Số lần đọc/download: 4390 / 95
Cập nhật: 2015-11-01 15:46:46 +0700
Tư Bề Người Dưng
T
hơ Ba Mén của Bình Nguyên Lộc, một hôm nhớ lại vài câu khai từ, kẻ bép xép đã trót vui miệng phun ra mấy câu nhảm nhí. 1
Hôm nay bỗng dưng nhớ ra vài câu khai từ nữa; e không khỏi nhảm nhí thêm nữa.
“Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.”
Ba Mén thế đấy: ngồi quán uống chơi một cốc cà-phê, trông thấy mấy chiếc ghe thương hồ từ dưới quê mới lên, tự nhiên muốn khóc. Nhớ quê, nhớ quá. Dân là dân Biên Hòa mà lưu lạc tới tận Sài Gòn, xa lạ ôi xa lạ. Cầm lòng sao đặng? Khóc thôi! Khóc về cảnh ngộ tư bề người dưng.
Cảnh ngộ ông Ba Mén xui nhớ tới cảnh ngộ ông Xuân Hiến ngày nào. Năm 75, thi sĩ Xuân Hiến hớt hơ hớt hải bỏ Sài Gòn bôn tẩu. Bay một mạch tới chỗ thị trấn Tacoma ở tiểu bang Washington, thuộc miền tây bắc nước Hoa Kỳ, được cho tá túc tại một ngôi nhà lạ hoắc (cố nhiên). Vào nhà, ngó trong ngó ngoài, thò đầu ra nhìn phố xá. Nhìn xuôi nhìn ngược một hồi, ông kêu:
“Cúi nhìn con phố bơ vơ,
Đất xa lạ đất, trời ngơ ngác trời.”
Ông Ba Mén, ông Xuân Hiến, hai ông đều đáng thương cả. Giọng nói đều thấm thía chân tình cả. Thảm não quá chừng. Đời sau hẳn phải có thơ. Chẳng hạn thơ rằng:
“Nhất ông Ba Mén
Nhì ông Xuân Hiến
Tha thiết tình quê
Người người biết tiếng.”
Ông Ba Mén ông Xuân Hiến, hai ông cùng nói một điều. Là con người nhất sợ cái lạ. Không gì kinh hãi bằng bị nhích ra khỏi chỗ quen thuộc.
o O o
Ấy vậy mà con người bắt đầu cuộc đời bằng một đối đầu đột ngột với cái lạ.
Mỗi chúng ta thuở mới đến đây là nghìn lần mạo hiểm hơn ông Kha-luân-bố. Từ chỗ không đến chỗ có: tuyệt đối lạ. Ánh sáng mênh mang — món lạ đầu tiên — khiến hoảng hốt. Liền khóc lớn; khóc oa oa, khóc oe oe. Xung quanh, kẻ lạ cười ầm ĩ.
Lớn lên, càng trông càng nghe càng thấy xa lạ. Trời xa lạ, đất xa lạ. Là “dưng” cả. Mặt nước rộng dửng dưng, vòm trời dửng dưng bất động. Núi non xa cách dửng dưng; con kiến con dán gần, bận rộn không ngừng, cũng là kiến dán dưng thôi. Mây trôi dửng dưng, nước chảy dửng dưng... Ai lo phận nấy, đâu có phần đấy. Tư bề đều dưng.
Mỗi chúng ta bơ vơ sợ hãi, quơ quào lạng quạng, túm níu bám bậy bám bạ vào bất cứ món gì trong tầm tay để có một cái gần gũi, tin cậy, để tìm chút an tâm. Kẻ bấu vào bụi chuối sau hè, người gốc tre cuối vườn, kẻ cây đa đầu làng, người níu một chéo áo bà con, một góc mảnh vải gọi là cờ, một sắc da một màu tóc, một thói quen truyền kiếp, một tục lệ, một thành kiến, một sợi tơ một mạng nhện tư tưởng mong manh, một danh từ rỗng tuếch v.v... Lụp chụp bấu víu vội vàng, trượt tay, lại quýnh lên chộp bấu vào món khác. Giành giật nhau, xô đẩy nhau, kêu la chí chóe. Loay hoay mấy chốc, vừa đầy bảy, tám chục năm. Có thể trăm năm. Rồi trượt tay, “đi” luôn.
Đi đâu? Tất nhiên không phải đến một chỗ quen thuộc nào cả. Từ các chốn thiên đường, nát bàn, từ khắp các cõi ba nghìn thế giới, ai nấy tha hồ khóc, khóc rưng rưng, rồi khóc nức khóc nở, nhớ về bụi chuối sau hè, về cây đa đầu làng... Nhớ tha nhớ thiết.
o O o
Mỗi chúng ta trượt tay bám víu, lần lượt ra đi, gửi lại mớ xẩu vùi giấu đâu đó dưới mặt đất. Năm này qua năm khác qua, bên trên mặt đất vẫn tiếp tục:
“Tư bề rầm rập hội người
Tiếng chân xuôi ngược tiếng cười râm ran
Trời xanh gió nhẹ thênh thang...”
Thênh thang cách dửng dưng. Tất cả cùng tiếp diễn một cách dửng dưng.
Nghìn năm sau (năm bảy chục nghìn năm sau nữa cũng nên), có gã đào đất xem đời cổ sơ, gặp chiếc sọ vớ vẩn, bốc lên ngắm nghía: “Ơ hơ! cái này trông lành lặn đa”. Từ thế giới ba nghìn trông xuống, thấy khắp cùng. Ta thấy, và giật mình đánh thót, kêu la rối rít: “Kìa, của tôi đấy. Sọ tôi đấy mà...”
Thoắt cái, đã sà ngay xuống. Trông gần, ta sững sờ. Chiếc sọ với các lỗ hổng, trống hoác trống trơ. Ta nhìn sọ, sọ nhìn ta không một biểu thị. Đôi bên đã hoàn toàn xa lạ. Sọ là sọ “dưng” rồi. Tất nhiên toàn thể mớ xẩu đều thành xẩu dưng luôn, mất hẳn tinh “của tôi” không biết tự lúc nào.
12 – 1998
Chú thích
1 ‘Cô Quì còn không?’ (V.P.)