Số lần đọc/download: 2081 / 60
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:01 +0700
Chương 24
B
a tuần sau, cha anh trở về nhà. Bác sĩ nói ông có thể xuất viện, chỉ cần đến khám ở khoa Điều trị ngoại trú. Mặc dù vẫn còn rất yếu, ông đã có thể khập khễnh được một chút nếu có nạng. Hai lần một tuần ông sẽ phải tới khu Vật lý trị liệu để luyện tập. Sau hôm xuất viện, cha anh bị cho nghỉ. Ông nhận được một lá thư tử tế từ ông chủ, bảo rằng công ty đánh giá cao sự đóng góp lâu dài và tận tụy của ông, chúc ông nhiều may mắn trong cuộc đời phía trước. Ông có thể được rút tiền hưu rồi.
Trở lại văn phòng, Kwang Meng không biết cảm giác mới mẻ này đến với anh từ lúc nào. Chắc đó là ngày hôm sau bữa cha anh nhập viện. Anh ngồi trên ghế, đột ngột thấy sợ hãi khủng khiếp. Nỗi kinh hoàng mới mẻ khiến bàn tay anh đầm đìa mồ hôi lạnh. Anh đột ngột nhận ra nó, giữa chừng đang làm một việc thường ngày, dù không có gì bất thường báo động. Nỗi sợ hãi mất việc. Đột ngột, anh nhận ra mình đang sợ mất việc. Từ trước đến giờ Kwang Meng luôn khinh khỉnh với công việc, không thấy hứng thú gì. Bây giờ anh rất sợ mất việc. Suy nghĩ ấy quất vào người anh với một nỗi tuyệt vọng anh chưa từng thấy bao giờ. Dần dà, anh nhận ra, có lẽ chính cảm giác ấy, nỗi sợ hãi khủng khiếp ấy khiến người ta trở thành những người nhỏ bé sợ hãi sau này: viên thư ký nhu nhược làm mãi một việc nhàm chán từ năm này sang năm khác. Anh cảm thấy đã chợt ngộ được điều đó, vì giờ đây có thể coi là anh đã trở thành một trong những người nhỏ bé sợ hãi ấy rồi. Bởi nếu anh mất việc bây giờ, gia đình anh sẽ ra sao? Nghĩ đến chuyện đó, anh càng khiếp sợ.
Từ lúc cha ốm và không làm việc được, chân trời của anh cũng thu hẹp hơn. Anh chỉ có thể đi đến công sở và về nhà, đến công sở và về nhà. Buổi tối anh không đi chơi nữa, không uống rượu bia nữa. Những cuốn sách mượn từ Boon Teik anh cũng không đọc nữa. Anh đã mất khả năng tập trung, mất cả hứng thú với sách vở. Anh chỉ dám cho mình một thú vui xa xỉ: hút thuốc lá. Và ngay cả thuốc, anh cũng thấy mình hút ít dần, và hút mãi cho đến khi thuốc đã cùng kiệt, đến khi tàn lửa trở nên nóng quá không cầm được nữa. Một điếu thuốc giờ đây là cả một sự xa xỉ, cũng lại quý giá quá chừng.
Một tối, Anne đến thăm nhà anh. Đó là lần đầu tiên nàng đến đây. Kwang Meng thấy ngượng ngập vô cùng, anh bèn dẫn nàng ra ngoài đi dạo ngay.
“Sao anh không nói gì với em chuyện cha anh ngã bệnh hả Meng?” nàng hỏi.
“Anh không biết. Cứ rối tung lên ấy, có lẽ là thế. Anh xin lỗi.”
“Em lo lắng lắm. Anh không đến gặp em, nên em nghi là có chuyện gì xảy ra.”
“Anh xin lỗi.”
“Đừng lo, Meng,” nàng mỉm cười. “Bây giờ em hiểu rồi. Em rất tiếc chuyện của cha anh. Em hiểu chuyện đó rất ảnh hưởng tới mọi người.”
Họ đi bộ cùng nhau, băng qua cụm cây già, băng qua những người hàng xóm đang đi dạo buổi tối. Kwang Meng gật đầu chào vài người trong số họ. Họ gật đầu chào lại. Hai người không đi xa. Chỉ đến đường chính. Ở đây không có gì thú vị để đi dạo chơi. Nhưng họ không muốn đi bất cứ đâu.
“Anh lặng lẽ quá, Meng à,” nàng nói sau một lúc lâu.
“Phải vậy sao? Anh xin lỗi.”
“Anh đang nghĩ gì thế?”
“Nghĩ gì ư? Không có gì cả. Anh chẳng nghĩ gì cả.”
“Anh buồn phiền vì chuyện xảy ra với cha lắm phải không, Meng?”
Anh không trả lời.
“Chuyện đó hẳn đau đớn lắm. Em thấy tiếc cho anh quá, Meng à. Cả gia đình anh nữa.”
Suýt chút nữa anh đã nói cảm ơn. Nhưng quyết định đó không phải là điều phù hợp, anh chỉ lặng yên.
“Cha anh thế nào rồi, Meng?”
“Ông ấy khá hơn rồi,” anh trả lời, rồi nói thêm. “Cha vẫn còn sống.”
“Bác có đi được không?”
“Cha khập khễnh đi được. Phải dùng nạng.”
“Anh nghĩ sao, liệu tình trạng của bác có khá hơn không?”
“Anh không biết.”
“Bác khổ quá. Dùng nạng thật là khổ quá.”
“Anh không biết,” anh trả lời.
Đi xa hơn, họ nhìn thấy xác của một con chó nằm giữa đường. Chắc hẳn một cái xe hơi hay xe buýt đã tông phải nó, và đúng lúc ấy, lại có cái xe hơi vụt qua cán lên xác chết, phát ra âm thanh gãy vụn nghe thật kinh tởm. Ruột gan con chó trải ra trên mặt đường nhựa như dây xúc xích. Ruồi nhặng vây lấy cái xác thành một đám mây đen ngòm, rúc rỉa chỗ da thịt lộ ra. Họ vội vã quay lại.
Ở ngã tư nơi đường lớn giao với đường về nhà anh, họ dừng lại.
“Anh muốn sang chơi nhà Boon Teik và Mei-I với em không?”
“Không được, Anne, anh xin lỗi.”
“Không cần xin lỗi đâu,” Anne nói. “Em nghĩ em nên về nhà vậy.”
Kwang Meng im lặng.
“Gặp anh sau nhé.”
“Ừ.”
“Anh đừng lo lắng nhiều nhé, Meng.”
“Ừ.”
“Và đừng buồn rầu quá, được không anh?”
“Ừ.”
“Tạm biệt vậy,” nàng nói, đưa tay chạm nhẹ khuỷu tay anh.
“Tạm biệt em.”
“Tạm biệt.”
“Tạm biệt.”
Hôm đó, cậu Cheong tới ăn tối. Họ lặng lẽ ăn, không nói gì mấy. Gần như là cảm giác yên bình. Sau đó, khi uống cà phê, cậu Cheong nói là chính. Cậu hỏi han đủ thứ. Và hỏi cậu có giúp được gì không. Đó là lần đầu tiên Kwang Meng thấy chán ông cậu của mình. Kwang Meng hiểu cậu thực lòng muốn giúp, và cũng hiểu sau đó cậu sẽ thở dài nói cậu phải chăm lo cho gia đình mình, nếu không cậu sẽ giúp được nhiều hơn. Đáng lẽ cậu phải nói rằng cho hai gia đình chứ. Kwang Meng thầm nhớ lại gia đình đôi của ông cậu. Hai bà vợ, mỗi bà sáu đứa con. Đạo đức giả, Kwang Meng rủa thầm trong lòng, rồi lại thấy xấu hổ. Anh biết cậu có ý tốt. Anh biết chắc chắn nếu cha anh mất, cậu sẽ gom tiền giúp họ thực sự. Khi cậu Cheong đang nói chuyện, Kwang Meng trao đổi ánh mắt với cha anh. Hai người đều suýt mỉm cười, như người này hiểu thấu điều người kia đang nghĩ.
Khi cậu anh rời đi, Kwang Meng bỏ ra ban công châm một điếu thuốc quý giá. Cậu anh khiến anh tuyệt vọng. Sao người ta không để họ yên? Chuyện này đáng lẽ nên giữ trong nhà, là chuyện riêng tư mới phải.
Anh ngạc nhiên khi ngẩng đầu nhìn thấy trăng gần tròn hẳn. Kwang Meng ngước mặt trông ra ngoài ban công, qua những dãy nhà chung cư trước mặt để thấy ánh sáng rực rỡ phía chân trời của hàng ngàn ngọn đèn thành phố, và nhìn sang khu lân cận có khối nhà y hệt xếp kế khối nhà anh, đứng đó in bóng lên quầng sáng bạc chói lòa.
Anh nghe tiếng lạch cạch phía sau và thấy cha đã bước ra ban công cùng mình. Anh nhìn gương mặt gầy khắc khổ của cha với đôi mắt mềm yếu lạ lùng của những người đang ốm. Một nụ cười buồn phảng phất trên môi ông.
“Trăng đẹp quá,” cha anh bình luận.
“Dạ, thưa cha.”
“Sao con không ra ngoài chơi đi,” cha anh dịu dàng bảo.
“Con chẳng muốn đi đâu cả.”
“Luôn có chỗ nào để đi chứ, con còn trẻ mà,” cha anh mỉm cười.
“Không, không có chỗ nào để đi cả đâu cha,” anh đáp.
“Dạo này con cứ thui thủi ở nhà hoài vậy. Phải ra ngoài chơi đi chứ. Từ hồi cha bị ốm tới giờ, con không đi chơi nữa. Con chắc là nhớ bạn bè lắm.”
“Không, cha à, con ổn cả, ổn thật đấy.”
“Đừng có cãi. Con còn trẻ, Meng à. Phải ra ngoài chơi đi. Đừng để chuyện của cha làm hỏng đời con.”
“Cha à, đừng nói thế mà.”
“Thật mà, cha làm hỏng đời con.”
“Không có đâu.”
“Có, cha biết mà. Cha xin lỗi nghe Meng. Xin lỗi đời con khổ như thế này tất cả là tại cha.”
“Cha ơi, làm ơn đừng nói vậy nữa.”
“Cha phải nói thật. Cha chưa từng thẳng thắn nói chuyện với con, vì khó nói quá.”
“Con hiểu mà.”
“Phải, con hiểu chứ,” cha anh nói, nhìn anh chăm chăm.
Ánh nhìn ấy làm Kwang Meng thấy bất an. Rồi nghe tiếng cha anh lục lọi trong túi quần.
“Này Meng. Lấy tiền này ra ngoài chơi tối nay đi.” Cha anh nhét một tờ mười đô vào tay anh.
“Không, cha ơi.”
“Nào, lấy đi.”
“Không, cha ơi. Con không muốn thế. Con không cần thế.”
“Lấy đi cho cha vui,” cha anh nói, thấp giọng gần như van xin. Rồi ông nắm lấy cánh tay Kwang Meng, thật chặt, chỉ trong một tích tắc ngắn ngủi, rồi khập khiễng chống nạng vào nhà.
Khi đi xuống đường chính, Kwang Meng tiến lại gần cụm cây, và ngồi đó trong bóng tối, anh bật khóc. Khóc nức nở. Đấy là lần đầu tiên trong đời anh thực sự khóc. Nước mắt trẻ thơ chỉ là nước mắt trẻ thơ. Đây gần như là nước mắt của một người đàn ông. Anh khóc cho tất cả những gì đã qua, và những gì sắp tới.
Với mười đô trong túi, Kwang Meng đi đến Happy Bar. Anh uống rượu, nhìn đám thủy thủ nhảy với mấy cô tiếp viên, nghe cô gái với đôi mắt cháy rực hát, và cả bản thể anh hình như cũng rộn ràng theo nhịp trống điên cuồng.
Sau đó, sau đó rất lâu, anh bước tới bên ngoài Esplanade, Esplanade của anh. Những chuyến tàu đêm của anh, giờ thì là những chuyến tàu khuya, vẫn còn sáng đèn. Nhưng chúng không vẫy gọi nữa. Không. Anh sẽ không đi. Anh không đi. Anh chỉ về nhà thôi. Đột ngột, có ai đó gọi anh. Anh không hiểu gì cả.
“Xin lỗi, cậu thanh niên ơi.”
Đó là một phụ nữ người Anh lớn tuổi, một du khách.
“Xin lỗi cậu ơi, cậu chỉ giùm tôi đường tới khách sạn Raffles được không?”
Kwang Meng không hiểu gì cả.
Đột ngột anh trả lời: “Vâng, thưa bà, tôi sẽ đi nhanh hết sức.” Rồi bỏ đi.
Người du khách lớn tuổi nhìn dáng hình đang biến vào bóng tối kia, lắc đầu bối rối.
Tháng Mười, 1968