Love is like a roller coaster,

Once you have completed the ride,

you want to go again.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lối Mòn Dọc Phố
ôi sống ở một phố nhỏ ngay xế Bờ Hồ nhưng nơi làm việc thì tận trong Hà Đông. Đường xa, không có xe máy, đi làm vất vả thấy chết. Mỗi ngày mòn mỏi mười cây số đạp đi mười cây số đạp về, ngày nắng ngày mưa ngày nào cũng cực y như ngày nào. Nhưng đời cán bộ, thiết nghĩ, nghèo thì ráng chịu, phải đâu ông to bà lớn, phải đâu thánh thần gì, ăn trên ngồi trốc ai mà háo sự lên xe xuống ngựa hay là đi mây về gió? Bon chen tốc độ cùng người sẽ chỉ sớm bươu đầu sứt trán. Cứ với cái Phượng Hoàng màu rêu được mua giá trong từ thời bao cấp, cung cúc ngày lại ngày là tôi yên tâm hoàn toàn cái cuộc đời mình.
Đột xuất, một ngày nọ tôi có việc phải nán lại cơ quan tới mãi khuya. Khi ra về, rờ đến xe đạp thì thấy lốp sau đã bẹp dí. Chẳng hy vọng còn ai bơm vá gì nữa vào giờ ấy, tôi đành gửi xe ở phòng bảo vệ rồi hộc tốc nhao ra bến ô tô.
Đêm cuối năm cả mưa phùn cả gió bấc. Đường khuya thông thống, hun hút, ướt nhòe. Ô tô vẫn vụt qua vụt lại nhưng xe buýt thì đã nghỉ chạy từ tối. May còn tàu điện đỗ đó, chuyến cuối cùng.
Leo lên cái phương tiện giao thông của hành khất này như thể chui vào màn xô nhà trọ. Không khí cáu bẩn, tù đọng, nồng nồng những mùi. Hai cái bóng đèn thõng trên trần, sợi tóc đỏ lừ, phả xuống một thứ ánh sáng võ vàng, phù thũng. Hầu hết các cửa sổ đều không nhấc được tấm che lên, để ngỏ cho bụi mưa và gió lạnh.
Vì là chuyến chót nên tàu bỏ hết toa chỉ chạy độc cái đầu, vậy mà hành khách vẫn không tầy nhúm. Dọc hai hàng ghế gỗ tồi tàn, ướt nhơn nhớt lơ vơ mấy bóng ngồi lặng câm. Một anh lính. Một bà nhà quê. Hai cha con ông xẩm. Và tôi. Sau tôi, trước lúc tàu chuyển bánh, lên thêm một ả áo lông, tóc xù, mặt mày tô kẻ, ngồi dạt vào trong xó.
Bác tài xám xịt, lưng còng còng, áo bông, mũ bịt tai, chậm chạp bước lên toa, ợ to một tiếng, rồi dận chân thúc chuông. Anh xé vé mặc áo bạt, diện ủng, lười nhác lướt nhìn chúng tôi, mớ hành khách cà khổ, nhổ chắt qua kẽ răng rồi dài giọng:
- Nào… đoàn quân Việt Nam đi nào…!
Xô một cái, rầm một tiếng, ken két kèn kẹt dưới gầm, tàu rời chỗ. Động cơ điện rú lên à à.
- Còn người kìa, ông tài ơi! - Bà nhà quê la oái lên - Chờ cho người ta lên với, ông tài. Họ-ọ-ọ..!
Ả áo lông cười hí lên.
- Tàu xe nhà nước chứ trâu nhà bà đấy mà họ với hàng - Gã xé vé làu nhàu, phẩy tay - Chậm chân thì cho rơi thôi. Kệ thây!
Sàn gỗ xóc nảy. Tàu giần giật lên tốc độ, lao uỳnh uỳnh. Dưới màn mưa mờ mỏng, trong vũng đèn lù mù nơi bến đỗ đang lùi nhanh lại phía sau, nhòa nhòa một bóng người đứng giữa hai vệt ray đưa tay vẫy vẫy. Không thể thấy được nét mặt của người ấy, song lạ thay, vẻ tuyệt vọng trên gương mặt ấy thì tôi lại thấy rõ. Một vẻ tuyệt vọng mờ mịt nhói vào lòng tôi niềm cảm thương vô cớ. Đứng bật dậy, chạy nhào xuống cuối toa, và đột ngột với cả chính mình, tôi nhoai người ra ngoài mưa, túm lấy sợi chão néo giữ cần tiếp điện, giật mạnh.
Dây điện trên cao rèn rẹt tóe lửa. Đèn trong toa tắt ngóm. Động cơ bị ngắt thình lình, ré rè rè. Thân tàu va loảng xoảng. Các bánh sắt lăn cố một đoạn rồi chựng lại.
Gã “xơ vơ” xông tới, xô bật tôi ra, giằng lấy dây. Tôi bước tới cửa lên xuống, ngây ngất và hồi hộp một cách không tài nào hiểu hổi, chờ đón người bạn đường đang chạy đến với tôi từ trong đêm tối.
Tiếng chân. Tiếng mưa. Một bàn tay đưa lên, tôi nắm lấy. Bàn tay ấy giá ướt nhưng mềm mại, run lên trong lòng bàn tay tôi. Vừa vặn điện được nối lại. Đèn trong toa sáng lên.
- Cám ơn… cám ơn anh… - Người vừa lên nói trong hơi thở gấp, nghe nghèn nghẹn như tiếng thổn thức.
Tôi buông tay người phụ nữ ấy ra và nghiêng mình nhường lối. Hương son phấn ngọt ngào nồng ấm và hương nước hoa tinh khiết lướt qua khiến tôi tê dại. Thất thần, vô tri giác, tôi bước theo chị vào trong toa và thờ thẫn ngồi xuống ghế đối diện.
Tay xé vé đang cơn thịnh nộ, đang ầm ĩ quát lác tôi, tự dưng chùng xuống. Những người trong toa nửa như bừng tỉnh nửa như sững sờ. Và dường như cả con tàu cũng vậy, cũng thần ra, quên bẵng hành trình. Mãi rồi nó mới giật mình chuyển bánh.
Nhan sắc của người đàn bà không quen biết ngồi trước mặt tôi, một nhan sắc còn mờ hơi mưa, một nhan sắc còn chưa hồi lại, tê tái vì giá rét, song ấy là một dung nhan tự trong mơ, một giấc mơ lạc vào giữa thực cảnh tồi tàn, nhem nhuốc này. Nàng ngồi trong vầng sáng mờ mờ, áo măng tô viền lông thú ẩm ướt, cái xắc da nhỏ màu đen khoác trên vai, gương mặt mịn màng trắng xanh. Nàng nhìn tôi, môi mấp máy thầm nói một lần nữa lời cám ơn. Và lẳng lặng, nàng đưa mắt lướt nhìn thật nhanh những người khác trong toa. Nhưng với tôi, cả toa lúc này chỉ có mình nàng. Và tôi. Chúng tôi như đang trên nẻo đường nào đó rất xa. Toa tàu cũ kỹ rung lên, dập dềnh nhồi lắc. Tôi thầm đau đớn trong lòng.
Thường vẫn thế, chẳng hiểu sao, trước cái đẹp tôi chỉ thấy đau. Vẻ đẹp không lời của thiên nhiên và của con người luôn luôn biến thành lời than tiếc cuộc đời tôi, làm tôi mất đi niềm yên thân bền vững ngày qua ngày. Cái đẹp cho tôi thấy đời tôi vô nghĩa, nghèo nàn và ngột thở đến nhường nào. Không hồn, không màu sắc, không chút khuất khúc, phẳng lỳ, nhẵn thín, bình yên. Đời tôi, tôi những muốn nấc lên…
Trong đêm vắng, tàu trôi nhanh qua miền ngoại ô, lướt bỏ các bến đỗ. Ngã tư Sở không người. Tây Sơn, Nam Đồng ngâm mình trong mưa.
- Ông anh có thuốc lá đấy không, cho xin một điếu lót lòng? - Tay xé vé chợt hỏi.
- Không… - Tôi giật mình, đưa tay rờ túi áo - Hết mất rồi…
- Buồn thay!
- Tôi có đây. Mời anh - Người đàn bà nọ nói khẽ, giọng nữ trung dịu dàng, và mở xắc lấy ra một bao Salem xanh cùng chiếc bật lửa ga. Cả tôi cũng rút một điếu. Nàng bật máy lửa, tôi hơi chồm người lại gần nàng để châm. Qua ngọn lửa xanh biếc, mắt chúng tôi gặp nhau và chúng tôi nhận ra nhau. Không phải là đã có một lúc nào đó trước đây tôi đã gặp nàng, chúng tôi chưa từng bao giờ thoáng bóng nhau, nhưng với cái nhìn mắt vào mắt này, tôi không nghi ngờ là chúng tôi đã có trong nhau từ suốt bao năm trời nay. Tôi biết rằng chúng tôi hiểu rõ nhau, thấu suốt tâm hồn nhau. Mắt nàng dim lại dưới làn mi rợp, mắt tôi mở to bàng hoàng. Một nỗi xót thương và một niềm lo sợ vô cớ chợt nhói trong lòng tôi. Chính vào giây lát ấy tôi đã nhận ra ở đằng sau, ở bên trong dung nhan của nàng chỉ ẩn chứa duy nhất một nỗi khiếp sợ. Vẻ đôn hậu, dễ thương và rụt rè của nàng là gương mặt khác của một lòng dạ rối bời.
- Chị sao thế? Có chuyện gì phải không? - Tôi hỏi, vụng về - Tôi có thể giúp gì được không?
- Dạ không… Sao anh hỏi thế… - Nàng thầm thì yếu ớt, cụp mắt xuống, các ngón tay run run thả rơi điếu thuốc - Tôi… tôi có sao đâu… tôi sắp xuống…
- Chị xuống Giám à?
- Vâng.
- Yên chí, còn xa.
- Phải rồi còn xa… Ông xẩm đã nhích tới chỗ chúng tôi từ lúc nào, khàn khàn lên tiếng - Đường còn xa. Kính thưa các đồng chí, các ông các bà, các anh các chị, các cậu các cô, để góp vui làm giảm nỗi khắc khoải đường trường của quí vị hành khách, ông cháu tôi xin phục vụ biểu diễn miễn phí bài Suối Mơ, ca khúc tiền chiến lừng danh…
Ông lão vịn tay lên vai một thằng bé còm cõi, rách rưới, mặt mày nhem nhuốc, già câng, để nó đưa đi chầm chậm dọc toa. Lão khọt khẹt trong họng lấy giọng. Thằng bé chìa cái bát nhôm vào mặt từng quí khách. Tôi quẳng vội vào đó một tờ bạc lẻ vo viên. Thiếu phụ kéo phẹc mờ tuya, mở xắc.
- Suối-uối-uối… mơ… - Ông xẩm nấc lên.
Thình lình, sàn tàu nảy chồm như sa xuống ổ gà. Phía đầu toa ông lái tàu kêu lên hốt hoảng, cuống cuồng quay tay phanh. Các guốc hãm xiết vào bánh sắt, rú lên ghê tai. Tàu dừng giật lại.
- Trật bánh rồi…!
- Cán phải người rồi…!
- Không phải trật bánh… - Anh xé vé thảng thốt thều thào, khiếp đảm - Mà là xít đờ ca. Xe bắt người đấy!
Người thiếu phụ ngẩng lên, nhìn tôi. Một tiếng kêu câm lặng trong cái nhìn ấy. Mặt tái đi, nàng mím môi. Tôi cứng người lại.
Thong thả nàng đứng dậy, lẳng lặng rút từ trong xắc ra một tờ bạc đặt vào cái bát mà thằng bé rách rưới đang kiên nhẫn chìa ra. Và cùng trong khoảng khắc ấy, nàng thả vào lòng tôi đang ngồi ngây lặng một cái phong bì to và dày như một cuốn sổ. Mãn đời tôi không làm nhòa đi nổi khỏi tâm trí mình gương mặt, thần sắc và cái nhìn của con người ấy trong giây lát ấy. Còn hơn là một nỗi tuyệt vọng, còn hơn là một niềm thống khổ, nàng nhìn tôi, van lơn, nhưng đồng thời chứa chan tin cậy và thiết tha đằm thắm lòng mến yêu. Có thể là tôi đã tưởng tượng và suy diễn thêm ra chăng? Tôi không biết nữa, chỉ biết rằng trong chớp mắt ấy chúng tôi đã trao gửi cho nhau những tình cảm mà cả đời, trước đấy cũng như về sau này, tôi chưa từng có với ai và cũng chưa ai từng có với tôi.
Tôi cúi mặt, cụp mắt xuống. Nàng quay đi, bước về phía cửa toa. Một cách vô thức, hoàn toàn ngoài lý trí, tôi nhét nhanh cái phong bì vào túi trong áo vét. Không nhìn gì, không nghe thấy gì hết, tôi ngồi, mắt nhắm lại, và gần như bình thản, tôi lặng lẽ chờ một ngọn đèn pin rọi vào mặt, một bàn tay chụp lấy vai và một mệnh lệnh buộc tôi đứng lên.
Như là cả một thế kỷ đã diễu qua, chẳng có chuyện gì xảy ra với tôi hết. Tôi ngẩng lên, mở mắt khi tàu lại chuyển bánh. Trên toa vẫn chừng ấy mống, trừ nàng.
- Ôi trời, đẹp đẽ làm vậy mà bị còng tay, bị người ta xô sấp xô ngửa, khổ thân cô ấy thế! - Bà nhà quê to mồm than - Dính phải cái tội gì vậy chả biết. Khéo mà rũ tù.
Tim tôi dại đi. Trong túi áo ngực, vật ký thác của nàng như bén lửa vào da tôi.
Ông xẩm lại gân cổ lên ca hát. Ả áo lông và anh xé vé đùa cợt cấu chí nhau trong xó. Bà nhà quê gà gật ngủ. Tôi những muốn nhảy bổ ra khỏi tàu, song lại sợ có ai đó sinh nghi, nên đành cắn răng ngồi bất động tới tận bến đỗ cuối cùng ở Bờ Hồ.
Khi tôi vừa bước chân xuống đường thì anh lính đi xuống ngay sau chợt nói:
- Chẳng khám thấy gì, chẳng có bằng cớ nào cả thì người ta phải thả thôi…
Ấy là lời khuyến khích hay là lời cảnh cáo? Tôi cắm đầu đi như chạy. Nhà ngay gần đấy nhưng tôi dầm mưa đi vòng đi vèo mãi rồi mới lần về ngõ. Ngó trước ngó sau, tim nện thình thình, tôi hé cổng lách vào. Cả đêm, tôi trằn trọc. Sáng ra vẫn chưa quyết được bề nào, tôi nằm nhà.
Đợi người trong gia đình đi hết khỏi nhà rồi, tôi lấy cái phong bì ra, thận trọng xem xét. Phong bì bằng giấy dày, màu nâu. Chỉ dùng ngón tay sờ nắn bên ngoài tôi cũng biết bên trong không phải thuốc nổ, thuốc độc, không phải bột bạch phiến, cũng không phải tiền bạc châu báu gì. Chỉ là giấy, một xếp giấy đánh máy mỏng được gim lại. Địa chỉ chắc là được ghi trên xếp giấy.
Ba ngày trôi qua, tôi cáo ốm, bồn chồn lo sợ. Sang ngày thứ tư tôi quyết định mang cái tang vật nguy hiểm ấy đi nộp cho nơi cần nộp. Nhưng được một đoạn ra khỏi nhà, tôi quay về, chui vào bếp, bật diêm đốt. Rồi tôi ra bến xe buýt, lên ô tô, đi làm.
Áp mặt vào cửa kính ô tô tôi chăm chú nhìn xuống đường Hàng Bột, đường Nam Đồng nghìn nghịt người xe, thầm lấy làm lạ. Rõ ràng có một cái gì đấy thay đổi dọc trên chặng đường quen thuộc này, nhưng là gì thì tôi chưa nhận ra.
Tôi xuống xe buýt đúng điểm mà đêm nọ tôi đã lên tàu điện. Trời hửng nắng nhưng càng giá rét, từ mưa phùn chuyển sang tiết hanh khô. Đường mù mịt bụi. Tôi đưa mắt tìm lại chỗ mà tôi buộc chuyến tầu đêm dừng bánh. Và tôi chợt hiểu. Điều này đã nghe nói từ lâu, giờ mới xảy ra. Không còn tầu điện nữa. Đường ray đã bị bóc. Cái bộ xương han rỉ, cái di tích sống động và tàn tạ của Hà Thành cả một thế kỷ 20 đã thật sự chết rồi. Trong tình cảnh của mình lúc này, tôi không biết sự biến mất của tàu điện đáng cho tôi nặng lòng tiếc nuối và cảm thương hay là nên thở phào nhẹ nhõm.
Đến nay đã nhiều năm qua rồi. Ngày lại ngày, tôi vẫn đạp đi và đạp về một ngả đường ấy. Trên mặt nhựa, dấu vết đường xe điện vẫn còn có thể cảm thấy. Hàng ngày bám theo lối mòn giữa phố ấy, lòng tôi vẫn âm thầm ấp ủ một cuộc gặp gỡ không bao giờ còn có thể.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn