Con người là tập hợp những nỗ lực của chính mình.

S.Young

 
 
 
 
 
Tác giả: Stendhal
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: La Chartreuse De Parme
Dịch giả: Huỳnh Lý
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1948 / 26
Cập nhật: 2017-04-21 14:46:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
rong ngày hôm đó, Fabrice băn khoăn về vài ý nghĩ nghiêm túc và khó chịu, nhưng càng nghe tiếng chuông báo thời giờ nhích dần đến giây phút hành động, anh càng thấy vui vẻ, nhanh nhẹn. Bà công tước viết thư có cho anh biết là khi ra giữa cảnh gió lộng, anh có thể bất ngờ bị khó chịu và vừa ra khỏi ngục, anh có thể không bước đi được; trong trường hợp đó, thà liều để cho bị bắt lại còn hơn là lao từ trên ngọn một tường thành cao sáu mươi thước xuống. “Nếu ta gặp cái tai họa đó, Fabrice tự nhủ, thì ta sẽ nằm bao lơn ngủ tiếng đồng hồ rồi ta tiếp tục; bởi vì ta thề với Clélia rồi, cho nên thà rơi từ trên đầu lũy xuống, cao bao nhiêu cũng mặc, còn hơn là cứ phải ngẫm nghĩ mãi về cái vị bánh mì mà ta ăn. Bị đầu độc thì sắp chết, còn có những đau đớn gớm ghê nào mà con người không phải chịu? Fabio Conti không kiểu cách rởm đâu, hắn sẽ cho ta xơi chính cái thứ thạch tín mà hắn dùng để đánh bả chuột trong thành hắn”.
Vào nửa đêm, một đám sương mù loại dày đặc biệt và trắng, mà sông Pô đôi khi phủ lên hai bờ của nó, trải thảm trên thành phố rồi lan đến sân thượng và các công sự vây quanh tháp lớn của ngục thành. Fabrice cho là từ trên bao lơn, người ta không thể nhìn thấy những cây keo nhỏ ở khu vực các mảnh vườn do bọn lính lập dưới chân bức tường thành cao ba mươi sáu sải. Anh nghĩ thầm: “Tuyệt diệu!”
Quá mười hai giờ rưỡi một tí, ám hiệu cây đèn con xuất hiện ở cửa sổ chuồng chim, Fabrice đã sẵn sàng hành động. Anh làm dấu thánh giá, rồi buộc vào thành giường cái dây dùng để leo khoảng cách bảy sải từ cửa sổ xuống sân thượng. Không gặp trở ngại gì, anh xuống đến mái bót gác có hai trăm lính mới đóng từ hôm trước, mà chúng tôi đã nói. Khốn khổ thay đến mười hai giờ bốn lăm, bọn lính vẫn chưa ngủ. Trong khi anh đi rón rén trên mái nhà lợp ngói phỗng ruột. Fabrice nghe chúng nói với nhau là quỉ đang đi trên mái nhà, phải lấy súng thử bắn một phát giết nó. Một vài giọng nói khác bảo ước như vậy là không kính Chúa, mấy người nữa nói nếu bắn một phát súng mà không giết được gì cả, thì quan trấn thủ sẽ bỏ tù cả lũ vì tội cả lũ báo động toàn đội. Cuộc tranh luận hay ho đó làm cho Fabrice cố đi nhanh và càng gây tiếng động mạnh hơn. Khi đu lủng lẳng trên dây và tụt qua trước các cửa sổ bót gác, anh thấy các cửa này lỏm chởm những mũi lê, nhưng cũng may vì mái nhà nhô ra nhiều nên anh cách cửa trên một thước rưỡi. Một đôi người thuật chuyện bảo Fabrice điên rồ, đã ném cho bọn lính một nắm sequins. Điều chắc chắn là anh đã rải nhiều đồng sequins trên sàn buồng anh và cũng có vứt một số khác trên sân thượng, trong khi đi từ tháp Farnèse đến bao lơn, may chăng làm xao nhãng bọn lính nếu chúng đuổi theo.
Xuống đến sân thượng, anh thấy mình ở giữa nhiều lính gác, những người này bình thường cứ mươi lăm phút thì hét trọn một câu: Tình hình quanh vị trí tôi đều tốt cả; anh lần đến bao lơn phía tây và tìm tảng đá mới.
Điều có vẻ khó tin và có thể khiến người ta nghi ngờ sự việc nếu như không được cả một thành phố chứng kiến kết quả, đó là việc những người lính đứng gác dọc theo bao lơn không trông thấy và không tóm được Fabrice. Đúng là đám sương mù mà chúng tôi có nói đến đã bắt đầu dâng lên, Fabrice về sau nói khi anh đứng ở sân thượng, anh thấy hình như nó đã lên đến nửa thân tháp Farnèse. Tuy nhiên màn sương ở đây mỏng, anh vẫn nhìn thấy rõ ràng mấy người lính gác đi lại. Anh nói thêm là như có một sức mạnh dị thường thúc đẩy, anh cả gan đến đứng giữa hai tên lính gác gần nhau. Anh bình tĩnh tháo cuộn dây lớn quấn quanh người và làm rơi nó hai lần, phải mất nhiều thì giờ mới gỡ rối và đặt nó trên bao lơn được. Anh nghe lính nói chuyên rầm rì tứ phía, bụng quyết đâm chết đứa nào xông tới anh. “Tôi chẳng luống cuống tí nào, anh nói tiếp. Tôi cảm thấy như mình đang thực hiện một nghi lễ”.
Cuối cùng anh buộc cái dây đã được gỡ rối vào một cái lỗ khoét ở bao lơn để thoát nước; anh leo lên bao lơn và nhiệt thành cầu nguyện. Rồi như một anh hùng thời hiệp sĩ, anh nghĩ đến Clélia một lát. Anh thầm nghĩ: “Mình đã khác biết bao với cái anh chàng Fabrice trai lơ và phóng túng khi vào chỗ này chín tháng trước đây!”. Rồi anh bắt đầu tụt từ độ cao lạ lùng ấy xuống. Anh kể là mình hành động như một cái máy, không khác gì leo dây giữa ban ngày trong một vụ đánh cuộc với bạn hữu. Đến quãng giữa, thình lình anh thấy đôi cánh tay rã rời, mất hết sức; anh nhớ như có buông dây ra một thoáng nhưng rồi nắm lại ngay. Có lẽ anh đã níu các bụi cây khi leo dọc theo các bụi đó và nó làm anh xây sát. Từng lúc anh thấy đau nhói giữa hai vai, đau đến nỗi không thở được. Anh bị đu đưa một cách quá khó chịu, cứ từ cái dây bị đưa chập vào các bụi cây. Nhiều con chim khá lớn và chạm vào người anh. Mấy lượt đầu, anh ngỡ là bị đánh trúng bởi những kẻ từ trên thành leo xuống, đi theo đường dây của anh để đuổi bắt anh và anh chuẩn bị chống cự. Cuối cùng anh xuống đến chân tháp lớn không bị tai nạn gì khác ngoài đôi chân tay đẫm máu. Anh thuật lại rằng từ đoạn giữa tháp, cái lũy của tháp rất có ích cho anh. Anh cọ sát tường trong khi tụt xuống và cây cỏ mọc trong kẹt đá giữ anh lại được nhiều lắm. Khi xuống thấp, giữa các khu vườn lính, anh va phải một cây keo, ở trên trông xuống thì ngỡ chỉ cao trên dưới một thước rưỡi không ngờ lại cao năm sáu thước. Một tên say rượu ngủ ở đó tưởng có kẻ trộm. Rơi từ trên cây xuống, tay anh gần trật khớp xương. Anh toan chạy đến lũy ngoài, nhưng theo anh nói, thì anh cảm thấy chân nhẹ như bấc, anh hoàn toàn không còn chút sức lực nào nữa. Dù rất nguy hiểm, anh vẫn phải ngồi xuống và uống chút rượu mạnh còn thừa. Anh thiếp đi trong mấy phút, không còn biết mình đang ở đâu; khi tỉnh lại, anh không hiểu làm sao mình ở trong buồng lại nhìn thấy cây cối.
Nhưng rồi thực tế khủng khiếp cũng trở về với anh và anh đi đến lũy tức khắc. Anh leo lên bờ lũy qua một thang gấp cao rộng. Anh lính gác ở đó đang ngáy trong chòi canh. Anh thấy có một cỗ đại bác nằm vật trên cỏ; anh buộc cái dây thứ ba vào đó, dây ấy hụt mất một ít, cho nên anh rơi vào một cái hố lầy lội có khoảng ba tấc nước. Trong khi anh đứng lên và cố tìm hiểu mình đang ở đâu thì thấy có hai người ôm choàng lấy mình: Anh thoáng sợ. Nhưng rồi anh liền nghe có tiếng thầm thì bên tai; “Chao ôi! Ông lớn! Ông lớn! Ông lớn!” Anh lờ mờ hiểu rằng đó là người của nữ công tước. Anh lịm đi tức khắc. Giây lát sau anh cảm thấy có người khiêng anh đi, nhưng người ấy đi nhanh và lặng lẽ. Rồi người ta đứng lại, khiến anh lo ngại. Nhưng anh mệt lắm, không thể mở miệng nói gì, cũng không thể mở mắt; anh cảm thấy có người ôm siết anh; đột nhiên anh nhận ra mùi nước hoa của nữ công tước. Mùi thơm ấy khiến cho anh hồi tỉnh. Anh mở mắt và nói được mấy tiếng: “Chao ôi! Cô yêu mến ơi!” rồi anh lại ngất, và mê man.
Anh Bruno trung thành, với một toán cảnh vệ tâm phúc của bá tước, là lực lượng hậu bị phục vụ ở cách đó hai trăm bước. Bản thân bá tước cũng nấp ở trong một ngôi nhà nhỏ rất gần nơi nữ công tước chờ đợi. Ông sẵn sàng tuốt gươm khi cần, cùng với mấy sĩ quan bán bổng[107], bạn thân của ông. Ông tự cho là có bổn phận phải cứu sinh mệnh Fabrice đang bị uy hiếp nặng nề, bởi vì hẳn hoàng thân đã ký lệnh ân xá Fabrice nếu ông không dại dột muốn tránh cho vương thượng một điều dại dột[108] viết lên giấy tờ.
Từ nửa đêm, nữ công tước cứ im lặng đi thơ thẩn trước các bờ lũy của ngục thành, quanh mình có một toán người đầy đủ vũ khí. Bà không thể đứng yên một chỗ, bà cho là tất phải chiến đấu để giành giật Fabrice với những kẻ đuổi bắt anh. Con người có trí tưởng tượng nóng bỏng ấy đã bố trí hàng trăm phương sách đề phòng, liều lĩnh một cách không ngờ, mà kể rõ ra cho hết thì dài quá. Tính ra có đến tám mươi thủ hạ được huy động đêm ấy và chỉ chực chiến đấu vì một mục đích họ đoán là khác thường. May sao, chính Ferrante và Ludovic cầm đầu những người ấy, và ông bộ trưởng công an không chống lại. Tuy nhiên ngay bá tước cũng nhận thấy rằng không ai phản bội nữ công tước cả và chính ông cũng không báo cáo gì ở vị trí thủ trưởng.
Công tước phu nhân loạn óc thực sự khi được gặp lại Fabrice. Bà ôm siết anh dữ dội, rồi đâm hốt hoảng khi thấy áo mình đẫm máu, đó là máu ở hai bàn tay Fabrice; bà tưởng anh bị thương nguy kịch. Nhờ một thủ hạ giúp sức, bà cởi áo cho anh để băng bó may sao Ludovic cũng ở đó. Ludovic bức bách phu nhân và Fabrice lên một trong những chiếc xe con giấu ở khu vườn gần cổng thành. Thế là người đánh xe cho ngựa sải nước đại để chạy đến gần Sacca mà vượt sông Pô, Ferrante cùng với hai người vũ trang cẩn thận, làm đội hậu tập, và anh lấy đầu anh cam kết là sẽ chặn được bọn truy đuổi. Bá tước một mình đi bộ và chỉ rời bỏ ngục thành hai tiếng đồng hồ sau đó, khi ông thấy tất cả đều yên tĩnh. Ngây ngất vì sung sướng, ông tự nhủ: “Thế là ta mắc tội nặng nhất: Tội bất trung!”
Ludovic có sáng kiến tuyệt diệu đặt ngồi trong một cỗ xe một y sĩ phẫu thuật trẻ phục vụ nhà bà công tước, viên y sĩ ấy có dáng dấp khá giống Fabrice. Anh bảo viên y sĩ:
— Anh hãy chạy về hướng Bologne. Phải rất vụng về, phải làm sao cho người ta tóm anh. Bị tóm thì anh phải tỏ ra bối rối trong những câu trả lời khi bị người ta xét hỏi, và cuối cùng hãy thú nhận anh là Fabrice Del Dongo. Cốt nhất phải kéo dài thì giờ. Hãy khéo léo làm ra vẻ vụng về, rồi ra anh sẽ phải ngồi tù chỉ một tháng thôi, mà công tước phu nhân sẽ biếu anh năm mươi sequins.
— Giúp đỡ phu nhân thì ai mà nghĩ đến tiền bạc?
Viên y sĩ ra đi và mấy tiếng đồng hồ sau đó thì bị bắt, khiến cho tướng Conti và quan chánh án Rassi vui sướng hể hả đến buồn cười; về phần Rassi thì nếu Fabrice thoát khỏi vòng nguy hiểm cái tước nam của hắn cũng sổng nốt.
Đến sáu giờ sáng, người trong thành mới hay biết việc Fabrice vượt ngục và cho đến mười giờ, người ta mới dám tâu bẩm với quận vương. Mặc dù Fabrice ngủ mê mệt khiến nữ công tước tưởng cơn bất tỉnh này sẽ đưa đến chỗ chết, và bắt dừng xe đến ba lần, đến bốn giờ sáng họ vẫn vượt sông Pô được bằng thuyền, bởi vì những thủ hạ của bà phục vụ hết sức đắc lực. Ở tả ngạn có những trạm nghỉ chân, họ vượt hai dặm dường nữa với tốc độ cực kỳ nhanh, rồi buộc phải dừng lại hơn một tiếng để nhà chức trách kiểm tra hộ chiếu. Bà công tước có đủ thứ cho bà và Fabrice. Nhưng hôm đó bà như người dở hơi, bà nảy ý biếu viên thư lại trạm công an nước Áo mười đồng Napoléon và giàn giụa nước mắt cầm tay hắn, viên thư lại đâm lo sợ, soát xét giấy tờ lại lần nữa. Rồi đoàn đi xe trạm. Phu nhân chỉ sinh nghi ngờ ở cái xứ này mà người xa lạ nào cũng bị tình nghi cả. Ludovic lại phải giải cứu cho bà; anh nói công tước phu nhân lo buồn đến rối trí vì cơn sốt miên man của bá tước Mosca công tử con của quan thủ tướng công quốc Parme mà bà đưa đi Paris để các thầy thuốc ở đó khám và điều trị.
Cách sông Pô đến mười lăm dặm, Fabrice mới tỉnh hẳn; anh bị trật khớp một vai và mang nhiều vết sây sát; phu nhân vẫn còn làm những điều kỳ quái khiến ông chủ quán ở một làng mà họ ghé ăn cơm lầm tưởng mình được tiếp một vương phi trong hoàng tộc; anh ta sẽ sửa bày nghi lễ để chào mừng bà thì Ludovic nói vương phi chắc chắn sẽ bỏ tù anh ta nếu anh ta cho rung chuông.
Rốt cuộc, vào khoảng sáu giờ chiều, họ đi vào địa phận xứ Piémontais. Đến đây Fabrice mới thực sự an toàn. Người ta dẫn anh đến một thôn nhỏ ở xa đường cái, người ta băng bó hai bàn tay anh và anh ngủ thêm mấy tiếng đồng hồ nửa.
Ở cái làng nhỏ này, công tước phu nhân đã làm một việc không những gớm ghiếc về mặt đạo lý, mà còn có phương hại lớn cho cảnh yên tĩnh trong cuộc đời còn lại của bà. Vài tuần trước ngày Fabrice vượt ngục, dân chúng khắp thành Parme kéo đến cổng thành để cố xem cái đoạn đầu đài người ta dựng trong sân ngục thành. Hôm đó bà công tước đã chỉ cho Ludovic xem, anh này đã trở thành như người quản gia của bà, điều bí mật của bể nước nổi tiếng ở lâu đài Sanseverina, một công trình thế kỷ XIII mà chúng tôi đã nói tới; điều bí mật đó là cách bẩy một hòn đá ở đáy bể ra khỏi cái khung sắt của một thôn nhỏ ấy, bà công tước cho gọi Ludovic đến; anh này tưởng bà hóa điên vì bà nhìn anh với đôi mắt kỳ lạ quá. Bà nói:
— “Chắc anh tưởng tôi sắp biếu anh mấy nghìn francs? Ấy không đầu! Tôi biết anh, anh là một thi sĩ, anh sẽ ngốn hết số tiền ấy ngay. Tôi tặng anh cái điền trang Ricciarda nhỏ ở cách Casal Maggiore một dặm đường”. Ngây dại vì sung sướng. Ludovic quì xuống dưới chân nữ công tước dùng tiếng lòng tha thiết bảo rằng anh góp sức cứu đức cha Fabrice quyết không phải vì tiền; anh có lòng trìu mến đặc biệt đối với Fabrice kể từ khi anh có vinh hạnh là người đánh xe thứ ba của bà lớn.
Khi con người có lòng hiệp nghĩa đó tưởng mình đã bắt một bà lớn cao sang như vậy quan tâm vừa đủ thì anh xin cáo từ; nhưng với đôi mắt sáng rực, phu nhân phán:
— Ở đây đã.
Bà không nói gì, chỉ đi lại trong buồng quán, thỉnh thoảng nhìn Ludovic với đôi mắt lạ lùng. Thấy việc đi bách bộ của phu nhân kéo dài bất tận, cuối cùng anh đành phải lên tiếng:
— Bà lớn đã cho con một món quà quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của một kè hèn mọn, vượt quá xa những công sức nhỏ mọn con được vinh dự bỏ ra để giúp bà lớn, cho nên con chân thành cảm thấy không nên nhận điền trang Ricciarda kia. Con hân hạnh xin hoàn lại cho bà lớn và chỉ cầu xin bà lớn cho con một món trợ cấp bốn trăm frăng.
— Trong đời anh có mấy lần, nữ công tước nói với vẻ kiêu kỳ hết sức u uất, có mấy lần nghe nói tôi từ bỏ một dự định tôi đã một lần tuyên bố?
Nói xong câu ấy, nữ công tước lại đi bách bộ tiếp mấy phút nữa. Rồi đột ngột dừng lại, bà kêu lên:
— Vì ngẫu nhiên và vì nó biết làm cho cô bé đó yêu thích cho nên nó mới được cứu sống! Nếu nó không đáng yêu thì nó chết rồi. Anh có thể chối cãi điều đó không? Nữ công tước vừa nói vừa xông đến Ludovic với đôi mắt rực lửa giận hờn. Ludovic lùi mấy bước và tưởng phu nhân phát điên, điều này làm anh lo sốt vó về quyền sở hữu điền trang Ricciarda.
— Này! Ta muốn - nữ công tước nói tiếp với giọng hiền dịu vui vẻ nhất, hoàn toàn khác trước - ta muốn cho những người lương dân thân mến của ta ở Sacca được hưởng một ngày vui say mà họ sẽ nhớ mãi. Anh hãy trở về Sacca đi, nào anh thấy có trở ngại gì không? Anh có gặp nguy biến gì không?
— Không gì đáng kể, thưa phu nhân. Không bao giờ có người dân Sacca nào lại thóc mách rằng con đã đi với đức cha Fabrice. Vả lại con mạo muội xin thưa với bà lớn là con rất suốt ruột muốn xem thử cái đất Ricciarda của con đó nó như thế nào, con thấy làm nghiệp chủ cũng hay hay thế nào ấy!
— Cái vui của anh tôi thích. Tá chủ đất Ricciarda, tôi nhớ như còn thiếu tôi ba hay bốn năm lợi tức, tôi cho nó một nửa khoản nợ đó, còn nửa kia tôi biếu anh với điều kiện này: Anh đến Sacca, anh bảo ngày kia là ngày lễ của một bà thánh đỡ đầu tôi và tối hôm anh về đến đó, anh cho kết đèn làm thành đêm hoa đăng lộng lẫy nhất ở lâu đài tôi. Đừng dè xẻn tiền bạc và công sức, hãy nghĩ đây là hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi. Tôi đã chuẩn bị cho đêm hội hoa đăng này từ lâu; từ ba tháng nay, tôi đã cho chứa chất ở tầng hầm lâu đài những gì cần thiết cho ngày hội cao quí này; tôi đã cho người coi vườn nhận giữ tất cả những pháo hoa cần dùng cho đêm pháo hoa rực rõ; anh hãy cho đốt ở sân thượng nhìn ra sông Pô. Tôi có tám mươi chín thùng rượu vang trong các hầm rượu, anh cho đặt tám mươi chín vòi rượu ở vườn hoa. Nếu ngày hôm sau mà còn sót một chai rượu chưa uống thì tôi sẽ bảo là anh không yêu Fabrice. Khi các vòi rượu, đêm hoa đăng và pháo hoa đã có đà sôi nổi rồi thì anh hãy cẩn thận chuồn đi, và có thể - và tôi hy vọng như thế! - có thể là Parme, người ta cho những việc đẹp đẽ này là một hành vi hỗn láo.
— Đâu chỉ phải là có thể, mà là chắc chắn như vậy. Cũng như chắc chẳn là tên chánh án Rassi, tên đã ký bản án đức cha Fabrice, tên đó sẽ uất lên mà chết. Và có lẽ - Ludovic rụt rè nói tiếp - nếu bà lớn muốn cho người đầy tớ tội nghiệp của bà lớn thích chỉ hơn là cho nó một nửa khoản tô nợ ở đất Ricciarda, thì bà lớn cho phép nó bày trò đùa với ngài Rassi tí chút…
— Anh là một người tốt! Nữ công tước bồng bột kêu. Nhưng tôi cấm anh không được động đến Rassi. Tôi dự định làm cho nó bị treo cổ công khai sau này. Còn anh thì cố tránh đừng để cho bị tóm ở Sacca, tôi mất anh thì không còn vui vẻ gì được nữa.
— Thưa phu nhân, con ấy à? Khi con đã nói là con tổ chức lễ mừng một bà thánh đỡ đầu cho phu nhân thì dù cho sở cảnh sát phái đến ba mươi sen đầm để quấy phá tí chút gì đó thôi, xin bà lớn cứ tin rằng trước khi chúng đến cây thập tự đỏ ở giữa làng, đã không còn một mống nào ngồi trên lưng ngựa. Ấy cái thứ dân ở Sacca họ không phải là trẻ quệt mũi tay áo dễ khinh nhờn đâu, tất cả đều là những tay chở hàng lậu thành thạo và đều sùng bái phu nhân.
— Và cuối cùng, nữ công nương nói tiếp với vẻ thanh thản lạ lùng, trong khi tôi ban rượu vang cho những người dân Sacca quí hóa của tôi thì tôi dâng nước cho ngập lụt những người ở Parme. Ngay tối hôm lầu của tôi chăng đèn sáng rực thì anh hãy bắt con ngựa hay nhất trong chuồng ngựa của tôi, anh phi về lâu đài Sanseverina và anh tháo bể nước.
