Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Đạo Hiếu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 848 / 11
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24 - Con Cá Voi Trong Ly Nước
ó thể một ngày nào đó tôi không còn trí nhớ. Tôi sẽ quên đường về nhà, quên cả người thân, bạn bè. Tôi sẽ không còn nhớ mình là ai. Nhưng chắc chắn tôi không bao giờ quên những giai điệu lạ lùng của nhà soạn nhạc thiên tài Nga: Shostakovich.
Thực ra tôi biết rất ít về ông, về âm nhạc của ông, thậm chí những tác phẩm của ông – mà tôi ôm ấp trong lòng nhiều thập kỷ qua – tôi cũng không biết tên. Nhưng đó là những tác phẩm thần thoại, nó lay động tôi, nó lan tỏa và lập tức chiếm lĩnh tâm thức tôi, hòa tan vào trí nhớ, vây phủ xúc cảm và chìm đắm bản ngã tôi vào những cơn sóng cuộn chảy, mờ mịt, réo gọi, ngân nga, gào thét…
Tiếc thay, tôi chỉ được nghe những giai điệu ấy có vài lần khi xem bộ phim CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI.
Đó là bộ phim tài liệu vĩ đại nhất trong tất cả các phim tài liệu mà loài người có được. Và âm nhạc của Shostakovich đã đóng vai trò quyết định. Đạo diễn Karmen cũng là một tài năng lớn nhưng ông chỉ có công dựng lên hình hài, tầm vóc của bộ phim, còn linh hồn và nhan sắc của tác phẩm điện ảnh kỳ ảo đó phải là âm nhạc của Shostakovich.
Tôi đã sục sạo hàng giờ trong các trang Web âm nhạc để cố tìm lại giai điệu của 30 năm về trước nhưng rốt cuộc chỉ được mấy dòng này:
“Shostakovich (1906-1975), nhà soạn nhạc người Nga được xem như một nhà viết nhạc giao hưởng vĩ đại nhất giữa thế kỷ 20. Ngoài thể loại giao hưởng ông còn viết concerto, nhạc kịch opera, ballet và nhạc phim.”
Còn đạo diễn Karmen thì tôi cũng tìm được mấy dòng tiểu sử ngắn ngủi: ”Roman Karmen Lazarovich sinh ngày 29 tháng 11 năm 1906 tại Odessa. Ông được trao giải Oscar năm 1943 với bộ phim tài liệu Thất Bại Của Quân Đức Ở Ngoại Ô Matxcơva. Sau đó ông làm bộ phim sử thi dài 12 tập mang tên Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại. Bộ phim này đã đưa tên tuổi của Karmen lên hàng những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ 20.”
Tháng Chín năm 2001 tôi đến nước Nga để tìm một chút âm vang của Shostakovich.
Nhưng nước Nga lại có quá nhiều thứ bất ngờ.
NGÀY 5 THÁNG 9 NĂM 2001
Khởi hành từ Seoul, chúng tôi đến Matxcơva sau một chuyến bay dài mệt mỏi. Sân bay tên gì vậy? Serechavo, sân bay quốc tế của thủ đô nước Nga đây sao? Tôi tưởng mình đang ở phi trường Tân Sơn Nhất. Chật hẹp. Đông nghẹt người. Chen lấn. Ồn ào.
Trời âm u. Không có ý niệm về thời gian. Mấy giờ vậy? Không ai biết. Đồng hồ chúng tôi đang chỉ giờ của Seoul. Trời ơi! Làm sao có thể làm thủ tục nhập cảnh giữa một rừng người hỗn độn như vậy? Không biết người của đại sứ quán Việt Nam đã đến chưa? Làm sao có thể nhận ra nhau giữa cái đống hổ lốn này?
Tôi chạy đi tìm cái đồng hồ treo tường. Trong tất cả các sảnh của sân bay không có chỗ nào treo đồng hồ. Tôi hỏi một ông già da trắng:
-What time is it, please?
Ông ta không hiểu. Một cô tiếp viên hàng không ở đàng kia đi lại:
-What time, ma’am?
Lại không hiểu. Giương mắt ra nhìn. Tôi bực mình, chụp lấy cổ tay cô tiếp viên hàng không, lật ngửa lên: Hai giờ mười lăm phút. Ở Nga, muốn coi đồng hồ có lẽ chỉ còn cách đó.
Tiếp theo là chen lấn, xếp hàng, rồi lại chen lấn. Người ta làm gì mà đổ xô đến Matxcơva nhiều như vậy? Chẳng phải nước Nga đang thiếu nhu yếu phẩm, đang không có đường mà ăn, đang phải xếp hàng để mua bánh mì sao?
Ấn tượng mà cái phi trường sì-trum này tạo ra là: nước Nga không sẵn sàng, nước Nga là một căn nhà khổng lồ nhưng chỉ có một cái cửa ra vào nhỏ như cái hang thỏ, nước Nga đang quay lưng lại với thế giới và nước Nga không có ngành du lịch.
Và tôi, không biết tiếng Nga, không có xe hơi, không biết đường đi… đành lẩn quẩn trong khu nhà khách tòa đại sứ Việt Nam.
Nhưng tôi không thất vọng vì tôi biết nước Nga ẩn giấu nhiều thần thoại, nhiều bất ngờ.
NGÀY 6 THÁNG 9 NĂM 2001
Mười giờ rưỡi sáng thứ năm, thăm Quảng trường Đỏ. Một người đàn bà nói: Hôm nay không cho vào vì đang sửa chữa. Lát sau người đàn bà nọ giới thiệu một bà già 70 tuổi. Bà ta bảo mỗi người đóng 60 rúp. Bà lấy ra một nửa, gói trong tờ giấy, bảo mọi người gom máy ảnh lại để bà ta giữ, xong dẫn đoàn vào cổng.
Đến cổng mới hay là quảng trường vẫn mở cửa đón khách bình thường vì hiện đang có một đoàn khách quốc tế đang xếp hàng chờ. Chỉ riêng đoàn Việt Nam khỏi xếp hàng vì đã đưa tiền cho ba già!
Lăng Lênin lát đá cẩm thạch đen. Những bậc thang đen. Hình như bên ngoài người ta đã bỏ toán lính gác. Thi hài Lênin nằm trong lồng kính giống như một tượng bằng thạch cao. Trên tường đá đen lạnh lẽo có lát những phiến đá đỏ.
Có người to tiếng bên ngoài lăng. Một du khách Trung Quốc bị giữ lại để kiểm tra giấy tờ.
Nước Nga có một quá khứ huy hoàng, một nền nghệ thuật vĩ đại, một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhưng những cái vĩ đại ấy bây giờ bị nhốt trong một cơ chế chật hẹp, trong sự bảo thủ và nạn tham nhũng lan tràn.
Nước Nga giống như một con cá voi nằm trong ly nước. Nó ý thức được hoàn cảnh của mình, cũng như con cá lớn muốn vùng thoát khỏi ly nước để bơi ra biển nhưng bằng cách nào? Nếu vùng mạnh, cái ly sẽ vỡ nát và nó rơi xuống Quảng trường Đỏ, không đủ sức để trườn ra biển.
Một ngôi nhà tranh sẽ dễ dàng phá bỏ để xây dựng một cao ốc hiện đại, nhưng nước Nga lại là một lâu đài cũ kỹ rêu phong và có nhiều người ở, sinh con đẻ cái ở đó. Nếu đập ngôi nhà, những người đó sẽ ở đâu?
NGÀY 8 THÁNG 9 NĂM 2001
Tôi tặng cho ông già gác cổng mấy chai rượu Jinro Soju mua ở Seoul vì ông ta đã giúp đỡ tôi xách hành lý lên phòng khi tôi mới đến đây. Dường như trong phái đoàn Viêt Nam chỉ có mình tôi làm chuyện đó.
Ông ta trực ca sáng và tôi thường đến chơi với ông. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng những hình vẽ trên giấy và bằng cách ra dấu.
Quanh khu nhà khách có rất nhiều cây phong, bóng mát như rừng. Tôi hỏi ông vì sao có nhiều quạ đen đậu trên những cây phong đó. Ông nói rằng hôm qua có người vứt xác một con mèo chết dưới gốc cây và tụi quạ bu đến.
ĐÊM 11 THÁNG 9 NĂM 2001
Matxcơva khổng lồ với những đường phố rộng thênh thang và xe chạy vun vút không dứt. Một thành phố rất nhiều xe cũ và không có taxi nhưng bạn chỉ cần đưa tay đón là những chiếc xe ấy lập tức biến thành taxi.
Matxcơva đơn điệu với những bloc nhà khổng lồ màu gạch được xây hàng loạt giống hệt nhau, thỉnh thoảng mới gặp một ngôi biêt thự sơn màu ngọc bích viền trắng. Sự phối màu ấy sao chép từ quần thể các lâu đài Cung điện Mùa đông ở Saint Petersburg.
Nhưng nếu đi thuyền trên sông Matxcơva để ngắm nhìn thành phố, bạn sẽ gặp một thủ đô khác hẳn. Một DisneyLand khổng lồ với các nhà thờ mái củ hành vàng rực như những lâu đài trong truyện thần tiên. Những tháp chuông ngọc bích thấp thoáng phía sau cụm rừng bạch dương.
Trong bóng hoàng hôn, tất cả nhạt nhòa, lẩn khuất… Phố xá, đồi trọc, rừng cây…hòa quyện thành một phông màu tím than của khói sóng. Chỉ có nắng xế là cháy rực, ngời ngời trên những lâu đài nguy nga và những thánh đường diễm ảo. Người ta không còn thấy những lô nhô bận rộn của phố phường bối rối, của tiếng bánh xe rít trên đường phố. Chỉ là cái im lặng thanh thản của bầu trời xám mênh mông cùng mặt sông phẳng lặng.
Du thuyền đi trong bóng tối, ngân nga khúc nhạc quen thuộc.
Chiều thanh vắng là đây, âm thầm gió rì rào.
Nhưng cũng không còn tiếng rì rào nữa. Chỉ có tiếng bọt nước vỡ dưới mạn thuyền và ngàn mắt lấp lánh sắc vàng, tím, xanh của đèn trên bờ sông ngái ngủ.
Matxcơva mờ ảo đang thấm vào tâm hồn tôi bằng sự tan chảy rất chậm, rất nhẹ, rất ngây ngất của hoàng hôn.
Đi trên sông Matxcơva tôi gặp Pie Đại đế sừng sững như một trái núi. Ông là người anh hùng lớn của nước Nga, từng giả làm công nhân sang Thụy Điển để học nghề đóng tàu. Ông được ví như một Tần Thủy Hoàng của nước Nga, nhưng đó là sự ví von của một thằng khùng, bởi vì gã Doanh Chính kia chỉ là một sát thủ bần tiện đang thối rữa trong lịch sử.
Khoảng bảy giờ tối ngày 11 tháng 9 năm 2001 chiếc du thuyền nhỏ ghé bến. Người bạn đón một chiếc “taxi.”
Cánh cửa xe vừa đóng lại thì anh tài xế đã hỏi:
-Có biết gì không?
-Gì vậy?
-Bin Laden tấn công nước Mỹ!
-Lúc nào?
-Cách đây 5 tiếng đồng hồ.
Xe của anh ta lao đi như điên. Tất cả xe con của Matxcơva đều lao đi như điên.
-Hai chiêc Boeing đâm thẳng vào tòa nhà WTC ở New York. Cả hai đều sụm xuống như cái đèn xếp. Ba chục ngàn người chết.
-Ba chục ngàn sao? Anh bạn tôi hỏi và dịch lại cho tôi nghe.
-Thì cứ tính đi. Hàng ngày mỗi tòa nhà chứa khoảng mười lăm ngàn người vừa nhân viên vừa khách hàng.
-Chính xác vậy sao?
-Về nhà lẹ đi. Tôi cũng về nhà để coi tivi đây! Các ông ở đâu?
-Ở đại sứ quán Việt Nam.
°
Nơi căntin của nhà khách đông nghẹt người đang bu quanh một chiếc tivi màu 16 inches. Đoạn phim về hai chiếc máy bay đâm vào tòa nhà đang được chiếu đi chiếu lại. Tin tức nóng hổi đến độ người ta không có thì giờ dịch ra tiếng Nga, cứ để nguyên lời bình tiếng Anh. Người ta vừa uống bia vừa bàn tán về Bin Laden.
Trước đây có đôi lần tôi nghe nói về nhân vật này nhưng ông ta không gây ấn tượng với tôi. Ngờ đâu trên cái đất Nga xa lạ và lạnh lẽo này ông lại xuất hiện như một vụ nổ làm rạn nứt cả bầu trời và vỡ vụn trí tưởng tượng của tôi.
Bin Laden đã làm thay đổi nhận thức của tôi về thế giới, đã đập nát mọi hy vọng nhỏ nhoi còn sót lại trong tôi về loài người.
Ông đã phá tan mọi hệ thống triết học tư tưởng, vô hiệu hóa mọi niềm tin, làm cho các tôn giáo phải hoảng hốt. Bin Laden đã vứt mọi chuẩn mực đạo đức vào cống rãnh, xé nát bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ và Hiến chương Nhân quyền.
Bin Laden là ngọn gió lạnh buốt, cuồng nộ bay qua sa mạc hoang tàn, là đám mây hạch nhân trùm xuống nền văn minh dối trá mà xã hội Âu Mỹ đang tôn thờ.
Bin Laden một mình cầm thanh gươm man rợ đi gieo rắc cái chết kinh hoàng để xua đuổi, trong vô vọng, một thế lực hùng mạnh gấp triệu lần ông.
Và cũng trong buổi chiều ấy, Bin Laden đã làm sụp đổ tòa tháp WTC thứ ba của hành tinh này: đó là tôi.
Lạc Đường Lạc Đường - Đạo Hiếu Lạc Đường