Số lần đọc/download: 1807 / 73
Cập nhật: 2015-09-24 02:51:05 +0700
Xin Mời Đến Giải Trí
B
ốn người chúng tôi cùng đến xin việc tại một toà soạn báo.
Người thứ nhất là một học sinh kém may mắn, hai mươi mốt tuổi, nhiều lần không sao lên nổi lớp mười một.
– Không, con không thể làm nghề gì được, – một hôm người bố cậu ta giận dữ tuyên bố. – Đành cố gắng trở thành nhà báo vậy!
Người thứ hai không có bố. Chỉ có một người mẹ già nua mà một lần cậu ta đã dùng vũ lực lấy đi của bà số tiền trợ cấp goá phụ ba tháng và tiêu sạch trong ba ngày. Một ngày nọ bà mẹ già không chịu nổi nữa và nguyền rủa con trai:
– Cầu xin thánh Ala nghe thấu lời nguyền của tôi! Mong sao cho thằng con tôi sống lay lắt được!
Đó là những lời nói cuối cùng của người đàn bà bất hạnh, mà sau khi nói bà đã qua đời ngay trước mắt của đấng Tối cao, vì chỉ đến lúc đó lí trí mới trở lại với đứa con bất hiếu.
– Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghe lời khuyên của mẹ tôi, – hắn nói. – Bây giờ tôi sẽ thực hiện lời trăn trối trước lúc chết của bà. Mong sao linh hồn bà ở bên kia thế giới được an ủi.
Để kiếm sống được lay lắt hắn quyết định trở thành nhà báo.
Người thứ ba trong số chúng tôi bị đúp hai năm liền về môn tiếng Thổ, sau đó để trả thù thầy giáo của mình, y quyết định trở thành nhà văn vĩ đại và xin vào làm cho một tờ báo.
Còn về phần cá nhân tôi, tôi chọn nghề làm báo là nghề phù hợp nhất với khả năng của tôi, bởi vì tôi là một trong số những kẻ đi đâu cũng khoe mình là người có thể làm được mọi việc, mặc dù thực tế tôi là người chẳng làm được trò trống gì.
Bốn chúng tôi được toà soạn nhận cho làm tập sự. Nghĩa là làm không ăn lương. Và người nào trong số chúng tôi tỏ ra cần cù và có khả năng mới được người ta hứa nhận vào làm chính thức.
Thế là giữa chúng tôi xảy ra một cuộc ganh đua ngầm khốc liệt.
Cuối cùng một trong số bốn chúng tôi được nhận vào làm chính thức với mức lương sáu trăm lia một tháng. Sau đó mới vỡ lẽ số tiền lương này thực ra không phải tiền do ông chủ bút trả, mà là tiền do người bố của tay học trò bất tài kia trả.
Người ta không nói cho hắn biết, nên hắn cứ nghĩ rằng hắn nhận được tiền của ông chủ bút. Tác giả của toàn bộ sự xếp đặt này là bố của cậu học trò nọ, người muốn hi vọng bắt cậu con trai mình tin rằng dường như cậu ta cũng có khả năng nào đó. Và chính cái “khả năng” ấy đã là nguyên nhân khiến ba người còn lại chúng tôi trở thành những kẻ “không có khả năng” và được lịch sự mời ra cửa.
Cả ba kẻ bất hạnh chúng tôi cùng ngồi trong quán cà phê và bắt đầu vắt óc suy nghĩ xem nên làm gì bây giờ.
– Rồi các anh sẽ thấy, – một người đồng học của chúng tôi lên tiếng, chính cái anh chàng bị đúp về môn tiếng mẹ đẻ. – Vào một ngày nào đó tôi sẽ trở thành nhà văn Thổ Nhĩ Kì nổi tiếng.
– Còn tôi sẽ trở thành nhà viết tiểu thuyết lừng danh! – Anh thứ hai tuyên bố.
– Còn cậu sẽ trở thành ai? – Hai người hỏi tôi.
– Tôi cũng sẽ được nổi tiếng về cái gì đó…
Một tay đầu óc tối tăm nhất trong số chúng tôi phán:
– Muốn trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng cần phải hiểu biết cuộc sống, cần quan sát và tìm hiểu nó. Mà chúng ta thì không biết gì cả về con người lẫn cuộc sống.
Rồi hắn kể một nhà văn Mĩ nhiều năm trời làn nghề đi tìm vàng.
– Nếu vậy, chúng ta cũng đi tìm vàng, – tôi đề nghị.
– Còn một nhà thơ Pháp nổi tiếng nọ đã hành nghề cha cố, – hắn kể tiếp.
– Nếu thế, chúng ta cũng đi làm cha cố.
– Còn một nhà văn vĩ đại nữa đã từng làm người chăn lợn.
– Rất hay! – Tôi kêu lên. – Chúng ta cũng đi chăn lợn.
– Đã đành thế rồi, nhưng ở nước ta không có vàng, không có cha cố và cũng chẳng có lợn.
– Bây giờ mới vỡ nhẽ tại sao ở Thổ Nhĩ Kì không có các nhà văn vĩ đại. – Tôi thở dài tiếc rẻ. – Không có môi trường thích hợp cho nghệ thuật: không cha cố, không vàng, không lợn! Chúng ta đã sinh ra trong đất nước khô cằn! Thử hỏi như thế làm sao trở thành những nhà văn vĩ đại được?
Cuối cùng chúng tôi quyết định trở thành chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để có dịp gần gũi hơn với cuộc sống và con người.
Một người trở thành kẻ buôn lậu. Đúng hơn là muốn trở thành nhưng không kịp. Hắn bị tóm ngay vào ngày đầu tiên thử tay nghề và bị nhốt sau song sắt nhà tù.
Người thứ hai đeo bộ râu giả, định đi ăn cướp tiệm kim hoàn, nhưng vì tiệm này đã bị cướp sạch trước đó một giờ đồng hồ, nên anh chàng tội nghiệp đã bị bắt oan khi chỉ có một mình trong tiệm vàng. Trên thực tế chưa kịp gây tội ác nào cả, nên kẻ bị bắt oan sợ mang nỗi nhục đã tự kết liễu đời mình – nói tóm lại là đã hi sinh cho việc tìm hiểu cuộc sống.
Trong số ba người chỉ còn lại mình tôi là kiếm được một nghề đích thực. Và chuyện đó đã xảy ra như sau.
Tôi đang ngồi trong quán cà phê ở Bâyôg, buồn bã suy nghĩ xem có cánh nào kiếm cái gì nhét vào bụng. Vì suốt cả ngày tôi chưa có hột cơm nào. Tôi có cảm giác như sắp bị ngất xỉu vì đói.
– Cậu làm sao thế, anh bạn trẻ? – Một người ngồi bàn bên cạnh lên tiếng hỏi. – Sao bụng lúc nào cũng sôi lên ùng ục thế?
Tôi kể cho anh ta nghe những chuyện không may của tôi.
– Tôi có thể cho anh một công việc. Anh có làm được không?
– Tôi làm được. Nhưng tôi phải làm gì?
– Làm nhiệm vụ đánh đấm những kẻ say rượu. Anh sẽ làm vệ sĩ cho quán rượu của tôi.
– Cụ thể là thế nào ạ?
– Từ chín giờ tối đến ba giờ sáng anh phải ngồi ở góc quán rượu. Nếu có khách nào bắt đầu gây gổ khi người ta đưa phiếu thanh toán, anh hãy tóm cổ hắn mà nện thật lực.
Để các bạn hiểu được sự hài hước của lời đề nghị này, tôi xin kể qua một chút về bản thân. Đến thời điểm ấy tôi đã trải qua đúng hai mươi ba thứ bệnh, mà nhiều người trong các bạn hẳn biết rõ: bệnh viêm phổi, ho gà, lên sởi, sốt phát ban, bạch hầu, sốt rét, bệnh hen.v.v… Tôi không nhớ có lần ẩu đả nào mà tôi không bị đánh thừa sống thiếu chết. Vào cái ngày mà tôi cảm thấy khá nhất, trong người tôi nếu không bị sổ mũi, hoặc cúm, thì cũng bị đau răng hoặc đau tai. Chiều cao của tôi là một mét sáu. Lúc đói tôi cân nặng bốn hai kilô.
Tôi nói với ông chủ quán bar:
– Giá ngài bảo tôi: “Hãy bay như chim đi, ta sẽ cho anh ăn!” – Tôi sẽ trả lời: “Được, tôi sẽ bay!” Nhưng bảo đánh người thì thú thật, tôi không thể! Một đứa trẻ con bú mẹ cũng có thể nhấc bổng tôi được. Tôi chỉ sợ làm nhục cho quán bar của ngài thôi.
– Công việc này đúng là phù hợp với anh, – ông chủ quán cười. – Đúng là việc cho loại người như anh.
– Nhưng làm sao tôi có thể đánh ai được? Chỉ cần một chiếc xe tải đi ngang qua tôi đã có thể ngã lăn xuống đất rồi.
– Chuyện vặt! Hãy làm theo những gì tôi bảo anh, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Vệ sĩ trong quán rượu không cần sức mạnh. Khi người ta ra lệnh cho anh “Hãy nện cho gã kia một trận!” – Anh chỉ việc đến gần hắn ta mà nện.
Tôi nghĩ thầm: “Chắc chắn mình sẽ bị ăn đòn. Cùng lắm mình sẽ bỏ chạy. Tìm hiểu cuộc sống và con người đâu phải đơn giản, một khi anh muốn trở thành nhà văn vĩ đại!”
Tôi chấp nhận lời đề nghị và trở thành vệ sĩ của quán bar “ Chinchin”. Ngay tối hôm đó ông chủ dẫn tôi đến quán rượu của ông và đặt tôi ngồi ở chỗ giữa dàn nhạc và quầy rượu. Cảm thấy máu bốc lên mặt, tôi hỏi ông ta:
Ngài cho tôi ăn chút gì đó và trừ vào lương sau. Tôi chết vì đói mất!
– Trong khi chưa làm việc, anh chưa được nhận thứ gì cả.
Ngay sau khi ăn no rồi chưa chắc tôi đã đánh được ai, huống hồ bụng lại đang đói cồn cào.
– Ngài trả lương tôi bao nhiêu? – Tôi hỏi ông chủ quán. – Và trả như thế nào, theo tháng hay theo tuần?
– Tôi không biết anh sẽ được bao nhiêu. Vì tôi sẽ trả lương anh theo sản phẩm. Anh đánh được càng nhiều khách thì kiếm được càng nhiều tiền. Cứ mỗi trận đánh tôi trả anh hailia rưỡi.
Vậy là người ta tạo cho tôi khả năng làm giàu nhanh: thậm chí nếu không phải tôi đánh người ta, mà ngược lại tôi là người bị người ta đánh.
Dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc Jaz. Quán rượu dần dần đông khách. Các cô gái cười khúc khích, nũng nịu với khách hàng, thì thầm, õng ẹo. Phần khiêu vũ bắt đầu. Còn tôi thì sắp sửa quỵ vì đói.
Gần mười một giờ có tiếng huyên náo tại một bàn. Tôi run như cầy sấy, vì cảm thấy sắp gặp chuyện chẳng lành.
– Sao, chúng tôi đang ở trong rừng hay một ngõ phố tối tăm đây?! – Một ông khách hét lên. – Ăn cướp của người lương thiện hả? Đưa thứ rượu chua loét thay cho rượu sâm banh mà tính những năm mươi lia các anh không thấy xấu hổ sao? Quân đểu!
Ông chủ nháy mắt ra hiệu cho tôi.
– Ngài bảo gì ạ? – Tôi hỏi.
– Ra cho nó một trận.
Cái gã hộ pháp mà tôi phải ra cho một trận to gấp ba tôi. Tôi không tin rằng quả đấm của tôi có thể tới được bụng hắn.
– Cầu trời giúp đỡ con, – tội vừa đứng lên vừa khấn thầm. – Lạy Đấng Ala toàn năng, tất cả đều trong tay Người! Xin Ngài hãy ban cho kẻ nô lệ gảy còm này sức mạnh của tráng sĩ huyền thoại Kodgi – Yuxuf.
Trong tay tôi có điếu thuốc lá đang cháy. Vẩy vẩy điếu thuốc, tôi tiến lại gần ông khách đang tiếp tục làm om xòm. Trong lúc tôi bước qua các dãy bàn, từ bốn phía vẳng lại những tiếng xì xào:
– Vệ sĩ đang đến kìa!
– Vệ sĩ tới rồi!…
Tôi vừa đi vừa cố tỏ ra vẻ bình tĩnh, tự tin, mặc dù tôi biết rằng chắc chắn tôi không tránh khỏi một trận đòn. Và đây: tôi dừng lại trước gã khổng lồ. Làm sao mà đánh được hắn đây? Tôi thậm chí với không tới mặt gã.
Tôi nói:
– Nào, ngồi xuống đi, nhà ngươi!
Gã khổng lồ ngồi xuống ghế. Tôi dí điếu thuốc lá vào sống mũi hắn, giữa hai lông mày, và dụi dụi.
Chắc phải đau lắm. Gã khổng lồ rú lên với giọng đau đớn:
– Ôi-ôi-ôi!…
– Mi muốn rú hả?! Tôi hỏi. – Ta sẽ bẻ gãy cổ ngươi!
– Tôi có nói gì không phải đâu, đại ca?
– Mi cứ thử la hét nữa đi! Chán sống rồi hay sao hả? Cái đồ không biết điều!
Tôi tát cho hắn mỗi bên má một cái, rồi xoay lưng, oai vệ đi về chỗ của mình.
Tiếng nhạc Jaz lại cất bên – Các vũ điệu lại bắt đầu. Một lúc sau ông chủ quầy bar tiến lại chỗ tôi.
– Anh thấy đấy, công việc rất nhẹ nhàng.
– Nhờ ơn thánh Ala! – tôi khấn thầm. – Ông cho tôi hai lia rưỡi đi.
– Tiền nong tính sau. Nếu muốn, anh có thể uống chút gì từ số hai lia rưỡi ấy!
Tôi đến quầy và yêu cầu cô bán hàng cho hai li rượu nhẹ.
Uống xong tôi thấy xa xẩm mày mặt, vì tôi đang đói lả người.
Từ một chiếc bàn có tiếng hét và tôi đi ngay đến đó. Lần này tôi nhìn thấy không phải một, mà hai người. Tôi cho mỗi tên một cái tát.
Tối hôm đó tôi nện được bốn gã. Đến ba giờ sáng khách đã yên và sau khi trừ đi tiền rượu tôi nhận được bảy lia rưỡi.
Tối hôm sau tôi lại đến làm. Lần này tôi đánh được sáu gã.
Tóm lại, bây giờ cứ mỗi tối tôi lại bợp tai những gã say rượu và được tiền vì chuyện đó.
Một vài gã không chịu thôi sau hai-ba cái bợp tai. Những gã như vậy bị tôi kéo xuống dưới hầm sau quầy rượu và dùng gậy đập cho một trận nữa.
Vì khao khát kiếm được nhiều tiền hơn, nên tôi sốt ruột đưa mắt đảo quanh các bàn, xem có gã nào bắt đầu gây mất trật tự hay không. Có những hôm không có kẻ nào gây gổ cả và tôi không nhận được đồng nào. Và những đêm như thế chỉ cần có khách hàng nào cười hơi to một chút là tôi lập tức xông đến quát ngay:
– Làm cái gì thế, đây là nhà nhà anh đấy hả? – Rồi không cần lôi thôi gì nữa tôi đập cho kẻ nạn nhân vô tội kia một trận.
Trong những trường hợp như vậy ông chủ chỉ trả tôi một lia. Nhưng cho dù ông ta không trả tôi xu nào đi nữa, thì tôi vẫn tìm cớ tẩn cho khách một trận cốt để luyện cho quen tay.
Ngoài ra, tôi đã quen với công việc này và ham đến nỗi lâu không có ai để đánh tôi thấy buồn bã và bực bội trong người.
Thú thật, chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về sự dũng cảm và bạo gan của mình. Làm sao một kẻ như tôi bỗng dưng trở thành kẻ chuyên đi đánh người được mới lạ chứ! Dần dần tôi càng tin tưởng vào sức mạnh của mình.
Có một đêm, một trong ba khách hàng ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ, bắt đầu làm ầm ĩ. Hai người bạn cùng bàn cố khuyên anh ta giữ trật tự nhưng không được. Tôi ngó nhìn tên đó và tim tôi bỗng thắt lại vì sợ. Đó không phải là người, mà là một gã đại lực sĩ một quả núi. So với hắn thì tất cả những gã bị tôi đập từ trước đến nay đều không thấm vào đâu.
Tôi đến gần gã vừa gây huyên náo, lấy chân đá vào bụng gã một cái. Hắn rống lên như bị cắt tiết. Tôi lại đá cho hắn một cái nữa vào đít. Rồi cái nữa, cái nữa.
Gã say rượu càng gân cổ gào to hơn. Cái ghế gãy tan, còn gã thì gào càng to hơn. Tôi cầm lấy cái chân ghế gãy và khua khua trước mặt ba tên.
– Cút khỏi đây nhanh lên, lũ chó!
Bọn chúng ngoan ngoãn chạy như vịt. Tôi dồn cả ba tên xuống dưới hầm – rồi dùng gậy đập cho gã khổng lồ một trận tơi bời. Hắn đổ phịch xuống sàn. Tôi quay về phía hai thằng bạn hắn.
– Xin đại ca nương tay, – một trong hai tên kêu lên. – Chúng tôi không có lỗi gì. Bản thân tôi chưa bao giờ đến những quán như thế này. Cái thằng cha bê tha ấy ngày nào cũng tán tỉnh tôi: “Tối hôm nay chúng mình đi giải trí đi…” Tôi không hiểu tại sao hôm nay tôi lại đồng ý. Ở bất cứ quán nào chúng tôi đến hắn đều tìm cách gây chuyện lộn xộn. Chúng tôi phải vất vả lắm mới kìm được hắn. Nhưng hôm nay đến quán của đại ca chúng tôi không sao giữ nổi hắn.
Tên khổng lồ đang nằm bất tỉnh trên sàn nhà bỗng tỉnh lại và bắt đầu lớn tiếng văng tục. Tôi đuổi mấy tay bạn của hắn ra ngoài và cầm lấy gậy. Hắn một lần nữa gục xuống bất tỉnh, nhưng một lát sau lại tỉnh lại và lại bắt đầu gào lên. Đến nửa đêm tôi đã làm cho hắn gần như quỵ hẳn. Khi trời sáng gã hộ pháp lại đứng dậy và tôi lại giơ tay với chiếc gậy. Nhưng thoắt một cái hắn giằng cái gậy khỏi tay tôi và xông ngay vào tôi. Lạy Đấng Ala toàn năng! Mấy ngón tay của hắn như những cái gọng kìm, chộp một cái là như nứt ra một miếng thịt. Tôi cảm thấy hắn sắp sửa dẫm bẹp tôi như con gián. Hắn tóm lấy gáy và quật tôi ngã xuống đất. Tôi hét muốn vỡ cả cổ. Sau đó bị ngất đi. Và tiếp theo xảy ra chuyện gì tôi không còn biết nữa. Tôi nằm bất tỉnh mất ba ngày liền. Một tuần sau mới mở được mắt. Một tháng sau mới hơi nhúc nhích được người, và hai tháng sau mới đứng đậy được.
Tôi đến quán rượu. Ông chủ nhìn tôi vẻ đầy tức giận:
– Công việc của anh không đáng một xu. Hãy lấy nốt tiền công rồi xéo đi!
– Có chuyện gì vậy, – tôi hỏi. – Tám tháng trời tôi đánh người rất tốt mà – Thôi đừng khoác lác nữa, – ông chủ đáp. – Anh nghĩ là anh đánh được các khách hàng của chúng ta à? Chẳng qua họ muốn đến đây để giải trí, và cuối cùng muốn bị ăn đòn cho thật sướng. Không bị ăn tát thì còn đâu là vui nữa! Vì nếu anh không cho bọn say sưa ấy ăn tát, thì bọn chúng thế nào cũng sẽ đập đầu vào tường, đá chân vào cột điện thoại đến chảy máu, hay ngã vập mặt xuống mặt đường nhựa. Người vệ sĩ thực thụ chỉ đánh gã say rượu khi nào hắn đang thích thú. Lẽ nào có thể đánh gã vào buổi sáng, lúc hắn đã tỉnh lại? Đồ con lừa! Hãy cảm ơn số phận vì khách hàng đã không cho anh về chầu ông bà ông vải.
Rồi ông chủ đuổi việc tôi.
Do nắm được toàn bộ bí quyết của nghề nghiệp, tôi sang quán bên cạnh và được bố trí làm đúng việc như vậy.
Bây giờ, cũng như trước đây, tôi hoàn tất niềm vui cho những kẻ đến quán chúng tôi giải trí bằng những trận đánh đập. Nhưng khi nào những gã say đó tỉnh rượu là tôi chuồn ngay tắp lự.
Hôm qua ông chủ cũ của tôi ghé đến quán chúng tôi. Được lắm, đến đây biết điều thì ngồi im, giữ cho lịch sự. Nhưng không, ông ta bắt đầu làm om sòm. Tôi đẩy ông chủ cũ của tôi xuống hầm và nện cho ông ta một trận nên thân. Khi ông ta tỉnh lại là tôi chuồn thẳng.
Bây giờ tôi đã kiếm được những khoản tiền lớn.
Mấy ngày nữa tôi định xin nghỉ phép, và nếu thánh Ala muốn, tôi cũng sẽ đi giải trí một tối cho thật đã đời.