— Chao ôi! Sáng kiến của bà lớn thật là tuyệt diệu! Ludovic thét lên và cười như điên, rượu vang cho những người dân Sacca quí hóa, nước cho bọn thị dân Parme, chúng đã chắc mẩm quân khốn khiếp, là ông lớn Fabrice sắp bị đầu độc chết như ông L. tội nghiệp kia.
Sự hể hả của Ludovic kéo dài bất tận; bà công tước nhìn cảnh anh cười như điên như dại mà lấy làm thú vị; anh luôn mồm lặp: Rượu cho dân Sacca, nước cho bọn Parme! Chắc bà lớn biết rõ hơn con là khi người ta vô ý tháo nước trong bể, cách đây khoảng hai mươi năm, ở nhiều đường phố Parme nước ngập đến hơn ba tấc”.
— Và nước cho bọn ở Parme, nữ công tước cười đáp. Công viên ở trước ngục thành hẳn là đầy ắp người nếu là người ta cắt cổ Fabrice… Ai cũng gọi nó là tên tội phạm lớn… Tuy nhiên, phải làm cái việc đó cho thật khéo nhé, làm sao cho không có một người nào ở dương gian biết là trận lụt ấy do anh làm ra cũng như do tôi ra lệnh. Fabrice, cả bá tước nữa cũng phải mù tịt về cái trò đùa rồ dại này… Nhưng tôi quên mất những người nghèo khổ ở Sacca. Anh tìm chỗ viết một bức thư cho người giúp việc của tôi, rồi đưa tôi ký; anh viết là nhân ngày lễ nữ thánh đỡ đầu của tôi, hắn hãy phát một trăm sequins cho những người nghèo ở Sacca và hắn phải nhất nhất làm theo lời anh về khoản mắc đèn, đốt pháo hoa và ban rượu, là ngày hôm sau phải không còn một chai rượu đầy nào trong hầm nhà của tôi.
— Người giúp việc của bà lớn sẽ chỉ lúng túng về một điều, là tự khi bà lớn có cái lâu đài này trong năm năm nay, bà lớn không để cho còn đến mười kẻ nghèo ở Sacca.
— Và nước cho bọn ở Parme! Nữ công tước hát câu đó. Anh thực hiện trò đùa này thế nào cơ?
— Kế hoạch của con đã vạch dứt khoát rồi, con khởi hành từ Sacca lúc chín giờ, đến mười giờ rưỡi, ngựa con sẽ tới quán Trois Ganaches, trên đường đi Casal Maggiore và đi đến điền trang Ricciarda của con. Mười một giờ, con đã ở trong buồng của con tại lâu đài, và mười một giờ mười lăm thì nước cho bọn ở Parme, nước tha hồ, nước nhiều hơn là chúng muốn để chúng uống mừng sức khỏe của tên tội phạm lớn! Mười phút sau, con rút ra khỏi thành phố theo con đường đi Bologne. Đi qua trước ngục thành, con cúi rạp xuống đất vái cái ngục thành mang nhục bởi lòng dũng cảm của đức cha Fabrice và trí thông minh của bà lớn. Con đi theo một lối nhỏ qua đồng - lối này con thuộc làu - và con đột nhập đất Ricciarda.
Ludovic ngước nhìn bà công tước và đâm hoảng, bà nhìn trực thị bức tường trần trụi ở cách bà sáu bước và phải nhận là mắt bà rất ghê gớm. “Chao ôi! Cái điền trang tội nghiệp của ta nguy rồi! Ludovic nghĩ thầm. Quả là bà công tước phát điên rồi!”. Nữ công tước quay nhìn anh và đoán được ý nghĩ của anh.
— Ái chà! Ngài Ludovic đại thi gia, ngài muốn có một văn tự trao tặng thì hãy chạy tìm cho tôi một tờ giấy. Ludovic không đợi lặp lại lệnh ấy, và bà công tước tự tay viết một văn tự dài, đề ngày trước một năm, Qua văn tự đó, bà nhận có vay của Ludovic San Micheli số tiền tám vạn quan và thế chấp cho anh ta đất Ricciarda, nếu qua mười hai tháng tròn mà nữ công tước chưa trả số tiền tám vạn quan nói trên cho Ludovic, thì đất Ricciarda thuộc quyền sở hữu của anh ta. Nữ công tước thầm nghĩ: “Cho một người đầy tớ trung thành xuýt xoát một phần ba khoản còn lại của bản thân ta cũng là một cử chỉ đẹp”.
— Này, nữ công tước nói với Ludovic, sau trò đùa tháo bể nước, ta chỉ cho anh hai ngày thôi để xả hơi ở Casal Maggiore. Để cho việc nhường bán này có hiệu lực hãy nói vụ này đã được thỏa thuận một năm về trước. Khi anh trở về thì hãy đến Belgirate tìm tôi, không được chần chờ. Có lẽ Fabrice sẽ sang nước Anh và anh sẽ đi theo anh ta.
Sáng sớm hôm sau, nữ công tước cùng Fabrice đã ở Belgirate.
Họ tổ chức trú ngụ ở thôn thần tiên ấy. Tuy nhiên một nỗi phiền muộn điếng người đang chờ đợi nữ công tước ở trên bờ hồ xinh đẹp, Fabrice đã hoàn toàn thay đổi. Vượt ngục ra, anh ngủ một giấc li bì và ngay những phút đầu tiên sau khi anh tỉnh giấc, công nương phu nhân đã nhận thấy ở anh có một cái gì đó khác thường. Nỗi xúc cảm sâu xa mà anh che giấu rất cẩn thận đó cũng khá kỳ quặc, anh thất vọng vì được ra tù. Anh giữ kín không nói lý do vì sao anh buồn, nếu nói ra thì nó sẽ đưa đến những câu hỏi mà anh không muốn trả lời. Nữ công tước lấy làm lạ, nói với anh:
— Nhưng mà thế nào chứ? Khi đói quá, anh buộc phải ăn, để cho khỏi lả, một món đáng ghét do nhà tù nấu, cái cảm giác ghê tởm, cái cảm giác: Món này có mùi vị khác thường; có phải ta đang ngộ độc chăng, cái cảm giác ấy không làm cho anh kinh tởm hay sao?
— Cháu nghĩ đến cái chết, Fabrice đáp, cũng như những người lính nghĩ, cháu đoán thế, đó là một điều có thể xảy đến mà ta có thể tránh được do sự khôn khéo của mình.
Bà công tước lo ngại, đau buồn không biết bao nhiêu. Con người thân yêu, nhanh nhẹn, hăng say, độc đáo, khác thường đó bây giờ sống trong mơ mộng, xa xôi dưới mắt bà, anh ta còn muốn sống hiu quạnh lẻ loi hơn là nói chuyện, với người bạn gái thân nhất trên đời, nói đủ thứ chuyện một cách thực thà, cởi mở như ngày xưa. Anh vẫn ân cần, chu đáo đầy lòng biết ơn đối với nữ công tước; anh vẫn như xưa, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì bà, nhưng hồn anh để ở đâu ấy! Nhiều khi họ đi chơi với nhau bốn năm dặm trên cái hồ tuyệt vời ấy mà không nói với nhau một lời. Ngày nay họ có thể chuyện vãn, nghĩa là trao đổi ý kiến với nhau một cách lạnh lùng, điều mà người khác có thể cho là thú vị; nhưng họ - nhất là bà công tước thì còn nhớ cách họ trò chuyện với nhau ngày xưa, trước khi xảy ra việc đánh nhau với tên Giletti, việc này đã chia rẽ họ. Fabrice vẫn nợ bà công tước cái lịch sử chín tháng ngồi trong một nhà tù khủng khiếp, nhưng sao hễ nói đến chuyện đó thì anh chỉ có những lời vắn tắt, dở dang.
“Việc này sớm hay muộn gì rồi cũng xảy ra thôi bà công tước tự nhủ với một nỗi buồn rầu u uất. Hoặc ta vì buồn người mà già đi hoặc Fabrice đã yêu thực sự và ta chỉ còn chiếm vị trí thứ hai trong lòng nó”. Niềm sầu não lớn lao nhất đó khiến bà hèn kém đi và kinh hoàng, và một đôi khi bà tự nhủ: “Giá trời khiến, Fabrice điên loạn hoàn toàn hoặc là thiếu đảm lực thì có lẽ ngày nay ta ít khổ hơn”. Từ lúc này, niềm ân hận nửa vời đó làm thương tổn nặng nề sự tự tin của nữ công tước về nhân cách của mình. Bà cay đắng nghĩ thầm: “Thế là ta hối hận về một điều ta đã quyết định, ta không phải là một phụ nữ dòng Del Dongo nữa rồi!”
”Trời đã định vậy, bà nghĩ tiếp, Fabrice yêu, và ta có quyền gì mà muốn cho nó không yêu? Đã có một lời yêu đương thực sự nào được trao đổi giữa hai chúng ta đâu?”
Cái lý lẽ phải chăng đó làm cho bà thao thức mất ngủ. Và cái điều chứng tỏ tuổi già và sự sút kém về tinh thần đã đến với bà cùng với triển vọng một cuộc báo thù bất hủ, là ở Belgirate bà đau khổ gấp trăm lần ở Parme. Còn về con người đã gây ra sự mơ mộng lạ lùng của Fabrice thì còn nghi ngờ gì nữa, mọi nghi ngờ đều phi lý; Clélia, cô gái hiếu hạnh ấy phản lại cha bởi cô đã nhận lời phục rượu cho lính say, thế mà Fabrice lại không bao giờ nói đến Clélia cả! “Nhưng mà, nữ công tước thất vọng đấm ngực nói, nhưng mà nếu lính đồn không bị phục rượu say, thì tất cả những sáng kiến, những lo toan của ta đều trở thành vô dụng; như vậy là chính nàng đã cứu nó!”
Phải khó khăn hết sức, bà công tước mới buộc được Fabrice kể cho mình nghe chi tiết những sự việc trong đêm ấy; bà thầm nghĩ: “Giá như ngày xưa thì cái đêm ấy đã là đầu đề của một câu chuyện cứ được nhắc đi nhắc lại mãi giữa hai chúng ta! Ở thời hạnh phúc đó, về một điều vu vơ nhỏ nhặt nào mà ta đưa ra, Fabrice cũng nói thao thao cả ngày với một sự nồng nhiệt và một niềm vui thích luôn luôn tái diễn”.
Vì phải đề phòng mọi bất trắc, nữ công tước xếp đặt cho Fabrice ở bến cảng Locarno, một thành phố Thụy Sĩ ở cuối hồ Majeur. Ngày nào phu nhân cũng đi thuyền đến chỗ Fabrice cùng đi chơi lâu trên hồ. Có một lần bà nảy ý lên buồng Fabrice thì thấy buồng treo đầy những tranh phong cảnh Parme mà anh sai mua từ Milan, cả từ Parme về, Parme, cái nơi đáng lẽ anh phải căm ghét lắm. Phòng khách con của anh biến thành xưởng họa, ngổn ngang những đồ lề dụng cụ của một họa sĩ vẽ tranh màu, còn anh thì bà bắt gặp đang hoàn thành bức tranh thứ ba về tháp Farnèse và lầu quan trấn thủ. Bà công tước bực tức bảo Fabrice:
— Anh chỉ còn thiếu cái điều vẽ theo trí nhớ chân dung quan trấn thủ đáng yêu chỉ muốn đầu độc anh mà thôi! Nhưng tôi nghĩ ra rồi, nữ công tước nói tiếp, anh cần viết cho ngài một bức thư xin lỗi đã dám tự tiện trốn đi, và làm cho ngục thành mang tiếng xấu.
Người phụ nữ đáng thương kia đâu có ngờ mình nói trúng đến như vậy; vừa đến nơi an toàn, việc Fabrice lo làm trước hết là viết cho tướng Fabio Conti một bức thư hết sức lễ phép và cũng có thể nói là lố bịch, anh xin lỗi ông ta về việc mình đã vượt ngục, và anh tự thanh minh là vì tin có một tên cấp dưới trong nhà lao đã được giao nhiệm vụ đầu độc anh. Viết gì cũng được, anh chẳng cần, anh chỉ hy vọng được Clélia nhìn thấy bức thư, cho nên mặt anh đầm đìa nước mắt trong khi viết. Anh chấm dứt thư bằng một câu quá buồn cười! Anh dám nói rằng bây gíờ được tự do, lắm lúc anh đâm nhớ tiếc cái buồng nhỏ của anh ở tháp Farnèse. Đó là ý chính của bức thư, anh hy vọng Clélia sẽ hiểu. Trên đà hứng viết và cũng với hy vọng được một người nào đó đọc, Fabrice viết thư cảm tạ don Cesare, cha tuyên úy tốt bụng đã cho anh mượn sách thần học. Mấy hôm sau, Fabrice thuyết phục anh chủ hiệu sách nhỏ ở Locarno để anh ta đi Milan mua của bạn anh ta, anh chàng Reina mê sách nổi tiếng, mấy bản in đẹp nhất của những sách mà don Cesare đã cho anh mượn. Cha tuyên úy đôn hậu nhận được những sách ấy và một bức thư thiết tha nói rằng trong những phút bực bội (có lẽ đáng tha thứ đối với một người tù tội nghiệp) anh đã viết chằng chịt trên lề sách của cha những lời ghi chú lố lăng. Anh van cha hãy thay thế những sách ấy ở thư viện của cha bằng những bản mà anh lạm phép gửi tới với lòng biết ơn nồng nhiệt.
Fabrice dễ dãi thật khi gọi đơn giản là “ghi chú” những lời bất tận viết nguệch ngoạc chật cả lề một bản sách khổ lớn, in những tác phẩm của thánh Jérôme. Với hy vọng gửi trả được cho cha tuyên úy để đổi một quyển sách khác, anh đã ghi trên lề từng ngày một nhật ký chính xác những gì xảy đến cho anh ở trong nhà lao. Những sự kiện lớn đó chẳng qua là những cơn ngây ngất niềm yêu Chúa (Chúa đây thay một chữ mà người ta không dám viết ra. Có khi niềm yêu Chúa đó đã khiến anh tù vào một nỗi thất vọng sâu sắc, có khi một tiếng nói nghe từ trên không đêm đến ít người hy vọng và tạo ra niềm hạnh phúc say sưa. May sao những điều ấy đều được viết bằng một thứ mực nhà tù chế bằng rượu vang, sôcôla và muội đèn và don Cesare chỉ liếc mắt nhìn qua khi xếp cuốn sách trở vào tủ sách. Nếu cha lần mò đọc lề các trang sách, cha sẽ thấy rằng một hôm, người tù tưởng mình trúng độc, đã tỏ ý hân hoan được chết ở cách người mình yêu nhất trên đời chưa đầy bốn mươi bước.
Nhưng một con mắt khác mắt cha tuyên úy đôn hậu đã đọc những trang ấy sau khi Fabrice sổng tù. Cái ý đẹp; chết bên cạnh người mình yêu diễn đạt bằng trăm cách khác nhau và được kèm theo một bài thơ. Bài thơ nói rằng sau những cơn dày vò ác liệt, linh hồn chia lìa với thể xác mong manh nơi nó đã ẩn náu hai mươi ba năm, cái linh hồn đó vâng theo bản năng tìm hạnh phúc mà nó đạt được một lần, sẽ không được tự do và trong trường hợp được miễn tội ở buổi phán xét cuối cùng ghê gớm có; bởi hạnh phúc sau khi chết hơn là suốt cuộc đời mình, linh hồn đó sẽ bay đến ở mấy bước cách nhà tù là nơi nó rên siết bấy lâu, để hòa họa với tất cả gì nó yêu ở dương thế. Và như thế, câu cuối cùng của bài thơ nói vậy - như thế là ta đã tìm thấy thiên đường của ta ở trên mặt đất.
Ở ngục thành, người ta nói đến Fabrice như nói đến một tên phản phúc ô nhục đã vi phạm những nghĩa vụ thiêng liêng nhất, tuy thế ông linh mục đôn hậu don Cesare vẫn ngây ngất trước mấy cuốn sách đẹp mà một người xa lạ nào đó đã gửi đến cho ông; bởi vì Fabrice đã cẩn thận chỉ viết thư vài hôm sau khi gửi sách, ngại rằng cái tên anh sẽ làm cho người ta căm phẫn trả lại ngay cả gói. Don Cesare không thuật lại sự chu tất đó với anh mình vì chỉ nghe đến tên Fabrice thôi, quan trấn thủ đủ nổi lôi đình. Từ ngày Fabrice trốn đi, don Cesare lại thân mật với cô cháu yêu như xưa; vì ông có dạy cho cô ít tiếng La tinh cho nên ông cho cô xem mấy cuốn sách đẹp ông vừa nhận được. Người gửi đi cũng chỉ mong có thế. Bỗng nhiên mặt Clélia đỏ chín: Cô vừa nhận ra nét chữ Fabrice nhiều mảnh giấy dài, hẹp, màu vàng đã được kẹp vào mấy chỗ trong sách, thay thế những tiêm cài làm dấu. “Giữa những quyền lợi tiền bạc thấp hèn, giữa những suy nghĩ tầm thường lạnh lùng và nhợt nhạt đoán hết cuộc đời ta, phải nói rằng những việc làm do tình yêu chân chính bày ra ít khi không có hiệu lực, tuồng như có một vị phúc thần nắm tay họ mà giắt! Được bản năng đó hướng dẫn và chỉ nghĩ đến một điều duy nhất trên đời." Clélia xin ông chú cho cô đối chiếu bản sách cũ của thánh Jérôme với bản ông mới nhận. Trong cảnh buồn phiền u ám vì vắng Fabrice, làm sao nói được niềm say sưa ngây ngất của Clélia, khi cô tìm thấy ở lề bản thánh Jérôme cũ bài thơ mà chúng tôi từng nhắc đến và những ký ức từng ngày về mối tình của ai kia đối với cô.
Mỗi một hành vi của Clélia là một mối ân hận da diết đối với cô và từ khi cô buồn phiền vì ly biệt thì sự hối hận lại càng gay gắt. Cô tìm cách xoa dịu những điều cô tự chỉ trích bằng cách nhắc lại lời phát nguyện không bao giờ được thấy mặt Fabrice lại, lời phát nguyện được dâng lên Đức Mẹ vào lúc quan tướng ngắc ngoải vì ngộ độc và mỗi ngày mỗi được lặp lại tự bấy giờ.
Fabrice trốn đi, cha cô phát ốm, hơn nữa ông suýt mất chức khi quận vương giận dữ cách cổ tất cả những cai ngục và bắt bỏ họ trong nhà lao thành phố. Quan tướng được cứu thoát cũng nhờ một phần ở sự can thiệp của bá tước Mosca, ông ta muốn cho Conti bó chân trên dinh ngục thành ngất ngưởng hơn là làm một đối thủ hoạt động và giỏi mưu toan xúc xiểm ở chỗ triều đình.
Trong thời gian mười lăm ngày mà việc cách chức hay không cách chức tướng Fabio Conti dây dưa chưa quyết định, ông ta thực sự ốm và Clélia có đủ can đảm thực hiện việc hy sinh cô đã báo cho Fabrice. Ngày hội vui tưng bừng của cả ngục thành, cũng là ngày Fabrice vượt ngục, như bạn đọc có lẽ còn nhớ, Clélia ngã ốm một cách thông minh, ngày hôm sau cô cũng còn ốm, nói tóm lại, cô biết cách xử sự khôn khéo đến nỗi ngoài Grillo được đặc trách canh giữ Fabrice, không còn ai nghi ngờ gì về sự đồng lõa của cô, mà Grillo thì chẳng hé môi nói cái gì.
Nhưng khi Clélia không còn lo ngại gì về mặt ấy, thì cô lại càng bị dày vò hơn bởi sự hối hận chính đáng của mình. “Cái lẽ gì ở trên đời này, cô tự bảo, có thể là giảm nhẹ được tội lỗi của một người con gái phản cha?”.
Một buổi tối, sau một ngày dành hầu trọn để cầu khấn ở nhà nguyện và khóc lóc, cô nhờ chú là don Cesare đi với cô bên cạnh quan tướng, vì ngài cứ lên từng cơn giận dữ khiến cô khiếp sợ, lại nữa lúc nào ngài cũng nguyền rủa Fabrice, tên phản bội ghê tởm.
Đến trước mặt cha, cô can đảm nói rằng cô luôn luôn từ chối việc cầu hôn của hầu tước Crescenzi là vì cô tự thấy không có một chút thiện cảm nào đối với hắn và cô tin chắc sẽ không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân đó. Nghe đến đây, quan tướng nổi nóng lên, Clélia phải khó nhọc lắm mới thưa tiếp được. Cô nói nếu cha cô bị cám dỗ bởi cái gia tài to lớn của hầu tước, thấy phải ra lệnh rõ ràng cho cô lấy ông ta, thì cô sẵn sàng tuân lệnh. Quan tướng lấy làm lạ về cái kết luận mà ông rất không ngờ đó. Tuy nhiên rồi ông cũng lấy làm thích. Ông nói với người em: “Thế là tôi không đến nỗi phải ở gác hai dù cái thằng nhãi Fabrice có làm cho tôi mất chức vì cách xử sự đểu cáng của nó”.
Bá tước Mosca không quên tỏ ra bất bình sâu sắc với việc tên Fabrice bất trị đó trốn đi; khi có dịp thì ông lặp lại cái câu Rassi nghĩ ra về cách xử sự tồi tệ của tên thanh niên đã không chờ hưởng lượng khoan hồng của hoàng thân, cái tên cũng tầm thường thôi chẳng có gì khác lạ, cái câu hóm hỉnh của Rassi được giới quyền quý tiếp nhận, mà giới bình dân thì lại không lấy làm điều. Mặc dù tin là Fabrice phạm tội nặng, với lương tri của mình, họ khâm phục quyết tâm của người đã dám lao mình xuống từ một bức tường cao đến như thế. Không một ai ở triều đình ngợi khen lòng dũng cảm đó. Còn ngành công an thì thấy rất nhục nhã về sự thất bại này, họ tuyên bố chính thức đã khám phá ra có một toán hai mươi lính bị mua chuộc bởi tiền vung bạc vãi của mụ công tước, mụ đàn bà vong ân bội nghĩa một cách gớm ghiếc, mà lúc nào đọc tên lên người ta cũng phải thở dài. Toán lính hai mươi người đó đã đưa lên cho Fabrice bốn cái thang buộc nối với nhau, mỗi cái dài mười lăm thước; Fabrice đã dòng xuống cho họ một cái dây để họ buộc vào đầu thang, lúc bấy giờ hắn ta chỉ còn làm cái ngón mọn là kéo thang lại phía mình mà thôi. Một đôi người thuộc phái tự do, nổi tiếng về tính nông nổi của mình, trong số đó có viên y sĩ C là một nhân viên được chính hoàng thân thù lao, còn nói thêm, và bị rầy rà vì nói điều ấy, là bọn cảnh sát ghê gớm đã dã man bắn chết tám người trong số bọn lính tội nghiệp đã giúp cho tên Fabrice vô ơn vượt ngục. Tức thời Fabrice liền bị cả những người tự do chân chính phê phán là đã gây nên cái chết của tám người lính đáng thương vì sự khinh suất của mình. Những nền chuyên chế ở nước nhỏ làm cho dư luận không có giá trị gì như thế đấy.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme