Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 25
T
ôi bắt cóc người ta đã nhiều, nhưng mới thấy có ngài là người đã bị trói, còn dám giơ chân đá vào bụng giặc là một. Ngài thật dám ngạo nghễ cả cái chết. Những người khác bị bắt, đều run như cái dẽ. Sự sợ chết của loài người nhiều khi bẩn mắt quá, khiến tôi không dám nhìn. Nguyễn phu nhân, cũng vậy. Tôi đem lòng quý phu nhân từ lúc phu nhân dám xông ra hắt tay tôi, không cho phạm đến ngài. Ngài nói với phu nhân, thế hộ cho.
Trọng Khang thông ngôn cho Khánh Ngọc nghe rồi nói:
- Cô chỉ nghiêng đầu đáp lễ là đủ rồi, đừng có trả lời gì, vì theo tục ở đây, người đàn bà ít nói mới được người ta trọng.
Chàng bịa ra cớ ấy vì chàng biết nếu để Khánh Ngọc nói thì nàng nói những câu có thể làm cho đau lòng Giáp. Chàng tìm hết cách để tránh không cho Khánh Ngọc có thể tỏ tấm lòng yêu đương đối với mình.
- Phu nhân là người can đảm. Và hình như quý ngài lắm.
- Vì tôi làm hết bổn phẩn một kẻ bề dưới.
- Tôi xem ra phu nhân đối đãi với ngài một cách rất kính trọng không coi ngài là một bề dưới tí nào. Câu này chỉ nói riêng với ngài thôi. Tôi rất tiếc cho phu nhân một người tài sắc như thế mà lại lấy phải một người chồng hèn nhát như thế.
- Nguyễn tiên sinh là một người học rộng.
- Học rộng mấy mà hèn nhát thì cái chỗ học rộng ấy có gì là đáng quý. Cái bằng kỹ sư của ông ta chẳng những không chuộc lại được cái chỗ làm người thấp kém mà lại còn...
Trọng Khang vội ngắt lời:
- Ngài nói ngài quý tôi, vậy tôi xin ngài tha cho cái sự phải nghe một người khác phê bình bạn mình. Dù sao, cũng là bạn tôi, người đã cùng tôi trải bước gian nguy.
- Tôi xin chiều ý ngài. Nhưng tôi nói điều này, ngài cũng đừng giận nhé, chẳng qua chúng ta bàn việc đời mà nghe với nhau thôi. Ông trời thật độc ác. Tại sao một người như Nguyễn phu nhân lại không lấy được một người như ngài mà lại đi lấy...
- Tôi đã xin với ngài tha cho ta mà...
- Thì thôi, tôi không nói nữa. Nhưng tôi cần nói để ngài biết tôi vì quý ngài mà không nỡ bức bách nhau, chứ ngài không thể đem cái chết mà dọa tôi được đâu, bởi tôi biết ngài ở vào một tình thế không thể chết.
- Điều đó bây giờ tôi đã rõ, và tôi rất lấy làm hổ thẹn. Nhưng thật ra, trước đây một giờ, quyền lợi của ngài cũng buộc liền với sự sống chết của tôi.
- Có thể.
- Giá dụ, tôi cứ liều chết không chịu viết thư thì ngài xử trí ra thế nào?
- Ông và Nguyễn phu nhân có thể gan được, nhưng đối với Nguyễn tiên sinh thì tôi chỉ trừng mắt, rồi tôi bắt ông ta viết văn tự bán đầu, ông ta cũng phải viết ngay.
- Bạn tôi đâu đến nỗi thế.
- Ông không tin thì để tôi thử cho mà xem.
- Thôi, tôi xin ngài.
- Thì vâng, tôi xin chiều ý. Nhưng nếu tôi là ông thì tôi cần phải đề phòng những người nhìn tôi bằng một con mắt không tốt như thế kia. Tôi xem ra Nguyễn tiên sinh không ưa ông.
- Lời ngài khuyên, tôi xin đa tạ. Nhưng tôi không thể. Tôi không có tính đi đề phòng những người mà tôi đã coi là bạn. Có lẽ là tôi dại nhưng tôi không thể làm khác được.
- Thế thì ông cao hơn tôi một bực. Tôi xin bái phục. Nhưng ông ơi, xưa kia tôi cũng vì không thèm để ý đến cái chỗ đê hèn của loài người mà bị du vào một tình thế chỉ có sự làm giặc mới có thể giải quyết. Đốc-bàn Mai-lin Phố bấy giờ là bạn tôi, ấy thế mà chính y phản tôi. Nếu tôi còn sống, tôi thề phải giết cho được đứa phản bạn ấy.
- Tôi đã được tiếp kiến ông ta mấy lần, tôi đã rõ tâm điền của ông ta, cho nên tôi vẫn khuyên chủ nhân tôi để ý đề phòng.
