Số lần đọc/download: 1510 / 37
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:41 +0700
Chương 24: Giang Nam Tứ Hữu - Thảm Kịch Của Tài Hoa
N
gười xưa bảo “danh cương lợi tỏa”, danh như dây thừng, lợi như xiềng xích luôn trói buộc con người, khó ai thoát ra ngoài vòng thao túng của nó. Nhất là chữ Lợi, luôn biến cuộc đời thành một bãi chiến trường cạnh tranh khốc liệt. Nhiều kẻ trí thức thuở hàn vi luôn sống một cách rất cao nhã, vậy mà khi rơi vào thế giới của đồng tiền vẫn dễ dàng biến thành một con buôn thượng đẳng.
Nhưng kẻ nào có bản lĩnh để không lụy vì lợi thì lại lụy vì danh. Dù con người cho rằng danh cao hơn lợi, Trang Tử vẫn mỉa mai:”Bá Di chết vì danh dưới núi Thú Dương, Ðạo Chích chết vì lợi trên gò Ðông Lăng. Hai người ấy cách chết chẳng giống, nhưng chỗ tàn sinh hại tính thì như nhau cả (Bá Di tử danh ư Thú Duơng chi hạ. Ðạo Chích tử lợi ư Ðông Lăng chi thượng. Nhị nhân giả sở tử bất đồng, kỳ ư tàn sinh thương tính quân dã” (Nam Hoa Kinh, Biền Mẫu).
Như vậy thì Lợi và Danh đều là hai cái làm lụy người nên tránh.
Những kẻ tài hoa chân chính có chân tài thực học, không lụy vì lợi vì danh thì vẫn phải vướng vào một hệ lụy khác: Ðó là lụy vì cái Ðẹp. Ðem thân chết theo lợi thì bị xem là tiểu nhân, đem thân chết theo danh thì được gọi là quân tử, vậy đem thân để chết vì cái Ðẹp, như Lý Bạch ôm trăng, thì gọi là gì? Là tài tử chăng? Trương Trào bảo: “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn”. Không có tình thì làm thế giới đổ vỡ, không có tài thì khiến càn khôn tẻ nhạt.
Sinh ra đời, ai cũng mong muốn có tài, tài năng hoặc tài hoa. Có tài năng mà không tài hoa thì thô lỗ, có tài hoa mà không có tài năng thì khó thành công, chỉ có thể đem cái tài hoa tô điểm cho đời, cho trọn cuộc chơi trong cõi bình sinh.
Nhà thơ Tô Ðông Pha từng nói: “Nhân giai dưỡng tử cầu thông minh, ngã vị thông minh ngộ nhất sinh” (người ta sinh con, ai cũng mong muốn con mình thông minh, còn ta vì thông minh mà lầm lỡ cả một đời người).
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, nhà thơ thông minh và tài hoa nhất là Tô Ðông Pha cũng chính là nhà thơ chịu nhiều khổ lụy nhất. Nguyễn Du bảo “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Phải chăng vì kẻ được phú bẩm tài hoa thường hay trào lộng vạn tượng, và đó là điều làm phật lòng Tạo hóa? Như vậy thông minh và tài hoa cũng là thứ làm lụy người, cần phải tránh. Nhưng có thể tránh được không, khi Trời đã vận tài hoa vào người như một nghiệp chướng?
Quy luật bù trừ trong Thiên nhiên rất công bình. Ðạo vận động như nước, lấy chỗ dư bù vào chỗ thiếu. Cho nên, được Trời phú bẩm cho chút tài hoa, ta cũng chớ vội mừng, vì lắm khi đó chính là hiểm họa. Khi cho ta cái gì thì Thiên nhiên sẽ lấy lại của ta một phần tương ứng, lắm lúc phần bị mất đi nhiều hơn cả phần được ban cho.
Trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, thảm kịch của bốn nhân vật tại Cô sơn mai trang có lẽ là thảm kịch não nùng nhất về hệ lụy của hai chữ tài hoa. Ngày Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung đến tìm Giang Nam tứ hữu ở Cô sơn mai trang cũng đúng là lúc Ðịnh Mệnh gõ cửa đời họ. Bốn vị chủ nhân của Mai trang được Trời phú bẩm cho tài hoa, không ham thi thố, chỉ quy ẩn lánh đời để canh giữ một tội đồ nguy hiểm, thế mà Ðịnh Mệnh cũng không chịu buông tha. Âu đó cũng là hệ lụy của bọn tài tử suốt vòm trời kim cổ.
Nếu tiếng tiêu của Khúc Dương trưởng lão và tiếng đàn của Lưu Chính Phong hòa quyện trong khúc Tiếu ngạo giang hồ trước lúc lâm chung chỉ là đoạn mở đầu cho bản Giao hưởng Ðịnh Mệnh cực kỳ bi tráng, thì đoạn kết thúc của bản giao hưởng đó đã diễn ra tại cổng Cô sơn mai trang bằng cảnh thân bại danh liệt của bốn nhân vật tài hoa của Cầm-Kỳ-Thư-Họa.
Tiếng đàn của Hoàng Chung Công, nước cờ của Hắc Bạch Tử, ngọn bút của Ngốc Bút Ông, chén rượu của Ðan Thanh, bốn món chơi tao nhã của khách phong lưu, đã khiến cho bốn vị chủ của nó phải thân bại danh liệt, cũng chỉ vì mãi mê đi tìm cái Ðẹp giữa đời. Nếu Dostoievski cho rằng cái thế giới đảo điên này sẽ được cứu rỗi bởi cái Ðẹp, thì cái Ðẹp cũng chính là mầm mống của tai ương! Vẻ đẹp tuyệt vời của Helène, một vẻ đẹp có thể cứu chuộc được cả ba ngàn thế giới, đã là nguyên nhân cho cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài mười năm dưới chân thành Troie, và đã là nguồn cảm hứng cho nhà thơ thiên tài của Hy Lạp là Homère viết nên trường ca Iliade bất hủ.
Nhan sắc Dương Quý Phi làm điên đảo cả triều đình Ðường Minh Hoàng để rồi kết thúc một cách bi thương bằng dãi lụa tại Mã Ngôi, để Bạch Cư Dị viết nên Trường Hận Ca, để Lý Thương Ẩn viết nên bài thơ Mã Ngôi được ca tụng đến ngàn thu.
Kẻ đi tìm cái Ðẹp giữa đời, dẫu đó là kẻ đem tài hoa vào đời để biến trần gian thành một cuộc chơi, thì đó vẫn là kẻ đang tự đóng đinh mình lên cây thập gía đời. Chữ tài hoa sẽ vận vào người tài tử nhiều hệ lụy lạ lùng, đúng như Nguyễn Du đã từng đau đớn thốt lên “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Những mối oan khiên kỳ lạ do nết phong nhã gây ra, ta tự mang cả vào mình - Độc Tiểu thanh ký).
Tiếng đàn Hoàng Chung Công mênh mông thâm diệu, nhưng chưa kịp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ thì tai họa đã ập tới cổng Mai trang. Chén rượu Thổ phồn của nhân vật hào sảng Ðan Thanh vừa mới kịp làm say lòng tri kỷ thì đã chìm mất giữa men đời cay đắng gấp vạn lần. Ngọn bút của Ngốc Bút Ông nằm lăn lóc trước cổng Mai trang như lời cảnh báo cho những ai học đòi thư pháp. Và nước cờ xứng danh quốc thủ của Hắc Bạch Tử vẫn còn đi sau rất xa với nước cờ đời.
“Đàn năm cung réo rắt tính tình đây; cờ đôi nước rập tình xe ngựa đó, thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà”(Nguyễn Công Trứ). Thú chơi tao nhã của khách phong lưu đẹp biết bao. Đem gieo rắc tài hoa để tô điểm cõi càn khôn bằng tiếng đàn nét bút, mãi mê giữa đời để đi tìm cái Đẹp, mà đâu ngờ lòng si mê cái Đẹp lại đem thảm họa đến kề bên.
Trong bốn nhân vật ở Mai trang, Kim Dung đã tỏ ra rất sâu sắc khi để cho cọn người phản bội lại cả nhóm để cầu xin Nhậm Ngã Hành truyền thụ Hấp Tinh đại pháp lại là một nhân vật chơi cờ: nhị trang chúa Hắc Bạch Tử. Trong các môn cầm kỳ thi tửu, thì kẻ chơi cờ luôn là kẻ phải đấu trí, nên có tâm cơ ứng biến và nhiều mưu mẹo hơn cả, khác với cái tâm hồn nhiên của những nhân vật đắm chìm trong đàn, trong sách vở và trong rượu.
Kẻ tham lợi thì cuồng điên vì lợi lộc, kẻ hám danh thì chìm đắm bởi chức danh, bọn tài tử chân thực trong cõi giang hồ khinh thường cả danh lẫn lợi thì lại si mê quên đời vì chính cái Ðẹp của Nghệ Thuật. Gặp kiếm sĩ thì tặng gươm, gặp tửu đồ thì mời rượu, đó là lẽ đương nhiên. Cho nên bức tranh Khê trung hành lữ đồ của Phạm Khoan phải dành cho Tứ trang chủ Ðan Thanh, chân tích Suất ý thiếp của Trương Húc phải dành cho Tam trang chủ Ngốc Bút Ông, ván cờ Ẩu huyết phổ phải dành cho Nhị trang chủ Hắc Bạch Tử, khúc nhạc Quảng Lăng tán của Kê Khang phải dành cho Ðại trang chủ Hoàng Chung Công.
Hướng Vấn Thiên quả là người tâm cơ siêu tuyệt khi đem bốn báu vật đó ra để bài trí cuộc vượt ngục đầy ngoạn mục của
Nhậm Ngã Hành. Tiếng thở dài nhận tội của Hoàng Chung Công trước bốn vị truởng lão Ma giáo nghe thật xót xa: “Hỡi ơi, mê say vật đẹp đến nỗi đánh mất cả tâm chí, đều do lỗi của bọn thuộc hạ đắm chìm nơi Cầm Kỳ Thư Họa, để cho người ta nhìn vào điểm yếu” (Ai, ngoạn vật táng chí, đô nhân thuộc hạ nịch vu cầm kỳ thư họa, cấp nhân khuy đáo liễu giá lão đại nhược điểm).
Bốn báu vật Cầm Kỳ Thư Họa đó, đã khiến cho bọn tài tử bao thế hệ phải ngày đêm mơ ước, lại chính là mầm họa sát thân.
Với khách tài hoa thì cõi đời là một trò chơi lớn, một Grand Jeu theo Héraclite, nhưng đâu phải ai cũng có đủ công lực để đi trọn cuộc chơi. Thích Ca hoàn tất “cuộc chơi” trong cõi Niết Bàn, Lý Bạch tiếp tục “cuộc chơi” bằng cách cuỡi cá kình lên trời Hãn mạn, Khổng Minh bỏ dỡ “cuộc chơi” trên Ngũ trượng nguyên, Nietzsche chấm dứt “cuộc chơi” trong nhà thương điên, Bùi Giáng xóa nhòa mọi “cuộc chơi” trong cảnh giới ngao du thù thắng.
Khúc Dương và Lưu Chính Phong gởi gắm “cuộc chơi” trong khúc Tiếu ngạo giang hồ. Giang Nam Tứ hữu trả giá “cuộc chơi” bằng cảnh thân bại danh liệt và cái chết oan uổng của Hoàng Chung Công.
Ðức Jésus Christ cảnh báo “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”, Simome Weil nói tiếp một câu chua chát “Quiconque prend l’épée périra par l’épée. Et quiconque ne prend l’épée pas ou la lâche périra sur le croix” (Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm, và kẻ nào không dùng gươm hoặc buông gươm sẽ chết trên trên cây thập giá) (La Pensateur et La Grâce (Union Générale D’Éditions, Paris, 1948, p.92)!
Kẻ không tài hoa sẽ chết một đời tầm thường đơn điệu, nhưng kẻ tài hoa sẽ chết một cách đau thương, nghĩa đen hoặc nghĩa bóng, có phải thế chăng?