Where the sacred laws of honour are once invaded, love makes the easier conquest.

Addison

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 88
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ôm khu cư xá hỏa xa và ga Huế bị oanh tạc, gia đình ông Bỗng bị một phen sợ hãi chưa từng có trong đời. Bộ đội chiếm ga Huế xong, liền tỏa ra khắp khu cư xá đào công sự, bố trí súng lớn súng nhỏ. Dân địa phương bị bất ngờ, đóng kín cửa không dám ra ngoài, e dè chưa biết phải cư xử với những người xa lạ này ra sao, những người tuy nói cùng một ngôn ngữ nhưng đúng lúc này lại trở thành những kẻ có quyền sinh sát tối thượng. Nếu những bộ đội trẻ tuổi ăn mặc xốc xếch ấy tỏ hết uy quyền của mình, bắt buộc người dân phải làm điều này điều nọ, thì chắc chắn không thiếu gì người mau mắn tự mở cửa, mời mọc nịnh bợ họ để mua sự an toàn. Đằng này, dường như chính bộ đội cũng cố tránh tiếp xúc với dân chúng.
Nhờ vậy, cả gia đình ông Bỗng cũng làm y như các nhà lân cận, nghĩa là đóng chặt cửa, lâu lâu vẹt màn cửa sổ hay nhìn qua khe ván để quan sát vội động tĩnh bên ngoài. Những “mảng” thời sự chụp vội ấy chỉ làm cho cả nhà hoang mang thêm. Một chú bộ đội xách cái xô nhựa màu xanh đến nhà bác Tuyến đối diện gõ cửa xin nước nấu cơm. Một cảnh cãi cọ rồi xô xát ẩu đả. Khẩu súng phòng không kềnh càng như hình ngựa trời đặt dưới một lùm nhãn thấp. Cảnh ba bốn người lính Bắc Việt túm tụm với nhau ở chái nhà kho hỏa xa nghe “đài”. Một đóm sáng thuốc lá ở ngay bên kia cửa sổ. Những tiếng chân rầm rập đi lại ngay trước đường cái… Những mảng hình ảnh, âm thanh ấy không phù hợp với những tin tức ông Bỗng và Ngọc nghe lén được qua các đài phát thanh Sài gòn, BBC, VQA, NHK, Úc đại lợi. Trong hoang mang lo âu, tự nhiên cả gia đình cảm thấy cần thiết nhau hơn, người nọ tìm an tâm qua người kia. Không ai ngủ nghê gì được, nhà kín cửa nên lúc nào bên trong cũng tối. Bà Bỗng không dám thắp đèn “sợ bên ngoài họ nhìn vào biết trong nhà có đàn ông”…Bà lo sợ cho Ngọc. Nếu ông Bỗng và Diễm đủ bình tĩnh nhận xét, chắc chắc hai người đã thấy vợ và mẹ thật bất công, chỉ lo lắng cho một mình Ngọc thôi! Bà chỉ lo những người Cộng sản sẽ ập vào xét nhà và bắt mất đứa con ngoan học giỏi của bà, niềm hy vọng, niềm hãnh diện của bà. Bà vẫn nghĩ rằng ông Bỗng vì tuổi già, và Diễm vì phái nữ không đến nỗi lâm vào nguy hiểm. Vì chỉ ngồi tụ quanh bộ xa lông mới thì thào nói với nhau những câu lơ lửng vô nghĩa hoặc không nói gì cả, nên khi khu hỏa xa bị oanh tạc, cả nhà luống cuống không biết phải núp vào đâu! Sau loạt oanh tạc đầu, Diễm thấy mẹ đang giấu đầu vào góc tường, nghĩ bóng tối đủ đánh lạc hướng những viên đạn. Diễm cũng đang đội một chiếc gối dựa trên đầu. Ông Bỗng và Ngọc thì nằm sát vào mé chiếc divan.
Tiếng máy bay trực thăng võ trang bay hơi xa, mọi người hoàn hồn, bắt đầu tìm một chỗ an toàn để núp. Cái divan mặt đá được chọn! Nhưng thấp quá, muốn chui vào phải nằm ngửa trên nền nhà, xê dịch từng chút mới được. Bà Bỗng và Diễm nhỏ người, núp dưới cái divan thuận lợi hơn. Hai người đàn ông thì khiêng chiếc bàn học đặt sát vào góc tường, lấy những tấm nệm của bộ xa lông chất lên trên làm thành cái hầm nổi. Bà Bỗng, với kiến thúc quân sự tối thiểu, cũng biết là mình được an toàn hơn chồng và con trai, nên từ dưới gầm divan cứ cố nói vọng ra:
- Nhớ nấp cho kỹ nghe Ngọc! “Nó” lại sắp bay quần trở lại đấy. Nhớ…
Tiếng nổ lớn rung chuyển cả ngôi nhà cắt đứt những lời dặn dò. Bụi, bồ hóng lưu cửu từ bao đời rơi xuống. Tiếng ho sặc sụa chen lẫn những tiếng khóc. Bên ngoài, nhiều loạt súng phòng không và súng AK bắn lên. Dường như chen lẫn vào những tiếng nổ lớn nhỏ có cả những lời kêu cứu chới với, lạc lõng.
Đợt Oanh tạc đầu tạm ngưng, thì độ 15 phút sau, tiếp thêm một đợt oanh tạc khác. Vì vậy, mãi nửa giờ sau khi trên không không còn tiếng máy bay, mọi người mới dám bò ra khỏi chỗ núp. Sự tò mò đẩy hé những tấm cửa vốn đóng kín. Rồi nhà này bắt chước nhà kia, người ta lấy bạo bước ra khỏi khung cửa. Cảnh đổ nát trước mắt, những căn nhà cháy đang ngùn ngụt lửa khói khiến cho nỗi lo sợ thêm tăng. Đám bộ đội đóng trong khu hỏa xa mải lo chấn chỉnh lại các ổ chiến đấu và phòng không. Rồi không ai bảo ai, không thể biết ai trước ai sau, ai khởi xướng và ai bắt chước, dân cả khu hỏa xa ùn ùn kéo nhau bỏ đi. Một số chạy lên phía Nam giao. Một số khác, có gia đình ông Bỗng, chạy về phía trường Luật. Vì Sao chạy về phía này hay phía nọ, không ai hiểu? Họ không hề nghĩ nơi đến là chỗ an toàn. Họ chỉ biết chắc một điều: là chỗ cũ không còn an toàn nữa.
Cả gia đình dắt díu nhau chạy qua chiếc cầu xi măng bắc qua con sông đào, ông Bỗng chạy trước lâu lâu dừng lại quát tháo vợ con vì họ chạy chậm quá. Không chậm sao được, người nào cũng ôm xách đủ thứ “của cải tài sản”. Ông Bỗng la lớn:
- Trời ơi là trời! Chết tới nơi rồi mà còn tiếc của. Không chạy mau trực thăng trở lại thì chết cả lũ!
Bà Bỗng không nói gì, chỉ khóc thút thít. Diễm cũng khóc. Ngọc vác lên vai cái thùng giấy nặng không biết bên trong gồm những gì, mạ bảo vác thì vác. Thế thôi!
Họ chạy đến trường Luật thì khựng lại. Phía trước mặt, bên kia đường là một dãy những công ốc đầy nhóc bộ đội, du kích, cán bộ, người nào cũng lăm lăm súng ống. Phía sau nhiều gia đình chạy lánh nạn đổ tới. Tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, cũng không hiểu do ai khởi xướng, mọi người ùa vào trường Luật ở ngay góc đường. Toán bộ đội canh gác ở cái công viên hình tam giác nhỏ nhất thế giới bên trái trường Luật tờ mờ nhìn những người tản cư, để mặc họ làm gì thì làm.
Ông Bỗng chạy khắp các nơi trong khuôn viên trường để tìm một chỗ trú ẩn an toàn nhất. Vì cầu toàn, ông không tìm được chỗ nào vừa ý, cho tới lúc người nào đó tìm ra chỗ lý tưởng: tầng hầm bên dưới trường Luật.
Tòa nhà này được xây cất từ thời Pháp thuộc, và cóp y lối kiến trúc nhà cửa ở Âu châu, nên bên dưới nền tầng trệt, có một tầng hầm nữa dùng để làm nhà kho chứa rượu, thực phẩm, đồ cũ, dụng cụ làm vườn. Căn hầm ẩm thấp nên ban điều hành trường Luật chỉ vất vào đấy những bàn ghế vật dụng phế thải, không ai chăm nom ngó ngàng tới. Lá khô, giấy cũ, rác rưới từ trên mặt đất bị gió lùa qua các cửa tò vò thông hơi bay vào hầm, trải một lớp héo úa lên mặt nền.
Ông Bỗng đưa gia đình vào tầng hầm sau nhiều người, nhưng ông là người đầu tiên thấy được “chỗ lý tưởng”. Trong khi những người khác tụm năm tụm ba ngồi với nhau than thở, kể lể, hoặc ngồi riêng một chỗ im lặng thất thần, thì ông nhận ra ngay được một điều quan trọng: căn hầm thiếu không khí, thiếu ánh sáng. Phải chiếm cho được chỗ ở ngay cửa tò vò thông hơi. Ông xô bà Bỗng và Diễm đến chỗ “đắc địa”, bắt Ngọc đặt cái thùng giấy xuống ngay để “xí chỗ”, và tự tay nhặt hết rác rưới cho sạch một diện tích khoảng ba thước chiều ngang ba thước chiều dài để mặc nhiên vạch “vùng đã có chủ”. Những điều ông Bỗng làm lôi những người khác trở về thực tế. Họ tỉnh mộng hơi chậm. Trong những người chậm chân, cũng có người chậm ít, người chậm nhiều, người buông xuôi để mặc tới đâu hay đó. Cảnh tranh sống gây một vài va chạm, cãi vã, đôi co, nhưng trật tự tương đối cũng phải tới. Các gia đình dùng đồ đạc của mình cắm mốc đánh dấu “đất sở hữu”, bắt đầu dọn dẹp vệ sinh. Một cô bé vô tâm bật diêm đốt mớ rác ngay trong hầm, làm khói tràn ngập. Nhiều tiếng la hét, chửi rủa. Và người ta bắt đầu ý thức được rằng không khí không còn là món quà miễn phí của Trời như trước nữa.
Kỳ diệu thay, khả năng thích ứng với hoàn cảnh một cách tự nhiên và mau chóng của những người mẹ! Bà Bỗng để mặc cho chồng biểu lộ tính tháo vát và uy quyền, chịu khó chờ cho tới lúc ông không còn gì để huênh hoang nữa, mới kín đáo gỡ nắp cái thùng giấy lên, trỏ vào trong hỏi nhỏ ông Bỗng:
- Liệu chừng này gạo có đủ không, mình?
Ông Bỗng giật mình, nhìn vợ đăm đăm, tuy không nói ra, nhưng thán phục vợ hơn tất cả mọi sự. Nghĩ lại, ông thấy mình hết sức “đoảng”. Lúc quyết định tản cư, ông chỉ nghĩ tới cái radio Hitachi ba băng. Ngọc nhắc nhở ông là trong tình cảnh hỗn loạn này, nằm trong vùng địch kiểm soát, mang cái radio tốt ra đường đã là một nỗi nguy hiểm. Lén nghe radio lại còn nguy hiểm hơn. Ông thấy con có lý, đành phải chạy tay không. Diễm vơ đại những của cải riêng gói vào cái mền mà chạy. Cho tới lúc này, nàng vẫn không hiểu mình đã đem theo thứ gì. Ông Bỗng cũng không hỏi, thầm cảm ơn con gái đã khôn ngoan đem theo cái mền cần thiết. Thời tiết vẫn giá rét như những ngày áp Tết, căn hầm ẩm mốc thiếu ánh sáng lại càng giá rét hơn. Cho tới lúc bà Bỗng khoe với ông những thực phẩm mang theo, gồm mấy đòn bánh tét, bánh chưng, kẹo mứt, hai đòn chả lụa, xâu nem còn lại, nửa bao gạo nhỏ, chai nước mắm… và vài thứ gói lặt vặt khác… ông mới thấy sự nhạy bén thực tiễn đáng nể của bà.
Ông ấm ức vì kém thớ, không muốn cho vợ lên chân! Ông tìm một điều sơ sót nào đó để chê nhẹ trước khi khen ngợi vợ. Nhưng Ông tìm không ra. Ông Bỗng lí nhí:
- Mình… mình thật là…
rồi tắt tị. Bà Bỗng cười thú vị, nụ cười thật sự thoải mái của cả đời làm vợ làm mẹ.
Nụ cười hiếm hoi ấy tắt ngay, khi ông Bỗng hỏi:
- Lấy gì để nấu cơm đây?
Bà Bỗng tái mặt! Phải! Bà quên mất chuyện phải có son chảo để nấu ăn. Mặt ông Bỗng đanh lại. Ngọc thấy mẹ hớt hải như sắp nhận tai họa, vội bảo cha:
- Mình còn nhiều bánh chưng bánh tét. Chắc chỉ núp ở đây vài ngày, rồi tình hình ngã ngũ, cũng về thôi!
Ông Bỗng nghe con nói cũng có lý, nhưng vẫn lắc đầu tỏ ra ngao ngán, bảo vợ:
- Bà… bà thật là…
Bà Bỗng hiểu, cúi mặt xuống đầu gối thút thít khóc. Diễm lo cho phần mình, cố tìm thế ngồi để che cái mền nàng mang theo. Nàng không nhớ đã mang theo những gì trong cảnh vội vã hấp tấp. Nàng chỉ sợ cha có thêm cớ để gắt ầm lên. Chỉ cần quan sát lối nhìn của những người cùng trốn với gia đình trong căn hầm trường Luật, Diễm cũng đủ thấy ông Bỗng không được thiện cảm của mọi người.
Khoảng 5 giờ chiều, có hai thanh niên mặc áo sơ mi trắng cụt tay bỏ ngoài quần bộ đội, mang dép râu bước vào hầm trường Luật. Một người cầm khẩu AK47, tóc húi cua, còn trẻ, người kia cũng trẻ tuổi nhưng nước da nâu sậm và vẻ mặt cau có, giọng nói chói tai, khiến anh ta có vẻ già dặn hơn. Anh này chỉ đeo khẩu K54 to tướng ngang hông. Họ bước vào hầm đột ngột. Mọi người im lặng, nín thở, hồi hộp chờ đợi. Tiếng một chiếc xe hơi rú ga vụt qua trên đường Lê Lợi nghe rõ mồn một. Người đeo súng lục ra lệnh cho các “chủ hộ” lần lượt đứng dậy khai “hộ” mình có bao nhiêu người, từ đâu tản cư tới đây. Không ai quen với hai tiếng “chủ hộ” nên anh ta nói xong khá lâu mà vẫn chưa có ai lên tiếng. Giọng anh ta bắt đầu líu ríu vì giận:
- Không ai có tai cả à? Ông này, gia đình mấy người?
Người đàn ông bị chỉ mặt bật đứng dậy. Giọng đáp hơi run:
- Thưa… thưa ông, gia đình tôi ba người.
Nhờ đã hiểu chữ “chủ hộ”, nên không đợi giục, và để cho xong việc, các chủ gia đình khác tự động đứng dậy khai rõ nhân số. Tất cả có 8 gia đình, cộng lại gần 40 người. Người mang súng lục có lẽ thỏa mãn tự ái vì được nể sợ, nên đổi giọng thân mật hơn trước:
- Ðáng lẽ bà con cô bác không nên đến đây, cứ ở nhà vì chúng không dám cho máy bay lên thẳng bắn phá nữa đâu. Các đồng chí phòng không đã sẵn sàng. B52, Con Ma, Thần Sấm còn chẳng sợ nữa là máy bay lên thẳng. Nhưng đã lỡ tới đây thì cứ ở tạm, mai mốt nên trở về nhà. Có ai mang vũ khí vào đây không?
Im lặng. Anh ta lại cáu kỉnh hỏi:
- Ai lỡ giấu vũ khí, đem nộp ngay để được cách mạng khoan hồng. Lại im lặng. Ông Bỗng thấy căng thẳng quá, nói lớn:
- Gia đình tôi không mang theo vũ khí. Chắc bà con ở đây cũng vậy. Chúng tôi chỉ chạy đi tránh đạn mà thôi!
Người mang súng lục đăm đăm nhìn ông Bỗng một lúc, rồi hỏi Ngọc:
- Anh này, có phải lính ngụy không?
Bà Bỗng cướp lời Ngọc, đáp trước:
- Không phải đâu. Con tôi học ở Sài gòn.
Người mang súng lục có vẻ không tin, do dự một lúc, rồi nhìn quanh khắp hầm. Hầu hết những người tránh nạn đều là đàn bà, con nít. Hắn có vẻ yên tâm, trở lại giọng hòa nhã:
- Thôi được, chúng tôi tin bà con cô bác. Có điều gì khả nghi, bà con cô bác phải báo cáo cho chúng tôi biết. Chúng tôi đóng ở ngay tầng trên, tại căn phòng sát đường. Nấu nướng gì, phải đem lên trên, và không được xông khói nhiều làm địch chú ý. Phải cử người canh gác cửa ra vào, ai muốn đi đâu phải xin phép. Bác này, có chuyện gì cần thì lên gặp chúng tôi.
Người bộ đội trỏ ông Bỗng. Ông Bỗng nhổm dậy định từ chối, nhưng hai người bộ đội đã quay lưng. Ông Bỗng bất đắc dĩ phải đứng dậy, lúng túng nhìn quanh khắp hầm. Cùng lúc đó, ông cảm thấy người mình nóng ran vì hãnh diện. Ông đã trở nên người quan trọng. Và ông đã đóng rất giỏi vai trò quan trọng này suốt thời gian ẩn nấp dưới hầm trường Luật.
Đêm về! Sương phủ dày bên ngoài, không khí trong căn hầm lạnh buốt trở nên ngột ngạt, đến nỗi đầu óc người nào cũng căng thẳng, quay cuồng. Không ai chợp mắt được. Ngọn đèn dầu hỏa duy nhất một gia đình chạy loạn ngẫu nhiên đem theo được đặt ở một góc hầm khuất gió. Ánh sáng mờ ảo ma trơi không lọt qua được lớp sương mỏng chập chờn từ bên ngoài mặt đất tràn xuống. Mọi người ngồi bó gối chịu đựng cái lạnh và nỗi lo âu thấp thỏm. Những đứa bé khóc thét lên từng hồi, cha mẹ chúng nổi xung chẳng những không dỗ dành còn phát thêm vào mông con. Tiếng khóc the thé làm nổi gai ốc, và từ đó, nhiều tiếng cãi qua cãi lại. Lũ trẻ ngưng khóc tò mò lắng nghe người lớn cãi vã nhau, rồi chuyển qua thút thít, lè nhè đòi về nhà. Diễm nhìn cảnh tượng trước mắt, ngao ngán tự hỏi không hiểu cảnh trí ở tầng đầu địa ngục có khác chút nào với cảnh này không. “chỗ đắc địa” bị gió từng cơn buốt da thổi vào, trở thành ”tử địa”. Khổ nỗi ông Bỗng phân định ranh giới rành mạch quá, căn hầm lại chật, nên khó lòng dời đi chỗ khuất gió. May nhờ tấm mền Diễm mang theo, cả nhà ngồi sát nhau, tấm mền len nhà binh cũ phủ lên cả bốn người.
Diễm hú vía, khỏi bị cha cằn nhằn vì đã giấu kịp những thứ nàng gói giữa tấm mền. Nàng đỏ mặt xấu hổ, khi thấy trong cơn bối rối, nàng chỉ mang theo những thứ vô bổ: hộp bánh biscuit bằng thiếc đựng kim chỉ thêu, mấy thỏi son môi, cái lược, và mấy cuộn quấn tóc bằng ni lông; ba số báo xuân, một tuyển tập truyện ngắn của nhà xuất bản Nguyễn đình Vượng, phong bì mầu nâu đựng một số thư từ và giấy tờ lặt vặt Diễm vẫn giấu dưới gối. Diễm băn khoăn thầm hỏi tại sao nàng nhớ đến phong bì này. Diễm và mẹ cùng ở chung buồng, ngủ chung một giường, nàng lại bận đi học, đi thực tập ở bệnh viện hộ sinh, ít khi có nhà nên trong căn buồng hẹp ấy, không thứ gì qua mắt được bà Bỗng. Một số thư từ Diễm nhận của bạn có đề cập tới nhiều chuyện riêng Diễm không muốn mẹ biết. Cho nên khi vào nội trú, nàng đem theo, Tết về nhà, nàng giấu dưới gối để mẹ khỏi thấy. Vậy mà Diễm vẫn nhớ ra, và đem theo đến đây? Ðiều này không có chút gì hợp lý. Diễm hòan toàn không nhớ gì cả, hết sức ngỡ ngàng khi thấy cái phong bì lớn dày cộm giữa tấm mền len.
Nàng chỉ tạm giải thích: lúc vơ cái mền đem đi, nàng đã làm lật hai cái gối lên, nhờ thế cái bì thư mới lộ ra. Nhưng lối giải thích ấy cũng không vững. Bà Bỗng quen nằm chiếu, và không chịu đựng được những chiếc mền len thật, vì những đầu lông cừu châm vào người làm cho bà cảm thấy gai gai, xót xót trên mặt da. Tấm mền đó vẫn bị xếp dưới chân chứ không đặt dưới hai cái gối. Thế là thế nào? Diễm đỏ mặt xấu hổ, thú nhận rằng trong lúc vội vàng gần kề bên nỗi nguy hiểm, nàng vẫn sợ mất những mẩu kỷ vật liên quan tới Ngữ: những lá thư Buôn mê thuột, những số báo xuân có đăng bài của Ngữ, tuyển tập có chọn in truyện “Khu vườn bên kia” của chàng. Ngữ ở đâu? Có thoát khỏi lằn tên mũi đạn không? Nhớ lại vẻ mặt hằn học hung dữ của tên bộ đội lúc chiều khi tra hỏi Ngọc, Diễm đau quặn cả lòng. Nếu anh ấy có mệnh hệ nào? Nếu… nếu… Bao nhiêu giả thiết bi đát nhất làm cho Diễm không cầm được nước mắt. Nàng giả vờ ho khi bị bà Bỗng hỏi:
- Cái gì vậy Diễm?
- Con bị cảm. Chắc sắp đau rồi!
Diễm trả lời, và cố hít mũi lớn hơn để chứng minh điều vừa nói. Nhờ vậy, nàng được thút thít thoải mái hơn. Bà Bỗng luồn tay dưới tấm mền an ủi con:
- Rán chịu cực đi con. Trời thương dân Huế mình, thế nào cũng tai qua nạn khỏi.
Ngọc ngồi ở phía đối diện chặc lưỡi, tiếc rẻ:
- Anh quên không mang hộp thuốc theo.
Ông Bỗng nói nhỏ:
- Đừng khai bác sĩ bác siếc gì cả, họ bắt đi cứu thương, thêm phiền! Ba biết họ lắm. Chẳng ưa gì người học cao đâu!
Lần đầu tiên Diễm nghe cha nói một điều có vẻ trìu mến có suy nghĩ. Nàng nhìn cha, thầm ganh tị với anh.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động