- Thằng ấy cứ cho nó "ăn" là mọi sự êm cả, chứ không thì anh ruột nó, nó cũng kiếm chuyện.
- Y biết ngài ở đây mà không đem quân tiễu trừ bao giờ à?
- Tôi vùng vẫy khắp vùng này, chứ có ở đâu nhất định. Vì thế, y không thể đem đại đội binh mã đến đánh tôi được. Ồ, nếu y biết tôi ở đây thì khi nào chịu để cho tôi yên. Tôi là lưỡi gươm treo ở trên đầu y. Y vẫn thường khoe với tỉnh trưởng Vân Nam rằng vùng y cai trị yên tĩnh lắm, vì thế cho nên... tôi giúp ông mà cũng là để trêu tức y một thể. Tôi đòi tiền chuộc ở chính phủ Tàu, chứ chủ nhân ông thì số tiền mười vạn không có ngay, nhưng vì con gái thì rồi cũng lo được.
- Ngài bảo lo được, nhưng mất mười vạn rồi thì còn gì để sinh nhai nữa.
- Vì nghĩ chỗ ấy mà tôi đòi tiền chuộc ở Chính phủ Tàu. Đằng nào tôi cũng có tiền, sao tôi nỡ làm hại ông là người mà tôi biết có phần nào trong cái công việc làm ăn này.
- Cái phần ấy là chủ nhân tôi thương tôi mà hứa cho đấy, chứ thật ra, tôi chỉ là một tên thư ký thôi. Nhưng dù sao, tôi cũng đội ơn ngài nhiều lắm, chủ nhân tôi mà nghèo thì còn gì để chia cho tôi nữa. Còn một điều này, tôi rất lo một khi Đốc-bàn Mai-lin Phố có thù với ngài thì y...
- Y không chịu đề nghị với Tỉnh trưởng Vân Nam bỏ tiền chuộc, rồi y đem quân đến đây đánh tôi, tôi phải buộc lòng giết các ông đi chứ gì? Điều đó ông chớ lo. Ở đây, núi rừng trùng trùng điệp điệp, y biết tôi giam các ông ở chỗ nào. Mà giả dụ có thế nữa, ông cứ yên lòng. Đã biết nhau, sao ta nỡ hại nhau. Tôi chỉ buồn một nỗi vì phải nghĩ đến mình và các thủ hạ mà không thể thả các ông về ngay được thôi.
- Ngài đối với chúng tôi thế này cũng là quá tử tế rồi, tôi đâu còn dám mong một điều phi lý như thế nữa. Tôi chỉ còn ngại một điều Nguyễn phu nhân là người có nhan sắc, trong khi đêm hôm, ngài xa đây, thủ hạ của ngài...
Vương Nhân cởi khẩu súng Luger đưa cho Trọng Khang, rồi ngắt lời:
- Đây, tôi giao cho ông khẩu súng này. Nếu thủ hạ tôi có đứa nào vô lễ, tôi cho phép ông cứ bắn chết. Khẩu súng này tuy không cùng kiểu với khẩu Mauser của ông, nhưng sức mạnh cũng tương tự, mà lại bắn được những ba mươi hai phát. Tôi đã dùng quen, rất đích. Thôi tôi xin đổi cho ông để làm kỷ niệm. Một khi ở đây về, ông còn làm công việc trong xứ này, tất còn phải cần đến súng lục tốt và bắn được xa.
- Lòng ngài đối với tôi thật rộng như bể, tôi biết lấy gì để đáp lại.
- Những người như tôi với ông, biết và gặp được nhau là hả hê lắm rồi, sao ta lại nói đến ơn làm gì. À thế nào, ngài thưa với phu nhân, nếu phu nhân bằng lòng, thì ngài lên trên xóm ở với tôi cho vui.
Tiệc tan, Vương Nhân đi rồi, Trọng Khang mới bảo với Khánh Ngọc và Giáp:
- Tôi muốn vì bảo vệ cô mà nói dối với Vương Lão gia rằng cô và ông Giáp đã lấy nhau rồi.
Khánh Ngọc phản đối ngay:
- Ai cho phép ông nói như thế?
- Tình thế cho phép tôi, mà chưa lấy nhau thì cũng sắp lấy nhau. Nào có cái gì là khác.
- Ấy thế mà khác nhau nhiều lắm. Tôi không thể nào...
Trọng Khang vội vàng ngắt lời:
- Những khi nguy nan như thế này, các điều nhỏ nhen không thể tính đến được. Tôi chỉ biết chúng ta đây như những kẻ cùng đi một chuyến đò chẳng may bị đắm, phải tìm hết cách để bảo toàn lấy nhau. Bao nhiêu điều tiểu tiết không nên nghĩ đến. Chỉ nên nghĩ cách làm thế nào cho toàn vẹn cả. Lúc này mà chúng ta không biết thương nhau thì không còn lúc nào nữa.
Chàng nói xong, nhìn Khánh Ngọc bằng một con mắt cầu khẩn:
- Nếu tôi có lỗi với cô, thì cũng xin cô mở rộng lòng ra mà tha thứ cho tôi.
Câu ấy còn một nghĩa khác nữa, Khánh Ngọc hiểu, nên nàng không nói nốt câu quyết liệt đối với Giáp. Tuy nàng không nói ra, nhưng Giáp cũng đã thừa rõ. Cái cử chỉ của nàng trong ít lâu nay cũng đã khiến Giáp biết thái độ của nàng đối với mình rồi. Chàng nhìn tương lai trong một cuộc nhân duyên như thế, chẳng còn gì là vui đẹp, nhưng tấm lòng yêu Khánh Ngọc vẫn mạnh hơn cái khí khái làm người của chàng.
Chàng vẫn hy vọng, cho nên khi thấy Khánh Ngọc không nói cái câu đoạn tuyệt, nét mừng lộ rõ ngay trên mặt chàng:
Nét mừng ấy, Trọng Khang nhìn thấy:
- Ông Giáp cũng tha thứ cho tôi nhé. Nhưng tôi biết lòng ông không còn ước muốn gì hơn, nên tôi tưởng cũng chẳng cần phải nói trước với ông.
Khánh Ngọc tức đầy ruột, nhưng vì nể Trọng Khang quá, đành phải lặng im.
- Nghe tôi nói thế, Vương lão gia hứa sẽ trông coi cho cô, chẳng để ai phạm đến. Vì muốn tỏ lòng kính trọng, Vương lão gia có mời tôi lên ngủ trên xóm, để ông và cô ở dưới này.
Khánh Ngọc hét lên ngay:
- Không thể thế được!
Rồi nhìn cái mặt cầu khẩn của Trọng Khang, nàng đổi giọng:
- Thế thì tôi chết. Không có ông ở đây, ai che chở cho tôi. François tuy quý tôi, nhưng sức François thì che chở cho ai được! Anh François anh đừng giận tôi, sự thực như thế thì tôi nói thế. Cửa không có then trong... Không, ông Trọng Khang, ông phải thương tôi. Chứ không bao nhiêu công lao và mưu kế ông bày ra để cứu tôi thoát chết, cũng không ích gì. Ngủ ở cái hang này một đêm với François thì tôi sẽ chết vì sợ hãi. Mà tôi dám chắc, François cũng sợ hãi không ngủ được đâu. Cái thằng ông hắt nước vào mặt lúc trưa, nếu nó thù mà đến đây thì chúng tôi làm thế nào?
- Tôi để khẩu súng này ở đây cho cô.
- Lòng run lên như dẽ, thì súng dùng gì được. Không, ông Trọng Khang, ông phải thương tôi. Và ông hỏi ngay anh François xem anh ấy có dám ngủ ở đây một mình không? Bao nhiêu nguy hiểm chờ chúng tôi. Không, ông phải thương tôi. Nếu không, tôi sẽ oán ông cho tới chết.
- Thế thì tôi biết trả lời Vương lão gia làm sao. Ông ta biết tôi nói dối thì ông ta không tha thứ cho tôi đâu.
- Ông muốn trả lời với y như thế nào, mặc ông. Y tha thứ hay không, tôi không cần biết. Tôi chỉ nói cho ông biết nếu ông để cho tôi ngủ ở đây một mình với François thì sáng mai lúc ông xuống đây, ông chỉ thấy có cái xác tôi thôi.
Giọng nói quyết liệt và cái vẻ đau buồn của Khánh Ngọc làm cho Trọng Khang thương xót. Càng thương xót từ khi bị bắt, chàng đã biết tâm hồn Khánh Ngọc cũng là một tâm hồn hùng dũng có họ hàng hơi hớm với tâm hồn mình. Chàng thấy phân vân. "Nàng ghét Giáp, nên không muốn nằm chung một nơi với Giáp, chứ nàng có sợ hãi gì. Bây giờ thuận nghe lời nàng thì một ngày kia, mình có thể thuận yêu nàng. Mà điều đó rất không thể được. Mình không thể cướp tình yêu của một người đã cùng lướt qua cái chết với mình. Nhưng nếu không nghe thì có lẽ...".
Trọng Khang vừa nghĩ đến đấy thì Khánh Ngọc đã lê lại gần nắm tay chàng:
- Ông Trọng Khang, thật tình ông không thương tôi ư?
Trong con mắt nàng, thoáng hiện một cái gì... thất vọng ghê gớm như cái chết, Trọng Khang vội vàng nói ngay:
- Thôi được, để tôi liệu cách nói với ông ta. Nhưng cô nên nhớ thế thì nguy hiểm lắm.
Khánh Ngọc nắm chặt lấy tay chàng:
- Ừ có thế chứ, chả lẽ lòng một người như ông mà lại là đá, gỗ hay sao?