít thuốc bổ,uống vô là khoẻ ngay!
Sa hỏi nhỏ:
_ Ở bên đó ăn trưa chưa em?
Dân trố mắt:
_Ăn xong lâu rồi! Ủa tưởng anh Tùng giam lỏng Sa ở đây cũng phải có gì ăn chứ! Ông này sao ác quá vậy? Để tôi nói lão câm lấy cơm cho Sa nhé! Tôi lấy cũng được nhưng sợ bác lại làm toáng lên.
Nói xong Dân hất hàm về phía lão câm đang hốt thuốc vào bao nói như hét:
_Già ơi! Mang cơm cho cô Sa đi chứ! Sao đỏang thế không biết.
Lão câm không trả lời cứ tiếp tục làm việc, lâu lâu lại ném cái nhìn đầy thách thức về phía Sa.
Dân giả vờ bất bình kêu lên:
_Coi kìa! Nhìn bộ dạng lão ta mà bắt ngán, người không ra người!
Thật ra khi thấy cảnh Sa một mình thui thủi có vẻ đói, Dân còn muốn cho nàng điêu đứng đến tột cùng thì mới hy vọng thực hiện được ý đồ của mình nên cũng không nhiệt tình hạch sách lão câm. Chỉ làm bộ thế thôi để lấy lòng người đẹp. Chàng chào Sa, nhưng cứ đủng đỉnh đi qua đi lại miệng huýt sáo khe khẽ chứ không đi hẳn. Mấy bữa nay Dân đã sắp xếp kế hoạch đâu ra đó hết rồi. Hãy đợi đấy! Cuối cùng Dân lại gần Sa hạ thấp giọng thì thào:
_Này Tôi báo cho Sa biết nhé! Đêm tối nếu nghe tiếng thở phì phì ở sau vườn ắt hẳn rắn bò tới nơi rồi đó, nên mở cửa thoát ra, vào phòng nào trống ở dãy nhà gỗ kia mà ngủ tạm với bệnh nhân đừng nán lại lỡ bị rắn cắn là chết như không đó!
Nghe Dân nói những lời đầy cảnh giác khiến Sa sợ, lặng cả người đi lắp bắp:
_Thế…à?
Mới tung ra một đòn đã hiệu quả thế rồi, Dân quay mặt đi giấu nụ cười đắc ý nghĩ thầm, giờ phải mau biến đi kẻo bị nghi ngờ.
+++
Hai hôm nay từ khi chị Xuân đau, Sa để ý thấy bà Chánh, Tùng,thằng Tí không ăn ở bếp. Tất cả đều quây quần trong phòng chị Xuân, dọn cơm ăn cùng với nhau. Khuyên và hai cô em vì thế phụ việc xong cũng về nhà họ. Công việc của lão câm là đem cơm đem thuốc tới phòng bệnh nhân. Sa canh những lúc lão còn bận bịu ở dãy bệnh xá, lén vào bếp lấy cơm, ít thức ăn mang về phòng mình. Tuy nhiên Sa thầm mong chị Xuân sẽ mau đảm đang được công việc bếp núc như thường lệ. Nếu không có mẹ chồng ở nhà, nàng đã vào thăm chị ấy nhưng mẹ đã cấm nàng không được bén mảng ra khu nhà chính, sợ con dâu hư hỏng làm ô uế mọi thứ. Biết vậy chỉ còn cách kiên nhẫn chờ đợi. Lâu lâu nàng vẫn lén nhìn ra ngoài tìm bóng Tùng, vô tình không nhận ra tại sao lại để ý chàng đến vậy?
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên