To love is to admire with the heart:

to admire is to love with the mind.

Theophile Gautier

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: Hard Choices
Dịch giả: Lâm Hoàng Mạnh
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3044 / 90
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24: Nghệ Thuật Quản Lý Nhà Nước Của Thế Kỷ 21 Ngoại Giao Thời Kỹ Thuật Số Trong Thế Giới Mạng
ôi hỏi một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ người Belarus, có lo ngại gì vì phải đối mặt với hậu quả không mấy tốt đẹp khi trở về nước, sau khi dự lớp tập huấn ở TechCamp do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức tại nước láng giềng Lithuania tháng 6-2011 hay không. Bà ta trả lời thẳng thắn: “Chính phủ nước tôi chỉ là đồ chết tiệt”. Chúng tôi mở lớp tập huấn giúp các nhà hoạt động xã hội dân sự của các nước trong khu vực, giúp họ học hỏi, tìm hiểu làm cách nào có thể sử dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình hoạt động có hiệu quả và tránh bị đàn áp. Trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, Belarus là một trong quốc gia có chế độ hà khắc nhất. Bà đến Lithuania để học các kỹ năng mới, tránh được sự kiểm duyệt và bọn mật vụ phát hiện trong bước đường hoạt động sắp tới. Tôi rất mến tính cách của bà.
Khoảng 80 nhà hoạt động xã hội của 18 nước ngồi trong căn phòng nhỏ hẹp, chật chội mỗi ngày học 11 giờ đồng hồ. Hầu hết họ đến đây không phải để tiếp thu chủ nghĩa duy tâm hay cách truyền bá kinh phúc âm. Họ là những nhà bất đồng chính kiến, người tổ chức và lãnh đạo các phong trào đầy nhiệt huyết, hăm hở học tập với bất kỳ phương phát mới nào có thể giúp họ bồi dưỡng quan điểm, cách tổ chức và tránh được tình trạng theo dõi và kiểm soát của chính phủ. Một nhóm chuyên gia của Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ) sẵn sàng giải thích cách hoạt động như thế nào để đảm bảo bí mật cá nhân, danh tính trên trang mạng, vượt tường lửa của chính phủ. Trong lớp tập huấn còn có sự tham gia của các giám đốc điều hành từ Twitter, Facebook, Microsoft và Skype.
Một số nhà hoạt động nói về chế độ Bashar al-Assad của Syria đã theo dõi thông qua hashtag (#) (hashtags là một từ hay một chuỗi kí tự liên tiếp được đặt sau #. Người ta còn gọi hashtag là hash symbol - một dạng của metadata, dữ liệu dùng để mô tả cho một dữ liệu khác – data about data. -ND) tìm ra được những người đối lập sử dụng trên Twitter sau đó tung lên mạng hàng loạt thư rác cũng sử dụng dấu # để ngăn chặn những ai muốn theo dõi bài viết của các nhà đối lập trên trang mạng. Vậy có cách gì ngăn chặn việc này hay không? Một số muốn biết làm cách nào qua lập trình có thể tổ chức được cuộc biểu tình, cách chống lại các cuộc đàn áp trong thời kỳ khủng hoảng chính trị.
Đêm hôm ấy, tôi đưa cả nhóm đi ăn tối tại nhà hàng địa phương ở Vilnius. Sau chầu bia Lithuania, tôi hỏi mọi người nghĩ gì về những ngày đã qua. Alec Ross, Cố vấn Cao cấp về Đổi mới của Bộ Ngoại giao là người vui nhất. Năm 2008, Alec giúp Obama trong chiến dịch tiếp cận khu vực Silicon Valley và mở rộng nó, đồng thời phát triển ngành công nghệ kỹ thuật. Khi tôi giữ chức Ngoại trưởng, tôi yêu cầu ông chuyển sang Bộ Ngoại giao giúp quan chức trong bộ sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới ở thế kỷ thứ 21. Bản thân tôi cũng chẳng sành sỏi gì về công cụ kỹ thuật thông minh - tôi rất ngạc nhiên vì con gái tôi, Chelsea và các nhân viên rất mê chiếc Ipad của tôi, giờ đây Ipad trở thành vật bất li thân, đồng thời tôi hiểu công nghệ mới sẽ thay đổi định hình và phương cách làm việc của ngành ngoại giao và sự phát triển của Bộ, cũng như nó đã thay đổi về thông tin liên lạc, trong lao động và hoạt động của các tổ chức đoàn thể và cả trong lĩnh vực trò chơi giải trí.
Chúng tôi từng tranh luận về tính trung gian của các phương tiện máy móc sử dụng. Chúng có thể bị lực lượng tốt và xấu sử dụng dễ dàng và thuận lợi, cũng như sắt thép dùng để xây dựng bệnh viện, trường học và cũng có thể để sàn xuất xe tăng và cũng giống như năng lượng nguyên tử phục vụ nhà máy điện hạt nhân hay sản xuất bom hạt nhân tàn phá thành phố. Chúng ta cần phải hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tối đa hoá lợi ích của công nghệ mới và giảm thiểu sự rủi ro.
Kỹ thuật công nghệ đã mở một con đường mới rực rỡ giải quyết nhiều vấn đề, đồng thời thúc đẩy lợi ích và giá trị Mỹ. Chúng tôi tập trung vào sự giúp đỡ xã hội dân sự trên toàn thế giới, khai thác công nghệ điện thoại di động và các phương tiện truyền thông buộc chính phủ phải có trách nhiệm, bớt lạm dụng các tài liệu, trao quyền cho nhóm kế phụ kể cả phụ nữ và tầng lớp thanh niên. Tôi chứng kiến sự đổi mới đã nâng cao đời sống dân chúng thoát nghèo và họ tự làm chủ cuộc đời ra sao. Nông dân Kenya thu nhập đã tăng hơn 30% sau khi họ bắt đầu biết sử dụng điện thoại di động thông qua các hệ thống kỹ thuật của Mobile Banking, học cách bảo vệ mùa màng khỏi bị sâu bệnh. Tại Bangladest, có hơn 300 ngàn người đăng ký học Anh ngữ thông qua điện thoại di động cá nhân. Có gần 4 tỷ điện thoại di động được sử dụng ở các nước đang phát triển, trong số đó có những người lao động chân tay, người bán hàng rong, đạp xích lô, kể cả những người ít được học hành, thiếu may mắn. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ gia tăng 10% điện thoại di động thâm nhập vào các nước đang phát triển có thể giúp GDP quốc gia đó tăng bình quân tính theo đầu người từ 0,6 đến 1, 2%. Như vậy tính ra trị giá đến hàng tỷ Mỹ kim và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn mặt tối của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Cũng với những chất lượng ấy đem lại sự tiến bộ chưa từng có trong khả năng sử dụng mạng lưới internet, - mở rộng giải tầng hoạt động mạng, phạm vi hoạt động và tốc độ -, nó cũng được kích hoạt do những hành vi sai trái dựa trên một quy mô chưa từng có. Người ta đều biết internet cũng là nguồn đưa nhiều thông tin sai lạc về tin tức, nhưng đây mới là sự khởi đầu. Bọn khủng bố và các nhóm cực đoan sử dụng internet để kích động hận thù, tuyển dụng thành viên, âm mưu và thực hiện các cuộc tấn công. Bọn buôn người lừa nạn nhân theo hình thức mới trong xã hội nô lệ thời hiện đại. Những trang khiêu dâm, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nhan nhản trên mạng. Bọn tin tặc đột nhập các tổ chức tài chính, thương gia, hệ thống mạng lưới điện thoại di động, tài khoản thư điện tử cá nhân… để phá hoại hoặc ăn cắp thông tin và dữ liệu. Các băng nhóm tội phạm cũng như một số quốc gia xây dựng cuộc chiến tấn công mạng, tăng khả năng hoạt động gián điệp về công nghệ. Những cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống mạng lưới điện, hệ thống kiểm soát không lưu ngày càng dễ bị tấn công bằng không gian mạng.
Như tất cả các cơ quan nhạy cảm của chính phủ, Bộ Ngoại giao cũng là mục tiêu tấn công mạng thường xuyên. Các quan chức của Bộ phải ra sức bảo vệ địa chỉ thư điện tử cá nhân và chống hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi. Lần đầu tiên làm việc trong Bộ Ngoại giao, tôi cũng phải làm những công việc tương tự như chống email lừa đảo như nhiều người Mỹ giàu kinh nghiệm sử dụng máy vi tính tại gia. Bọn lừa đảo khét tiếng của các ngân hàng Niegeria sử dụng Anh ngữ, thường xâm nhập tài khoản thư điện tử cá nhân với những lời đường mật lừa gạt, nhưng đa số người ta nhận diện ra chúng. Nhưng đến năm 2012, chúng đã khôn ngoan và tinh vi hơn rất nhiều, chúng mạo danh các quan chức Bộ Ngoại giao tìm mọi cách đánh lừa đồng nghiệp, mở các files dữ liệu gửi kèm theo thư điện tử như hợp pháp, đánh cắp tài liệu.
Khi đến những nơi nhạy cảm như ở Nga, chúng ta thường xuyên nhận được lời cảnh báo của cơ quan an ninh của Bộ Ngoại giao, nếu đem theo BlackBerrys, máy vi tính xách tay…. hay bất cứ hệ thống máy nào có thể liên lạc với thế giới… khi ngồi trên máy bay, nhớ tháo pin để tránh bọn gián điệp nước ngoài không thể đánh cắp dữ liệu. Ngay cả trong trường hợp quan hệ với bất cứ ai, chúng ta vẫn nên cảnh giác trong giao tiếp theo biện pháp an ninh, bảo vệ nghiêm ngặt, thận trọng ở bất cứ nơi nào khi đọc hay viết tài liệu mật. Một biện pháp đề phòng, nên đọc các tài liệu trên màn hình điều chỉnh bớt ánh sáng trong phòng khách sạn. Những nơi không có trang bị bảo vệ nghiêm ngặt, khi đọc những tài liệu nhạy cảm nên trùm chăn hay khăn qua đầu. Chuyện này làm tôi nhớ lại lúc mới 11 tuổi, đã đọc truyện bằng chiếc đèn pin khi chui trong chăn trên giường trốn cha mẹ. Đã nhiều lần tôi khuyến cáo, không nên nói chuyện quá tự nhiên ở phòng tôi trong khách sạn, vì nơi đây có thể gài thiết bị nghe lén. Chẳng phải chỉ có các cơ quan chính phủ và quan chức Mỹ mới là mục tiêu. Các doanh nghiệp, công ty Mỹ cũng đau đầu về chuyện bị theo dõi và đắnh cắp dữ liệu. Nhiều lần Tổng giám đốc điều hành (CEO- Chief Execurive Officer) của một công ty rất thất vọng, ông gọi điện cho tôi phàn nàn về bọn đánh cắp bí mật sở hữu trí tuệ và thương mại, thậm chí xâm nhập cả vào máy vi tính gia đình. Để tập trung tốt hơn nữa những nỗ lực chống lại mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng, tôi thành lập Vụ Các vấn đề Không gian mạng lần đầu tiên của Bộ Ngoại giao vào tháng 2-2011.
Trên thế giới, nhiều nước đã dựng tường lửa ngăn chặn người dân trong nước truy cập vào các mạng internet. Cơ quan kiểm duyệt xóa bỏ tên miền, tên trang web… để người dân không thể tìm kiếm được thông tin. Họ đàn áp những công dân viết bài bất đồng chính kiến bất bạo động, không chỉ trong thời kỳ bất ổn định hay có những cuộc biểu tình lớn đang xảy ra. Một vị dụ nổi bật nhất là ở Trung quốc, năm 2013, có khoảng trên 600 triệu địa chỉ sử dụng mạng internet đã bị áp chế chỉ được phép sử dụng giới hạn trong một số mạng. Một “vạn lý tường lửa” chặn các trang web của nước ngoài, đặc biệt các trang web nội dung được coi là mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản. Theo báo cáo, ở Trung Quốc có tới 100 ngàn cơ quan kiểm duyệt các trang mạng. Từ đầu năm 2009, trong vòng 10 tháng, chính phủ đã đánh sập toàn bộ hệ thống internet các tỉnh phía tây bắc tỉnh Tân Cương sau khi có bạo loạn của người Duy Ngô Nhĩ.
Tháng 6, thanh niên Iran sử dùng trang web và phương tiện truyền thông xã hội chuyển tải những thông tin về cuộc biểu tình nổ ra sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi. Cuộc nổ súng giết người dã man làm chết một phụ nữ 26 tuổi, Neda Agha-Soltan, của lực lượng bán quân sự ủng hộ chính phủ được ghi hình bằng điện thoại di động tung lên mạng internet, cũng như trên Twitter và Facebook. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, hàng triệu người được chứng kiến cái chết của Neda nằm trong vũng máu trên đường phố Tehran thông qua video clip. Tạp chí Time mô tả, đây có thể “là vụ giết người được chứng kiến đông đảo nhất trong lịch sử”. Đoạn video clip ấy đã kích động sự phẫn nộ trên toàn cầu thay cho những người biểu tình.
Chỉ năm ngày trước, các quan chức Bộ Ngoại giao theo dõi trên mạng về những nỗ lực của phe đối lập ở Iran, phát hiện một chuyện rất đáng lo ngại. Twitter có kế hoạch tạm đóng tài khoản sử dụng trên toàn cầu để bảo trì và đưa ra dịch vụ mới vào đúng giữa trưa ở Tehran. Jared Cohen, một thành viên 27 tuổi của tổ chức Cơ quan Hoạch định Chiến lược có mối quan hệ với Twitter. Tháng Tư, Jared tổ chức chuyến công du cho Jack Dorsey đến Baghdad, người đồng sáng lập công ty, giám đốc điều hành ngành công nghệ. Anh nhận ra vấn đề, nhanh chóng cảnh báo Dorsey tạm ngừng việc đóng cửa dịch vụ vì có thể ảnh hưởng đến những nhà hoạt động Iran. Kết quả Twitter trì hoãn việc bào trì cho đến nửa đêm. Trong một bài viết trên blog của công ty, giải thích lý do sự chậm trễ vì “vai trò Twitter là một phương tiện giao tiếp quan trọng tại Iran”.
Nhưng chính phủ Iran cũng tỏ ra rất chuyên nghiệp trong việc sử dụng công nghệ mới cho mục đích riêng. Vệ binh Cách mạng theo dõi người lãnh đạo biểu tình bằng cách kiểm tra trên trực tuyến. Mỗi khi những người Iran sống ở hải ngoại đăng bài lên án chế độ, lập tức thân nhân của họ sống trong nước bị trừng phạt. Nhà chức trách đôi khi đánh sập mạng internet và hệ thống điện thoại di động. Không những thế, chính phủ Iran sử dụng cách thông thường như đe dọa và khủng bố. Vì bị đàn áp tàn bạo, các cuộc biểu tình ở Iran thất bại.
Tôi thất kinh trước những gì xảy ra ở Iran và cuộc đàn áp các nhà hoạt động trực tuyến trên mạng của nhà nước độc tài nhất trên thế giới. Tôi tìm Dan Baer, phó Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, người mà tôi tuyển dụng từ Georgetown, giáo sư nghiên cứu và giảng dạy về mối quan hệ giữa đạo đức, kinh tế và nhân quyền. Tôi yêu cầu ông cộng tác với nhóm Alex tìm cách giúp đỡ họ. Ông cho hay, nếu chúng ta tài trợ cho các nhà bất đồng chính kiến hệ thống kỹ thuật đời mới, họ có thể phá được hệ thống kiểm soát và theo dõi của chính phủ Iran. Các khoản đầu tư của chúng ta có thể đóng vai trò then chốt như công cụ trong việc xử lý giúp những nhà hoạt động mà họ rất cần để truy cập nhưng không bị kiểm soát và đánh sập. Nhưng hệ thống này lại có nhược điểm: nếu bọn tội phạm và tin tặc có trong tay thì chúng ta cũng khó phát hiện về hoạt động của chúng. Ngay cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của chúng ta phải chờ đợi một thời gian mới có được. Vậy có nên mở cái hộp Pandora trực tuyến hoạt động bất hợp pháp không? (Theo thần thoại Hy Lạp, hộp Pandora của thần Zeus tặng nàng Pandore, dặn đừng bao giờ mở nó. Nhưng vì tò mò, nàng Pandora đã mở, từ đó biết bao tai hoạ ập xuống loài người - ND). Nó có gây rủi ro khi sử dụng để giúp đỡ và bảo vệ các nhà hoạt động hay không?
Tôi xem xét nghiêm túc về mối quan hệ này. Tác động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia chúng ta là có thật, nhưng không dễ gì xảy ra. Vì vậy, tôi quyết định phát biểu vấn đề này công khai với thế giới về cái giá của sự rủi ro. Bọn tội phạm bao giờ cũng tìm cách khai thác và sử dụng công nghệ mới, vì thế công nghệ này không chỉ nằm trong tay chúng ta. Tôi bật đèn xanh tiến hành công việc. Nhóm tôi bắt tay hành động, thời điểm tôi viếng thăm Lithuania năm 2011, chúng ta đã đầu tư hơn 45 triệu Mỹ kim thông qua các phương tiện máy móc, giúp các nhà bất đồng chính kiến sử dụng trực tuyến an toàn và đào tạo hơn năm ngàn người hoạt động trên toàn thế giới và chính những người này lại trở thành huấn luyện viên đào tạo hàng ngàn người khác. Chúng tôi làm việc với các nhà thiết kế, phát minh những ứng dụng và các thiết bị mới nên thiết kế thêm nút báo động trên điện thoại di động để người biểu tình biết bạn họ (nam hoặc nữ) vừa bị bắt giam, xoá bỏ tất cả các dữ liệu và địa chỉ liên lạc cá nhân, nếu như bị bắt, chính phủ không tìm ra tài liệu và sơ sở của bạn bè.
Chương trình công nghệ mới là một phần trong những nỗ lực thích ứng với các chính sách của Bộ Ngoại giao và đối ngoại của Hoa Kỳ thế kỷ 21. Trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi giữ chức Ngoại trưởng, tôi có đọc bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs: “Nước Mỹ bên bờ vực thẳm: Quyền lực thế kỷ trong hệ thống mạng” của Anna Marie Slaughter, Trưởng bộ môn của trường Wilson Woodrow về Công vụ và Ngoại giao Quốc tế Princeton. Bà nói về khái niệm hệ thống khi tắt mạng internet, nhưng thực tế bài viết đề cập nhiều vấn đề. Nó buộc chúng ta phải hành động bằng các tổ chức trong thế kỷ 21 như cộng tác, giao tiếp, thương mại thậm chí chiến tranh. Trong thế giới mạng này, bà giải thích, một xã hội đa dạng mang tính quốc tế hóa có lợi thế hơn một xã hội độc đoán, khép kín. Xã hội ấy có vị trí tốt hơn để tận dụng lợi thế trong việc mở rộng mạng lưới thương mại, giao lưu văn hóa, hệ thống công nghệ tân tiến và tận dụng được cơ hội gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu. Bà lập luận, đây là tin tốt lành đối với Hoa Kỳ, một quốc gia đa văn hoá, giàu sức sáng tạo và một cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ.
Tính đến năm 2009, hơn 55 triệu người Mỹ là người nhập cư hoặc con cái của người nhập cư. Người nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai thường vẫn còn liên kết với những phần giá trị của quê hương bản xứ và cũng đóng góp đáng kể về đời sống kinh tế văn hoá, chính trị cho đất nước chúng ta. Người nhập cư đã giúp trẻ hoá dân số Mỹ và năng động tại thời điểm mà nhiều đối tác cũng như đối thủ cạnh tranh, dân số nước họ đang lão hóa. Nhất là nước Nga, trước sự đối mặt với lão hóa dân số lớn đến nỗi Tổng thống Putin phải lên tiếng về “khủng hoảng nhân khẩu”. Ngay tại Trung Quốc, do chính sách “một con” họ đang tiến dần đến trước vách đá nhân khẩu. Tôi chỉ mong sao dự luật cải cách về luật nhập cư của chúng tôi được lưỡng đảng thông qua tại Quốc Hội vào năm 2013.
Trong lúc tôi vẫn tôn trọng các phương tiện truyền thông theo lối cũ, nhưng cũng tán thành bài phân tích của Anna Marie khi so sánh về lợi thế của Hoa Kỳ trong thế giới mạng. Đây là câu trả lời cho tất cả các cuộc tranh luận về sự suy yếu khởi nguồn từ hệ thống truyền thông cũ và những sáng tạo tiên tiến nhất của Hoa Kỳ. Tôi đề nghị Anne thôi giảng dạy tại Princeton sang Bộ Ngoại giao giữ chức Giám đốc Hoạch định Chính sách, kiêm cố vấn, đồng thời kiêm nhiệm chỉ đạo việc đánh giá lại toàn diện chính sách của Bộ Ngoại giao và USAID với danh xưng Đánh giá lại trong bốn năm Ngoại giao và Phát triển (QDDR - the Quadrennial Diplomacy and Developmant Review). Thành lập đơn vị này xuất phát từ sự kiện thiết lập Đánh giá lại trong bốn năm của Ngũ Giác Đài về Quốc phòng, từ đó tôi trở thành người thân quen như là thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện và nhằm vạch ra đường lối chính xác khi chúng ta đưa quyền lực thông minh vào thực hành và hoạt động cái mà tôi bắt đầu gọi “Nghệ thuật quản lý nhà nước ở thế kỷ thứ 21”. Vấn đề này bao gồm cả việc khai thác sử dụng công nghệ mới, quan hệ đối tác giữa công và tư, mạng kết nối của cộng đồng hải ngoại và các công cụ phục vụ khác, đồng thời giúp chúng ta tiến nhanh, tiến xa hơn vào lĩnh vực ngoại giao theo truyền thống cũ, đặc biệt về năng lượng và kinh tế.
Cục Cộng vụ của Bộ Ngoại giao thành lập bộ phận kỹ thuật số để mở rộng các thông điệp của chúng ta thông qua các mạng chính như Twitter, Facebook, Flickr, Tumblr và Google+. Đến năm 2013 đã có hơn 2,6 triệu người sử dụng Twitter, có hơn 301 cơ sở sử dụng trên 11 ngôn ngữ để trả lời, trao đổi bao gồm tiếng Ả Rập, Trung, Farsi, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Urdu (Urdu ngôn ngữ được sử dụng ờ một số nước Tây Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangdalest, Ả Rập… khoàng >60 triệu người – ND). Tôi khuyến khích các quan chức ngoại giao ở các tòa đại sứ trên toàn thế giới nên mở tài khoản Facebook, Twitter, quan hệ với cơ sở truyền hình địa phương và tham gia mọi hình thức có thể được với nước sở tại. Và cũng thật quan trọng, tôi muốn mọi người hãy lắng nghe ý kiến của người dân bản xứ về tâm tư nguyện vọng và cả với truyền thông xã hội. Trong thời đại ngày nay chỉ vì quan ngại về an ninh, nhiều quốc gia hạn chế người dân trong nước tiếp xúc với công dân nước ngoài, do đó phương tiện truyền thông xã hội lại cung cấp trực tiếp những điều mà người dân bản xứ suy nghĩ, cất tiếng nói tâm tư của mình, kể cả ở trong một xã hội quan hệ khép kín. Ngày nay đã có hơn 2 tỷ người sử dụng mạng xã hội, gần 1/3 dân số toàn cầu. Internet đã trở thành không gian công cộng của thế kỷ thứ 21, một thành phố vuông của thế giới, trường học, chợ, quán cà-phê và cả các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng sinh hoạt ở trong thành phố vuông này.
Khi Mike McFaul, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stanford và chuyên gia về Nga ở Hội đồng An ninh Quốc gia chuẩn bị sang Moscow làm tân Đại sứ, tôi nói với ông, hãy cố gắng tìm mọi cách sáng tạo tránh chính phủ Nga gây khó dễ để có thể giao lưu trực tiếp với người dân bản xứ. Tôi nói: “Mike, anh cần nhớ ba điều này: mạnh mẽ, lưu ý đến tầng lớp tinh hoa và tận dụng những kỹ nghệ tiên tiến nhất để tiếp cận với nhiều người”. Ngay lập tức ông bị giới truyền thông do điện Kremlin kiểm soát bôi nhọ. Tôi gọi điện cho ông theo đường dây mở trong đêm ấy, nói rõ ràng, dễ hiểu để bọn gián điệp Nga nếu nghe lén có thể hiểu, tôi khen ngợi, động viên những việc ông đã làm.
Mike trở thành người ưa chuộng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, thu hút hơn 70 ngàn người trên tài khoản Twitter của ông và là một trong mười tiếng nói trực truyến có ảnh hưởng lớn nhất ở Nga, (đánh giá này dựa trên số lượng người đề cập và đọc trực tuyến). Nhiều người Nga biết ông chủ yếu qua bí danh @McFaul, họ ngạc nhiên, thích thú về sự thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng kết nối với mọi người nếu có thể được. Để lý giải giữa chính sách của Hoa Kỳ và sự cáo buộc nổi cộm của chính quyền Kremlin, Mike đều đặn gửi những suy nghĩ riêng tư và những tấm ảnh cho độc giả qua Twitter. Nhân dân Nga nhận thấy vị Đại sứ Hoa Kỳ cũng chỉ là một con người theo đúng nghĩa, có nghĩa là cũng thích xem vũ ba-lê ở nhà hát Ballet Bolshoi, muốn được dạo quanh Hồng trường, họ biết cả ngón tay ông bị thương do chơi bóng rổ nay đã hồi phục. Trong một cuộc họp với quan chức gần đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã hỏi về ngón tay đau của Mike. Khi ông kể câu chuyện đau tay, Thủ tướng Medvedev xua tay bảo: “Thôi đừng kể nữa, tôi đã đọc tâm sự của ông trên Twitter.”
Ngay đầu nhiệm kỳ, Mike trở thành điểm nóng tranh cãi trên Twitter với Bộ Ngoại giao Nga. Ngoại trưởng Thụy Điển, Carl Bildt, ông có hơn 250 ngàn bạn đọc theo dõi, gõ chuông cảnh báo trên Twitter, ông viết: “Tôi nhận ra MFA Nga (MFA, - Ministry of Foreign Affairs - Bộ Ngoại giao- ND) đang mở chiến dịch chiến tranh trên tài khoản Twitter với tài khoản @McFaul vị Đại sứ Hoa Kỳ. Đây là một thế giới mới -các độc giả thân mến à, không phải chiến tranh hạt nhân đâu. Điều này kể ra cũng tốt thôi.” Tôi nghĩ, người đầu tiên thích thú và đồng ý với bình luận này chính là Mike McFaul.
Nếu đường truyền thế giới mạng ở tốc độ siêu tốc sẽ thể hiện sức mạnh, cơ hội dành cho thực thi quyền lực thông minh, thúc đẩy lợi ích, đồng thời tỏ rõ những thách thức lớn mới về an ninh và giá trị của chúng ta.
Không ngờ tháng 10-2010, điều này trở thành một chuyện rất đau lòng khi các tổ chức truyền thông trực tuyến Wikileaks và một số phương tiện truyền thông trên toàn thế giới bắt đầu công bố hơn 250 ngàn tài liệu đánh cắp trong hệ thống mạng của Bộ Ngoại giao, trong số tài liệu rò rỉ này có rất nhiều tài liệu rất nhạy cảm trong lĩnh vự ngoại giao và tình báo của Bộ ngoại giao.
Một nhân viên tình báo quân sự trẻ tuổi đóng tại Irag, binh nhì Bardley Manning đã tải dữ liệu từ hệ thống mạng bí mật của máy chủ Bộ Quốc phòng, trao cho WikiLeaks và Julian Assange công dân Úc, người lãnh đạo tổ chức WikilLeaks. Một số nước ca ngợi, tôn vinh nhóm Manning và Assange, coi họ đã theo truyền thống cao thượng của Hoa Kỳ, dám tiết lộ những việc làm sai trái của chính phủ trước công luận, họ còn so sánh việc này với vụ rò rỉ tài liệu của Ngũ Giác Đài trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng tôi không cho việc làm này giống như vậy. Thời điểm đó tôi đã từng phát biểu, niềm tin chính đáng của người dân là phải hiểu sự cần thiết trong thông tin liên lạc nhạy cảm trong ngoại giao, cần phải bảo vệ quyền lợi quốc gia trước, rồi mới đến quyền lợi chung của thông tin toàn cầu. Mỗi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, phải được tư do trao đổi, chuyện trò một cách vô tư với người khác hay quốc gia khác mà họ cần trao đổi. Trong số hàng ngàn dữ liệu bị đánh cắp từ hệ thống đường cáp truyền cho thấy quan chức ngoại giao Hoa Kỳ làm tốt nhiệm vụ, nhiều khi ở hoàn cảnh rất khó khăn.
Các kênh truyền cáp quang đa dạng, rất hấp dẫn. Ví dụ như, trong một cuộc hội thảo ngoại giao với một bộ trưởng Trung Á, ông ta có biểu hiện sự say xỉn khi “vật lưng xuống ghế, lẩm bẩm bằng tiếng Nga” trong lúc người khác đang kể chuyện đám cưới ở Dagestan của Nga, khách dự tiệc lại ném tờ 100 Mỹ kim cho lũ trẻ đang nhảy múa là một “một phần trong mối quan hệ xã hội và chính trị theo vi mô của Bắc Caucasus”. Các nhà ngoại giao cũng thường đưa ra những nhận xét sâu sắc về các nhà lãnh đạo thế giới, một kênh cáp quang Zimbabwe của tên bạo chúa Robert Mugabe ghi nhận “sự thiếu hiểu biết sâu sắc về quản lý kinh tế (nhưng vì tin tưởng trong tay có 18 tiến sĩ thì y có quyền bác bỏ các định luật về kinh tế học).”
Các tài liệu rò rỉ công khai này gây biết bao khó khăn và hậu quả khó lường cho các quan chức ngành ngoại giao, trong đó có nhiều người có đôi mắt quan sát sắc sảo và những nhà văn tài năng. Ngay cả một số phản hồi chân thật cũng gây thiệt hại cho mối quan hệ ngoại giao mà đã chúng ta vun đắp một cách cẩn trọng trong nhiều năm qua. Những nhà ngoại giao chúng ta thường xuyên đưa tin những cuộc trò chuyện với các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến, chủ doanh nghiệp, thậm chí với cả quan chức ngoại giao của chính phủ nước ngoài, những người có thể đối mặt với sự đàn áp và trừng phạt nếu tên của họ bị rò rỉ công khai trước công chúng.
Sau những hậu quả trực tiếp do sự rò rỉ, tôi lên án việc tiết lộ trái phép các thông tin mật. Tôi nói: “Sự rò rỉ đã đặt tính mạng của người dân vào vòng nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia và làm suy yếu những nỗ lực của chúng ta với các nước khác đang cùng giải quyết những vấn đề cần chia xẻ”. Sau đó tôi phải đối mặt với những hậu quả về ngoại giao với các nước đồng minh bị thiệt hại và các đối tác bị xúc phạm.
Tôi yêu cầu Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Quản lý, Pat Kennedy thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên phân tích dữ liệu rò rỉ, các điện tín của kênh cáp quang và xác định những thông tin đã bị tổn thất và hậu quả do tiết lộ về những lợi ích, về cá nhân và các đối tác của chúng ta. Đồng thời khẩn cấp mở rộng tổ chức xác định sự thiệt hại các nguồn thông tin, nếu cần phải giúp họ an toàn.
Vào đêm trước Lễ Tạ ơn 2010, tôi gọi điện tới nhiều người từ tư dinh ở Chappaqua. Trước tiên tôi gọi Kevin Rudd, Ngoại trưởng và cựu Thủ tướng Úc, thảo luận các chủ đề thường quan tâm như Bắc Hàn. Sau đó tôi nói với ông: “Có một chuyện tôi muốn đề cập, đó là WikiLeaks”. Đại sứ Hoa Kỳ ở Úc đã nói sơ qua với Rudd về một số cuộc thảo luận bí mật trong khu vực kể cả các hoạt động của Trung Quốc có thể bị tiết lộ. Chính phủ Úc phản ứng bằng cách thành lập lực lượng đặc nhiệm giải quyết tình hình. Ông nói: “Đây là vấn đề có thể thật. Nếu thế sẽ gây ra hậu quả khôn lường”. Tôi đồng ý: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì quá sơ hở.” Tôi hứa sẽ làm tất cả những gì có thể được để giảm sự thiệt hại.
Đây là kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn kéo dài, qua điện đàm tôi đưa ra những lời cáo lỗi. Những ngày qua, tôi đã trao đổi với rất nhiều Ngoại trưởng, một vị Thủ tướng và một vị Tổng thống. Cuộc điện đàm còn trao đổi nhiều vấn đề khác, nhưng hầu như câu chuyện bao giờ tôi cũng thông tin những ngày sắp tới có thể nhiều điện tín mật bị rò rỉ đề nghị thông cảm cho. Một số rất bất bình vì cảm thấy bị tổn thương; Một số khác nhận thấy đây là cơ hội dùng nó làm đòn bẩy với Hoa Kỳ và ra sức khai thác. Nhưng đa số mang tính khoan dung và đồng cảm. Ngoại trưởng Đức, Guido Westerwelle, nói: “Tôi nhận thức rất sâu sắc những gì bà vừa trao đổi.” Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì an ủi: “Tôi không thể đoán trước được sự phản ứng của công chúng, nhưng điều quan trọng nhất là cả hai bên chúng ta vẫn giữ được niềm tin lẫn nhau. Đây chính là những lời tuyệt diệu cho mối quan hệ song phương Trung - Mỹ.” Một nhà lãnh đạo còn nói đùa: “Bà hiểu chúng tôi đánh giá về bà ra sao rồi chứ.”
Những cuộc đối thoại cá nhân ngày càng khó khăn. Tuần đầu của tháng 12, tôi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở Astana, Kazakhstan cùng với nhiều các nhà lãnh đạo trên thế giới. Trên trang nhất của một số báo ở Ý đăng tải về Thủ tướng Ý, Silvo Berlusconi, bài viết đánh giá ông như anh hề do những kênh thông tin bị rò rỉ làm ông rất khó chịu. “Tại sao bà lại nói về tôi như vậy?” Ông hỏi vặn tôi khi chúng tôi ngồi cạnh nhau, rồi nhấn mạnh: “Mỹ từ nay chẳng còn là người bạn thân thiết nữa. Bà biết về tôi, tôi hiểu về gia đình bà”. Ông kể câu chuyện cảm động về cha, khi ông còn nhỏ thường dắt ông đến nghĩa trang binh sĩ Mỹ đã hy sinh vì nước Ý, rồi nói: “Tôi không bao giờ bỏ qua chuyện này đâu.” Tiếng xấu của Berlusconi chẳng ai lạ gì, nhưng tư liệu được thổi phồng trên báo chí trở thành nhân chứng. Nhưng cách ăn nói như ông với đồng nghiệp và Hoa Kỳ nói riêng là cả vấn đề nghiêm trọng, thật đáng xấu hổ.
Một lần nữa tôi cáo lỗi. Không ai muốn lộ những lời lẽ khiếm nhã của ông hơn là tôi. Tôi hiểu, lời xin lỗi không đủ để ông nguôi giận. Ông yêu cầu tôi cùng đứng trước các nhà báo với ông, phải long trọng tuyên bố về tầm quan trọng mối quan hệ hai nước Hoa Kỳ và Ý, ấy thế mà tôi đã phải làm. Ngoài những nhược điểm cá nhân, ông là người thân thiện với Hoa Kỳ, hơn nữa nước Ý là đồng minh chủ chốt và quan trọng của NATO, đất nước mà chúng tôi rất cần sự ủng hộ trong mọi diễn biến trên thế giới, bao gồm cả chiến dịch sắp tới ở Libya. Vì thế tôi đành phải làm tất cả những gì để lấy lại niềm tin và sự tôn trọng giữa hai quốc gia.
Cuối cùng chúng tôi đã tiếp cận với hầu hết các lãnh đạo bị nêu tên trong kênh bí mật bị rò rỉ. Chúng tôi làm hết sức mình để giảm thiểu tác hại lâu dài. Trong một số trường hợp, với những lời chân thực cáo lỗi thậm chí còn gây được mối quan hệ thân thiết hơn nữa. Có vài trường hợp không thể hàn gắn được sự đổ vỡ.
Tại Libya, Đại sứ Gene Cretz báo cáo về sự chai lỳ của Đại tá Muammar Qaddafi về việc miễn trừ ngoại giao cho ông ở Tripoli. Không những thế còn bị bọn côn đồ của Qaddafi đe doạ, tôi nghĩ đến chuyện triệu hồi ông về Hoa Kỳ để đảm bảo an toàn. Tại nước láng giềng Tunisia, nhà độc tài đã đào tẩu. Việc công bố các báo cáo bí mật của Hoa Kỳ về tham nhũng của chế độ gây thêm sự phẫn nộ trong dân chúng, trở thành cuộc cách mạng lật đổ Ben Ali.
Tình hình ngoại giao do việc rò rỉ của WikiLeak gây ra rất tồi tệ, tuy vậy chưa đến mức tê liệt. Nhưng báo trước dấu hiệu còn tệ hại hơn, nhiều vấn đề quan trọng sẽ bị rò rỉ sau khi tôi từ nhiệm. Edward Snowden, nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), người phụ trách giám sát truyền thông hải ngoại, đã đánh cắp khối lượng khổng lồ dữ liệu bí mật rồi chuyển cho giới báo chí. Lúc đầu Snowden chạy trốn đến Hong Kong, sau đó sang Nga và được chấp nhận tỵ nạn. Tài liệu rò rỉ của ông ta đã tiết lộ những thông tin chương trình tình báo tối mật và nhạy cảm nhất gây toàn thế giới phẫn nộ về việc Hoa Kỳ đã theo dõi những cuộc gọi điện cá nhân với các đối tác, như Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel và Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff. Ngoài ra còn lo ngại có thể bọn khủng bố, bọn tội phạm trên thế giới sẽ tìm cách thay đổi phương pháp truyền tin bí mật mà giờ đây chúng biết nhiều về nguyên lý, phương pháp sử dụng của mạng lưới cộng đồng tình báo Mỹ.
Chuyện căng thẳng lại xảy ra trong nước, tuy nhiên, mọi vấn đề tập trung vào cách khác nhau trong chương trình thu thập dữ liệu của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA – National Security Agency) có thể gây ảnh hưởng đến công dân Mỹ. Đặc biệt chủ yếu tập trung vào bộ tổng hợp hồ sơ số điện thoại, tuy không phải nội dung cuộc gọi hay danh tính người gọi mà là cơ sở dữ liệu của các số điện thoại, cuộc gọi giờ nào và thời gian bao lâu, như vậy có thể kiểm tra số điện thoại nghi ngờ có quan hệ với nhóm khủng bố. Tổng thống Obama từng đưa ra đề nghị Quốc Hội thông qua luật cải cách số điện thoại để chính phủ không cần lưu trữ dữ liệu đó.
Trong khi tiếp tục bảo vệ sự cần thiết giám sát các hoạt động và tình báo nước ngoài, Tổng thống hoan nghênh có cuộc tranh luận công khai, làm thế nào để cân bằng giữa an ninh, tự do dân chủ và quyển bí mật cá nhân sau vụ 11-9 xảy ra hơn mười năm trước. Cuộc đối thoại như thế không thể xảy ra ở Nga hay Trung Quốc. Trớ trêu thay, trước vài tuần khi vụ Snowden tung ra, Tổng thống đã đưa ra bài phát biểu quan trọng về chính sách an ninh quốc gia, trong đó có câu: “Với hơn một thập niên kinh nghiệm được rút ra, giờ đây là thời điểm ta tự hỏi chính bản thân ta, - bản chất của mối đe dọa hiện nay và làm thế nào ta có thể đối đầu với chúng… nếu lựa chọn phát động chiến tranh có thể gây ra tác động lớn – đôi khi ngoài ý muốn – nhưng cởi mở và tự do lại là chính lối sống của chúng ta.”
Là người của công chúng trong nhiều năm qua, tôi đánh giá cao và sự cần thiết phải được bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Mặc dù với nền kỹ nghệ mới đặt ra nhiều tình huống, nhưng những thách thức trong việc cân bằng giữa tự do và an ninh không phải dễ dàng. Hãy trở lại vào năm 1755, ngài Benjamin Franklin (chính trị gia, nhà khoa học, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Hành Pháp Tối cao, nhiệm kỳ 1785-1788 - ND) đã viết: “Những người muốn từ bỏ sự cần thiết của quyền Tự do để đổi lấy sự an toàn tạm thời, người đó chẳng xứng đáng được hưởng quyền tự do và sự an toàn.” Giữa quyền tự do và an ninh, rất khó có thể có cả hai, được cái này có khi mất cái kia. Trong thực tế, tôi tin hai vấn đề có thể bổ xung cho nhau. Vì không có an ninh thì quyền tự do thật mong manh và nếu không có tự do thì an ninh quá ngột ngạt, khó sống. Thách thức ở đây là phải tìm ra giải pháp cho phù hợp làm sao an ninh phải bảo vệ được quyền tự do, nhưng cũng đừng quá nhiều (hay quá ít) để gây nguy hiểm cho họ.
Với cương vị Ngoại trưởng, tôi tập trung bảo vệ sự riêng tư, an ninh và tự do trên mạng internet. Tháng 1-2010, Google thông báo họ phát hiện chính quyền Trung Quốc đã tìm mọi cách đột nhập vào các tài khoản Gmail của các nhà bất đồng chính kiến. Tập đoàn Google còn cho hay, họ sẽ phản ứng bằng cách thay đổi hệ đường truyền kênh của Trung Quốc vào các máy chủ ở Hong Kong bên ngoài “Vạn lý tường lửa”. Chính phủ Bắc Kinh đã phản ứng một cách giận dữ. Thế mà nay đột nhiên chúng ta đứng ngay trung tâm mọi rắc rối xảy ra với quốc tế.
Tôi đã phát biểu đôi lần việc nước Mỹ đang nỗ lực cam kết đối với tự do internet, bây giờ lại có hồi chuông cảnh báo về áp lực đường truyền trực tuyến. Tháng 1-2010, tôi đến Newseum, viện bảo tàng lịch sử Washington về công nghệ cao và báo chí trong tương lai thực hiện sứ mệnh “tự do kết nối mạng”. Tôi nêu ra những quyền tương tự về tự do cá nhân mà chúng ta rất yêu thích coi nó như căn nhà riêng của mình với khoảng trời rộng mở để gắn kết, chuyện trò, đổi mới, biện minh … đó là sự trao đổi trực tuyến.
Với nhân dân Mỹ, ý tưởng này đã ăn sâu cắm rễ từ khi có Đạo luật Bổ xung thứ Nhất (the First Amendment) được khắc trên tấm bia đá cẩm thạch Tennessee ngay trước lối ra vào của viện bản tàng Newseum. Nhưng tự do kết nối không chỉ là giá trị riêng của người Mỹ. Bản tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế khẳng định, mọi người sinh ra đều có quyền “đòi hỏi, tìm kiếm, quyền được nhận và phản hồi thông tin, ý tưởng thông qua giới báo chí truyền thông không biên giới.”
Tôi muốn các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Iran hiểu thông báo của chúng ta, rằng Hoa Kỳ quyết thúc đẩy và bảo vệ internet, nơi các quyền của người dân cần được bảo vệ, được mở cửa để được đổi mới, thích ứng và hòa đồng với thế giới, với mức độ an toàn được người dân tin tưởng và đủ tin cậy hỗ trợ công việc của họ. Chúng tôi phản đối những nỗ lực tìm cách hạn chế truy cập hay muốn thay đổi các quy tắc quốc tế về quản lý hệ thống internet, hỗ trợ các nhà hoạt động và sáng tạo tìm cách vượt qua bức tường lửa. Một số quốc gia muốn thay thế hệ thống tiếp cận đa ngành quản lý internet thành lập từ những năm 1990s, trong đó tập hợp nhiều chính phủ, lĩnh vực tư nhân, các quỹ và người dân hỗ trợ tự do thông tin trong mạng lưới duy nhất của toàn cầu, họ muốn thay vào đó bằng cách chính phủ kiểm soát mọi mặt. Họ muốn mỗi quốc gia có quy tắc riêng, tạo hàng rào riêng trên mạng. Cách tiếp cận này sẽ đưa đến thảm họa cho tự do internet và thương mại. Tôi trực tiếp chỉ đạo các quan chức ngoại giao tìm mọi cách đẩy lùi những nỗ lực đó trên diễn đàn hay hội thảo quốc tế dù diễn đàn ấy lớn hay nhỏ.
Bài phát biểu gây xôn xao dư luận, đặc biệt trên trực tuyến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) coi đó là “sự đột phá”. Tôi hy vọng, chúng ta đang bắt đầu đối thoại để thay đổi quan niệm và cách suy nghĩ về tự do internet. Mong mỏi nhất của tôi là Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu trên chiến tuyến về quyền con người trong thế kỷ thứ 21, giống như những gì Hoa Kỳ đã thực hiện ở thế kỷ 20.
Những Lựa Chọn Khó Khăn Những Lựa Chọn Khó Khăn - Hillary Rodham Clinton Những Lựa Chọn Khó Khăn