Books are embalmed minds.

Bovee

 
 
 
 
 
Tác giả: Edgar Wallace
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Phan Linh Lan
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 240 / 24
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25 - Một Người Bảo Trợ Từ Thiện
hu nhân Sybil Crotin không phải là một phụ nữ được nhiều người yêu quý. Bà ý thức được rằng mình đã kết hôn với một người thấp kém hơn, gần đây bà càng nhận thức rõ cuộc hôn nhân này là không cần thiết, và bà trở nên chua chát. Bà không bao giờ có thể giao lưu với những người vợ đơn giản của các triệu phú địa phương; bà biểu lộ cảm giác kinh hoàng về sự thô lậu bủa vây mình; bà ghét bỏ và ghê tởm ngôi nhà lòe loẹt của ông chồng, bà mô tả nó như một thứ lai tạp giữa một lâu đài phong kiến và một rạp chiếu phim; bà công khai coi thường bạn bè và những nữ thân nhân của chồng mình.
Bà kiên quyết sống cách xa Yorkshire ít nhất sáu tháng một năm, và trở lại với vẻ phản kháng số phận biểu lộ rõ ràng trên khuôn mặt.
Một phụ nữ gầy gò, góc cạnh, với đôi mắt xanh nhạt và đôi môi mỏng, mím chặt, bà chưa bao giờ có vẻ xinh đẹp, nhưng năm, sáu năm trong một môi trường thiếu thân thiện đã khiến bà khô cứng và suy tàn. Chuyện rằng chồng bà sùng bái bà và không bao giờ nói về bà mà không dùng giọng tôn sùng là điều ai cũng biết và là chủ đề cợt nhả ưa thích của dân địa phương; chuyện bà đánh giá ông ta với sự khinh miệt và cáu giận, cũng được nhiều người biết.
Căn cứ vào tình trạng mất lòng dân của phu nhân Sybil Crotin, có lẽ việc để bà chịu trách nhiệm cho việc gây quỹ của bệnh viện phụ nữ địa phương là một sai lầm. Nhưng bà có cảm tưởng rằng tên tuổi và địa vị của mình sẽ tạo ra một phép thuật vượt qua những gì bà coi là tính nhút nhát, nhưng thực tế trần trụi chính là sự ghét bỏ xóm giềng của bà. Danh sách đăng ký mà bà lập ra có vẻ thưa thớt và không hứa hẹn gì nhiều. Bà gặp khó khăn chưa từng thấy trong việc tìm người giúp đỡ cho hội chợ, và bà biết rõ, mặc dù nó do một nữ công tước tổ chức, thì vẫn sẽ là một thất bại, ngay từ ngày đầu tiên.
Nếu bản thân bà đã đóng góp hào phóng cho quỹ của hội chợ, thì có thể có một tia hy vọng; nhưng bà khá keo kiệt, và hội trường lớn, ảm đạm mà bà chọn làm địa điểm vì giá rẻ, không phù hợp với những trò giải trí mà bà tài trợ.
Vào buổi chiều của ngày thứ hai, phu nhân Sybil đeo găng tay, nhìn chồng với ánh mắt thiếu thân thiện trong khi ông ngồi ăn trưa.
“Không hơn gì điều tôi chờ đợi,” bà cay đắng nói. “Tôi thật ngốc khi khơi mào chuyện này - đây là lần cuối cùng tôi thử giúp đỡ các tổ chức từ thiện địa phương.”
Ông Crotin lúng túng xoa cái đầu hói.
“Họ sẽ tới,” ông nói đầy hy vọng, về những người bảo trợ mà sự vắng mặt của họ là nguyên nhân gây nên sự bực bội cho phu nhân Sybil. “Họ sẽ đến khi nghe nói cuộc trình diễn tốt đẹp. Và nếu họ không đến, Syb, chính anh sẽ đi cùng em và bỏ ra vài trăm bảng.”
“Anh sẽ không làm những chuyện như vậy,” bà gắt gỏng. “Và làm ơn bỏ ngay thói quen lố bịch cắt bỏ tên tôi xuống còn một âm tiết. Nếu người dân trong thị trấn không thể giúp một tay tạo nên bệnh viện của họ, thì họ không xứng đáng có một bệnh viện. Tôi đảm bảo sẽ không cho phép anh lãng phí tiền của chúng ta vào loại chuyện vô nghĩa đó.”
“Cứ làm theo cách em muốn, em yêu,” ông Crotin hiền lành nói.
“Hơn nữa,” bà nói, “cả thị trấn sẽ kháo nhau rằng đó là tiền của anh đổ vào, và những con người ghê tởm đó sẽ cười nhạo tôi.”
Bà cài xong nút găng tay và chăm chú nhìn ông.
“Chuyện gì xảy ra với anh vậy, John?” Bà bất ngờ hỏi, và ông gần như nhảy dựng lên.
“Với anh ư, em yêu?” Ông nói và nỗ lực nở một nụ cười. “Sao vậy? Anh không có vấn đề gì. Có chuyện gì được chứ?”
“Gần đây, anh rất kỳ lạ, từ khi ở London về.”
“Hình như anh đã ăn phải thứ gì đó khó tiêu,” ông nói vẻ bất an. “Anh không biết rằng mình thay đổi.”
“Mọi chuyện tại nhà máy vẫn ổn chứ?” Bà hỏi.
“Tại các nhà máy? Ồ, phải, rất ổn,” ông nói. “Anh ước mọi chuyện đều ổn như bọn chúng.”
“Như thế,” bà sửa lại.
“Như thế,” ông Crotin nhún nhường.
“Có điều gì đó không ổn,” bà lắc đầu nói, và ông Crotin thấy mặt mình trắng bệch. “Tôi sẽ phải nói chuyện với anh sau khi gạt bỏ vụ hội chợ đáng ghét này ra khỏi đầu,” bà nói thêm, và với cái gật đầu, bà bỏ ông lại.
Ông đi đến cửa sổ phòng ăn và nhìn chiếc xe của bà biến mất nơi góc đường, rồi thở dài quay trở lại với món tráng miệng.
Khi Đại tá Dan Boundary phỏng đoán rằng nạn nhân không may trong vụ tống tiền của mình sẽ lo lắng, ông ta đã đoán không sai. Crotin đã trải qua nhiều đêm mất ngủ từ khi trở về từ London, những đêm đầy kinh hoàng khiến ông suy sụp thành một đống bèo nhèo trước nỗi sợ hãi những ngày sắp tới. Ông sống suốt thời gian đó trong bóng tối của sự báo thù công chính và phóng đại hiểm họa lơ lửng tiên đầu đến mức độ đáng kinh ngạc. Có lẽ chính dự đoán về những điều vợ ông sẽ nói khiến ông trải qua sự khốn khổ cay đắng nhất.
Ông cũng bí mật uống rượu, vài ngụm nhỏ lúc này, lúc khác, cả trong phòng ăn và thư viện. Cuộc sống đã mất đi hương vị của nó, và một nỗi khổ sở mới được thêm vào với nhận thức rằng vợ ông đã nhận ra sự thay đổi. Ông đến văn phòng và dành buổi chiều u ám dạo quanh nhà máy, trở lại sớm hơn mọi khi khoảng một giờ. Ông không đủ can đảm gọi điện đến hội chợ, và rầu rĩ suy đoán về số tiền quyên được trong buổi chiều.
Vì vậy, ông thấy sung sướng khi nghe giọng vợ mình qua điện thoại đã vui vẻ hơn giọng mà ông đã nghe nhiều tháng qua.
“Có phải anh không, John?” Bà gần như lịch sự. “Tôi sẽ đưa một người về nhà ăn tối. Anh bảo với Phillips nhé?”
“Được rồi, em yêu,” ông Crotin háo hức.
Ông rất hài lòng được gặp vài khuôn mặt mới, đó hẳn là một gương mặt mới, theo như ông đoán qua giọng điệu vui vẻ của phu nhân Sybil.
“Đó là ông de Silva. Anh đã bao giờ gặp ông ta chưa?”
“Chưa, em yêu, anh chưa gặp. Ông ta là ngườu nước ngoài ư?”
“Đó là một quý ông Bồ Đào Nha,” vợ ông nói. “Hữu ích và hào phóng nhất.”
“Đưa ông ta về đây,” Crotin nói một cách chân thành. “Anh sẽ rất vui khi gặp ông ta. Hội chợ thế nào, em yêu? “
“Thực sự rất tốt,” bà trả lời. “Rất tuyệt vời, thực ra là nhờ ông de Silva.”
Khi vợ ông trở lại, John Crotin đang thay quần áo và phải nửa giờ sau, ông mới gặp Pinto Silva lần đầu. Pinto là một quý ông ăn mặc đẹp và có vẻ khá giả.
John Crotin nghĩ rằng anh ta là người có tính cách ấn tượng nhất ông từng gặp, khi anh ta bước vào phòng khách và nắm lấy bàn tay mập mạp của ông chủ nhà máy len.
“Đây là ông de Silva,” vợ ông, đang đợi đón khách, nói. “Như em đã nói với anh, John, ông de Silva rất tử tế. Tôi không biết ông sẽ làm gì với tất cả những thứ đã mua,” bà nói thêm với anh chàng người Bồ Đào Nha và Pinto nhún vai.
“Cho đi,” anh ta nói. “Ví dụ, rất nhiều phụ nữ nghèo ở nông thôn sẽ sung sướng với chỗ vải lanh tôi mua.”
Lúc này, bữa tối được thông báo và anh ta đưa phu nhân Sybil vào bàn. Bữa ăn gần kết thúc khi bà gợi lại câu hỏi về việc xử lý các món hàng anh ta đã mua.
“Ông rất quan tâm đến các tổ chức từ thiện, ông de Silva?”
Pinto nghiêng đầu.
“Cả ở đây và Bồ Đào Nha, tôi rất quan tâm đến phúc lợi của người nghèo,” anh ta nói trang trọng.
“Điều đó rất tốt,” ông Crotin gật đầu tán thành. “Tôi biết những người nghèo phải chịu đựng những gì. Tôi từng là một trong số họ…”
Vợ ông khiến ông im lặng bằng một ánh nhìn.
“Có những trường hợp tôi nhận thức được và quan tâm,” Pinto tiếp tục. “Hiện nay, tôi cũng biết một hoặc hai nơi, những món hàng này sẽ khiến nhiều phụ nữ vui mừng. Ví dụ,” anh ta nói, “hôm trước tôi đã tình cờ nghe chuyện về một phụ nữ nghèo ở xứ Wales bị chồng bỏ rơi.”
Ông Crotin đã đưa nĩa của mình nửa đường lên miệng, nhưng lại đặt nó xuống.
“Cá nhân tôi không biết nhiều về vụ này,” Pinto lơ đễnh nói, “nhưng hoàn cảnh ấy do một người bạn lưu ý. Tôi nghĩ những người như vậy phải chịu đựng nhiều hơn chúng ta tưởng. Và tôi sẽ cho bà biết một bí mật, phu nhân Sybil,” anh ta nói đầy ấn tượng. Anh ta không nhìn Crotin mà tiếp tục, “Một vài người bạn của tôi đang nghĩ đến việc mua một nhà máy.”
“Một nhà máy len?” Bà nhướng mày nói.
“Một nhà máy len!” Anh ta lặp lại.
“Nhưng tại sao?” Bà hỏi.
“Chúng tôi muốn may quần áo và chăn từ thiện cho người nghèo. Chúng tôi cảm thấy, nếu làm việc này trên cơ sở hợp tác, chúng tôi có thể sản xuất những mặt hàng rẻ hơn, tất nhiên, với điều kiện là mua được một nhà máy với giá hợp lý.”
Lần đầu tiên anh ta nhìn Crotin, và khuôn mặt ông trắng nhọt như ma.
“Thật là một ý tưởng kỳ quặc!” Phu nhân Sybil nói. “Một nhà máy tốt sẽ tốn của ông rất nhiều tiền.”
“Chúng tôi không nghĩ vậy,” Pinto nói. “Thực ra thì, chúng tôi hy vọng sẽ mua được với mức giá tốt. Đó là mục đích của tôi khi đến Yorkshire, tôi có thể nói với bà; và tôi chỉ tình cờ thấy quảng cáo cho hội chợ của bà và ghé vào.”
“Một sự tình cờ may mắn cho tôi,” phu nhân Sybil nói.
Đôi mắt Crotin cắm xuống đĩa, và ông không dám nhìn lên.
“Tôi nghĩ rằng quá hào phóng với người nghèo là một sai lầm lớn,” phu nhân Sybil lắc đầu nói. “Những người phụ nữ này rất hiếm khi biết ơn.”
“Tôi nhận ra điều đó,” Pinto nghiêm túc nói. “Nhưng tôi không tìm kiếm lòng biết ơn của họ. Chúng tôi thấy rằng nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh khủng khiếp không do lỗi của họ. Ví dụ, người phụ nữ ở Wales, được cho là đã bị chồng bỏ rơi - quả thực, là một trường hợp tồi tệ.”
Phu nhân Sybil rất quan tâm.
“Chúng tôi đã tìm hiểu,” Pinto nói chậm rãi và gây ấn tượng, “rằng người đàn ông đó bỏ rơi vợ, đã tái hôn và chiếm vị trí rất quan trọng tại một thị trấn phía Bắc nước Anh.”
Ông Crotin làm rơi con dao loảng xoảng và lầm bầm xin lỗi khi nhặt nó lên.
“Thật kinh khủng!” Phu nhân Sybil nói. “Quả là một chuyện gây sốc! Người đàn ông đó nên bị tố cáo. Ông ta không xứng giao du với con người. Ông không thể làm gì để trừng phạt ông ta ư?”
“Chuyện đó,” Silva nói, “có thể thực hiện, nhưng sẽ rất bất hạnh cho người vợ hiện tại của ông ta, cô ấy không biết gì về sự phản bội của chồng mình.”
“Tốt hơn cô ấy nên biết,” nhà hoạt động xã hội Sybil nói. “Tôi nghĩ rằng ông ta rất sai lầm khi giấu cô ấy chuyện này.”
Ông Crotin lảo đảo đứng dậy và bà vợ nhìn ông vẻ nghi ngờ.
“Anh cảm thấy không khỏe à, John?” Bà cộc cằn hỏi.
Không phải lần đầu tiên bà thấy bàn tay của chồng mình run lẩy bẩy và đoán được chính xác nguyên nhân, nhưng lúc này phỏng đoán của bà không đúng, vì John Crotin chưa uống ly nào tối hôm đó.
“Anh sẽ vào thư viện, nếu em bỏ qua, em yêu,” ông nói. “Có lẽ, ông… ông Silva sẽ đi cùng anh. Anh… anh muốn nói với ông ấy về vấn đề nhà máy len.”
Pinto gật đầu.
“Vậy hai người đi đi,” phu nhân Sybil nói, “và khi nói chuyện xong, hãy quay lại chỗ tôi, ông de Silva. Tôi muốn hỏi vài điều về các tổ chức từ thiện của ông ở Bồ Đào Nha.”
Pinto đi theo người kia cách một đoạn, đóng cánh cửa lại sau lưng.
Thư viện của ông Crotin là phòng thoải mái nhất trong nhà. Nó được thắp sáng bởi các cửa sổ Pháp mở ra một hàng hiên nhỏ. Rèm cửa nhung dài màu đỏ được khép lại, và ngọn lửa nhỏ lách tách trong lò sưởi.
Khi cánh cửa đóng lại, Crotin quay sang vị khách.
“Giờ thì, đồ chết tiệt,” ông nói gay gắt, “đề nghị của các người là gì? Cho tôi một con số hợp lý và tôi sẽ trả gấp ba.”
Kẻ Hành Pháp Kẻ Hành Pháp - Edgar Wallace Kẻ Hành Pháp