Số lần đọc/download: 1592 / 59
Cập nhật: 2015-07-06 11:40:56 +0700
Thơ
Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm
Người ta đóng đinh tôi. Tôi phải là đinh, là thập tự giá.
Người ta đưa tôi một cái chén. Tôi phải là thuốc độc.
Người ta lừa tôi. Tôi phải là lời nói dối.
Người ta thiêu sống tôi. Tôi phải là địa ngục.
Tôi phải ca tụng và cám ơn từng giây từng phút.
Thực phẩm của tôi là mọi thứ.
Toàn bộ sức nặng của vũ trụ. Sự sỉ nhục, sự vui mừng.
Tôi phải biện chính cho những gì làm tôi thương tổn.
Sự may mắn hay bất hạnh của tôi cũng chẳng có gì quan trọng.
Tôi là nhà thơ.
NGHỆ THUẬT THI CA
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
Để nhìn dòng sông của thời gian và nước
và nhớ rằng Thời Gian cũng là một dòng sông khác,
để biết ta cũng phù lãng như dòng sông
và khuôn mặt của ta cũng trôi đi như nước.
Để cảm nhận sự tỉnh thức cũng là một giấc ngủ khác —
một giấc ngủ nằm mộng thấy mình không ngủ —
và cái chết mà xác thịt ta sợ hãi
cũng chính là cái chết, mỗi đêm, ta vẫn gọi là giấc ngủ.
Để thấy trong mỗi ngày hay mỗi năm
một biểu tượng của mọi ngày và mọi năm của con người,
và chuyển hoá sự giận dữ của bao năm
thành một tiếng nhạc, một lời truyền tụng và một biểu tượng.
Để thấy một giấc ngủ trong cái chết,
một nỗi buồn vàng óng trong buổi chiều tà —
đó chính là thứ thi ca bất tử và thanh đạm
mãi mãi trở về như mỗi triêu dương và mỗi hoàng hôn.
Đôi khi vào buổi tối có một khuôn mặt
nhìn ngắm chúng ta từ những chiều sâu của một tấm gương;
nghệ thuật chắc hẳn là tấm gương soi
cho ta thấy chính khuôn mặt mình trong đó.
Người ta nói Ulises,[*] chán ngán trước những kỳ quan,
đã nức nở yêu thương khi chợt thấy lại quê hương Itaca,[*]
xanh tươi và khiêm tốn. Nghệ thuật chính là quê hương Itaca đó,
một vĩnh cửu xanh tươi, chứ chẳng phải những kỳ quan.
Nó cũng là dòng sông bất tận trôi đi và còn đó
một tấm gương soi mãi hình bóng chàng Heráclito[**] lung linh,
kẻ vẫn chính là mình và cũng là kẻ khác,
như dòng sông chảy mãi không ngừng.
_________________________
Chú thích của người dịch:
[*]Ulises [tiếng Tây-ban-nha], tức là Ulysses [tiếng La-tinh] hay Odysseus [tiếng Hy-lạp], là vua của xứ Ithaca [tiếng Tây-ban-nha gọi là Itaca], người anh hùng trong sử thi Odysseus của Homer (c.800 BC - c.750 BC).
[**]Heráclito [tiếng Tây-ban-nha], tức là Heraclitus (c.540 BC - c.480 BC), triết gia Hy-lạp, người cho rằng vạn vật không ngừng biến đổi. Ông nổi tiếng với câu “bạn không bao giờ có thể bước hai lần vào cùng một dòng sông.”
--------------
Dịch từ nguyên tác “Arte poética”, trong Jorge Luis Borges, El hacedor (Barcelona: Alianza Editorial, 1960).
Thơ về bông hồng
Diễm Châu dịch
BÔNG HỒNG
Bông hồng,
bông hồng không phai tàn và không được ca ngợi,
trọng lượng này và mùi hương này, bông hồng,
bông hồng của khu vườn đen với những vách đêm cao,
bông hồng của mọi khu vườn và mọi buổi chiều,
bông hồng nhờ thuật luyện đan
đã phục sinh từ lớp tro mịn,
bông hồng của người Ba-tư, của Arioste,
bông hồng luôn luôn đơn độc,
bông hồng mãi mãi là bông hồng của mọi bông hồng,
bông hồng trẻ trung thật thuần khiết,
bông hồng nồng nàn, mù quáng và không được ca ngợi,
bông hồng không thể đạt tới.
(Elogio de la Sombra)
CƠN MƯA
Bỗng dưng buổi chiều rạng ra. Là vì giờ đây cơn mưa thật mịn hạt đổ xuống. Đổ xuống hay đã đổ xuống. Mưa là một sự vật chắc chắn là xảy ra trong quá khứ.
Người nghe mưa rơi thâu hồi được cái thời gian mà sự tình cờ may mắn đã tiết lộ cho mình một thứ hoa có tên gọi bông hồng và cái màu lạ lùng kia: màu đỏ thắm.
Cơn mưa này, cơn mưa đương làm mịt mù những tấm kính cửa, sẽ đem lại nơi những ngoại ô heo hút niềm hân hoan khinh khoái cho những chùm nho đen trên một giàn nho ở một mảnh sân trong nào đó không còn nữa.
Buổi chiều ướt át đem lại cho tôi tiếng nói, tiếng nói mong ước, của cha tôi, người đương trở lại và chưa mất.
(El hacedor)
MỘT BÔNG HỒNG VÀ MILTON
Giữa những thế hệ hoa hồng
Đã lạc mất trong đáy thẳm thời gian
Tôi mong muốn có một bông thoát khỏi lãng quên,
Một bông không dấu tích giữa các sự vật
Đã có. Định mệnh ban cho tôi
Cái ân huệ được gọi tên lần đầu
Bông hoa lặng lẽ ấy, bông hồng chót
Bông hồng Milton đã đưa lại gần mặt
Mà chẳng thấy. Hỡi bông hồng, đỏ thắm hay vàng tươi
Hay trắng bạch của một khu vườn đã bị xóa đi,
Bằng phép nhiệm mầu mi hãy rời bỏ dĩ vãng xa xôi
Và sáng ngời lại trong câu thơ này,
Vàng, máu hay ngà hay tăm tối
Như trong đôi tay Người, hỡi bông hồng không thể nhìn thấy.
(El otro, el mismo)
THE UNENDING ROSE*
tặng Susanne Bombal
Vào năm năm trăm của kỷ nguyên Hồi giáo,
từ những đỉnh tháp cao của các giáo đường Hồi, xứ Ba-tư
nhìn xuống những ngọn dáo vùng sa mạc đang ào ạt tràn tới
và Attar ở Nishapur ngắm một đóa hồng,
nói với hoa những lời lặng lẽ,
sự lặng lẽ của trầm tư, chứ không phải của nguyện cầu:
-- Trong tay ta là vòng cầu mơ hồ của mi. Thời gian
đã uốn cong cả hai ta và không buồn biết tới chúng ta
vào lúc chiều xế bóng trong khu vườn heo hút này.
Trong không khí trọng lượng nhẹ nhõm của mi đượm mùi ẩm ướt.
Và làn hương của mi như làn nước thủy triều không ngớt
dâng lên mãi tới khuôn mặt già nua đang tàn tạ của ta,
nhưng ta cảm thấy mùi hương ấy xa hơn là đứa trẻ này,
đứa trẻ thoáng thấy mi trong những hình ảnh của một giấc mơ
hay ở đây, trong khu vườn này một buổi sáng.
Mi có thể khoác màu trắng bạch của vầng thái dương,
hay ánh vàng của trăng, hay màu đỏ thắm
của thanh kiếm dài lăm lẳm trong chiến thắng.
Ta là kẻ mù lòa và không biết gì. Tuy nhiên
ta thấy trước là có những con đường khác.
Mỗi sự vật là những sự vật vô hạn.
Mi là nhạc, mi là những vòm trời xanh,
mi là lâu đài và những dòng sông và các thiên thần,
hỡi bông hồng sâu thẳm, bát ngát, thân thiết
mà Thượng đế sẽ tỏ bày cho đôi mắt ta khi chết.
(La rosa profunda)
---------------------------------------
* «Bông hồng không dứt», tựa đề bằng Anh văn trong nguyên tác. (dịch giả)
---------------------------------------
NGỢI CA
Trong không khí, sáng nay,
có mùi hương không thể nào mường tượng
của những bông hồng ở Thiên đường.
Trên bờ dòng Euphrate
Adam khám phá ra nước mát rượi.
Từ trời cao một trận mưa vàng rơi xuống;
ấy là tình yêu của thần Zeus.
Từ dưới biển một con cá vọt lên
và một người ở Agrigente chợt nhớ mình
đã từng là con cá ấy.
Nơi hang động sau này sẽ mang tên Altamira
một bàn tay giấu mặt vạch một đường cong
vẽ bờ mông con bò rừng.
Chậm rãi, bàn tay của Virgile mơn trớn
tấm lụa mà những thương đoàn trên sa mạc
và những ghe buồm thời trung cổ
đem về từ vương quốc của Hoàng Đế.
Con họa mi thứ nhất cất tiếng hót ở Hung-ga-ri.
Đức Giê-su nhìn nét mặt nghiêng của Xê-da trên đồng tiền.
Pythagore tiết lộ cho những người Hy-lạp
hình dạng thời gian là một vòng tròn.
Trên một hòn đảo ở Đại dương
lũ chó săn bạc đuổi theo đàn nai vàng.
Người ta rèn trên một chiếc đe
thanh kiếm sẽ trung thành với Sigurd.
Whitman ca hát ở Manhattan.
Homère sinh ra trong bảy thành phố.
Một đồng nữ chỉ mới vừa bắt được
con kỳ lân màu trắng.
Tất cả dĩ vãng trở lại như một đợt sóng
và những chuyện xa xưa này hiện về
vì một người đàn bà đã ôm hôn mi.
(La cifra)
BLAKE
Bông hồng ấy ở đâu, bông hồng trong tay anh
đang trao những tặng vật sâu kín nhất của mình mà chằng biết?
Không phải trong màu sắc, vì đóa hoa mù lòa,
chẳng phải trong mùi hương êm dịu không bao giờ hết
cũng chẳng phải trong sức nặng của một cánh hoa. Ấy chỉ là
những vọng âm lạc lõng.
Bông hồng đích thực ở xa hơn.
Có lẽ ấy là một chiếc bể hứng nước, một cuộc giao tranh
một vòm cao xanh của các thiên sứ hay một thế giới
vô tận, bí ẩn và tất yếu,
hay niềm hoan hỉ của một vị thần mà chúng ta sẽ không được gặp
hay một hành tinh bạc ở một vùng trời khác
hay một phạm trù khủng khiếp nào đó
không có dạng bông hồng.
(La cifra)
SA MẠC
Trước khi bước vào nơi sa mạc
các binh sĩ đã uống nước thật lâu ở bể nước
Hiéroclès đã đổ xuống mặt đất
bình nước của mình mà nói:
«Nếu chúng ta phải bước vào sa mạc
thời ta đã ở trong sa mạc.
Nếu cơn khát sẽ thiêu đốt ta,
thời nó hãy thiêu đốt ta ngay lúc này.»
Đây là một bài dụ ngôn.
Trước khi tôi lao mình vào địa ngục
những viên hình sứ của vị thần đã cho phép tôi nhìn ngắm một bông hồng.
Bông hồng này đã trở thành nỗi khổ tâm dày vò tôi
ở cõi tăm tối.
Một người đàn ông bị một người đàn bà bỏ rơi.
Họ quyết định giả bộ một cuộc gặp gỡ cuối cùng.
Người đàn ông nói:
«Nếu ta phải bước vào nơi hiu quạnh
thời ta đã cô quạnh.
Nếu cơn khát sẽ thiêu đốt ta,
thời nó hãy thiêu đốt ta ngay lúc này.»
Đây lại là một bài dụ ngôn khác.
Không có một người nào trên trái đất
lại cam tâm là một người như thế.
(La cifra)
MÂY
Không một vật gì trên cõi đời này lại không phải là mây. Mây cả, những ngôi thánh đường, tảng đá uy nghi đồ sộ và những khung cửa lộng kính màu vẽ hình Thánh kinh mà thời gian sẽ san bằng. Mây, chuyện Phiêu lưu* sôi nổi chuyển động như biển cả, luôn luôn mới mẻ khi chúng ta mở ra. Phản ảnh của khuôn mặt mi đã là một kẻ khác trong tấm gương và ánh ngày, một mê lộ mịn mướt không thể sờ mó. Chúng ta là những kẻ ra đi. Hình ảnh của chúng ta là mây đông đảo đương nhòa dần trong buổi mặt trời lặn. Một bông hồng nào đó lại trở thành một bông khác, không dứt. Mi là mây, mi là biển, mi là quên lãng. Mi cũng là những gì mi đã mất.
(Los conjurados)
---------------------------------------
* Tác phẩm Odyssée của Homère. (dịch giả)
---------------------------------------
NGƯỜI LỮ KHÁCH KIỆT LỰC SẼ DỪNG LẠI NƠI ĐÂU?
WO WIRD EINST DES WANDERNS MÜDE*…
Tôi sẽ chết ở thành phố nào trong những thành phố của tôi?
Ở Genève nơi tôi được phát hiện, chắc chắn không phải là về Calvin, mà là về Virgile và Tacite?
Ở Montevideo nơi Luis Malián Lafinur, mù lòa và trĩu nặng những năm tháng, đã chết giữa đám phiếu của một pho lịch sử Uruguay trung thực vô tư mà ông không viết bao giờ?
Ở Nara nơi, trong một quán trọ Nhật-bản tôi đã nằm ngủ ngay dưới mặt đất mơ tới hình ảnh khủng khiếp của Đức Phật mà tôi đã chạm tới và không nhìn thấy trước đó, nhưng tôi đã nhìn thấy trong mơ?
Ở Buenos Aires nơi tôi hầu như trở thành một kẻ lạ xa, xét vì tuổi tác và cái thói của những người đến xin tôi chữ ký?
Ở Austin, Texas, nơi mẹ tôi và tôi, vào mùa Thu 1961, chúng tôi đã khám phá Mỹ châu?
Những người khác hẳn sẽ biết điều đó và sẽ quên đi.
Tôi sẽ được chết trong thứ ngôn ngữ nào? Trong Tây-ban-ngữ ở Castille mà tổ tiên tôi đã sử dụng để hạ lệnh tiến công hay để bình luận một ván bài?
Trong Anh ngữ của cuốn Thánh kinh mà bà tôi thường đọc trước sa mạc?
Những người khác hẳn sẽ biết điều đó và sẽ quên đi.
Lúc ấy sẽ là giờ nào?
Giờ dịu êm trước buổi rạng đông, khi chưa có màu sắc, giờ mịt mù sau lúc mặt trời lặn,** khi đêm tối giản đơn hóa và biến những sự vật hiển hiện thành trừu tượng, hoặc giả giờ thật tầm phào của đầu buổi xế trưa?
Những người khác hẳn sẽ biết điều đó và sẽ quên đi.
Những câu hỏi này không phải là những câu ngoài đề do sợ hãi xui nên, mà là do sự nóng nảy trông đợi.
Chúng dự phần vào cái khổ đời tuyệt mệnh dệt bằng những nhân và những quả mà không một người nào có thể nói trước, và có lẽ ngay đến cả thần linh nữa cũng không.
---------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
* Trên đây là tựa đề dịch theo bản Pháp văn của Michel Bibard trong Jorge Luis Borges, Feuilletons du samedi (Anatolia, Éditions du Rocher, Monaco, 2001); xin xem bài «Lời nói đầu…» của María Kodama. Tựa đề theo bản Pháp văn của Jean Pierre Bernès trong Borges, Œuvres complètes II (La Pléiade, Gallimard, Paris, 1999) là QU’ ADVIENDRA-T-IL DU VOYAGEUR FATIGUÉ? / WO WIRD EINST DES WANDERMÜDEN… Hai bản dịch này không những khác nhau về tựa, mà còn về một số chữ và cả đến cách ngắt câu. Vì không có nguyên tác (in lần đầu trên Clarin, Buenos Aires, 20. 3. 1980) tôi dùng chữ của bản Michel Bibard, nhưng theo lối ngắt câu của bản Jean Pierre Bernès!
** Ở đây B. sử dụng hình ảnh hai con chim: «giờ phút nhá nhem của con bồ câu», «giờ phút nhá nhem của cánh quạ…»
Kết thúc của điều mà «cả con người lẫn thần linh đều không thể nói trước»: B. mất tại Genève, thứ Bảy, 14. 6. 1986, hồi 7g47. Hôm trước, ông thốt những chữ cuối cùng bằng Tây-ban-ngữ (theo Jean Pierre Bernès).
JORGE LUIS BORGES (1899-1986) là một nhà thơ, nhà văn Á-căn-đình, sinh tại Buenos Aires và mất tại Genève. Bông hồng là một «mô-típ» thường thấy trong thơ, văn Borges, cũng nhu con cọp, hoặc mê-lộ... Trên đây là mấy bông hồng thu lượm được qua các thi phẩm của Borges; một bông hồng khác - một bông hồng vàng - đã được giới thiệu trên «Tiền Vệ» qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn: «Đoá hồng vàng». Cùng với những bông hồng ấy là «người lữ khách», đã dừng chân vĩnh viễn trong ngày «hội lễ» của đời ông, tại Genève, giữa... «một biển hoa hồng», như báo chí địa phương đã có dịp loan báo.