Số lần đọc/download: 5230 / 83
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Chương 22 - Sóng Ngầm
A
nh Khái Hưng trở lại toà báo. Còn tôi về nhà ở phố Đỗ Hưũ Vị. Suốt đêm ấy, tôi trằn trọc không ngủ. Tình thế khó lường được. Trong thành phố, toàn cờ đỏ sao vàng. Các anh em đã rút vào bí mật, tạm mất liên lạc. Hai hôm sau, ủy ban cách mệnh Nhân Dân thành phố Hà Nội của Việt minh tuyên bố thành lập Việc đầu tiên của họ là đưa ra một số khẩu hiệu về độc lập tự do chống Pháp, bắt các nhà trong Hà Nội đều phải giăng, dán biểu ngữ ủng hộ cách mệnh.
Khái Hưng và tôi trở lại toà soạn làm Việc. Anh em trong toà báo cũng giăng một số biểu ngữ trên đầu đường Quan Thánh về ủng hộ độc lập, tự do chống Pháp. Không khí nói chung có vẻ phấn khởi, vì lúc đó đại đa số không ai nghĩ tới tính chất cộng sản của Việt minh.
Nhưng chúng tôi phải giấu nỗi lo âu. Một chính quyền như thế, chóng chầy cũng sẽ làm khó dễ cho mình, mặc dầu chưa xẩy ra việc công khai đàn áp. Dù có mục tiêu chung về dân tộc độc lập, chúng tôi vẫn cảm thấy khác thường vì từ trước tới nay việt Minh, để bài bác các đảng phái quốc gia, đã gán cho các đảng phái này cái mũ thân Nhật - với tiếng gọi chung là Đại việt thân Nhật, Nhật bản lúc đó là một đế quốc quân phtệt xâm lược, chống với Đồng minh.
Làm cho chúng tôi đỡ lo ngại là niềm hy vọng vào chỗ Đồng minh - đặc biệt là Trung Hoa - sẽ giúp cho phe quốc gia. Quân Trung Hoa sẽ tiến vào Việt nam nay mai để tước khí giới Nhật. Thừa thắng tại Hà Nội, Việt minh liên tục cướp được chính quyền ở hầu hết khắp nơi, mà không gặp những sự kháng cự đáng kể.
Chỉ có tại tỉnh Hà Đông, vị chỉ huy Bảo An Binh là Quản Dưỡng đã ngăn chặn được cuộc biểu tình của Việt minh. Nhưng sau đó, cán bộ Việt minh uy hiếp Tổng Đốc Hà Đông nhường vị, để thành lập ủy ban cách mệnh. Quản Dưỡng bị cô lập trước tình thế, định rút lui khỏi tỉnh lỵ nhưng không may bị Việt minh cản trở và sau bị tống giam và bị xử bắn. Người chiến sĩ kiên cường này đã tỏ ra bất khuất trước bạo ngược.
Ngày 22 tháng 8, anh Lê Khang cùng một số anh em Việt nam quốc dân đảng lên Vĩnh Yên, hợp sức với anh Đỗ Đình Đạo, tranh thủ được Bảo An Binh ủng hộ, đuổi được cán bộ Việt minh ra khỏi tỉnh lỵ lập nên chính quyền quân sự đầu tiên, cùng với tỉnh lỵ Hà Giang - ở khu vực lớn từ Vĩnh Yên lên tới Lào Cai, sau này gọi là Đệ Tam Chiến Khu của quốc dân đảng Việt nam. Trên thực tế, cứ điểm Vĩnh Yên vẫn bị cô lập.
Tại Hà Nội, cộng sản cũng bắt được Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, gán cho tội phản động và thân Nhật, rồi đem thủ tiêu, đồng thời cũng lùa bắt một số lãnh tụ quốc gia khác, nhưng không đạt tới mục đích.
Đồng thời, trên mặt báo cờ giải phóng của Việt minh, đăng lên bài hiệu triệu đoàn kết, nhưng lại khuyên các đảng phái đi lạc đường hãy mau quay về với Tổ Quốc, rõ ràng tỏ ra chỉ có Việt minh mới là đại biểu cho tổ quốc, cho cách mệnh, còn tất cả những đảng phái quốc gia, những người yêu nước không cộng sản là đã đi lạc vào con đường phản bội! Thái độ độc tôn của cộng sản Việt nam đã rõ ràng. Dù muốn đoàn kết dân tộc để chống Pháp, giành độc lập, các đảng phái quốc gia nhất định không thể chấp nhận được những lời lẽ ngang ngược ấy.
Cầm tờ báo trên tay, Khái Hưng, Gia Trí và tôi đưa mắt nhìn nhau, tức giận. Theo thói quen, Khái Hưng hất tay lên, giận dữ nói:
- Bọn chúng huênh hoang quá!
Cả ba đều cảm thấy bối rối, vì chưa thấy chỉ thị ở trên xuống nên đối phó ra sao. Nhưng cũng đều biết rằng nên kiên nhẫn, đợi các anh em ở hải ngoại về để tập hợp lại, và chờ quân Trung Hoa tới tiếp quân, lúc đó sẽ có hành động chung. Bàn luận một hồi, chúng tôi thấy phải đình bản tờ Ngày Nay, vì trong tình thế Việt minh thống trị, không thể viết như mình muốn được. Song nhà xuất bàn và nhà in thì vẫn duy trì, để mấy chục nhân viên còn giữ được sinh kế.
Các anh em trong toà trị sự và ở nhà in, tuy vậy, vẫn tỏ ra bình tĩnh và vẫn làm việc như thường.
Tuy chính phủ Huế lúc đó vẫn còn nguyên vẹn, và nghe nói được quân đội Nhật ngỏ ý ủng hộ, nhưng đứng trước khí thế Việt minh đã lập được ủy Ban cách mệnh tại nhiều nơi, trước một số thanh niên đã biểu tình ngay tại Huế đòi phế bỏ Triều Đình, trước cảnh các triều thần đã bỏ đi gần hết, Bảo Đại đã phải chấp nhận thoái vị.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại trịnh trọng trao quốc ấn, quốc kiếm cho đại biểu của Việt minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Hoàng đế Bảo Đại đã trở thành Công dân Vĩnh Thụy. Thế là kết thúc chế độ quân chủ của hoàng triều nhà Nguyễn!
Không còn một trở lực lớn nào từ Bắc chí Nam, và trước nguy cơ quân Đồng minh sẽ nhập Việt, Việt minh ráo riết và cấp tốc chuẩn bị thành lập một chính phủ lâm thời, với mục đích củng cố quyền lực, có quyền ăn nói đối với quốc tế và đặt Đồng minh dù là Tàu, Mỹ, hay là Anh trước một sự đã rồi. Mấy hôm sau, có tin đồn đội quân Giải Phóng từ Việt Bắc về sẽ tiến vào thành phố. Dân chúng nhiều người hiếu kỳ muốn nhìn rõ những toán quân cách mạng đã từng đánh du kích trên các chiến khu miền rừng núi, đượm một vẻ thần bí. Mà đây có thể gọi là đội quân đầu tiên của người Việt, mặc dầu không thể gọi là mạnh.
Sáng hôm ấy, chúng tôi cũng ra phố đầu Cầu, thì vừa gặp một toán quân từ trên cầu Long Biên đi xuống. Toán này chừng năm chục người, mặc quân phục vàng, quần ngắn, không oai phong lắm nhưng cũng khá chỉnh tề. Xem ra hành quân đã lâu nên ai nấy đều gầy đen, trông có vẻ rắn rỏi. Vũ khí đơn sơ với súng trường và một khẩu súng máy nhẹ. Hồi đó, có một toán quân mấy chục tay súng không phải là dễ dàng.
Báo chí, truyền đơn hô hào dân chúng đi dự lễ tuyên thệ của Chính phủ lâm thời vào ngày 2 tháng 9, tại quảng trường Ba Đình. Hồ Chí Minh - tức Nguyễn ái Quốc, tuyên đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ai cũng biết, bản tuyên ngôn đó dựa trên bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ hai thế kỷ trước đây, với những khẩu hiệu độc lập, bình đẳng, tự do, nhấn mạnh về quyền của con người. Vấn đề là ở chỗ khi đọc tuyên ngôn đó, Hồ Chí Minh đã rầp tâm tiêu diệt tất cả mọi phái đối lập hay bất đồng ý kiến, để tiến tới một chế độ vô sản chuyên chính theo đúng giáo điều Mác Lê và chỉ thị của Stalin với Đệ Tam Quốc tế, cùng tư tưởng Mao Trạch Đông vạch ra trong cuốn Luận chủ nghĩa tân dân chủ.
Sự thực, rất đông người đã đi dự buổi lễ đó, và đã hoan hô chính phủ mới. Trên cơ sở võ trang toàn quốc và cơ sở quần chúng ủng hộ, Việt minh đã tiến được một bước lớn trước khi phải ứng phó với quân Đồng minh tiến vào và quân Pháp chắc chắn sẽ quay trở lại, cùng với sự đe dọa của các phe quốc gia lúc đó nhất định sẽ trỗi dậy chống đối.
Nhiều người quốc gia tin tưởng vào chỗ Việt minh cộng sản tất sẽ không thể đứng vững được sau khi quân Đồng minh tiến vào. Niềm tin tưởng đượm màu vọng ngoại này đã khiến cho họ không cố gắng phát triển tổ chức và vũ trang bản thân, quên mất rằng tuy ngoại viện quan trọng, nhưng yếu tố quyết định vẫn là lực lượng của mình.
Hai nữa, người ta quên rằng đằng sau cộng sản Việt nam có Liên Xô hùng mạnh, một trong những nước chiến thắng, và Trung Cộng, mà ảnh hưởng, lực lượng đã tăng trưởng rất nhanh sau thế chiến.
Một số cán bộ cộng sản Việt nam đã từng được Trung Cộng giúp đỡ và huấn luyện.
Tình hình chung mấy ngày đó, trên bề mặt, tạm thời có vẻ ổn định. Nhưng chẳng bao lâu, những đợt sóng ngầm sẽ nổi lên, đẩy toàn đất nước vào một cơn bão táp chưa từng thấy.